Giải Giáo dục công dân 9 Bài 18: Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật

1.6 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Giáo dục công dân lớp 9 Bài 18: Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật lớp 9.

Giải bài tập Giáo dục công dân lớp 9 Bài 18: Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi 1 trang 67 SGK GDCD 9:Những chi tiết nào thể hiện Anh hùng Lao động Nguyễn Hải Thoại là người sống có đạo đức và làm việc theo pháp luật ?

Trả lời:

- Chi tiết thể hiện Nguyễn Hải Thoại là người sống có đạo đức:

+ Biết tự trọng, tự tin, tự lập, có tâm và trung thực;

+ Chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người;

+ Có trách nhiệm, năng động, sáng tạo (bồi dưỡng, đào tạo cán bộ công nhân, nâng cao trình độ khoa học kĩ thuật...)

+ Nâng cao uy tín của Tổng Công ty.

- Biểu hiện là người sống, làm việc theo pháp luật:

+ Làm theo đúng pháp luật (hoàn thành quy định đóng thuế, đóng bảo hiểm, thực hiện đúng quy trình kĩ thuật, kỉ luật lao động...)

+ Giáo dục mọi người ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện kỉ luật lao động.

+ Luôn phản đối, đấu tranh với những hiện tượng làm ăn phi pháp, tiêu cực, tham nhũng, trốn thuế, lậu thuế, đánh cắp, đánh tráo...

Trả lời câu hỏi 2 trang 67 SGK GDCD 9: Động cơ nào thôi thúc anh Nguyễn Hải Thoại có suy nghĩ và hành động sáng tạo để phát triển Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long ? Động cơ đó biểu hiện những phẩm chất gì của anh ?

Trả lời:

- Động cơ thúc đẩy Nguyễn Hải Thoại là mong muốn xây dựng và phát triển Tổng Công ty ngang tầm với sự nghiệp đổi mới của đất nước, sánh kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Động cơ đó biểu hiện anh là người “sống có đạo đức và tuân theo pháp luật”.

Trả lời câu hỏi 3 trang 67 SGK GDCD 9: Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật như Anh hùng Lao động Nguyễn Hải Thoại đã đem lại những lợi ích gì cho bản thân, mọi người và xã hội ?

Trả lời:

Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật như Anh hùng Lao động Nguyễn Hải thoại đã đem lại lợi ích:

- Bản thân anh là tấm gương để mọi người noi theo, anh được Nhà nước tặng Danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kì đổi mới”

- Đời sống vật chất và tinh thần của mọi người trong Tổng Công ty được nâng cao - Tổng Công ty là đơn vị tiêu biểu của ngành xây dựng trong thời kì đổi mới.

- Uy tín của Tổng Công ty đã giúp cho Nhà nước mở rộng quan hệ với nhiều nước trên thế giới, đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.

Câu hỏi và bài tập ( trang 68 SGK GDCD 9)

Câu 1 trang 68 SGK GDCD 9: Hãy nêu ví dụ và phân tích nhận định : Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật là điều kiện để phát triển của mỗi cá nhân và xã hội.

Trả lời:

Học sinh có thể lấy ví dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng lao động Nguyễn Hải Thoại

Phân tích:

- Tấm gương đó thể hiện sự tự trọng, tự tin, biết chăm lo giúp đỡ người lấy lợi ích của mọi người làm mục tiêu phấn đấu.

- Có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo

- Tự giác giữ gìn gia đình, bảo vệ môi trường.

Câu 2 trang 68 SGK GDCD 9: Trong những hành vi sau đây, hành vi nào biểu hiện là người có đạo đức, hành vi nào thể hiện biết tuân theo pháp luật ?

a) Chăm sóc ông bà lúc ốm đau ;

b) Làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ ;

c) Giúp em học tập ở nhà ;

d) Tham gia tích cực các công việc của lớp ;

đ) Rủ nhau đến thăm hỏi thầy cô giáo cũ nhân ngày 20 tháng 11 ;

e) Tham gia hiến máu nhân đạo ;

g)  Không đua xe máy ;

h) Không tàng trữ, vận chuyển, sử dụng ma tuý ;

i) Tham gia giữ gìn các di sản văn hoá ;

k) Không vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều ;

l) Giúp các nhà chức trách ngăn chặn các hành vi phạm pháp.

Trả lời:

- Hành vi biểu hiện là người có đạo đức: (a), (b), (c), (d), (đ), (e).

- Hành vi biểu hiện là người tuân theo pháp luật: (g), (h), (i), (k), (l) 

Câu 3 trang 68 SGK GDCD 9: Vì sao có một số người cố tình làm những việc dù biết rằng việc đó là vi phạm pháp luật ? (Ví dụ : làm hàng giả, buôn bán vận chuyến ma tuý,...).

Trả lời:

Hiện nay, đồng tiền có sức mạnh rất lớn, có thể nói trong bối cảnh hiện nay, đồng tiền chi phối đời sống sinh hoạt của con người rất nhiều. Vì vậy, có nhiều người kiếm tiền bằng mọi cách bất chấp cả những việc làm vi phạm pháp luật như làm hàng giả, buôn bán vận chuyển ma túy. Và đó là những người không có đạo đức, chỉ biết hám lợi, làm giàu cho bản thân; bất chấp pháp luật.

Câu 4 trang 68 SGK GDCD 9: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt một số thanh niên đua xe trái phép vào ngày mồng một Tết năm Quý Mùi (2003).

Theo em, hành vi của số thanh niên trên đã vi phạm chuẩn mực đạo đức hay vi phạm quy định của pháp luật ? Vì sao ?

Trả lời:

Em nhận thấy, hành vi của một số thanh niên vừa vi phạm chuẩn mực đạo đức vừa vi phạm quy định của pháp luật. Bởi vì hành vi đó trái với những quy định của pháp luật nhưng đồng thời trái với những chuẩn mực đạo đức mà xã hội đặt ra. Coi thường tính mạng của người khác, không thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Câu 5 trang 68 SGK GDCD 9: Trên đường đi học về, Thanh và Hà gặp một phụ nữ đang bị công an rượt đuổi. Chị ta dúi vào tay Thanh một gói hàng và nói nhỏ : “Giấu giúp chị, tí nữa chị xin lại và hậu tạ các em. Số điện thoại của chị đây”.

- Nếu là Thanh và Hà, em sẽ xử lí tình huống trên như thế nào ? Vì sao ?

- Em có nhận xét gì về việc làm củạ người phụ nữ trong tình huống trên ?

Trả lời:

- Nếu là Thanh và Hà, em sẽ kiên quyết từ chối không nhận gói hàng của người phụ nữ, bởi em biết đó là một gói hàng chứa những điều phạm pháp, nên công an mới rượt đuổi và người phụ nữ cố tình giấu đi.

- Người phụ nữ làm một việc xấu xa, buôn bán đồ quốc cấm vi phạm pháp luật, cần bị pháp luật xử lí.

Câu 6 trang 68 SGK GDCD 9: Bản thân em và tập thể lớp còn có những biểu hiện nào chưa tốt so với yêu cầu giáo dục đạo đức và pháp luật ? Hãy đề ra biện pháp khắc phục những thiếu sót đó.

Trả lời:

-  Những biểu hiện chưa tốt về đạo đức:

+ Còn che dấu khuyết điểm của bạn.

+ Còn trao đổi khi làm bài kiểm tra, nhắc bài cho bạn khi cô giáo kiểm tra miệng...

+ Còn trốn học.

- Những biểu hiện chưa tốt về pháp luật:

+ Đi xe đạp hàng ba, đi xe còn lạng lách đánh võng, chở ba người...

+ Chưa đội mũ bảo hiểm đúng quy định khi ngồi sau xe máy;

+ Chưa đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện.

-   Biện pháp khắc phục:

+ Tự kiểm điểm lại những vấn đề của mình chưa nghiêm túc trong việc học tập cũng như trong các vấn về quy định pháp luật

+ Phải thẳng thắn, chân tình góp ý kiến khi bạn mắc khuyết điểm

+ Học và nắm vững Luật An toàn giao thông để không vi phạm

Đánh giá

0

0 đánh giá