TOP 10 Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang

8.5 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang Ngữ văn 11 Kết nối tri thức, gồm 10 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) bày tỏ sự tâm đắc của bạn về một phương diện nổi bật của bài thơ Tràng Giang

Tài liệu VietJack

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 1)

Hình ảnh bèo dạt rất quen thuộc và xuất hiện nhiều lần trong thơ ca truyền thống. Nhưng ở đây cánh bèo dạt vẫn gợi lên những cảm nhận mới. Hình ảnh này diễn tả một cách thấm thía sự hợp tan, chia lìa của những kiếp người chứ không chỉ gợi sự nhỏ bé mong manh, trôi dạt như trong thơ ca truyền thống. Bèo dạt hàng nối hàng như bao kiếp người lênh đênh trên dòng nhân thế. Cảm nhận về sự lênh đênh, trôi dạt vô định của một kiếp người càng khiến nỗi sầu tăng lên gấp bội trong lòng thi nhân. Ở khổ thơ này Huy Cận còn nhắc đến những chuyến đò và những cây cầu. Đây là những hình ảnh gợi sự kết nối, giao lưu. Vậy mà tác giả nhắc tới những sự vật đó, không phải là để khẳng định cái có mà là để miêu tả cái không có, không tồn tại trong bức tranh sông nước tràng giang. Không cầu, không đò hay chính là không có sự kết nối của con người, hay chính là sự cô đơn, hoang vắng đến tột cùng? Trong sự vắng lặng đó không gian vẫn tiếp tục được trải ra đến vô cùng của bờ xanh với bãi vàng. Bức tranh xuất hiện những gam màu vốn không đen tối nhưng lại chẳng thể làm cảnh sắc thêm tươi sáng, thêm sức sống. Dường như hai bờ sông là một thế giới tách biệt với những bờ bãi kia, những cánh bèo cũng vì thế mà chẳng biết trôi dạt về đâu. Trước một cảnh sắc như thế lòng người sao có thể vui tươi, háo hức. Hay cũng vì lòng người nhiều tâm tư trĩu nặng mà cái nhìn với cảnh cũng tấm đẫm ưu tư?

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 2)

Trong bài thơ Tràng Giang, yếu tố cổ điển đã được Huy Cận sử dụng kết hợp với nhau để khẳng định cái tôi buồn bã, cô đơn trước cuộc đời qua một nguồn cảm hứng bất tận với không gian của vũ trụ bao la. Trước hết, yếu tố cổ điển được thể hiện ở đề tài, đề tài sông nước đã xuất hiện phổ biến trong thi ca cổ. Người đọc còn cảm nhận được yếu tố ấy qua nhan đề “Tràng giang”. Tràng giang là từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, cổ kính phảng phất phong vị Đường thi. Nhưng độc đáo nhất có lẽ phải kể đến yếu tố cổ điển trong tứ thơ. Mượn không gian hùng vĩ, đượm buồn khi chiều xuống, nhà thơ gửi gắm tâm sự của mình. Không gian càng mênh mông, rợn ngợp, con người càng nhỏ bé, cô đơn, kiếp người lênh đênh giữa dòng đời không biết đi đâu về đâu. Đây là tứ thơ quen thuộc trong thơ cổ. Đọc bài thơ, ta bắt gặp nhiều hình ảnh quen thuộc trở đi trở lại trong áng văn thơ cổ điển. Dòng sông dài mênh mông vắt ngang bầu trời cao rộng; bến vắng cô liêu; con thuyền lênh đênh xuôi ngược; cánh chim nhỏ chao nghiêng dưới ánh hoàng hôn... Hình ảnh thơ chia thành hai hệ thống đối lập: một bên là thiên nhiên rộng lớn cao rộng, một bên là kiếp người bé nhỏ, cô đơn. Cuối cùng nhà thơ sử dụng bút pháp “họa vân hiển nguyệt” của Đường thi để bày tỏ nỗi lòng của mình trước cảnh thiên nhiên dợn ngợp.

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 3)

Hình ảnh cánh bèo gợi sự vô định, lênh đênh. Những cánh bèo trôi dạt liên tiếp “hàng nối hàng” không nơi bấu víu, chẳng chốn trở về hay chính là hình ảnh ẩn dụ cho những kiếp người nhỏ bé, đơn độc, mất phương hướng lúc bấy giờ. Sông nước mênh mông, dài rộng, không có lấy một chuyến đò đi qua, cây cầu bắc ngang cũng chẳng thấy nên dù muốn nhưng nào có chút hy vọng mong manh về sự gắn kết với con người. Tất cả dường như đang chống đối với lòng người, kẻ cô đơn đang khao khát giao cảm, thấu hiểu, sẻ chia lại không có một chút tình đời, tình người ở lại.

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 4)

Hình ảnh đầu tiên của bài thơ là hình ảnh những con sóng khẽ gợn, nối tiếp nhau đến vô cùng, vô tận, tầng tầng lớp lớp không dứt. Câu thơ sử dụng bút pháp “lấy động tả tĩnh” của văn học trung đại. Chuyển động của con sóng chỉ là “gợn” rất khẽ, rất nhỏ dường như tan đi trong cái không gian mênh mông của sông của trời. Con sóng đi cùng với tràng giang đã không còn là con sóng thực mà dường như mang một lớp nghĩa ẩn dụ mới. Nó gợi đến nỗi buồn trong tâm hồn con người trước sự dài rộng của không gian. Cùng với hình ảnh sóng nước là hình ảnh con thuyền đang lênh đênh xuôi theo dòng. Hình ảnh này như gợi đến kiếp sống nổi lênh của một lớp người bé nhỏ trong xã hội. Đây cũng là một thi liệu quen thuộc gần như đã trở thành chuẩn mực trong văn học. Trong thơ Đường, ta đã từng bắt gặp hình ảnh con thuyền và dòng sông đầy ám ảnh, trĩu nặng cái tình của người đưa tiễn:

Cô phàm viễn cảnh bích không tận
Duy kiến Trường giang thiên tế lưu

(Lí Bạch)

TOP 10 Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (ảnh 1)

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 5)

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Con thuyền thì nhỏ bé, hữu hạn mà dòng sông thì rộng lớn vô hạn. Cái hữu hạn đối với cái vô hạn dường như càng tô đậm cảm giác nhỏ bé cô đơn. Hơn thế nữa thuyền và nước vốn là những sự vật gắn bó nước chảy thuyền trôi vậy mà ở đây lại bị chia tách với hai chuyển động ngược chiều về hai phía khác nhau. Cặp từ láy “điệp điệp”, “song song” ở hai câu thơ trước đã tô đậm ấn tượng về nỗi buồn mênh mang đang lan trên mặt nước, lại càng có tác dụng hơn khi tạo nên cấu trúc câu song ứng và rồi đến câu thơ thứ ba thì hai vế đối song ứng được dồn vào một câu thơ. “Thuyền về” đối với “nước lại” như nhấn vào cảm giác chia lìa đôi ngả. Và phải chăng vì sự chia lìa đó mà dòng sông tràng giang càng thêm u buồn lặng lẽ? Huy Cận lại chọn hình ảnh một cành củi khô đang trôi dạt giữa dòng nước mênh mang để thể hiện điều đó. Biện pháp đảo ngữ cùng cách ngắt nhịp 1/3/3 càng như nhấn mạnh hơn vào cành củi khô, nhỏ bé, khô héo, cạn kiệt sức sống. Ý thơ này có lẽ vừa được khơi nguồn từ hình ảnh thực khi nhà thơ đứng ở bờ nam bến Chèm giữa mùa nước lớn, những cành cây khô trôi từ thượng nguồn về bến sông. Nhưng có lẽ nó còn mang một lớp nghĩa ẩn dụ khác. Nó gợi về một lớp người lúc bấy giờ trong xã hội. Ý thơ này càng được làm rõ hơn với từ “lạc” dường như là sự trôi nổi vô định, mất phương hướng. Một cành củi khô héo không sức sống mà vẫn bị giằng xé, chao đảo giữa dòng nước mênh mang của cuộc đời. Nó gợi đến hình ảnh một lớp người như nhà thơ trong xã hội xưa, những trí thức tiểu tư sản có ý thức về cái tôi nhưng lại bế tắc, mất phương hướng trước hiện thực xã hội bấy giờ.

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 6)

“Tràng giang” là bài thơ làm nên tên tuổi của Huy Cận. Phương diện nghệ thuật đặc sắc chính là yếu tố tạo nên sự đặc biệt cho tác phẩm. Đầu tiên, ta phải kể đến bức tranh thiên nhiên sông nước hùng vĩ mà hoang sơ, vắng lặng đến khôn cùng được gửi gắm nỗi buồn triền miên. Chất liệu cổ điển của Đường thi được Huy Cận sử dụng một cách rất tài tình, thấm nhuần từ nhan đề đến hệ thống các hình ảnh thơ như con sông, cánh chim chiều, cồn cát, chợ chiều,... Nghệ thuật sử dụng từ láy “điệp điệp”, “song song” đem đến âm hưởng mênh mang tựa như nỗi buồn kéo dài từ cổ chí kim. Cách gieo vần chân “song” – “dòng”, “ngang” – “vàng”, “sa” – “nhà” cũng góp phần làm nên âm điệu hấp dẫn cho tác phẩm. Câu thơ cuối bài “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” đã bộc lộ trực tiếp cảm xúc của nhân vật trữ tình, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Những yếu tố nghệ thuật trên đã làm nên đặc trưng của một hồn thơ “ảo não” có một không hai trong phong trào Thơ mới.

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 7)

Ở khổ thứ nhất bài thơ "Tràng Giang", người đọc có thể cảm nhận được đặc sắc nghệ thuật độc đáo của Huy Cận. Tác giả sử dụng từ láy "điệp điệp" để gợi nỗi buồn thương da diết, miên man không dứt. Đặc biệt, sự đối lập giữa "củi một cành khô" với "lạc mấy dòng" đã nhấn mạnh sự chìm nổi, cô đơn của một cái tôi mất phương hướng. Quan trọng hơn, khổ thơ đầu còn nổi bật với cấu trúc đăng đối được tác giả sử dụng triệt để: "buồn điệp điệp" đối với "nước song song", "thuyền về" đối với "nước lại", "một cành khô" đối với "lạc mấy dòng". Tất cả những dụng ý nghệ thuật đó đã góp phần diễn tả nỗi buồn trầm lắng của tác giả trước thiên nhiên. Không gian càng rộng lớn thì Huy Cận càng thấy rợn ngợp. Trong hoàn cảnh đó, nhà thơ hướng tìm sự đồng cảm của con người. Thế nhưng hình ảnh con người cũng hiện lên rất thưa thớt. Vậy nên, đứng không gian bao la, thi nhân cảm thấy bị mất phương hướng và không biết rồi sẽ đi đâu về đâu.

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 8)

Bài thơ “Tràng giang” ra đời vào năm 1939 khi hồn thơ của Huy Cận mang nét u sầu, chất chứa nhiều phiền muộn, tâm tư. Hình ảnh con thuyền là hình ảnh mang nhiều nét nghĩa hơn hẳn các hình ảnh khác. Trong dân gian, con thuyền là hình ảnh người đàn ông còn trong thơ của Huy Cận là kiếp người trôi nổi. “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả” là câu thơ có thể hiểu nhiều cách. Thứ nhất có thể hiểu là khi thuyền về nỗi sầu của nước lại nhân lên gấp bội. Cách thứ hai chỉ rõ hơn về sự chia cắt khi thuyền và nước đi ngược chiều nhau. Lúc thuyền về lại chốn cũ cũng là lúc nước ở lại với dòng sông cùng nỗi sầu, nhưng nỗi sầu này không chỉ đi theo nước một nơi mà là nhiều chốn khác nhau. Phép đối đã được sử dụng thành công để nói về sự chia cách này.

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 9)

Đọc hai câu thơ cuối bài "Tràng Giang", người đọc có thể cảm nhận được tình yêu nước thiết tha, thầm kín của Huy Cận. Nếu như nhà thơ Thôi Hiệu nhìn vào khói sóng trên sông để nhớ về quê hương thì với Huy Cận "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Nỗi nhớ quê hương luôn thường trực trong lòng tác giả. Cách thể hiện tình cảm của nhà thơ mang màu sắc Đường thi nhưng mới mẻ hơn rất nhiều. Nỗi buồn trong thơ xưa là do thiên nhiên tạo ra, còn ở Huy Cận thì không cần đến thiên nhiên. Bởi lẽ tình yêu nước luôn thường trực trong trái tim nhà thơ. Qua đây, độc giả thấy được tấm lòng yêu nước chân thành, thiết tha của Huy Cận.

Đoạn văn bày tỏ sự tâm đắc về một phương diện nổi bật của Tràng Giang (mẫu 10)

Phong cảnh thiên nhiên trong bài Tràng giang thật là đẹp, hùng vĩ nhưng lại có nét đìu hiu, quạnh quẽ, và được phác họa một cách đơn sơ, rất gắn với cách miêu tả thiên nhiên trong các bài thơ cổ điển. Chẳng hạn, ngay ở hai câu thơ đầu “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp - Con thuyền xuôi mái nước song song”, nhà thơ đã vẽ ra trước mắt người đọc một cảnh tượng sóng nước mênh mông, bát ngát, những làn sóng gợn tới tận chân trời xa xăm. Con sóng này không chỉ rộng mà còn kéo dài đến vô biên. Tương tự như vậy, hai câu “Nắng xuống trời làn sâu chót vót – Sông dài trời rộng bến cô liêu” thì không gian được mở rộng và đẩy lên cao thêm. Sâu thêm được ở người đọc ấn tượng thăm thẳm, hun hút khôn cùng. Chót vót khắc họa được chiều cao dường như vô tận. Càng rộng, càng cao thì cảnh vật thiên nhiên càng thêm vắng lặng, chỉ có sông dài với bờ bến lẻ loi, xa vắng. Điều đó thể hiện nỗi buồn, nỗi sầu của tác giả trước cuộc đời và trước vũ trụ rộng lớn. Nhưng đâu phải chỉ có thể, một loạt hình ảnh nói trên còn giúp người đọc cảm nhận được tâm trạng khao khát được gắn bó với cuộc đời với con người, với quê hương đất nước của Huy Cận.

Video bài giảng Văn 11 Tràng giang - Kết nối tri thức

 

Đánh giá

0

0 đánh giá