Giải SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 20, 21, 22, 23 Bài 4: Nhớ lại buổi đầu đi học | Chân trời sáng tạo

14.1 K

Lời giải Tiếng Việt lớp 3 trang 20, 21, 22, 23 Bài 4: Nhớ lại buổi đầu đi học sách Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Viết sáng tạo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 20, 21, 22, 23 Bài 4: Nhớ lại buổi đầu đi học

Đọc: Nhớ lại buổi đầu đi học trang 20, 21

Khởi động

Tiếng việt lớp 3 trang 21 Câu hỏi:  Em hãy nhớ về ngày đầu tiên mình đi học và nói với bạn theo gợi ý sau:

Ngày đầu đi học, cảnh vật xung quanh em như thế nào?

Hôm ấy, em thấy mọi người làm gì, cảm xúc của mọi người ra sao??

Em cảm thấy như thế nào trong ngày đầu tiên đi học ấy?

Trả lời:

Bài tham khảo 1:

Ngày đầu tiên đi học, bố chở tớ đi trên con đường quen thuộc. Đó là một ngày trời mùa thu mát mẻ, gió thu khẽ lùa những chiếc lá vàng rơi. Tớ thấy các bạn học sinh mặc áo đồng phục trắng đứng bên cạnh bố mẹ. Khung cảnh nhộn nhịp và rộn rã. Trong lòng tớ rất háo hức nhưng cũng vô cùng hồi hộp.

Bài tham khảo 2:

Tớ được mẹ đưa tới trường trong ngày đầu tiên đi học. Hôm ấy, cảnh vật xung quanh tớ trông thật lạ, mọi vật như đang mang lên mình màu sắc mới. Trong lòng tớ là cảm giác nôn nao khó tả. Tớ nắm lấy tay mẹ và nhìn quanh sân trường, ai nấy cũng đều bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên đi học của mình.

Khám phá và luyện tập

1. Đọc và trả lời câu hỏi:

Nhớ lại buổi đầu đi học

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Chiếc nhãn vở đặc biệt trang 10, 11 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Theo Thanh Tịnh

Nao nức: hăm hở, phấn khởi.

Quang đãng: sáng sủa và thoáng rộng.

Bỡ ngỡ: ngơ ngác, lúng túng vì chưa quen thuộc.

Ngập ngừng: vừa muốn làm lại vừa e ngại, chưa biết làm thế nào.

Tiếng Việt lớp 3 trang 21 Câu 1: Những điều gì gợi cho tác giả nhớ về buổi đầu đi học?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn đầu tiên để biết cảnh vật xung quanh như thế nào khiến cho tác giả nhớ về buổi đầu đi học.

Trả lời:

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc khiến trong lòng tác giả lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Tiếng Việt lớp 3 trang 21 Câu 2: Vì sao tác giả thấy lạ khi đi trên con đường làng quen thuộc?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn thứ ba và tìm những điều khiến tác giả thấy lạ dù đi trên con đường làng quen thuộc trong ngày đầu tiên tới trường.

Trả lời:

Tác giả thấy lạ khi đi trên con đường làng quen thuộc vì cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Tiếng Việt lớp 3 trang 21 Câu 3: Những hình ảnh nào cho thấy các bạn học trò mới bỡ ngỡ trong ngày tựu trường?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn cuối cùng và tìm những câu văn nói về các bạn học trò mới bỡ ngỡ trong ngày tựu trường.

Trả lời:

Mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Tiếng Việt lớp 3 trang 21 Câu 4:Bài đọc nói về điều gì?

- Cảnh đẹp của một buổi sáng cuối mùa thu

- Niềm vui của bạn nhỏ khi được mẹ dẫn đi học

- Kỉ niệm đẹp đẽ của bạn nhỏ trong buổi đầu đi học

Phương pháp giải:

Em đọc bài và suy nghĩ xem ý nào đúng với nội dung toàn bài đọc.

Trả lời:

Bài đọc nói về: Kỉ niệm đẹp đẽ của bạn nhỏ trong buổi đầu đi học.

2. Tìm từ ngữ chỉ cảm xúc trong ngày đầu tiên đi học:

Chiếc nhãn vở đặc biệt trang 10, 11 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Chân trời sáng tạo (ảnh 2)

Phương pháp giải:

Em thấy bạn nhỏ trong bài cảm thấy như thế nào trong ngày đầu đi học?

Em cảm thấy như thế nào trong ngày đầu đi học?

Trả lời:

Từ ngữ chỉ cảm xúc trong ngày đầu tiên đi học của bạn nhỏ: bỡ ngỡ

Từ ngữ chỉ cảm xúc trong ngày đầu tiên đi học của em: nao nức, hồi hộp, hào hứng,…

3.  Nói 1- 2 câu thể hiện cảm xúc của em trong ngày đầu đi học.

Phương pháp giải:

Em cảm thấy như thế nào trong ngày đầu đi học?

Trả lời:

Trong ngày đầu tiên đi học, em cảm thấy trong lòng vô cùng nao nức. Em đứng nép bên mẹ mà lòng thấy hồi hộp, xao xuyến.

Nói và nghe: Chiếc nhãn vở đặc biệt trang 22

Tiếng Việt 3 trang 22 Câu 1: Kể từng đoạn của câu chuyện theo tranh và từ ngữ gợi ý dưới tranh.

Chiếc nhãn vở đặc biệt

                                           Nguyễn Thị Kim Hoà

Chiếc nhãn vở đặc biệt trang 10, 11 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Em hãy nhớ lại câu chuyện “Chiếc nhãn vở đặc biệt” và kể lại từng đoạn câu chuyện.

Trả lời:

Đoạn 1: Sắp tới này đi học, hai chị em cảm thấy rất háo hức.

