Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 10 Cánh diều Bài 2: Hôn nhân

2.7 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải bài tập Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 10 Bài 2: Hôn nhân sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề học tập KTPL 10. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 10 Bài 2: Hôn nhân

Mở đầu trang 10 Chuyên đề KTPL 10: Em hãy chia sẻ suy nghĩ của mình về ý kiến: Từ tình yêu đến hôn nhân là một bước ngoặt lớn trong một mối quan hệ.

Trả lời:

(*) Bài tham khảo:

- Từ tình yêu đến hôn nhân là một bước ngoặt lớn trong một mối quan hệ bởi hôn nhân là kết quả của tình yêu, là đích đến cuối cùng của một mối quan hệ nam nữ. Nó là một bước ngoặt lớn trong một mối quan hệ vì tình yêu vợ chồng không giống như tình yêu đôi lứa.

- Nếu như tình yêu đôi lứa “chỉ cần biết có đôi ta”, thì tình yêu vợ chồng lớn hơn nhiều. Vì ngoài gia đình nhỏ ra, chúng ta còn có gia đình họ hàng hai bên. Cần phải thấu hiểu, tôn trọng và quan tâm nhiều hơn. Thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, tôn trọng bố mẹ và gia đình họ hàng, quan tâm đến những người thân của gia đình hai bên hơn. Bởi lẽ, tình cảm này cũng chính là thể hiện của tình yêu sâu sắc dành cho nhau. Hơn thế, đây cũng là sợi dây gắn kết cho mối quan hệ gia đình thêm bền chặt.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

A - CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Khám phá

1. Thế nào là hôn nhân

Câu hỏi trang 10 Chuyên đề KTPL 10Em hãy đọc các thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi.

Thông tin 1. Hiến pháp năm 2013

Điều 36 (trích)

1. Nam, nữ có quyền kết hôn, li hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Thông tin 2. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Điều 3. Giải thích từ ngữ (trích)

1. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.

3. Chế độ hôn nhân và gia đình là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, li hôn; quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng…

Câu hỏi:

a) Dựa vào quy định của pháp luật trong thông tin, em hãy cho biết hôn nhân là gì?

b) Theo em, hôn nhân điều chỉnh những mối quan hệ nào và nhằm mục đích gì? Nêu bí dụ minh họa.

Trả lời:

Yêu cầu a) Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã thực hiện các quy định của pháp luật về kết hôn nhằm chung sống với nhau và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Yêu cầu b)

- Theo em:

+ Hôn nhân điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân giữa: Vợ và chồng; quan hệ giữa nhân thân của mỗi bên nam nữ với tư cách là vợ chồng.

+ Nhằm mục đích tạo cơ sở pháp lí, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định cho các bên trong quan hệ vợ chồng.

- Ví dụ:

+ Anh T và chị H yêu nhau được 5 năm và đã quyết định tổ chức đám cưới trong tháng tới. Ngày 27/04/2022, anh T và chị H cùng nhau đến Ủy ban nhân dân xã Y để đăng kí giấy chứng nhận kết hôn.

+ Chị V và anh Y lấy nhau được 1 năm và mới sinh em bé. Theo quy định của pháp luật, anh Y và chị V có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên (theo khoản 1 Điều 71).

2. Điều kiện kết hôn

Câu hỏi trang 11 Chuyên đề KTPL 10Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi

Trường hợp 1. Anh T và chị V là bạn học thời phổ thông, hai người chính thức yêu nhau khi cùng vào học đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ đăng kí kết hôn và tổ chức lễ cưới với đủ các nghi thức truyền thống với sự chứng kiến của hai bên gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè.

