Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn

Tải xuống 9 4.9 K 5

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn , tài liệu bao gồm 9 trang giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kỳ thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:

TÂM HỒN CỦA ĐÁ

- Nhạc sĩ Trần Lập - 

ĐỀ BÀI:

Trong bài hát “Tâm hồn của đá”, cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: “Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hóa thân thành đá…”. Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về lời khuyên đó.

DÀN Ý THAM KHẢO

Mở bài

– Đối với mỗi con người, được sinh ra và tồn tại vốn đã là một niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc sống. Nhưng sống sao cho có ý nghĩa lại không phải ai cũng làm được.

– Lời bài hát của cố nhạc sĩ Trần Lập là một lời khuyên sâu sắc, lời giáo dục mang tính nhân văn cao cả về cách sống biết yêu thương, biết sẻ chia và luôn hướng về người khác.

Thân bài

  1. Giải thích quan niệm của tác giả

– “ Đá” là vật vô tri vô giác được dùng trong cuộc sống con người, có vẻ ngoài cứng nhắc, rắn rỏi.

– Theo cách khắc họa của tác giả, đá được hiện lên với vẻ thô mịch tự nhiên của nó” sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn băng giá”. Đá tồn tại giữa cuộc đời nhưng lại sống như thể vũ trụ chỉ có riêng nó.

=>Tác giả muốn phủ nhận lối sống ích kỉ, hẹp hòi; sống khô khan thiếu thốn tình cảm của con người hiện nay. Nếu như sự cứng nhắc của đá là bản chất thì lối sống tiêu cực này đang dần trở thành “bản chất” của không ít người – những người chỉ biết đến mình mà quên đi người khác.

  1. Bàn luận

– Sống yêu thương là lối sống cao đẹp, là cách sống của những con người luôn gắng sức để trở thành người có ích cho xã hội. Như những viên ngọc sáng lung linh giữa đời, họ trở thành biểu tượng chân thực nhất về tấm lòng nhân ái cao thượng.

Dẫn chứng: Cô Nguyễn Khánh Thương- giảng viên khoa Báo chí truyền thông-ĐH Khoa học xã hội và nhân văn- ĐH là người có nhiều cống hiến cho công tác từ thiện từ khi là sinh viên cho tới khi qua đời vào năm 2015. Thậm chí, trong quá trình chống chọi với bệnh ung thư quái ác cô vẫn dành thời gian đến cuối đời để thành lập và hoạt động

Mạng lưới ung thư vú Việt Nam – tổ chức giúp đỡ và động viên các bệnh nhân ung thư vú trên cả nước.

Bác Lê Thị Gìn (65 tuổi, quê Thái Bình) người không nhà, không cửa lên Hà Nội làm nghề ve chai. Dù không đủ tiền phục vụ cho cuộc sống gia đình nhưng bác vẫn dùng mấy chục nghìn kiếm được mỗi ngày để mua quà, khi thì hộp sữa, khi thì chiếc bánh để giúp đỡ người nghèo.

– Sống yêu thương để xua đi trong thâm tâm mỗi người hạt nhân của sự ích kỉ, nhỏ nhen, không biết tới người khác. “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực, mà là lời thiếu tình thương”. Những tấm lòng ấm áp tình nghĩa của mọi người sẽ xóa đi lạnh giá của tự nhiên và lạnh giá của cuộc đời.

Dẫn chứng: Chú lính chì Nguyễn Thiện Nhân đã vượt lên số phận để có thành công nhờ nguồn “ấm áp” vô hạn của người mẹ nuôi luôn động viên, vỗ về.

– Lấy tình yêu thương là cốt lõi, lẽ sống ở đời; mỗi người sẽ luôn thấy hạnh phúc. Tình thương nơi tâm hồn trong mỗi người sẽ tạo ra niềm vui sướng cho người khác. Và hơn hết, chính bản thân chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp khi đã biết cho đi ”Sống là cho đâu phải nhận riêng mình” (Tố Hữu). Phải biết cho đi; sống biết mình thì phải biết người chúng ta mới không bị “hóa thân thành đá” sống vô tâm, ích kỉ.

  1. Phê phán

– Cuộc sống coi trọng vật chất của con người hiện đại đã chi phối lối sống trọng tình cảm, tôn thờ tình người của người Việt Nam truyền thống. Nhiều người sống vô cảm, độc ác, thờ ơ với người khác

Dẫn chứng: Vì mối thù cá nhân mà Nguyễn Hải Dương đã ra tay giết 6 người (bao gồm cả người yêu) gây ra vụ giết người khủng khiếp ở Bình Phước. Không ít những vụ vợ chồng chém giết lẫn nhau; anh giết em; cháu giết bà… trên báo chí chỉ vì một câu nói không vừa ý, một hành động không vừa mắt, hay 20.000 để vào quán net chơi game…

– Những người sống tự kỉ, không giao du, mở rộng tấm lòng với người khác, với cuộc đời.

