TOP 10 bài Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội 2025 SIÊU HAY

274

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội

Đề bài: Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (Sự việc về văn hóa, xã hội).

TOP 10 bài Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội 2024 SIÊU HAY (ảnh 1)

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 1

Xin chào thầy cô và các bạn, hôm nay em sẽ trình bày về một sự việc có tính thời sự hiện nay, đó là vấn đề tình trạng sống ảo trong xã hội hiện đại.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, hiện tượng "sống ảo" cũng đã và đang gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại trong văn hóa và xã hội. Sống ảo là thuật ngữ chỉ việc con người tạo ra một hình ảnh không thực tế về bản thân trên mạng xã hội, thường với mục đích thu hút sự chú ý, nhận được sự ngưỡng mộ và tán dương từ người khác.

Trước hết, sống ảo xuất phát từ nhu cầu khẳng định bản thân và mong muốn được công nhận. Mạng xã hội với những tính năng như lượt thích, bình luận, chia sẻ đã trở thành nơi để mọi người so sánh và cạnh tranh. Một bức ảnh đẹp, một status "hot" có thể mang lại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lượt tương tác, khiến người đăng cảm thấy tự tin và hạnh phúc. Tuy nhiên, để đạt được điều này, nhiều người đã không ngần ngại sử dụng các công cụ chỉnh sửa hình ảnh, thậm chí dàn dựng các tình huống, tạo ra một cuộc sống hoàn hảo không có thực.

Hậu quả của hiện tượng sống ảo là rất nghiêm trọng. Trước hết, nó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con người. Khi phải liên tục duy trì một hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội, nhiều người dễ rơi vào trạng thái lo âu, stress và mất tự tin vào bản thân thực sự của mình. Sự chênh lệch giữa "cuộc sống ảo" và "cuộc sống thật" có thể dẫn đến cảm giác tự ti, cô đơn và thậm chí là trầm cảm.

Bên cạnh đó, sống ảo còn làm suy giảm các mối quan hệ xã hội thực sự. Khi quá chú trọng vào việc xây dựng hình ảnh trên mạng, con người có xu hướng lơ là, thiếu quan tâm đến những người xung quanh và các mối quan hệ thực tế. Thay vì gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ trực tiếp, nhiều người lại chọn cách "giao tiếp" qua màn hình, dẫn đến sự xa cách và thiếu gắn kết trong gia đình, bạn bè và cộng đồng.

Ngoài ra, hiện tượng sống ảo cũng góp phần vào việc lan truyền các giá trị sai lệch trong xã hội. Những hình ảnh, video "ảo" có thể tạo ra các tiêu chuẩn không thực tế về vẻ đẹp, thành công và hạnh phúc. Điều này gây áp lực lên người xem, khiến họ cảm thấy mình kém cỏi và phải nỗ lực đạt được những điều không thể. Hậu quả là, xã hội ngày càng trở nên chạy theo hình thức, vật chất, và bỏ qua các giá trị tinh thần, đạo đức quan trọng.

Để giải quyết vấn đề sống ảo, cần có sự thay đổi từ cả cá nhân và xã hội. Trước hết, mỗi người cần nhận thức rõ ràng về giá trị thực sự của bản thân, không phụ thuộc vào sự công nhận ảo trên mạng xã hội. Chúng ta cần học cách yêu thương, tôn trọng chính mình và người khác, chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo và cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Gia đình và nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và định hướng cho giới trẻ về cách sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh. Cha mẹ và thầy cô cần truyền đạt cho các em những giá trị sống đúng đắn, giúp các em hiểu rằng cuộc sống không chỉ là những gì được thể hiện trên mạng xã hội. Đồng thời, cần khuyến khích các em tham gia vào các hoạt động xã hội, thể thao, văn hóa để phát triển toàn diện và có những trải nghiệm thực tế.

Xã hội và các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp quản lý và kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội. Các nền tảng mạng xã hội cần có trách nhiệm trong việc kiểm duyệt nội dung, ngăn chặn sự lan truyền của những thông tin sai lệch, độc hại. Đồng thời, cần có các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sống ảo và cách sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, lành mạnh.

Tóm lại, sống ảo là một hiện tượng tiêu cực đang ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa và xã hội. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của cả cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội. Chỉ khi mỗi người biết cách cân bằng giữa cuộc sống thực và ảo, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội lành mạnh, gắn kết và phát triển bền vững.

Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 2

Xin chào cô và các bạn. Tên em là …. Hôm nay, em xin trình bày ý kiến của mình về vấn đề giới trẻ và việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống. Kính mong mọi người lắng nghe.

Trong cuộc sống hiện đại có muôn màu loại hình giải trí khác nhau, việc các bạn trẻ cùng nhau lan tỏa vẻ đẹp văn hóa dân tộc qua một số dự án: "Chèo khám phá", "Gánh hát lưu diễn muôn phương",... làm chúng ta thấy thật xúc động, tự hào. Có thể thấy, nghệ thuật truyền thống vẫn giữ một sức hút nào đó với con người hiện đại.

Hiện nay, giới trẻ - thế hệ năng động, sáng tạo đã không ngừng "làm mới" nghệ thuật dân tộc. Họ chọn cách thay đổi phù hợp để không đánh mất đi vẻ đẹp vốn có mà vẫn thu hút được sự chú ý ở người tiếp nhận. Họ xây dựng nên vô vàn dự án nhằm giữ gìn, phát triển văn hóa dân tộc.

Như vậy, việc giới trẻ thưởng thức nghệ thuật truyền thống đã và đang góp phần lưu trữ, quảng bá các "món ăn tinh thần" của cha ông. Đồng thời, nó cũng cho thấy ý thức trách nhiệm, lòng tự hào của thanh niên với quê hương, đất nước.

Để nền văn hóa Việt Nam luôn đậm đà bản sắc dân tộc, "hòa nhập nhưng không hòa tan", chúng ta - những người tiếp nối thế hệ trước nên chịu khó tìm hiểu về một số loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ đó, nhắc nhở bản thân phải biết gìn giữ, nâng niu những giá trị tinh thần ấy.

Nếu có cơ hội, bạn sẽ xây dựng ý tưởng để phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống nào? Vì sao lại có lựa chọn ấy? Hãy chia sẻ nó với cả lớp nhé!

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

10+ Trình bày ý kiến một sự việc về văn hóa, xã hội (điểm cao)

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 3

Trong tiến trình đổi mới, con người và văn hóa Việt Nam luôn có sự liên hệ với cội nguồn truyền thống. Truyền thống là những kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn của một dân tộc đã được đúc kết thành các giá trị và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống bao gồm tất cả các lĩnh vực của xã hội, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực văn hóa. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của một dân tộc, truyền thống có ý nghĩa vô cùng to lớn. Vừa là nguồn sống vừa là nguồn sáng tạo của dân tộc. Vì thế, truyền thống không phải là những vật trưng bày chết cứng trong viện bảo tàng, mà nó luôn tồn tại trong mối quan hệ với hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rằng giá trị văn hóa truyền thống chỉ có ý nghĩa lịch sử tương đối. Vai trò và tác động của các giá trị văn hóa truyền thống có thể khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Vì thế, việc nghiên cứu sự tác động của các giá trị văn hóa truyền thống đến cuộc sống hiện tại là một nhiệm vụ quan trọng để giúp chúng ta phân biệt được những tác động tích cực với những tác động tiêu cực, từ đó phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt tiêu cực của các giá trị truyền thống. Đó chính là vấn đề cơ bản của mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại.

Trước hết, cần khẳng định rằng những giá trị truyền thống cơ bản kể trên vẫn có ý nghĩa tác động tích cực đến việc xây dựng con người mới và nền văn hóa hiện đại của chúng ta. Lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở tinh thần giữ nước, mà nó còn hun đúc cho mọi người Việt Nam tinh thần quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp. Lòng tự cường dân tộc đã tiếp cho người dân một sức mạnh để đưa đất nước nhập vào dòng chảy phát triển của thế giới. Tính cần cù sáng tạo đã giúp con người và văn hóa Việt Nam đạt được những tiến bộ rất quan trọng. Cần cù sáng tạo được thể hiện trong học tập, nghiên cứu và trong lao động, sản xuất. Lòng khoan dung cũng là một giá trị truyền thống quan trọng của dân tộc ta. Cũng với tinh thần khoan dung, chúng ta đang xây dựng một nền văn hóa có khả năng dung hợp các thành tựu tiến bộ của các nền văn hóa trên thế giới. Đức tính giản dị cũng là một giá trị văn hóa truyền thống quan trọng của dân tộc, đã được Đảng và Bác Hồ nâng lên thành phương châm sống của con người mới Việt Nam. Truyền thống thương người như thể thương thân cũng đang tạo cho văn hóa Việt Nam một nét đẹp riêng và có tác động không nhỏ đến sự phát triển con người và xã hội.

Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa tập tục, nhiều yếu tố lạc hậu, phản tiến bộ đã được hạn chế. Tuy nhiên, trong thời đại của tự do văn hóa thì nhiều hủ tục khác lại đang có cơ hội được phục hồi. Tục lệ cưới xin, ăn uống linh đình đang quay trở lại với mức độ rầm rộ hơn xưa. Hủ tục về ma chay cũng vẫn còn tồn tại khá nặng nề ở một số nơi.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, truyền thống "tôn sư trọng đạo" và hiếu học của người phương Đông là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, truyền thống tôn sư trọng đạo nhiều khi được hiểu một cách tuyệt đối hóa, dẫn đến cách truyền thụ kiến thức theo kiểu thầy đọc, trò nghe, làm cho học sinh trở thành cái máy tiếp thu thụ động, hạn chế óc tìm tòi sáng tạo của học sinh. Điều này hiện nay đang bị nhiều người lên tiếng phê phán. Hay trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo (không bàn tới hiện tượng lợi dụng tự do tín ngưỡng - tôn giáo để đạt mục đích ở ngoài tín ngưỡng - tôn giáo) cũng đang bị lợi dụng, làm cho nạn mê tín dị đoan tăng lên. Lễ hội tràn lan. Lễ hội cũ được phục hồi, lễ hội mới được sáng tạo thêm. Có thể nói, hiện tượng lễ bái và tình trạng lễ hội tràn lan đang là một trong những vấn đề nhức nhối của văn hóa Việt Nam. Tình trạng trên có cả nguyên nhân bên trong lẫn nguyên nhân bên ngoài.

Vậy nguyên nhân của thực trạng này là gì? Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ tâm lý, tâm linh xa lánh cõi trần. Tất nhiên, tự thân nguyên nhân này không mang tính tiêu cực. Chỉ khi nào bị lợi dụng và được kết hợp với các nguyên nhân khác thì nó mới tạo ra tác động tiêu cực. Tiếp đến là do trình độ dân trí còn chưa cao. Chúng ta chưa kế thừa đúng đắn truyền thống văn hóa.

Ngoài ra, chúng ta không thể không kể đến một nguyên nhân bên ngoài rất quan trọng là tác động của toàn cầu hóa văn hóa dưới sự hậu thuẫn của toàn cầu hóa kinh tế. Khía cạnh lợi ích kinh tế của một số lễ hội phương Tây do toàn cầu hóa văn hóa đem lại hiện đang được khai thác triệt để ở nhiều nơi trên thế giới. Trong những ngày lễ, các nhà kinh doanh thực hiện một chiến dịch quảng cáo rầm rộ để tiêu thụ các sản phẩm ăn theo. Còn các phương tiện truyền thông thì tuyên truyền, chạy theo một cách thiếu chủ kiến, một kiểu tuyên truyền theo đuôi công chúng.

Nói tóm lại, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khắc phục những hạn chế của một số tập quán lạc hậu là một công việc có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ con người và xây dựng nền văn hóa mới, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong xã hội hiện đại của chúng ta.

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 4

Xin chào cô và các bạn. Em tên là …. Hôm nay, em sẽ trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề "sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày".

Các bạn thân mến, trong bài thơ "Việt Nam quê hương ta", nhà thơ Nguyễn Đình Thi có viết "Đất trăm nghề của trăm vùng/ Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem". Hai câu thơ đã cho thấy sự phong phú, đa dạng về làng nghề truyền thống ở đất nước ta. Mỗi làng nghề lại sản xuất những mặt hàng, sản phẩm mang đặc trưng riêng.

Ngày nay, dù cuộc sống đã trở nên hiện đại và kéo theo nhiều thay đổi nhưng nhiều người vẫn tin tưởng sử dụng sản phẩm thủ công. Một số vật dụng vẫn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt thường ngày như: bát sứ, tranh lụa, bình gốm,... Phải chăng, sự đổi thay dễ thấy nhất đến từ mô hình sản xuất? Thay vì làm thủ công 100%, nhiều làng nghề đã và đang áp dụng máy móc cùng những kĩ thuật tiên tiến để sản xuất nhằm đáp ứng thị trường và tiết kiệm chi phí.

Có thể nói, việc sử dụng sản phẩm thủ công mang đến rất nhiều lợi ích. Trước hết, nó đem lại lợi nhuận vô cùng lớn cho các làng nghề truyền thống. Một vài mặt hàng được sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài như: mây tre đan, gốm sứ, hàng thủ công thêu tay,... cũng góp phần thu về rất nhiều ngoại tệ. Tiếp đến, nếu làng nghề thủ công phát triển bền vững thì người lao động vẫn được đảm bảo công ăn, việc làm. Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm thủ công còn giúp lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của cha ông.

Hi vọng rằng, các sản phẩm thủ công truyền thống sẽ được đông đảo người dân yêu thích và sử dụng. Người tiêu dùng cũng nên có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về những sản phẩm này. Bên cạnh đó, các địa phương cần lên kế hoạch hợp lí nhằm thúc đẩy, phát triển làng nghề.

Bài trình bày của em đến đây là hết. Cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe.

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 5

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, khi giới trẻ được làm quen và tiếp cận nhiều với nền văn minh mới hiện đại và tiên tiến hơn, thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên cần thiết hơn bất cứ khi nào hết.

Thực trạng đang diễn ra mà ai cũng cảm nhận thấy đó là xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con người chúng ta ngày càng được hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa mới của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại dường như quên đi nét đẹp, truyền thống văn hóa của chính đất nước mà chúng ta sinh ra và lớn lên - đất nước Việt Nam yêu dấu. Nhiều bản sắc đã bị mai một, giới trẻ lại ngày càng ít quan tâm và tìm hiểu về những truyền thống, bản sắc đó. Thay vào đó, giới trẻ có xu hướng theo đuổi và ưa chuộng những văn hóa các nước khác.

Hậu quả của việc chạy theo những nền văn hóa khác nhau là những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ ngày càng bị mai một và mất dần đi. Những lễ hội, cuộc thi dân gian không còn được nhận nhiều sự quan tâm của con người hoặc chỉ mang dáng dấp hình thức. Nhiều người trẻ hiện nay thậm chí còn không hiểu biết về nền văn hóa truyền thống của đất nước mình bằng sự tân tiến của các nước trên thế giới. Chính những điều này đã làm con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của đất nước mình.

Đứng trước thực trạng đáng báo động trên, là những người trẻ chúng ta - những thế hệ tương lai của đất nước, cần phải làm gì để khắc phục? Theo đó, trước hết, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh cần phải tìm hiểu, trau dồi những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, có trách nhiệm giữ gìn và phát huy thật tốt những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tổ chức nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức đúng đắn về giữ gìn bản sắc dân tộc. Gia đình, cộng đồng cũng phải cùng chung sức, đồng lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hóa đó để không bị phai nhạt trong các luồng văn hóa khác.

Tóm lại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả những con người Việt Nam chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống đó để nó ngày càng đẹp đẽ và phát triển rộng rãi hơn.

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 6

Trong buổi học hôm nay, em xin trình bày ý kiến của bản thân về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mời cô và các bạn theo dõi, lắng nghe.

Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên với sự phát triển rực rỡ của máy móc, công nghệ, thiết bị hiện đại. Các đồ dùng sinh hoạt được sản xuất trên quy mô lớn, giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã và hình thức. Những điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến thay đổi thói quen của con người trong việc sử dụng sản phẩm hiện đại thay vì thủ công truyền thống.

Ngày nay, chúng ta ít khi bắt gặp nồi gang đúc hay rổ rá tre,... Chúng ta đang thay thế chúng bằng các sản phẩm ưu việt, nhiều tính năng hơn. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới các làng nghề truyền thống. Khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm thì việc cung ứng cũng bị trì trệ, chậm chạp. Không chỉ vậy, việc lãng quên sản phẩm thủ công truyền thống còn đồng nghĩa với việc vẻ đẹp văn hóa dân tộc dần mai một theo thời gian.

Như vậy, việc sử dụng các sản phẩm này cũng chính là cách để chúng ta giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế ở làng nghề. Ngoài ra, các sản phẩm làm từ tự nhiên như mây, tre cũng giúp bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu rác thải từ nhựa, ni-lông.

Để các sản phẩm thủ công truyền thống trở nên phổ biến, chúng ta có thể quảng bá, giới thiệu tới mọi người. Đồng thời, nếu có cơ hội, ta nên ghé thăm một số làng nghề để tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Hi vọng rằng, các địa phương sẽ đẩy mạnh và phát triển mô hình du lịch làng nghề nhằm thu hút du khách tới thăm.

Đứng trước vấn đề này, các bạn có suy nghĩ như thế nào? Hãy chia sẻ nó với cả lớp nhé!

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 7

Trong buổi học Nói và nghe hôm nay, em xin trình bày quan điểm của mình về vấn đề: thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại. Kính mong cô cùng các bạn chú ý lắng nghe.

Mọi người thân mến, hiện nay, nước ta có 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kính Nam Bộ, tranh Kim Hoàng, tranh Thập vật, tranh làng Sình, tranh Đồ thế Nam Bộ, tranh Thờ miền núi, tranh Gói vải, tranh Thờ đồng bằng và tranh Vải. Có thể thấy, tranh dân gian xuất hiện ở nhiều vùng miền: từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam.

Tuy nhiên, theo thời gian, những dòng tranh này dần bị mai một và đi vào lãng quên. Người ta ít nói tới tranh dân gian hay tranh Tết, tranh thờ. Thay vào đó, một vài gia đình lựa chọn treo những loại tranh khác. Song, nhiều người vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho dòng tranh dân gian. Họ sẵn sàng bỏ ra công sức để tìm hiểu về các tác phẩm có giá trị cao.

Như đã biết, mỗi bức tranh dân gian thường ẩn chứa quan niệm, mong ước của người xưa về cuộc sống tốt đẹp. Ví như tranh chim công, cá chép luôn sóng đôi với nhau để thể hiện mong muốn công thành danh toại, ấm no, sung túc. Bởi vậy, chơi tranh dân gian chính là cách giúp chúng ta hiểu hơn về văn hóa dân tộc.

Chơi tranh dân gian cần xuất phát từ niềm yêu thích, say mê. Trong quá trình chơi tranh, chúng ta nên tích lũy cho bản thân những kiến thức cơ bản về các loại tranh. Ngoài ra, chúng ta - những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần biết giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của thế hệ trước. Chúng ta có thể dành chút thời gian tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa nước nhà để tuyên truyền, giới thiệu tới mọi người xung quanh nhằm giúp tranh dân gian trở nên phổ biến hơn.

Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 8

Chào cô và các bạn. Tên em là …. Hôm nay, em sẽ trình bày ý kiến của bản thân về vấn đề thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại.

Chơi tranh được coi là một trong những hình thức giải trí, thư giãn của con người. Bước vào thời kì hiện đại, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại tranh, từ tranh nước ngoài tới tranh Việt Nam rồi tranh sơn dầu, tranh đá,... Tuy nhiên, dường như con người lại bỏ quên tranh dân gian - một biểu tượng văn hóa truyền thống của đất nước.

Ngày nay, tranh dân gian dần mất đi chỗ đứng trong đời sống. Thật khó để bắt gặp một gia đình hiện đại treo tranh thờ, tranh Tết vào dịp lễ Tết cổ truyền. Vài năm trở lại đây, mọi người thường chọn tranh thêu hoặc tranh đính đá để trưng bày trong nhà. Song, đâu đó vẫn còn nhiều người hứng thú, say mê với tranh dân gian. Họ yêu những ý nghĩa sâu xa, những đường nét đơn giản của tranh. Họ cảm thấy thích thú khi được tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc.

Như vậy, chơi tranh dân gian không chỉ là một thú vui tao nhã mà còn là cách để thế hệ sau biết nâng niu, trân trọng các giá trị văn hóa tốt đẹp. Mong rằng, thú chơi này sẽ được lan tỏa tới nhiều nơi hơn nữa. Để làm được điều đó thì mỗi người cần trau dồi, mở rộng hiểu biết về tranh dân gian. Từ đó, đẩy lùi hiện tượng chơi tranh theo trào lưu hoặc treo tranh giả, tranh sao chép. Đặc biệt, là thế hệ trẻ của đất nước, chúng ta nên có suy nghĩ, hành động thiết thực, đúng đắn trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân gian.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Rất cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 9

Xin chào cô và các bạn. Em tên là …. Trong tiết Nói và nghe hôm nay, em xin trình bày những suy nghĩ của mình về vấn đề thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại.

Chắc hẳn, ai trong mỗi chúng ta cũng từng nghe đến cụm từ "tranh Đông Hồ" rồi đúng không nào? Bên cạnh tranh Đông Hồ nổi tiếng, nước ta còn có nhiều dòng tranh dân gian khác như: tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng,...

Ngày nay, tranh dân gian vẫn luôn hiện hữu trong đời sống con người Việt Nam. Người dân thường mua tranh về treo trong nhà vào các dịp lễ Tết hoặc đơn giản là để trưng bày cho đẹp nhà, đẹp cửa.

Tranh dân gian được dùng cho nhiều mục đích: thờ cúng, chúc tụng, gửi gắm mong ước,... Đặc biệt, dòng tranh này không kén người chơi. Với giá thành hợp lí và ý nghĩa sâu xa như vậy, bất cứ ai cũng có thể chọn lựa treo hoặc tặng tranh dân gian.

Có thể nói, tranh dân gian là biểu tượng văn hóa từ ngàn đời nay của đất nước ta. Vì thế, chơi tranh dân gian chính là cách để chúng ta giữ gìn, kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông.

Hi vọng rằng, trong quá trình chơi loại tranh này, mỗi cá nhân sẽ tìm hiểu rõ ràng, tránh trường hợp tranh giả, tranh sao chép. Đồng thời rèn luyện cho bản thân khả năng tư duy mỹ cảm nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Là một công dân Việt Nam, chúng ta - những mầm non tương lai cần có ý thức hơn nữa về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông dày công xây dựng.

Các bạn có suy nghĩ gì về vấn đề thú chơi tranh trong đời sống hiện đại? Hãy chia sẻ thêm với mọi người nhé.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý theo dõi, lắng nghe.

Trình bày ý kiến Sự việc về văn hóa, xã hội - Mẫu 10

Xin chào cô và các bạn. Em tên là …. Hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ của mình về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Nói về sản phẩm thủ công truyền thống, mọi người sẽ nghĩ tới thứ gì đầu tiên? Mình thì nhớ ngay tới gốm sứ, mây tre đan, vải dệt, tranh dân gian,... Những sản phẩm này đa phần được tạo nên bằng chính đôi bàn tay của người thợ. Theo thời gian, một số sản phẩm truyền thống sẽ được cải tiến để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng không làm mất đi cái gốc vốn có.

Các bạn thân mến, sản phẩm thủ công đã được lưu truyền, giữ gìn từ đời này qua đời khác. Bởi vậy, việc sử dụng các sản phẩm này còn góp phần lưu giữ những phong tục, tập quán truyền thống của đất nước.

Dẫu biết máy móc, kĩ thuật hiện đại đang chiếm ưu thế to lớn nhưng hi vọng rằng, các làng nghề truyền thống vẫn tồn tại, phát triển. Mong rằng, nhà nước, địa phương sẽ có thêm các chính sách, chương trình phát triển để khôi phục, phát huy các giá trị truyền thống ở một số làng nghề.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe, theo dõi. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, nhận xét từ mọi người để bài trình bày thêm hoàn thiện.

Đánh giá

0

0 đánh giá