Sách bài tập Ngữ Văn 6 Bài 7: Gia đình thương yêu | Chân trời sáng tạo

3 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 7: Gia đình thương yêu sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 6. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 7: Gia đình thương yêu

I. Đọc (trang 16, 17, 18, 19 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:

     GỬI EM VÀ CON

Lần đầu tiên nghe con trở đạp

Em quặn lòng nhưng náo nức yêu thương

Tháng thứ tám mang thai, em mệt

Da xanh gầy đôi mắt cũng to hơn.

Từ nay trong em có hai trái tim

Tim của mẹ đập dồn mong đợi

Trái tim con mong manh êm ái

Anh đếm thầm trong mỗi đêm sâu.

Ơi người thương sắp tới ngày làm mẹ

Anh nhìn em như mới gặp lần đầu

Dẫu yêu nhiều chưa hiểu hết em đâu

Trong đáy mắt có gì như ánh lửa.

Em nhẹ bước đi nâng niu gìn giữ

Cắt áo mềm may mũ bé cho con

Anh quên đi bao nỗi lo buồn

Nghe con khoẻ ngày thêm đạp mạnh.

Anh mong đợi ngày cha con gặp mặt

Con thân yêu người bạn nhỏ của cha

Mẹ là cây con là trái là hoa

Trong gian khổ con là mầm xanh biếc.

Buổi ra đời thấy trời cao có ngợp

Con hãy nhìn vào mắt mẹ con ơi

Đời chông gai vẫn mong con ra đời

Bài thơ đẹp cha dành cho buổi ấy.

Mẹ bấm ngón tay mong con lắm đấy

Cha chờ con càng yêu mẹ của con

Thay đổi đời cha sinh nở đời con

Mẹ là bến của mênh mông biển thắm

Mẹ là mái che đời cha mưa nắng

Con là cánh buồm cha gửi đến mai sau.

1970

(Lưu Quang Vũ, Gửi em và con, trích Lưu Quang Vũ thơ và truyện ngắn,

Lưu Khánh Thơ biên soạn, NXB Hội Nhà văn, 1998)

Câu 1 trang 17 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Ấn tượng của em sau khi đọc văn bản Gửi em và con là gì? Vì sao em có ấn tượng đó?

Trả lời:

Em cần nêu ấn tượng của em sau khi đọc bài thơ Gửi em và con. Đó có thể là một cảm xúc, một suy nghĩ,... mà bài thơ gợi lên trong em. (ví dụ: lời nhắn nhủ chân thành mà người cha dành cho hai mẹ con; hoặc lời tâm sự dù gian khó nhưng cha mẹ vẫn luôn dành tình yêu thương đến con…) 

Em cần giải thích vì sao em có ấn tượng đó bằng cách chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh,... đặc biệt làm cho em chú ý, quan tâm, gợi lên trong em cảm xúc đó.

Câu 2 trang 17 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: văn bản Gửi em và con thể hiện những đặc điểm nào của thể loại thơ?

Hãy kẻ bảng sau vào vở và ghi vào cột bên phải theo gợi ý:

Đặc điểm

Thể hiện trong văn bản Gửi em và con

 

Thơ có hình thức cấu tạo đặc biệt

Số dòng, số khổ, vần, nhịp của bài thơ?

Thơ là tác phẩm trữ tình, thiên về diễn tả tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.   

Bài thơ diễn tả tình cảm, cảm xúc gì của nhà thơ?

Ngôn ngữ thơ thường hàm súc, giàu nhạc điệu, hình ảnh.

Ngôn ngữ bài thơ thế nào (tính hàm súc, tính nhạc điệu, hình ảnh)?

Việc miêu tả một vài đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, hiện tượng,... 

cùng với việc kể lại ngắn gọn sự việc, 

câu chuyện,... làm cho bài thơ thêm

gợi tả, hấp dẫn và góp phần làm cho

việc thể hiện tình cảm, cảm xúc trong

thơ thêm sâu sắc, độc đáo.

