[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề)

Tải xuống 34 1.5 K 7

Tài liệu Bộ đề thi Ngữ Văn lớp 7 học kì 1 có đáp án năm 2021 gồm 10 đề thi tổng hợp từ đề thi môn Ngữ Văn của các trường THCS trên cả nước đã được biên soạn đáp án chi tiết giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi học kì 1 Ngữ Văn lớp 7. Mời các bạn cùng đón xem:

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU: (3đ)

   Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:

Nhìn bàn tay mảnh mai của em dịu dàng đưa mũi kim thoăn thoắt,không hiểu sao tôi thấy ân hận quá. Lâu nay, mải vui chơi bè bạn,chẳng lúc nào tôi chú ý đến em...Từ đấy, chiều nào tôi cũng đi đón em. Chúng tôi nắm tay nhau vừa đi vừa nói chuyện.

Vậy mà giờ đây,anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời, đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi .

(“Cuộc chia tay của những con búp bê” –Khánh Hoài)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là gì?  (1đ)

Câu 2. Nêu nội dung của đoạn trích bằng một câu văn.(1đ)

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong những câu văn sau:

Vậy mà giờ đây,anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời, đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi. ”(1đ)

 II: PHẦN TẬP LÀM VĂN (7đ)

Câu 1: (2đ) Từ nội dung đoạn trích, em hãy viết đoạn văn ngắn thể hiện niềm vui của mình khi  được sống trong tình yêu thương của gia đình.

Câu 2: (5đ)  Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) (ảnh 1)

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích : tự sự

Câu 2. Nội dung của đoạn trích: Tình cảm yêu thương gắn bó, không muốn xa cách của hai anh em Thành và Thủy

Câu 3. Tác dụng: Nhấn mạnh suy nghĩ đau đớn của người anh với một điều sắp xảy ra: sự chia lìa  của  hai anh em; đồng thời thể hiện sự mong muốn sống bên nhau mãi mãi của hai anh em Thành và Thủy.

 II. PHẦN TẬP LÀM VĂN

Câu 1:

a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn.

b. Xác định đúng vấn đề : bày tỏ tình yêu  niềm hạnh phúc  của em khi  hưởng tình yêu thương của gia đình.

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: Vận dụng tốt các phương thức biểu đạt. Có thể viết đoạn văn theo ý sau:

Niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời của mỗi người là có gia đình: cha mẹ và người thân bên cạnh chúng ta. Niềm vui sướng khi được hưởng tình yêu thương của cha mẹ, được sống trong mái ấm gia đình được đi học, được cha mẹ quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ...

- Kể một số việc làm và hành động của em thể hiện tình yêu với cha mẹ: giúp đỡ cha mẹ làm công việc nhà, chăm sóc những lúc cha mẹ mệt hoặc ốm đau; tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách,…

- Ai còn cha mẹ xin đừng làm cha mẹ khóc vì với riêng bản thân em, cha mẹ là điều tuyệt vời nhất và là niềm hạnh phúc to lớn nhất mà em có được.

Câu 2:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời.

- Cảm xúc, ấn tượng chung về bài thơ.

2. Thân bài:

Nêu cảm nghĩ cụ thể về:

a. Cảm nghĩ về cảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng:

- Âm thanh tiếng suối trong bài thơ được gợi ra thật mới mẻ bằng nghệ thuật so sánh độc đáo.

- Điệp từ "lồng" được nhắc lại hai lần. Hình ảnh trăng, hoa, cổ thụ quấn quýt, sinh động, tươi tắn gần gũi, hòa quyện như đưa người đọc vào thế giới lung linh huyền ảo...

b. Cảm nghĩ về vẻ đẹp tâm hồn Bác:

- Điệp ngữ "chưa ngủ" vừa khẳng định lại vẻ đẹp của đêm trăng (tình yêu thiên nhiên của Bác), vừa nói được nỗi lo lắng cho vận mệnh dân tộc của Bác (tình yêu đất nước)

- Liên hệ cuộc đời nhà thơ, hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp thời kì đầu còn nhiều khó khăn, gian khổ để thấy rõ tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Bác.

- Cảm xúc về hình ảnh Hồ Chí Minh: khâm phục, yêu quí, biết ơn, tự hào... về vị lãnh tụ Cách mạng Việt Nam.

3. Kết bài: Khẳng định tình cảm với bài thơ, với nhà thơ hoặc khái quát giá trị, sức sống của bài thơ...

 

………………………..

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm)

Thí sinh chọn chữ cái chỉ kết quả mà em chọn là đúng và ghi vào tờ giấy làm bài.

Câu 1: “Văn bản thể hiện tấm lòng, tình cảm của người mẹ đối với con, đồng thời nêu lên vai trò to lớn của nhà trường đối với cuộc sống của mỗi con người.” là ý nghĩa của văn bản nào sau đây?

A. Cổng trường mở ra –Lí lan

B. Mẹ tôi – Ét-môn- đô đơ A-mi-xi

C. Cuộc chia tay của những con búp bê –Khánh Hoài

D. Mùa xuân của tôi – Vũ Bằng

Câu 2:

Thân em như trái bần trôi,

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.

là bài ca dao thuộc chủ đề nào trong số các chủ đề sau đây?

