Tài liệu tác giả tác phẩm Sống, hay không sống? Ngữ văn lớp 9 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Sống, hay không sống? lớp 9.
Tác giả tác phẩm: Sống, hay không sống? - Ngữ văn 9
I. Tác giả Uy-li-am Sếch-xpia
1. Tiểu sử
- Uy-li-am Sếch-xpia (1564 – 1616) sinh ra tại Stratford-upon-Avon nước Anh.
- Năm 1578 gia đình sa sút, ông buộc phải thôi học.
- Năm 1585 ông lên Luân Đôn kiếm sống và bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật.
- Năm 1612 ông rời Luân Đôn về quê sinh sống.
2. Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm chính
U. Sếch-xpia viết hơn 40 vở kịch, tất cả đều dưới dạng thơ, và được chia thành ba loại
- Hài kịch: “Giông tố”, “As you like it”, “Cardenio”, ...
- Bi kịch: “Hamlet”, “Othello”, “King Lear”, “Romeo and Juliet”,...
- Kịch lịch sử: “King John”, “Henry V”, “Richard II”, ....
b. Phong cách nghệ thuật
Tác phẩm của ông là tiếng nói của lương tri tiến bộ, của tự do, của lòng nhân ái bao la và của niềm tin bất diệt vào khả năng hướng thiện và khả năng vươn dậy để khẳng định cuộc sống con người.
3. Vị trí và tầm ảnh hưởng
- Cống hiến của U. Sếch-xpia in đậm dấu ấn lên kịch nghệ và văn chương các thế hệ sau
+ Ông đã phát triển kịch nghệ cả về xây dựng nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ và thể loại.
+ Cho tới trước vở “Rô-mê-ô và Giu-li-ét”, lãng mạn không được xem là đề tài giá trị đối với bi kịch.
+ Độc thoại đã từng được sử dụng chủ yếu để truyền đạt thông tin về nhân vật và sự kiện nhưng Shakespeare đã sử dụng nó để khám phá tâm trí nhân vật.
- Tác phẩm của Shakepeare ảnh hưởng sâu sắc tới thi ca thế hệ sau. Rõ ràng, ông vĩ đại hơn hẳn các nhà viết kịch lớn của Pháp trước thời ông như Racine hay Molière.
- Những nhà thơ trường phái lãng mạn đã nỗ lực để làm sống lại kịch thơ Sếch-xpia.
1. Thể loại
- Tác phẩm Sống, hay không sống thuộc thể loại: bi kịch.
2. Xuất xứ
- Theo Ham-lét, ĐÀO ANH KHA – BÙI Ý – BÙI PHỤNG dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1986.
3. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: tự sự.
4. Tóm tắt
Hăm-lét nghi ngờ về cái chết của vua cha có liên quan đến Clô-đi-út – chú ruột của chàng, hiện là nhà vua mới. Chàng đã quyết định giả điên để tìm ra chân tướng. Nhà vua nghi ngờ chàng, vì thế đã trực tiếp cùng Pô-lô-ni-út rình nghe trộm cuộc trò chuyện của Hăm-lét với Ô-phê-li-a – con gái của Pô-lô-ni-út, cũng là người yêu của chàng. Ô-phê-lia trả lại những kỉ vật tình yêu và Hăm-lét nói với nàng những lời tàn nhẫn, cốt để nàng rời xa mình. Lúc này, trong Hăm-lét có những xung đột về nội tâm, chàng băn khoăn “Sống, hay không sống?”
5. Bố cục đoạn trích
- Phần 1: Từ đầu đến “Ôi, gánh nặng của tội ác”: Sự dò la của nhà vua về tình tình của Hăm-lét.
- Phần 2: Còn lại: Cuộc trò chuyện của Hăm-lét và Ô-phê-li-a.
6. Giá trị nội dung
- Đoạn trích Sống hay không sống? được không chỉ nêu lên tư tưởng, chủ đề của tác phẩm mà còn nêu lên những suy ngẫm về bản tính của con người, những trăn trở, lo âu của con người trong cuộc sống đầy gian nan, vất vả, những rủi ro vẫn đang thường trực xảy ra.
