TOP 30 Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn

886

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn Ngữ văn 10 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn

Đề bài: Thảo luận về một vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn, dựa trên những hiểu biết và trải nghiệm riêng của mình (chú ý sử dụng kết hợp phương thức ngôn ngữ và phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ).

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 1

Trước một tác phẩm truyện, mỗi người đọc có thể có những cảm nhận, quan điểm riêng biệt, những đánh giá khác nhau về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó, hoặc những cách lý giải khác nhau về một nhân vật, tình tiết truyện. Đến với bài nói ngày hôm nay tôi xin chia sẻ quan điểm của tôi trước ý kiến: Để hiểu đúng nhân vật Huấn Cao, có nhất thiết phải biết tường tận về Cao Bá Quát - một nhân vật lịch sử được Nguyễn Tuân chọn làm nguyên mẫu không?. 

Trước hết tôi sẽ trình bày lí do vì sao tôi lựa chọn vấn đề này. Thứ nhất, vấn đề mối quan hệ giữa nguyên mẫu và nhân vật trong tác phẩm là một trong nhiều yếu tố cần phải quan tâm khi người đọc tiếp nhận tác phẩm. Liệu có nên đồng nhất nhân vật trong tác phẩm và nguyên mẫu ngoài đời không? Thứ hai, Nguyễn Tuân lựa chọn Cao Bá Quát làm nguyên mẫu xây dựng nhân vật Huấn Cao, vậy sự tương đồng và khác biệt khi hư cấu một nhân vật văn học nằm ở đâu? Liệu có cần phải biết tường tận về một nhân vật lịch sử để lý giải một nhân vật văn học không? Để trả lời các câu hỏi trên, tôi xin phép trình bày một số quan điểm của cá nhân tôi.

Tác phẩm “Chữ người tử tù’ nằm trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940 của Nguyễn Tuân. Xây dựng nhân vật Huấn Cao như một hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương, Nguyễn Tuân đã gửi gắm quan điểm nghệ thuật và nhân sinh sâu sắc qua nhân vật chính này. Huấn Cao hiện lên với tài viết chữ nổi tiếng, với khí phách hiên ngang - là tử tù nhưng rất ung dung, bình thản, thái độ đầy ngạo mạn và khinh bạc trả lời viên quản ngục, luôn bình thản, ung dung chờ đợi cái chết, không chịu khuất phục trước uy quyền; với thiên lương trong sáng, nhân cách cao đẹp - không tham quyền, hám lợi mà bán rẻ giá trị của mình, trọng nghĩa khí. 

Chữ Cao trong tên của nhân vật gợi nhắc đến tên tuổi của một nhân vật có thật trong lịch sử - Cao Bá Quát, người cũng nổi tiếng với tài viết chữ đẹp. Dân gian có câu “thần Siêu thánh Quát” để ca ngợi hai con người có nét chữ xuất thần. Cao Bá Quát sống vào khoảng thế kỷ 19, là một nhà nho, nhà thơ lớn, “văn võ song toàn”; một vị quan thanh liêm, chính trực, bảo vệ quyền lợi cho dân, cũng là lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, từng bị triều đình bắt giam.

Giữa nhân vật trong “Chữ người tử từ” và nhân vật lịch sử có rất nhiều điểm tương đồng: đều là người có tài viết chữ đẹp, văn võ song toàn, có bản lĩnh, khí phách kiên cường, bất khuất, tính cách ngang tàn. Trong mắt triều đình, họ đều là tên giặc nguy hiểm đã nổi dậy khởi nghĩa, nhưng trong mắt nhân dân, họ là những anh hùng đã đứng lên bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Cả hai đều là những người tôn thờ cái đẹp, Cao Bá Quát chỉ cúi đầu trước nét đẹp thanh tao của hoa mai; Huấn Cao say mê thú chơi chữ tao nhã.

Nhưng giữa nhân vật lịch sử và nhân vật văn học vẫn có một khoảng cách xa, và nhà văn đã dùng tưởng tượng của bản thân để lấp đi khoảng cách đó. Trong tác phẩm “Chữ người tử tù”, Huấn Cao (người tử tù) hiện lên như một người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp qua cảnh ông cho chữ quản ngục. Ở một nơi toàn “phân gián, phân chuột”, mạng nhện giăng đầy, nền ẩm ướt... người cho chữ lại là người tử tù “tay đeo gông, chân vướng xiềng” nhưng tư thế cho chữ thì hiên ngang, lồng lộng. Tuy nhiên, nguyên mẫu trong thực tế - Cao Bá Quát, không được lưu truyền câu chuyện cho chữ nào. Mặc dù chữ của Cao Bá Quát rất đẹp, rất quý, nhưng thực tế không có cảnh cho chữ khuôn mẫu nào ở nhân vật này để Nguyễn Tuân tái hiện. Vì thế, cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” là một sáng tạo độc đáo. Nguyễn Tuân xây dựng nhân vật quản ngục - một người kính nể, ngưỡng mộ Huấn Cao, biệt đãi Huấn Cao vì muốn được xin nét chữ quý. Nhưng trong lịch sử, trong suốt thời gian dài bị giam cầm, Cao Bá Quát thường chịu nhục hình tra tấn.

Từ con người đời thực là Cao Bá đến con người trong văn học Huấn Cao là một sự sáng tạo của Nguyễn Tuân, là sự bù đắp của nghệ thuật vào phần thiếu hụt của cuộc sống. Tìm hiểu thêm về Cao Bá Quát để thấu hiểu được một thời “vang bóng”, con người “vang bóng” mà Nguyễn Tuân tôn sùng là thời đại nào. Nhưng nếu rập khuôn nguyên mẫu vào nhân vật văn học, thì rất nhiều điểm chênh sẽ hiển lộ ra. Vì thế, tôi cho rằng khi tìm hiểu về Huấn Cao, có thể tìm hiểu về Cao Bá Quát, nhưng không nên áp đặt toàn bộ những tư liệu đó vào việc lý giải nhân vật.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ của thầy cô về vấn đề mà tôi đang suy ngẫm, đồng thời rất sẵn lòng được cùng thảo luận những vấn đề khác mà thầy cô và các bạn đưa ra. 