A. Những câu hát về tình cảm gia đình

B. Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

C. Những câu hát than thân

D. Những câu hát châm biếm

Câu 3: Bài thơ nào sau đây được viết bằng thể ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật? 

A. Sông núi nước Nam

C. Bánh trôi nước

B. Phò giá về kinh

D. Qua Đèo Ngang

Câu 4: Trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, dòng thơ nào có sử dụng thành ngữ?

A. Thân em vừa trắng lại vừa tròn

C. Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

B. Bảy nổi ba chìm với nước non

D. Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Câu 5: Câu thơ nào trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan có sử dụng phép chơi chữ?

A. Lom khom dưới núi, tiều vài chú

C.  Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc

B. Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

D. Dừng chân đứng lại, trời, non, nước

Câu 6: Tác giả nào sau đây có tên là Tam Nguyên Yên Đổ?

A. Bà Huyện Thanh Quan

C.  Hồ Xuân Hương

B. Trần Quang Khải

D.  Nguyễn Khuyến

Câu 7: Bài thơ nào sau đây được sáng tác trong thời Đường (Trung Quốc)?

A. Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

B. Sông núi nước Nam

C.  Bạn đến chơi nhà

D.  Rằm tháng giêng

Câu 8: Dòng nào là đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh?

A. Có nhiều hình ảnh lung linh, kì ảo

B. Sử dụng biện pháp so sánh, phóng đại 

C.Sử dụng hiệu quả phép điệp ngữ

D.Có giọng điệu sảng khoái, hân hoan, tự hào

Câu 9: Dòng nào sau đây có chứa từ ghép?

A. xinh xinh, đo đỏ, lung linh    

B. nhấp nhô, phập phồng, máu mủ 

C.  thăm thẳm, lác đác, bập bềnh

D. xấu xí, nhẹ nhàng, tan tành

Câu 10: Từ “họ” thuộc loại đại từ nào sau đây?

A. đại từ trỏ người ngôi thứ nhất số ít

B. đại từ trỏ người ngôi thứ nhất số nhiều

C.  đại từ trỏ người ngôi thứ hai số nhiều               

D.  đại từ trỏ người ngôi thứ ba số nhiều                

Câu 11: Dòng nào sau đây dùng quan hệ từ không thích hợp về nghĩa ?

A. Đừng nên nhìn hình thức mà đánh giá kẻ khác.               

B. Nhà em ở xa trường và bao giờ em cũng đến trường đúng giờ.            

C. Nó rất thân ái với bạn bè.        

D. Mẹ thương yêu nhưng không nuông chiều con.               

Câu 12: Biểu cảm không phải là phương thức biểu đạt chủ yếu trong thể loại nào sau đây?

A. truyện                     C. thơ

B. ca dao                    Dtuỳ bút

II. PHẦN TỰ LUẬN: (7,0 đ)

Câu 1: ( 3,0  điểm) 

Cho câu thơ trích trong bài Cảnh khuya của Hồ Chí Minh:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

a. Chép tiếp 3 câu thơ còn lại để hoàn chỉnh bài thơ.

b. Nêu ngắn gọn đặc điểm của thể thơ được dùng để sáng tác bài thơ trên.

c. Chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng cuối bài thơ trên.

d. Hãy khái quát nội dung bài thơ trên bằng một câu hoàn chỉnh.

Câu 2: (4,0 điểm)

Hãy viết bài văn kể chuyện về một người thân mà em yêu quý nhất trong gia đình.

 

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

A

C

B

B

C

D

A

C

B

D

B

A

II. PHẦN TỰ LUẬN:

Câu 1:

a. Chép chính xác 3 câu thơ còn lại:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

b. Thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật quy định mỗi bài có 4 câu thơ, mỗi câu có 7 tiếng, có niêm luật chặt chẽ.

c.

- Phép so sánh: cảnh khuya như vẽ

- Phép điệp ngữ: chưa ngủ (2 lần)

- Tác dụng của biện pháp tu từ:

+ Giúp lời thơ tăng sức gợi hình, gợi cảm.

+ Đồng thời góp phần lí giải nguyên nhân chưa ngủ của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

d. Bài thơ khắc hoạ cảnh núi rừng Việt Bắc trong một đêm trăng đồng thời thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước của người thi sĩ - chiến sĩ Hồ Chí Minh.

Câu 2:

A. Mở bài :

Giới thiệu khái quát về người thân mà em yêu quý nhất trong gia đình.

B. Thân bài

Kể chi tiết về người thân đó.

- Kể tuổi tác, ngoại hình, công việc, tính tình, sở thích... của người thân; (kết hợp miêu tả)

- Kể lại một kỉ niệm nhớ mãi giữa em với người thân; (kết hợp miêu tả và biểu cảm)

- Kể những biểu hiện tình cảm của người thân đối với em và mọi người xung quanh. (kết hợp biểu cảm)  (1,0 đ)

C. Kết bài

Tình cảm, điều mong muốn … của em đối với người thân.

……………………………….

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 3

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 3)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài ca dao sau và trả lời các câu hỏi :

“ Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con ?”

(Theo Ngữ văn 7, tập 1)

1. Hãy cho biết phương thức biểu đạt chính của bài ca dao trên? (0,5 điểm)

2. Nội dung chính của bài ca dao trên là gì? (0,5 điểm)

3. Hãy tìm một từ láy có trong bài ca dao trên ? (0,5 điểm)

4. Xác định một thành ngữ có trong bài ca dao trên ? (0,5 điểm)

5. Xác định hai biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ sau:

“ Nước non lận đận một mình,
 Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.” (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em về thân phận của người nông dân qua bài ca dao trên.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nghĩ về một người thân của em (Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, thầy /cô giáo, bạn,...)

