SBT Lịch sử 9 Bài 14: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất | Giải SBT Lịch sử lớp 9

2.4 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải sách bài tập Lịch sử lớp 9 Bài 14: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Lịch sử  9. Mời các bạn đón xem:

SBT Lịch sử 9 Bài 14: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất

Bài 1 trang 47 SBT Lịch sử 9: Hãy khoanh tròn vào chữ in hoa trước câu trả lời đúng

Câu 1: Thực dân Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương nhằm mục đích?

A. Phát triển nền kinh tế TBCN ở Đông Dương

B. Bù đắp những thiệt hại do chiến tranh thế giới thứ nhất gây ra

C. Tiếp tục chương trình khai thác lần thứ nhất bị gián đoạn vì chiến tranh 

D. Gồm cả A, B và C

Trả lời: 

Sau Chiến tranh thứ nhất, tư bản độc quyền Pháp vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước, vừa đẩy mạnh khai thác các thuộc địa để bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra.

Chọn B

Câu 2: Trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai, thực dân pháp đầu tư nhiều nhất vào các ngành

A. Nông nghiệp, khai mỏ

B. Công nghiệp nhẹ, nông nghiệp

C. Công nghiệp nặng, giao thông vận tải

D. Giao thông vận tải, nông nghiệp, khai mỏ

Trả lời: 

Trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai, thực dân pháp đầu tư nhiều nhất vào các ngành nông nghiệp và khai mỏ.

Chọn A

Câu 3: Trong chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp so với lần thứ nhất có nhiều điểm không thay đổi, ngoại trừ:

A. Hạn chế phát triển công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp nặng).

B. Thông qua việc đánh thuế để tăng cường vơ vét, bóc lột tiền của nhân dân ta.

C. Ra sức cướp đoạt ruộng đất, lập đồn điền, đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng.

D. Lập Ngân hàng Đông Dương - đại diện cho thế lực tư bản tài chính Pháp - nắm quyền điều khiển nền kinh tế.

Trả lời: 

Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp không thay đổi:

- Hạn chế công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp nặng;

- Ra sức cướp đoạt ruộng đất, lập đồn điền, đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng.

- Tăng cường thủ đoạn bóc lột, vơ vét tiền của của nhân dân ta bằng cách đánh thuế nặng: thuế ruộng đất, thuế thân, thuế rượu, thuế muối, thuế thuốc phiện và hàng trăm thứ thuế khác.

Tuy nhiên, có điểm mới đó là: lập Ngân hàng Đông Dương - đại diện cho thế lực tư bản tài chính Pháp - nắm quyền điều khiển nền kinh tế.

Chọn D

Câu 4: Với chính sách ”Chia để trị”, thực dân Pháp đã chia nước ta thành các kì với các chế độ chính trị khác nhau, cụ thể là: 
A. 2 kì: Bắc Kì - bảo hộ, Nam Kì - thuộc địa.

B. 3 kì: Bắc Kì - bảo hộ, Trung Kì - nửa bảo hộ và Nam Kì - thuộc địa.

C. 3 kì: Bắc Kì - thuộc địa, Trung Kì - bảo hộ, Nam Kì - nửa bảo hộ.

D. 5 kì: Bắc Kì, Cao Miên, Ai Lao - bảo hộ, Trung Kì - nửa bảo hộ và Nam Kì - thuộc địa.

Trả lời: 

Với chính sách ”Chia để trị”, thực dân Pháp đã chia nước ta thành các kì với các chế độ chính trị khác nhau: Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì với ba chế độ khác nhau; Bắc Kì - bảo hộ, Trung Kì - nửa bảo hộ và Nam Kì - thuộc địa.

Chọn B

Câu 5: Mục đích những thủ đoạn về chính trị, văn hoá, giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam là

A. Nhằm củng cố bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam 

B. Nhằm khai hoá văn minh cho nhân dân Việt Nam

C. Nhằm củng cố bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, phục vụ cho chương trình khai thác

D. Nhằm tạo điều kiện cho việc thực thi chủ trương “ Pháp - Việt đề huề”.

Trả lời: 

Mục đích những thủ đoạn về chính trị, văn hoá, giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam là nhằm củng cố bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, phục vụ cho chương trình khai thác.

Chọn C

Câu 6: Do tác động của cuộc khai thác lần thứ hai của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam phân hóa thành các giai cấp là 

A. địa chủ phong kiến, nông dân, công nhân.

B. địa chủ phong kiến, nông dân, tư sản, tiểu tư sản, công nhân.

C. địa chủ phong kiến, nông dân, tư sản, tiểu tư sản, công nhân.

D. đại chủ phong kiến, nông dân, tư sản dân tộc, công nhân.

Trả lời: 

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, sự phân hoá giai cấp trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc gồm: địa chủ phong kiến, nông dân, tư sản, tiểu tư sản, công nhân.

Chọn B

Câu 7: Lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của Cách mạng Việt Nam là 

A. Công nhân               B. Nông dân

C. tiểu tư sản               D. tư sản

Trả lời: 

Giai cấp nông dân: Chiếm hơn 90% số dân, bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột nặng nề, bị bần cùng hoá và phá sản trên quy mô lớn. Đây là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng.

Chọn B

Câu 8: Giai cấp có nguồn gốc từ nông dân, từng bước vương lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam là

A. công nhân                    B. địa chủ 

C. tư sản                          D. tiểu tư sản 

Trả lời: 

Giai cấp công nhân có nguồn gốc từ nông dân, từng bước vương lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

- Ra đời từ cuộc khai thác lần thứ nhất của Pháp (trước chiến tranh), và phát triển nhanh trong cuộc khai thác lần thứ hai.

- Giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng: Bị ba tầng áp bức bóc lột (đế quốc, phong kiến, tư sản người Việt); Có quan hệ tự nhiên gẳn bó với nông dân; Kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng và bất khuất của dân tộc.

- Giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã tiếp thu ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới sau chiến tranh, nhất là của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Cách mạng tháng Mười Nga. => Đây là tầng lớp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến toàn thắng.

Chọn A

Câu 9: Giai cấp có số lượng không đông, thế lực kinh tế yếu, bị tư sản Pháp chèn ép, một số bộ phận quyền lợi gắn chặt với đế quốc; thái độ không kiên định, dễ thoả hiệp với đế quốc khi được chúng nhượng bộ cho một số quyền lợi, đó là

A. công nhân                B. nông dân

C. tiểu tư sản                D. tư sản

Trả lời: 

Giai cấp có số lượng không đông, thế lực kinh tế yếu, bị tư sản Pháp chèn ép, một số bộ phận quyền lợi gắn chặt với đế quốc; thái độ không kiên định, dễ thoả hiệp với đế quốc khi được chúng nhượng bộ cho một số quyền lợi, đó là giai cấp tư sản.

Chọn D

Câu 10: Trong giai cấp tiểu tư sản, một số bộ phận có điều kiện tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng, văn hoá tiến bộ, có tinh thần hăng hái cách mạng và là một lực lượng trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đó là

A. công nhân trong các cơ sở của chính quyền thực dân

B. bộ phận tri thức, sinh viên, học sinh 

C. những người buôn bán nhỏ ở các thành thị

D. những người thợ thủ công ở các thành thị

Trả lời: 

Trong giai cấp tiểu tư sản, một số bộ phận có điều kiện tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng, văn hoá tiến bộ, có tinh thần hăng hái cách mạng và là một lực lượng trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đó là bộ phận tri thức, sinh viên, học sinh.

Chọn B

Câu 11: Mâu thuẫn cơ bản nhất trong xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là 

A. giữa vô sản với tư sản 

B. giữa tư sản dân tộc với tư sản Pháp

C. giữa nông dân với địa chủ phong kiến

D. giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phong kiến tay sai.

Trả lời: 

Mâu thuẫn cơ bản nhất trong xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phong kiến tay sai. 

Chọn D

Bài 2 trang 49 SBT Lịch sử 9: Hãy hoàn thiện sơ đồ sau về sự phân hoá giai cấp trong Xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất và chỉ rõ thái độ và khả năng cách mạng của từng giai cấp.

SBT Lịch sử 9 Bài 14: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất | Giải SBT Lịch sử lớp 9 (ảnh 1)

Trả lời:

Bài 3 trang 50 SBT Lịch sử 9: Tóm tắt mục đích, nội dung của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp  

Trả lời:

Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp:

* Nguyên nhân và mục đích:

- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đế quốc Pháp tuy là nước thắng trận nhưng bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế kiệt quệ.

- Để bù đắp những thiệt hại to lớn trong chiến tranh, trên cơ sở đó khôi phục lại địa vị kinh tế của mình trong hệ thống tư bản chủ nghĩa.

- Đế quốc Pháp vừa bóc lột nhân dân trong nước, vừa tiến hành “Chương trình khai thác lần hai” ở Đông Dương…

* Nội dung:

- Về kinh tế - tài chính:

Các ngành kinh tế của tư bản Pháp ở Đông Dương sau chiến tranh đều có bước phát triền mới. Nổi bật là sự tăng cường đầu tư và đẩy mạnh khai thác, chủ yếu ở hai ngành - nông nghiệp và khai mỏ.

+ Nông nghiệp: tiến hành cướp ruộng đất để phát triển các đồn điền cao su.

+ Khai mỏ: chủ yếu là mỏ than.

+ Công nghiệp: Chú ý tới công nghiệp chế biến (mở nhiều nhà máy sợi, nhà máy rượu, nhà máy điện, nhà máy đường, nhà máy xay xát gạo).

+ Thương nghiệp: đánh thuế nặng hàng ngoại nhập vào Việt Nam, nhưng nhập nhiều hàng Pháp miễn thuế.

+ Giao thông vận tải: được mở mang để phục vụ khai thác.

+ Ngân hàng Đông Dương nắm quyền chi huy các ngành kinh tế ở Đông Dương.

- Về chính trị:

+ Pháp tăng cường chính sách cai trị và khai thác thuộc địa. Bộ máy đàn áp, cảnh sát, mật thám, nhà tù hoạt động ráo riết.

+ Cải cách chính trị - hành chính: đưa thêm người Việt vào làm các công sở, lập Viện dân biểu…

- Về văn hoá giáo dục:

+ Hệ thống giáo dục Pháp - Việt được mở rộng. Cơ sở xuất bản, in ấn ngày càng nhiều, ưu tiên xuất bản các sách báo cổ vũ chủ trương “Pháp - Việt đề huề”.

+ Các trào lưu tư tưởng, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật phương Tây vào Việt Nam, tạo ra sự chuyển mới về nội dung, phương pháp tư duy sáng tác. Các yếu tố văn hoá truyền thống, văn hoá mới tiến bộ và ngoại lai nô dịch cùng tồn tại, đan xen, đấu tranh với nhau

Bài 4 trang 50 SBT Lịch sử 9: Em hãy nêu nhận xét về chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Việt Nam. Chính sách đó đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

Trả lời:

* Nhận xét:

- Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp diễn ra với quy mô lớn hơn rất nhiều so với lần thứ nhất.

- Dưới tác động của cuộc khai thác: làm cho cơ cấu kinh tế Việt Nam dần dần thay đổi, tính chất thuộc địa, nửa phong kiến và sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào kinh tế của đế quốc Pháp càng rõ hơn. Việt Nam trở thành thị trường độc chiếm của Pháp.

* Tác động đến nền kinh tế Việt Nam:

- Tích cực: Cuộc khai thác của Pháp làm xuất hiện nền công nghiệp thuộc địa mang yếu tố thực dân; thành thị theo hướng hiện đại ra đời; bước đầu làm xuất hiện nền kinh tế hàng hóa, tính chất tự cung tự cấp của nền kinh tế cũ bị phá vỡ.

- Tiêu cực: Một trong những mục tiêu của công cuộc khai thác thuộc địa là vơ vét sức người sức của nhân dân Đông Dương. Do vậy:

+ Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cùng kiệt;

+ Nông nghiệp dậm chân tại chỗ;

+ Công nghiệp phát triển nhỏ giọt, thiếu hẳn công nghiệp nặng.

=> Nền kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, lạc hậu và phụ thuộc.

 

Đánh giá

0

0 đánh giá