Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Phong cách ngôn ngữ là gì? Có bao nhiêu phong cách ngôn ngữ giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Phong cách ngôn ngữ là gì? Có bao nhiêu phong cách ngôn ngữ
I. Phong cách ngôn ngữ là gì?
Phong cách ngôn ngữ là cách diễn đạt (nói và viết) trong từng hoàn cảnh và người diễn đạt nhất định, là những đặc điểm về cách thức diễn đạt tạo thành kiểu diễn đạt trong một văn bản nhất định.
II. Các loại phong cách ngôn ngữ
+ Phong cách ngôn ngữ Sinh hoạt
+ Phong cách ngôn ngữ Nghệ thuật
+ Phong cách ngôn ngữ Báo chí
+ Phong cách ngôn ngữ Chính luận
+ Phong cách ngôn ngữ Hành chính
+ Phong cách ngôn ngữ Khoa học
1. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
a/ Khái niệm Ngôn ngữ sinh hoạt:
– Là lời ăn tiếng nói hằng ngày dùng để trao đổi thông tin, ý nghĩ, tình cảm,…đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
– Có 2 dạng tồn tại:
+ Dạng nói
+ Dạng viết: nhật kí, thư từ, truyện trò trên mạng xã hội, tin nhắn điện thoại,…
b/ Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:
– Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách được dùng trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức. Giao tiếp ở đây thường với tư cách cá nhân nhằm để trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè,…
– Đặc trưng:
+ Tính cụ thể: Cụ thể về không gian, thời gian, hoàn cảnh giao tiếp, nhân vật giao tiếp, nộii dung và cách thức giao tiếp…
+ Tính cảm xúc: Cảm xúc của người nói thể hiện qua giọng điệu, các trợ từ, thán từ, sử dụng kiểu câu linh hoạt,..
+ Tính cá thể: là những nét riêng về giọng nói, cách nói năng => Qua đó ta có thể thấy được đặc điểm của người nói về giới tính, tuổi tác, tính cách, sở thích, nghề nghiệp,…
Trong đề đọc hiểu, nếu đề bài trích đoạn hội thoại, có lời đối đáp của các nhân vật, hoặc trích đoạn một bức thư, nhật kí, thì chúng ta trả lời văn bản đó thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt nhé.
2. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
a/ Ngôn ngữ nghệ thuật:
– Là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong các tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Nó là ngôn ngữ được tổ chức, sắp xếp, lựa chọn, gọt giũa, tinh luyện từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá trị nghệ thuật – thẩm mĩ.
– Chức năng của ngôn ngữ nghệ thuật: chức năng thông tin & chức năng thẩm mĩ.
– Phạm vi sử dụng:
+ Dùng trong văn bản nghệ thuật: Ngôn ngữ tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình, hồi kí…); Ngôn ngữ trữ tình (ca dao, vè, thơ…); Ngôn ngữ sân khấu (kịch, chèo, tuồng…)
+ Ngoài ra ngôn ngữ nghệ thuật còn tồn tại trong văn bản chính luận, báo chí, lời nói hằng ngày…
b/ Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:
– Là phong cách được dùng trong sáng tác văn chương
– Đặc trưng:
+ Tính hình tượng:
Xây dựng hình tượng chủ yếu bằng các biện pháp tu từ: ẩn dụ, nhân hóa, so sánh, hoán dụ, điệp…
+ Tính truyền cảm: ngôn ngữ của người nói, người viết có khả năng gây cảm xúc, ấn tượng mạnh với người nghe, người đọc.
+ Tính cá thể: Là dấu ấn riêng của mỗi người, lặp đi lặp lại nhiều lần qua trang viết, tạo thành phong cách nghệ thuật riêng. Tính cá thể hóa của ngôn ngữ còn thể hiện trong lời nói của nhân vật trong tác phẩm.
Như vậy trong đề đọc hiểu, nếu thấy trích đoạn nằm trong một bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ bút, ca dao,… và các tác phẩm văn học nói chung thì mình đều trả lời thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thật.
3. Phong cách ngôn ngữ chính luận
a/ Ngôn ngữ chính luận:
– Là ngôn ngữ dùng trong các văn bản chính luận hoặc lời nói miệng trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự,… nhằm trình bày, bình luận, đánh giá những sự kiện, những vấn đề về chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng,…theo một quan điểm chính trị nhất định.