Gợi ý: Chỉ ra những yếu tố miêu tả và tự sự trong bài thơ và nhận xét tác dụng của chúng?

 

Trả lời:

Đặc điểm của thơ

Thể hiện trong văn bản Gửi em và con

Thơ có hình thức cấu tạo đặc biệt.

Em cần chỉ ra bài thơ Gửi em và con có mấy dòng, mấy khổ thơ và nhận xét về vần và nhịp của bài thơ (làm cho việc đọc thơ khác gì đọc một bài văn).

Thơ là tác phẩm trữ tình, thiên về diễn tả tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.

Bài thơ diễn tả tình cảm, cảm xúc gì của nhà thơ? Tình cảm, cảm xúc ấy biểu hiện cụ thể qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Ngôn ngữ thơ thường hàm súc, giàu nhạc điệu, hình ảnh.

Em cần nhận xét về ngôn ngữ của bài thơ Gửi em và con (có hàm súc không, có giàu nhạc điệu không, có gợi hình ảnh không). Em nên chứng minh ý của mình bằng một vài dẫn chứng cụ thể lấy từ bài thơ.

Việc miêu tả một vài đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, hiện tượng,... cùng với việc kể lại ngắn gọn sự việc, câu chuyện,... làm cho bài thơ thêm gợi tả, hấp dẫn và góp phần làm cho việc thể hiện tình cảm, cảm xúc trong thơ thêm sâu sắc, độc đáo.

Em cần chỉ ra bài thơ Gửi em và con có sự phối hợp yếu tố miêu tả và tự sự không? Chỉ ra các yếu tố ấy (nếu có) và nhận xét việc phối hợp sử dụng các yếu tố đó mang lại điều gì cho bài thơ.

 

Câu 3 trang 18 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Xác định và nêu tác dụng biểu đạt của các yếu tố miêu tả và tự sự trong hai khổ thơ sau:

Lần đầu tiên nghe con trở đạp

Em quặn lòng nhưng náo nức yêu thương

Tháng thứ tám mang thai, em mệt

Da xanh gầy đôi mắt cũng to hơn.

Em nhẹ bước đi nâng niu gìn giữ

Cắt áo mềm may mũ bé cho con

Anh quên đi bao nỗi lo buồn

Nghe con khoẻ ngày thêm đạp mạnh.

Trả lời:

Yếu tố miêu tả: mô tả một vài đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, hiện tượng... Ví đụ: trong hai khổ thơ, tác giả đã miêu tả rõ hình ảnh người mẹ mệt mỏi, da xanh gầy, mắt to nhưng lòng náo nức yêu thương vì thai ngày càng lớn.

Yếu tố tự sự: kể lại ngắn gọn sự việc, câu chuyện.... Ví dụ, trong hai khổ thơ, tác giả đã kể lại sự việc người vợ mang thai với những chi tiết cụ thể như con trở đạp, mẹ mệt và đi lại cẩn thận hơn để giữ an toàn cho thai nhi, mẹ may mũ cho con...

Tác dụng: làm cho bài thơ giàu hình ảnh, sinh động và góp phần tạo nên nét độc đáo riêng.

Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Xác định và nêu tác dụng biểu đạt của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai khổ thơ sau:

Anh mong đợi ngày cha con gặp mặt

Con thân yêu người bạn nhỏ của cha

Mẹ là cây con là trái là hoa

Trong gian khổ con là mâm xanh biếc.

Mẹ bấm ngón tay mong con lắm đấy

Cha chờ con càng yêu mẹ của con

Thay đổi đời cha sinh nở đời con

Mẹ là bến của mênh mông biển thắm

Mẹ là mái che đời cha mưa nắng

Con là cánh buồm cha gửi đến mai sau.

Trả lời:

Biện pháp tu từ: So sánh.

