Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 10 Cánh diều Bài 5: Mục tiêu và nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ

2.6 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải bài tập Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 10 Bài 5: Mục tiêu và nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề học tập KTPL 10. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 10 Bài 5: Mục tiêu và nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ

Mở đầu trang 29 Chuyên đề KTPL 10: Em hãy cùng bạn bình luận ý kiến: Xác định mục tiêu sản xuất kinh doanh là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp nhỏ.

Trả lời:

- Em đồng ý với ý kiến: Xác định mục tiêu sản xuất kinh doanh là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp nhỏ.

- Bởi khi xác định được mục tiêu sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ mới có thể căn cứ vào đó để xác định được doanh thu, lợi nhuận, năng suất hay thị phần của doanh nghiệp qua từng thời kì. Xác định được những mục tiêu xã hội bên cạnh những mục tiêu kinh tế. Những điều đó sẽ góp phần tạo nên sự thành công của doanh nghiệp nhỏ trong quá trình sản xuất kinh doanh.

- Một doanh nghiệp hoạt động mà không có mục tiêu, định hướng rõ ràng thì sẽ không biết mình phải sản xuất như thế nào để có lợi nhuận, sẽ không biết mình phải phân phối cho những ai để thu được doanh thu cũng không biết mình phải làm gì để tạo ra được năng suất. Bởi thế mà doanh nghiệp nhỏ rất dễ bị thất bại trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

A - CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Khám phá

1. Mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ

Câu hỏi trang 29 Chuyên đề KTPL 10Em hãy quan sát hình ảnh, đọc trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi.

Chuyên đề Kinh tế pháp luật 10 Bài 5 (Cánh diều): Mục tiêu và nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ  (ảnh 1)

Trường hợp. Với khát khao và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị P đã quyết định đăng ký doanh nghiệp nhỏ với mô hình sản xuất và kinh doanh nấm Linh chi. Mục tiêu ban đầu chị P đặt ra là mở một trại nấm diện tích 1 héc-ta, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 8 tấn nấm Linh chi khổ.

Trong quá trình trồng nấm, chị P không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kĩ thuật trồng nấm, cũng như đi tham quan các mô hình trồng nấm đạt hiệu quả để tích luỹ kinh nghiệm. Song song với việc nâng cao kĩ thuật trồng, chị P cũng xây dựng kế hoạch tiếp thị để phát triển thị trường. Với nỗ lực mở rộng thị trường, chị P dự định tăng doanh số bán hàng lên 24% mỗi năm trong hai năm tới và lợi nhuận tăng khoảng 10%. Nếu các điều kiện kinh doanh thuận lợi, chị dự định mở thêm 1 trại nấm nữa trong một năm tới.

Theo tính toán của chị P, từ mô hình trồng nấm Linh chi của doanh nghiệp  hiện nay, sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập mỗi năm đem lại cho gia đình chị khoảng 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa phương và nhiều lao động thời vụ khác.

Câu hỏi:

a) Em hãy cùng bạn liệt kê các mục tiêu của doanh nghiệp nhỏ được thể hiện trong hình ảnh trên và làm rõ từng mục tiêu đó.

b) Em hãy xác định mục tiêu của chị P khi đăng kí kinh doanh và sau khi doanh nghiệp được thành lập.

c) Ngoài những mục tiêu kể trên, em còn biết những mục tiêu nào khác của doanh nghiệp nhỏ?

Trả lời:

Yêu cầu a) Các mục tiêu của doanh nghiệp nhỏ được thể hiện trong hình ảnh trên:

- Lợi nhuận: tăng 8%

+ Lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa doanh thu của doanh nghiệp và chi phí mà doanh nghiệp đó đầu tư vào hoạt động sản xuất để đạt được mức doanh thu ấy.

+ Lợi nhuận tăng 8% được hiểu là khoản chênh lệch giữa doanh thu của doanh nghiệp và chi phí mà doanh nghiệp đó đầu tư vào hoạt động sản xuất để đạt được mức doanh thu ấy là 8%

- Chi phí: giảm 10%

+ Chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh là những chi phí kinh tế mà một doanh nghiệp phải gánh chịu để hoạt động và hy vọng tạo ra doanh thu.

+ Chi phí kinh doanh thông thường bao gồm: Các khoản thanh toán cho nhà cung cấp; Cho thuê nhà xưởng; Khấu hao thiết bị; Tiền lương của nhân viên;…

=> Như vậy, mục tiêu của doanh nghiệp nhỏ này là chi phí giảm 10% tức là các khoản chi phí về các khoản thanh toán cho nhà cung cấp; cho thuê nhà xưởng; khấu hao thiết bị; tiền lương của nhân viên;…sẽ giảm 10%

- Hiệu quả và năng suất: tăng cường phát triển công nghệ, nhân lực, tổ chức sản xuất

+ Tăng cường đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, đào tạo đội ngũ nhân lực có tay nghề, kinh nghiệp, tăng cường các biện pháp tổ chức sản xuất công nghiệp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và năng suất cho doanh nghiệp.

- Khả năng cạnh tranh: phát triển chất lượng sản phẩm và tăng cường chăm sóc khách hàng.

+ Khả năng cạnh tranh là khả năng mà doanh nghiệp cố gắng giành được và duy trì thị trường để có lợi nhuận nhất định.

+ Doanh nghiệp nhỏ này tăng cường khả năng cạnh tranh của mình bằng cách tăng cường phát triển chất lượng sản phẩm và tăng cường chăm sóc khách hàng để duy trì và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

- Thị phần: tăng 4%

+ Thị phần chính là phần trăm tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp đang chiếm lĩnh trên thị trường.

+ Thị phần được tính bằng công thức: Tổng doanh số bán hàng của doanh nghiệp/Tổng doanh số của thị trường.

=> Mục tiêu của doanh nghiệp nhỏ này chính là tăng 4% tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp đang chiếm lĩnh trên thị trường.

Yêu cầu b) Mục tiêu của chị P

- Mục tiêu khi đăng kí kinh doanh:

+ Diện tích trang trại nấm: 1 héc-ta

+ Cung cấp ra thị trường 8 tấn nấm Linh chi khô/năm

- Mục tiêu sau khi doanh nghiệp được thành lập:

+ Doanh số bán hàng: tăng 24%/năm

+ Lợi nhuận: tăng 10%

+ Mở thêm 1 trang trại nấm nữa trong một năm tới

Yêu cầu c) Những mục tiêu khác của doanh nghiệp nhỏ

- Tạo việc làm cho lao động

- Tham gia một hoạt động công cộng trở lên

- Phát triển và tung ra sản phẩm mới

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ

Câu hỏi trang 30 Chuyên đề KTPL 10: Em hãy quan sát hình ảnh, đọc thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi.

Chuyên đề Kinh tế pháp luật 10 Bài 5 (Cánh diều): Mục tiêu và nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ  (ảnh 1)

Câu hỏi: Khi quan sát các hình ảnh trên, em liên tưởng đến điều gì? Em hãy cùng bạn chia sẻ sự ảnh hưởng của từng nhân tố trên đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ.

Lời giải:

- Khi quan sát các hình ảnh trên em liên tưởng đến các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ.

1. Ý tưởng kinh doanh:

2. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp:

3. Dịch bệnh:

4. Năng lực học hỏi kĩ thuật

- Ảnh hưởng của từng nhân tố trên đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ:

+ Ý tưởng kinh doanh: Một ý tưởng kinh doanh tốt có ý nghĩa trong việc quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp. Ý tưởng kinh doanh là gốc rễ định hình cho một doanh nhân khởi nghiệp, là sự chọn lựa loại kinh doanh của doanh nhân đó trong quá trình bắt đầu xây dựng doanh nghiệp. Ý tưởng kinh doanh mới giúp định hướng cho hoạt động kinh doanh với những yếu tố khác biệt, hiệu quả so với hoạt động của các doanh nghiệp thông thường.

+ Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp: Một doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt tức là doanh nghiệp đó có thể tồn tại và đứng vững trên thị trường. Cạnh tranh sẽ tạo ra môi trường kinh doanh và những điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Muốn tồn tại và phát triển được thì doanh nghiệp cần phải phát huy hết những ưu thế của mình nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những điểm khác biệt so với đối thủ cạnh tranh như không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, tạo ra nhiều mặt hàng đa dạng đáp ứng được nhu cầu của thị trường; áp dụng các biện pháp giới thiệu, quảng bá sản phẩm,…

+ Dịch bệnh: Dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ở các lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp bị hạn chế tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh thu giảm mạnh, lao động phải nghỉ việc,...điển hình như các lĩnh vực dệt may, vận tải, xây dựng, sản xuất thiết bị cơ khí, điện tử, bán lẻ, du lịch,...

+ Năng lực học hỏi kĩ thuật: Một doanh nghiệp nếu không chịu khó học hỏi và áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất thì sẽ bị thụt lùi so với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Doanh nghiệp nào có năng lực học hỏi kĩ thuật tốt sẽ góp phần vào việc năng cao năng suất lao động, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Câu hỏi trang 30 Chuyên đề KTPL 10Em hãy quan sát hình ảnh, đọc thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi.

Thông tin. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho thấy, 87% doanh nghiệp Việt Nam bị tác động bởi đại dịch COVID-19, trong đó có 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trường hợp. Anh X là người khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực may mặc, với số vốn ban đầu chỉ 100 triệu đồng. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thị trường, nhưng với sự nỗ lực và ý tưởng kinh doanh của mình, những năm qua doanh thu của doanh nghiệp đã lên tới hàng chục tỉ đồng. Anh X chia sẻ, để có được thành công như ngày hôm nay, anh đã chú trọng đến các yếu tố, quan trọng nhất là lập kế hoạch cụ thể ngay từ khi bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Tiếp theo đó là lựa chọn sản phẩm sao cho phù hợp với khách hàng để đủ sức cạnh tranh với đối thủ. Ngoài ra, vốn cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh, Anh nhấn mạnh dù vốn lớn hay nhỏ, quan trọng là bạn quản lý vốn như thế nào cho khoa học. Lợi nhuận là mục tiêu cao nhất, nhưng cũng là cái bẫy nguy hiểm làm phá sản doanh nghiệp. Không nên vì lợi nhuận mà giảm chất lượng sản phẩm để đạt được mục tiêu đề ra.

Câu hỏi: Em hãy phân loại các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thành nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài.

Trả lời:

Phân loại

- Nhân tố bên trong:

+ Nguồn vốn tự có và khả năng huy động vốn

+ Ý tưởng kinh doanh

+ Kế hoạch kinh doanh

+ Năng lực học hỏi kĩ thuật

+ Sự năng động của chủ doanh nghiệp.

- Nhân tố bên ngoài:

+ Nguồn nguyên liệu;

+ Điều kiện tự nhiên của địa phương;

+ Tình hình thị trường, dịch bệnh,…

2. Luyện tập và vận dụng

Câu hỏi trang 32 Chuyên đề KTPL 10: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

A. Doanh nghiệp nhỏ đóng góp không nhiều đối với sự phát triển kinh tế ở nước ta.

B. Lợi nhuận là mục tiêu cao nhất của doanh nghiệp nhỏ.

C. Để kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp nhỏ nên xác định rõ các mục tiêu ngăn hạn, trung hạn và dài hạn.

D. Để nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ có thể áp dụng mọi biện pháp để hạ thấp chi phí sản xuất.

E. Doanh nghiệp nhỏ chi phổ biến ở các nước đang phát triển.

Trả lời:

- Ý kiến A - Em không đồng tình với ý kiến trên vì rất nhiều doanh nghiệp nhỏ đóng góp một phần lớn đối với sự phát triển kinh tế của nước ta.

- Ý kiến B - Em đồng tình với ý kiến trên vì bên cạnh những mục tiêu cơ bản về kinh tế và xã hội thì mục tiêu cao nhất của doanh nghiệp nhỏ chính là lợi nhuận. Một doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển được nếu sản xuất kinh doanh không có lợi nhuận.

- Ý kiến C - Em đồng tình với ý kiến trên vì chỉ khi xác định được các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thì doanh nghiệp nhỏ mới có thể xác định được kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, từ đó giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, thiết lập các mục tiêu còn tạo được động lực cho doanh nghiệp duy trì việc sản xuất kinh doanh, điều chỉnh tiến độ công việc.

- Ý kiến D - Em không đồng tình với ý kiến trên vì để nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp nhỏ có thể dùng nhiều biện pháp như hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tìm kiếm thị trường mới,...Việc áp dụng mọi biện pháp để hạ thấp chi phí sản xuất phải cân nhắc đến yếu tố đạo đức kinh doanh.

- Ý kiến E - Em không đồng tình với ý kiến trên vì doanh nghiệp nhỏ hiện nay phổ biến trên toàn thế giới, có cả ở những nước đang phát triển và những nước phát triển, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế ở những quốc gia đó.

Câu hỏi trang 32 Chuyên đề KTPL 10Em hãy cùng bạn làm rõ mối quan hệ giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội của doanh nghiệp nhỏ.

Trả lời:

- Mối quan hệ giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội của doanh nghiệp nhỏ.

+ Mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội của doanh nghiệp nhỏ có mối quan hệ tác động và qua lại lẫn nhau:

+ Mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp nếu được đảm bảo thực hiện tốt sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện để cho doanh nghiệp nhỏ thực hiện các mục tiêu xã hội như: Tạo việc làm cho người lao động, tham gia các hoạt động cộng đồng, tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương,…

+ Mục tiêu xã hội của doanh nghiệp nhỏ nếu được thực hiện tốt sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển và thực hiện các mục tiêu kinh tế như doanh thu, lợi nhuận,…

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu hỏi trang 32 Chuyên đề KTPL 10Em hãy nêu một ví dụ về mục tiêu của một doanh nghiệp nhỏ cụ thể ở địa phương em và cho biết cách thức để doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đó.

Trả lời:

Ví dụ: Mục tiêu của doanh nghiệp Buyfoods về sản xuất các mặt hàng bánh kẹo.

- Mục tiêu dài hạn:

+ Tăng tổng thu nhập của công ty bạn lên 10% trong hai năm tới.

+ Giảm 5% chi phí sản xuất trong ba năm tới.

+ Tăng mức độ nhận biết thương hiệu tổng thể.

+ Tăng thị phần của công ty bạn trên thị trường.

+ Phát triển và tung ra sản phẩm mới.

- Mục tiêu ngắn hạn:

+ Tăng giá sản phẩm lên 2% trong vòng 3 tháng cuối năm, phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán.

+ Cải thiện thêm lưu lượng truy cập trên Website bán hàng trực tuyến lên 10.000 lượt/tuần.

+ Triển khai chương trình quà tặng cho sản phẩm mới với 1000 khách hàng trong vòng 2 tuần kể từ khi ra mắt sản phẩm.

- Cách thức để doanh nghiệp đạt được mục tiêu đó là:

+ Nhập máy móc trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất lao động giúp hạ giá thành sản phẩm.

+ Tìm kiếm thị trường trên khắp cả nước và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan,…

+ Phát triển và nâng cấp hệ thống website bán hàng để tăng lượt truy cập.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu hỏi trang 32 Chuyên đề KTPL 10Có ý kiến cho rằng, điểm chung của những người khởi nghiệp với mô hình sản xuất kinh doanh nhỏ là khi mới bắt đầu thì họ rất hào hứng, nhưng sau khoảng 1 đến 2 năm thì rất nhiều người bỏ cuộc, chỉ một số ít giữ được tinh thần ban đầu; sau 3 - 4 năm thì số lượng doanh nghiệp nhỏ bước đi đúng trên con đường khởi nghiệp còn lại rất ít.

a) Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến trên? Vì sao?

b) Em sẽ đưa ra lời khuyên gì về mục tiêu để giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể đến gần hơn với thành công.

Trả lời:

Yêu cầu a) Em đồng tình với ý kiến trên vì doanh nghiệp nhỏ nếu không xác định kĩ mục tiêu và kế hoạch kinh doanh ngay từ ban đầu thì sau khoảng 1-2 năm rất dễ đi lệch hướng và xảy ra tình trạng chán nản, bỏ cuộc. Nếu doanh nghiệp nhỏ nào ngay từ đầu đã xác định cho mình cho những mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn một cách kĩ càng thì sau một vài năm doanh nghiệp đó vẫn đi đúng hướng và phát triển theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Yêu cầu b) Lời khuyên về mục tiêu để giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể đến gần hơn với thành công là: Ngay từ đầu khi mới thành lập, doanh nghiệp nên kĩ càng xác định cho mình những mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện đúng những mục tiêu mà mình đã đề ra để có định hướng đúng và có thể đến gần hơn với thành công.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu hỏi trang 32 Chuyên đề KTPL 10Em hãy sưu tầm những kinh nghiệm để xác định mục tiêu trong sản xuất kinh doanh; cách lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó và chia sẻ với các bạn trong lớp.

Trả lời:

- Những kinh nghiệm để xác định mục tiêu trong sản xuất kinh doanh  

+ Nên xác định cả ba mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn

+ Với từng mục tiêu cần đưa ra kế hoạch chi tiết, phù hợp

+ Xác định mục tiêu phải phù hợp với năng lực của doanh nghiệp

- Cách lập kế hoạch

+ Lập kế hoạch đầy đủ các bước sau:

Bước 1: Xây dựng ý tưởng kinh doanh

Bước 2: Xây dựng mục tiêu

Bước 3: Nghiên cứu và phân tích thị trường

Bước 4: Lập biểu đồ SWOT - Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức

Bước 5: Xác lập mô hình tổ chức kinh doanh

Bước 6: Lập kế hoạch Marketing

Bước 7: Lập kế hoạch quản lý nhân sự

Bước 8: Lập kế hoạch quản lý tài chính

Bước 9: Thực hiện kế hoạch

+ Khi lập kế hoạch cần cụ thể hóa và chi tiết từng bước.

Câu hỏi trang 32 Chuyên đề KTPL 10Trải nghiệm:

Em hãy cùng các bạn thực hiện một dự án nhỏ để tìm hiểu về mục tiêu, nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ ở địa phương theo gợi ý sau: xác định mục đích, yêu cầu của dự án; lựa chọn doanh nghiệp để thực hiện dự án; dự kiến thời gian, thành phần tham gia; tiến hành thực hiện dự án; tổ chức báo cáo và đánh giá kết quả đạt được trước lớp.

Trả lời:

(*) Tham khảo: Dự án tìm hiểu về mục tiêu, nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ ở địa phương

- Mục đích: Tìm hiểu và phân tích mục tiêu, những nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ ở địa phương.

- Yêu cầu của dự án: Liệt kê đầy đủ mục tiêu và xác định những nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ ở địa phương một cách khách quan. 

- Lựa chọn doanh nghiệp để thực hiện dự án: Công ty cổ phần nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DELCO (xã Nguyệt Đức, Thuận Thành, Bắc Ninh).

- Dự kiến thời gian: ngày ……/……../20…….

- Thành phần tham gia: Tổ nhóm 1 và Ban quản lý công ty nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DELCO.

- Tiến hành thực hiện dự án: Chuẩn bị - Gặp mặt ban quản lý - Tham quan trang trại - Tìm hiểu mục tiêu và nhân tố ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp - Viết báo cáo.

- Tổ chức báo cáo và đánh giá kết quả đạt được trước lớp

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Đánh giá

0

0 đánh giá