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) (ảnh 2)

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I. ĐỌC HIỂU

1. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

2. Nội dung chính: số phận người nông dân trong xã hội phong kiến (tùy theo cách trình bày của học sinh, thấy phù hợp và đúng thì cho điểm)   

3. Từ láy: lận đận  

4. Thành ngữ: lên thác xuống ghềnh   

5. Ẩn dụ: thân cò ( học sinh nêu được tên ẩn dụ đạt điểm tối đa) 0,5

- Phép đối: lên-xuống ( học sinh nêu được tên phép đối đạtđiểm tối đa)         0,5

II. LÀM VĂN      

Câu 1 

Viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em về thân phận người nông dân qua bài ca dao trên.      

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn   

Có đủ các câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Câu mở đoạn nêu được vấn đề, các câu thân đoạn triển khai được vấn đề, câu kết đoạn chốt được vấn đề.     

b. Xác định đúng vấn đề biểu cảm      

Cảm nghĩ về thân phận người nông dân.       

c. Nêu được các ý cơ bản:         

-Thân phận cơ cực, vất vả, lận đận- Cuộc sống bấp bênh,nghèo khổ-Hoặc trong xã hội phong kiến thân phận người nông dân nhỏ bé,khó tìm được cái ăn, bị áp bức, chịu nhiều bất công.          

Câu 2 

Viết bài văn nêu cảm nghĩ về một người thân của em (Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, thầy /cô giáo, bạn,…)         

a. Đảm bảo cấu trúc biểu cảm (kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả)     

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.         

b. Xác định đúng vấn đề biểu cảm      

Cảm nghĩ về một người thân của em ( Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, thầy /cô giáo, bạn,…)          

c. Triển khai được những ý cơ bản sau:

- Xác định được đối tượng biểu cảm

- Những hồi tưởng, suy nghĩ về người thân:

+ Miêu tả đôi nét về đối tượng ( ngoại hình, tính cách...)

+ Hồi tưởng những kỷ niệm, ấn tượng mình đã có với người đó trong quá khứ

+ Sự gắn bó của mình với người đó trong niềm vui, nỗi buồn, trong sinh hoạt, học tập, vui chơi,…

+ Nghĩ đến hiện tại, tương lai của người đó mà bày tỏ tình cảm, sự quan tâm, lòng mong muốn của mình dành cho người đó,...

- Khẳng định lại tình cảm bản thân dành cho người thân của em.         

                             

d. Sáng tạo  

- Hồi tưởng kỉ niệm quá khứ, suy nghĩ về hiện tại, mơ ước tương lai, tưởng tượng những tình huống gợi cảm.

- Tình cảm chân thật và thể hiện cái mới trong sáng tạo làm cho người đọc đồng cảm và tin điều đó là thật.

………………………….

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 4

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 4)

Câu 1: (2,0 điểm)

a. Thế nào là quan hệ từ? Khi sử dụng quan hệ từ cần lưu ý điều gì?

b. Đặt câu với các cặp từ quan hệ sau:

Nếu.........thì............

Tuy.........nhưng.........

Câu 2: (2,0 điểm)

a. Chép thuộc lòng theo trí nhớ bài thơ "Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh" (Phần dịch thơ) của tác giả Lí Bạch.

b. Nêu giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của bài thơ?

Câu 3: (6,0 điểm)

Cảm nghĩ về bài thơ "Cảnh khuya" của Hồ Chí Minh.

 

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

Câu 1:

a) Quan hệ từ dùng để biểu thị các ý nghĩa quan hệ như sở hữu, so sánh, nhân quả,... giữa các bộ phận của câu giữa câu với câu trong đoạn văn. (0,5đ)

Khi nói hoặc viết, có những trường hợp bắt buộc phải dùng quan hệ từ.

Đó là những trường hợp nếu không có quan hệ từ thì câu văn sẽ đổi nghĩa hoặc không rõ nghĩa. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp không bắt buộc dùng quan hệ từ (dùng cũng được, không dùng cũng được) (0,25đ)

Có một số quan hệ từ được dùng thành cặp. (0,25đ)

b)

 Nếu trời mưa thì lớp em không đi tham quan nữa. (0,5đ)

Tuy nhà nghèo nhưng bạn Nam học rất giỏi. (0,5đ)

Câu 2:

a) Học sinh chép đúng cả 4 câu thơ, không sai lỗi chính tả thì đạt điểm tối đa. (Còn chép thiếu, sai lỗi chính tả giáo viên tùy theo mức độ để cho điểm). (1,0đ)

b)

* Nghệ thuật: (0,5đ)

·         Từ ngữ giản dị, tinh luyện.

·         Miêu tả kết hợp với biểu cảm.

* Nội dung:

Bài thơ thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía tình quê hương của một người sống xa nhà trong đêm trăng thanh tĩnh. (1,0đ)

Câu 3:

* Mở bài: (1,0đ)

- Giới thiệu những hiểu biết về Bác Hồ

- Giới thiệu bài thơ "Cảnh khuya"và cảm nghĩ khái quát về bài thơ

* Thân bài:

- Phát biểu cảm nghĩ về ND và NT của bài thơ.