Tác dụng: Những hình ảnh so sánh mẹ là cây, con là trái, là hoa,... là mầm xanh biếc làm tăng sức gợi hình, gợi cảm, giúp người đọc cảm nhận rõ hơn sự gắn bó yêu thương của mẹ và con. Việc so sánh mẹ với bến của mênh mông biển thắm. với mái che đời cha, con với cánh buồm gửi đến mai sau cũng làm cho câu thơ thêm phần sinh động, giúp người đọc hiểu thêm được tình cảm của người cha dành cho vợ (yêu thương, tin cậy) và con (hi vọng).

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Em hãy nhận xét về cách dùng từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ trong bài thơ.

Theo em, những điều này đã tạo nên nét độc đáo gì cho bài thơ?

Trả lời:

Cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh như: trái, hoa, mầm xanh, bến, biển, mái che, cánh buồm.,... và biện pháp tu từ so sánh của tác giả rất độc đáo và đặc biệt. Cách sử dụng ấy khiến người đọc cảm nhận được tình yêu thương bao la mà người cha dành cho đứa con sắp chào đời. Người cha mong muốn con ra đời sẽ được phát triển trong một môi trường tốt, dưới sự chở che của cả cha và mẹ để rồi vững vàng hơn trong những bước chân sau này.

Câu 6 trang 19 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Qua ngôn ngữ và cách trình bày của bài thơ, em biết được gì về tình cảm, cảm xúc của tác giả?

Trả lời:

Qua ngôn ngữ và cách trình bày của bài thơ, em thấy được tình cảm, cảm xúc của tác giả dành cho người vợ sắp sinh, người con sắp trào đời của mình là vô cùng lớn lao. Người cha quan tâm đến từng cảm nhận của vợ: từ nay trong tim em có hai trái tim, trong mắt em có gì như ánh lửa, em nhẹ đi nâng niu, em may mũ cho con…. Không chỉ vậy, cha còn nhắn nhủ, gửi gắm cho sinh linh bé bỏng vẫn còn trong bụng: con là trái là hoa, con là mầm xanh biếc, cha mẹ chờ mong con,…

II. Tiếng Việt (trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 19 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Thế nào là từ đồng âm? Em hãy cho ví dụ và giải thích để làm rõ.

Trả lời:

Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác nhau, không liên quan gì với nhau.

Ví dụ: từ tiếng trong 2 ví dụ sau là 2 từ đồng âm khác nghĩa:

- Lời của con hay tiếng (1) sóng thầm thì.

- Một tiếng (2) nữa con sẽ về đến nhà.

→ Tiếng (1) là từ chỉ âm thanh phát ra từ một sự vật, đối tượng.

→ Tiếng (2) là từ chỉ thời gian một giờ đồng hồ.

Câu 2 trang 19 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Thế nào là từ đa nghĩa? Em hãy cho ví dụ và giải thích để làm rõ.

Trả lời:

Từ đa nghĩa là từ có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa gốc và nghĩa chuyển. Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện trước, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác. Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành dựa trên cơ sở nghãi gốc.

Ví dụ: từ “đi” trong 2 ví dụ sau là từ đa nghĩa:

- Hai cha con bước đi (1) trên cát.

- Xe đi (2) chậm rì.

→ Đi (1) là nghĩa gốc chỉ hành động của người hay động vật tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân.

→ Đi (2) là nghĩa chuyển chỉ hoạt động di chuyển của phương tiện vận tải trên một bề mặt.

Câu 3 trang 19 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Đọc các câu sau:

Con thân yêu người bạn nhỏ của cha

- Rửa tay rửa mặt, rồi ăn cơm con nhé.

a. Giải thích nghĩa của từ “mặt” trong hai ví dụ trên.

b. Nghĩa của từ “mặt” ở hai ví dụ trên có liên quan với nhau không?

c. Từ “mặt” trong hai ví dụ trên là hai từ đồng âm hay một từ đa nghĩa?

Trả lời:

a. Giải thích nghĩa của từ “mặt” trong hai ví dụ trên.

- “mặt” 1: mặt người, để phân biệt người này với người khác, dùng để chỉ từng cá nhân khác nhau.

