TOP 10 bài Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ 2024 SIÊU HAY

51.8 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ

Đề bài: Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ

Nỗi niềm chinh phụ - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức

Dàn ý Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ

1. Mở bài: Giới thiệu bài thơ được viết theo thể song thất lục bát mà em muốn phân tích: Nỗi niềm chinh phụ của Đặng Trần Côn

2. Thân bài:

a) Phân tích 12 câu thơ đầu: Nỗi niềm người chinh phụ khi vừa chia xa người chinh phu

Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống
Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay
Hà lương chia rẽ đường này
Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi.

Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu,
Kị sau còn khuất nẻo Tràng Dương.
Quân đưa chàng ruổi lên đường,
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng.

Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng,
Hàng cờ bay trong bóng phất phơ.
Dấu chàng theo lớp mây đưa,
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

- Khung cảnh diễn ra cuộc tiễn biệt người chồng ra chiến trận:

  • Địa điểm: người vợ đứng trên một cây cầu bắc ngang dòng sông
  • Âm thanh: tiếng nhạc ngựa, tiếng trống - báo hiệu đoàn quân chuẩn bị xuất binh, sắp rời đi
  • Hình ảnh: bóng cờ bay (cờ của quân đội),

→ Tiểu kết:

  • Hai vợ chồng trẻ vừa kết hôn đã phải chia xa, để chồng đến nơi chiến tranh nguy hiểm nên vô cùng bịn rịn, lưu luyến
  • Người vợ đứng yên nhìn chồng rời đi càng lúc càng xa, cho đến khi không thể nhìn thấy bóng chồng trong sự cô đơn, buồn bã, lo lắng, sầu não trăm bề

- Cảm xúc của người chinh phụ khi tiễn biệt chồng:

  • “đoạn trường”: chỉ nỗi đau đớn, xót xa vô cùng của người vợ khi tiễn chồng ra chiến trận, không rõ an nguy, ngày trở về
  • “ngẩn ngơ”: người vợ không còn tâm trí suy nghĩ cho bản thân, thẫn thờ vì chỉ nghĩ về chồng ở phương xa

→ Tiểu kết: Người chinh phụ tiễn chồng với những cung bậc cảm xúc:

  • Lưu luyến, quyến luyến những giây phút cuối cùng bên chồng trước khi chồng đi xa, không biết ngày trở về
  • Sự cô đơn, trống trải, vắng vẻ trong tâm hồn khi từ nay phải một mình ở nhà chờ chồng trong vô vọng
  • Buồn lo, sầu muộn về tương lai mờ mịt phía trước, về sự an nguy của người chồng khi anh đến nơi chiến trận

b) Phân tích 12 câu thơ cuối: Nỗi niềm người chinh phụ khi một mình ở nhà sau khi chồng đi xa

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ gối chăn.
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

- Biện pháp Đối:

  • đi >< về: Khắc họa sự trái ngược về hướng đi của hai vợ chồng, từ đó nhấn mạnh sự xa cách về địa lý của người vợ và người chồng càng ngày càng lớn dần
  • cõi xa >< buồng cũ: Tô đậm sự cô đơn, trống vắng của người vợ khi chồng ở nơi xa, còn bản thân trở về chốn cũ
  • mây biếc >< núi xanh: Hai địa điểm đối lập về vị trí: trên cao tít (mây biếc) và ở dưới mặt đất (núi xanh) tạo nên khoảng không gian xa cách rộng lớn vô cùng tận giữa trời và đất, khắc họa khoảng cách xa vời giữa hai vợ chồng
  • ngoảnh lại >< trông sang: Hai hành động đối lập nhau bởi thực hiện ở hai vị trí cách nhau rất xa, từ đó nhấn mạnh hành động quay người lại, hướng về nhau, ngóng trông nhau của hai vợ chồng
  • lòng chàng >< ý thiếp: Khắc họa sự quyến luyến, bịn rịn và tình cảm sâu nặng của hai vợ chồng dành cho nhau trước cảnh chia li, từ đó tô đậm hơn bi kịch của đôi vợ chồng trẻ