Kết bài

– Dân tộc Việt Nam có truyền thống ”Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” để giáo dục tình yêu thương cho mỗi con người. Dù cuộc sống có đổi thay và hiện đại hơn thì dưới bầu trời, cuộc đời vẫn còn biết bao cảnh ngộ cần ta yêu thương và chia sẻ

– Quan niệm của Trần Lập tuy chỉ là một câu văn duy nhất nhưng tính nhân văn trong nó thì bao la vô tận. Bởi lẽ, nó được đúc kết từ cuộc đời của một con người mà cho tới điểm cuối, con người đó vẫn không thôi trăn trở để sống sao cho ý nghĩa hơn.

BÀI LÀM 1

Đã khá lâu rồi tôi mới tìm đến một quán nước vỉa hè ở góc phố Hà Nội . Khung cảnh vẫn vậy, chút nắng chiều cuối Đông hòa vào cái se se của gió mùa Đông Bắc mang tới cái cảm giác bâng khuâng lạ thường mà quá đỗi quen thuộc. Hà Nội vẫn thế, dòng xe, dòng người như hòa vào cái dòng đời hối hả, vội vàng vì lẽ mưu sinh thường nhật… Và đâu đó, một chiếc Radio cũ lại phát những bài hát, ca từ đậm chất bình dị của Hà Nội, cho tôi những phút lắng nghe về cuộc sống xung quanh, những suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời :

Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá

Sống không một tình yêu

Sống chỉ biết riêng mình

Tâm hồn luôn luôn băng giá

 Đừng hóa thân thành đá

Những câu hát quen thuộc từ ca khúc “Tâm hồn của đá” mà ban nhạc Bức Tường thể hiện. Tôi không nhớ rõ tôi đã nghe ca khúc ấy bao nhiêu lần, vì cứ mỗi chiều Hà Nội ca khúc ấy lại vang lên ở góc nhỏ nội thành như một thứ dư vị không thể thiếu. Nhưng với tôi, dù nghe bao nhiêu lần chăng nữa thì nó vẫn mới mẻ, vẫn hấp dẫn, vẫn đáng suy tư, đáng cảm nhận. Và mỗi lần nghe trong tôi lại có những xúc cảm riêng trong tâm hồn, tôi lại rút ra những triết lý sống cho bản thân trong mỗi ca từ giản dị ấy…

Tôi bắt đầu tìm tòi trong trí nhớ của mình những hình ảnh, khoảnh khắc mà chính tôi nhìn thấy, “con người giống như hòn đá” – mọi người thờ ơ với một nạn nhân tai nạn giao thông, im lặng trước hành động trộm cắp ở bến xe bus,… tôi và bạn, ai trong chúng ta cũng từng nhìn thấy điều này, ít nhất một lần. Và rồi đâu đó trong tư tưởng của tôi và bạn cũng tồn tại tâm lý “đó không phải việc của mình”, “đâu cần quan tâm chuyện người khác”… Hay cố gắng dùng một sự suy diễn nào đó biện minh cho cách nhìn cuộc sống vô cảm của mình và rồi thầm nhủ “phận ai nấy lo”. Đó là sự thờ ơ, vô cảm với cuộc sống xung quanh.

Và tôi nhìn về bản thân mình, cũng có những lần chính tôi vô cảm với mình. Hay nói cách khác là suy nghĩ vô thức, nhắm mắt nhắm mũi để nghe ai đó đưa ra những lựa chọn cho bản thân mình. Để rồi có những khoảng thời gian tôi sống theo cách “ngày qua ngày” nhàm chán, không động lực, không lý tưởng. Cũng có lúc tự tôi che giấu đi những cảm xúc tâm hồn để làm khổ chính mình. Và bây giờ nhìn lại, hẳn tôi và bạn đã thấy mình từng như thế, sống mà chỉ mang nghĩa tồn tại, “sống giống như hòn đá- sống hóa đá tâm hồn.”

Chẳng ai trong chúng ta muốn thấy những người xung quanh mình như vậy, càng không muốn chính mình là nạn nhân của căn bệnh xã hội ấy. Tôi bắt đầu biết lắng nghe hơi thở cuộc sống, bộc lộ những cảm xúc ra ngoài, người ta gọi đó là cách mở lòng với cuộc sống. Tôi không né tránh những gì mà mình thấy, không biện minh cho những gì mình sai và cũng không tìm cách kìm hãm quá mức cảm xúc của mình. Đó là lúc tôi không muốn mình như biển chết, chỉ có vị mặn và đắng trong cuộc sống, cũng không muốn mình biến thành hòn đá lạnh lẽo, thờ ơ, tôi muốn đem tâm hồn mình nhuộm màu cuộc sống.