- “mặt” 2: phần phía trước, từ trán đến cằm của người, hay phần phía trước của đầu con thú, nơi có các bộ phận như mắt, mũi, mồm.

b. Nghĩa của từ “mặt” ở hai ví dụ trên có liên quan với nhau.

c. Từ “mặt” trong hai ví dụ trên là một từ đa nghĩa.

Câu 4 trang 19 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Đọc câu sau và thực hiện các yêu cầu:

- Con ngựa đá1 con ngựa đá2.

a. Giải thích ngiữa của từ “đá1 ”và “đá2 ” trong câu trên.

b. Từ “đá” trong câu trên là một từ đa nghĩa hay các từ đồng âm? Dựa trên cơ sở nào để em xác định như vậy?

Trả lời:

a. Giải thích nghĩa của từ “đá”.

- “đá” 1: đưa nhanh chân và hất mạnh nhằm làm cho bị tổn thương hoặc cho văng ra xa.

- “đá” 2: chất rắn cấu tạo nên vỏ Trái Đất, thường thành từng tảng, từng hòn.

b. “Đá” trong câu trên là hai từ đồng âm vì nghĩa hoàn toàn không liên quan đến nhau.

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Đọc câu đố và thực hiện các yêu cầu sau:

Mồm bò1 không phải là mồm bò2 mà lại là mồm bò3

Đố là con gì?

a. Giải thích nghĩa của các từ “bò” trong câu đố trên.

b. Theo em, câu đố nói đến con vật nào?

c. Dựa vào hiểu biết về hiện tượng đa nghĩa và đồng âm, em hãy chỉ ra điểm thú vị trong câu đố trên.

Trả lời:

a. Giải thích nghĩa của từ “bò”

- “bò” 1: di chuyển thân thể một cách chậm chạp, ở tư thế nằm sấp, bằng cử động đồng thời của cả tay và đầu gối.

- “bò” 2: động vật nhai lại, chân có hai móng, sừng rỗng và ngắn, lông thường vàng, nuôi để lấy sức kéo, ăn thịt hay lấy sữa.

- “bò” 3: di chuyển thân thể ở tư thế bụng áp xuống, bằng cử động của toàn thân hoặc của những chân ngắn.

b. Câu đố nói về con óc sên.

c. Điểm thú vị trong câu đố trên là tác giả dân gian đã khéo léo khai thác hiện tượng đồng âm. Các từ “bò” trong câu đố trên là hai từ đồng âm khác nghĩa.

Câu 6 trang 19 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Hãy viết một đoạn văn ngắn nói về tình cảm gia đình, trong đó có sử dụng từ đa nghĩa.

Trả lời:

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là nơi che chở, bảo vệ ta từ thuở lọt lòng. Gia đình- chỉ một từ giản đơn thế thôi nhưng chứa đựng biết bao nhiêu là tình yêu thương, biết bao sự ấm áp. Gia đình chính là nơi nâng niu, chăm sóc, dưỡng dục ta. Tình cảm gia đình là những tia nắng diệu kì của cuộc sống- một ngọn lửa để sưởi ấm cho trái tim mỗi con người. tình yêu thương mà gia đình dành cho ta chính là “sợi dây” tình cảm thiêng liêng nhất. Gia đình là nơi vun đắp những tâm hồn. Ai có một gia đình trọn vẹn thì hãy giữ chặt lấy nó. Vì những thứ đã mất không thể tìm lại, những thứ gì trôi qua chúng ta sẽ cảm thấy tiếc vì chưa làm đc gì cho gia đình thêm hạnh phúc. Vì vậy hãy chung tay bảo vệ hạnh phúc thiêng liêng ấy.

III. Viết ngắn (trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu hỏi trang 20 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Từ những ý nghĩa bài thơ Gửi em và con đã gợi lên, em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về tình yêu thương, sự quan tâm giữa những người thân trong gia đình.

Trả lời:

Gia đình là tế bào của xã hội. Đó là nơi để mọi thành viên có thể chung sống, sinh hoạt cùng nhau. Một gia đình đầy đủ khi có tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ, sự sẻ chia và đồng cảm giữa các thành viên với nhau. Gia đình là nơi đem lại sự bình yên cho mỗi người sau những bộn bề lo toan của cuộc sống. Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Đó là một môi trường tốt giúp cho trẻ nhỏ phát triển về thể chất và tư duy. Trẻ em chính là mầm non của xã hội, là tương lai của đất nước. Được lớn lên trong vòng tay của cha mẹ, các em sẽ được sống đầy đủ về mặt tình cảm. Hơn thế nữa, dưới sự giáo dục của cha mẹ, các em sẽ có những định hướng tích cực trong tương lai. Cha mẹ vừa là người giáo viên, vừa là người bạn để các em sẻ chia, tâm sự. Mỗi khi gặp khó khăn trong đời, gia đình chính là nơi để chúng ta trở về và được an ủi, động viên. Gia đình là chỗ dựa tinh thần và thể xác tốt nhất khi ta suy sụp. Đồng thời, ở ngoài kia vẫn còn rất nhiều trẻ em lớn lên thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, gia đình. Có thể là do các em từ nhỏ đã mất cha mẹ, hoặc cũng có thể là do hôn nhân tan vỡ, … Các em chịu nhiều thiệt thòi so với những người bạn đồng trang lứa, đôi khi cảm thấy tủi thân khi bị bạn bè chế giễu, bắt nạt. Lúc nào các em cũng khao khát tình cảm gia đình. Không có gì đẹp và đáng quý hơn là được sống trong mái ấm gia đình. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta cần biết nâng niu và trân trọng mái ấm gia đình của chính mình.

IV. Viết (trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 20 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Một đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ cần đạt những yêu cầu nào?

Trả lời:

Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ:

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức của đoạn văn.

- Trình bày cảm xúc về một bài thơ.

- Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc.

- Các câu trong đoạn văn cần được liên kết với nhau chặt chẽ để tạo sự mạch lạc cho đoạn văn.

- Cấu trúc gồm có 3 phần:

+ Mở đoạn: giới thiệu nhan đề, tác giả và cảm xúc chung về bài thơ (câu chủ đề).

+ Thân đoạn: trình bày cảm xúc của người đọc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, làm rõ cảm xúc bằng những hình ảnh, từ ngữ được trích từ bài thơ.

+ Kết đoạn: khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với bản thân.

Câu 2 trang 20 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Câu lạc bộ văn học của trường em đang chuẩn bị tổ chức Hội thơ để mọi người thi sáng tác thơ, giới thiệu những bài thơ hay và chia sẻ những cảm xúc của mình về những bài thơ ý nghĩa,...

Em hãy viết một đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình về một bài thơ em yêu thích để gửi Hội thơ này. Chú ý các yêu cầu về đoạn văn mà em đã trình bày trong câu 1.

Trả lời:

Để viết được đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ, em cần thực hiện các bước sau:

- Chuẩn bị: Em cần đọc kĩ đề bài và xác định đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì, độ dài đoạn văn cần viết là bao nhiêu, bài thơ em định viết là bài thơ nào.

- Tìm ý và lập dàn ý: Em cần đọc bài thơ đã chọn và cảm nhận những cảm xúc mà bài thơ mang lại, xác định chủ đề của bài thơ và những từ ngữ, hình ảnh độc đáo, những biện pháp tu từ đã làm nên giá trị cho bài thơ. Từ đó, em lí giải vì sao em có cảm xúc đặc biệt với bài thơ này. Sau khi đã liệt kê nhanh những cụm từ thể hiện các ý trên, em hãy sắp xếp các ý thành 3 phần:

+ Mở đoạn: giới thiệu cảm xúc khái quát về bài thơ.

+ Thân đoạn: trình bày chi tiết cảm xúc của bản thân về bài thơ.

+ Kết đoạn: khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của bài thơ với bản thân.

- Viết bài: Dựa vào dàn ý trên, em hãy viết thành đoạn văn hoàn chỉnh. Khi viết, em cần chú ý đảm bảo các yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ.

- Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm:

Sau khi viết thành đoạn văn hoàn chỉnh, em hãy sử dụng Bảng kiểm đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ dưới đây để tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc đoạn văn.

Các phần của đoạn văn

Nội dung kiểm tra

Đạt/ Chưa đạt

Mở đoạn

Mở đoạn bằng chữ viết hoa lùi vào đầu dòng.

 

Dùng ngôi thứ nhất để ghi lại cảm xúc về bài thơ.

 

Nêu nhan đề, tên tác giả và cảm xúc khái quát về bài thơ.

 

Thân đoạn

Trình bày cảm xúc về bài thơ theo một trình tự hợp lí bằng một số câu.

 

Trích một số từ ngữ, hình ảnh gợi cảm xúc trong bài thơ.

 

Sử dụng một số từ ngữ để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các câu.

 

Kết đoạn

Khẳng định lại cảm xúc và ý nghĩa của bài thơ với bản thân.

 

Kết đoạn bằng dấu câu dùng để ngắt đoạn.

 

* Đoạn văn mẫu

Những cánh buồm là bài thơ hay của Hoàng Trung Thông nói về tình cảm cha con, đồng thời nói về ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ. Bài thơ mở ra một không gian rộng rãi, khoáng đạt, tươi tắn, trong trẻo. Trên cái nền không gian ấy, hai cha con xuất hiện với phép tương phản: tương phản về tuổi tác, tương phản về hình ảnh:

“Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch”.

Người cha nghe tiếng con bước mà lòng vui phơi phới. Con ngây thơ hỏi cha về biển. Đất nước ta dài và rộng. Sức cha thì có hạn đâu có thể đi hết được. Cho nên sau câu trả lời, người cha “trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời”. Theo câu trả lời của cha, ước mơ của con bay theo cùng những cánh buồm trắng. Ước mơ thật hồn nhiên mà táo bạo:

“Cha mượn cho con buồm trắng nhé,

Để con đi...”

Ba dấu chấm lửng đằng sau ba chữ “Để con đi...” muốn nói đến những nơi cha chưa đến thì người con sẽ đến. Ý thơ toát ra ở sự kế tiếp thế hệ sau và thế hệ trước. Những gì cha chưa làm được, người con sẽ làm tiếp tạo thành một dòng đời không đứt đoạn. Cánh buồm trắng ở đây đã trở thành biểu tượng của ước mơ, khát vọng được đi xa, được hiểu biết của tuổi trẻ. Ước mơ được đi xa, được hiểu biết của người con ngày hôm nay là ước mơ của người cha ngày hôm qua:

“Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm?”

Người cha như trẻ lại, tìm thấy lại mình từ tiếng nói ước mơ của đứa con. Thế hệ con đã tiếp nối ý chí thế hệ cha. Bài thơ Những cánh buồm, là bài thơ có tính tượng trưng, nó giúp chúng ta nuôi dưỡng những ước mơ và khát vọng để hướng tới tương lai, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

V. Nói và nghe (trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 20 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Để buổi thảo luận về một vấn đề cần có giải pháp thông nhất diễn ra thành công, theo em, nhóm cũng như bản thân mỗi thành viên cần chuẩn bị những gì?

Trả lời:

Để thảo luận nhóm có hiệu quả, cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị

Thành lập nhóm và phân công công việc

Một nhóm nhỏ nên gồm khoảng 6 thành viên. Nhóm trưởng chịu trách nhiệm phân công công việc, theo dõi tiến độ chuẩn bị và dẫn dắt buổi thảo luận. Thư kí ghi chép ý kiến của các thành viên trong buổi thảo luận.

Chuẩn bị nội dung buổi thảo luận

Sau khi chia nhóm, mỗi thành viên cần chuẩn bị nội dung theo sự phân công.

Bài 7: Nói và nghe trang 20

Thống nhất thời gian, địa điểm và mục tiêu của buổi thảo luận

Để thống nhất mục tiêu, thời gian thảo luận, cả nhóm cần trả lời những câu hỏi sau:

Mục đích của buổi thảo luận này là gì? Thời gian thảo luận dự kiến là bao lâu? Nhóm dẽ dành bao nhiêu thời gian cho mỗi ý kiến trong khi thảo luận?

Bước 2: Thảo luận

Trình bày ý kiến

Trong bước này, nhóm trưởng cần dẫn dắt để các thành viên trình bày ý kiến. Thư kí ghi chép, tổng hợp các ý kiến.

Phản hồi các ý kiến

Để làm rõ thêm các ý kiến cũng như sàng lọc các ý kiến chưa hợp lí, ta cần dành thời gian để phản hồi bằng cách nêu câu hỏi, đưa ra lí lẽ, dẫn chứng để phản đối ý kiến chưa hợp lí.

Để phản hồi được ý kiến của các bạn khác trong nhóm, trước hết cần lắng nghe và ghi chép cẩn thận ý kiến của bạn, những điều muốn trao đổi với bạn và những điều bạn muốn trao đổi lại

Thống nhất giải pháp

Trong bước này, thư kí sẽ tóm tắt ngắn gọn những ý kiến đã được trình bày trong buổi thảo luận, các thành viên trong nhóm quyết định giải pháp nào là tối ưu.

Câu 2 trang 20 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Câu lạc bộ văn học của trường em đang chuẩn bị tổ chức Hội thơ.

Tuần này, câu lạc bộ sẽ họp để bàn về các tiêu chí đánh giá các bài dự thi, trong đó có bàn về tiêu chí đánh giá một đoạn văn chia sẻ cảm xúc về một bài thơ hay. Em là một thành viên trong câu lạc bộ. Em hãy chuẩn bị để trình bày ý kiến của mình.

Trả lời:

Để chuẩn bị tốt cho phần trình bày của mình trong buổi họp câu lạc bộ bàn về các tiêu chí đánh giá các bài dự thi trong hội thơ, trong đó có bàn về tiêu chí đánh giá một đoạn văn chia sẻ cảm xúc về một bài thơ hay, em cần:

- Xác định mục đích của buổi thảo luận, thời gian dự kiến dành cho nhóm cũng như cho phần em trình bày ý kiến.

- Chuẩn bị ý kiến bàn về tiêu chí đánh giá một đoạn văn chia sẻ cảm xúc về một bài thơ hay. Em có thể tham khảo đoạn văn em mới viết ở phần Viết và các ý trong bảng kiểm đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ ở trên để chuẩn bị.

- Phác thảo dàn ý bài nói dưới đạng các gạch đầu dòng và các cụm từ ngắn để dễ nhớ.

* Gợi ý:

Thơ thế nào là hay?  Đây là một câu hỏi có thể đã được đặt ra từ khi loài người biết đến thơ. Người xưa đã bàn, người nay còn nói.

Một bài thơ hay phải hội đủ ba yếu tố: Lời hay, Ý đẹp, và Truyền cảm. Có cả ba yếu tố thiết yếu này, người ta gọi tắt là một bài thơ hay, một bài thơ có hồn. Lời thơ trong sáng, tự nhiên, không cố ý gọt dũa, hoặc có gọt dũa, nhưng người đọc không thấy, ta gọi tắt là lời hay. Ý thơ hàm súc, dồi dào, gọi tắt là ý đẹp. Ðọc lên thấy xúc động, nao nao, xao xuyến trong tâm hồn, tức là thơ có sức truyền cảm.

Thêm nữa, một bài thơ hay còn phải là một bài thơ viết có chủ đề, có nội dung và nội dung cần cô đọng, các phần cần mạch lạc rõ ràng. Tránh làm các bài thơ mà nội dung lan man, không có nội dung hoặc có quá nhiều sự việc trong một bài thơ.

Tóm lại, để đánh giá một bài thơ hay thì còn cần phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Sẽ tùy thuộc vào từng bài mà có những cách đánh giá khác nhau.

Đánh giá

0

0 đánh giá