Soạn bài Kiến thức ngữ văn lớp 8 trang 40 Tập 1 | Cánh diều Ngữ văn lớp 8

2.6 K

Tài liệu soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 40 Tập 1 Ngữ văn lớp 8 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 8. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 40 Tập 1 hay nhất

1. Thơ sáu chữ, bảy chữ

- Thơ sáu chữ là thể thơ mỗi dòng có sáu chữ (sáu tiếng). Các dòng thơ trong bài thường ngắt nhịp 2/2/2, 2/4 hoặc 4/2, có khi ngắn nhịp 3/3. Ví dụ:

Nhà mình sát đường/ họ đến

Có cho/ thì có là bao

Con không bao giờ/ được hỏi

Quê hương họ/ ở nơi nào

(Dặn con – Trần Nhuận Minh)

- Thơ bảy chữ là thể thơ mỗi dòng có bảy chữ. Các dòng trong bài thơ thường ngắt nhịp 4/3. Cách ngắt nhịp còn phụ thuộc vào nghĩa của câu thơ, dòng thơ. Ví dụ:

Tà áo nâu/ in giữa cánh đồng

Gió chiều cuốn bụi/ bốc sau lưng

Bóng u/ hay bóng người thôn nữ

Cúi nón mang đi/ cặp má hồng.

(Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ)

- Bài thơ sáu chữ hoặc bảy chữ thường có nhiều vần. Vần thường là vần chân (được gieo ở cuối dòng thơ thứ nhất, thứ hai, thứ tư ở mỗi khổ), có thể gieo vần liền (vần được gieo liên tiếp ở các dòng thơ) hoặc vần cách (vần không được gieo liên tiếp mà thường cách ra một dòng thơ).

2. Bố cục, mạch cảm xúc, cảm hứng chủ đạo trong bài thơ

- Bố cục là sự tổ chức, sắp xếp các dòng thơ, khổ thơ tương ứng với một nội dung nhất định để tạo thành một bài thơ. Ví dụ, bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên được chia làm năm khổ thơ. Hai khổ thơ đầu thể hiện hình ảnh ông đồ thời đắc ý, hai khổ thơ tiếp thể hiện hình ảnh ông đồ thời suy tàn, khổ thơ kết bài thể hiện cảm xúc trước sự vắng bóng của hình ảnh ông đồ trong đời sống.

- Mạch cảm xúc là diễn biến dòng cảm xúc, tâm trạng của tác giả trong bài thơ. Ví dụ, mạch cảm xúc của bài thơ Ông đồ được thể hiện như sơ đồ dưới đây:

Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 40 Tập 1  | Hay nhất Soạn văn 8 Cánh diều

Như vậy, bố cục, mạch cảm xúc của bài thơ được thể hiện theo trình tự thời gian, có sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại nhằm nhấn mạnh niềm cảm thương, nỗi nhớ tiếc ngậm ngùi của tác giả khi chứng kiến những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc đang bị mai một, mất mát.

- Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ là trạng thái cảm xúc, tình cảm mãnh liệt được thể hiện xuyên suốt tác phẩm nhằm thể hiện tư tưởng của tác giả. Ví dụ, cảm hứng chủ đạo trong trong bài thơ Nắng mới (Lưu Trọng Lư) là nỗi nhớ thương sâu sắc của tác giả dành cho người mẹ.

3. Nhan đề của bài thơ

Nhan đề là tên của văn bản, thường do tác giả đặt. Có nhiều cách đặt nhan đề:

- Chọn một chi tiết, hình ảnh, âm thanh, cảm xúc hay sự việc gây ấn tượng, khơi nguồn cảm hứng cho tác giả, ví dụ: Khi con tu hú (Tố Hữu), Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), Nếu mai em về Chiêm Hóa (Mai Liễu),…

- Dựa vào ý khái quát của toàn bộ nội dung bài thơ, ví dụ: Ông đồ (Vũ Đình Liên), Quê người (Vũ Quần Phương),…

- Có khi dùng Không đề, Vô đề hoặc nhan đề bằng chữ số,…để cho người đọc tự suy ngẫm.

4. Sắc thái nghĩa của từ ngữ

Sắc thái nghĩa của từ ngữ là nghĩa bổ sung cho nghĩa cơ bản của từ ngữ. Các sắc thái nghĩa chủ yếu của từ ngữ là:

- Sắc thái miêu tả, ví dụ: các từ ghép như trắng tinh, trắng xóa đều chỉ màu trắng nhưng được phân biệt với nhau nhờ các yếu tố phụ (trắng tinh: rất trắng, thuần một màu, gây cảm giác rất sạch; trắng xóa: trắng đều khắp trên một diện rộng).

- Sắc thái biểu cảm, ví dụ: các từ thuần Việt như cha, mẹ, vợ,…thường có sắc thái thân mật; còn các từ Hán Việt đồng nghĩa như thân phụ, thân mẫu, phu nhân,…thường có sắc thái trang trọng.

Trong nói (viết), cần lựa chọn các từ ngữ có sắc thái nghĩa phù hợp để nâng cao hiệu quả giao tiếp.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Tự đánh giá trang 38

Kiến thức ngữ văn trang 40

Nắng mới

Nếu mai em về Chiêm Hóa

Thực hành tiếng Việt trang 46

Đánh giá

0

0 đánh giá