Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 10 Cánh diều Bài 1: Tình yêu

1.3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải bài tập Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 10 Bài 1: Tình yêu sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề học tập KTPL 10. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 10 Bài 1: Tình yêu

Mở đầu trang 5 Chuyên đề KTPL 10: Em hãy chia sẻ một bài thơ hoặc câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn về tình yêu mà em tâm đắc.

Trả lời:

- Câu ca dao về tình yêu mà em tâm đắc nhất: Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

- Ý nghĩa câu ca dao: 2 câu ca dao trên nói về tình yêu đôi lứa, trong sáng, đơn giản vì người mình yêu mà không ngại gian nguy, khổ cực.

A - CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Khám phá

1. Thế nào là tình yêu?

Câu hỏi trang 5 Chuyên đề KTPL 10Em hãy đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi.

Câu chuyện: Trong bữa tiệc sinh nhật một người bạn, Q đã chú ý đến H và anh đã tìm cách để làm quen. Sau lần gặp đó, hai người trở thành bạn, quán cà phê nhỏ gần nơi H làm việc đã trở thành điểm hẹn của hai người. Mỗi lần gặp, họ thấy rất vui vẻ, họ nói chuyện với nhau như không bao giờ kết thúc. Hình ảnh của Q bắt đầu xuất hiện trong tâm trí H ngày càng nhiều, về cảm xúc của các nhân vật cô thấy mong nhớ, muốn được gặp, được nói chuyện với anh mỗi ngày. Còn Q thì luôn tìm đủ mọi lí do để được thường xuyên gặp H. Và rồi cứ như thế, Q đã thổ lộ tình yêu với H. Họ hẹn hò, yêu nhau, thấy không thể sống thiếu nhau.

a) Em hãy chỉ ra những biểu hiện về cảm xúc của các nhân vật trong câu chuyện. Theo em, đó có phải là biểu hiện của tình yêu không?

b) Em hãy chia sẻ với bạn những quan niệm về tình yêu mà em biết.

Trả lời:

Yêu cầu a)

-  Biểu hiện về cảm xúc của các nhân vật:

+ Bạn Q: thấy vui vẻ, tìm đủ mọi lí do để được gặp H, thấy không thể sống thiếu H.

+ Bạn H: thấy vui vẻ khi trò chuyện với Q, xuất hiện hình ảnh của Q trong tâm trí, mong nhớ, muốn được gặp, được nói chuyện mỗi ngày.

- Theo em, đó chính là những biểu hiện của tình yêu.

Yêu cầu b) Những quan niệm về tình yêu mà em biết

- Tình yêu là một trạng thái cảm xúc tự nhiên và nó hoàn toàn tự do. Bạn không thể mua được, cũng không bán được, hoặc lấy thứ gì để trao đổi tình yêu. Bạn không có cách nào khiến ai đó yêu hoặc hết yêu bạn, bất kể bạn trả giá bao nhiêu.

- Tình yêu là một dạng tình cảm đặc biệt của con người với những cung bậc cảm xúc khác nhau, bao gồm vui vẻ, nhớ chung, khát khao, hạnh phúc,…và cả những buồn, giận, đau khổ, hờn ghen.

- Tình yêu là cho đi tất cả những gì bạn có, và không mong đợi được đáp lại bất cứ điều gì.

- Tình yêu là một đức tính đại diện cho lòng tốt, lòng trắc ẩn và tình cảm của con người. Nếu như yêu là một động từ chỉ cảm xúc, thì tình yêu là một dạng danh từ chỉ sắc thái.

- Tình yêu là trao cho ai đó sức mạnh hủy diệt bạn và bạn trao cho họ sự tin tưởng tuyệt đối.

