Giải Địa Lí 9 Bài 5: Thực hành: Phân tích và so sánh tháp dân số năm 1989 và năm 1999

2.7 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Địa Lí lớp 9 Bài 5: Thực hành: Phân tích và so sánh tháp dân số năm 1989 và năm 1999 chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Thực hành: Phân tích và so sánh tháp dân số năm 1989 và năm 1999 lớp 9.

Giải bài tập Địa Lí Lớp 9 Bài 5: Thực hành: Phân tích và so sánh tháp dân số năm 1989 và năm 1999

Trả lời câu hỏi giữa bài (trang 18 SGK Địa lí 9)

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 18 SGK Địa Lí 9: Quan sát tháp dân số năm 1989 và 1999.

Giải Địa Lí 9 Bài 5: Thực hành: Phân tích và so sánh tháp dân số năm 1989 và năm 1999 (ảnh 1)

Hãy phân tích và so sánh hai tháp dân số về các mặt:

- Hình dạng tháp.

- Cơ cấu dân số theo độ tuổi.

- Tỉ lệ dân số phụ thuộc.

Phương pháp giải:

- Nhận xét sự thay đổi hình dạng tháp (đáy, thân, đỉnh tháp).

- Tỉ lệ dân số phụ thuộc (tính theo tháp dân số) (%) = Tỉ lệ dân số nhóm tuổi từ 0 - 14 + Tỉ lệ dân số nhóm tuổi trên 60.

Trả lời:

* Hình dạng tháp

- Giống nhau: Cả hai tháp dân số đều có đáy rộng, đỉnh nhọn => đặc trưng của cấu trúc dân số trẻ.

- Khác nhau:

+ Đáy tháp dân số năm 1999 thu hẹp (nhóm tuổi 0 – 14 tuổi) => tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm; trong khi đó, đáy tháp dân số 1989 mở rộng => tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên tăng.

+ Thân và đỉnh của tháp dân số năm 1999 mở rộng hơn so với năm 1989 => dân số có xu hướng già hóa.

* Cơ cấu dân số theo độ tuổi

- Giống nhau: Đều có cơ cấu dân số trẻ, tỉ lệ dân số dưới và trong độ tuổi lao động cao, tỉ lệ dân số trên độ tuổi lao động thấp.

- Khác nhau: So với tháp dân số năm 1989, tháp dân số năm 1999 có tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động và trên lao động nhiều hơn, tỉ lệ dân số dưới độ tuổi lao động ít hơn.

+ Nhóm tuổi 0 – 14 tuổi: năm 1989 chiếm 39,0% và 1999 chiếm 33,5%.

+ Nhóm tuổi 14 – 59: năm 1989 chiếm 53,8% và  1999 chiếm 58,4%.

+ Nhóm tuổi trên 59: năm 1989 chiếm 7,2 %, năm 1999 là 8,1%.

* Tỉ lệ dân số phụ thuộc

 - Giống nhau: Cả hai tháp dân số đều có tỉ lệ dân số phụ thuộc lớn (ở tháp dân số năm 1989 là 46,2%, ở tháp dân số năm 1999 là 41,6%).

- Khác nhau: Tỉ lệ dân số phụ thuộc ở tháp dân số 1999 ít hơn ở tháp dân số 1989.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 18 SGK Địa Lí 9: Từ những phân tích và so sánh trên, nêu nhận xét về sự thay đổi của cơ cấu dân số theo độ tuổi ở nước ta. Giải thích nguyên nhân.
Phương pháp giải:
Nhận xét sự thay đổi: tăng/giảm (số liệu).
Trả lời:

* Sự thay đổi của cơ cấu dân số theo độ tuổi ở nước ta:

- Nhóm tuổi 0 - 14: có xu hướng giảm dần tỉ trọng, từ 39% (1989) xuống còn 33,5% (1999).

- Nhóm tuổi 14 – 59:  có xu hướng tăng lên, từ 53,8% (1989) lên 58,4% (1999).

- Nhóm tuổi trên 60 cũng tăng dần tỉ trọng từ 7,2% (1989) lên 8,1% (1999).

- Tỉ lệ dân số phụ thuộc cũng giảm từ 46,2% (1989) xuống 41,6% (1999).

⟹ Cơ cấu dân số nước ta đang có xu hướng già hóa.

* Nguyên nhân:

- Nhóm tuổi từ 0 - 14 giảm do đây là kết quả của chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

- Nhóm tuổi 14 - 59 tuổi tăng do hậu quả của sự bùng nổ dân số ở giai đoạn trước đó.

- Nhóm tuổi trên 60 tăng do y tế phát triển, chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn đã nâng cao tuổi thọ của dân cư.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 18 SGK Địa Lí 9: Cơ cấu dân số theo độ tuổi nước ta có thuận lợi và khó khăn gì cho phát triển kinh tế - xã hội? Chúng ta cần phải có những biện pháp nào để từng bước khắc phục những khó khăn này?
Phương pháp giải:
Kĩ năng phân tích, tổng hợp và liên hệ thực tiễn: liên hệ những tác động về các mặt kinh tế - xã hội - tài nguyên môi trường
Trả lời:

* Thuận lợi:

- Dân số trẻ, mang lại lực lượng lao động đông đảo cho các ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành đòi hỏi nhiều nhân công trẻ, khỏe và có trình độ, khả năng tiếp thu nhanh. 

- Thu hút đầu tư nước ngoài.

- Là thị trường tiêu thụ lớn mạnh trong nước, thúc đẩy sản xuất phát triển.

* Khó khăn:

- Tỉ lệ dân số phụ thuộc vẫn còn cao (41,6%).

- Gây sức ép về vấn đề y tế, giáo dục, nhà ở…cho công dân trong tương lai.

- Vấn đề giải quyết việc làm trở nên gay gắt.

- Ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên.

* Biện pháp để từng bước khắc phục những khó khăn:

- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình.

- Phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi cả nước, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tạo việc làm và thu nhập, cải thiện mức sống dân cư.

- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm.

Đánh giá

0

0 đánh giá