- Biện pháp tu từ ẩn dụ (hình ảnh "xanh xanh những mấy ngàn dâu", "ngàn dâu xanh ngắt")

  • Hình ảnh tả thực khung cảnh thiên nhiên nơi người vợ tiễn chồng đi chinh chiến
  • Hình ảnh dậm tính tượng trưng vì "ngàn dâu xanh" là một hình ảnh ước lệ:
    • Gợi liên tưởng tới hình ảnh "ngàn dâu bên đường" trong "Mạch thượng tang": lúc đầu ngàn dâu xanh chỉ ước muốn của người phụ nữ về người chồng tài năng và thành đạt, nhưng chính nó lại trở thành thứ khiến vợ chồng phải xa cách nhau. Từ đó, hình ảnh "ngàn dâu xanh" khắc họa cho tâm trạng đầy mâu thuẫn và cảnh ngộ trớ trêu của người chinh phụ (người chồng ra trận nếu lập công sẽ đem về vinh hoa phú quý, nhưng cũng khiến vợ chồng xa cách)
    • Gợi liên tưởng tới thành ngữ "thương hải tang điền" (biển xanh hóa thành nương dâu": ở đây "ngàn dâu" tượng trưng cho sự thay đổi, biến cố lớn của cuộc đời, đến mức chẳng còn gì giống với trước đây nữa. Từ đó giúp đẩy đến cao độ nỗi buồn khổ của người chinh phụ khi nghĩ về tương lai phía trước (sợ chồng không thể trở về đoàn tụ)

- Biện pháp Điệp:

  • Điệp từ cùng, thấy, ngàn dâu, ai: Khắc họa sự đồng điệu trong cảm xúc, suy nghĩ của hai vợ chồng, cho thấy tâm trí của cả hai người vẫn đang hướng về nhau với tình yêu thương sâu đậm và nỗi nhớ da diết
  • Điệp vòng: ngàn dâu (xuất hiện ở cuối câu 7 chữ và đầu câu 6 chữ tiếp theo): tạo vòng lặp kéo dài mãi của hình ảnh ngàn dâu, giúp kéo dài và mở rộng không gian, khắc họa sự mênh mông ngăn cách giữa hai vợ chồng

→ Tiểu kết: Tác giả sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ, kết hợp với bút pháp tả cảnh ngụ tình để khắc họa nỗi buồn lo, cô đơn, sợ hãi về tương lai phía trước của người chinh phụ khi một mình ở nhà chờ chồng ra chiến trận

3. Kết bài:

  • Khái quát một số nét đặc sắc về nghệ thuật, nội dung của bài thơ Nỗi niềm chinh phụ
  • Liên hệ mở rộng tới hình ảnh người chinh phụ trong những tác phẩm khác mà em biết (nàng Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương”)

Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ - Mẫu 1

Đề tài về người phụ nữ trong văn học trung đại luôn là một đề tài lớn được nhiều cây bút chọn để sáng tác. Những tác phẩm đó luôn giàu chất hiện thực và nhân đạo, trường tồn cùng thời gian, vượt qua cả quy luật băng hoại của lịch sử. Một trong số đó chính là tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn. Tác phẩm này được Đoàn Thị Điểm dịch lại theo thể thơ song thất lục bát của người Việt, chứa đựng sâu sắc những cung bậc cảm xúc của người chinh phụ. Trong đó, sâu sắc nhất, phải kể đến hai mươi bốn câu thơ trong đoạn trích “Nỗi niềm chinh phụ”.

