Tài liệu tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài lớp 9.
Tác giả tác phẩm: Kẻ sát nhân lộ diện - Ngữ văn 9
I. Tác giả Sác-lơ Uy-li-am
1. Tiểu sử
- Sác-lơ Uy-li-am (1886 – 1945), là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, nhà thần học và nhà phê bình văn học người Anh.
- Phần lớn cuộc đời của ông diễn ra tại London, nơi ông sinh ra
2. Sự nghiệp
Williams bắt đầu làm việc năm 1904 trong một hiệu sách của nhà thờ Methodist. Đến năm 1908, ông được tuyển dụng vào Nhà xuất bản Đại học Oxford (OUP) với vai trò trợ lý đọc bản in và nhanh chóng thăng tiến lên vị trí biên tập viên. Ông tiếp tục làm việc tại OUP cho đến khi qua đời vào năm 1945.
Trong sự nghiệp của mình, ngoài tiểu thuyết, Williams còn xuất bản nhiều tác phẩm thơ, phê bình văn học, thần học, kịch, lịch sử, và tiểu sử. Một số tiểu thuyết nổi tiếng của ông bao gồm "War in Heaven" (1930), "Descent into Hell" (1937) và "All Hallows' Eve" (1945).
1. Thể loại
- Tác phẩm Kẻ sát nhân lộ diện thuộc thể loại: truyện trinh thám.
2. Xuất xứ
- In trong Đêm Chủ nhật dài, Trịnh Huy Ninh dịch, NXB Công an nhân dân, 2004.
3. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: tự sự.
4. Tóm tắt
Mọi người vẫn đang bàn luận về vụ chiếc phong bì, đợi 1 cuộc điện thoại. Oa-rân bị cảnh sát trưởng một mực khẳng định là hung thủ, và kể lại tỉ mỉ cho cảnh sát trưởng nghe về màn kịch gia đình cuối cùng. Cuộc điện thoại gọi đến, nhưng chỉ được 2 câu, cảnh sát trưởng đã dập máy rồi bỏ đi, khoảng 20 phút. Sau đó Sca-lân được Ba-rơ gọi điện, kể cho ông ta về chỗ Oa-rân đang ẩn náu, về cái phong bì, về Đen-mân. Nhưng thực chất đó chỉ là trò bịp của Ba-rơ và Oa-rân.
5. Bố cục đoạn trích
- Phần 1: cuộc đối thoại giữa Gioóc và Oa-rân về sự vụ chiếc phong bì.
- Phần 2: cuộc điện thoại tới và những sự việc liên tiếp xảy ra.
- Phần 3: Sca-lân được Ba-rơ gọi điện, kể cho ông ta về chỗ Oa-rân đang ẩn náu, về cái phong bì, về Đen-mân.
- Phần 4: sự thật đằng sau cái bẫy của Ba-rơ và Oa-rân.
6. Giá trị nội dung
- Văn bản “Kẻ sát nhân lộ diện” trích từ chương cuối của tác phẩm “Đêm chủ nhật dài” kể về sự việc kẻ sát nhân trong vụ án giết người đã bị “lật mặt nạ”.
7. Giá trị nghệ thuật
- Tình huống truyện đặc sắc, gay cấn.
- Sử dụng biệp pháp độc thoại nội tâm, góp phần thể hiện suy tư, cảm xúc của nhân vật.
1. Không gian, thời gian, bối cảnh và sự việc
- Không gian: Văn phòng cảnh sát - Quán ăn.
- Thời gian: sáng chủ nhật.
- Sự việc:
+ Mọi người đang bàn luận về vụ chiếc phong bì, đợi 1 cuộc điện thoại.
+ Oa-rân bị cảnh sát trưởng một mực khẳng định là hung thủ, và kể lại tỉ mỉ cho cảnh sát trưởng nghe về màn kịch gia đình cuối cùng.
+ Cuộc điện thoại gọi đến, nhưng chỉ được 2 câu, cảnh sát trưởng đã dập máy rồi bỏ đi, khoảng 20 phút.
+ Sau đó Sca-lân được Ba-rơ gọi điện, kể cho ông ta về chỗ Oa-rân đang ẩn náu, về cái phong bì, về Đen-mân. Nhưng thực chất đó chỉ là trò bịp của Ba-rơ và Oa-rân.
2. Nhận xét nhân vật, sự kiện, ngôn ngữ trong văn bản
- Nhân vật thông minh, nhạy bén, có khả năng suy luận logic, phán đoán chính xác.
- Sự kiện có sự xâu chuỗi, hồi hộp, gợi sự tò mò.
- Chi tiết tỉ mỉ, nhỏ lẻ, nhưng là mấu chốt quan trọng.
- Nhận xét về cách sử dụng ngôn ngữ trong văn bản:
+ Tự sự: Giới thiệu nhân vật, sự kiện, diễn biến câu chuyện.
+ Miêu tả: Khắc họa chân dung nhân vật, bối cảnh, bầu không khí.
+ Biểu cảm: Thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật.
+ Đối thoại: Thể hiện tính cách, suy nghĩ của nhân vật, tạo sự sinh động cho câu chuyện.
+ Độc thoại: Thể hiện nội tâm, suy tư của nhân vật.
IV. Đọc tác phẩm: Kẻ sát nhân lộ diện
KẺ SÁT NHÂN LỘ DIỆN
Sác-lơ Uy-li-am
[Lược thuật phần cuối Chương XI, phần đầu Chương XII: Một cuộc thẩm vấn Oa-rân và các nhân chứng được thực hiện tại văn phòng cảnh sát trưởng Scan-lân trước sự chứng kiến của Gioóc Cle-mơn. Vụ án về cái chết của Đô-lô-vơn hai năm trước bất ngờ được lật lại. Qua lời khai của Đô-rơ (nhân chứng vụ án), các manh mối quan trọng về một người đàn ông giấu mặt, thủ phạm thật sự của ba vụ án giết người đã dần hiện ra. Tuy nhiên, cảnh sát trưởng vẫn một mực cho rằng thủ phạm giết Đan Rô-bớt, Phran-xơ chính là Oa-rân và hai vụ án này không liên can gì đến vụ án cái chết của Đô-lô-vơn. Đang lúc căng thẳng và bế tắc, Ba-brơ bất ngờ xuất hiện, báo cho Scan-lân biết có một người đàn ông tên là Ran-đô (Randull) đã thuê thám tử Đen-mân (Denman) theo dõi Phran-xơ trong bảy ngày cô ở Niu Ô-lin. Vị thám tử này nói rằng chiếc phong bì mà Ran-đô dùng để gửi tiền trả công cho anh ta vẫn còn và hẹn khoảng 30 phút sau sẽ gọi cho cảnh sát trưởng. Địa chỉ nơi gửi trên phong bì không viết tay mà được đánh máy. Ba-brơ cho rằng có thể xác minh dòng địa chỉ đánh máy trên chiếc phơng bì được gõ từ máy chữ nào, của văn phòng nào trong thành phố; nhờ đó, mọi chuyện sẽ rõ ràng.]
1. Tất cả ngồi im lặng một chút. Sau đó Scan-lân [ ... ] quay về phía Gioóc cười cợt.
- Tôi cảm thấy ông sẽ thất bại trong vụ này thôi. Nếu người ta xác minh được cái địa chỉ trên phong bì được đánh bằng chiếc máy chữ nào và bộ gõ ấy té ra là nằm trong văn phòng của Oa-rân thì qua tất cả các chứng cớ mà chúng tôi nắm được. Nói tóm lại, công chuyện của các ông sẽ đi đứt.
Gioóc lãnh đạm nhún vai.
- Các con chữ còn chưa được kiểm tra nên chưa thể nói chắc được.
Tôi liếc nhìn đồng hồ. Đã 7 giờ 35. Cô ấy nói sao nhỉ? Sau nửa tiếng nữa ông ta sẽ có mặt tại văn phòng, chỉ còn phải ăn sáng nữa thôi.
Gioóc thậm chí không thèm nhìn đồng hồ, hắn chăm chú nghe Scan-lân tiếp tục cuộc hỏi cung. Chiếc máy điện thoại đặt bên cạnh chúng tôi giống như trái bom nổ chậm, đen trụi và im lìm, một máy khác ở bên cạnh Gioóc, ngay dưới tay hắn. Hắn chẳng thèm để ý gì đến nó.
Không, dù sao thì chúng tôi cũng đã nhầm. Không thể có một hệ thần kinh vững vàng như vậy được. Còn nếu chúng tôi không nhầm thì rất có thể hắn đã đoán được từng đường đi nước bước của chúng tôi và đánh giá đúng như một tay cờ bạc nhà nghề. Không, chưa phải là đã mất tất cả - tôi nghĩ thầm. Ở địa vị hắn thì tôi sẽ đợi một lúc rồi sau đó sẽ viện một cái cớ gì đó để ra ngoài, vừa lịch sự vừa không gây nghi ngờ. Nhưng lạy chúa, cần phải có một ý chí và một sức chịu đựng như thế nào để bình tĩnh chờ đợi khoảng thời gian đó! Hắn còn chịu được bao nhiêu lâu nữa?
Scan-lân hỏi tôi một câu gì đó, thậm chí tôi chưa kịp nghe ra.
- Cái gì?
Ông ta ném cho tôi một cái nhìn cáu kỉnh và nói một cách khôi hài:
- Xin lỗi, ông Oa-rân, tôi đã làm ông chán ngấy vì những câu hỏi ngu ngốc! Nhưng số là, chắc ông cũng rõ, trong thành phố có hai người bị giết và chẳng hiểu sao ai cũng trở nên khó tính, người ta muốn biết ai đã làm việc đó mà.
- Tuyệt lắm. Ông hãy thoả mãn tính hiếu kì của họ đi.
- Ông đã sẵn sàng lên tiếng chưa?
- Tôi chỉ làm mỗi một việc đó từ lúc bị người ta lôi tới đây. Xin tuyên bố rằng tôi không có tội gì hết. Nhưng những câu trả lời của tôi không được cái đầu của ông đón tiếp tử tế, chúng chui vào tai này rồi lại chui qua tai kia. 7 giờ 39 phút.
[ ... ]
Tôi kể lại tỉ mỉ cho cảnh sát trưởng nghe về màn kịch gia đình1 cuối cùng trong nhà tôi.
- Có lẽ qua thái độ của tôi mà vợ tôi, cầu chúa thứ tội cho cô ấy, cho rằng tôi đã giết Rô-bót. [ ... ] Dù sao thì Phran-xơ cũng cho rằng đã đến lúc phải chuồn. Nhưng cô ta không còn lấy một xu, biết tìm đâu ra tiền để đi đường? Tất nhiên là không thể hỏi xin tôi! Bởi vậy cô ta mới phải gọi tên kia.
- Vậy thì tại sao hắn lại phải giết cô ta một khi đằng nào thì cô ta cũng rời khỏi thành phố? Cô ta có thể làm gì được hắn?
- Ngài "X" không tin cô ta vì cô ta là một kẻ hết sức thiếu thận trọng. Ông cũng đã xem hồ sơ cô ta rồi. Sớm hay muộn Phran-xơ cũng sẽ sa lưới. Nhưng còn điều quan trọng nhất - hắn căm ghét cô ta.
7 giờ 44 phút.
Đôi tay bị cùm của tôi đặt trên bàn một cách mệt mỏi và tuyệt vọng. Đồng hồ tường treo ngay trước mặt đã được 9 phút rồi ... không, 10 phút.
2. Chuông điện thoại réo lên và tiếng chuông nghe như tiếng sét đánh. Nếu như hắn không kêu rú lên, không nhảy dựng lên đến trần nhà thì quả là hắn không có dây thần kinh thật. Hoặc là hắn vô tội. Tôi lại liếc nhìn hắn. Mặt Gioóc vẫn bình thản như trước, như thể hắn chẳng nghe thấy gì hết. A không! Hắn hơi quay đầu nhìn Scan-lân đang nhấc ống nói.
- Văn phòng cảnh sát trưởng Scan-lân đây!
Tất cả đều chăm chú theo dõi ông ta.
- Á, à, tôi biết rồi. - Cảnh sát trưởng nói.
[ ... ]
- Nhưng mà quỷ cứ bắt tôi đi, bà nó ạ! Tôi không thể rời khỏi đây được, ừ, ừ, tôi biết, đúng là tôi chưa ăn sáng. Và không ngủ nữa, ừ tôi biết chứ. Và không khiến bà phải nhắc tôi. Không, chừng nào chưa xong là tôi chưa ra khỏi đây đâu.