Trường hợp 2. Sau biến cố của gia đình, chị P bị trầm cảm phải nghỉ việc để điều trị. Anh K là người yêu đã quyết định cùng chị P đi đăng kí kết hôn để có thể chính thức chăm sóc chị với tư cách là vợ chồng, còn đám cưới sẽ hoãn lại sau khi chị khỏi bệnh. Gia đình anh K kiên quyết phản đối vì cho rằng chị P bị bệnh như thế sẽ ảnh hưởng tới việc sinh con, hơn nữa theo pháp luật cũng không cho phép người bị bệnh như chị P được kết hôn.

a) Theo em, trong trường hợp 1 quan hệ giữa anh T và chị V có được gọi là hôn nhân hợp pháp không? Vì sao?

b) Việc anh K đăng kí kết hôn với chị P trong trường hợp chị P bị bệnh có được pháp luật cho phép không? Lí do gia đình phản đối quyết định của anh K là đúng hay sai? Vì sao?

c) Theo em, nếu hai người yêu nhau muốn tiến tới hôn nhân thì cần những điều kiện gì? Pháp luật nước ta quy định như thế nào về những điều kiện đó?

Trả lời:

Yêu cầu a) Theo em, trong trường hợp 1 quan hệ giữa anh T và chị V được gọi là quan hệ hôn nhân hợp pháp vì cả hai đã đủ tuổi kết hôn, việc kết hôn do cả hai đều tự nguyện quyết định và thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định của pháp luật.

Yêu cầu b)

- Việc anh K đăng kí kết hôn với chị P trong trường hợp chị P bị bệnh không được pháp luật cho phép (do chị P bị bệnh trầm cảm, tùy vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ nhưng cơ bản, trong nhiều trường hợp, người bị bệnh trầm cảm khó có thể làm chỉ được nhận thức và hành vi của mình).

- Lí do gia đình phản đối quyết định của anh K xét về lí là đúng vì pháp luật nước ta quy định người kết hôn bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không đủ điều kiện kết hôn. Nhưng xét về tình thì sai vì đã ngăn cản anh K với chị P đến với nhau, anh K và chị P yêu nhau thật lòng. Khi chị P bị bệnh anh K mong muốn kết hôn để có thể chính thức chăm sóc chị P với tư cách là vợ chồng.

Yêu cầu c) Theo em, nếu hai người yêu nhau muốn tiến tới hôn nhân thì cần những điều kiện sau:

- Nam, nữ phải đủ tuổi kết hôn: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nam phải đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải đủ 18 tuổi trở lên”.

- Việc kết hôn phải do hai bên nam, nữ tự nguyện: Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: “việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định” (Điểm b khoản 1 Điều 8).

+ Tự nguyện trong kết hôn trước hết phải thể hiện bằng ý chí chủ quan của người kết hôn. Hai bên nam, nữ yêu thương nhau và tự mình quyết định xác lập quan hệ hôn nhân nhằm mục đích xây dựng gia đình. Ý chí này của mỗi bên nam, nữ không bị tác động bởi một bên hoặc của người thứ ba.

+ Tự nguyện kết hôn còn thể hiện bằng dấu hiệu khách quan. Người kết hôn phải bày tỏ mong muốn được kết hôn với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hành vi đăng ký kết hôn. Vì thế, khi đăng ký kết hôn yêu cầu phải cố mặt của hai bên nam, nữ.

- Người kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự: Điểm c khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13 quy định nam, nữ khi kết hôn phải là người không bị mất năng lực hành vi dân sự.

3. Những điểm coa bản của chế độ hôn nhân và gia đình ở nước ta hiện nay

Câu hỏi trang 13 Chuyên đề KTPL 10Em hãy đọc các ý kiến dưới đây và trả lời câu hỏi.

Ý kiến 1: Nam nữ yêu nhau được tự quyết định việc hôn nhân của mình mà không chịu bất kì sự ép buộc hay cản trở nào.

Ý kiến 2: Xã hội phong kiến duy trì chế độ hôn nhân đa thể. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986, 2000, 2014 của nước ta đã xoá bỏ chế độ hôn nhân đa thể và ghi nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Ý kiến 3: Khi nam nữ kết hôn và được pháp luật công nhận thì vợ hoặc chồng không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.