Đoạn trích này chia thành hai mạch cảm xúc được xếp theo diễn tiến của thời gian. Từ khi người chinh phụ ra tiễn chồng về nơi chiến trận, cho đến khi nàng trở về nhà, bắt đầu sống chuỗi ngày cô đơn, mòn mỏi một mình. Ở mười hai câu thơ đầu, đoạn trích tập trung miêu tả khung cảnh nơi người chồng chuẩn bị cùng đoàn quân rời ra chiến trường. Đó là một không gian rộng lớn với sự xuất hiện của cả một đội quân hùng mạnh. Xung quanh tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống hào hùng, những bóng cờ bay phấp phới. Bởi vậy, mà bóng dáng của người phụ nữ đang đứng nép trên cầu càng trở nên nhỏ bé xiết bao. Tuy không muốn thừa nhận, nhưng giờ phút chia xa cũng đã “giáp mặt” rồi.

“Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu,
Kị sau còn khuất nẻo Tràng Dương.”

“Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng,
Hàng cờ bay trong bóng phất phơ.”

Các dòng thơ đã tái hiện lại hình ảnh đoàn quân của người chồng đang ngày càng đi xa hơn, dần khuất khỏi tầm mắt của người vợ. Nàng đã đứng yên ở đó, nhìn chồng mình càng lúc càng đi xa hơn, chỉ còn lại tiếng địch thổi vọng lại trong gió và hình ảnh những lá cờ bay phất phơ. Tác giả đã sử dụng điển cố “đoạn trường” để diễn tả trực tiếp nỗi đau đớn, thống khổ vô cùng của người chinh phụ trước hình ảnh này. Nỗi đau khi phải đứng im nhìn chồng đi đến nơi nguy hiểm trùng trùng, chẳng biết có ngày đoàn tụ hay không khiến người phụ nữ không còn thiết tha điều gì nữa. Nàng cứ thế đứng nhìn rặng núi nơi xa mà chồng đang đi qua đến ngẩn ngơ. Những hình ảnh đó cho thấy sự quyến luyến, nhung nhớ và yêu thương chồng vô cùng sâu sắc của người vợ trẻ. Càng như thế, sự cô đơn, buồn đau của nàng lại càng nổi bật và sâu đậm hơn bao giờ hết.

Bước sang mười hai câu thơ tiếp theo, tác giả Đặng Trần Côn đã sử dụng phép đối một cách hàng loạt, với nhiều hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Hai hành động “đi” của người chồng đối với hành động trở “về” nhà của người vợ. Họ di chuyển theo hai hướng hoàn toàn đối lập, khiến cho khoảng cách địa lí giữa hai người ngày càng lớn hơn. Hình ảnh người chồng ở nơi “cõi xa” còn người vợ về nơi “buồng cũ” chính là kết quả của sự xa cách về địa lí đó, vô hình chung lại càng tô đậm hơn sự xa cách của hai vợ chồng. Đồng thời nhấn mạnh thêm sự cô đơn, trống vắng của người vợ trẻ khi một mình ngồi trong không gian quen thuộc nhưng thiếu bóng dáng của chồng. Sự xa cách ấy còn được tác giả khơi sâu thêm với hình ảnh đối giữa “mây biếc” và “núi xanh”. Lần này, khoảng cách đó đã được kéo dài ra hơn nữa, đến mức không thể nào vượt qua, bởi con người chẳng ai có thể tiến tới bầu trời được cả. Từ đó, thể hiện sự xa cách đến vô vọng, không thể nào tưởng tượng hay gặp mặt lại được giữa hai vợ chồng. Nhưng dẫu vậy, đôi vợ chồng cũng chỉ xa cách về không gian, về thể xác mà thôi, còn trái tim của họ thì vẫn cận kề bên nhau, đồng lòng hướng về nhau. Điều đó được thể hiện qua hành động “ngoảnh lại” và “trông sang” cùng lúc của hai người như có thần giao cách cảm.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Bước sang khổ thơ cuối, nhà thơ đã tập trung sâu hơn vào khắc họa nỗi lòng của người chinh phụ ở hiện thực, khi chồng đã ở nơi rất xa. Chỉ trong bốn dòng thơ, tác giả đã sử dụng hàng loạt biện pháp tu từ điệp ngữ với các từ “cùng”, “thấy”, “ngàn dâu”, “ai”. Từ đó khắc họa sự đồng điệu, đồng lòng từ trong hành động và cả suy nghĩ của cả hai vợ chồng. Tuy cách xa nhau, nhưng họ đều cùng hướng về nhau, cùng mong nhớ và suy nghĩ cho nhau. Giữa hai người là hình ảnh “ngàn dâu” đã được ẩn dụ, hình tượng hóa. Nó gợi tới thành ngữ “thương hải tang điền” (biển xanh hóa thành nương dâu) để khắc họa những biến cố lớn của cuộc đời, khiến mọi thứ thay đổi đến chẳng thể nhận ra, không còn có thể trở về như lúc xưa nữa. Từ đó, “ngàn dâu” được Đặng Trần Côn sử dụng để gợi lên nỗi lo sợ của người chinh phụ về tương lai phía trước. Cô sợ hãi rằng mình và chồng chẳng thể tương phùng, trở lại những ngày tháng đoàn tụ ấm áp như khi xưa. Nhưng tác giả đâu chỉ dừng lại ở đó. Ông còn sử dụng biện pháp điệp vòng với hình ảnh “ngàn dâu” để khiến hai câu thơ như hòa làm một để kéo dài thêm khoảng cách giữa hai vợ chồng, để nhân đôi thêm sự lo sợ của người vợ trước tương lai vô định, mịt mờ ở phía trước. Cũng chính vì thế, mà ở dòng thơ cuối hình ảnh đối “lòng chàng” - “ý thiếp” bỗng nhiên được đặt cạnh nhau mà cũng không ai vui được. Bởi người chinh phụ hiểu rằng, giờ đây, không chỉ nàng mà cả chồng nàng cũng vô cùng đau khổ, buồn bã. Kết thúc đoạn trích với câu hỏi tu từ đó, là sự thắc mắc của người chinh phụ về tấm lòng của người chồng và cũng là câu hỏi mà nàng đang tự hỏi bản thân. Câu hỏi đó chẳng có ai trả lời được, vì chính nàng cũng không rõ nỗi đau đến đoạn trường của mình có phải đã là tận cùng của nỗi đau hay không. Câu trả lời có lẽ ngay cả tác giả và độc giả như chúng ta cũng chẳng thể tỏ bày. Chúng ta chỉ cảm nhận được sâu sắc nỗi đau đớn, buồn khổ, lưu luyến, nhớ nhung nồng đượm của nàng chinh phụ dành cho chồng của mình mà thôi.

Xuyên suốt đoạn trích “Nỗi niềm chinh phụ”, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận được những cung bậc cảm xúc của người chinh phụ khi tiễn chồng đến nơi chiến trận. Đó là sự lưu luyến không đành, là sự đau khổ, cô đơn, là sự lo lắng, dằn vặt về an nguy của chồng. Càng thương xót, đồng cảm cho hoàn cảnh của người chinh phụ bao nhiêu, chúng ta lại càng căm giận, lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa bấy nhiêu. Vì chúng mà người phụ nữ phải chịu cảnh chia li đầy đau đớn, buồn tủi và sự lo sợ về tương lai vô định phía trước. Bởi đâu ai biết liệu có còn ngày đoàn tụ và nếu có thì chắc gì đã được hạnh phúc như thuở ban đầu. Điều đó chẳng phải đã từng được gặp gỡ ở nàng Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” hay sao. Chính vì thế, mà tác phẩm “Nỗi niềm chinh phụ” trong “Chinh phụ ngâm” mới có thể xem là một kiệt tác của văn chương, mang đậm chất hiện thực và giá trị hiện thực sâu sắc.

Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ - Mẫu 2

Trong cuộc đời con người, khi phải chia tay tiễn biệt - người thân, hoặc bạn bè - ai mà chẳng buồn rầu. Trong các cuộc chia tay, đưa tiễn, có lẽ cuộc tiễn đưa người thân ra trận để lại trong lòng người nhiều nỗi buồn lo nhất. Tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc đã ghi lại cuộc chia tay như thế và hơn thế là: người chồng ấy ra đi không phải vì dân vì nước mà vì quyền lợi của giai cấp thống trị, ra đi để đàn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân ở nửa đầu thế kỉ XVIII trong xã hội phong kiến Việt Nam. Do đó, khi tiễn chồng ra đi, người vợ đã vô cùng buồn lo, sầu muộn.

Đoạn trích Chinh phụ ngâm khúc mà chúng ta được dọc trong sách Ngữ văn 7, tập một chính là một cuộc chia li ngập tràn nỗi buồn lo sầu muộn đó:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

...

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Điều đầu tiên ta cần lưu ý là: Tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc do ông Đặng Trần Côn sáng tác (khoảng năm 1741 - 1742) bằng chữ Hán, theo thể thơ tự do cổ điển. Sau đó, tác phẩm được một nữ sĩ cùng thời là bà Đoàn Thị Điểm dịch sang tiếng Việt (viết bằng chữ Nôm), theo thể thơ song thất lục bát. Song thất lục bát là thể thơ do chính người Việt Nam chúng ta sáng tạo ra. So với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú và lục bát, thơ song thất lục bát có nhạc tính phong phú hơn. GS. Phan Ngọc từng nhận xét: "Cần phải có hình thức ấy, tình cảm mới có thể mang hình thức một đợt sóng đi lên với hai câu thất, dừng lại ở câu lục ngắn gọn để toả ra trong câu bát dài nhất rồi lại vươn lên trong một khổ mới, cứ thế, đợt sóng tình cảm lên xuống ăn khớp với hình thức của ngôn ngữ".

Tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc là một bài thơ song thất lục bát, dài tới 408 câu đã thể hiện muôn vàn đợt sóng tình cảm của người chinh phụ - người vợ có chồng ra trận. Đoạn thơ trích nói trên tập trung thể hiện tình cảm hai vợ chồng trong những ngày đầu chia li. Đoạn thơ gồm ba khổ song thất lục bát, mười hai câu thơ, mỗi khổ ghi lại một cung bậc tình cảm. Khổ thơ thứ nhất:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Ghi cảm xúc phút đầu chia li. Tác giả dùng nghệ thuật đối lập: Chàng thì đi... thiếp thì về, miêu tả thật chính xác cảnh hai vợ chồng, hai phương trời đối nghịch mỗi lúc một cách xa nhau. Chồng đi vào cõi xa mưa gió biết bao gian khổ. Còn vợ thì buồng cũ chiếu chăn, sống cảnh đơn độc, vò võ, mòn mỏi với những đồ vật cũ kĩ, tàn tạ. Sự ngăn cách đã là sự thật khắc nghiệt. Nỗi sầu chia li nặng nề tưởng như phủ lên màu biếc của trời mây, trải vào màu xanh của núi ngàn. Các động từ "tuôn", "trải" kết hợp hình ảnh mây biếc, núi xanh gợi lên cái mênh mang, nét vần vũ, quằn quại của thiên nhiên vũ trụ khiến nỗi buồn chia li thêm da diết, rộng lớn tưởng đến không cùng. Nỗi buồn chia li tăng dần, trở thành nỗi sầu muộn dâng lên tràn ngập cả cõi lòng kẻ ở người đi.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Những địa danh Hàm Dương, Tiêu Tương không phải dùng để tả thực mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho hai vị trí xa cách của đôi vợ chồng. Ở khổ thơ thứ hai này, cũng vẫn bằng cách nói tương phản "Chàng còn ngoảnh lại... Thiếp hãy trông sang" phối hợp cách điệp từ và đảo vị trí của hai địa danh "Chốn Hàm Dương - Bến Tiêu Tương, Bên Tiêu Tương - Cây Hàm Dương", tác giả muốn chia đều cảm xúc của hai người, nhấn mạnh nỗi sầu xa cách. Tình cảm buồn thương, nhung nhớ cứ tăng dần, tăng dần.