Scan-lân bỏ máy.
Gioóc vén tay áo nhìn đồng hồ.
- Thật đúng lúc, về khoản ăn sáng ấy mà, ông cảnh sát trưởng. Có lẽ ông còn hành hạ Giôn lâu chứ?
- Với cái gã này thì còn phải đánh vật lâu đấy.
Scan-lân đáp với vẻ tuyệt vọng.
Gioóc đứng dậy.
- Nếu vậy tôi nghĩ rằng chắc ông không phàn nàn nếu tôi chạy qua tiệm Phu-lơ (Fuller) kiếm miếng gì bỏ miệng chứ? Thú thật là tôi đã đến đây với cái bụng lép kẹp đấy.
Hắn quay sang phía tôi.
- Hiện thời tôi không giúp gì cho anh được. Giôn ạ. Chừng 20 phút nữa tôi sẽ trở lại. Anh không phản đối chứ?
- Không. - Tôi còn biết nói gì được nữa?
- Hay bảo Phu-lơ đem cho anh cái gì nhé?
- Không, cảm ơn. Thú thật là thậm chí tôi không thể nghĩ đến chuyện ăn nữa ... Gioóc đi khỏi. Khi cánh cửa đã đóng lại sau lưng hắn, tất cả đều lặng đi. Scan-lân và Mao-hô-len (Malholand)1 đưa mắt nhìn nhau đầy ngụ ý. Cảnh sát trưởng gật đầu, Mao-hô-len bước ra và ngay lúc đó Ba-brơ đi vào. Hình như cô đã chờ sẵn đâu đó ở phòng bên. Tiến đến gần bàn, Ba-brơ ngồi xuống cạnh tôi.
- Nối điện thoại vào hệ thống truyền thanh nội bộ! - Scan-lân ra lệnh cho Briu (Brill).
Anh ta hấp tấp đi như chạy vào phòng làm việc của riêng cảnh sát trưởng vẫn đang để ngỏ cửa. Ba người chúng tôi: Ba-brơ, cảnh sát trưởng và tôi - vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, mắt nhìn dán vào chiếc máy điện thoại. Scan-lân chăm chú nhìn Ba-brơ, cặp mắt ông ta sắc như mảnh chai.
- Không bao giờ dám nghĩ rằng tôi lại phải đi cái bước phiêu lưu thế này. Nếu như trong tôi không còn le lói một tia hi vọng rằng cô nói đúng thì tôi sẽ không lôi thôi, dài dòng mà cứ lôi tuột cô vào xà lim. Cô đấy, thưa tiểu thư, chính cô! Cùng với Giôn Oa-rân đáng kính của cô nữa!
Ba-brơ không nói gì, chỉ nhìn tôi và cố gắng mỉm cười. Nhưng cô không cười được. Một hoặc hai phút trôi qua. Sáng Chủ nhật lúc sớm sủa thế này thì chỉ trong vòng hai ba phút là có thể chạy được suốt từ đầu này đến đầu kia thành phố. Tất cả phải xảy ra đúng vào những phút này.
Một phút, rồi một phút nữa ... Chốc chốc tôi lại liếc nhìn điện thoại và nhìn Ba-brơ. Cô cúi gục đầu, mắt nhắm nghiền. Tay cô đặt trên bàn, những ngón tay gõ thành một nhịp điệu lạ lùng.
Chuông điện thoại réo. Ba-brơ nín thở. Rồi cô ho khẽ, sờ soạng rút trong túi xách ra chiếc khăn tay và áp nó lên miệng.
Scan-lân cầm ống nói. Ông ta nghe, sau đó cám ơn cô điện thoại viên và nói với Briu:
- Buồng điện thoại ở góc đường Cle-bon (Cleburn) và Ma-sơn (Marson).
Ba-brơ hai tay ôm mặt và cố nén cơn nức nở.
3. Tôi thấy Briu nhắc lại lời cảnh sát trưởng bằng máy điện thoại kia, có lẽ là cho xe tuần tiễu. Scan-lân tiếp tục nghe. Briu ra khỏi phòng làm việc. Ngay đó Scan-lân ra hiệu đặt ống nghe lên tai tôi và để ngón tay lên môi. Briu đem máy điện thoại đến gần và áp ống nghe vào tai tôi.