– Có 2 dạng tồn tại: dạng nói & dạng viết.
b/ Các phương tiện diễn đạt:
– Về từ ngữ: sử dụng ngôn ngữ thông thường nhưng có khá nhiều từ ngữ chính trị
– Về ngữ pháp: Câu thường có kết cấu chuẩn mực, gần với những phán đoán logic trong một hệ thống lập luận. Liên kết các câu trong văn bản rất chặt chẽ [Vì thế, Do đó, Tuy… nhưng….]
– Về các biện pháp tu từ: sử dụng nhiều biện pháp tu từ để tăng sức hấp dẫn cho lí lẽ, lập luận.
c/ Đặc trưng phong cách ngôn ngữ chính luận:
Là phong cách được dùng trong lĩnh vực chính trị xã hội.
– Tính công khai về quan điểm chính trị: Văn bản chính luận phải thể hiện rõ quan điểm của người nói/ viết về những vấn đề thời sự trong cuộc sống, không che giấu, úp mở. Vì vậy, từ ngữ phải được cân nhắc kĩ càng, tránh dùng từ ngữ mơ hồ; câu văn mạch lạc, tránh viết câu phức tạp, nhiều ý gây những cách hiểu sai.
– Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận: Văn bản chính luận có hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, mạch lạc và sử dụng từ ngữ liên kết rất chặt chẽ: vì thế, bởi vây, do đó, tuy… nhưng…, để, mà,….
– Tính truyền cảm, thuyết phục: Thể hiện ở lí lẽ đưa ra, giọng văn hùng hồn, tha thiết, bộc lộ nhiệt tình của người viết.
Cách nhận biết ngôn ngữ chính luận trong đề đọc hiểu :
-Nội dung liên quan đến những sự kiện, những vấn đề về chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng,…
-Có quan điểm của người nói/ người viết
-Dùng nhiều từ ngữ chính trị
– Được trích dẫn trong các văn bản chính luận ở SGK hoặc lời lời phát biểu của các nguyên thủ quốc gia trong hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự , …
4. Phong cách ngôn ngữ khoa học
a/ Văn bản khoa học
– Văn bản khoa học gồm 3 loại:
+ VBKH chuyên sâu: dùng để giao tiếp giữa những người làm công việc nghiên cứu trong các ngành khoa học [chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận,…]
+ VBKH và giáo khoa: giáo trình, sách giáo khoa, thiết kế bài dạy,… Nội dung được trình bày từ thấp đến cao, dễ đến khó, khái quát đến cụ thể, có lí thuyết và bài tập đi kèm,…
+ VBKH phổ cập: báo, sách phổ biến khoa học kĩ thuật… nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học cho mọi người, không phân biệt trình độ -> viết dễ hiểu, hấp dẫn.
– Ngôn ngữ KH: là ngôn ngữ được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học, tiêu biểu là các VBKH.
Tồn tại ở 2 dạng: nói [bài giảng, nói chuyện khoa học,…] & viết [giáo án, sách, vở,…]
b/ Đặc trưng phong cách ngôn ngữ khoa học:
– Tính khái quát, trừu tượng :
+ Ngôn ngữ khoa học dùng nhiều thuật ngữ khoa học: từ chuyên môn dùng trong từng ngành khoa học và chỉ dùng để biểu hiện khái niệm khoa học.
+ Kết cấu văn bản: mang tính khái quát (các luận điểm khoa học trình bày từ lớn đến nhỏ, từ cao đến thấp, từ khái quát đến cụ thể)
– Tính lí trí, logic:
+ Từ ngữ: chỉ dùng với một nghĩa, không dùng các biện pháp tu từ.
+ Câu văn: chặt chẽ, mạch lạc, là 1 đơn vị thông tin, cú pháp chuẩn.
+ Kết cấu văn bản: Câu văn liên kết chặt chẽ và mạch lạc. Cả văn bản thể hiện một lập luận logic.