Trái tim con người vốn dĩ có nhiệm vụ là đập…đập…và đập để duy trì sự sống cho thể xác. Nhưng cũng cần nhớ rằng, trái tim không phải sỏi đá, không đơn thuần chỉ là biết đập, mà còn biết rung động. Cách duy nhất để cảm nhận được sự rung động của trái tim là chia sẻ và lắng nghe như chính tôi đang trải lòng và tản mạn.

Phố phường Hà Nội vẫn ồn ào, náo nhiệt như cái cách mà nó trường tồn, còn tôi, chính trong cái ồn ào, náo nhiệt ấy tôi lại tìm thấy cho chính mình những khoảnh lặng tâm hồn, chút bình yên cho cuộc sống của riêng tôi.

Với tôi, tôi luôn muốn đối mặt với những gì cuộc đời dành tặng, hạnh phúc hay đau khổ, niềm vui hay nỗi buồn. Tôi luôn quan niệm rằng sóng gió cuộc đời mình chỉ đánh thức chứ không thể đánh gục niềm tin vào cuộc sống, sự lạc quan vào cuộc đời. Tôi đón nhận cuộc đời bằng cách cho đi và nhận lại như cái cách mà Tố Hữu thổi hồn mình qua 4 câu thơ :

Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc là phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.

 Thế gian này từ khi tạo hóa sơ khai, cần tới bốn tỷ năm con bướm biết bay, con chim biết hót và đến bây giờ đã hơn bốn tỷ năm để con người biết chết vì yêu, chấp nhận hy sinh vì tình yêu của mình. Vậy tại sao ta không thể sống một cách trọn vẹn nhất?

Một góc Hà Nội, tôi chợt nhận ra rằng, cuộc đời cũng thật ngắn ngủi, sinh ra mất đi vốn đã là quy luật tất yếu, vậy nên đừng tự ép buộc chấp nhận hay thừa nhận quy luật đó, mà hãy đón nhận nó một cách lạc quan rằng cuộc đời này cho ta những phút giây an vui, những phút giây hồn nhiên, những niềm tin yêu khát khao cháy bỏng…

Mười tám tuổi, tôi không có quá nhiều kinh nghiệm sống, nhưng để trải lòng thì tôi luôn sẵn sàng chia sẻ tất cả. Có thể một lúc nào đó, tôi cảm thấy bất lực với cuộc sống này để rồi có thể tự làm tâm hồn mình hóa đá nhưng được sống trên đời này đã là đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Như một nhà văn đã từng nói : “hãy mỉm cười với cuộc đời – thì cuộc đời sẽ mỉm cười lại với chúng ta”

Hà Nội giờ đã xế chiều, nắng đã tắt, bài hát “Tâm hồn hóa đá” cũng khép lại. Dòng người lại càng hối hả hơn. Và chiếc ra Radio cũ lại tiếp tục mang âm hưởng mới hòa vào nhịp sống nơi đây :

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi , để gió cuốn đi…”

BÀI LÀM 2

Một triết gia người Mỹ, Elbert Hubbard đã từng nói : “Cuộc sống chỉ thực sự phong phú khi nó tràn ngập tình yêu và sự cao thượng.” Ý nghĩa của ông muốn gửi gắm qua câu nói chính là thông điệp sâu xa về lòng yêu thương giữa con người với con người trong cuộc sống này. Với cùng tâm niệm chân thành này, nhạc sĩ Trần Lập – tác giả đã sáng tác rất nhiều tuyệt phẩm đã ra đời trước đây, trong đó có bài hát “Tâm hồn của đá”. Nó chứa đựng nhiều những ca từ và giai điệu lắng đọng về tình yêu, tâm hồn của con người : “Đừng sống giống như hòn đá,…sống không một tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Tâm hồn luôn luôn băng giá. Đừng hóa thân thành đá, vì tâm hồn đá giá băng.”

Trước tiên, ta phải tìm hiểu ý nghĩa của lời hát trong bài mà tác giả muốn truyền tải đó là gì. “Hòn đá” có ý nghĩa như thế nào trong câu hát “Đừng sống giống như hòn đá”? Hòn đá vốn là một thứ nhỏ bé, là vật vô tri vô giác nằm chỏng chơ bên vệ đường. Đá sống một cuộc đời vô danh, cách xa mọi người, không một ai để ý đến mỗi lần đi ngang qua đá. Ở đây, hòn đá chính là ẩn dụ tượng trưng cho lòng vô cảm của con người. Nếu như con người sống nghèo nàn về mặt tâm hồn, chai sạn cảm xúc trước tình yêu thương thì rồi kết cục cũng sẽ trở thành hòn đá kia. Trơ trọi một mình, cô đơn giữa đời, tâm hồn sẽ hóa đá không bao giờ có thể trở lại như lúc đầu được. Như vậy, cả lời ca mang ý nghĩa như một lời khuyên chân thành : hãy biết sống đồng cảm với mọi người, biết mở rộng tấm lòng để hòa vào biển lớn yêu thương của nhân loại, đừng bao giờ chỉ sống cho riêng mình mà quên đi những người khác.

