Giải Sinh Học 8 Bài 20: Hô hấp và các cơ quan hô hấp

1.9 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Sinh Học lớp 8 Bài 20: Hô hấp và các cơ quan hô hấp chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Hô hấp và các cơ quan hô hấp lớp 8.

Giải bài tập Sinh Học lớp 8 Bài 20: Hô hấp và các cơ quan hô hấp

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận trang 65 SGK Sinh học 8: - Hô hấp có liên quan như thế nào với các hoạt động sống của tế bào và cơ thể?

- Hô hấp gồm những giai đoạn chủ yếu nào (hình 20 - 1)

- Sự thở có ý nghĩa gì với hô hấp?

Trả lời:

- Hô hấp gắn liền với các hoạt động sống của tế bào và cơ thể: Hô hấp cung cấp oxi cho tế bào của cơ thể và loại CO2 do các tế bào thải ra khỏi cơ thể.

- Hô hấp gồm các giai đoạn chủ yếu:

+ Sự thở: còn được gọi là sự thông khí ở phổi gồm các động tác hô hấp của cơ quan trao đổi khí.

+ Trao đổi khí ở phổi: theo cơ chế khuếch tán (các khí được khuếch tán từ nơi có nồng độ cao tới nơi có nồng độ thấp)

+ Trao đổi khí ở tế bào: diễn ra theo cơ chế khuếch tán (thuận chiều građien nồng độ) từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp.

- Ý nghĩa của Sự thở: giúp không khí đi vào trong phổi và đưa khí thải ra ngoài, cung cấp khí cho sự hô hấp ngoài và hô hấp trong.

Trả lời câu hỏi thảo luận trang 66 SGK Sinh học 8: - Những đặc điểm cấu tạo nào của các cơ quan trong đường dẫn khí có tác dụng làm ẩm, làm ấm không khí đi vào phổi và đặc điểm nào tham gia bảo vệ phổi tránh khỏi các tác nhân có hại?

- Đặc điểm cấu tạo nào của phổi làm tăng diện tích bề mặt trao đổi khí?

- Nêu nhận xét về chức năng của đường dẫn khí và của 2 lá phổi.

Trả lời:

* Những đặc điểm cấu tạo của các cơ quan trong đường dẫn khí có tác dụng làm ẩm, làm ấm không khí đi vào phổi và đặc điểm tham gia bảo vệ phổi tránh khỏi các tác nhân có hại

- Làm ẩm không khí là do lớp niêm mạc tiết chất nhày lót bên trong đường dẫn khí:

- Làm ấm không khí do lớp mao mạch dày đặc, căng máu và ấm nóng dưới lớp niêm mạc, đặc biệt ở mũi, phế quản.

- Tham gia bảo vệ phổi:

+ Lông mũi giữ lại các hạt bụi lớn, chất nhày do niêm mạc tiết ra giữ lại các hạt bụi nhỏ, lớp lông rung quét chúng ra khỏi khí quản.

+ Nắp thanh quản (sụn thanh thiệt) đậy kín đường hô hấp cho thức ăn khỏi lọt vào khi nuốt.

+ Các tế bào limphô ở các hạch amiđan, V.A tiết ra các kháng thể để vô hiệu hoá các tác nhân gây nhiễm.

* Đặc điểm cấu tạo của phổi giúp tăng bề mặt trao đổi khí:

- Bao bọc phổi có 2 lớp màng là lá thành dính chặt vào thành ngực và lá tạng dính chặt vào phổi, giữa chúng là lớp dịch rất mỏng làm cho áp suất trong đó là âm hoặc không (0), làm cho phổi nở rộng và xốp.

- Có tới 700 - 800 triệu phế nang (túi phổi) cấu tạo nên phổi làm cho diện tích bề mặt trao đổi khí lên tới 70 - 80m2.

* Chức năng

- Chức năng của đường dẫn khí là dẫn không khí vào và ra khỏi phổi; làm sạch, làm ấm và làm ẩm không khí vào phổi; bảo vệ phổi khỏi các tác nhân có hại. Chức năng này được thực hiện tốt nhờ đường dẫn khí có cấu tạo với những đặc điểm phù hợp sau:

+ Toàn bộ đường dẫn khí đều được lót nhẹ bởi niêm mạc và phần lớn có khả năng tiết chất nhày (làm ẩm và làm sạch không khí nhờ kết dính các hạt bụi nhỏ), có nhiều mao mạch (làm ấm không khí).

+ Phần ngoài khoang mũi có nhiều lông, có tác dụng cản các hạt bụi lớn (làm sạch không khí và bảo vệ phổi).

+ Lớp niêm mạc khí quản có các lông rung chuyển động liên tục để quét các bụi bặm dính vào ra phía ngoài.

- Chức năng của phổi: trao đổi khí giữa môi trường ngoài với máu trong mao mạch phổi.

Câu hỏi và bài tập (trang 67 SGK Sinh học 8)

Bài 1 trang 67 SGK Sinh học 8: Hô hấp có vai trò quan trọng như thế nào với cơ thể sống?

Trả lời:

Hô hấp cung cấp O2 cho tế bào để tham vào các phản ứng tạo ATP cung cấp cho mọi hoạt động sống của tế bào và cơ thể, đồng thời loại CO2 ra khỏi cơ thể

Bài 2 trang 67 SGK Sinh học 8: So sánh hệ hô hấp của người với hệ hô hấp của thỏ?

Trả lời:

So sánh cấu tạo hệ hô hấp của người và thỏ:

* Giống nhau :

- Đều nằm trong khoang ngực và được ngân cách với khoang bụng bởi cơ hoành.

- Đều gồm đường dẫn khí và 2 lá phổi.

- Đường dẫn khí đều có mũi, hầu, thanh quản, khí quản, phế quản.

- Mỗi lá phổi đều được cấu tạo bởi các phế nang (túi phổi) tập hợp thành từng cụm bao quanh mỗi túi phổi là một mạng mao mạch dày đặc.

- Bao bọc phổi có 2 lớp màng : lá thành dính vào thành ngực và lá dạng dính vào phổi, giữa 2 lớp màng là chất dịch.

* Khác nhau : Đường dẫn khí ở người có thanh quản phát triển hơn về chức năng phát âm.

Bài 3 trang 67 SGK Sinh học 8: Hãy giải thích câu nói: chỉ cần ngừng thở 3-5 phút thì máu qua phổi sẽ chẳng có O2 để mà nhận.

Trả lời:

Trong 3-5 phút ngừng thở, không khí trong phổi cũng ngừng lưu thông, nhưng tim không ngừng đập, máu không ngừng lưu thông qua các mao mạch ở phổi, trao đổi khí ở phổi cũng không ngừng diễn ra. O2 trong không khí ở phổi không ngừng khuếch tán vào máu và CO2, không ngừng khuếch tán ra. Cuối cùng, nồng độ O2 trong không khí ở phổi hạ thấp tới mức không đủ áp lực để khuếch tán vào máu nữa.

Bài 4 trang 67 SGK Sinh học 8: Nhờ đâu nhà du hành vũ trụ, người lính cứu hỏa, người thợ lặn có thể hoạt động bình thường trong môi trường thiếu O2 (trong không gian vũ trụ, trong đám cháy, dưới đáy đại dương)?

Trả lời:

Nhờ có thiết bị cung cấp O2 đảm bảo sự hô hấp bình thường mà nhà du hành vũ trụ, lính cứu hỏa, thợ lặn có thể hoạt động bình thường trong các môi trường thiếu O2

Lý thuyết Bài 20: Hô hấp và các cơ quan hô hấp

I. Khái niệm hô hấp

Hô hấp là quá trình không ngừng cung cấp O2 cho các tế bào của cơ thể và loại CO2 do các tế bào thải ra khỏi cơ thể

Hô hấp gồm 3 giai đoạn chủ yếu:

+ Sự thở: trao đổi khí ở phổi với môi trường

+ Trao đổi khí ở phổi: CO2 từ máu vào tế bào phổi, O2 từ tế bào phổi vào máu

+ Trao đồi khí ở tế bào: O2 từ máu vào tế bào, CO2 từ tế bào vào máu

Ý nghĩa của hô hấp: Cung cấp oxi cho tế bào tạo ATP cho hoạt động sống của tế bào và cơ thể, thải caconic ra khỏi cơ thể

Các thực nghiệm khoa học ngày nay đã làm sáng tỏ cơ chế của hiện tượng trên : Mọi hoạt động sống của tế bào và cơ thể đều cần năng lượng. Sự sản sinh và tiêu dùng năng lượng trong cơ thể có liên quan với O2 và CO2 (sơ đồ sau).

Giải Sinh Học 8 Bài 20: Hô hấp và các cơ quan hô hấp (ảnh 1)

II. Các cơ quan trong hệ hô hấp của người và chức năng của chúng

Sơ đồ các cơ quan trong hệ hô hấp của người (hình 20-2-3). 

Giải Sinh Học 8 Bài 20: Hô hấp và các cơ quan hô hấp (ảnh 2)

Hình 20-2. Cấu tạo tống thể      

Hình 20-3. Cấu tạo chi tiết của phế nang, nơi diễn ra sự trao đổi khí ở phổi

Bảng 20. Đặc điểm cấu tạo của các cơ quan hô hấp ở người

Các cơ quan

Đặc điểm cấu tạo

Chức năng

Đường dẫn khí

Mũi

- Có nhiều lông mũi

- Có lớp niêm mạc tiết chất nhầy

- Có lớp mao mạch dày đặc

Dẫn khí vào ra, làm ấm, làm ẩm không khí đi vào và bảo vệ phổi

 

Họng

Có tuyến amidan và tuyến VA chứa nhiều tế bào limpho

Thanh quản

Có nắp thanh quản có thể cử động để đậy kín đường hô hấp

Khí quản

- Cấu tạo bởi 15 – 20 vòng sụn khuyết xếp chồng lên nhau

- Có lớp niêm mạc tiết chất nhầy với nhiều lông rung chuyển động liên tục

Phế quản

Cấu tạo bởi các vòng sụn. Ở phế quản là nơi tiếp xúc các phế nang thì không có vòng sụn mà là các thớ cơ

Hai lá phổi

Lá phổi phải có 3 thùy

Lá phổi trái có 2 thùy

- Bao ngoài 2 là phổi có 2 lớp màng, lớp ngoài dính với lồng ngực, lớp trong dính với phổi, giữa 2 lớp có chất dịch

- Đơn vị cấu tạo của phổi là các phế nang tập hợp thành từng cụm và được bao bởi mạng lưới mao mạch dày đặc

Là nơi trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường ngoài

 

Bài giảng Bài 20: Hô hấp và các cơ quan hô hấp

 

Đánh giá

0

0 đánh giá