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 2

 

Hôm nay, tôi rất vui khi được tham dự buổi thảo luận: “Học tập – trách nhiệm hay nghĩa vụ của người học sinh” . Chủ đề hôm nay tôi muốn bàn luận với các bạn đó là: Hãy từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà. Có lẽ chủ đề này vô cùng gần gũi và thiết thực với các bạn phải không nào?

Henry Brooks Adams từng nói: “Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái”. Quả đúng là như vậy, phương pháp học tập đúng đắn sẽ tạo nên hiệu quả tích cực. Học tập là nhiệm vụ của học sinh. Để duy trì thành tích học tập tốt, bên cạnh việc chăm chú nghe giảng, học tập trên lớp, thời gian tự học thông qua làm bài tập về nhà cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các học sinh có thói quen không làm bài tập ở nhà.

Vậy bạn có biết tại sao học sinh chúng ta ngày càng lười làm bài tập không? Với tôi, tôi cảm thấy bài tập về nhà rất khó và làm tốn rất nhiều thời gian, vì vậy tôi thường trì hoãn việc làm bài của mình. Vậy còn các bạn thì sao? Nhiều học sinh cho rằng học tập là một nhiệm vụ bắt buộc nên luôn thực hiện nó một cách đối phó. Cũng có nhiều học sinh cho rằng thời gian học tập trên lớp là đủ và không muốn phải tiếp tục học khi về nhà. Và cũng có những học sinh cảm thấy áp lực trong học tập, chán ghét và sợ hãi việc học. Đó là những lí do hình thành thói quen không làm bài tập về nhà ở phần lớn học sinh hiện nay. Sau mỗi buổi học trên lớp, giáo viên thường giao cho học sinh một số câu hỏi bài tập để củng cố thêm kiến thức. Tuy nhiên, chỉ cần bước chân ra khỏi lớp học, đôi khi chúng ta sẽ quên ngay mọi lời giáo viên nói. Và khi trở về nhà, chúng ta bị thu hút bởi những cuộc vui, bởi những trò chơi điện tử hay đơn giản là vì lười nên không muốn làm gì cả. Thói quen làm bài tập ở nhà của học sinh hiện nay chủ yếu là đối phó. Chúng ta thường tìm lời giải trên mạng rồi chép lại mang đến lớp nộp để giáo viên kiểm tra mà không hề tự cố gắng làm bài. Hoặc chăm hơn một chút, có những học sinh sẽ tự ngồi làm bài tập về nhà nhưng chỉ làm một cách qua loa, không đầu tư nhiều thời gian và công sức. Cũng có những bạn sẽ không làm ở nhà mà đến lớp, sát giờ học mở vở ra mới nhận ra có bài tập và vội vàng làm hoặc sẽ mượn bài của các bạn trong lớp chép. Và cũng sẽ có những bạn không quan tâm đến việc có bài tập, không làm và đến lớp học với một cái đầu trống rỗng. Có lẽ những biểu hiện trên đều đã từng xuất hiện trong chính chúng ta ít nhất một lần trong đời. 

Không làm bài tập ở nhà là một thói quen xấu. Vậy nếu không thể từ bỏ thói quen ấy, điều gì sẽ xảy ra? Chắc hẳn chúng ta đều biết bất kì thói quen xấu nào cũng hình thành nên những tính cách xấu. Nếu không làm bài tập ở nhà dần trở thành một thói quen, chúng ta sẽ trở thành một con người lười biếng, ì trệ, luôn phụ thuộc vào người khác. Không chỉ trong học tập mà trong bất kì công việc nào của cuộc sống, thói quen trì hoãn sẽ khiến ta không bao giờ hoàn thành được điều mình mong muốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Câu nói ấy đến nay vẫn còn nguyên những giá trị. Học tập và tiếp nhận lí thuyết ở trên lớp thôi chưa đủ, quan trọng chúng ta cần phải biết vận dụng những kiến thức được học vào thực hành làm bài tập và áp dụng trong cuộc sống. Tự mình hoàn thành bài tập ở nhà chính là một cách giúp chúng ta rèn luyện thực hành. Nhờ đó, kiến thức tiếp thu được ở trên lớp sẽ được hiểu sâu và kĩ hơn. Ngược lại, nếu không làm bài tập ở nhà, kiến thức chúng ta tiếp thu sẽ nhanh chóng bị lãng quên, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Việc hằng ngày đến lớp mượn vở bạn bè để chép đôi khi còn gây phiền hà với bạn bè xung quanh, đánh mất niềm tin ở bạn bè. Hơn nữa, nếu tất cả các học sinh đều không cố gắng ôn luyện làm bài tập, giáo viên sẽ không thể có những bài học hiệu quả. Việc thiếu ý thức làm bài tập ở nhà của học sinh không chỉ khiến bố mẹ buồn phiền mà thầy cô, nhà trường cũng vô cùng lo lắng.  

Không làm bài tập ở nhà đang dần trở thành một thói quen xấu có ở mọi học sinh. Vậy chúng ta cần làm gì để loại bỏ thói quen ấy? Chúng ta biết rằng để từ bỏ một thói quen không phải là công việc dễ dàng. Vì vậy, hãy bắt đầu rèn luyện từ những điều nhỏ nhất. Trước hết, bạn hãy thiết kế cho mình một thời gian biểu hợp lý. Đối với bài tập về nhà, bạn đừng để khi hôm sau có tiết thì hôm nay mới làm, hãy hoàn thành nó vào ngay buổi tối mà các bạn học môn đó. Bởi đó là lúc kiến thức của bạn đang được lưu trữ tốt nhất và việc làm bài tập sẽ khiến bạn nhớ bài lâu hơn, học tập hiệu quả hơn. Như vậy, khi đến tiết học sau, bạn có thể chủ động và tự tin đến lớp khi tất cả các bài tập đã được hoàn thành. Bạn hãy tự tạo cho mình một không gian học tập hiệu quả bằng cách tách biệt với các thiết bị di động, những thứ có thể làm mình bị sao nhãng, ảnh hưởng. Trong một buổi tối, bạn có thể dành ra 1-2 tiếng để tự học và đặt thời gian nghỉ giữa giờ khoảng 10-15 phút. Với những bài tập khó, bạn có thể nhắn tin nhờ thầy cô hướng dẫn hoặc trao đổi với bạn bè. Một cách học hiệu quả đó chính là chúng ta học nhóm cùng với bạn bè của mình. Như vậy bạn vừa có thể tiếp thu kiến thức từ bạn bè, vừa có thể tự rèn luyện bản thân, nhận ra được những nhược điểm của mình và tìm cách khắc phục. Thay vì để bố mẹ, thầy cô nhắc nhở làm bài tập, chúng ta nên chủ động và tự giác hoàn thành công việc của mình. Bởi học tập là nghĩa vụ của học sinh, chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, đừng nghĩ việc hoàn thành bài tập ở nhà như một trách nhiệm nặng nề, hãy nghĩ đó là quá trình bạn đang hoàn thiện mình. Kiến thức khi chúng ta tự học và chủ động tiếp nhận là những kiến thức được chúng ta lưu giữ lâu và hiệu quả nhất. 

Có thể các bạn sẽ cho rằng thời gian học ở trên lớp là quá nhiều vậy còn học ở nhà làm gì? Hoặc các bạn sẽ cảm thấy việc học và làm bài tập liên tục như vậy sẽ giống như một con “mọt sách”. Cũng có những bạn cho rằng giáo viên giao quá nhiều bài tập khiến chúng ta cảm thấy áp lực và sợ hãi việc học. Những điều các bạn thắc mắc đều hợp lý với tâm lý của phần lớn học sinh hiện nay. Vậy bạn thử nghĩ mà xem, nếu một ngày giáo viên không giao cho các bạn những bài tập ôn luyện, nếu một ngày bạn đã lãng quên hoàn toàn việc tự học ở nhà và nếu một ngày, kiến thức của tất cả học sinh đều chỉ phụ thuộc vào những giờ phút học ít ỏi trên lớp, điều gì sẽ xảy ra? Kiến thức đến với con người nếu không được ôn tập và rèn luyện sẽ nhanh chóng tan biến. Như vậy, làm sao những học sinh có thể nắm vững tri thức để cống hiến cho cộng đồng? Làm sao nền giáo dục có thể phát triển? Làm sao con người và xã hội mới có thể trở nên văn minh? Việc không làm bài tập ở nhà có thể thấy chỉ là một thói quen rất nhỏ nhưng nếu không tìm cách từ bỏ, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính cách con người cũng như trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng hệ thống giáo dục cần đổi mới phương pháp giao bài tập để học sinh cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Thay vì giao bài tập về nhà, giáo viên có thể giao nhiệm vụ chuẩn bị kiến thức cho buổi học sau. Như vậy, học sinh sẽ có được tâm thế chủ động hơn khi đến lớp. Thay vì giao những bài tập viết, giáo viên có thể giao học sinh những bài tập thực hành, làm việc theo nhóm để học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Như vậy, dù học tập theo hình thức nào, ý thức tự giác, chủ động của học sinh vẫn luôn là yếu tố vô cùng quan trọng. 

Bài nói của tôi xin dừng lại tại đây. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Cuối cùng, tôi muốn gửi đến các bạn lời nhắn nhủ: Hãy rèn luyện cho bản thân sự tự giác, chủ động không chỉ trong học tập mà còn trong mọi mặt đời sống.

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 3

 

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............ học sinh......... lớp......... trường……….

Bàn luận về các vấn đề xã hội đã trở thành một nhu cầu phổ biến, tất yếu của con người hiện đại. Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp rất nhiều những vấn đề mà xung quanh nó có vô vàn hướng suy nghĩ, vô vàn quan điểm. Hôm nay, tôi muốn cùng các bạn thảo luận về một vấn đề cũng gây nhiều phản ứng trái chiều ở phụ huynh và chính trong lứa tuổi học sinh như chúng ta: Tình yêu tuổi học trò, nên hay không nên?

Trước hết, tôi muốn giới thiệu một cách hiểu về tình yêu tuổi học trò. Hiểu đơn giản theo đúng mặt chữ, tình yêu tuổi học trò là những tình cảm gắn bó thân thiết, rung động giữa hai học sinh. Đối với tôi, tình yêu tuổi học trò là khi giữa hai người có một rung động vượt lên trên sự quan hệ bạn bè. Hai người bạn thân thiết hơn mức bạn bè bình thường, học cùng lớp thì thường xuyên nhìn về phía nhau, nói chuyện với nhau, có thể nắm tay nhau trong lớp, tan trường cùng về chung đường, lai nhau trên xe, học khác trường thì chỉ mong tan học để đến cổng trường gặp nhau… 

Tình yêu là một phần của cuộc sống. Tình yêu giúp cho sự sống được nối dài, giúp con người gắn kết với nhau và làm cho cuộc đời trở nên hạnh phúc hơn. Nhưng tình yêu giữa những đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường lại phải đối diện với rất nhiều những ý kiến trái chiều: Nên hay không nên yêu sớm, yêu khi còn đang đi học?

Theo quan điểm của tôi, tất cả mọi sự việc trên đời đều có hai mặt, đồng thời có mặt tốt và mặt xấu, mặt lợi và mặt hại. Có chăng, trong từng trường hợp khác nhau, gắn với từng đối tượng khác nhau, kết quả đưa ra sẽ khác nhau. 

Tình yêu tuổi học trò xuất phát khi những người trong cuộc còn là những người rất trẻ, xét theo tâm sinh lý lứa tuổi thì tình cảm này biểu thị sự phát triển bình thường về mặt cảm xúc mà không ai có thể điều khiển được. Hơn nữa, những cô cậu học sinh vẫn được sống trong tháp ngà của trường học, tình cảm giữa họ vẫn trong sáng, hồn nhiên, chưa hề bị những yếu tố khác như vật chất, danh lợi, quyền lực, thậm chí điều kiện gia đình, “môn đăng hộ đối” chi phối. Vì thế, tình cảm đó còn đơn giản, không mang nặng những tính toán, không phức tạp và cần phải đắn đo nhiều như tình yêu của những người trưởng thành. Với nhiều người, mối tình khi còn ngồi trên ghế nhà trường thường là mối tình đầu, lưu giữ rất nhiều kỷ niệm trong trẻo và đáng nhớ. Đồng thời, với nhiều bạn, tình yêu trở thành một động lực to lớn để các bạn nỗ lực trong học tập, hoặc để được sóng vai cùng “người thường”, hoặc để cùng nhau thi vào một môi trường tốt hơn.

Tuy nhiên, không phải vô lý khi người lớn lo lắng cho các con nếu các con khoác trên vai áo trắng đồng phục, trở về nhà và khoe rằng “bố ơi, mẹ ơi, hôm nay con và bạn ấy tỏ tình rồi”. Với những học sinh đã bước vào ngôi trường trung học phổ thông, các phụ huynh có điều kiện để tin rằng các con đã có được nhận thức nhất định về cuộc đời, biết suy nghĩ trước khi hành động. Nhưng với nhiều bạn, tình yêu khi còn học trung học cơ sở, thậm chí học tiểu học dễ khiến người lớn lo lắng. Bởi nếu còn quá nhỏ, tình yêu - một trải nghiệm mới mẻ về mặt tình cảm, cảm xúc dễ khiến chúng ta quên đi nhiệm vụ học hành vốn nhiều gian khổ. Hơn thế nữa, khi xã hội ngày càng cởi mở, nhiều luồng văn hóa của người ngoài tự do du nhập vào Việt Nam, tình trạng các bạn trẻ yêu sớm, sinh hoạt tình dục không an toàn, gây ra hậu quả đáng tiếc đã không còn quá xa lạ trên các phương tiện truyền thông. 

Nói tóm lại, đối với tình yêu tuổi học trò, tôi quan niệm rằng đây không phải một hiện tượng quá xấu, đáng phải lên án, chỉ trích. Thiết nghĩ trong cuộc sống bất cứ một việc gì cũng có hai mặt của nó. Chúng ta chẳng nên vội phán xét rằng nên hay không nên, mà cần xem xét từng hoàn cảnh. Tình yêu tuổi học trò đem lại những điều tiêu cực hay tích cực, phụ thuộc rất nhiều vào những người trong cuộc. Bản thân chúng ta đang ở lứa tuổi học sinh, cũng cần tự vạch rõ giới hạn cho bản thân, suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động, để dù trải nghiệm một thứ quả ngọt như tình yêu cũng sẽ không phải nếm hạt đắng về sau.

Trên đây là những suy nghĩ của cá nhân tôi đối với hiện tượng tình yêu tuổi học trò. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe thêm chia sẻ của thầy cô và các bạn xung quanh vấn đề này. 

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 4

 

Trong tác phẩm “Bầy chim chìa vôi” của Nguyễn Quang Thiều, tôi cảm thấy rất ấn tượng với nhân vật Mon. Qua nhân vật này, nhà văn đã gửi gắm một vấn đề rất quan trọng trong cuộc sống – tình yêu thương loài vật.

Nội dung chính của truyện kể về cuộc chuyện của hai anh em Mon và Mên. Khoảng hai giờ sáng, Mon tỉnh dậy. Cậu đánh thức anh trai là Mên dậy, rồi hỏi về bầy chim chìa vôi ở bờ sông. Cơn mưa lớn làm nước sông dâng cao gây nguy hiểm cho bầy chim. Sau một hồi thảo luận, cả hai quyết định sẽ ra bờ sông để đưa những chú chim vào bờ. Khi Mon và Mên chứng kiến cảnh tượng đó, cả hai khóc đã lúc nào mà không biết.

Nhân vật Mon là một cậu bé nhân hậu. Nhà văn đã xây dựng nhân vật này để gửi gắm đến người đọc một bài học giá trị. Vì lo cho đàn chim chìa vôi, Mon tỉnh dậy lúc hai giờ sáng, rồi đánh thức anh trai là Mên đang nằm bên cạnh dậy. Cậu liên tiếp hỏi Mên những câu hỏi như: “Anh bảo mưa to không?”, “Nước sông lên có to không?”, “Bãi cát giữa sông đã ngập chưa, bầy chim còn ở đấy không?”. Liên tục những câu hỏi lặp lại cho thấy sự lo lắng của Mon. Cuối cùng, cậu nói với anh trai: “Em sợ những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”. Dường như vì quá lo lắng, Mon còn hỏi Mên rằng tại sao những chú chim chìa vôi lại làm tổ trên bãi cát giữa sông. Tại sao chúng không lựa một nơi an toàn, cao và khô ráo hơn, để chúng an toàn trong đêm mưa bão. Thế rồi cậu đã đưa ra đề xuất với anh trai: “Hay mình mang chúng nó vào bờ?” và rồi cậu quả quyết: “Mình phải đem chúng nó vào bờ, anh ạ”. Thế rồi, Mon và Mên cùng nhau ra ngoài bờ sông để Khi nhìn thấy bầy chim đã an toàn, Mon đã khóc khi nhìn thấy bầy chim chìa vôi có thể cất cánh bay lên, đó là giọt nước mắt của hạnh phúc và niềm vui. Mon hiện lên là một cậu bé nhân hậu, giàu tình yêu thương động vật.

Con người và động vật có một mối liên hệ vô cùng gắn bó, cùng tồn tại và phát triển dưới một mái nhà chung – Trái Đất. Bởi vậy, việc bảo vệ, chăm sóc và yêu thương những loài động vật là một điều cần thiết. Đặc biệt, khi tình trạng săn bắt và mua bán động vật trái phép đang diễn ra ngày càng phổ biến. Nhiều loại động vật đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Thì vấn đề trên lại càng quan trọng hơn.

Đọc tác phẩm “Bầy chim chìa vôi”, chắc hẳn mỗi người đọc đều cảm thấy yêu mến Mon cũng như hiểu được bài học giá trị mà Nguyễn Quang Thiều đã gửi gắm qua nhân vật này.

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 5

 

Đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên, em đã rất ấn tượng với hình ảnh nhân vật Dế Mèn – một chàng dế thanh niên cường tráng, mạnh mẽ. Hình ảnh cậu ta vui vẻ và tự tin về bản thân mình khiến em rất thích và ngưỡng mộ. Bởi Dế Mèn rất siêng năng luyện tập nên mới có cơ thể khỏe mạnh như vậy. Nhưng sau khi thấy những gì cậu ta gây ra cho Dế Choắt, em lại có phần ghét cậu ta lắm. Chỉ vì một phút nông nổi bày trò nghịch dại trêu chọc chị Cốc, mà Dế Mèn đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt. Cũng từ đó, cậu ấy mới nhận ra được sai lầm của mình và quyết tâm sửa chữa. Qua câu chuyện ấy, trong em dấy lên những suy nghĩ về hiện tượng một số bạn trẻ hiện nay có cách hành xử nóng nảy và bồng bột, không suy nghĩ cẩn thận để dẫn đến hậu quả đau lòng.

Đó là những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường với sự tò mò, thích thú với thế giới của người trưởng thành ngoài kia. Các bạn ấy đôi khi chỉ vì sự hiếu kì mà đã xem, đã làm, đã thử những điều cấm kị và không nên. Hay những bạn học sinh vì tính kiêu căng, nóng nảy, muốn khẳng định bản thân mình mà đã có hành vi bắt nạt bạn học, gian lận trong thi cử, trốn học… Những hành động ấy là sai trái nhưng các bạn ấy vì một phút bồng bột nên đã thực hiện, gây nên những hậu quả ảnh hưởng đến bản thân về sau. Nhẹ thì bị bạn bè xa lánh, nặng thì bị phạt kỉ luật, bị ghi vào học bạ. Nặng hơn nữa, có bạn đã bị đình chỉ, thôi học, thậm chí là bị tạm giam, đưa đến trại cải tạo. Những tình huống ấy vô cùng đáng tiếc và đáng thương. Bởi những hành động xốc nổi ấy đã khiến cả tương lai phía trước của các bạn có một vết đen khó mà xóa bỏ.

Từ đó, chúng ta cần quan tâm hơn và có các biện pháp cụ thể giúp hạn chế tình trạng các bạn trẻ có hành động nóng nảy, bồng bột thiếu suy nghĩ. Trước hết và cũng là quan trọng nhất chính là sự giáo dục của nhà trường và gia đình. Sau đó, nên tăng cường tuyên truyền về các bài học đạo đức cho thanh thiếu niên như qua các ca khúc, bộ phim, truyện tranh… Đồng thời có hình thức xử phạt, răn đe để các bạn ấy biết điều gì là không nên thử và không nên làm. Để tránh các bạn bắt chước, dẫm vào vết xe đổ của một số bạn khác.

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 6

 

Ở những tiết học trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về nhân vật trong tác phẩm văn học khá phong phú, đa dạng: con người, loài vật, đồ vật, cây cối, . .. Các nhân vật đều được nhà văn sáng tạo ra nhằm gửi gắm tình cảm và suy nghĩ về cuộc sống, từ đó ảnh hưởng lên tình cảm và nhận thức của người đọc. Chắc hẳn nhiều bạn còn chưa quên nhân vật người cha trong tác phẩm " Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ ". Đó là một nhân vật tích cực và có sức lan toả cao vì thông qua nhân vật này người học sẽ hiểu về phương pháp sư phạm hơn. Vậy phương pháp sư phạm là gì kính mời cô cùng các bạn quan tâm.

Trước hết, chúng ta cần xác định phương pháp sư phạm là cách thức, đường lối có tính hệ thống trong việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức một cách tốt nhất và người học tiếp thu được hiệu quả cao. Người cha trong tác phẩm " Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ " đã dạy con mình về phương pháp thực hành. Để giúp những người khác nhận biết được loài hoa, chúng ta cần cung cấp thông tin, tri thức về loài hoa đó, có thể tìm hiểu trên mạng, qua sách báo. .. Người cha dạy cho con mình yêu các loài hoa bằng cách là bắt con mở mắt, sờ vào từng bộ phận của cây và cảm nhận. Ban đầu còn sai và lẫn lộn, dần dần người con cũng nhận biết rõ hơn những loài hoa trong vườn. Khi đã thuần thục, người cha tăng mức độ khó hơn là cho con nhìn và ngửi hương những loài hoa cần nhận diện. Hai cha con cùng nhau tập luyện cho đến khi người con làm được mới thôi.

Mỗi phương pháp học tập cũng sẽ đem đến cho con người một hiệu quả nhất định. Phương pháp học tập bằng thực hành được rút ra từ câu chuyện trên đem đến nhiều lợi ích. Việc học tập kết hợp với thực hành sẽ giúp con người hiểu rõ hơn và ghi nhớ tốt hơn những vấn đề được hỏi. Bản thân chủ thể lĩnh hội kiến thức trực tiếp học sẽ nhớ kỹ và sâu hơn so với việc chỉ đọc lí thuyết suông trong sách vở. Việc trải nghiệm, vận dụng các kiến thức sách vở vào cuộc sống giúp con người rút ra nhiều bài học thực tiễn để hoàn thiện công việc của bản thân nhằm rút ngắn khoảng cách đến thành công.

Người cha đóng vai trò là người thầy, người định hướng con đường tiếp nhận tri thức cho người con. Người con dựa trên sự chỉ dẫn ấy và kiên trì luyện tập sẽ thu được kết quả như mong muốn. Cách dạy con của người cha cũng đúng với phương pháp giáo dục hiện đại là hướng vào phát triển năng lực của học sinh và lấy học sinh làm trung tâm.

Trong thực tế, phương pháp dạy và học cũng đã được quan tâm và coi trọng, người ta thấy thích thú với phương pháp này vì được trải nghiệm, được tiếp cận thực tế chứ không phải lí thuyết khô khan. Tuy nhiên phương pháp vẫn còn tồn tại là mất nhiều thời gian và mọi người học không thể thực hành cùng lúc đối với các lí thuyết đòi hỏi kĩ thuật.

Trên đây là bài viết của em về một vấn đề cuộc sống được đặt ra từ nhân vật văn học, đó là phương pháp giáo dục thực hành được đưa ra từ nhân vật người cha trong truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chia sẻ. Tôi thật vinh hạnh nếu được lắng nghe chia sẻ của thầy cô và các bạn vấn đề xã hội mà nhiều người qua

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 7

 

Truyện ngắn Bầy chim chìa vôi đã thành công tạo dựng hình tượng hai nhân vật Mên và Mon là hai đứa trẻ với tình yêu thương loài vật, tình yêu thiên nhiên bao la. Đó cũng là một vấn đề rất nhiều người quan tâm trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Trong câu chuyện, Mên và Mon mặc dù chỉ là hai đứa nhóc nhỏ tuổi, nhưng hai em đã có hành động chứa đựng tình yêu thương hết sức sâu sắc. Bất chấp nguy hiểm của mưa gió trong đêm, thậm chí cả nguy cơ bị bố đánh – điều mà đứa trẻ nào cũng lo lắng. Cả hai anh em đã tự mình chèo đò ra bờ sông để tìm cách cứu các chú chim chìa vôi non. Hành động ấy thể hiện một tinh thần cao thượng, giàu tình người của hai anh em.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi đô thị đang phát triển bùng nổ, thì thiên nhiên phải đối đầu với các mối nguy hiểm khôn lường. Không phải là do thiên tai, mà chủ yếu là bởi bàn tay của con người đang dần khiến cho môi trường sống của những loài động vật bị huỷ diệt. Tựa như những chú chìa vôi non trong câu chuyện phải đối đầu với ranh giới giữa sự sống đến cái chết. Vì vậy, chúng ta cần phải hành động, ngay lập tức cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ những loài động vật quý hiếm. Tựa như Mên và Mon, dám nghĩ dám làm, chúng ta cũng cần phải hành động ngay như vậy. Có như thế, thiên nhiên mới có thể giữ lại sự đa dạng sinh học và màu xanh của chính chúng ta.

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 8

 

Qua hai nhân vật An và Cò trong tác phẩm " Đi lấy mật " của tác giả Đoàn Giỏi chúng ta có thể cảm nhận được tình thiên nhiên thiết tha và sâu sắc. Tình yêu thiên nhiên của An và Cò được thể hiện rõ nét trong chuyến vào rừng " ăn ong " với tía nuôi, qua cách quan sát vẻ đẹp thiên nhiên của An và sự hiểu biết về thiên nhiên của Cò.

Vậy tình yêu thiên nhiên là như thế nào? Tình yêu thiên nhiên là cảm xúc yêu mến, quý trọng môi trường và hệ sinh thái xung quanh mình. Thiên nhiên là cội nguồn của sự sống. Môi trường thiên nhiên bao gồm tất cả các sự vật của cuộc sống như: nước, không khí, cỏ cây, . .. Vẻ đẹp thiên nhiên đi vào nghệ thuật thi ca, hội hoạ, âm nhạc an ủi và bồi đắp cảm xúc cho con người. Thế nhưng hiện nay, thiên nhiên ấy đang bị huỷ hoại trầm trọng khi cây rừng lâu năm bị chặt hạ để lấy gỗ, các dòng sông, cánh đồng bị san lấp thay vào đó là những khu chung cư, không khí bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiệu ứng nhà kính, khói bụi từ giao thông, khí thải từ những nhà máy, xí nghiệp, . ..

Nguyên nhân dẫn đến các hiện trạng trên phần lớn là do ý thức của con người. Để cải thiện tình trạng trên, mỗi một người trong chúng ta cần có nhận thức đúng đắn và hành động thiết thực. Mỗi một hành động nhỏ bé của chúng ta từ: bỏ rác đúng nơi quy định, không dùng túi nilon và rác thải nhựa, đốt rác, . .. đến các hành động to lớn như trồng cây tạo rừng, lắp đặt hệ thống lọc nước thải, . .. cũng là biểu hiện của tình yêu thiên nhiên cao cả. Bảo vệ thiên nhiên không chỉ là cách bày tỏ tình yêu thiên nhiên sâu sắc mà còn mang lại ý nghĩa to lớn. Thiên nhiên càng tươi đẹp thì chất lượng cuộc sống của con người sẽ được cải thiện hơn nữa. Hãy chung tay bảo vệ thiên nhiên cho một cuộc sống xanh – sạch – đẹp.

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 9

 

Trong tác phẩm " Bầy cò " của Nguyễn Quang Thiều, tôi cảm thấy rất ấn tượng với nhân vật Mon. Thông qua nhân vật Mon, nhà văn gửi gắm một vấn đề rất lớn của cuộc sống là tình yêu thương động vật.

Nội dung chủ yếu của truyện kể về hai anh em Mon và Mel. Khoảng hai giờ sáng, Mon thức dậy thì. Anh đánh thức anh trai cô, Mel, và nói về những con chim ác là trên bờ sông. Mưa to khiến nước sông dâng cao, gây nguy hiểm đến nhiều loài chim. Sau một hồi thảo luận, cả hai quyết định đến bờ sông để đưa đàn chim vào bờ. Lúc Mon và Men chứng kiến cảnh tượng ấy, cả hai đã khóc nhưng ko hiểu.

Nhân vật Mon là một cậu nhỏ tốt bụng. Nhà văn đã xây dựng nhân vật Mon nhằm đem lại cho người xem một bài học quý giá. Vì lo sợ cho bọn chim dữ nên Mon đã thức dậy lúc 2 giờ sáng và thấy anh trai Mel đang bên cạnh. Anh ta hỏi Mến nhiều câu như: " Mày thấy mưa lớn không? ", " Nước sông có cạn ko? ", " Cát giữa sông có ướt ko, chim có chết ko? ". Những câu nói cứ lặp đi lặp lại cho thấy nỗi sợ hãi của Mon. Cuối cùng, anh ta nói với anh trai mình, " Tôi sợ những con sóc này sẽ chết đuối. " Dường như do quá lo lắng mà Mon đã hỏi Mel vì sao lại có nhiều chú chim sóc làm tổ trên bãi cát giữa sông. Vì sao họ ko chọn một nơi an toàn, sạch sẽ và khô ráo hơn để có thể sống sót qua đêm mưa bão. Sau đó, anh đấy đưa ra một yêu cầu với anh trai mình: " Chúng ta có cần đem chúng lên bờ ko? " và cuối cùng anh nói: " Chúng ta sẽ đưa họ vào bờ, anh bạn ". Sau đó, Môn và Mèn cùng nhau ra bờ sông để lúc này đàn chim đã an toàn, Môn đã khóc lúc nhìn bầy chim từ từ cất cánh bay lên, đó là giọt nước mắt của sự hạnh phúc và vui sướng. Mon hiện lên là một cậu nhỏ tốt bụng và giàu tình yêu động vật.

Con người và động vật có mối quan hệ rất gần gũi, cùng sống và phát triển dưới một mái nhà chung – Trái đất. Vì vậy, việc bảo vệ, nuôi dưỡng và chăm sóc động vật là một điều cần thiết. Đặc trưng là lúc tình trạng săn bắn và buôn bán động vật bất hợp pháp xảy ra ngày càng phổ biến. Nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Vấn đề trên càng quan trọng.

Đọc tác phẩm " Bầy cò ", chắc chắn độc giả nào cũng sẽ cảm thấy yêu quý Mon cũng như hiểu những bài học quý giá nhưng Nguyễn Quang Thiều đã gửi gắm cho nhân vật này.

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 10

 

Maxim Gorki từng viết: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Thật vậy, đọc sách là một việc làm không hề phức tạp mà lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Ai cũng biết sách chứa rất nhiều kiến thức trong cuộc sống, giúp chúng ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú. Thế nhưng trong môi trường lớp học ngay nay, văn hóa đọc sách không còn phổ biến mà thay vì đọc sách thì học sinh thường dành thời gian để lên mạng, chơi game,… Vậy chúng ta cần xây dựng văn hóa đọc trong lớp học như nào cho hợp lí?

Chúng ta đều biết, trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng. Sách được coi là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa của con người thông qua việc đọc, sách, báo, tài liệu để tiếp cận được với thông tin và nguồn tri thức một cách khoa hoc. Văn hóa đọc góp phần to lớn vào việc bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong đời sống, giúp hình thành và hoàn thiện nhân cách của con người.

Đọc sách có thể ươm mầm trong chúng ta những ý nghĩa cao thượng, những ý tưởng để làm việc trong nhiều lĩnh vực và hiểu biết sâu rộng, làm phong phú hơn trí tưởng tượng của bản thân. Rèn luyện thói quen đọc sách không chỉ mang lại cho ta những lợi ích vô cùng to lớn; mà nó còn là một thói quen tốt giúp cho bộ não của chúng ta được khỏe mạnh và linh hoạt hơn. Đọc sách cũng đem lại sự thư giãn, là nguồn gốc tuyệt vời của sự hưởng thụ, mọi nguồn cảm hứng, chỉ cho chúng ta mọi con đường đi với những kiến thức tuyệt vời, nó cũng giúp ta trở thành một người thành công trong cuộc sống này. Văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn.

Thế nhưng hiện nay, văn hóa đọc sách đang phải đứng trước nguy cơ bị lãng quên; mọi người trở nên thờ ơ, lãnh cảm với đọc sách, nhất là giới trẻ. Có những bạn trẻ cho rằng đọc sách giấy là lạc hậu và đó là một sai lầm khi đa số các bạn trẻ cho rằng bây giờ là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Mỗi chúng ta đều có thể tiếp cận một khối lượng tri thức khổng lồ chỉ cần thông qua một thiết bị nghe nhìn đơn giản như chiếc điện thoại smartphone, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách truyền thống vốn có chính bởi sự lấn át của quá nhiều phương tiện truyền thông nghe nhìn hấp dẫn. Cũng bởi ít đọc, ít cập nhật thông tin qua sách báo, nên vốn văn chương của lớp trẻ bây giờ được đánh giá là hơi “cạn”. Những năm gần đây, sau mỗi đợt chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học lại rộ lên nhiều câu chuyện về những bài thi với câu văn ngô nghê, những cột mốc lịch sử bị sai lệch... đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay. Vậy sẽ có tương lai văn hóa đọc sách có còn tồn tại hay không?

Bạn thấy đấy, sách là kho tri thức không chối từ ai, chỉ cần ta hiểu được giá trị của kho tri thức ấy để rồi tự xây dựng cho mình thói quen đọc sách hàng ngày. Có thể nói, sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người. Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới. Sách là nguồn tri thức quý giá mà nhân loại đã trao tặng cho bạn. Nếu như bạn là người không có thói quen đọc sách hằng ngày thì có lẽ bạn đã bỏ qua nhiều lợi ích của việc đọc sách. Nhờ đọc sách, tôi tin chắc chắn chúng ta sẽ ngày một ưu tú hơn. Tùy theo nhu cầu công việc của mỗi người, chúng ta hãy lựa chọn cách đọc và khai thác thông tin phù hợp, không vì quá lệ thuộc công nghệ thông tin mà xa rời văn hóa đọc truyền thống.

Thảo luận về vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn - mẫu 11

Trong kho tàng truyện ngắn của văn học Việt Nam, rất nhiều tác phẩm nổi danh không chỉ nhờ cốt truyện, nội dung hấp dẫn người đọc mà tuyến nhân vật trong truyện cũng có khả năng thu hút người đọc đi sâu vào tìm hiểu chuyện. Mỗi truyện ngắn đều có một hệ thống nhân vật với vai trò khác nhau nhưng nếu chỉ nhìn cách tác giả miêu tả họ thì người đọc chưa thể đánh giá được chính xác tính cách sâu bên trong con người họ. Điển hình là nhân vật người quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Liệu nhân vật quản ngục trong Chữ người tử tù có thật sự là một người uy quyền, tự do như chúng ta nhìn thấy qua lời văn của Nguyễn Tuân hay không?

     Tác giả Nguyễn Tuân viết truyện Chữ người tử tù năm 1939 và tác phẩm xứng đáng là một tờ hoa, trang hoa đích thực của ông. Nói lên sự thành công của tác phẩm chính là do Nguyễn Tuân xây dựng nhân vật hết sức độc đáo cùng với tình huống truyện hấp dẫn, có một không hai. Nói về nhân vật thì ngoài nhân vật Huấn Cao – tử tù thì còn có nhân vật quản ngục – thanh âm trong trẻo nhưng lạc vào một bản nhạc mà âm điệu xô bồ.

     Đầu tiên độc giả nhận thấy được ngục quan có một ngoại hình ưa nhìn dễ nhìn. Đó là đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu, thế rồi với vẻ mặt tư lự, nhăn nheo, có một đời sống nội tâm sâu sắc và lại còn cả nghĩ. Viên quản ngục sau khi nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường về  việc nhận 6 tử tù mà trong đó có Huấn Cao – người nổi tiếng với tài viết chữ đẹp. Thế rồi độc giả cũng càng không quên được hình ảnh ngục quan như cứ đăm chiêu và nghĩ ngợi. Thông qua việc miêu tả chi tiết những biến đổi tinh vi của nhân vật thì Nguyễn Tuân cũng đã giúp cho chúng ta nhận thấy được ngục quan thực sự là một người từng trải, ông lại có một tính cách vô cùng nhẹ nhàng chứ không tàn ác giống như những tên cầm quyền khác trong chốn đề lao.

     Thực sự nhân vật quản ngục không phải là một hung thần với đôi bàn tay vấy máu mà ông được biết đến là một nhà nho, đọc nhiều sách thánh hiền và lại có những đức tính tốt. Việc làm quản ngục có thể thét ra lửa và thêm nữa là bộ hạ tay chân là bọn côn đồ, tàn nhẫn,… toàn những điều xấu, thế nhưng quản ngục lại khác lạ. Với quản ngục nét tính cách không thay đổi, vẫn luôn luôn dịu dàng. Thông qua đây ta nhận thấy được tấm lòng thì nhân hậu bao dung của quản ngục cũng đã biết giá người, biết trọng người ngay nữa. Điều đó được thể hiện đó chính là lúc nhận tù, ngục quan lúc này đây cũng thật đáng trọng biết bao nhiêu. Nhất là khi đứng trước thái độ như nhâng nháo, hách dịch, tàn nhẫn của bọn lính ngục, ông ta chỉ nhẹ nhàng mà nghiêm trang nói một câu đó là: “Việc quan, ta có phép nước. Các chú chớ nhiều lời”.

     Có thể nói được văn chương lãng mạn thời tiền chiến thường sử dụng thủ pháp tương phản đối lập. Dùng thủ pháp này có thể làm nổi bật nghịch lí của hoàn cảnh, nổi bật được những bi kịch của số phận. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng vậy, thông qua cảnh nhận tù, thì ta nhận thấy được nó cũng đã tương phản giữa ngục quan và lũ lính ngục, đối lập chính cái thuần khiết đối với đống cặn bã, giữa người có tâm điền tốt đẹp với lũ quay quắt và tàn độc. Thông qua đó làm nổi bật nhân cách tốt đẹp của quản ngục mà như Huấn Cao nhận xét có một thanh âm trong trẻo chen vào chính giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.

     Người đọc có thể nhận thấy được hình ảnh quản ngục được xem chính là một trong những thành công của Nguyễn Tuân ở trong nghệ thuật miêu tả và xây dựng nhân vật ở phương diện đó là sự tài hoa độc đáo của nghệ sĩ bậc thầy. Ngục quan luôn yêu cái đẹp với tấm lòng biệt nhỡn liên tài, thêm vào đó là tâm hồn tính cách của ngục quan – nhân vật góp phần làm lên sức hấp dẫn của truyện Chữ người tử tù.

Đánh giá

0

0 đánh giá