Vậy tại sao ta lại phải “Đừng sống như hòn đá”? Sống như đá là lối sống vị kỷ, sống chỉ cho riêng bản thân mình, luôn đặt lợi ích tư lên đầu mà không để tâm đến những người xung quanh. Cuộc sống đó không tồn tại tình yêu thương và cũng không thể có được yêu thương, chính vì thế mà nó trở nên vô nghĩa và ảm đạm tối tăm. Sống như hòn đá sẽ đẩy con người vào tình cảnh cô đơn, bị mọi người xung quanh xa lánh không muốn tiếp xúc. Hoàn cảnh như vậy lại càng làm họ lún sâu hơn vào cái hố đen của sự tuyệt vọng nếu như chính họ không tự mình vực dậy, đem lòng mình ra mà yêu thương, sẻ chia. Bởi vì : “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương.” (M.Go-rơ-ki)

Ta cần phải làm thế nào để không sống như một hòn đá? Ngay từ đầu, tác giả Trần Lập đã thêm vào động từ “Đừng” để tăng tính khuyên nhủ mạnh mẽ cho câu hát, nhắc nhở ta về thái độ sống với cuộc đời này. Cần phải tăng cường hành động hành động yêu thương nều như chính ta muốn được yêu thương, bởi chăng : “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Trịnh Công Sơn). Trong cuộc đời này, ta nên hòa mình vào với cộng đồng, biết mở tâm hồn ra để đón nhận tình thương cũng như biết cho đi, vì khi cho đi chính là còn mãi.

Tâm hồn ta giống như một mảnh đất, và ta là người quyết định nó sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ phù sa hoặc trở thành vùng đất cằn cỗi nứt nẻ. Nếu như sống với một tâm cửa tâm hồn mình vào, mảnh đất ấy cũng bị cô lập và thu hẹp nhỏ hơn. Qua thời gian, mảnh đất sẽ mất đi dần sức sống của nó, hóa khô cằn và thô ráp, không có bất cứ thứ gì có thể tồn tại được nữa. Lúc đó, trên mảnh đất chỉ trơ trọi lại sỏi và đá, ta chỉ còn có thể sống “như một hòn đá.” Đã có người từng nói : “Cuộc đời bạn như một viên đá, chính bạn là người quyết định viên đá ấy bám rong rêu hay trở thành viên ngọc sáng.”

Đừng chỉ sống cho mình mà hãy biết thả mình vào đại dương tình yêu của nhân loại. Cá nhân không bao giờ có thể tách rời tập thể được. Chính tác giả chứ không ai khác, Trần Lập đã sống đúng nghĩa như một cuộc sống không phải là một hòn đá. Tiền anh kiếm được từ các buổi biểu diễn anh chỉ nhận một phần rất nhỏ trong đó, còn lại đều đem đi từ thiện cho người khác. Giọng hát của anh là nguồn sống của biết bao con người vẫn đang còn khốn khổ trong cuộc đời này. Để giờ đây, khi anh ra đi, tấm chân tình ấy vẫn mãi là viên ngọc sáng mãi cho người đời sau noi theo.

Từ việc phân tích trên, ta rút ra bài học cho bản thân mình. Về nhận thức, ca từ bài hát đã bàn đến vấn đề về lối sống vô cảm của con người con người và khuyên ta sống phải biết đến yêu thương, biết cho đi tình thương của mình. Về mặt hành động, ta phải học cách yêu thương bằng việc tăng cường thêm những hành động ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, yêu thương để được yêu thương.

Tình yêu thương luôn luôn không bao giờ là đủ, hãy biết mở tấm lòng mình ra để đón nhận và cho đi như một thứ quà tặng của cuộc sống. Xin mượn mấy vần thơ thay cho lời kết :

“Xin gửi lại bạn đường yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ một nắm tro

Thơ gửi bạn đường tro bõn đất

Sống là cho, chết cũng là cho.”

 

Xem thêm
Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn (trang 1)
Trang 1
Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn (trang 2)
Trang 2
Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn (trang 3)
Trang 3
Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn (trang 4)
Trang 4
Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn (trang 5)
Trang 5
Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn (trang 6)
Trang 6
Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn (trang 7)
Trang 7
Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn (trang 8)
Trang 8
Nghị luận xã hội "Tâm hồn của đá" - nhạc sĩ Trần Lập môn Ngữ văn (trang 9)
Trang 9
Tài liệu có 9 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống