Ngữ văn lớp 11 trang 75 Tập 2 Cánh diều

27

Với soạn Ngữ văn lớp 11 trang 75 Tập 2 Cánh diều chi tiết trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông? giúp học sinh dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn lớp 11. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Câu 3. (trang 75 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Qua việc khắc hoạ hình tượng sông Hương, nhà văn thể hiện tình cảm, thái độ gì đối với quê hương, xứ sở?

Trả lời:

C1:

Sông Hương khi chảy vào thành phố có nét đẹp riêng:

- Nếu ở trên, người đọc cảm nhận phần nào vẻ đẹp man dại, dịu dàng, trầm mặc của con sông, thì giờ đây con sông được khám phá, phát hiện ở sắc thái tâm trạng. Sông Hương gặp thành phố như đến với điểm hẹn tình yêu, trở nên vui tươi và đặc biệt chậm rãi, êm dịu, mềm mại.

- Ngòi bút của tác giả đã thực sự thăng hoa khi vẽ nên những hình ảnh đầy ấn tượng, những cảm nhận tinh tế, những liên tưởng, so sánh đẹp đến bất ngờ, lý thú, thể hiện tình yêu say đắm với con sông. Đó là những nét bút thật “dịu dàng, tình tứ, đắm đuối", “chiếc cầu trắng ở thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như một vầng trăng non", sông Hương “uốn một cành cũng rất nhẹ sang cồn Hiến", đường cung ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi như một tiếng “vâng" không nói ra của tình yêu, “nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh" làm dòng sông thêm lộng lẫy, con sông ngập ngừng như có “những vấn vương của một nỗi lòng, không nỡ rời xa thành phố...". Quả đúng như câu thơ của Thu Bồn:

Con sông dùng dằng, con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.

-> Tác giả dành tình cảm yêu mến đặc biệt cho con sông này, thấu hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của dòng sông.

C2:

Qua việc khắc hoạ hình tượng sông Hương, nhà văn thể hiện tình cảm, thái độ đối với quê hương, xứ sở: yêu mến, trân trọng đặc biệt với thiên nhiên và con người nơi đây

- Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nàng đem áo ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo lục điều với loại vải vân thưa màu xanh tràm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng.

- Có một dòng thi ca về sông Hương, và tôi hi vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ.

Câu 4. (trang 75 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Hãy chỉ ra tác dụng của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong việc khắc hoạ hình tượng sông Hương và thể hiện cảm xúc của nhân vật “tôi” qua một đoạn tiêu biểu trong văn bản.

Trả lời:

Tác dụng của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong việc khắc hoạ hình tượng sông Hương và thể hiện cảm xúc của nhân vật “tôi” được thể hiện rõ nét qua đoạn văn tiêu biểu trong văn bản miêu tả lại vẻ đẹp của con sông Hương từ khi ở Thượng Nguồn đến khi chảy qua Huế.

+ Việc miêu tả sông Hương ở nhiều phương diện đã cho thấy sự quan sát tinh tế và tình yêu thương của tác giả với nơi đây.

+ Chất trữ tình được vận dụng rõ nét bởi sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

Câu 5. (trang 75 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Qua văn bản, người viết gửi đến bạn đọc thông điệp gì? Hãy nêu lên giá trị văn hoá mà em hiểu được từ văn bản.

Trả lời:

C1:

Tác giả đã tô đậm cho con sông Hương ấy bao nét thơ thật dịu dàng, thơ mộng mà hoang dã, đa tình, lịch lãm và cổ kính. Từ góc độ văn hóa truyền thống lịch sử tác giả cũng đã khắc họa sông Hương với nét tính cách đăc biệt qua đó cũng tái hiện lại cho bạn đọc những hình ảnh trong lịch sử và gắn liền với những phẩm chất rất riêng của người Huế. Mà đặc biệt hơn là vẻ đẹp của người con gái Huế luôn nhẹ nhàng, bay bổng mà rất đằm thắm.

C2:

Qua văn bản, người viết gửi đến bạn đọc thông điệp về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người xứ Huế và tình yêu dành cho quê hương, đất nước. Con sông Hương với vẻ đẹp thơ mộng, đằm thắm, hoang dại, cổ kính ấy đã gắn chặt với dòng chảy của lịch sử đất nước, chứng kiến bao sự đổi thay, góp phần làm nên dáng hình xứ sở rất riêng Huế. Vẻ đẹp của Huế gắn với dòng sông là vẻ đẹp của truyền thống bản sắc văn hóa thấm nhuần trong đời sống con người.

Câu 6 (trang 75 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Văn bản đem lại cho em suy nghĩ gì trong việc nhìn nhận vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên quê hương mình? Hãy viết về một cảnh đẹp của quê hương em bằng một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng).

Trả lời

C1:

Đọc văn bản "Ai đã đặt tên cho dòng sông" đã khiến em suy nghĩ đến vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương mình và tầm quan trọng của việc đặt tên cho những địa danh tự nhiên. Một tên gọi thích hợp không chỉ giúp những địa danh đó dễ nhớ và dễ tìm kiếm mà còn giúp gợi lên những cảm xúc đặc biệt khi ngắm nhìn. Tuyên Quang - quê hương em là một vùng đất rộng lớn với nhiều cảnh quan đa dạng và đẹp mê hồn. Một trong những cảnh đẹp mà em yêu thích nhất ở đây chính là thác Na Hang. Khi đến thác Na Hang, chúng ta sẽ được chứng kiến những dòng nước trong vắt cùng với những cánh rừng xanh bát ngát khiến mình cảm thấy như đang đứng giữa thiên nhiên hoang sơ và yên bình. Những vách đá trùng điệp như xây chắc vững giữa dòng nước, mỗi giọt nước rơi xuống vực thẳm đều tạo ra âm thanh tuyệt vời như một dàn nhạc thiên nhiên. Những thác nước cao, nhìn mãi không thấy đỉnh. Đứng phía dưới ngắm lên, những thác nước như những giọt nước mắt không lồ của trời cao đang chảy xuống. Bầu trời trong xanh và nắng rọi tràn ngập tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp khiến em muốn đắm chìm vào đó mãi mãi. Cảm giác thích thú và hạnh phúc khi được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của quê hương mình luôn là điều mà em không thể quên được.

C2:

- Suy nghĩ về việc nhìn nhận vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên quê hương mình: Thiên nhiên Việt Nam được tạo hóa ưu ái ban tặng rất nhiều cảnh đẹp. Mỗi vẻ đẹp đều có dấu ấn riêng và được lưu dấu lại những giá trị lịch sử qua bàn tay bảo vệ và gìn giữ của con người. Chính vì vậy, chúng ta cần có ý thức trân trọng và bảo vệ những vẻ đẹp ấy để bản sắc thiên nhiên và văn hóa luôn trường tồn với thời gian.

- Viết về cảnh đẹp quê hương:

Nhắc đến cảnh đẹp Hà Nội, người ta thường hay nhắc đến những cảnh đẹp đặc biệt như Hồ Gươm, Chùa Một Cột, Lăng Bác, Văn Miếu,... nhưng có một địa danh ít nổi tiếng hơn nhưng nhắc đến tên thì ai cũng biết, đó là Tháp nước Hàng Đậu. Sừng sững hơn một thế kỉ qua đi, Tháp nước Hàng Đậu - hay còn được người dân thủ đô gọi với tên dân dã là bốt Hàng Đậu đã chứng kiến biết bao đổi thay của lịch sử. Được người Pháp xây dựng vào năm 1894, Tháp nước nằm tại ngã 6 của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng. Tháp nước được xây dựng với mục đích cung cấp nguồn nước sạch cho chính quyền Pháp đang đô hộ Bắc Kỳ lúc bấy giờ, và sau đó là cung cấp nước cho người dân thành phố. Giờ đây, dẫu việc cung cấp nước đã dừng lại từ lâu, nhưng tháp nước vẫn luôn ở đấy, trở thành di tích và dấu ấn lịch sử rất riêng của Hà Nội. Hình ảnh tháp nước hình trụ tròn nằm im lìm, cổ kính dưới tán lá, chứng kiến biết bao đổi dời của thủ đô sẽ luôn là hình ảnh đẹp trong lòng người dân Hà Nội.

Đánh giá

0

0 đánh giá