Văn bản Đình công và nổi dậy - Vi Huyền Đắc - Nội dung, tác giả, tác phẩm

612

Tài liệu tác giả tác phẩm Đình công và nổi dậy Ngữ văn lớp 9 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Đình công và nổi dậy lớp 9.

Tác giả tác phẩm: Đình công và nổi dậy - Ngữ văn 9

I. Tác giả Vi Huyền Đắc

Đình công và nổi dậy - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

- Vi Huyền Đắc (1899 – 1976), quê ở Trà Cổ, Quảng Ninh.

- Thuở nhỏ Vi Huyền Đắc học chữ Hán, sau đó chuyển sang theo tân học.

- Tốt nghiệp Thành Chung ở Hải Phòng, ông thi vào trường Mỹ nghệ Hà Nội nhưng sau đấy lại vào Sài Gòn làm lái xe và bắt đầu viết một số bài báo có xu hướng tiến bộ.

- Ông bắt đầu viết văn và mở nhà in Thái Dương văn khố trên phố Cầu Đất để xuất bản tác phẩm của mình và bạn bè.

- Trong khoảng 20 vở kịch do ông sáng tác, đều có tiếng vang, thời kỳ sung sức nhất là trước năm 1945.

II. Tìm hiểu văn bản Đình công và nổi dậy

1. Thể loại

- Tác phẩm Đình công và nổi dậy thuộc thể loại: bi kịch.

2. Xuất xứ

- In trong Tổng hợp văn học Việt Nam, tập 24, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: tự sự.

4. Tóm tắt

Văn bản Đình công và nổi dậy kể về sự việc nhân dân lao động đình công vì gia đình Ông Chung bóc lột quá sức, cuối cùng nhận kết cục bi thảm. Những người nổi loạn là những người đấu tranh vì lẽ phải, họ là những người lao động chân chính. Họ đứng lên để đòi lại công bằng và tự do cho chính mình. Ta thấy gia đình ông Chung đã bóc lột công sức của họ cũng như ban phát cho họ gạo kém, cá thối khiến những người lao động phải đình công nổi dậy. Lòng dũng cảm và phẩm chất ngời sáng đó đã là nguồn động lực to lớn cho những người xung quanh cùng tham gia vào ngày đình công đó.

5. Bố cục đoạn trích

- Phần 1 (từ đầu đến...mình đừng ngại): nguyên do xảy đến cuộc mâu thuẫn giữa gia đình ông chung và những người lao động.

- Phần 2 (đoạn còn lại): kết cục của sự việc.

6. Giá trị nội dung

- Văn bản Đình công và nổi dậy kể về sự việc nhân dân lao động đình công vì gia đình Ông Chung bóc lột quá sức, cuối cùng nhận kết cục bi thảm. Qua đó ca ngợi lòng dũng cảm và phẩm chất ngời sáng của những con người đấu tranh vì lẽ phải, trở thành biểu tượng của sự tự do, để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng khó phai về một thời kì biến động đầu thế kỉ XX.

7. Giá trị nghệ thuật

- Bối cảnh và tình huống truyện căng thẳng.

- Nghệ thuật xây dựng diễn biến xung đột đặc sắc.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Đình công và nổi dậy

1. Không gian, bối cảnh, nhân vật trong câu chuyện

- Bối cảnh câu chuyện: thời gian là vào giữa trưa, địa điểm cửa buồng ăn thông vào tư thất của ông Chung.

- Ông Chung lại bàn giấy kéo ra khẩu súng lục, dân công đã bỏ cái nhà kho và kéo lại đằng ông Chung và bà Ba.

- Văn bản kể về sự việc nhân dân lao động đình công vì gia đình Ông Chung bóc lột quá sức, cuối cùng nhận kết cục bi thảm.

- Tuyến nhân vật ông Chung, bà Ba, cả Bích: giàu có, tham lam, bóc lột người lao động.

- Tuyến nhân vật người lao động: chăm chỉ, chịu khó, dũng cảm và đứng lên đòi lại công bằng.

Đình công và nổi dậy - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

2. Nhân vật ông chủ mỏ Trần Thiết Chung

- Thái độ: hiên ngang, coi thường người lao động “không sợ… cửa sổ toàn bằng gỗ lim nạm sắt, chúng nó có phá được còn khó…”; “ta có khẩu súng này thì còn sợ gì”.

- Lời thoại: đanh thép, trịch thượng: “Các anh đừng có nói bậy… Ai bỏ các anh em chết đói? Nếu các anh đi làm ăn cẩn thận, có ngày nào không phát gạo, phát hàng”, “Lần này là lần cuối cùng, tôi ra lệnh cho các anh, ai phải về trại ấy ngay lập tức, rồi tôi sẽ liệu…”.

- Hành động: dứt khoát, đối mặt với người lao động “Mình không ngại, thế nào họ cũng đến kịp... Dầu chúng nó có gậy gộc, cuốc xẻng cũng không sao đến gần mình được…. Mình đừng ngại”, “Ô hay, sợ cái gì… Mình cứ để tôi ra xem chúng nó nói gì… Có súng đây, sợ gì”.

IV. Đọc tác phẩm: Đình công và nổi dậy

ĐÌNH CÔNG VÀ NỔI DẬY

Trích vở kịch Kim tiền – Vi Huyền Đắc

Ngày hôm sau, vẫn cảnh đoạn ba, nhưng cả buồng giấy có vẻ lộn xộn. Lúc ấy vào giữa buổi trưa.

Kéo màn lên, sân khấu không có người. Bỗng có tiếng nói léo xéo, tiếng giày chạy thình thịch lên cầu thang, rồi cửa phía buồng kế toán mở bung ra. Người loong toong mặt cắt không ra một hột máu, hớt hơ hớt hải chạy vào, nhìn về phía bàn giấy không có ai, liền chạy thẳng đến cửa buồng ăn thông vào tư thất của ông Chung.

Loong toong - Cụ chủ! Cụ chủ! Cụ chủ!

Có tiếng giày ở trong buồng, rồi cửa buồng mở ra: Ông Chung ra. Bà Ba theo sau. Hai ông bà cơ chừng đương ngủ trưa nên còn mặc quần áo ngủ cả. Ông mặc bộ pi-gia-ma. Bà mặc áo dài trắng, vừa ra vừa vấn tóc.

Ông Chung - Cái gì? Làm sao? Cái gì?

Loong toong - Bẩm ... bẩm ... thưa cụ, cu li nổi loạn, đương kéo nhau đến phá ... nhà ... nhà ... kho.

Ông Chung cau mặt. Ông nghĩ một tí rồi quay lại ra chỗ cửa lát kính. Bà Ba cũng theo sau và đứng nấp ở đằng sau lưng ông. Xa xa có tiếng hò reo, lúc rõ, lúc không rõ, tuỳ theo gió thổi.

Ông Chung - Không sợ ... cửa sổ toàn bằng gỗ lim nạm sắt, chúng nó có phá được còn khó ...

Bà Ba (Bủn rủn luống cuống) - Mình ơi, bây giờ làm thế nào hở mình?

Ông Chung - Không ngại!... Ta phải gọi tê-lê-phôn báo đồn ... đồn cho lính xuống.

Bà Ba - Ngộ đồn người ta không xuống thì làm thế nào?

Ông Chung - Mình nói dở, sao đồn lại không xuống. Bồn phận của họ là phải bênh vực tính mệnh, tài sản cho mình chứ ... Có sợ chỉ sợ họ không xuống kịp ... thôi ... (Ông nói rồi lại bàn nhấc máy nói gọi) A lô! A lô! Ông làm ơn cho tôi gặp quan đồn ... Vâng, quan đồn ... Ông chủ mỏ Tiêu Giao cần lắm ... ông gọi ngay cho.

Bà Ba - Chết! Nếu không kịp thì chết! Mình ơi, hay ta xuống lấy ô tô mà đi ... đi ... khỏi chỗ này đã ...

Ông Chung (Vẫn nghe tê-lê-phôn, hình như có tiếng trả lời, ông xua tay bảo bà im) - A lô! A lô! Đội trưởng Đội lính khố xanh... A lô! A lô !... Thế nào? Quan đi vắng à ... đi đâu ?... Thôi không cần, ai nói đấy ?... À, ông phán Lương? Xin chào ôngLương ... Tôi đây ... tôi là ông Chung, chủ mỏ Tiêu Giao đây ... Vâng ... cu li ở mỏ tôi nó nổi loạn ... Nó đương kéo nhau phá nhà kho ... Vâng ... nguy cấp vô cùng, quan đi vắng thì ông cứ cho ngay ông quản đem ngay lính lại dẹp bọn cu li giúp tôi ... Vâng ... nếu chờ quan thì chậm quá ... có thể nguy đến tính mệnh chúng tôi mất ... Vâng, ông giúp chúng tôi, không bao giờ chúng tôi dám quên ơn ... Vâng ... hai chục người mới được ... A lô! A lô! A lô !... (Trong khi ông nói tê-lê-phôn, tiếng ồn ào càng ngày càng to hơn, bà Ba nhìn ông rồi lại nhìn ra cửa).

Bà Ba (Đương nhìn qua cửa sổ bỗng kêu rú lên) - Mình ơi, nó kéo đổ cột dây thép ... mình gọi mau lên, đổ rồi!

Trong này, ông cũng vừa bỏ máy nói xuống.

Ông Chung - ... Cắt ... (Ngừng lên) May quá ... tôi nói vừa xong, bây giờ có đứt cũng không cần. Lính ở đồn đến bây giờ, không sợ.

Bà Ba - Mình ạ, họ có đi ô tô cũng phải mất non một giờ đồng hồ, còn phải qua phà.

Ông Chung - Đến thế thật ... một giờ là nhanh ... Trong khi đợi ta phải thủ thế mới được ... À quên. (Quay lại chỉ người loong toong) Nhà dưới đã đóng cửa chưa?

Loong toong - Bẩm, đóng rồi ạ, nhưng con mới cài qua cái then thôi ...

Bà Ba - Anh xuống ngay chận cả cái dóng vào ... Mau lên.

Loong toong - Vâng, vâng.

Nói rồi, tất cả chạy ra lối cửa buồng kế toán, ông Chung gọi giật anh ta lại.

Ông Chung - Này, này! Anh kéo thêm bàn ghế mà chận thêm vào nữa, nghe không! Mau lên !... Mau lên!

Người loong toong mở vội cửa đâm đầu chạy đi.

Bà Ba - Mình ơi, tôi sốt ruột quá. (Mặt bà cau lại, bà xoắn hai bàn tay lại với nhau ra dáng hết sức nóng nảy, lo sợ) Biết bao giờ lính mới đến ... Họ không đến kịp thì làm thế nào, mình?

Ông Chung - Mình không ngại, thế nào họ cũng đến kịp ... Họ đến bây giờ đấy mà ... (Ông nói rồi lại bàn giấy, kéo ngăn kéo, lấy ra một khẩu súng lục và giơ ra) Ta có khẩu súng này thì còn sợ gì ... Dầu chúng nó có gậy gộc, cuốc xẻng cũng không sao đến gần mình được ... Mình đừng ngại.

Tiếng ồn ào bỗng đưa lại rõ hơn. Ông đứng dậy, quay đầu nhìn ra phía cửa sổ. Bà cũng nhìn theo. Hình như bọn phu đã bỏ cải nhà kho và kéo lại đằng này.

Bà Ba (Bỗng kêu to lên) – Mình ơi! Khói! Khói ở đằng nhà kho ... Thôi chết rồi, chúng nó đốt nhà kho, mình ơi! Quân nó to gan thật ... Ra nó làm giặc rồi còn gì.

Tiếng ở dưới đường - Anh em ơi! Lại cả đây! Cửa sổ mở ... Lại cả đây ... Ông chủ đâu ... ra cho anh em chúng tôi nói chuyện.

Ông Chung chực đi ra phia cửa sổ, nhưng bà níu ông lại.

Bà Ba - Mình ra đấy làm gì ... Không, tôi van mình, mình đừng ra ...

Ông Chung - Ô hay, sợ cái gì ... Mình cứ để tôi ra xem chúng nó nói gì ... Có súng đây, sợ gì ...

Ông nói rồi giằng tay bà đi ra chỗ cửa sổ, để khẩu súng lục một bên, chống hai tay thăng ra, ghé đầu ra ngoài nhìn xuống. Bà Ba đứng nép ở một bên cửa số. Tiếng ồn ào lại nổi lên.

Tiếng ở dưới đường - Im !... Im !... Im !... Có người ra cửa sổ ... Ông chủ !... A ... a ... a ... ông chủ! Im ... im ... để mà nói ... Anh em hãy im đi !... Để nói ... Im !... Im !.

Ông chủ đem anh em chúng tôi ra đất rừng rú này ... rồi bỏ chúng tôi chết đói hay sao?

Ông Chung - Các anh đừng có nói bậy ... Ai bỏ các anh em chết đói? Nếu các anh đi làm ăn cần thận, có ngày nào không phát gạo, phát hàng. Tại các anh không muốn làm nữa nên tôi bắt buộc phải làm như vậy. Công việc của tôi không phải chuyện chơi ... Các anh không có phép được tự ý muốn làm lúc nào thì làm, muốn bỏ lúc nào thì bỏ ... Các anh đình công là các anh dại. Rồi các anh xem, còn có quan trị, quan nhậm, tôi sẽ dùng pháp luật trị cái tội bỏ công việc của các anh ...

Tiếng ở dưới đường - Anh em chúng tôi phải đình công là vì ông phát gạo kém, gạo xấu, không ăn được, cá mắm thối, ... Chúng tôi kêu thì cai lại đánh đập chúng tôi ... Ông là ông chủ làm gì cũng được, nhưng ông cũng phải thương đến những kẻ nghèo khó, hai sương một nắng đổi bát mồ hôi lấy bát cơm ... Ông hành hạ chúng tôi quá. [ ... ] Đói thì không đi làm được ... (Lại ồn ào) Ông chỉ biết ông ăn no, ông bỏ chúng tôi chết đói à? Ông ác nghiệt quá ... Ông chủ ... ông ác nghiệt quá ...

Ông Chung - Các anh phải đói là vì các anh đình công, bỗng dưng, chẳng ai để các anh đói ... Lần này là lần cuối cùng, tôi ra lệnh cho các anh, ai phải về trại ấy ngay lập tức, rồi tôi sẽ liệu ... Nếu ai không nghe lời, còn đứng lảng vảng ở ngoài đường, lính ở đồn xuống ngay bây giờ, tôi sẽ hạ lệnh bắn về tội phiến loạn ...

Tiếng ở dưới đường (Lại ồn ào hơn trước) - Anh em ơi! Ông ấy gọi lính về để bắn chết anh em ... Bắn thì bắn ... không sợ ... Có giỏi cứ bắn chết cả đi xem nào ... Anh em ơi! Đừng đợi lính đến, phá, phá cái nhà này đi cho ông ... Phá ... đốt ... phá!

Rồi ở trong những tiếng ồn ào bỗng có tiếng nổ to hơn. Dứt tiếng nổ thì thấy ông Chung giơ tay phải bưng lấy trán, còn tay trái, ông vịn vào vai bà Ba. Bà nhìn lên thấy máu ở trán ông chảy ròng ròng xuống tay ông thì kêu rú lên.

Bà Ba - Ối giời ơi, nó bắn chết chồng tôi rồi ... (Bà vừa kêu vừa khóc, vừa dìu ông, đỡ ông ngồi xuống ghế. Ông vừa ngồi xuống ghế xong thì xoài tay ra, gục đầu xuống bàn, bất tỉnh nhân sự. Bà cuống quýt, rờ vào chỗ vết thương, ngước mắt nhìn quanh quần để cầu cứu, nhưng không thấy ai. Bà lại lay ông) Ông ơi! Ông ơi! Ông ơi! Ới ông ơi! (Ông nấc lên một cái rồi xoài hằn người ra, một tay buông thõng xuống. Bà ôm chặt lấy ông, mặt ngơ ngác như hoa điên) Ởi giời ơi! Giời đất ơi! Chồng tôi chết rồi! Có ai cứu chúng tôi ... Ới giời ơi! (Bà rờ trán ông, rồi lại rờ tay ông. Bà chạy đi, chạy lại, rồi lại đứng dừng lại, ngẫm nghĩ một lát. Sau vụt đến bên ông, thò tay móc tủi ông, túi bên phải, tủi bên trái, rồi bà rút ra một chùm chìa khoả. Bà đi ra tủ két tìm chìa khoá cho vào lỗ khoả. Ngay lúc bấy giờ, cải cửa kính phia tay phải bỗng bật tung ra, kính vỡ rơi loảng xoảng. Bà giật mình, dừng tay nhìn ra. Một người đàn ông bận đồ Tây nhảy xuống sàn. Người ấy đứng nhìn các phía rồi chạy xông lại phía tủ két. Bà Ba hình như đã nhìn rõ người đàn ông nên kêu rủ lên) Cả Bích! Mày ... (thì vừa bị người đàn ông nhảy xổ vào giơ hai tay bóp cổ. [ ... ] Cả Bích, vì chính người đàn ông ấy là cả Bích, đẩy bà Ba ngã ra đấy, rồi ra tủ két mở tủ. Cả Bích vừa xoay cái chìa thì có tiếng rầm rộ ở buồng kế toán. Cửa bị phá tung ra. Kẻ xẻng, người cuốc, kẻ dao, người gậy ùa vào). […]

Màn hạ thật nhanh

V. Văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 8-10 dòng) nêu ấn tượng của mình về những người nổi dậy trong đoạn trích Đình công và nổi dậy.

Trong văn bản Đình công và nổi dậy (trích vở kịch Kim tiền – Vi Huyền Đắc), những người nổi loạn là những người đấu tranh vì lẽ phải. họ là những người lao động chân chính. Họ đứng lên để đòi lại công bằng và tự do cho chính mình. Trong câu chuyện, ta thấy gia đình ông Chung đã bóc lột công sức của họ cũng như ban phát cho họ gạo kém, cá thối khiến những người lao động phải đình công nổi dậy. Lòng dũng cảm và phẩm chất ngời sáng đó đã là nguồn động lực to lớn cho những người xung quanh cùng tham gia vào ngày đình công đó. Trong bối cảnh bấy giờ, những người nổi loạn đó trở thành biểu tượng của sự tự do, để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng khó phai về một thời kì biến động đầu thế kỉ XX.

Đánh giá

0

0 đánh giá