Giải Sinh Học 12 Bài 34: Sự phát sinh loài người

1.3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Sinh Học lớp 12 Bài 34: Sự phát sinh loài người chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sự phát sinh loài người lớp 12.

Giải bài tập Sinh Học lớp 12 Bài 34: Sự phát sinh loài người

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận trang 144 SGK Sinh học 12: Hãy tìm các đặc điểm giống nhau giữa người và các loài linh trưởng.

Phương pháp giải:

Cấu tạo cơ thể người rất giống thể thức cấu tạo chung của động vật có xương sống như các thành phần của bộ xương, vị trí sắp xếp các nội quan...

Trả lời:

- Kích thước cơ thể của người và tinh tinh gần bằng nhau.

- Bộ xương cấu tạo gồm 3 phần: xương đầu, xương cột sống, xương chi. Đặc biệt đều xuất hiện chi 5 ngón. Bộ răng phân hóa. Sắp xếp nội quan, hình thái cấu tạo mỗi cơ quan căn bản giống nhau.

- Có 4 nhóm máu (A, B, AB và O).

- Gen người và tinh tinh giống nhau đến 98%, số lượng axit amin sai khác trên chuỗi β – hemoglobin là nhỏ.

- Đặc tính sinh sản giống nhau: Đẻ con và nuôi con bằng sữa. Hình dạng tinh trùng, cấu tạo nhau thai, chu kì kinh nguyệt, thời gian mang thai, cho con bú... tương tự nhau.

- Thần kinh: Não bộ phát triển. Hoạt động thần kinh phức tạp, biết bộc lộ tình cảm...

Câu hỏi và bài tập (trang 148 SGK Sinh học lớp 12)

Câu 1 trang 148 SGK Sinh học 12: Đi thẳng bằng 2 chân đã đem lại cho loài vượn người những ưu thế tiến hoá gì?

Trả lời:

Khi môi trường sống thay đổi, các loài vượn người chuyển từ trên cây xuống sống ở dưới mặt đất là chính thì việc có được dáng đi thẳng đứng đã đem lại khá nhiều lợi thế như: giúp phát hiện được kẻ thù cũng như nguồn thức ăn từ xa, giải phóng đôi tay có thế dùng vào việc sử dụng vũ khí chống kẻ thù hoặc săn bắt,:..

Câu 2 trang 148 SGK Sinh học 12: Loài người hiện đại, Homo sapiens đã tiến hoá qua các loài trung gian nào?

Trả lời:

Loài xuất hiện đầu tiên trong chi Homo là loài H. habilis (người khéo léo) rồi tiến hóa thành loài H. erectus (người đứng thẳng) và hình thành nên loài H. sapiens (người hiện đại).

Homo habilis ⟶ Homo erectus ⟶ Homo sapiens.

Câu 3 trang 148 SGK Sinh học 12: Phân biệt tiến hoá sinh học với tiến hoá văn hoá.

Trả lời:

Tiến hoá sinh học khác với tiến hoá văn hoá ở chỗ trong tiến hoá sinh học con người truyền lại các đặc điểm thích nghi thông qua các gen từ bố mẹ sang con cái (di truyền theo hàng dọc) còn trong tiến hoá văn hoá khả năng thích nghi của con người có được là do học tập, truyền theo hàng ngang từ người này sang người khác qua chữ viết và tiếng nói (truyền theo hàng ngang).

Câu 4 trang 148 SGK Sinh học 12: Những đặc điểm thích nghi nào đã giúp con người có được khả năng tiến hoá văn hoá?

Phương pháp giải:

Nhờ có tiến hóa văn hóa mà con người có thể dạy nhau cách, sử dụng và sáng tạo ra công cụ, không còn trông đợi vào những biến đổi về mặt sinh học.

Trả lời:

Đặc điểm thích nghi mà tiến hoá sinh học đem lại cho con người đầu tiên là dáng đi thẳng đứng, sau đó là bộ não phát triển. Chính bộ não phát triển đã đem lại cho con người khả năng tiến hoá văn hoá.

Câu 5 trang 148 SGK Sinh học 12: Giải thích tại sao con người hiện đại lại là một nhân tố quan trọng quyết định đến sự tiến hoá của các loài khác

Phương pháp giải:

Con người đã nhanh chóng trở thành loài thống trị trong tự nhiên, có ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến hóa của loài khác và có khả năng điều chỉnh chiều hướng tiến hoá của chính mình.

Trả lời:

Loài người hiện đại từ khi ra đời đến nay đã nhanh chóng phát triển cả về số lượng lần tăng tuổi thọ. Với các hoạt động của mình con người đã và đang là một nhân tố làm thay đổi môi trường dẫn đến sự tuyệt chủng của rất nhiều loài sinh vật khác.

Lý thuyết Bài 34: Sự phát sinh loài người

1. Bằng chứng về nguồn gốc động vật của loài người

Cấu tạo cơ thể người rất giống thể thức cấu tạo chung của động vật có xương sống như các thành phần của bộ xương, vị trí sắp xếp các nội quan...

Trên cơ thể người có những cơ quan thoái hóa là di tích của những cơ quan xưa kia phát triển ở động vật như ruột thừa, xương cụt...

Tổ tiên chung của người và các loài vượn hiện nay là loài vượn người sống trên cây. Khi rừng thu hẹp, loài vượn cổ đại chuyển xuống sống trên các đồng cỏ → khả năng đi thẳng là có lợi vì có thể phát hiện kẻ thù từ xa, giải phóng đôi tay trở thành cơ quan sử dụng và chế tạo công cụ lao động, vũ khí…

2. Sự phát sinh loài người

Từ loài vượn người cổ đại Australopithecus đã phân hóa thành nhiều loài khác nhau, trong đó có nhánh tiến hóa thành loài Homo habilis (người khéo léo, có bộ não khá phát triển 575 cm; biết sử dụng công cụ bằng đá); từ loài này hình thành nên nhiều loài khác trong đó có loài Homo erectus (người đứng thẳng) và tiếp đến là người hiện đại Homo sapiens và loài gần gũi với loài người hiện đại là Homo neanderthalensis (đã bị loài hiện đại cạnh tranh và làm tuyệt chủng cách đây khoảng 30.000 năm).

3. Người hiện đại và sự tiến hóa văn hóa

Khi tiến hóa sinh học đem lại cho con người 1 số đặc điểm thích nghi như: bộ não lớn với các vùng ngôn ngữ và tiếng nói phát triển; bàn tay linh hoạt từ chỗ chỉ biết sử dụng những công cụ bằng đá thô sơ để tự vệ và bắt thú rừng đến biết sử dụng lửa để nấu chín thức ăn, biết chế tạo quần áo, lều trại trú ẩn đến hình thành làng mạc, đô thị: đó là tiến hóa văn hóa. Vậy tiến hóa văn hóa là sản phẩm của tiến hóa sinh học.

Nhờ có tiến hóa văn hóa mà con người có thể dạy nhau cách, sử dụng và sáng tạo ra công cụ, không còn trông đợi vào những biến đổi về mặt sinh học.

 

Đánh giá

0

0 đánh giá