Tài liệu tác giả tác phẩm Đền tháp vẫn ngủ yên Ngữ văn lớp 9 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Đền tháp vẫn ngủ yên lớp 9.
Tác giả tác phẩm: Đền tháp vẫn ngủ yên - Ngữ văn 9
1. Thể loại
- Tác phẩm Đền tháp vẫn ngủ yên thuộc thể loại: văn bản thông tin.
2. Xuất xứ
- Theo QUỲNH TRANG, Tạp chí Di sản – Heritage, tháng 7-2013.
3. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, thuyết minh.
4. Tóm tắt
Văn bản giới thiệu cho người đọc những thông tin thú vị về kì quan Ăng-co (Angkor) ở Cam-pu-chia (Campuchea) như: thời gian hình thành, vật liệu xây dựng, những nét độc đáo của khu đền, ý nghĩa của di tích lịch sử này.
5. Bố cục đoạn trích
- Phần 1 (từ đầu … sự có mặt của con người): Xiêm Riệp được coi là thành phố bình yên dù có lượng khách du lịch lớn.
- Phần 2 (còn lại): Giới thiệu những ngôi đền cổ kính ở thành phố Xiêm Riệp.
6. Giá trị nội dung
- Văn bản Đền tháp vẫn ngủ yên tập trung giới thiệu về công trình xây dựng có giá trị: khu đền Ăng-co - địa điểm thu hút khách du lịch đến với thành phố Xiêm Riệp. Qua đó thể hiện thái độ tôn kính với di sản của bậc tiền nhân để lại, sự hài lòng về thành phố Xiêm Riệp cũng như cảm xúc mãn nguyện khi được khám phá khu đền cổ Ăng-co.
7. Giá trị nghệ thuật
- Lần lượt trình bày các thông tin theo trật tự không gian.
- Mạch lạc, rõ ràng, chính xác.
1. Giới thiệu về Thành phố bình yên
- Kinh đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế quốc Khmer.
- Vật liệu xây dựng là đá ong và sa thạch.
- Các khu đền: Bai-on, Ta Prom, Ăng-co Vát.
- Nhan đề Đền tháp vẫn ngủ yên giúp người đọc hình dung ra một khu vực với nhiều đền tháp huyền bí, ngủ yên trong sự êm đềm của thành phố.
2. Đặc điểm của văn bản thông tin thông qua văn bản đọc
- Văn bản tập trung giới thiệu về công trình xây dựng có giá trị: khu đền Ăng-co - địa điểm thu hút khách du lịch đến với thành phố Xiêm Riệp.
- Văn bản nêu được các chính sách hiệu quả của chính quyền Cam-pu-chia trong việc bảo tồn, gìn giữ sự cổ kính của khu quần thể Ăng-co: các khách sạn, resort đều mang kiến trúc Khmer (mái ngói đỏ tươi để phân biệt với màu đá rêu phong của đền tháp), chiều cao của các tòa nhà không được cao hơn 65 mét (vì ngôi đền cao nhất trong quần thể Ăng–co cao 65 mét) => thể hiện lòng tôn kính của thế hệ sau với di tích mà bậc tiền nhân để lại.
- Các thông tin giới thiệu trong văn bản được trình bày theo trật tự không gian: từ khi vào trung tâm thành phố cho đến khi tới khu quần thể Ăng-co.
=> Đặc điểm và mục đích của văn bản này đều nhằm cung cấp thông tin chính xác, rõ ràng đến người đọc.
IV. Đọc tác phẩm: Đền tháp vẫn ngủ yên
ĐỀN THÁP VẪN NGỦ YÊN
Xiêm Riệp (Siem Reap) là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới hẳn nhiên bởi thành phố này sở hữu kì quan Ăng-co với bao điều bí ẩn. Quần thể đền tháp Ăng-co dẫu không còn nguyên vẹn nhưng những gì được phát hiện và bảo tồn đến nay đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Qua hàng trăm năm, đền tháp huyền bí như vẫn ngủ yên trong sự êm đềm của thành phố Xiêm Riệp.
THÀNH PHỐ BÌNH YÊN
Sân bay Xiêm Riệp cách trung tâm thành phố khoảng 10 ki-lô-mét với chừng 15 phút chạy xe buýt. Những con đường tiến về trung tâm rộng mở với hai bên khách sạn, rì-sọt san sát là dấu hiệu để nhận biết Xiêm Riệp ngày càng có sức hút du lịch. Nhưng sự phát triển của một thành phố du lịch không làm cho Xiêm Riệp mất đi nét đẹp đặc trưng của mình. Chính quyền Cam-pu-chia đã ban hành những quy định về xây dựng, kiến trúc để Xiêm Riệp lưu giữ được bản sắc, hoà hợp với sự cổ kính của quần thể Ăng-co. Hầu hết các khách sạn hay rì-sọt đều mang phong cách kiến trúc Khmer với mái ngói đỏ tươi để phân biệt với màu đá rêu phong của những đền tháp. Chiều cao của các toà nhà không được cao hơn ngôi đền cao nhất trong quần thể Ăng-co, tức là 65 mét. Điều đó thể hiện lòng tôn kính của chính phủ cũng như người dân Cam-pu-chia với di sản mà tiền nhân để lại.
Là thành phố lớn thứ hai Cam-pu-chia và mỗi ngày đón hàng nghìn khách du lịch nhưng Xiêm Riệp mang đến cho tôi cảm giác bình yên bởi đường phố không có cảnh xe cộ hỗn độn hay ùn tắc. Trật tự an ninh khá tốt dù hoạt động về khuya ở các khu phố chính hay chợ đêm luôn nhộn nhịp. Và chính cái dáng vẻ hiền lành, chất phác của người dân Xiêm Riệp với đa phần là người Khmer đã tạo sự tin tưởng và thân thiện với du khách.
Ngay cả ở những khu di tích tập trung đông người cũng đều tuân thủ theo trật tự, quy củ từ cách quản lí vé vào cửa, hướng dẫn khách du lịch đến việc bảo vệ môi trường. Những ngôi đền ở Ăng-co Vát (Angkor Wat) và Ăng-co Thom (Angkor Thom) như vẫn tĩnh tại trong rừng xanh chỉ có rêu phong, cây cối bao bọc mà ít bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của con người.
NHỮNG NGÔI ĐỀN CỔ KÍNH
Thời gian lí tưởng nhất để khám phá Ăng-co là vào mùa khô từ tháng Mười Một đến tháng Tư. Dù vậy, vào mùa hè với mưa nắng thất thường của xứ nhiệt đới, dòng người xếp hàng dài vẫn kiên nhẫn chờ đến lượt mua vé để tham quan hai quần thể nổi tiếng nhất ở Xiêm Riệp là Ăng-co Vát và Ăng-co Thom.
Được xây dựng vào cuối thế kỉ XII, Ăng-co Thom xưa kia chính là kinh đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế quốc Khmer.
Nằm trên diện tích đất vuông vắn với chiều dài 3 ki-lô-mét và chiều rộng 3 ki-lô-mét, những di tích còn lại đến nay là cụm đền thờ các vị thần và tổ tiên của các vương triều Khmer. Vật liệu chính được sử dụng để xây dựng các ngôi đền là đá ong và sa thạch. Các sử gia cũng như giới khảo cổ luôn tìm lời giải cho những thắc mắc về cách xây dựng nên công trình của người Khmer. Cách lí giải hợp lí có cơ sở khoa học là người xưa đã sử dụng một hệ thống kênh đào để vận chuyển những khối đá nặng đến 1,6 tấn từ mỏ đá, vượt qua hơn 30 ki-lô-mét đến công trình xây dựng.
Nằm ở trung tâm của quần thể Ăng-co Thom là đền Bai-on (Bayon) - ngôi đền nổi tiếng cả về quy mô cũng như kiến trúc. Với 54 tháp lớn nhỏ, mỗi tháp chính là một bức tượng có bốn mặt quay về bốn hướng. Những bức tượng có bốn mặt đều mim cười là đại diện cho vị thần nào, thể hiện triết lí từ, bi, hỉ, xả của nhà Phật hay chính là gương mặt vua Giai-a-vác-man (Jayavarman) VII, đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Bai-on được xem là một kiến trúc kì lạ mà lãng mạn bởi các tháp tượng bằng đá nhưng đường nét lại thanh thoát, tự nhiên với những khuôn mặt bao dung mà vô thường.
Đền Ta Prom (Ta Prohm) nằm ở phía đông của Ăng-co Thom, cũng là nơi được nhiều du khách viếng thăm. Ta Prom vừa là một tu viện Phật giáo vừa là nơi vua Giai-a-vác-man VII tôn vinh hoàng tộc. Đến đời vua Giai-a-vác-man VIII thì ông ra lệnh phá huỷ những hình tượng mang dấu ấn Phật giáo để thay vào những hình tượng Bà La Môn (Brahman). Vì thế, những dấu tích kiến trúc, điện thờ còn lại đến nay có sự pha trộn giữa Phật giáo và Bà La Môn. Đây là một di tích được lưu giữ trong trạng thái nguyên vẹn như lúc phát hiện vào thế kỉ XIX nên có thể nhìn thấy những cây cổ thụ ôm cuốn quanh đền một cách kì lạ và ma quái. Nhiều điện thờ bị rễ cây xâm lấn nặng nề nên việc bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn.
Tuyệt đỉnh kiến trúc Khmer chính là khu đền Ăng-co Vát. Du khách thường viếng thăm nơi này vào buổi chiều, khi có ánh Mặt Trời chiếu thẳng vào chính điện quay về hướng tây. Chưa có sự giải thích thoả đáng cho câu hỏi vì sao Ăng-co Vát quay mặt về hướng tây trong khi tất cả các ngôi đền ở Ăng-co đều quay về hướng đông.
Tưởng chừng như không gặp may khi cơn mưa chiều xối xả ập đến nhưng cũng vì mưa mà chúng tôi đã có cơ hội khám phá Ăng-co Vát với những cảm xúc, kỉ niệm khó quên. Đường vào như dài hơn với những dáng người liêu xiêu trong mưa. Mưa gió ào ạt quất tới tấp. Còn vài người chúng tôi kiên trì đội mưa và đặt chân đến chính điện cũng là lúc mưa ngừng rơi. Men theo hành lang dài hun hút, chỉ còn vài bóng người chìm trong suy tư, ngắm nhìn những tuyệt tác điêu khắc trên đá của nghệ nhân Khmer. Đây được coi là bức tranh đá được chạm khắc bằng tay dài nhất và lớn nhất thế giới với chiều cao 2,5 mét chạy xuyên suốt 800 mét dọc hành lang của tầng một ngôi đền. Những nét chạm khắc tinh xảo mà mềm mại đã mô tả sinh động các câu chuyện sử thi hào hùng, những chiến công của vua Su-ri-a-vác-man (Suryavarman) II - người cho xây dựng đền Ăng-co Vát. Tầng hai của ngôi đền là các gian điện thờ thần Vi-xnu (Visnu) của Ấn Độ giáo. Đặc biệt, tại tầng hai có rất nhiều bức điêu khắc với hình ảnh tiên nữ Áp-sa-ra (Apsara) được tạc trên đá. Hàng nghìn tiên nữ với dáng vóc và khuôn mặt biểu cảm được thể hiện rất sống động. “Thiên đàng” ở tầng ba, cách mặt đất 65 mét, được dẫn lối bằng một cầu thang dốc đứng, hẹp và luôn phải cúi đầu khi bước lên. Không nhiều người đặt chân được lên “thiên đàng” nhưng phần thưởng cho ai can đảm khi qua được những nấc thang thử thách là cơ hội tuyệt vời để nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Xiêm Riệp cũng như quần thể đền tháp Ăng-co. Ước mơ đã thành hiện thực khi tôi được đặt chân đến kinh đô của những đền đài cổ kính để chiêm ngưỡng sự kì vĩ của tuyệt đỉnh kiến trúc Khmer, để chạm tay vào những tượng đá hàng nghìn năm tuổi và để có những khoảnh khắc lắng đọng ở xứ Chủa Tháp thanh bình.
V. Văn mẫu
Đề bài: Bằng những hiểu biết của mình, em hãy giới thiệu một di tích lịch sử về kiến trúc xây dựng ở Việt Nam.
Chùa Một Cột hay còn có các tên gọi khác là chùa Mật, Nhất Trụ Tháp, Liên Hoa Đài, Diên Hựu tự, là một trong những công trình kiến trúc có thiết kế độc đáo nhất nước ta còn tồn tại đến ngày hôm nay (đã trải qua một lần đại tu vào năm 1955 sau trận đánh phá của Pháp). Hiện nay chùa tọa lạc tại phố Chùa Một Cột, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, người đứng đầu là trụ trì Đại đức Thích Tâm Kiên. Ngôi chùa được khởi công xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tông vào khoảng mùa đông tháng mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất. Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa tương truyền là xuất phát từ giấc mơ của vua Lý Thái Tông, khi nhà vua trong một lần nằm ngủ đã mơ thấy được Phật bà Quan m dắt tay đi lên tòa sen. Chính vì thế vua đã theo lời khuyên của nhà sư Thiền Tuệ, xây một ngôi chùa dáng hình giống đài sen, dựng trên một trụ lớn nằm giữa hồ sen. Đến nay qua nhiều triều đại, chùa Một Cột ít nhiều được tu sửa, nâng cấp nhiều lần, tuy nhiên vẫn luôn giữa được đúng kiến trúc, cũng như dáng vẻ của nó từ thời Lý. Ngày nay chùa Một Cột được xếp vào dạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, đồng thời được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất" trong khu vực.