+ Hai câu thơ đầu miêu tả cảnh thiên nhiên ở Việt Bắc:

- Âm thanh của tiếng suối được miêu tả giống như âm thanh của tiếng hát xa. (1,0đ)

- Về hình ảnh ánh trăng lồng vào cây, hoa: Điệp từ lồng. Tạo nên một bức tranh lung linh, huyền ảo...tạo nên một bức tranh đêm rừng tuyệt đẹp, cuốn hút hồn người. (1,0đ)

+ Hai câu sau: Miêu tả tâm trạng của Bác trong đêm trăng sáng:

- Người chưa ngủ vì hai lí do, lí do thứ nhất là vì cảnh đẹp làm cho tâm hồn người nghệ sĩ bâng khuâng, say đắm. Lí do thứ hai: chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà, lo về cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Cảnh thiên nhiên dù đẹp đẽ, thơ mộng nhưng không làm cho Bác quên đi trách nhiệm lớn lao của một lãnh tụ cách mạng đối với dân, với nước. (1,0đ)

- Cả hai câu thơ cho thấy sự gắn bó giữa con ngưới thi sĩ đa cảm và con ngưới chiến sĩ kiên cường trong Bác. Thể hiện tấm lòng lo lắng của Bác đối với nước nhà. (1,0đ)

* Kết bài:

- Cảnh khuya là một bài thơ tứ tuyệt hay và đẹp, có sự kết hợp hài hòa giữa tính cổ điển (hình thức) và tính hiện đại (nội dung). (0,5đ)

Bài thơ thể hiện tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và tinh thần trách nhiệm cao cả của Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam; là dẫn chứng chứng minh cho phong cánh tuyệt vời của người nghệ sĩ - chiến sĩ Hồ Chí Minh. (0,5đ)

……………………………….

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 5

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 5)

I. ĐỌC – HIỂU (4,0 điểm).

Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.

(Ngữ văn 7, tập 1, tr150, NXB GD Việt Nam, 2019)

Câu 1 (0,5 điểm). Khổ thơ trên được trích trong bài thơ nào? Ai là tác giả?

Câu 2 (0,5 điểm). Đặt trong hoàn cảnh ra đời, từ chiến đấu trong khổ thơ trên dùng để chỉ cuộc kháng chiến nào của dân tộc ta?

Câu 3 (1,0 điểm). Xác định và nêu tác dụng của phép điệp ngữ được sử dụng trong khổ thơ trên.

Câu 4 (1,0 điểm). Em có nhận xét gì về tình yêu Tổ quốc của nhân vật trữ tình trong khổ thơ trên?

Câu 5 (1,0 điểm). Là một học sinh, em sẽ làm gì để thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm).

Cảm nghĩ về mùa xuân trên quê hương em.

 

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I. ĐỌC – HIỂU 

Câu 1:

- Khổ thơ trên được trích trong bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh 

Câu 2:

Từ chiến đấu trong khổ thơ trên dùng để chỉ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ của dân tộc ta.      

Câu 3:

Xác định và nêu tác dụng của phép điệp ngữ được sử dụng trong khổ thơ trên:

- Điệp ngữ: vì

- Tác dụng: Khẳng định niềm tin chân thật và chắc chắn về mục đích cao cả của cuộc chiến đấu: Cháu chiến đấu là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương, bảo vệ gia đình và những kỉ niệm tuổi thơ.

Câu 4:

Nhận xét về tình yêu Tổ quốc của nhân vật trữ tình trong khổ thơ:

- Đó là tình yêu rộng lớn, cao cả, sâu sắc.

- Tình yêu Tổ quốc là tình cảm rộng lớn, thiêng liêng, bao trùm và chi phối các tình cảm bình dị, thân thuộc. Và tình cảm trân trọng những gì thân thuộc làm sâu sắc thêm tình yêu Tổ quốc.          

Câu 5:

Là một học sinh, em sẽ làm gì để thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước?

- Nhận thức được tình yêu quê hương, đất nước là thiêng liêng.

- Học tập và rèn luyện để trở thành công dân có ích góp phần xây dựng gia đình, quê hương đất nước giàu mạnh.

- Tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương.

-Tuyên truyền cho bạn bè trong và ngoài nước hiểu biết về quê hương đất nước Việt Nam xinh đẹp.   

II. TẬP LÀM VĂN

Cảm nghĩ về mùa xuân trên quê hương em.  

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn biểu cảm:

Mở bài: giới thiệu được đối tượng biểu cảm, Thân bài: triển khai bộc lộ cảm xúc do đối tượng gợi lên, Kết bài: Khẳng định lại tình cảm dành cho đối tượng.    

b. Xác định đúng đối tượng:

Mùa xuân trên quê hương.

c. Triển khai phát biểu cảm nghĩ.

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách miễn là mạch cảm xúc được thể hiện tự nhiên, hợp lí; vận dụng linh hoạt các hình thức biểu cảm trực tiếp kết hợp gián tiếp.       

I. Mở bài

- Giới thiệu về mùa xuân.

- Ấn tượng chung nhất của em về mùa xuân. 0.5

II. Thân bài

Bày tỏ tình cảm của em với mùa xuân trên quê hương em:

- Cảm nghĩ về thời tiết của mùa xuân: Bầu trời cao rộng, khí trời ấm áp, vài cánh én chao liệng rộn ràng, mưa xuân nhẹ nhàng reo rắc thổn thức lên mặt đất tràn đầy nhựa sống.

- Cảm nghĩ về cảnh sắc của mùa xuân: Cây cối đâm chồi nảy lộc; Hoa đào khoe sắc trên phố xá, trên nẻo đường quê, trong mỗi ngôi nhà …

- Cảm nghĩ về nếp sống gia đình: hồ hởi đi chợ tết, náo nức đón giao thừa, những buổi du xuân rộn ràng;…

- Cảm nghĩ về những hi vọng, ước mơ khi mùa xuân về.

- Khẳng định lại tình yêu tha thiết với mùa xuân.

……………………………………

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 6

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 6)

Câu 1: Chép lại bài ca dao số 1 nói về tình cảm gia đình (công lao của cha mẹ). (1 điểm)

Câu 2: Nêu nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan? (1 điểm)

Câu 3: Từ ghép Hán Việt có mấy loại, đó là những loại nào? Hãy xếp các từ ghép: hữu ích, thi nhân, phát thanh, tân binh vào nhóm thích hợp:

a) Từ có yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau.

b) Từ có yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau.

Câu 4: Điền từ trái nghĩa thích hợp vào các thành ngữ sau:

- Chân cứng đá …

- Chạy sấp chạy …

- Mắt nhắm mắt …

- Gà nhà …. Ngõ

Câu 5: Phát biểu cảm nghĩa của em về người mà em yêu quý nhất.

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) (ảnh 3)

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

Câu 1:

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Câu 2:

- Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, đối chỉnh, sử dụng từ láy, tượng thanh, tượng hình.

- Nội dung: Bài thơ cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống của con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà, nỗi buồn thầm lặng, cô đơn của tác giả.

Câu 3: 

- Từ ghép Hán Việt có hai loại: đẳng lập và chính phụ

a. Hữu ích, phát thanh

b. Thi nhân, tân binh

Câu 4:

- Chân cứng đá mềm

- Chạy sấp chạy ngửa

- Mắt nhắm mắt mở

- Gà nhà xa ngõ

Câu 5:

1. Mở bài

- Giới thiệu đối tượng

- Cảm xúc, tình cảm ban đầu với đối tượng

2. Thân bài

- Cảm xúc suy nghĩ về đặc điểm đối tượng: hình dáng, tuổi tác, diện mạo.

- Cảm xúc suy nghĩ về tính cách, việc làm, cách ứng xử đối với nghề nghiệp và với mọi người.

- Cảm xúc suy nghĩ về kỉ niệm giữa em và người đó (vui, buồn,…)

3. Kết bài: cảm nghĩ, hứa hẹn trong tương lai

……………………………..

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 7

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 7)

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2.0 điểm)

Hãy chọn phương án đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.

Câu 1: Bài thơ “Tiếng gà trưa” được in lần đầu tiên trong tập thơ nào của Xuân Quỳnh?

A. Sân ga chiều em đi

B. Gió Lào cát trăng

C. Tự hát

D. Hoa dọc chiến hào

Câu 2: Từ nào sau đây đồn nghĩa với từ “thi nhân”?

A. Nhà văn

B. Nhà thơ

C. Nhà báo

D. Nghệ sĩ

Câu 3: Trong các từ sau (long lanh, đo đỏ, tiều phu, sơn hà) có mấy từ Hán Việt?

A. Một từ

B. Hai từ

C. Ba từ

D. Bốn từ

Câu 4: Trong các từ dưới đây, từ nào không phải là từ láy?

A. Tươi tốt

B. Trong trẻo

C. Đẹp đẽ

D. Xinh xắn

Câu 5: Nhân vật chính trong văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê” là:

A. Thành

B. Thủy

C. Cô giáo

D. Thành và Thủy

Câu 6: Cặp từ nào sau đây không phải là cặp từ trái nghĩa?

A. Sống – chết

B. Nóng – lạnh

C. Lành – rách

D. Cười – nói

Câu 7: Trong các bài thơ sau bài nào là thơ Đường

A. Cảnh khuya

B. Tiếng gà trưa

C. Hồi hương ngẫu thư

D. Phò giá về kinh

Câu 8: Phần thân bài của một bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học có nội dung chính là gì?

A. Kể lại nội dung tác phẩm văn học đó

B. Giới thiệu tác phẩm và hoàn cảnh tiếp xúc với tác phẩm

C. Trình bày những cảm xúc, suy nghĩ do tác phẩm gợi lên.

D. Nêu lên ấn tượng chung về tác phẩm văn học đó

PHẦN II. TỰ LUẬN (8 điểm)

Câu 1: (3.5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

(Hồ Xuân Hương)

a. Bài thơ Bánh trôi nước thuộc thể thơ nào?

b. Từ “rắn nát” trong bài thơ trên thuộc từ ghép nào? Vì sao? Hãy giải thích nghĩa của từ đó.

c. Qua bài thơ, Hồ Xuân Hương đã thể hiện thái độ gì đối với phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Câu 2: (4.5 điểm)

Phát biểu cảm nghĩa về bài thơ Cảnh khuya – Hồ Chí Minh.

 

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

7

8

D

B

B

A

D

D

C

C

PHẦN II. TỰ LUẬN

Câu 1:

a) Bài thơ "Bánh trôi nước" thuộc thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt (Đường luật).

b)

- Từ “Rắn nát" là từ ghép đẳng lập.

- Vì từ này có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp (không phân ra tiếng chính, tiếng phụ)

- Nghĩa của từ "Rắn nát": rắn là cứng, nát là nhão.

c) Bài thơ đã thể hiện thái độ của tác giả đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến:

+ Trân trọng đối với vẻ xinh đẹp; phẩm chất trong trắng, son sắt, thủy chung của người phụ nữ...

+ Cảm thương cho thân phận chìm nổi bấp bênh, bị lệ thuộc vào xã hội của họ...

Câu 2:

a) Mở bài:          

 - Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm ... Bộc lộ cảm nghĩ của mình về bài thơ "Cảnh khuya" của Hồ Chí Minh.

b) Thân bài: Học sinh trình bày được những cảm nghĩ của mình về cái hay, cái đẹp của bài thơ ...

- Hai câu thơ đầu: Khung cảnh thiên nhiên (Cảnh đêm trăng núi rừng Việt Bắc).

+ Nghệ thuật so sánh độc đáo "tiếng suối" với "tiếng hát" khiến tiếng suối vốn lạnh lẽo trở nên trong trẻo, ấm áp gần gũi với con người. Hình tượng thơ đẹp được kết tinh bởi một tâm hồn thơ nhạy cảm, phóng khoáng, tài hoa, một ngôn ngữ thơ giàu chất hội họa và gợi cảm, một cấu tứ thơ hết sức độc đáo, bất ngờ biểu hiện qua hình ảnh:

"Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa."

- Hai câu thơ cuối: Tâm trạng của Bác trong đêm trăng.

+ Trong đêm trăng núi rừng Việt Bắc đầy thơ mộng hữu tình, có một người đã không ngủ, không ngủ bởi đang dồn tâm trí cho mục đích cao cả, lớn lao "cứu dân, cứu nước". Người đang chèo lái con thuyền Cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta lúc bấy giờ...

"Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà."

+ Qua hình tượng thơ đẹp, ta nhận ra một tâm hồn thi sĩ - chiến sĩ nhạy cảm, tài hoa, một tấm lòng yêu thiên nhiên đất nước sâu nặng của Bác ...

c) Kết bài:

- Khẳng định cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về bài thơ..

………………………………

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 8

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 8)

I. ĐỌC - HIỂU: (4,0 điểm)

        Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

        Bố nhớ cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con!... Nhớ lại điều ấy, bố không thể nén được cơn tức giận đối với con. Hãy nghĩ xem, En-ri-cô à! Con mà lại xúc phạm đến mẹ con ư? Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hy sinh tính mạng để cứu sống con!

(Ngữ văn 7, Tập 1)

Câu 1: (1,0 điểm) Đoạn trên thích văn bản nào? Phương thức biểu đạt chính của

đoạn trích?

Câu 2: (2,0 điểm) Chỉ ra các chi tiết khắc họa người mẹ của En-ri-cô. Qua đó, em hiểu mẹ của En-ri-cô là người như thế nào?

Câu 3: (1,0 điểm) Chỉ ra các từ láy có trong câu sau: “Bổ nhở cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cái mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con!”

II. TẬP LÀM VĂN: (6,0 điểm)

Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ.

 

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

*Phương pháp: Nhớ lại văn bản “Mẹ tôi”

*Cách giải:

- Đoạn trên trích từ văn bản “Mẹ tôi”.

- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.

Câu 2:

*Phương pháp: Tìm ý

*Cách giải:

- Các chi tiết:

+ Mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con!

+ Sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hy sinh tính mạng để cứu sống con.

- Qua đó cho thấy mẹ En-ri-cô là người mẹ giàu đức hi sinh, yêu thương con vô điều kiện.

Câu 3:

*Phương pháp: Nhớ lại bài “Từ láy”

*Cách giải:

- Từ láy: hổn hển, quằn quại, nức nở.

II. TẬP LÀM VĂN

*Phương pháp: Nêu cảm nghĩ

*Cách giải:

Học sinh nắm chắc kiến thức viết bài văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn bản biểu cảm.

+ Bài văn đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

- Yêu cầu nội dung:

+ Bài văn xoay quanh nội dung: cảm nghĩ về nụ cười của mẹ.

- Hướng dẫn cụ thể:

1. Mở bài: giới thiệu về nụ cười của mẹ
 2. Thân bài: 
cảm nghĩ của em về nụ cười của mẹ
 
a. Tả về nụ cười của mẹ:

- Nụ cười của mẹ rất đẹp

- Mỗi lần mẹ cười rất duyên dáng, mọi ánh nhìn đều đổ gục

- Nụ cười của mẹ như tia nắng mẹ trời không chói chang nhưng vừa đủ để vui tươi

- Nụ cười của mẹ duyên dáng

- Khi mẹ cười, đôi môi hở nhẹ khoe hàm rang trắng

- Mẹ cười làm cho gương mặt của mẹ thêm phần nổi bật và xinh hơn

- Ngày xưa ba em đổ gục vì nụ cười của mẹ

b. Kể mỗi lần mẹ em cười

- Mỗi lần em và ba vui đùa mẹ cười rất hạnh phúc

- Khi mẹ xem phim, nụ cười mẹ rất duyên

- Khi nói chuyện với mọi người. nụ cười xã giao

- Khi nói chuyện với em, nụ cười mẹ rất thân thương và trìu mến

c. Vai trò về nụ cười của mẹ:

- Nụ cười của mẹ tạo hạnh phúc gia đình

- Nụ cười của mẹ cho bữa ăn ngon hơn

- Nụ cười của mẹ như động lực cho gia đình

- Nụ cười của mẹ cho làng xóm láng giềng gần gũi hơn

- Nụ cười của mẹ tạo sự gắn kết trong gia đình

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về nụ cười của mẹ.

………………………….

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 9

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 9)

I - PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (2,0 điểm)

 *Đọc bản dịch bài thơ Phò giá về kinh của Trần Quang Khải và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 5

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy ngàn thu.

Câu 1: Dòng nào sau đây là thể thơ của bản dịch trên?

A. thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

B. thất ngôn bát cú Đường luật

C. ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật

D. song thất lục bát

Câu 2:  Trần Quang Khải viết bài Phò giá về kinh vào năm nào?

A. 1284                                                                      C. 1287

B. 1285                                                                      D. 1288

Câu 3: Trong bản dịch thơ trên, “Hàm Tử” là địa danh thuộc tỉnh nào của nước ta?

A. Hà NộiC. Hưng Yên

B. Hà Tây D. Bắc Ninh 

Câu 4:  Từ “giặc” trong bản dịch thơ được Trần Quang Khải dùng để chỉ kẻ thù xâm lược nào?

A. Tống                                                                           C. Mông -Nguyên              

B. Minh                                                                            D. Thanh                                           

Câu 5: Dòng nào sau đây là ý nghĩa của bài thơ Phò giá về kinh?

A. thể hiện niềm tin vào sức mạnh chính nghĩa của dân tộc ta                                                        

B. là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta

C. thể hiện hào khí chiến thắng, khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần.

D. thể hiện sự sáng suốt của vị tướng cầm quân lo việc lớn.

      * Đọc và trả lời tiếp các câu hỏi 6, 7, 8

Câu 6: Từ nào sau đây là từ ghép đẳng lập?

A. nho nhỏ                                                                        C. ngặt nghèo

B. lạnh lùng                                                                      D. máy bay

Câu 7: Các từ in đậm trong câu “Thưa cô, em đến chào ...” thuộc loại đại từ nào sau đây?

A. đại từ để trỏ                       

B. đại từ để hỏi

C. đại từ xưng hô   

D. đại từ xưng hô lâm thời                   

Câu 8: Thể loại văn học nào say đây không phải là tác phẩm trữ tình?

A. truyện dân gian                                                          

B. ca dao

C. thơ luật Đường              

D. tùy bút

II - PHẦN TỰ LUẬN : (8,0 đ)    

Câu 1: (2,0 đ)

a. Trình bày khái niệm ca dao. 

b. Chép lại theo trí nhớ và phân tích nghệ thuật, nội dung của một bài ca dao về tình cảm gia đình mà em đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 7, học kì I.

Câu 2: (2,0 đ)

a. Thế nào là phép điệp ngữ? 

b. Viết đoạn văn ngắn (từ 3-5 câu), nội dung tự chọn có sử dụng phép điệp ngữ. Xác định loại điệp ngữ đã được sử dụng trong đoạn văn. 

Câu 3: (4,0 đ)

Cảnh khuya là một bài thơ được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947. Hãy viết bài văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ trên.

 

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I - PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN : (0,25đ/ câu đúng, tổng 2,0 đ)   

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

Kết quả

C

B

C

C

C

C

D

A

II - PHẦN TỰ LUẬN : (8,0 đ)   

Câu 1: (2,0 đ)  

a. Ca dao: lời thơ của dân ca và những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca.(0,5 đ)

b. - Chép chính xác 1 bài ca dao về tình cảm gia đình (bài số 1 hoặc bài số 4, SGK, Ngữ văn 7, tập 1, trang 35) (0,5 đ)

    - Phân tích đúng nghệ thuật và nội dung biểu hiện của bài ca dao được chép 

(1,0 đ)

Câu 2: (2,0 đ)  

a.Phép điệp ngữ là biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc câu) nhằm làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh (0,5 đ)

b.- Viết đúng đoạn văn theo yêu cầu (1,0 đ)

   - Xác định loại điệp ngữ (0,5 đ)

Câu 3: (4,0 đ)  

* Hình thức: Học sinh viết được văn bản biểu cảm; bố cục rõ ràng; lời văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...

* Nội dung:  Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.

* Tiêu chuẩn cho điểm: 

a. Mở bài: Giới thiệu bài thơ Cảnh khuya và hoàn cảnh em tiếp xúc bài thơ .

(0,5 đ)

b. Thân bài: Trình bày những cảm xúc, suy nghĩ do bài thơ gợi nên. (3,0 đ)

Sau đây là một gợi ý:

 - Bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật thật cô đọng nhưng hàm súc, sử dụng kết hợp thành công nhiều biện pháp tu từ... khiến người đọc thán phục tài thơ của thi sĩ Hồ Chí Minh; (1,0 đ)

- Học bài thơ, em thêm yêu quí Bác Hồ bởi nhận ra ở Bác một tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước tha thiết; (1,0 đ)

- Học tập Bác Hồ phong cách ung dung tự tại vượt lên hoàn cảnh. (1,0 đ)

c. Kết bài: Ấn tượng về bài thơ Cảnh khuya. (0,5 đ)

………………………….

[Năm 2021] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 có đáp án (10 đề) - Đề 10

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 10)

I. TRẮC NGHIỆM

1. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật là thể thơ như thế nào?

A. Là thể thơ không giới hạn số câu trong bài thơ, nhưng mỗi câu bắt buộc phải có 7 chữ

B. Là thể thơ có từ thời nhà Đường, bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ, gieo vần ở chữ cuối trong các câu 1,2,4,6,8

C. Là thể thơ mà trong mỗi bài thơ có tám câu, mỗi câu 7 chữ, có thể theo luật hoặc không

D. Là thể thơ cần tuân theo luật bằng trắc nhất định

2. Thái độ của Hồ Xuân Hương qua bài Bánh trôi nước là gì?

A. Trân trọng vẻ đẹp, ngợi ca phẩm chất trong trắng, son sắt của người phụ nữ Việt Nam xưa.

B. Lên án xã hội bất công với người phụ nữ

C. Cảm thông sâu sắc cho số phận chìm nổi, đồng thời trân trọng vẻ đẹp, ca ngợi phẩm chất trong trắng, son sắt của người phu nữ.

D. Cảm thông cho số phận bất hạnh, chìm nổi mất tự do của người phụ nữ.

3. Hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng thể hiện điều gì trong tâm hồn Bác?

A. Lòng yêu nước thương dân sâu sắc, nhất là các chiến sĩ

B. Tinh thần vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng

C. Tình yêu thiên nhiên sâu sắc, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước thiết tha và phong thái chiến sĩ của Bác.

D. Tình yêu thiên nhiên và lối sống hòa nhập với thiên nhiên

4. Vì sao trong ca dao, dân ca thường dùng các hình ảnh núi non, trời biển, nước trong nguồn,… để so sánh công lao của cha mẹ đối với con cái?

A. Vì những hình ảnh này gần gũi với đời sống con người

B. Vì những hình ảnh này đẹp và có giá trị biểu cảm cao

C. Vì dùng những hình ảnh này làm cho các bài ca dao dễ thuộc, dễ nhớ

D. Vì đây là những hình ảnh chỉ sự vật hiện tượng to lớn, vĩ đại, vĩnh hằng; chỉ có những hình ảnh đó mới diễn tả được ông lao của cha mẹ.

5. Điền từ vào chỗ trống: Cô giáo …….khuyên nhủ tôi

A. Nhè nhẹ

B. Nhẹ nhõm

C. Nhẹ nhàng

D. Nhẹ tay

6. Lối chơi chữ trong câu Cô xuân đi chợ ha, mua cá thu về, chợ hãy còn đông?

A. Dùng lối nói lái

B. Dùng lối nói đồng âm

C. Dùng cặp từ trái nghĩa

D. Dùng từ cùng trường nghĩa

7. Thông hiểu

Thành ngữ nào sau đây có nghĩa “phải thường xuyên ôn luyện, rèn giũa thì mới nắm chắc được kiến thức và thành thạo trong công việc”?

A. Tận tâm, tận lực

B. Trí dũng song toàn

C. Văn ôn võ luyện

D. Tâm đầu ý hợp

8. Dòng nào sau đây ghi đúng các bước tạo lập văn bản?

A. Định hướng và xây dựng bố cục

B. Định hướng, xây dựng bố cục, diễn đạt thành câu, đoạn văn hoàn chỉnh, kiểm tra văn bản vừa tạo lập

C. Xây dựng bố cục, định hướng, kiểm tra, diễn đạt thành câu, đoạn

D. Xây dựng bố cục và diễn đạt thành câu, đoạn hoàn chỉnh

II. TỰ LUẬN

Câu 1: (3.0 điểm)

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

a. Xác định điệp ngữ và dạng điệp ngữ sử dụng trong hai câu thơ trên

b. Viết đoạn văn 5-7 câu nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Bác

Câu 2: (5.0 điểm)

Phát biểu cảm nghĩ về một người mà em yêu quý.

 

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I. TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

7

8

B

C

C

D

C

B

C

B

II. TỰ LUẬN

Câu 1:

a.

- Điệp ngữ: chưa ngủ

- Điệp ngữ vòng

b.

- Chỉ rõ điệp ngữ và loại điệp ngữ

- Tác dụng:

+ Câu thơ thứ ba: con người thi sĩ hòa hợp, say sưa với thiên nhiên

+ Câu thơ thứ tư: con người chiến sĩ: lo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc

 Vẻ đẹp thi sĩ, chiến sĩ hòa làm một  Tạo nên phong thái ung dung, lạc quan của Bác.

Câu 2:

1. Mở bài

- Giới thiệu đối tượng

- Cảm xúc, tình cảm ban đầu với đối tượng

2. Thân bài

- Cảm xúc suy nghĩ về đặc điểm đối tượng: hình dáng, tuổi tác, diện mạo.

- Cảm xúc suy nghĩ về tính cách, việc làm, cách ứng xử đối với nghề nghiệp và với mọi người.

- Cảm xúc suy nghĩ về kỉ niệm giữa em và người đó (vui, buồn,…)

3. Kết bài: cảm nghĩ, hứa hẹn trong tương lai

………….Hết…………….

 

Tài liệu có 34 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống