Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7

Tải xuống 9 2.8 K 5

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 7 tài liệu sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân hay nhất, gồm 9 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Những câu hát than thân Ngữ văn lớp 7.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7:

Những câu hát than thân

Bài giảng: Những câu hát than thân

A. Sơ đồ tư duy Những câu hát than thân

B. Tìm hiểu bài Những câu hát than thân

I. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Ca dao, dân ca

- Thể thơ: lục bát

2. Giá trị nội dung

Những câu hát than thân có số lượng lớn và rất tiêu biểu trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam. Ngoài ý nghĩa than thân, đồng cảm với cuộc đời nghèo khổ, cay đắng của người lao động, những câu hát này còn có ý nghĩa phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến.

3. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ lục bát.

- Sử dụng hình ảnh nhỏ bé, đáng thương làm hình ảnh so sánh, ẩn dụ.

II. Dàn ý bài phân tích

1. Bài số 1

- Hình ảnh cuộc đời con cò lam lũ, vất vả:

+ Từ láy giàu sức gợi hình, gợi cảm: “lận đận”.

+ Thành ngữ gợi sự vất vả, lam lũ: “lên thác xuống ghềnh”.

+ Hình ảnh đối lập: “nước non” – “một mình”, “lên thác” – “xuống ghềnh”, “thân cò” – “thác ghềnh”, “bể kia đầy – sông kia cạn”.

⇒ Hình ảnh con cò vất vả long đong. 

- Câu hỏi tu từ cùng đại từ phiếm chỉ “ai” diễn đạt nỗi oan trái mà cò gặp phải và sự gieo neo, khó nhọc, cay đắng của người lao động xưa. Đồng thời, thể hiện thái độ bất bình với kẻ làm cho cuộc sống của người nông dân trở nên cơ cực, vất vả, lênh đênh.

⇒ Bài ca dao là lời than thân, trách phận của người nông dân trong xã hội cũ với cuộc sống. Đồng thời, qua đó, tố cáo xã hội phong kiến bất công, là nỗi bất bình phản kháng của kẻ bị áp bức.

2. Bài số 2

- Điệp từ “thương thay”:

+ Tô đậm thêm nỗi thương cảm, xót xa cho cuộc đời, số phận nhiều cay đắng, buồn tủi của người nông dân.

+ Kết nối và mở ra những nỗi thương cảm khác.

- Hình ảnh ẩn dụ:

+ Con tằm: thương cho thân phận suốt đời bị kẻ khác bòn rút sức lao động.

+ Lũ kiến: thương cho những thân phận nhỏ nhoi, suốt ngày vất vả, lam lũ ngược xuôi nhưng vẫn nghèo túng.

+ Hạc: cuộc đời phiêu bạt lận đận và những cố gắng không có hi vọng của người lao động.

+ Con cuốc: thương thân phận thấp cổ bé họng, nỗi khổ đau không đòi được lẽ công bằng của người lao động.

⇒ Nỗi khổ nhiều bề của người nông dân.

⇒ Bài ca dao là lời than thân, trách phận của người nông dân về cuộc sống vất vả, nghèo khổ.

3. Bài số 3

- Mở đầu bằng cụm từ “thân em” vốn quen thuộc trong ca dao, dân ca khi nói về thân phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa.

- Hình ảnh so sánh đặc biệt – “trái bần”, gợi nhiều suy nghĩ:

+ Phản ánh tính chất địa phương.

+ Gợi nên cuộc sống lênh đênh, chìm nổi, vô định, không biết trôi dạt về đâu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

⇒ Bài ca dao diễn tả xúc động, chân thực cuộc đời cay đắng, lênh đênh, chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ không có quyền quyết định cuộc đời mình và bị lệ thuộc vào người khác.

III. Bài phân tích

Ca dao chính là phương tiện để con người bộc lộ những suy tư, tình cảm sâu kín nhất trong tâm hồn. Đó không chỉ là tình cảm lãng mạn của tình yêu đôi lứa, sự sâu sắc trong ca dao về tình cảm gia đình mà còn là những nỗi niềm chua xót, đắng cay của con người. Nỗi niềm ấy, sự xót xa ấy được thể hiện sâu sắc qua những bài ca dao viết về đề tài than thân, yêu thương chung thủy của người bình dân trong xã hội xưa.

Thân cò và cò con là ẩn dụ nói về thân phận người phụ nữ nông dân và con cái họ. Hai thế hệ, hai kiếp người đau khổ. Người đàn bà nhà quê sống lẻ loi cô đơn “một mình”, làm ăn lận đận vất vả giữa cuộc đời. Thân cờ, lúc thì “ăn đêm”, lúc thì “đi đón cơn mưa tối tăm mù mịt”, lúc thì “lên thác xuống ghềnh”. Thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” chỉ sự khó khăn vất vả. Cuộc đời “lận đận một mình”, “lên thác xuống ghềnh” của “thân cò” đâu chỉ ngày một ngày hai mà đã “bấy nay” trải qua bao năm tháng giữa chốn “nước non” mênh mông:

Nước non lận đận một mình,

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.

Ai làm cho bể kia đầy,

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?

“Bể đầy”, “ao cạn” là hai biểu tượng nói về cảnh ngang trái, loạn lạc. “Ai” là đại từ nhân xưng phiếm chỉ. “Ai làm” là lời ám chỉ, tố cáo bọn thống trị đã gây ra cảnh ngang trái, loạn lạc, làm cho nhân dân đau khổ điêu đứng, “cho gầy cò con”. Đời mẹ đã “lận đận”, đời con càng đói rét, bị bóc lột đau thương. Chữ “cho” được điệp lại ba lần: ai làm cho…, cho ao kia cạn, cho gầy cò con như tiếng nấc, như lời lên án tội ác bọn vua quan thống trị. Các tính từ: “đầy”, “cạn”, “gầy” bổ sung ý nghĩa, nội dung cho nhau, làm cho giọng điệu tiếng hát thân thân càng trở nên não nùng, ám ảnh.

Vẫn theo mạch liên tưởng giống như ở bài ca dao thứ nhất, bài ca dao thứ hai là một ẩn dụ so sánh giữa thân phận của người nông dân với những loài vật bé nhỏ, tầm thường như con tằm, con kiến:

Thương thay thân phận con tằm,

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

Thương thay lũ kiến li ti,

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.

Thương thay hạc lánh đường mây,

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.

Thương thay con cuốc giữa trời,

Dầu kêu ra máu có người nào nghe.

Tằm ăn lá dâu, nhả ra tơ để con người lấy tơ dệt thành lụa, lĩnh, gấm, vóc... những mặt hàng may mặc quý giá phục vụ cho tầng lớp thượng lưu giàu có. Đã là kiếp tằm thì chỉ ăn lá dâu, thứ lá tầm thường mọc nơi đồng ruộng, bãi sông. Mà con tằm bé nhỏ kia ăn được là bao? Mượn hình ảnh ấy, người lao động ngụ ý nói đến sự bóc lột quá đáng của giai cấp thống trị đối với họ. Công sức họ bỏ ra quá nhiều mà hưởng thụ dường như chẳng là mấy. Điều ấy dẫn đến kiếp sống nhọc nhằn, nghèo đói kéo dài, tưởng như không thể tìm ra lối thoát.

       Câu hát: Thương thay hạc lánh đường mây/ Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi diễn tả sự chia li bất đắc dĩ giữa người đi xa với những người thân yêu, với mảnh đất chôn nhau cắt rốn để tha phương cầu thực, để trốn thuế trốn sưu. Con đường mưu sinh trước mặt quá đỗi gập ghềnh, nguy hiểm. Người gạt nước mắt ra đi, biền biệt bóng chim tăm cá, như hạc lánh đường mây, như chim bay mỏi cánh, biết đến bao giờ được trở lại cố hương, sum vầy cha con, chồng vợ? Kẻ ở nhà đỏ mắt thấp thỏm lo lắng, đợi trông. Trong vô vàn nỗi khổ của kiếp người, có nỗi khổ nào bằng sinh li, tử biệt?

        Câu hát cuối: Thương thay con cuốc giữa trời/ Dầu kêu ra máu có người nào nghe ý thơ lấy từ sự tích vua Thục Đế mất nước, hận mà chết rồi biến thành con chim đỗ quyên hay còn gọi là chim cuốc, chim đa đa, cứ hè đến là kêu ra rả đến trào máu họng. Nội dung câu hát này nói đến nỗi khổ sở, oan khuất của kẻ nghèo. Bao nỗi đau đớn do áp bức bất công gây ra cũng đành nuốt cả vào lòng bởi trời thì cao, đất thì dày, có kêu cũng chẳng thấu tới đâu. Khác chi tiếng kêu của con chim cuốc cứ da diết, khắc khoải vang vọng giữa thinh không mà nào có ai để ý.

       Cách mở đầu mỗi câu đều bằng từ cảm thán (Thương thay... Thương thay...) tạo ra âm điệu ngậm ngùi, mang đậm nỗi sầu thương thân, trách phận. Khe khẽ ngâm nga, ta sẽ thấy bài ca dao trên giống như một tiếng thở dài hờn tủi và tuyệt vọng.

Bài ca dao thứ ba phản ánh thân phận khốn khổ của người phụ nữ nông thôn trong xã hội cũ. Họ luôn có những số phận nhỏ bé và bất hạnh:

Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng rồi biết tấp vào đâu.

Hai tiếng thân em sao nghe xót xa là thế. Người phụ nữ xưa có thể là người vợ, người mẹ hay thậm chí họ chỉ mới đến thì con gái. Những người như họ bị đẩy vào vòng xoáy của thời đại. Cái thời mà nam quyền lên ngôi, được coi trọng và phụ nữ bị áp bức một cách bất công, họ bị những chiếc xiềng xích vô hình bó buộc trong khuôn khổ, trong những phép tắc lỗi thời. Họ chẳng thể làm theo trái tim của mình, không được lựa chọn con đường riêng cho mình, không được yêu người mình thầm thương… Họ, những người phụ nữ hứng chịu tất cả những khổ đau về mặt thể xác và tinh thần. Để rồi nỗi đau bị đẩy lên tới đỉnh điểm, họ phải thốt lên, than lên những lời ai oán. Đại từ em làm cho những người phụ nữ ấy trở nên bé nhỏ vô cùng, không có vai vế và tiếng nói trong xã hội thời ấy. Họ luôn phải nghiêng mình cúi đầu trước những đắng cay của cuộc đời. Đến nỗi họ phó mặc mọi thứ. Thân em được so sánh với trái bần trôi. Đó là một sự vật cụ thể, những cây bần thường mọc tươi tốt ở ven sông, khi những trái bần chín, già rụng xuống sông, trôi theo dòng nước. Số phận của người phụ nữ được ví với trái bần, một loại trái tầm thường. Thân phận họ không những khổ mà con trôi dạt như trái bần trên sông. Chẳng biết đến khi nào số phận họ mới thôi trôi chìm giữa những cơn sóng dữ. Khổ đau là thế, mưa dập, sóng dồi, họ đành can tâm, chịu đựng để rồi mặc cho số phận của mình trôi đi đâu. Câu hỏi vang lên đầy xót xa biết tấp vào đâu? Hỏi không chỉ để tìm câu trả lời mà còn là an ủi chính mình, tự thương lấy số phận long đong của mình. Chẳng biết khi nào ta có thể hạnh phúc trong một xã hội đầy những bất công, những hủ tục và sự phân biệt. Thời đại, bối cảnh xã hội đẩy người phụ nữ vào sóng gió, khiến chính họ không làm chủ nổi mình, luôn phải nơm nớp âu lo về những điều trước mắt và tương lai xa vời. Khi đọc những câu than thân ấy, chúng ta càng thêm đồng cảm với số phận của họ. 

Như vậy, với thể thơ lục bát mang âm điệu than thân đầy thương cảm, những câu ca dao đã chạm vào trái tim người đọc. Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ giàu sức gợi càng khắc họa chân thực số phận, cuộc đời của người nông dân. Những câu ca dao không chỉ để “than thân”, đồng cảm với nỗi thống khổ của con người mà còn là tiếng nói lên án, tố cáo xã hội đương thời. Ba bài ca dao là ba nỗi xót thương. Sự lặp đi lặp lại ấy tô đậm mối cảm thông và xót xa cho những cuộc đời cay đắng nhiều bề của người dân nghèo trong xã hội cũ. Sự lặp lại còn có ý nghĩa kết nối, mở ra những niềm thương xót khác nhau và mỗi lần lặp lại, tình ý của bài ca lại được phát triển và nâng cao thêm.

IV. Một số lời bình về tác phẩm

Những câu ca dao có nội dung tương tự:

1. 

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

2. 

Con cò chết tối hôm qua

Có hai hạt gạo với ba đồng tiền.

3. 

Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,

Ông ơi ông vớt tôi nao,

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

4.

Thân em như giếng giữa đàng

Người thanh rửa mặt người phàm rửa chân.

5.

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

6.

Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi

7.

Thân em như hạt mưa rào,

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

8.

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

9.

Thân em như cá giữa rào,

Kẻ chài, người lưới biết vào tay ai?

10.

Thân em như con hạc đầu đình,

Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay.

11.

Thân em như miếng cau khô,

Người thanh tham mỏng, kẻ thô tham dày.

Xem thêm
Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 1)
Trang 1
Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 2)
Trang 2
Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 3)
Trang 3
Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 4)
Trang 4
Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 5)
Trang 5
Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 6)
Trang 6
Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 7)
Trang 7
Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 8)
Trang 8
Sơ đồ tư duy bài Những câu hát than thân dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 9)
Trang 9
Tài liệu có 9 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống