Hai chữ nước nhà – Trần Tuấn Khải - Ngữ văn lớp 8 - Nội dung, tác giả, tác phẩm

Tải xuống 2 3.3 K 8

Tài liệu nội dung chính bài Hai chữ nước nhà Ngữ văn lớp 8 gồm 2 trang đầy đủ bố cục, tóm tắt, phương thức biểu đạt, thể loại, ngôi kể, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật giúp học sinh nắm được những nét chính của văn bản.

Hai chữ nước nhà (trích)Hai chữ nước nhà – Ngữ văn lớp 8 (ảnh 1)

Tìm hiểu chung về văn bản:

1. Bài thơ Hai chữ nước nhà

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dặm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:

Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!

Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau…
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con

Con nên nhớ tổ tông khi trước
Đã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây

Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi

Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy

Coi lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?

Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng

Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non

Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quý mà nguôi tấc lòng

Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục;
Thân tự do chiên chúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời

Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đọa tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?

Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!

Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!

Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi! con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên

Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!

Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với vương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu

Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân xẻ với san hà
Tượng đồng bia đá hoạ là cam công

Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch màu tanh
Làm cho đất rộng trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!

Nghĩa vụ đó con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất lạ gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già

Con ơi! Hai chữ nước nhà!

2. Đôi nét về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

- Trần Tuấn Khải (1895 - 1983) bút hiệu là Á Nam.

- Ông quê ở Quang Xán, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

- Trần Tuấn Khải thường mượn những đề tài lịch sử hoặc biểu tượng nghệ thuật bóng gió để bộc lộ nỗi đau mất nước, nỗi căm giận bọn cướp nước và bè lũ tay sai. Đồng thời qua đó khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân, bày tỏ niềm khát vọng tự do, độc lập cho dân tộc.

- Các tác phẩm chính: Tập thơ Duyên nợ phù sinh I, II (1921 và 1923), Bút quan hoài I, II (1924 và 1927), Với sơn hà I, II (1936 và 1949)...

2. Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

- Là bài thơ mở đầu của tập Bút quan hoài I (1924).

- Bài thơ được lấy đề tài lịch sử vào thời quân Minh xâm lược nước ta: Ông Nguyễn Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi) bị giặc bắt đem sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi đi theo nhưng đến biên giới, Nguyễn Phi Khanh khuyên con nên trở về tính chuyện trả thù nhà, đền nợ nước.

3. Bố cục: 3 phần.

- Phần 1 (8 câu đầu): Tâm trạng của người cha trong cảnh ngộ éo le, đau đớn.

- Phần 2 (20 câu tiếp): Cảnh đất nước trong nỗi đau thương, tang tóc.

- Phần 3 (8 câu cuối): Lời than về thế bất lực của người cha và lời trao gửi cho con.

4. Nội dung chính: Hai chữ nước nhà có thể nói là một bài tuyên truyền yêu nước, kêu gọi cứu nước, không khác là mấy so với những áng thơ yêu nước cách mạng. Bài thơ mượn lời của Nguyễn Phi Khanh nói với con là Nguyễn Trãi, tác giả bày tỏ và khơi gợi nhiệt huyết yêu nước của người Việt Nam trong hoàn cảnh nước mất nhà tan.

5. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm, tự sự.

6. Thể thơ: Song thất lục bát

7. Giá trị nội dung: Qua đoạn trích Hai chữ nước nhà tác giả đã mượn một câu chuyện lịch sử có sức gợi cảm vô cùng lớn để bộc lộ được tình cảm mãnh liệt với đất nước khích lệ lòng yêu nước của đồng bào dân tộc.

8. Giá trị nghệ thuật: Bài thơ sử dụng thành công thể thơ song thất lục bát. Giọng điệu da diết thông thiết và có sức gợi cảm mạnh mẽ.

Tài liệu có 2 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống