Sách bài tập Sinh học 10 Bài 27 (Chân trời sáng tạo): Ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn

1.6 K

Với giải sách bài tập Sinh học 10 Bài 27: Ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Sinh học 10. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Sinh học lớp 10 Bài 27: Ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn

Bài 27.1 trang 82 sách bài tập Sinh học 10: Con người đã sử dụng vi sinh vật nào sau đây để tạo ra phần lớn thuốc kháng sinh?

A. Nấm men.

B. Tảo đơn bào.

C. Xạ khuẩn.

D. Vi khuẩn lactic.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Chất kháng sinh chủ yếu được tạo ra do xạ khuẩn (chi Streptomyces), vi khuẩn (chi Bacillus) và nấm (chi Penicillium).

Bài 27.2 trang 82 sách bài tập Sinh học 10: Việc sản xuất các protein đơn bào là dựa vào khả năng nào sau đây của vi sinh vật?

A. Phân giải chất hữu cơ.

B. Làm vector chuyển gene.

C. Sinh trưởng trong môi trường khắc nghiệt.

D. Tổng hợp chất hữu cơ.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Cơ sở khoa học của việc sản xuất các protein đơn bào là vi sinh vật có khả năng tổng hợp chất hữu cơ cần thiết bằng cách sử dụng năng lượng và enzyme nội bào.

Bài 27.3 trang 82 sách bài tập Sinh học 10: Hãy nối ý ở cột A với ý ở cột B sao cho phù hợp.

Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 82 - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Lời giải:

1 – c: Sản xuất chất kháng sinh có cơ sở khoa học dựa trên vi sinh vật có khả năng tự tổng hợp các chất.

2 – e: Sản xuất nước mắm có cơ sở khoa học dựa trên vi sinh vật có khả năng phân giải protein.

3 – b: Tạo chế phẩm xử lí ô nhiễm môi trường có cơ sở khoa học dựa trên vi sinh vật có khả năng phân giải chất hữu cơ.

4 – a: Sản xuất thuốc trừ sâu từ vi sinh vật có cơ sở khoa học dựa trên một số vi sinh vật có khả năng tạo ra chất độc hại cho sâu bệnh. 

5 – d: Sản xuất phân bón vi sinh có cơ sở khoa học dựa trên một số vi sinh vật có khả năng tạo ra chất dinh dưỡng cho cây trồng.

6 – g: Sản xuất vaccine có cơ sở khoa học dựa trên vi sinh vật đóng vai trò là kháng nguyên. 

7 – f: Sản xuất insulin, interferon,… có cơ sở khoa học dựa trên vi sinh vật có thể làm vector chuyển gene. 

Bài 27.4 trang 83 sách bài tập Sinh học 10: Khi sản xuất phomat, người ta dùng vi khuẩn lactic nhằm mục đích gì?

A. Để phân hủy protein trong sữa thành các amino acid và làm cho sữa đông lại.

B. Để lên men đường lactose có trong sữa, tạo độ pH thấp làm đông tụ sữa.

C. Để thủy phân k-casein trong sữa và làm cho sữa đông lại.

D. Để tạo enzyme rennin, nhằm thủy phân sữa thành các thành phần dễ tiêu hóa.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Trong sản xuất phomat có sử dụng vi khuẩn Lactococcus lactis và enzyme rennin. Trong đó, vi khuẩn lactic lên men đường lactose tạo acid làm đông tụ sữa, enzyme rennin thủy phân k-cazein trong sữa làm cho protein đông vón.

Bài 27.5 trang 83 sách bài tập Sinh học 10: Để tăng lượng vi sinh vật có lợi trong đất trồng, người dân nên bón các loại phân nào sau đây?

(1) Phân chuồng;

(2) Phân xanh (từ thực vật);

(3) Phân đạm;

(4) Phân lân;

(5) Phân vi sinh;

(6) Phân kali;

A. (1), (2), (4).

B. (1), (2), (3).

C. (1), (2), (5).

D. (2), (3), (6).

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Để tăng lượng vi sinh vật có lợi trong đất trồng, người dân nên bón các loại phân là:

(1) Phân chuồng; (2) Phân xanh (từ thực vật); (5) Phân vi sinh. Vì bản chất những loại phân này đã chứa một số lượng lớn vi sinh vật có lợi.

Bài 27.6 trang 83 sách bài tập Sinh học 10: Để tăng lượng đạm cho đất, người dân nên trồng các loại cây nào sau đây?

(1) Đậu xanh;

(2) Lạc (đậu phộng);

(3) Điên điển;

(4) Cỏ lào;

(5) Bèo Nhật Bản;

(6)  Phi lao;

(7) Vòng nem;

(8) Cây so đũa.

A. (1), (2), (4), (5), (6), (8).

B. (1), (2), (3), (5), (7), (8).

C. (1), (2), (3), (5), (6), (7).

D. (1), (2), (3), (6), (7), (8).

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Để tăng lượng đạm cho đất, người dân nên trồng các loại cây có khả năng cố định nitrogen trong không khí thông qua việc cộng sinh với vi sinh vật cố định đạm như:

(1) Đậu xanh;

(2) Lạc (đậu phộng);

(3) Điên điển;

(6)  Phi lao;

(7) Vòng nem;

(8) Cây so đũa.

Bài 27.7 trang 83 sách bài tập Sinh học 10: Mục đích của việc ủ chua thức ăn cho vật nuôi là gì?

A. Phân hủy cellulose trong thức ăn thành đường.

B. Tăng hàm lượng protein, lipid cho thức ăn.

C. Lên men lactic để thức ăn được bảo quản lâu hơn.

D. Tăng hệ vi sinh vật kháng khuẩn cho vật nuôi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Mục đích của việc ủ chua thức ăn cho vật nuôi là lên men lactic để duy trì lượng dinh dưỡng có trong thức ăn trong thời gian dài (kéo dài thời gian bảo quản thức ăn). Phương pháp này có thể giúp dự trữ thức ăn để có thể sử dụng được vào những thời điểm khan hiếm như vụ đông xuân.

Bài 27.8 trang 83 sách bài tập Sinh học 10: Mốc vàng hoa cau (Aspergillus oryzae) có vai trò gì trong sản xuất tương?

A. Tạo ra enzyme để thủy phân tinh bột và protein có trong đậu tương.

B. Lên men tạo vị chua cho tương.

C. Tạo độ pH thấp làm tương không bị thối.

D. Làm cho tương có màu vàng như màu của nấm mốc.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trong quá trình làm tương, mốc vàng hoa cau (Aspergillus oryzae) tạo ra enzyme để thủy phân tinh bột và protein có trong đậu tương.

Bài 27.9 trang 83 sách bài tập Sinh học 10: Chế phẩm Bacillus thuringiensis diệt côn trùng gây hại bằng cách nào?

A. Vi khuẩn Bacillus thuringiensis kí sinh và làm chết côn trùng.

B. Các chất độc do vi khuẩn Bacillus thuringiensis tạo ra có khả năng diệt côn trùng.

C. Vi khuẩn Bacillus thuringiensis ức chế quá trình sinh sản của côn trùng.

D. Các enzyme do vi khuẩn Bacillus thuringiensis tạo ra có khả năng phá vỡ màng tế bào của côn trùng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Vi khuẩn Bacillus thuringiensis có khả năng tổng hợp nên các độc tố như Cry, Cyt có khả năng diệt côn trùng. Những độc tố này đặc biệt cao đối với côn trùng mục tiêu của chúng, vô hại đối với con người, động vật có xương sống, thực vật và hoàn toàn có thể phân hủy sinh học. Do đó, Bacillus thuringiensis là một lựa chọn khả thi để kiểm soát côn trùng gây hại trong nông nghiệp.

Bài 27.10 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Những phương pháp xử lí nào sau đây cần oxygen trong quá trình thực hiện?

(1) Xử lí bằng bùn hoạt tính.

(2) Xử lí bằng bể UASB.

(3) Xử lí bằng bể phản ứng theo mẻ.

(4) Xử lí bằng đĩa quay sinh học.

(5) Xử lí lọc trên giá mang hữu cơ.

A. (1), (2), (4).

B. (1), (3), (4).

C. (2), (3), (4).

D. (2), (4), (5).

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

- Những phương pháp xử cần oxygen (phương pháp xử lí sinh học hiếu khí) trong quá trình thực hiện:

(1) Xử lí bằng bùn hoạt tính.

(3) Xử lí bằng bể phản ứng theo mẻ.

(4) Xử lí bằng đĩa quay sinh học.

- (2) Xử lí bằng bể UASB, (5) Xử lí lọc trên giá mang hữu cơ là phương pháp xử lí sinh học yếm khí (kị khí).

Bài 27.11 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Khi mua nước mắm, chúng ta thường quan tâm đến tỉ lệ đạm (protein) có trong nước mắm. Hãy giải thích vì sao trong nước mắm lại có đạm (protein).

Lời giải:

Trong nước mắm có đạm là do vi sinh vật phân hủy cá thành các chất đạm (protein).

Bài 27.12 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Hãy giải thích vì sao khi phơi/sấy khô thực phẩm ta có thể bảo quản được lâu dài, tránh sự xâm nhập của vi sinh vật.

Lời giải:

Khi phơi/ sấy khô thực phẩm ta có thể bảo quản được lâu dài, tránh sự xâm nhập của vi sinh vật vì phơi/ sấy khô làm giảm hàm lượng nước trong thực phẩm mà vi khuẩn không thể phát triển trong điều kiện độ ẩm thấp.

Bài 27.13 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Hãy kể tên một số loại vaccine phòng bệnh do vi khuẩn gây ra.

Lời giải:

Tên một số loại vaccine phòng bệnh do vi khuẩn gây ra là: vaccine phòng bệnh lao, vaccine phòng bệnh bạch hầu, vaccine phòng bệnh ho gà, vaccine phòng bệnh uốn ván, vaccine phòng bệnh não mô cầu type A, B, C,…

Bài 27.14 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Để bảo quản phomat, bạn A đã cho phomat vào ngăn đông của tủ lạnh. Cách bảo quản đó có phù hợp không, vì sao?

Lời giải:

Bảo quản phomat trong ngăn đông của tủ lạnh là không phù hợp, vì nhiệt độ quá lạnh sẽ làm hỏng cấu trúc của phomat.

Bài 27.15 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Hãy liệt kê một số loại phomat phổ biến hiện nay ở nước ta.

Lời giải:

Một số loại phomat phổ biến hiện nay: Parmesan Cheese, Cheddar Cheese, Kid’s Cheese, Mozzarella Cheese, Blue Cheese, Emmental Cheese, Edam Cheese, Cream Cheese.

Bài 27.16 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Hãy so sánh nguyên liệu, quy trình sản xuất và thành phần chính của nước tương và nước mắm.

Lời giải:

So sánh nguyên liệu, quy trình sản xuất và thành phần chính của nước tương và nước mắm:

Các tiêu chí

để so sánh

Nước tương

Nước mắm

Nguyên liệu chính

Đậu tương

Cá

Quy trình sản xuất

Làm sạch đậu tương, nghiền bể đôi, nấu chín + Tạo mốc cái hoa vàng → Ủ → Lọc thô → Thanh trùng → Đóng chai.

Ướp cá với muối → Ủ → Chiết rút → Đóng chai, bảo quản.

Thành phần chính

Đạm thực vật

Đạm động vật

Bài 27.17 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Hãy liệt kê một số loại thuốc kháng sinh được sản xuất ở nước ta.

Lời giải:

Một số loại thuốc kháng sinh được sản xuất ở nước ta: Penicillin, Tetracyclin, Amoxicillin, Ampicillin.

Bài 27.18 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Hãy liệt kê một số loại chế phẩm Bacillus thuringiensis được sử dụng phổ biến hiện nay.

Lời giải:

Một số chế phẩm Bacillus thuringiensis (chế phẩm BT) được sử dụng phổ biến hiện nay:

- Chế phẩm BT dạng bột thấm ướt: BioBactWP dạng bột và BioBactEC dạng sữa.

- Chế phẩm BT thế hệ mới.

- Chế phẩm BT diệt bọ gậy.

Bài 27.19 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Hãy liệt kê một số chế phẩm xử lí nước thải được sử dụng phổ biến hiện nay.

Lời giải:

Một số chế phẩm xử lí nước thải được sử dụng phổ biến hiện nay:

- Chế phẩm vi sinh xử lí nước thải Microbiotic.

- Giá thể vi sinh vật dính bám BIOQS.

- Chế phẩm EM.

- Chế phẩm Ecolo, Bionetix.

Bài 27.20 trang 84 sách bài tập Sinh học 10: Vì sao bùn hoạt tính được sử dụng trong xử lí nước thải?

Lời giải:

Bùn hoạt tính được sử dụng trong xử lí nước thải vì: Bùn hoạt tính có chứa các vi sinh vật có khả năng phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải, góp phần làm sạch nước.

Xem thêm các bài giải SBT Sinh học lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 26: Công nghệ vi sinh vật

Bài 27: Ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn

Bài 28: Thực hành: Lên men

SBT Sinh học 10: Ôn tập chương 5

Bài 29: Virus

Đánh giá

0

0 đánh giá