Đoạn 2: Để chuẩn bị cho năm học mới, bố mẹ đã đưa hai chị em đi mua sách vở

Đoạn 3: Hai chị em cùng bọc sách vở. Bạn nhỏ đã tự tay viết chiếc nhãn vở của mình.

Đoạn 4: Bạn nhỏ mong được đến lớp ngay hôm nay để khoe với các bạn chiếc nhãn vở đặc biệt do tự tay mình viết.

Tiếng Việt 3 trang 22 Câu 2: Kể lại toàn bộ câu chuyện.

Phương pháp giải:

Em hãy dựa vào nội dung các đoạn trên cùng và bức tranh để kể lại câu chuyện.

Trả lời:

Sáng Chủ nhật, chị Hai lật tờ lịch reo lên: “Một tuần nữa là đến năm học mới rồi!” Bạn nhỏ cũng thấy háo hức. Một tuần nữa thôi, bạn nhỏ sẽ được gặp lại các bạn. Mấy tháng hè ở nhà, bạn nhỏ nhớ những người bạn thân thương quá.

Từ tuần trước, ba mẹ đã đưa chị em bạn nhỏ đi mua sách vở. Bạn nhỏ mở một quyển sách, mùi giấy mới thơm dịu khiến bạn nhỏ thêm náo nức, mong đến ngày tựu trường.

Chị Hai rủ bạn nhỏ cùng bọc sách vở. Ngắm những quyển vở mặc áo mới, dán chiếc nhãn xinh như một đám mây nhỏ, bạn nhỏ thích quá, liền bảo chị để mình tự viết nhãn vở! Chị Hai cười, đồng ý ngay. Bạn nhỏ hơi run khi cầm bút. Nhưng rồi tên trường, tên lớp, tên môn học,... cũng theo tay bạn nhỏ mềm mại hiện lên.

Chị Hai nhìn chiếc nhãn vở, mỉm cười và khen bạn nhỏ viết đẹp hơn chị. Biết chị trêu nhưng bạn nhỏ vẫn thấy vui vì đây là lần đầu tiên bạn nhỏ viết nhãn vở. Bạn nhỏ mong được đến lớp ngay hôm nay để khoe với các bạn chiếc nhãn vở đặc biệt do tự tay mình viết.

Viết sáng tạo trang 23

Tiếng Việt 3 trang 23 Câu 1: Nói về một đồ dùng học tập em thích

Phương pháp giải:

Em hãy chọn một đồ dùng học tập mình thích và nói về đồ dùng đó theo những gợi ý sau:

- Đồ dùng đó là gì?

- Em thấy bộ phận nổi bật nhất của đồ dùng ấy là bộ phận nào?

- Tình cảm của em đối với đồ dùng ấy như thế nào?

- Em sử dụng và bảo quản nó ra sao?

Trả lời:

Bài tham khảo 1:

- Đồ dùng em thích là chiếc cặp sách.

- Bộ phận nổi bật nhất trên chiếc cặp là nắp cặp được trang trí với màu sắc rực rỡ.

- Chiếc cặp sách như người bạn đồng hành cùng em.

- Em luôn giữ gìn và bảo quản nó.

Bài tham khảo 2:

- Đồ dùng em thích là chiếc bút mực.

- Bộ phận nổi bật nhất trên chiếc bút mực là ngòi bút.

- Em rất yêu chiếc bút vì đó là món quà mẹ tặng em.

- Em luôn sử dụng cẩn thận giữ gìn nó.

Tiếng Việt 3 trang 23 Câu 2: Viết đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) tả một đồ dùng học tập của em.

Phương pháp giải:

Em hãy viết đoạn văn về sở thích và ước mơ của mình theo những gợi ý sau:

- Đồ dùng đó là gì?

- Ai đã mua hay đã tặng cho em đồ dùng đó?

- Đồ dùng ấy có màu sắc, hình dáng ra sao?

- Em thấy bộ phận nổi bật nhất của đồ dùng ấy là bộ phận nào?

- Tình cảm của em đối với đồ dùng ấy như thế nào?

- Em sử dụng và bảo quản nó ra sao?

Trả lời:

Bài tham khảo 1:

Đồ dùng học tập em yêu thích nhất đó là chiếc cặp sách. Ông ngoại đã mua tặng cho em khi em chuẩn bị vào năm học mới. Chiếc cặp hình chữ nhật và có màu xanh dương, nổi bật nhất là hình vẽ những chú gấu vui nhộn được in trên đó. Chiếc cặp sách như người bạn đồng hành cùng em mỗi ngày đến lớp. Em sẽ luôn trân trọng và giữ gìn cẩn thận chiếc cặp sách ông đã mua cho em.

Bài tham khảo 2:

Em thích nhất là cây bút mực mẹ mua tặng em khi em đạt điểm tốt. Chiếc bút có màu đỏ nhạt và rất nhỏ gọn. Ngòi bút là bộ phận nổi bật nhất của chiếc bút vì nó viết lên những dòng chữ thật đẹp. Em rất yêu chiếc bút vì đó là món quà mẹ tặng em. Em sẽ sử dụng cẩn thận và cất giữ cẩn thận vào hộp bút sau khi dùng.

Tiếng Việt 3 trang 23 Vận dụng: Chơi trò chơi Đố bạn:

Nói và nghe Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Em hãy đọc câu đố và đoán xem đó là đồ dùng học tập nào?

Trả lời:

- Là cái thước kẻ.

- Là cái bút mực.

Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 3 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 3: Em vui đến trường

Bài 1: Cậu học sinh mới

Bài 2: Bản tin Ngày hội Nghệ sĩ nhí

Bài 3: Mùa thu của em

Đánh giá

0

0 đánh giá