Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng Ngữ văn 8 ,Kết nối tri thức gồm 4 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới.
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) trình bày cảm nhận của em về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong bài thơ Thiên Trường vãn vọng.
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 1)
Hai câu thơ đầu gợi tả cảnh làng quê vùng Thiên Trường trong ánh chiều tàn. Bốn chữ "thôn Hậu thôn tiền" và "bán vô bán hữu" liên kết đôi, tạo nên sự cân xứng hài hòa về ngôn ngữ đã gợi lên cảnh xóm thôn nối tiếp gần xa, đông đúc, trù phú. Trong bóng chiều nhạt nhòa, xóm thôn "trước xóm sau thôn" phủ mờ khói như càng trở nên mơ màng, mênh mang. Khói của sương chiều. Khói lam chiều vấn vương, nhẹ bay trên những mái nhà gianh sau lũy tre làng.
Chỉ bằng 3 nét vẽ rất chọn lọc, lối tả ít mà gợi nhiều của thi pháp cổ, thi sĩ đã làm hiện lên một không gian nghệ thuật về cảnh sắc làng quê một buổi chiều tàn phủ mờ sương khói và ánh tà dương nơi yên bình, êm đềm, nên thơ. Nét vẽ thanh nhẹ. Cảnh vật bao la, tĩnh lặng. Ngoại cảnh và tâm cảnh đồng hiện. Tưởng như thi sĩ đang thả hồn mình vào cảnh vật, lặng ngắm thôn xóm quê hương gần xa không chán. So sánh "đạm tự yên" (mờ nhạt như không là một hình tượng đầy thi vị. Cả một hồn quê man mác gợi cảm):
"Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên
(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không).
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 2)
Mục đồng địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
Âm thanh tiếng sáo làm cho bức tranh trở nên đầy sức sống. Chiều về , ngoài đồng, những con trâu theo tiếng sáo của trẻ con mà về, khung cảnh thật yên bình, đẹp đẽ. Màu trắng của từng đôi cò liệng xuống đồng cũng làm không gian bớt phần quạnh hiu. Bức tranh được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan: thị giác – sắc trắng tinh khôi của những cánh cò; thính giác – âm thanh tiếng sáo du dương, trầm bổng của những đứa trẻ đi chăn trâu. Nếu như ở hai dòng thơ đầu, cảnh vật tịch mịch, tĩnh lặng không xuất hiện bất cứ chuyển động nào thì đến hai câu thơ cuối khung cảnh trở nên sinh động nhờ xuất hiện âm thanh và hoạt động của sự vật. Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” làm cho không gian được mở ra, trở nên thoáng đãng, cao rộng, trong sạch, yên ả. Qua đó còn cho thấy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại cảm giác thân quen, gần gũi.
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 3)
Thiên Trường - thời xưa là một huyện của tỉnh Nam Định, hay nói cách khác đây là một làng quê nông thôn Bắc Bộ, hai câu thơ đầu cũng chính là lời giới thiệu về mảnh đất quê hương của tác giả:
"Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên"
(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không)
Với đặc điểm thiên nhiên - khí hậu đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, vào buổi chiều tà khi mặt trời đã lặn thường có sương xuống, đặc biệt là vào mùa thu, lớp sương dày đặc bao bao phủ cả bầu trời, trùm lên những ngôi làng. Lớp sương phủ trắng xóa ấy được nhà thơ ví "tựa khói lồng" bởi sự len lỏi, bao trùm và hòa quyện của sương khói, trong lớp sương ấy thôn trước, thôn sau ẩn hiện nửa thực nửa hư, nửa có nửa không. Ta cảm nhận được một không gian chiều muộn thôn quê thanh bình, thơ mộng và yên ả, cảm nhận được tình yêu, tấm lòng gắn bó với quê hương của nhà thơ.
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 4)
Bức tranh làng quê Bắc Bộ đã hiện hữu trước mặt người đọc qua những cảm nhận của nhà thơ, đó là một bức tranh đặc tả khung cảnh thiên nhiên để rồi từ đó hiện lên hình ảnh của con người, của cuộc sống sinh hoạt dân giã:
"Mục đồng địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền"
(Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).
Hình ảnh những chú bé chăn trâu ngồi vắt vẻo trên lưng trâu để thổi sáo làm cho khung cảnh làng quê trở nên sinh động, đồng thời khơi dậy tình quê gắn bó trong mỗi con người. Những tiếng cười nói vui vẻ xen lẫn những tiếng sáo trong văng vẳng của cô bé, cậu bé chăn trâu làm cho không gian bức tranh như bừng tỉnh, rõ nét và tươi sáng hơn. Đàn trâu thong dong đi về gợi nên sự thư thái, thong thả, một nhịp sống từ tốn, nhẹ nhàng nơi thôn dã, cho ta cảm nhận rõ sự yên ả của làng quê là sự yên bình chứ không phải vắng vẻ, đìu hiu. Hình ảnh đàn cò trắng từng đôi liệng xuống đồng, vừa diễn tả một không gian thoáng đãng, cao rộng lại vừa tô điểm cho bức tranh quê một vẻ đẹp nên thơ. Tác giả Trần Nhân Tông, vốn là một vị vua nhưng qua từng câu chữ, từng lời thơ và đặc biệt là từng dòng cảm xúc, tâm trạng của tác giả mà ta cảm nhận sâu sắc tình yêu quê hương, tấm lòng yêu thương gắn bó của Trần Nhân Tông với quê hương thôn dã. Dù có đang ở địa vị tối cao của một đất nước nhưng điều đó không làm mất đi tình quê thắm thiết của Trần Nhân Tông.
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 5)
Thiên Trường vãn vọng là một bài thơ rất hay của vua Trần Nhân Tông. Ngay từ nhan đề của bài ta đã phần nào cảm nhận được nội dung của bài thơ. Thiên Trường vãn vọng tức ngắm cảnh buổi chiều ở Thiên Trường. Bài thơ được viết khi nhà vua về thăm quê ở phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Đứng ở phủ Thiên Trường trông ra bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên, cuộc sống yên bình của người dân thôn quê. Không gian chính trong bài thơ chính là lúc trời đã về chiều (vãn), tất cả cảnh vật hiện ra không rõ nét, nửa hư nửa thực, mờ ảo. Thời gian buổi chiều gợi nên nỗi buồn man mác, không gian làng quê im ắng, tĩnh mịch. Điều đó cho thấy một tâm hồn tinh tế nhạy cảm trước vẻ đẹp giản dị của cuộc sống. Có thể nói, chỉ với 4 từ ngắn ngủi nhưng nhan đề của bài thơ đã bao quát được toàn bộ nội dung của tác phẩm.
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 6)
Trong bài thơ Thiên Trường vãn vọng, hình ảnh mà em ấn tượng nhất là hình ảnh những chú bé chăn trâu lùa trâu về nhà khi chiều tà. Hình ảnh này khiến em liên tưởng đến một hình ảnh trong bài thơ chiều hôm nhớ nhà của bà Huyện Thanh Quan. Những chú bé chăn trâu trở về nhà sau một ngày dài. Đây là một hình ảnh rất đẹp về bức tranh sinh hoạt trong đời sống hằng ngày. Sau một ngày lao động mệt mỏi ta lại được trở về nhà để sum vầy bên người thân.
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 7)
Bài thơ Thiên trường vãn vọng là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về làng quê trong buổi chiều tà. Mở đầu bài thơ là không gian mở ảo của làng quê, cảnh vật đang nhạt nhòa dần trong sương khói và bóng chiều mập mờ như nửa có nửa không. Hoàng hôn luôn là thời điểm khơi gợi cho ta nhiều cảm xúc, đó là cảm giác bình yên, thư thái trong tâm hồn; hai tiếng “man mác” như gợi ra nỗi niềm tâm trạng đó ở thi nhân, bởi rất lâu người xa quê nay mới có dịp trở về. Và trong bức tranh thôn quê yên bình ấy, bỗng xuất hiện thanh âm tiếng sáo trong trẻo, bay bổng của chú bé mục đồng đang ngồi vắt vẻo lưng trâu trên con đường về thôn xóm. Tiếng sáo ấy thật bình yên, vui tươi trong khung cảnh chiều muộn. Thời điểm chiều tà cũng là lúc mọi người kết thúc công việc, trở về sum họp vui vẻ bên gia đình. Thiên nhiên, động vật và con người cùng giao hòa trong nhịp sống nhịp nhàng giữa đất trời bao la. Phía xa xa, “từng đôi” cò trắng liệng xuống cánh đồng, gợi nên một cuộc sống bình dị, hữu tình nơi thôn quê. Bức tranh ấy là những màu sắc giao hòa, những thanh âm trong trẻo gợi ra nét thanh bình những cũng vui tươi và đầy sức sống. Chỉ bằng vài ba nét vẽ chọn lọc, lối tả ít gợi nhiều, thi sĩ đã vẽ lên một không gian về cảnh sắc làng quê nên thơ, trữ tình.
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 8)
“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không”.
Thôn xóm, nhà tranh mái rạ nối nhau, sum vầy phía trước, phía sau, bốn bề san sát, khói phủ nhạt nhòa, mờ tỏ, “bán vô bán hữu” nửa như có, nửa như không. Khói tỏa từ đâu ra thế? Phải chăng, đó là những làn sương chiều lãng đãng hòa quyện với những vầng khói thổi cơm ngay từ những mái nhà lan tỏa thành một màn sương – khói trắng mờ, êm dịu bay nhẹ nhàng thanh thản khiến người ngắm cảnh cảm thấy chỗ tỏ, chỗ mờ, lúc có, lúc không. Cảnh thoáng, nhẹ, khiến tâm hồn con người cũng như lâng lâng. Hay chính lòng người đang lâng lâng, mơ mộng nên nhìn thấy làng xóm, khói sương êm ả, thanh bình như thế?
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 9)
Trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng”, tôi ấn tượng nhất với hình ảnh ở cuối bài thơ: “ Bạch lộ song song phi hạ điền”. Tác giả Trần Nhân Tông đã kết thúc bài thơ bằng hình ảnh đôi cò trắng đang hạ xuống cánh đồng. Đây vốn là một hình ảnh quen thuộc, gần gũi với làng quê xưa. Ta có thể hình dung ra cảnh tượng đoàn tụ. Sau một ngày vất vả kiếm ăn, đôi cò trắng trở về tổ. Cũng giống như vậy, con người trở về nhà sau một ngày lao động vất vả. Dường như, hình ảnh này là muốn thể hiện khao khát được trở về quê hương của tác giả.
Đoạn văn cảm nhận về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong Thiên trường vãn vọng (mẫu 10)
Nhan đề “Thiên Trường vãn vọng” tuy ngắn gọn, nhưng giàu ý nghĩa. Dịch nghĩa ra có thể hiểu đơn giản như sau ngắm cảnh Thiên Trường trong buổi chiều tà. Để hiểu rõ nhan đề bài thơ cần đặt trong hoàn cảnh sáng tác. Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay) và đã sáng tác ra bài thơ. Nhan đề gợi mở về thời gian, không gian được nhắc đến. Thời gian lúc này là buổi chiều là khoảng thời gian kết thúc của một ngày, khi mọi vật đều trở về để nghỉ ngơi. Còn không gian là ở phủ Thiên Trường - nơi quê hương của tác giả. Từ “vọng” đã miêu tả hành động của nhân vật trữ tình, đang phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên. Có thể thấy, tác giả đang chìm đắm vào khung cảnh thiên nhiên của làng quê và nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ, từ đó có thể thấy được tình yêu mến và gắn bó sâu sắc với quê hương.
Video bài giảng Ngữ văn 8 Thiên trường vãn vọng - Kết nối tri thức