7. Giá trị nghệ thuật
- Nhờ tài năng của Shakespeare mà các tác phẩm của ông đã để lại những ấn tượng nhờ tài năng xây dựng nhân vật trong tác phẩm kịch độc đáo, tinh tế, các tình huống kịch hấp dẫn gây nên những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người tiếp nhận, các tác phẩm kịch của ông sẽ còn mãi trong hiện tại và tương lai.
1. Nhân vật vua Clô-đi-út
- Hành động bên ngoài: Quan tâm, hỏi han tình hình sức khỏe và thể hiện sự lo lắng với tình trạng của Hăm-lét.
- Hành động bên trong: Cho người theo dõi, ngấm ngầm lên kế hoạch muốn trừ khử Hăm-lét.
→ Bên ngoài giả tạo để che đi sự xấu xa của con người bên trong, bản chất độc ác được che đậy bằng con người hiền lành bao dung.
2. Nhân vật Hăm-lét
- Tình thế của Hăm-lét và mục đích giả điên của chàng: Hồn ma vua cha hiện về kể cho chàng nghe sự thật về cái chết của mình - kẻ thủ phạm chính là Clô-đi-út, giết vua và chiếm ngai vàng. Hồn ma đòi Hăm-lét phải trả thù. Từ đó lòng chàng đầy căm phẫn, ghê tởm và chán ghét cuộc đời nhưng chàng cố gắng làm tròn bổn phận người con trai.
→ Hăm-lét giả điên để che mắt kẻ thù. Kẻ thù và lũ tay sai cũng cố gắng dò xét xem Hamlet có thật điên khùng hay giả tạo. Hăm-lét bắt đầu điều tra xác minh lại lời báo mộng của vua cha. Qua cơn hoảng loạn, vua khẩn trương hành động. Hắn và tên cận thần Pô-lô-ni-út bố trí cho tiểu thư Ô-phê-li-a, hoàng hậu lần lượt gặp gỡ Hăm-lét để chúng theo rình dò xét chàng. Với Ô-phê-li-a là người yêu của mình, chàng cố gắng giả điên chót lọt, nhưng khi gặp mẹ thì Hăm-lét không kìm được nỗi giận hờn, nổi nóng bộc lộ tâm trạng thật của mình
- Bi kịch của Hăm-lét: sự mâu thuẫn đối kháng giữa hiện thực xấu xa với lý tưởng nhân văn. Nhìn nhận về thực tại cuộc sống, về sự bất công tàn bạo và đầy rẫy những thủ đoạn của lòng người, Hamlet đã lựa chọn con đường “cầm vũ khí đứng lên” bằng kế hoạch chàng đã vạch sẵn. Việc phân tích nhân vật Hamlet đã cho chúng ta nhìn nhận được thực tế trong con mắt của Hamlet, để rồi từ đó thấy rằng trong tâm hồn chàng toàn những đớn đau, bi quan mà đầy trăn trở.
* Lời độc thoại nội tâm của Hăm-lét
- Sống hay không sống là hai khái niệm trừu tượng khiến Hăm-lét không biết lựa chọn ra sao giữa hai lựa chọn: Đó là chấp nhận chịu đựng mọi thứ mà người khác gây ra cho hay đấu tranh đến cùng để bảo vệ mình mà kéo theo đau thương cho bao người khác.
- Hăm-lét cho rằng “chết” đáng “mong muốn” mà cũng là “điều khó khăn” buộc người ta phải “ngừng lại mà suy nghĩ” bởi vì khi chết là hết, là không còn tồn tại cả thể xác lẫn những đau khổ, bất hạnh trong tinh thần, những hận thù cũng theo đó mà chấm dứt. Tuy nhiên Hăm-lét không muốn đem lại tự do cho bản thân mình khi mà những kẻ xấu xa, độc ác vẫn hoành hành ngoài kia, đem đến đau khổ cho người khác. Đó chính là “điều khó khăn” buộc người ta phải “ngừng lại mà suy nghĩ”, người ta ở đây chính là Hăm-lét với hình tượng trượng nghĩa.
→ Hăm-lét đã tự nhận thức được về nguyên nhân tình trạng do dự và không thể hành động quyết đoán của chính mình vì anh phân vân không biết nên tự chịu đựng những bất hạnh hay là vùng lên đấu tranh, giành lại chiến thắng cho bản thân mà mặc kệ những đau khổ của người khác.
=> Bên ngoài giả khùng nhưng bên trong lại tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo. Mặc dù không muốn nhưng vì hoàn cảnh mà phải đóng giả người điên để có thể bảo toàn mạng sống.
IV. Đọc tác phẩm: Sống, hay không sống?
SỐNG, HAY KHÔNG SỐNG?
Uy-li-am Sếch-xpia
Một gian phòng trong lâu đài, vua, hoàng hậu, Pô-lô-ni-út, Ô-phê-li-a, Rô-den-cran (Rosencrantz) và Ghin-đơn-xtơn (Guildenstern) ra.
Vua: - Thế trong khi chuyện trò cùng thái tử, các khanh lại không lựa chọn được cơ hội nào để tìm hiểu tại sao người rối loạn tâm thần, để cho chuỗi ngày xanh êm đẹp bị tan nát vì những cơn điên dữ dội, hiểm nghèo hay sao?
Rô-den-cran - Tâu bệ hạ, thái tử cũng biết mình bị mất trí, nhưng duyên do tại đâu thì nhất định người không nói.
Ghin-đơn-xtơn - Thực ra thì thái tử cũng không để cho tìm hiểu sâu hơn. Người có đánh trống lảng bằng những cơn điên khôn khéo, mỗi khi chúng thần tìm cách gợi người tỏ bày thực trạng tâm hồn mình.
Hoàng hậu - Thái tử tiếp các khanh có tử tế không?
Rô-den-cran - Thật đúng như một người lịch thiệp.
Ghin-đơn-xtơn - Nhưng bên trong vẫn có vẻ gì gượng gạo.
Rô-den-cran - Người hỏi rất ít, nhưng trả lời những câu hỏi của chúng thần thì huyên thuyên dài dòng.
Hoàng hậu - Thế các khanh có kiếm cách gì cho thái tử tiêu khiển không?
Rô-den-cran - Tâu lệnh bà, trên đường đi tình cờ chúng thần gặp một bọn đào kép. Chúng thần có thưa bày và thái tử tỏ vẻ vui thích lắm. Bọn họ hiện ở quanh quần trong cung này và hình như đã nhận được lệnh trình diễn đêm nay hầu thái tử.
Pô-lô-ni-út - Thưa, đúng như vậy. Chính thái tử có khẩn khoản nhờ thần mời bệ hạ và lệnh bà tới ngự lãm đêm nay.
Vua - Trẫm rất vui lòng. Trẫm hài lòng khi biết thái tử tìm được nguồn thích thú như vậy. Các khanh ạ, nên khuyến khích thái tử vào những trò giải trí ấy thêm nữa.
Rô-den-cran - Tâu bệ hạ, chúng thần xin tuân thượng lệnh.
Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtơn vào
Vua - Ái khanh nữa, xin mời ái khanh cũng tạm lui. Trẫm đã ra mật lệnh cho tìm Ham-lét tới đây, làm như thể tình cờ y bắt gặp Ô-phê-li-a ở nơi này. Trẫm sẽ đích thân cùng tướng công Pô-lô-ni-út, như hai thám tử hợp pháp, ngồi vào một nơi kín, nhìn thấy hết mà không ai nhìn thấy mình, để tận mắt quan sát mọi cử chỉ của y qua cuộc gặp gỡ, xem có phải chính bệnh tương tư là nguyên nhân làm y quẫn trí chăng?
Hoàng hậu - Xin vâng lệnh bệ hạ, còn Ô-phê-li-a con, ta mong rằng chính nhan sắc yêu kiều của con là nguyên nhân tốt lành gây ra bệnh của Ham-lét và ta hi vọng đức hạnh của con sẽ làm cho nó trở lại bình thường; vì danh dự của cả hai con đấy!
Ô-phê-li-a - Tâu lệnh bà, con cũng mong như thế.
Hoàng hậu vào.
Pô-lô-ni-út - Ô-phê-li-a, con cứ đi đi lại lại ở chỗ này. Xin bệ hạ cùng thần lánh vào đây. (Nói với Ô-phê-li-a) Con hãy cầm cuốn sách này và đọc đi. Như thế mới thêm vẻ tự nhiên, trong lúc cô đơn. Đời vẫn thường chê trách rằng ta khoác cái vẻ trầm mặc thành kính và bộ điệu chân tu nhiều khi cũng đường mật đánh lừa được cả ma quỷ. Điều đó đã được chứng tỏ quá nhiều rồi.
Vua - Ôi, đúng quá thật! Lời nói như roi quất vào lương tâm ta. Đôi má của gái hồng lâu, rực rỡ vì son tô phấn điểm, cũng không thể xấu xa hơn hành động của ta được điểm phấn tô son bằng những lời hoa gấm mĩ miều. Ôi, gánh nặng của tội ác!
Vua và Pô-lô-ni-út vào, Ham-lét ra.
Ham-lét - Sống, hay không sống - đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn? Chết là ngủ. Không hơn. Và tự nhủ rằng ngủ đi tức là chấm dứt mọi đau khổ của cõi lòng và muôn vàn vết tử thương mà hình hài phải chịu đựng, kết liễu cuộc đời như thế, chẳng đáng mong muốn sao? Chết, ngủ. Ngủ có thể chỉ là mơ. Hừ! Đây mới là điều khó khăn. Vì, trong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm cho ta phải ngừng lại mà suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai hoạ cho cuộc sống dằng dặc này! Bởi vì, ai là người có thể chịu dựng những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì chậm của công lí, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với đức tài nhẫn nhục, khi chỉ cần một mũi dao là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ? Có ai đành cam chịu, than vãn rầu rĩ, đổ mồ hôi dưới gánh nặng của cuộc đời mệt mỏi, nếu không phải chỉ vì sợ một cái gì mênh mang sau khi chết, một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại, nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục trên cõi thế này còn hơn là bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới? Đấy, chính nỗi vướng mắc của tâm tư ấy làm cho chúng ta trở thành hèn mạt tất cả, và ngọn lửa của quyết tâm vừa bùng lên đã mờ nhạt ốm yếu đi trước ánh leo lét của ý nghĩ đó, bao dự kiến lớn lao, cao quý cũng phải xoay chiều đổi hướng, chẳng thể biến thành hành động. Thôi khẽ chứ! Kia Ô-phê-li-a yêu kiều! Nữ thần của ta ơi, khi nàng cầu nguyện, xin nàng đừng quên những tội lỗi của ta.
Ô-phê-li-a - Kính thưa điện hạ, chẳng hay sức khoẻ của người bấy lâu nay ra sao?
Ham-lét - Xin đa tạ cô em, tôi vẫn được như thường, như thường, như thường.
Ô-phê-li-a - Thưa điện hạ, thiếp còn giữ những kỉ vật người trao tặng, đã từ lâu thiếp vẫn mong được gửi lại, mong người nhận cho.
Ham-lét - Không, không, tôi nào có hề tặng cô em cái gì bao giờ.
Ô-phê-li-a - Thưa điện hạ tôn kính, điện hạ cũng thừa biết là có và người đã gửi gắm theo những kỉ vật ấy những lời xiết bao tình tứ làm cho chúng càng tôn thêm giá. Nhưng bây giờ hương đã tàn phai, xin chàng giữ lấy; bởi vì đối với một tâm hồn cao quý, quà tặng quý giá đến đâu chăng nữa, nào còn có ý nghĩa gì một khi người trao đã thờ ơ lạnh nhạt. Thưa đây, điện hạ.
Ham-lét - A ha! Cô em có phải là người đức hạnh không?
Ô-phê-li-a - Thưa điện hạ !...
Ham-lét - Cô em có phải là người nhan sắc không?
Ô-phê-li-a - Điện hạ định nói gì?
Ham-lét - Nếu cô vừa là người đức hạnh lại vừa nhan sắc, thì đức hạnh làm sao có thể nói chuyện được với nhan sắc của cô?
Ô-phê-li-a - Sao, thưa điện hạ, nhan sắc còn có thể hoà hợp với cái gì hơn là đức hạnh?
Ham-lét - Chứ sao! Vì nhan sắc có mãnh lực biến đức hạnh thành phóng đãng, nhưng dức hạnh không thể nào khép nhan sắc vào khuôn khổ nết na. Ngày xưa, đó là điều nghịch lí, nhưng ngày nay thì đã được chứng thực rồi. Có một thời tôi đã yêu cô em.
Ô-phê-li-a - Thực thế thưa điện hạ, chính người đã làm cho thiếp tưởng như vậy.
Ham-lét - Đáng lí cô em dừng tin tôi mới phải, vì chẳng thể ghép đức hạnh vào dòng giống cũ kĩ của chúng ta mà chúng ta không giữ lại chút gì của dòng giống đó. Tôi chưa bao giờ yêu cô em cả.
Ô-phê-li-a - Thế thì thiếp càng bị mắc lừa lắm.
Ham-lét - Cô em nên vào nhà tu kín đi thôi. Tại sao cô em cũng lại muốn sinh sản ra những kẻ tội lỗi? Bản thân tôi cũng là một người không đến nỗi hư thân, ấy thế mà tôi có thể tự kết tội tôi nhiều đến nỗi giá mẹ tôi đừng sinh ra tôi thì hơn. Tôi là một kẻ kiêu căng, hay oán thù, đầy tham vọng, đầu óc chứa chất nhiều tội lỗi đến nỗi tôi không đủ ý để diễn đạt, trí tưởng tượng để hình dung, thời gian để hành sự. Trần thế cần chi phải có những gã như tôi sống lê la giữa đất trời? Chúng tôi là những kẻ khốn kiếp không hơn. Cô không nên tin kẻ nào cả. Cô nên vào nhà tu kín đi. Thân phụ cô em đâu?
Ô-phê-li-a - Thưa điện hạ, phụ thân thiếp ở nhà.
Ham-lét - Thế thì phải cửa đóng then cài cho chắc để ông ta chỉ có thể giở trò điên dại ở nhà thôi nhé! Thôi chào cô.
Ô-phê-li-a - Ôi, cầu Chúa, hãy cứu vớt lấy chàng!
Ham-lét - Nếu cô em cứ nhất định xuất giá thì tôi xin gửi tặng lời nguyền bất hạnh này để cô em làm của hồi môn: Dù cô em có tinh khiết như băng, trong trắng như tuyết, cũng không thể nào tránh khỏi được miệng tiếng người đời. Thôi cô em vào nhà tu kín đi, vào đi, chào cô! Hay cô em thấy cứ cần phải lấy chồng, thì chỉ nên lấy một thằng rồ, vì những kẻ khôn ngoan thừa biết cô sẽ biến họ thành quỷ dữ. Vào nhà tu kín đi, vào đi, vào ngay đi thôi. Chào cô.
Ô-phê-li-a - Ôi các đấng thần linh! Xin hãy làm cho chàng hồi tỉnh!
Ham-lét - Tôi lại nghe nói cô tô son điểm phấn khéo lắm. Chúa đã ban cho cô một bộ mặt, cô lại tạo cho mình một bộ mặt khác; cô múa rỡn, lượn lờ, nói nói, cười cười, trêu cợt cả mọi sinh linh của Chúa, phóng đãng mà làm ra vẻ thơ ngây! Thôi đi, tôi không chịu được nữa, thế cũng đủ làm cho tôi phát điên lên rồi. Tôi đã nói mà, chuyện cưới xin sẽ không bao giờ có nữa. Những kẻ nào đã bước vào con đường ấy - tất cả chỉ trừ có một - sẽ được sống. Còn những kẻ nào chưa biết vào thì nên cứ ở vậy suốt đời. Vào nhà tu kín đi, vào đi thôi.
Ham-lét vào.
Ô-phê-li-a - Ôi một tâm hồn cao quý, bỗng dưng tan nát. Đôi mắt của nhà thông thái, thanh gươm của trang hiệp sĩ, miệng lưỡi của người hào hoa, niềm hi vọng, đoá hồng tươi của quốc gia gấm vóc, gương sáng của thời trang, kiểu mẫu của mọi người; bao người thán phục, ca tụng, bây giờ, còn đâu nữa, hết rồi, thật hết rồi! Có người khuê nữ nào thất vọng và đau khổ hơn tôi, người đã được tận hưởng hương mật của bao lời tỏ tình êm như tiếng nhạc của chàng. Bây giờ, lí trí cao quý của một đấng quân vương nào khác chi những tiếng chuông êm ái rung lên lạc điệu và chói tai, tuổi hoa niên đẹp đẽ tuyệt vời bị dập vùi trong điên cuồng mê loạn. Ôi, đau đớn cho tôi, xưa kia mắt đã thấy là thế mà nay lại là thế!
Vua và Pô-lô-ni-út lại ra.
Vua - Tình yêu? Tình cảm của y không hướng về phía đó đâu. Những lời nói của y dù là huyên thuyên đôi chỗ không ăn khớp, nhưng không hẳn là điên dại. Tâm hồn y có điều chi phiền muộn, làm cho y nặng ưu tư. Trẫm lo rằng, y cứ ấp ủ mãi nỗi đau buồn ắt không tránh khỏi xảy ra điều nguy hiểm. Để ngăn ngừa, trẫm vừa quyết định y phải lập tức rời sang Anh để đòi những vật triều cống mà nước này lãng quên chưa nộp. Biết đâu, khác cảnh khác người, khí hậu đổi thay, cái điều thầm kín trong tâm y có thể tiêu tan đi được. Để y suy nghĩ luẩn quẩn, trẫm lo rằng y có thể biến đổi vô chừng. Khanh thấy thế nào?
Pô-lô-ni-út - Tâu bệ hạ, thật là cao kiến. Tuy nhiên, thần vẫn tin chắc rằng duyên do và đầu mối nỗi sầu muộn của hoàng tử chính là bởi thất tình. (Nói với Ô-phê-li-a) Thôi Ô-phê-li-a con ạ, con không cần kể lại những điều hoàng tử đã nói với con. Bệ hạ và cha đã nghe rõ cả rồi. (Nói với vua) Tâu bệ hạ, xin bệ hạ cứ tuỳ ý định liệu. Nhưng nếu bệ hạ thấy không có điều chi bất tiện, thì sau khi xem diễn tuồng trở về, xin để cho hoàng hậu tâm sự riêng với thái tử để dò thăm nỗi ưu tư của thái tử. Hoàng hậu cứ hỏi thẳng và nếu bệ hạ cho phép, thần sẽ xin nấp chỗ kín đáo sao cho có thể nghe được câu chuyện giữa hai người. Nếu hoàng hậu cũng không tìm ra được duyên do thì lúc đó bệ hạ hãy truyền lệnh cho thái tử sang nước Anh tức khắc, hay là giam giữ ở một nơi nào tu cao kiến của bệ hạ quyết định.
Vua - Phải làm như thế mới được. Không thể coi thường sự điên dại ở những kẻ có tài và có địa vị.
V. Văn mẫu