- …

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

2. Những biểu hiện của tình yêu chân chính

Câu hỏi trang 6 Chuyên đề KTPL 10: Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi

Thông tin. Hai bạn trẻ Vũ Linh và Ngọc Mi đều từ nông thôn lên thành phố để học đại học, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cả hai luôn nỗ lực học tập, tình yêu của họ này sinh từ sự đồng cảm và thấu hiểu. Sau khi tốt nghiệp ra trường, mỗi bạn một hướng đi riêng, cả hai luôn cố gắng phấn đấu cho tương lai và chăm sóc cho cuộc sống của cha mẹ ở quê nhà. Vũ Linh chia sẻ: “Tôi làm rất nhiều công việc, bôn ba khắp nơi để lập nghiệp, có quãng thời gian lên tận Đà Lạt đến hai năm nhưng bạn gái vẫn kiên nhẫn đợi chờ tôi”. Và sau 5 năm phấn đấu, hai bạn trẻ đã về chung một nhà.

Câu hỏi: Tình yêu của hai nhân vật trong thông tin được biểu hiện như thế nào? Theo em, đó có phải là những biểu hiện của tình yêu chân chính không? Vì sao?

Trả lời:

- Biểu hiện tình yêu của hai bạn Vũ Linh và Ngọc Mi:

+ Tình yêu bắt đầu từ sự đồng cảm và thấu hiểu.

+ Sau khi tốt nghiệp, cả hai luôn cố gắng phấn đấu cho tương lai và chăm sóc cho cuộc sống của cha mẹ ở quê.

+ Ngọc Mi kiên nhẫn đợi chờ Vũ Linh lập nghiệp.

+ Sau 5 năm phấn đấu, hai bạn đã về chung một nhà.

Nhận xét: Theo em, đó là những biểu hiện của tình yêu chân chính vì tình yêu của hai bạn Vũ Linh và Ngọc Mi xuất phát từ sự đồng cảm, thấu hiểu nhau và luôn mong muốn cố gắng cho tương lai sau này. Hơn nữa, trong quá trình yêu nhau, dù cả hai có những định hướng nghề nghiệp khác nhau nhưng hai bạn vẫn luôn tin tưởng, tôn trọng và chung thủy với nhau.

3. Một số điều cần tránh trong tình yêu

Câu hỏi trang 7 Chuyên đề KTPL 10: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi.

Trường hợp 1. H và P tranh luận với nhau. H nói: chúng mình còn đang đi học, không nên nghĩ đến chuyện yêu đương sớm sẽ làm ảnh hưởng đến việc học, chúng mình cũng chưa đủ chín chắn để có sự lựa chọn đúng đắn. P không đồng ý và lập luận: đã yêu thì không nên phân biệt lứa tuổi, hơn nữa học và yêu không liên quan gì đến nhau.

Trường hợp 2. Chị B quan niệm: yêu nhiều nhưng chỉ được lấy một, vì vậy cần cân nhắc giữa nhiều người để lựa chọn cho mình người tốt nhất.

Trường hợp 3. N tâm sự với M: tớ và anh ấy chia tay rồi.

M hỏi: sao lại chia tay? Anh ấy làm gì không phải với cậu à?

N: Ừ. Anh ấy không yêu tới.

M: Sao cậu biết anh ấy không yêu cậu? Anh ấy nói thế à?

N: Không, nhưng nếu yêu tớ thì anh ấy phải tôn trọng sở thích của tớ chứ.  Anh ấy không muốn tớ mặc đẹp, anh ấy còn muốn tớ nghỉ việc sau khi kết hôn.

a) Trong trường hợp 1 và 2, em có nhận xét gì về ý kiến của H, P và chị B.

b) Em có đồng ý với suy nghĩ của N trong trường hợp 3 không? Vì sao?

Trả lời:

Yêu cầu a) Nhận xét về ý kiến của các nhân vật

- Ý kiến của H: Em thấy ý kiến của H rất đúng khi cho rằng còn đang đi học, không nên nghĩ đến chuyện yêu đương sớm vì khi ở độ tuổi chưa trưởng thành, chưa định hướng rõ ràng về tương lai, yêu sớm dễ có những phán đoán, những quyết định sai lầm gây những hậu quả tiêu cực.

- Ý kiến của P: Em thấy ý kiến của P cũng đúng tuy nhiên P chưa lường trước được những hệ lụy mà việc yêu sớm gây ra nhất là đối với độ tuổi học sinh thì việc yêu sớm rất có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với việc học của các bạn, gây sao nhãng học hành, có khi phải bỏ học, đánh mất cơ hội thực hiện hoài bão, ước mơ của mình.

- Ý kiến của chị B: Em thấy quan niệm của chị B có phần chưa đúng vì khi yêu nhiều người dễ làm chúng ta mất đi khả năng nhận diện tình cảm thực sự, dễ mắc những sai lầm do chưa hiểu rõ về nhau. Trong tình yêu thì không có vụ lợi, không có sự cân đo đong đếm vì tình yêu thực sự chỉ dành cho một người chân thành, toàn tâm toàn ý với mình.

Yêu cầu b) Em đồng ý với suy nghĩ của N trong trường hợp 3 vì một khi đã yêu nhau thì phải tôn trọng sở thích, cá tính riêng của nhau; tôn trọng định hướng tương lai của nhau.

2. Luyện tập và vận dụng

Câu hỏi trang 8 Chuyên đề KTPL 10Em đồng ý hay không đồng ý với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

A. Tình yêu nam nữ là biểu hiện cao nhất của tình người.

B. Khi yêu phải chung thuỷ, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

C. Tình yêu là duy nhất, không chia sẻ.

D. Sẽ không có tình yêu khi không có sự bao dung, sẽ không có sự tha thứ khi không có tình yêu đích thực.

E. Tình dục không phải là một yêu cầu bắt buộc để thể hiện tình yêu

Trả lời:

Ý kiến A - Em không đồng ý với ý kiến này vì tình yêu nam nữ là một dạng tình cảm đặc biệt của con người chứ không phải là biểu hiện cao nhất của tình người.

- Ý kiến B - Em đồng ý với ý kiến này vì chung thủy trong tình yêu chính là yếu tố nền tảng để quyết định tính bền vững và là cơ sở để tiến tới hôn nhân, còn tin cậy và tôn trọng lẫn nhau chính là biểu hiện cần có của một tình yêu chân chính.

- Ý kiến C - Em đồng ý với ý kiến này vì tình yêu chỉ dành cho người chân thành, toàn tâm toàn ý với mình, không được phép chia sẻ cho bất kì ai và không một ai có thể xen vào.

- Ý kiến D - Em đồng ý với ý kiến này vì bao dung, vị tha chính là biểu hiện không thể thiếu của tình yêu đích thực.

- Ý kiến E - Em đồng ý với ý kiến này vì tình dục không phải là một yêu cầu bắt buộc mà nó chỉ là một trong những biểu hiện để thể hiện tình yêu khi cả hai đã đủ tin tưởng nhau.

Câu hỏi trang 8 Chuyên đề KTPL 10Em hãy xử lí các tình huống sau:

Tình huống a) Anh D và chị B yêu nhau đã nhiều năm, khi hai người đang chuẩn bị tổ chức đám cưới thì chị B nhận được quyết định đi học ở nước ngoài ba năm. Chị B chờ đợi cơ hội học tập này từ rất lâu rồi, chị dự định sẽ dừng việc tổ chức đám cưới để tập trung hoàn thành khoa học, nhưng chị không biết sẽ nói như thể nào với người yêu. Hiểu được tâm ý của chị, anh D động viên chị hãy thực hiện ước mơ của mình, anh sẽ đợi chị trở về.

- Em nhận xét như thế nào về tình cảm cũng như cách ng xử của hai người?

- Theo em, tình yêu giữa anh D và chị B có phải là tình yêu chân chính không? Vì sao?

Tình huống b) Thấy chị H xinh xắn, dễ thương, nhiều người theo đuổi nhưng đều thất bại, K tuyên bố với các bạn rằng mình sẽ chinh phục bằng được H, K tìm mọi cách bày tỏ tình cảm, săn đón, chăm sóc H nhưng đều bị H từ chối. K vẫn kiên trì không bỏ cuộc, cuối cùng H cũng nhận lời yêu K.

- Em nghĩ như thế nào về tình cảm giữa H và K?

- Theo em, đó có phải là tình yêu chân chính không? Vì sao?

Trả lời:

Tình huống a)

- Tình cảm của anh D và chị B rất sâu nặng vì sau nhiều năm yêu nhau, hai người đã dự tính chuẩn bị tổ chức đám cưới. Khi chị B chưa biết phải nói như thế nào về quyết định đi học ở nước ngoài ba năm cho anh D thì anh D đã hiểu tâm trí của chị và đã động viên chị hãy thực hiện ước mơ của mình, anh sẽ đợi chị về. Qua cách ứng xử của anh D và chị B cho thấy trong tình yêu của hai người có sự tôn trọng, hiểu và thông cảm lẫn nhau.

- Tình yêu giữa anh D và chị B là tình yêu chân chính bởi tình yêu của họ có sự tôn trọng, hiểu và thông cảm lẫn nhau, có sự động viên, chia sẻ với nhau mọi điều, có trách nhiệm với nhau. Họ chung thủy với nhau và mong muốn bước đến hôn nhân hạnh phúc.

Tình huống b)

- Tình cảm giữa H và K không xuất phát từ hai phía vì K theo đuổi H chỉ vì thấy H xinh xắn, dễ thương, nhiều người theo đuổi nhưng đều thất bại, K theo đuổi H để chứng tỏ khả năng chinh phục bạn khác giới của mình chứ không hề có tình cảm với H.

- Theo em, đó không phải là tình yêu chân chính vì tình cảm của K và H không xuất phát từ hai phía, không có sự cuốn hút, quyến luyến với nhau.

Câu hỏi trang 9 Chuyên đề KTPL 10Em hãy giúp bạn trong những trường hợp sau:

Tình huống a) G và N cùng học một trường trung học phổ thông, hai bạn chơi thân với nhau từ nhỏ, gần đây G đã thổ lộ tình yêu với N. Bạn N muốn tập trung vào việc học tập nhưng cũng không muốn mất đi người bạn thân là G.

Nếu em là N, em sẽ từng xử như thế nào với G?

Tình huống b) Bạn Y đang học lớp 11, người yêu của Y là sinh viên một trường đại học. Một lần, người yêu Y đòi quan hệ tình dục với lí do trước sau thì hai người cũng là của nhau, nếu Y “không chiều” tức là không yêu thật lòng Y rất băn khoăn khó xử.

- Bạn Y có thể có những cách ứng xử nào trong tình huống này? Em hãy phân tích mặt tích cực và tiêu cực của từng cách ứng xử.

 - Theo em, cách ứng xử nào là phù hợp? Vì sao?

Trả lời:

Tình huống a) Nếu là N em sẽ nói với G rằng: Bây giờ chúng mình vẫn đang ở độ tuổi đi học, nên nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng mình là học tập. Hơn nữa khi yêu ở độ tuổi chưa trưởng thành sẽ dễ có những cảm xúc, những phán đoán, quyết định sai lầm gây sao nhãng chuyện học hành, có nguy cơ đánh mất cơ hội thực hiện hoài bão, ước mơ của mình. Hiện tại chúng mình vẫn sẽ giữ quan hệ là bạn bè nhé, cùng nhau cố gắng học tập. Đợi sau khi chúng mình thi Đại học xong, nếu bạn vẫn còn tình cảm với mình thì chúng mình cùng nhau vun đắp tình cảm có được không?

Tình huống b)

- Những cách ứng xử trong tình huống này:

Cách 1: Đồng ý quan hệ tình dục theo yêu cầu của người yêu.

+ Tích cực: Người yêu của Y sẽ được thỏa mãn yêu cầu, vì vậy cả hai sẽ không xảy ra cãi vã về vấn đề này.

+ Tiêu cực: Quan hệ tình dục khi đang ở độ tuổi chưa trưởng thành sẽ gây nên nhiều hệ lụy như mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tâm lí bị ảnh hưởng.

Cách 2: Từ chối yêu cầu quan hệ tình dục của người yêu.

+ Tích cực: Sẽ không xảy ra chuyện quan hệ tình dục vì vậy sẽ không có hệ lụy gì cho sau này.

+ Tiêu cực: Tình cảm của hai người dễ bị rạn nứt và có thể dẫn đến chia tay.

Cách 3: Từ chối thực hiện yêu cầu của người yêu và nói với người yêu lí do mình chưa muốn quan hệ tình dục. Nói với người yêu rằng nếu thực sự yêu và tin tưởng nhau thì sẽ không lấy chuyện quan hệ tình dục ra làm lí do.

+ Tích cực: Sẽ ngăn chặn được ý muốn ngay lúc đó của người yêu Y và khiến cho người yêu Y hiểu vì sao Y không muốn quan hệ tình dục. Tình cảm của hai người vẫn có thể tiếp tục được khi mà người yêu Y hiểu cho Y.

+ Tiêu cực: Nếu người yêu Y không chịu nghe Y thì tình cảm của hai người vẫn có thể bị rạn nứt.

- Theo em, cách ứng xử số 3 là phù hợp nhất vì khi từ chối thực hiện yêu cầu của người yêu và nói với người yêu lí do mình chưa muốn quan hệ tình dục thì sẽ ngăn chặn được ý muốn ngay lúc đó của người yêu Y và khiến cho người yêu Y hiểu vì sao Y không muốn quan hệ tình dục. Tình cảm của hai người vẫn có thể tiếp tục được khi mà người yêu Y hiểu cho Y. Hơn nữa, qua sự việc này Y có thể suy nghĩ về tình yêu của hai người xem đối phương đã thực sự hiểu, chia sẻ và thông cảm với Y hay chưa và từ đó có thể đưa ra cho mình những lựa chọn phù hợp.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu hỏi trang 9 Chuyên đề KTPL 10Em hãy cùng các bạn thực hiện:

- Lên kế hoạch tổ chức một buổi tọa đàm về chủ đề “Tình yêu” theo gợi ý sau: mục đích tọa đàm; thời gian/thời lượng, địa điểm tổ chức; thành phần tham gia; chương trình, nội dung tọa đàm; trang trí, dẫn chương trình, mời đại biểu,…

- Tổ chức thực hiện tọa đàm theo kế hoạch đã lập.

- Viết báo cáo thu hoạch sau tọa đàm.

Trả lời:

(*) Gợi ý xây dựng kế hoạch tổ chức tọa đàm về chủ đề “Tình yêu”

- Mục đích tọa đàm: Cung cấp tri thức về các quan niệm về tình yêu, những biểu hiện của tình yêu chân chính, một số điều cần tránh trong tình yêu; trang bị cho học sinh kĩ năng xử lí một số tình huống thường gặp trong tình yêu.

- Thời gian/thời lượng: Tiết 4, 5 ngày thứ ….. (ngày …../……/20…), thời lượng khoảng 90 phút.

- Địa điểm tổ chức: Sân trường

- Thành phần tham gia: Các bạn học sinh khối lớp 10, 11, 12

- Thành phần đại biểu: Ban giám hiệu nhà trường, các thầy/cô chủ nhiệm và thầy/cô bộ môn, chuyên gia về tâm lý,…

- Chương trình: Thông qua các phần như sau:

+ Giới thiệu chủ đề và mục đích của buổi tọa đàm

+ Giới thiệu đại biểu và thành phần tham gia

+ Cung cấp các kiến thức về tình yêu

+ Xử lí tình huống - Đóng vai

+ Câu hỏi

+ Kết thúc buổi tọa đàm.

- Trang trí: Banner, bàn ghế đại biểu, bục phát biểu, mic,…

Đánh giá

0

0 đánh giá