– Tính khách quan, phi cá thể:
+ Câu văn trong văn bản khoa học: có sắc thái trung hoà, ít cảm xúc
+ Khoa học có tính khái quát cao nên ít có những biểu đạt có tính chất cá nhân
Nhận biết : dựa vào những đặc điểm về nội dung, từ ngữ, câu văn, cách trình bày,…
5. Phong cách ngôn ngữ báo chí
a/ Ngôn ngữ báo chí:
– Là ngôn ngữ dùng để thông báo tin tức thời sự trong nước và quốc tế, phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của XH. Tồn tại ở 2 dạng: nói [thuyết minh, phỏng vấn miệng trong các buổi phát thanh/ truyền hình…] & viết [ báo viết ]
– Ngôn ngữ báo chí được dùng ở những thể loại tiêu biểu là bản tin, phóng sự, tiểu phẩm,… Ngoài ra còn có quảng cáo, bình luận thời sự, thư bạn đọc,… Mỗi thể loại có yêu cầu riêng về sử dụng ngôn ngữ.
b/ Các phương tiện diễn đạt:
– Về từ vựng: sử dụng các lớp từ rất phong phú, mỗi thể loại có một lớp từ vựng đặc trưng.
– Về ngữ pháp: Câu văn đa dạng nhưng thường ngắn gọn, sáng sủa, mạch lạc.
– Về các biện pháp tu từ: Sử dụng nhiều biện pháp tu từ để tăng hiệu quả diễn đạt.
c/ Đặc trưng của PCNN báo chí:
– Tính thông tin thời sự: Thông tin nóng hổi, chính xác về địa điểm, thời gian, nhân vật, sự kiện,…
– Tính ngắn gọn: Lời văn ngắn gọn nhưng lượng thông tin cao [ bản tin, tin vắn, quảng cáo,…]. Phóng sự thường dài hơn nhưng cũng không quá 3 trang báo và thường có tóm tắt, in đậm đầu bài báo để dẫn dắt.
– Tính sinh động, hấp dẫn: Các dùng từ, đặt câu, đặt tiêu đề phải kích thích sự tò mò của người đọc.
Nhận biết :
+Văn bản báo chí rất dễ nhận biết khi đề bài trích dẫn một bản tin trên báo, và ghi rõ nguồn bài viết (ở báo nào? ngày nào?)
+Nhận biết bản tin và phóng sự : có thời gian, sự kiện, nhân vật, những thông tin trong văn bản có tính thời sự
6. Phong cách ngôn ngữ hành chính
a/ VB hành chính & Ngôn ngữ hành chính:
– VB hành chính là VB đuợc dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực hành chính. Ðó là giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác trên cơ sở pháp lí [thông tư, nghị định, đơn từ, báo cáo, hóa đơn, hợp đồng…]
– Ngôn ngữ hành chính là ngôn ngữ được dùng trong các VBHC. Đặc điểm:
+ Cách trình bày: thường có khuôn mẫu nhất định
+ Về từ ngữ: sử dụng lớp từ hành chính với tần số cao
+ Về kiểu câu: câu thường dài, gồm nhiều ý, mỗi ý quan trọng thường được tách ra, xuống dòng, viết hoa đầu dòng.
b/ Đặc trưng PCNN hành chính:
– Tính khuôn mẫu : mỗi văn bản hành chính đều tuân thủ 1 khuôn mẫu nhất định
– Tính minh xác: Không dùng phép tu từ, lối biểu đạt hàm ý hoặc mơ hồ về nghĩa. Không tùy tiện xóa bỏ, thay đổi, sửa chữa nội dung. Đảm bảo chính xác từng dấu câu, chữ kí, thời gian. Gồm nhiều chương, mục để tiện theo dõi
– Tính công vụ: Không dùng từ ngữ biểu hiện quan hệ, tình cảm cá nhân [ nếu có cũng chỉ mang tính ước lệ: kính mong, kính gửi, trân trọng cảm ơn,…]. Dùng lớp từ toàn dân, không dùng từ địa phương, khẩu ngữ,…
Ví dụ: Đơn xin nghỉ học, Hợp đồng thuê nhà, ….
Nhận biết văn bản hành chính rất đơn giản: chỉ cần bám sát hai dấu hiệu mở đầu và kết thúc
+ Có phần tiêu ngữ (Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ở đầu văn bản
+ Có chữ kí hoặc dấu đỏ của các cơ quan chức năng ở cuối văn bản
Ngoài ra, văn bản hành chính còn có nhiều dấu hiệu khác để chúng ta có thể nhận biết một cách dễ dàng.