Ý kiến 4: Sau khi kết hôn vợ chồng có quyền như nhau trong việc quyết định mọi vấn đề của đời sống gia đình như lựa chọn nơi cư trú, tổ chức cuộc sống, quyết định sinh con, giáo dục con cái, quản lý tài sản,...

Câu hỏi:

a) Em hãy nhận xét về chế độ hôn nhân ở nước ta qua những ý kiến trên.

b) Vì sao pháp luật nước ta lại xóa bỏ chế độ hôn nhân đa thê? Em có thể nói gì về chế độ hôn nhân này?

Trả lời:

Yêu cầu a)

- Chế độ hôn nhân ở nước ta thay đổi qua các thời kì:

+ Thời kì xã hội phong kiến: Duy trì chế độ hôn nhân đa thê, tức là một người chồng có thể lấy nhiều vợ.

+ Hiện nay: Nhà nước Việt Nam xóa bỏ chế độ hôn nhân đa thê và ghi nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

- Chế độ hôn nhân ở nước ta dựa trên tinh thần tự nguyện do hai bên nam nữ tự mình quyết định việc kết hôn của mình.

- Vợ chồng sau khi kết hôn phải có quyền và nghĩa vụ như nhau trong mọi vấn đề của đời sống gia đình.

Yêu cầu b)

Pháp luật nước ta xóa bỏ chế độ hôn nhân đa thê vì chế độ hôn nhân đó bộc lộ bản chất phụ quyền, phân biệt và coi thường địa vị của người phụ nữ trong xã hội.

Thời kỳ phong kiến, chế độ hôn nhân được hình thành chủ yếu do cha mẹ, họ hàng hai bên sắp đặt, không xuất phát từ tình cảm, tình yêu đôi lứa. Thời kỳ đó vợ chồng đối xử với nhau mang nặng tình nghĩa, chứ yếu tố chung thủy ít được đề cao, vì thời kỳ đó hai từ “chung thủy” thường chỉ nhắc đến cho người phụ nữ, người vợ: “Trai anh hùng năm thê, bảy thiếpGái chính chuyên chỉ có một chồng”. Người phụ nữ trong xã hội ấy luôn luôn phải chịu sự sắp đặt từ phía cha mẹ, gả đi rồi thì phải chịu sự sắp đặt của chồng. Trong gia đình ấy, người phụ nữ không có quyền và tiếng nói riêng.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

2. Luyện tập và vận dụng

Câu hỏi trang 14 Chuyên đề KTPL 10Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

A. Hôn nhân sẽ không bền vững nếu điều kiện kinh tế của hai bên gia đình quá chênh lệch.

B. Nam nữ có quyền tự do yêu nhau, tự quyết định hôn nhân của mình, nhưng cần lắng nghe ý kiến của cha mẹ.

C. Người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự thì đủ điều kiện kết hôn

D. Nam và nữ chung sống với nhau mà không đăng kí kết hôn, cũng có thể được pháp luật công nhận là vợ chồng.

E. Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và những người có họ trong phạm vi ba đời.

Trả lời:

- Ý kiến A - Em không đồng tình với ý kiến này vì sự bền vững trong hôn nhân dựa trên sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia lẫn nhau trong cuộc sống của hai người chứ không phải vì sự chênh lệch điều kiện kinh tế của hai bên gia đình.

- Ý kiến B - Em đồng ý với ý kiến này vì nam nữ có quyền tự do yêu nhau và có quyền quyết định hôn nhân của mình. Tuy nhiên, cần sự lắng nghe ý kiến từ cha mẹ vì họ là những người đi trước nên sẽ có những hiểu biết và kinh nghiệm cũng như lời khuyên tốt nhất dành cho chúng ta.

- Ý kiến C - Em không đồng ý với ý kiến này vì pháp luật nước ta quy định điều kiện kết hôn như sau: Nam đủ 20 tuổi trở lên, nữ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn phải do hai bên nam, nữ tự nguyện và người kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự.

- Ý kiến D - Em không đồng ý với ý kiến trên vì pháp luật chỉ công nhận vợ chồng với những người đã đăng kí kết hôn, còn chung sống với nhau mà không đăng kí kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng.

- Ý kiến E - Em đồng ý với ý kiến này vì đó là một trong những trường hợp mà pháp luật nước ta quy định cấm kết hôn.

Câu hỏi trang 14 Chuyên đề KTPL 10Em hãy xử lí những tình huống sau:

Tình huống a) Chị H và bạn trai đều 25 tuổi. Hai người có ý định kết hôn nhưng bố mẹ bạn trai của H tìm mọi cách ngăn cản, chia rẽ hai người.

Theo em, nếu chị H và bạn trai tự ý kết hôn thì có vi phạm quy định của pháp luật không? Vì sao?

Tình huống b) Anh P và chị Q yêu nhau 5 năm, gia đình hai bên đều mong muốn anh chị tiến đến hôn nhân. Anh P và chị Q đều cho rằng không muốn sự ràng buộc của pháp luật nên sẽ không đăng kí kết hôn. Hai người thống nhất với nhau sẽ chỉ tổ chức đám cưới mới họ hàng, bạn bè rối về chung sống với nhau.

Nếu em là người thân của chị ạ, em sẽ góp ý với chị Q như thế nào? Vì sao?

Trả lời:

Tình huống a) Theo em, nếu chị H và bạn trai tự ý kết hôn thì không vi phạm quy định của pháp luật vì chị H và bạn trai có quyền tự mình quyết định việc kết hôn và thể hiện mong muốn trở thành vợ chồng của nhau. Mỗi bên không chịu sự tác động của bên kia hay của bất kì người nào khác khiến họ phải trái với nguyện vọng của mình. Hơn nữa cả hai đã đủ tuổi kết hôn, không vi phạm bất kì các trường hợp cấm kết hôn nào của pháp luật.

Tình huống b) Nếu em là người thân của chị Q em sẽ góp ý với chị rằng:

+ Việc đăng kí kết hôn không phải là sự ràng buộc của pháp luật mà là sự công nhận của pháp luật với giữa quan hệ vợ chồng. Hơn nữa đăng kí kết hôn sẽ được pháp luật bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cả hai trong quan hệ hôn nhân.

Vì quan hệ vợ chồng chỉ được pháp luật công nhận khi đã đi đăng kí kết hôn. Được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích của vợ/chồng trong quan hệ hôn nhân.

Câu hỏi trang 15 Chuyên đề KTPL 10: Em hãy giúp bạn trong những trường hợp sau:

Trường hợp a) Bạn B thắc mắc: Anh K sinh ngày 20/12 2000 yêu chị P sinh ngày 15/5/2003. Hai người quyết định lấy nhau, họ dự kiến đăng kí kết hôn và tổ chức lễ cưới vào ngày 22/12 2020.

Trong trường hợp này, anh K và chị P đã đủ tuổi kết hôn chưa? Pháp luật quy định như thế nào về cách tính tuổi kết hôn?

Trường hợp b) Trong một cuộc tranh luận, bạn Q thắc mắc không biết tài sản trong gia đình sẽ thuộc về bố hay mẹ nhiều hơn?

Trả lời:

Trường hợp a)

Trong trường hợp này, anh K và chị P chưa đủ tuổi kết hôn.

- Theo quy định pháp luật hiện nay, nam, nữ kết hôn với nhau phải đáp ứng được điều kiện về độ tuổi như sau: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

- Cách tính tuổi “đủ 20 tuổi” hay “đủ 18 tuổi” trong quy định về độ tuổi đăng ký kết hôn là tính theo tròn tuổi (đủ ngày, đủ tháng, đủ năm). Ví dụ:

+ Anh K sinh ngày 20/12/2000 thì đến 22/12/2020 là đủ 20 tuổi. Như vậy kể từ ngày 20/12/2000 trở đi thì bạn nam này đủ điều kiện về độ tuổi để được kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Chị P sinh ngày ngày 15/05/2003 thì đến 22/12/2020 là chưa đủ 18 tuổi. Như vậy phải chờ từ ngày 15/05/2021 trở đi thì bạn nữ này mới đủ điều kiện về độ tuổi để được kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Trong trường hợp không xác định được hay không đủ điều kiện để xác định chính xác ngày sinh, tháng sinh thì tính như sau:

+ Nếu chỉ xác định được năm sinh mà không xác định được tháng sinh thì tháng sinh được xác định là tháng một của năm sinh đó.

+ Nếu xác định được tháng sinh, năm sinh mà không xác định được ngày sinh thì ngày sinh được xác định là ngày mùng một của tháng sinh.Ví dụ trường hợp nữ không xác định được chính xác ngày tháng năm sinh do chứng minh nhân dân/ giấy khai sinh chỉ ghi tháng, năm sinh như: chỉ ghi sinh 08/1997 thì được xác định sinh ngày 01/08/1997 và đến 01/08/2015 là đủ 18 tuổi, kể từ ngày 01/08/2015 trở đi là bạn nữ này đủ điều kiện về độ tuổi được kết hôn theo pháp luật Việt Nam; chỉ ghi sinh năm 1997 thì ngày sinh được xác định là 01/01/1997 nên “đủ 18 tuổi” được tính khi bước sang ngày 01/01/2015, kể từ ngày 01/01/2015 trở đi là bạn nữ này đủ điều kiện về độ tuổi được kết hôn theo pháp luật Việt Nam.

Trường hợp b) Tài sản trong gia đình sẽ được phân làm hai loại tài sản chung và tài sản riêng.

- Tài sản chung gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung; quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được chia riêng cho vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Như vậy, tài sản riêng có hai thời điểm hình thành, đó là có trước, có trong thời kỳ hôn nhân và có thể nhận diện qua thời điểm các tài sản này được xác lập, cấp giấy chứng nhận sở hữu, sử dụng.

- Theo quy định của pháp luật, thì vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản chung và có quyền sở hữu riêng đối với tài sản riêng.

Câu hỏi trang 15 Chuyên đề KTPL 10Em hãy cùng bạn thực hiện:

Xây dựng kế hoạch thực hiện một dự án nhỏ nhằm tuyên truyền quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về kết hôn, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng (gợi ý: mục đích, đối tượng tuyên truyền; thời gian, địa điểm tổ chức; hình thức, nội dung tuyên truyền,…).

Tổ chức thực hiện dự án theo kế hoạch đã xây dựng.

- Viết báo cáo thu hoạch sau khi thực hiện dự án.

Trả lời:

(*) Gợi ý: xây dựng kế hoạch một dự án nhỏ nhằm tuyên truyền quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về kết hôn, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

- Tên dự án: Tuyên truyền quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về kết hôn, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

- Mục đích:

+ Cung cấp trang bị hệ thống kiến thức về những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về kết hôn, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng;

+ Cung cấp kiến thức về quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng;

+ Trang bị kĩ năng xử lí những tình huống liên quan đến kết hôn, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

- Đối tượng tuyên truyền: Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.

- Thời gian, địa điểm tổ chức: ngày ……/…../20…., tại nhà sinh hoạt chung của thôn.

- Hình thức: Thuyết trình, tọa đàm, đóng vai xử lí tình huống.

- Nội dung tuyên truyền: Điều kiện kết hôn, chế độ hôn nhân ở nước ta, quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng trong quan hệ hôn nhân.

Đánh giá

0

0 đánh giá