- ... Ông cho rằng cái phong bì vẫn còn ở đó?
Đúng là giọng Gioóc.
- Thực tình thì tôi không dám chắc lắm. - Một giọng đàn ông khác trả lời. - Như tôi đã nói, tôi vừa mới định đến văn phòng để xem lại giỏ rác.
- Còn tôi tin chắc như đinh đóng cột là ở đó không có cái phong bì nào hết! Đã bao nhiêu lâu rồi còn gì. À, mà chắc ông thích đánh cuộc phải không ông Đen-mân?
- Sao lại không? Thỉnh thoảng tôi cũng khoái chơi trò đó, nếu như đáng công.
- Tôi có thể cuộc bất kì cái gì rằng ông sẽ chẳng tìm thấy gì ở văn phòng mình hết.
- Hừm ... Bất kì cái gì? Nếu nói rõ hơn?
- Chẳng hạn hai ngàn đô la?
- Thôi thôi, ông Ran-đô1! Thật chẳng nghiêm túc gì cả. Ở đây có vẻ đang bốc mùi thịt nướng ay, thế ma ông lai muon toi thủ tieu mot tang vat quan trong!
- Ai nói rằng ông phải thủ tiêu một tang vật nào đâu! Tôi không hề nói như vậy. Chỉ đơn giản là ông phải tìm thấy một vật gì đó còn tôi thì tin chắc rằng vật đó đã bị quẳng đi cách đây năm hôm rồi! Và chỉ có thể thôi! Tôi xin cuộc bốn ngàn ăn một rằng, ông sẽ không tìm thấy gì!
- Năm!
- Ok. Nhưng ông hãy hiểu tôi cho đúng, không thêm một cắc nào đâu đấy.
Lúc ấy bỗng có tiếng gì lạo xạo.
- Tôi sẽ bắt hắn - Mao-hô-len nói giọng khàn đặc. Hắn không thoát nổi tay tôi đâu.
- Được, đưa ngài “X" đến đây! - Scan-lân nhẹ nhõm thở ra. Sau đó, ông ta nói thêm vào máy. - Cám ơn Đen-mân.
- Vẽ chuyện! - Nghe có tiếng cười. - Nghĩa vụ của chúng tôi là giúp đỡ cảnh sát. Còn hoa đơn thanh toán tôi sẽ gửi cho cô Rai-ơn (Ryan), xin ông báo giúp cô ấy rằng khá tốn kém đấy! Chẳng gì cũng là sự giúp đỡ của các chuyên gia có cỡ, đắt giá lắm chứ!
Scan-lân bỏ máy. Briu cầm ống nghe đặt xuống bàn rồi tháo cùm cho tôi. Hai tay tôi tê dại, cổ tay tím bầm. Tôi lắc lắc cổ tay cho xuống máu sau đó quàng tay phải ôm lấy vai Ba-brơ.
Cô đờ người, quay về phía tôi. Cằm cô run lên, còn trên má là mấy giọt nưóc mắt to tướng như nước mắt trẻ con lăn dài.
4. [Ngay lập tức, Gioóc bị cảnh sát giải về đồn, Oa-rân đưa Ba-brơ đi ăn và được cô kể lại câu chuyện liên quan đến màn kịch dụ Gioóc sập bẫy vừa rồi.]
- Chuyện xảy ra như thế nào?
- Thú thật lúc đầu vì hồ đồ nên tôi tưởng chỉ cần đến gặp Scan-lân và kể cho ông ta về chỗ anh đang ẩn náu, về cái phong bì, về Đen-mân, thì tất cả mọi việc sẽ đâu vào đó. Thế nhưng mà không! Nói chuyện với cảnh sát quả là khó thật! Họ liền lôi còng số 8 và xà lim ra doạ liền! Tóm lại nói chuyện với họ một cách hoà bình là không thể được. Lúc ấy, tôi chợt nhớ đến những cuốn phim điều tra hình sự mà tôi đã xem và đề nghị hợp tác, có thể nói là giúp đỡ Scan-lân: Ông ta cho phép tôi điện thoại cho anh, còn về phần mình, tôi phải cố gắng thuyết phục anh tự nguyện đầu hàng. Anh nghĩ xem, đành phải doạ ông cảnh sát trưởng thôi. Vì đây là tính mạng mấy con người, Oa-rân chẳng dễ gì chịu đầu hàng đâu, anh ta là một tay súng không phải xoàng2! Thực tình mà nói, tôi cũng không nghĩ rằng ông ta sẽ tin điều đó, nhưng hình như ông ta tin những nghi ngờ của tôi đối với Cle-mơn. Tuy chỉ mới tin một nửa thôi. Dù sao thì ông ta cũng đã đồng ý.
- Làm thế nào mà cô nhét được vào đầu ông ấy cái sự kiện là cô biết tôi trốn ở đâu? Chắc cô không nói rằng chúng ta đã xỏ mũi ông ấy suốt cả một ngày đấy chứ?
- Không, dĩ nhiên là không. Tôi chỉ báo cho ông ta biết rằng anh đã điện thoại đến văn phòng cho tôi và hỏi đủ thứ về Cle-mơn bởi vì trước đây tôi làm việc cho hắn. Ngoài ra anh còn trao đổi với tôi một số nghi vấn của mình và khi anh bỏ máy tôi thấy, với tư cách là một công dân, tôi có nghĩa vụ phải báo cho ông ta biết về nơi anh ẩn náu để tránh cái gọi là đổ máu vô ích.
Tôi nhìn cô khâm phục:
- Cô có biết không, Ba-brơ, tôi hết sức gặp may là cô đã đứng về phe tôi. Nhưng làm sao cô nghĩ ra được cái kế phong bì? Chính điều đó đã đánh gục Gioóc!
- Thì anh đã chẳng nói là hắn hết sức ranh ma nên không bao giờ trông chờ vào sự rủi may đó sao? Người ta bẫy cáo, theo chỗ tôi biết, chính là dựa vào sự ranh ma của nó! Lẽ dĩ nhiên lão luật sư phải tin chắc một trăm phần trăm rằng cái phong bì từ lâu đã bị vứt vào đường ống dẫn rác rồi. Cho rằng hắn đã chắc đến chín mươi chín phần trăm. Nhưng Cle-mơn không phải là người chịu bỏ qua cái khả năng của thậm chí một phần trăm ấy. Và hắn quyết định phải được bảo đảm một trăm phần trăm. Hơn nữa, Cle-mơn hiểu rằng nếu Đen-mân chịu thì hắn sẽ chẳng gặp thêm mối nguy hiểm nào nữa. Còn 2 000 đô la - Đó là một món khá lớn, nhất là đối với tay thám tử tép riu như Đen-mân.
- Quả thật cô đã làm cho Cle-mơn mắc câu khéo quá! Nhưng tôi cảm thấy không khí tâm lí ở văn phòng cảnh sát trưởng đã tác động tới hắn nhiều hơn cả. Chờ đợi điện thoại mà điện thoại cứ im lìm ... Thời hạn nửa tiếng đồng hồ ... Rõ ràng hắn không thể ra khỏi văn phòng ngay sau khi cô nói về cái phong bì đã châm lửa vào dây cháy chậm! Sự vội vã như vậy đối với mọi người quả là đáng ngờ. Thế là tên đao phủ đành phải ngồi lại, bắt buộc phải giữ vẻ bình tĩnh mà chờ Đen-mân không biết lúc nào sẽ gọi điện đến. Rồi cuối cùng thì chuông điện thoại cũng réo lên! Hoá ra là bà Scan-lân chỉ muốn quan tâm, hỏi han ông chồng.
Ba-brơ lắc đầu.
- Đó là tôi đấy!
- Cái gì?
- Theo kịch bản thì phải có cái màn ấy. Tôi nghĩ rằng giá mà giáng cho Cle-mon một đòn tâm lí chí mạng thì hay. Và tôi quyết định: Một cú điện thoại như vậy có thể nói là một phát thử súng. Đó chính là điều mà chúng ta cần. Scan-lân đã đồng ý với tôi.
Tôi thở dài và nhăn nhó nói:
- Thú thật, nếu như sau này cô có định làm gì đó giống như vậy thì xin báo trước cho tôi hai, ba ngày. Tôi sẽ cố chuồn đến một nơi nào đó thật xa, đến Ốt-xtrây-li-a (Australia) chẳng hạn!
[ ... ]
V. Văn mẫu