III. Bài tập về Các phong cách ngôn ngữ
Bài 1. Đoạn thơ sau đây tuy thuộc văn bản nghệ thuật, nhưng có những chi tiết của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Hãy phân tích điều đó.
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn, mép ba lô,
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng,
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.
Trả lời:
Đoạn thơ tuy thuộc văn bản nghệ thuật, nhưng có những chi tiết của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt :
- Về nội dung, đoạn thơ thuật lại cảnh sinh hoạt gần gũi, thân mật hằng ngày của một đơn vị bộ đội trong kháng chiến chống Pháp.
- Những hình ảnh, chi tiết trong sự việc rất cụ thể (nắng mưa sòn mép ba lô, nghỉ lại lưng đèo, nằm trên dốc nắng, kì hộ lưng nhau, quờ chân tìm hơi ấm,…).
- Có một đoạn hội thoại giữa những người lính, ở đó họ dùng những từ xưng hô thân mật, suồng sã và dùng từ địa phương, từ khẩu ngữ (đằng nớ, tớ,…).
Bài 2. Trong đoạn trích dưới đây, ngôn ngữ sinh hoạt được thể hiện ở dạng nào?
Em có nhận xét gì về việc sử dụng từ ngữ ở đoạn này?
Ông Năm Hên đáp:
- Sáng mai sớm, đi cũng không muộn. Tôi cần một người dẫn đường đến ao sấu đó. Có vậy thôi! Chừng một giờ đồng hồ sau là xong chuyện! Sấu ở ao giữa rừng, tôi bắt nhiều lần rồi. Bà con cứ tin tôi. Xưa nay, bị sấu bắt là người đi ghe xuồng hoặc ngồi rửa chén dưới bến, có bao giờ sấu rượt người ta giữa rừng mà ăn thịt? Tôi không có tài giỏi gì hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thì họ nói là bùa phép để kiếm tiền. Nghề bắt sấu có thể làm giàu được ngặt tôi không màng thứ phú quới đó. Nói thiệt với bà con: cha mẹ tôi sanh ra chỉ có hai anh em tụi tui. Anh tôi xuống miệt Gò Quao phá rừng lập rẫy hồi mười năm về trước. Sau được tin cho hay: Ảnh bị sấu ở Ngã ba Đình bắt mất. Tôi thề quyết trả thù cho anh. Cực lòng biết bao nhiêu khi nghe ở miệt Rạch Giá, Cà Mau này có nhiều con rạch, ngã ba, mang tên Đầm Sấu, Lung Sấu, Bàu Sấu, sau này hỏi lại tôi mới biết đó là nơi ghê gớm, hồi xưa lúc đất còn hoang. Rạch Cà Bơ He, đó là chỗ sấu lội nhiều, người Miên sợ sấu không dám đi qua mới đặt tên như vậy, cũng như Phá Tam Giang, Truông nhà Hồ của mình, ngoài Huế.
(Theo Sơn Nam, Bắt sấu rừng U Minh Hạ)
Trả lời:
a. Trong đoạn trích trên, ngôn ngữ sinh hoạt biểu hiện dưới dạng viết của tác phẩm văn học để tái hiện cuộc hội thoại hàng ngày về việc đi bắt cá sấu:
b. Nhận xét về cách sử dụng từ ngữ trong đoạn văn này: Việc dùng từ ngữ ở đoạn văn này khá nhuần nhị, tự nhiên, in đậm sắc thái ngôn ngữ của vùng sông rạch đồng bằng sông Cửu Long ở cực Nam của Tổ quốc, và đây là ngôn ngữ của người đứng tuổi, từng trải trong nghề bắt cá sấu, có nét dân dã, bình dị: Có vậy thôi, là xong chuyện, bà con cứ tin tôi, rượt, ngặt, phú quới, miệt, cực lòng, không nói cá sấu mà nói sấu, với Sấu lợn, Đầu Sấu, Lưng Sấu, ... Nhờ vậy, lời nói nhân vật sinh động, mang đậm phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
Bài 3: Trong bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý (trong ngữ văn 12, tập 1) là một văn bản khoa học, hãy cho biết:
- Văn bản đó trình bày những nội dung khoa học gì?
- Văn bản đó thuộc ngành khoa học nào?
- Ngôn ngữ khoa học ở dạng viết của văn bản đó có đặc điểm gì dễ nhận thấy?
Trả lời:
Văn bản nghị luận về một tư tưởng đạo lý là văn bản khoa học
Văn bản trình bày những nội dung:
Tìm hiểu đề và lập dàn ý
Luyện tập
- Văn bản này thuộc ngành khoa học xã hội
- Ngôn ngữ khoa học ở dạng viết của văn bản có những thuật ngữ khoa học: dẫn chứng, luận điểm, câu thơ, văn học, giải thích, bác bỏ, nghị luận…
Cách trình bày bố cục văn bản cũng theo hướng bài khoa học.
Thông tin bài mang tới là thông tin khoa học, giúp học sinh hiểu, biết làm bài tập nghị luận về một tư tưởng, đạo lý
Bài 4: Hãy tìm các thuật ngữ khoa học, phân tích tính lý trí, logic của phong cách ngôn ngữ khoa học thể hiện trong đoạn trích sau
Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, là chất liệu của văn chương, văn học là nghệ thuật ngôn ngữ. Những điều đó đã được thừa nhận một cách hiển nhiên, dường như không có gì phải bàn cãi. Từ đó, nghiên cứu văn học nhất thiết không thể bỏ qua bình diện ngôn ngữ văn học, không chỉ bởi vì mọi yếu tố, mọi bình diện khác của văn học đều chỉ có thể được biểu đạt qua ngôn ngữ, mà còn vì sáng tạo ngôn ngữ là một trong những mục đích quan trọng, cũng là một phần không nhỏ trong sự đóng góp vào những giá trị độc đáo, riêng biệt của văn chương. Lịch sử văn học, xét về một phương diện cũng chính là lịch sử của ngôn ngữ văn học.
Ngôn ngữ văn học vừa là điều kiện, lại vừa là kết quả của quá trình vận động, biến đổi của văn học qua các thời kỳ, giai đoạn. Sự thay đổi hệ hình văn học cũng đi liền với sự thay đổi của hệ hình ngôn ngữ văn học, và qua đó phản ánh sự biến đổi của đời sống xã hội, của tư duy, của môi trường văn hóa tinh thần và các giá trị của quan niệm thẩm mỹ.
(Một số vấn đề trong nghiên cứu ngôn ngữ văn học Việt Nam thế kỉ XX- Nguyễn Văn Long)
Trả lời:
Các thuật ngữ khoa học:
Ngôn ngữ, chất liệu của văn chương, nghệ thuật ngôn ngữ, bình diện ngôn ngữ, văn chương, quan niệm thẩm mỹ, hệ hình văn học.
- Các thuật ngữ khoa học này liên kết chặt chẽ, logic với nhau trong một chỉnh thể, thể hiện đặc trưng của ngôn ngữ văn học.
Bài 5. Phân tích tính hình tượng và tính truyền cảm của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong đoạn thơ sau :
“Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…
Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng…”
(Xuân Diệu, Biển)
Trả lời:
Tính hình tượng trong đoạn thơ được thể hiện qua những từ ngữ miêu tả cảnh bờ biển: màu sắc, hình dáng, trạng thái giao hoà của bờ cát, ánh nắng, hàng thông, sóng biển,…
Tính truyền cảm biểu lộ ở chính cảm xúc say mê cảnh đẹp của biển cả, ở tình cảm chân thành của nhân vật trữ tình, ở trạng thái mơ màng, hoà quyện của vạn vật
Bài 6. Tính cá thể hoá của ngôn ngữ nghệ thuật được biểu hiện như thế nào qua đoạn văn miêu tả sau :
Nắng đã qua. Gã Đực nằm đầu hiên, thè dài lưỡi ra thở hực hực. Lũ ngan, lũ ngỗng thì rủ nhau chúi xuống bờ ao, bên những tàu lá khoai sơn hà xanh roi rói. Ở dưới gầm cụm lá sói, hai ba chị mái tơ thi nhau rụi đất, thỉnh thoảng lại rũ cánh phành phạch.
(Tô Hoài)
Trả lời:
Tính cá thể hoá của ngôn ngữ miêu tả trong đoạn văn thể hiện rõ rệt ở việc miêu tả rất cụ thể, với những nét riêng biệt về các loài vật: con chó, lũ ngan, lũ ngỗng, và mấy con gà mái (nơi tránh nắng quen thuộc, ưa thích của mỗi loài, động tác đặc trưng của từng loài ở nơi tránh nắng,…).
Bài 7. Phân tích tính hình tượng và các tầng ý nghĩa trong khổ thơ sau đây :
Xưa phù du mà nay đã phù sa
Xưa bay đi mà nay không trôi mất
Cho đến được… lúa vàng đất mật
Phải trên lòng bao trận gió mưa qua.
(Chế Lan Viên, Nay đã phù sa)
Trả lời:
Trong khổ thơ có hai tuyến hình tượng đối lập nhau:
– Phù du, bay đi, trận gió mưa
– Phù sa, không trôi mất, lúa vàng, đất mật
Đó là sự đối lập giữa cái xưa và cái nay, cái lợi và cái hại.
Tầng nghĩa thứ nhất nói về thiên nhiên : phù du thì vô bổ, phù sa thì mang lại những đồng bằng phì nhiêu (đất mật) và những vụ mùa bội thu (lúa vàng). Nhưng có những vụ mùa bội thu như vậy không phải không trải qua những trận mưa gió phũ phàng.
Tầng nghĩa thứ hai: suy nghĩ ưu tư của nhân vật trữ tình. Cuộc sống xưa thật vô nghĩa và sớm nở tối tàn như kiếp phù du. Còn cuộc sống nay thật là đáng sống: thấy mình như chất phù sa mang lại ích lợi cho ruộng đồng, mùa màng. Tuy rằng có được thành quả như ngày nay thì cũng đã trải qua nhiều vật lộn, sóng gió.
Bài 8: Hãy chỉ ra các biện pháp tư từ được vận dụng qua đoạn văn chính luận sau đây:
Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền, cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào là lót cho lại, nào chạy ngược nò chạy xuôi, dầu cố ruộng dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cần lấy được một chức xã trưởng hoặc cai tổng đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi. Những kẻ như thế mà vẫn không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ thay! Thương ôi! Làng có một trăm dân mà người này đối với người kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lí cả.Đó là nói người trong một làng đối với nhau, chứ như đối với dân kiều cư kí ngụ thì lại càng hà khắc hơn nữa. Ôi! Một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở ở trong óc chúng làm sao được. Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam ta không có là cũng vì thế.
(Đạo đức và luân lí Đông Tây, Phan Chu Trinh)
Trả lời:
- Đoạn văn trích trên có sử dụng phép điệp cấu trúc: nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược, nào chạy xuôi/ dầu cố ruộng dầu bán trâu .../ đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách.
- Liệt kê những hành động mua quan bán chức
⇒ Tố cáo xã hội bát nháo của thế lực đồng tiền, quyền thế, mọi thứ bị lu mờ, đổi trắng thay đen. Xã hội không có luân lý, đạo đức.
Thái độ của tac giả: đau đớn, chua chát, uất ức.
Bài 9: Đoạn văn sau đây thể hiện đặc điểm nào về phương diện diễn đạt của phong cách ngôn ngữ chính luận.
Vì sao phải kháng chiến? Vì không kháng chiến thì Pháp sẽ cướp nước ta lần nữa. Chúng sẽ bắt dân ta đi phu, đi lính, nộp thuế, nộp sưu. Chúng sẽ cướp giật hết quyền tự do, dân chủ của ta. Chúng cướp hết ruộng đất, của cải của ta. Chúng sẽ khủng bố chém giết anh, em, bà con ta. Chúng sẽ đốt phá nhà cửa, đền chùa ta. ( Hồ Chí Minh)
Trả lời:
- Đặc điểm về phương tiện diễn đạt của phong cách ngôn ngữ chính luận trong đoạn trích là:
+ Dùng từ ngữ bộc lộ rõ thái độ, tình cảm của người viết: phải đứng lên kháng chiến
+ Phối hợp các kiểu câu: câu hỏi, câu khẳng định
+ Vận dụng phương pháp tư từ cú pháp. Những kiểu câu giống nhau được lặp đi lặp lại làm tăng tính biểu cảm cho lời văn.
Bài 10: Em hãy cho biết tên các văn bản hành chính thường liên quan đến công việc, học tập trong nhà trường của anh chị.
Gợi ý trả lời:
Những văn bản hành chính liên quan tới công việc và học tập ở trường học:
Đơn xin nhập học, đơn xin nghỉ học, biên bản bàn giao cơ sở vật chất lớp học, quyết định khen thưởng, quyết định xử phạt, bản kiểm điểm, thông báo, giấy mời họp phụ huynh, biên bản hội nghị, biên bản nghiệm thu…
Bài 11: Cho văn bản sau
QUYẾT ĐỊNH
V/v: Quyết định ban hành quy chế khen thưởng của tổ chức công đoàn
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng năm 2003, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013
- Căn cứ Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XI)
- Xét đề nghị của Ban Chính sách Kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành Quy chế Khen thưởng của tổ chức Công đoàn.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định 1564/ QĐ- TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và có hiệu lực kể từ ngày ban hành
Điều 3. Cán bộ, đoàn viên và các cấp Công đoàn, các Ban và đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH
Phạm Mai Hoa
Nêu đặc điểm tiêu biểu về cách trình bày văn bản, về từ ngữ, kiểu câu của văn bản hành chính (lược trích) sau đây.
Gợi ý trả lời:
Trong văn bản quyết định khen thưởng, có đặc trưng của văn bản hành chính:
- Cấu trúc mang đặc điểm của văn bản hành chính:
Quốc hiệu, tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản, số kí hiệu văn bản, ngày tháng ban hành, nội dung văn bản, nơi nhận, quyền hạn, chức vụ, họ tên chữ kí của người có thẩm quyền
- Từ ngữ: sử dụng các từ ngữ mang phong cách hành chính: thông tư, căn cứ, nghị định, luật sửa đổi bổ sung, thi hành, hiệu lực, điều lệ, đề nghị…
- Kiểu câu của văn bản hành chính: thường là các câu đơn nghĩa, rõ ràng, không chứa nghĩa hàm ẩn.
Bài 12: Nhận xét về cách sử dụng ngôn ngữ trong những ví dụ sau: Nếu được viết lại, em sẽ viết ra sao?
1. Theo cái mode của những người nổi tiếng, cô lập ra một kế hoạch để trở thành một superstar. Tiếng hát của cô từ sóng MTV bổ xuống, theo đường cáp tỏa đi chằng chịt các nẻo, hấp dụ mạnh mẽ tầng lớp thanh niên cấp tiến biết thế nào là tự do sau những cụm từ “How are you?” và “overnight”.
2. Chủ trương xây dựng KPVH được nhân dân toàn quận hưởng ứng rộng rãii
3. Hôm rồi, tôi gặp anh Tứ xe ôm, thấy bộ dạng anh chàng bảnh tỏn, không mang vẻ mặt phong trần dầm mưa dãi nắng nữa.
Trả lời:
1. Đoạn văn đã sử dụng tiếng anh một cách bừa bãi như: mode, superstar, how are you, overnight. Điều đó có thể làm cho một bộ phận người đọc, người nghe không hiểu được và cảm thấy khó chịu.
2. Trong câu này, người viết đã phạm sai lầm khi sư dụng lối viết tắt một cách tùy tiện. Để sửa lại ta phải hiểu một cách chính xác của KPVH và bỏ từ viết tắt đó đi mà thay bằng những từ ngữ viết bình thường.
3. Trong ví dụ này, người viết đã sai lầm khi sử dụng biệt ngữ xã hội một cách thiếu chọn lọc.
- Bảnh tỏn: bảnh bao, xinh đẹp.
- Do đó, ta sẽ viết lại câu này trên ý nghĩa vừa phân tích.
Bài 13: Viết một bản tin ngắn phản ánh tình trạng quay cóp trong thi cử
Trả lời:
Nạn quay cóp trong thi cử hiện đang trở thành vấn đề nhức nhối trong các trường học. Trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tổ chức vào ngày...tháng...năm...tại trường A, giám thị đã đình chỉ việc thi của hơn 40 thí sinh vì sử dụng tài liệu trong khi đang làm bài. Đặc biệt, có một số thành viên hội đồng giám thị tại trường B tổ chức giải đề thi cho thí sinh. Về phía phụ huynh học sinh, nếu giám thị nào coi thi nghiêm túc thì bị họ la ó, chửi bới, cá biệt còn bị hành hung như sự việc đau lòng xảy ra ở huyện C.