Điều đó cho thấy sự chia li ở đây là chia li về cuộc sống và thể xác, còn trong tình cảm, tâm hồn hai vợ chồng ấy vẫn gắn bó thiết tha. Họ vẫn hướng về nhau, dõi theo, để tìm nhau, nhìn thấy nhau. Nhưng càng hướng về nhau thì không gian, thời gian càng đẩy họ xa nhau. Ở đoạn trên chỉ là "cách ngăn" đến đây sự cách ngăn thành "cách mấy trùng". Do đó, lời thơ không chỉ biểu hiện nỗi sầu chia li mà còn nhấn mạnh sự oái oăm, nghịch chướng: gắn bó mà phải chia xa, càng dõi nhìn nhau, càng không thấy nhau... Đến khổ thơ thứ ba thì nỗi sầu chia li, cảnh nghịch chướng càng tăng thêm nữa:

Càng trông lại mà càng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Ở đoạn này, nghệ thuật đối nghịch được bổ sung bằng những điệp từ, điệp ngữ rất ấn tượng : cùng, thấy, xanh xanh, xanh ngắt, ngàn dâu,... Ở trên, ít ra còn có tên hai địa danh Hàm Dương và Tiêu Tương gợi một ý niệm về địa điểm cụ thể, về vị trí hai người để có thể hướng tới nhau. Đến đây, mọi địa điểm, vị trí bị xoá mờ, hai hình hài chàng và thiếp cũng bị xoá mờ. Chỉ còn lại ngàn dâu, rất nhiều ngàn dâu nối nhau "xanh xanh" rồi "xanh ngắt" mênh mông khắp trời. Choán tất cả vũ trụ là màu xanh, xanh đến rợn ngợp, xanh não né, nhức buốt tận đáy lòng. Từ ghép "xanh ngắt" với thanh "sắc" ở tiếng "ngắt" như mũi kim chích vào da thịt vậy.

Tất cả, mười một câu thơ ở trên tập trung tả cảnh, tả cử chỉ của đôi vợ chồng, từ đó biểu hiện tâm tư, tình cảm. Đó là kiểu văn biểu cảm, mượn cảnh để biểu lộ tâm hồn. Qua cảnh vật và sự việc, người đọc thấm thía cảm xúc của nhân vật và của tác giả. Nhân vật trong đoạn thơ này là hai vợ chồng người lính trận, chủ yếu là nhân vật chinh phụ, người chồng ra trận. Họ chia li về hình hài thể xác, nhưng tình thương và nỗi nhớ, sự gắn bó thì không chia li, rời cắt. Họ cố dõi theo nhau, tìm nhau để mãi mãi thấy nhau. Vậy mà càng cố gắng, họ càng tuyệt vọng. Do đó, đến câu thơ cuối cùng, một tiếng kêu đã cất lên:

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? Không dùng cách tả cảnh ngụ tình nữa, nhà thơ trực tiếp nói lên tiếng lòng của nhân vật và tiếng cảm thương của chính mình. Từ "sầu" trong câu thơ cuối này như đúc kết lại tất cả những cung bậc tình cảm ở mười một câu thơ trên. Nỗi buồn li biệt đã nhân lên, dâng trào, trở thành một khối sầu thương, trĩu nặng trong tâm hồn người chinh phụ.

Đoạn ngâm khúc về cuộc chia tay của đôi vợ chồng trong tác phẩm Chinh phụ ngâm cho ta thấy: nỗi sầu chia li của người chinh phụ lúc tiễn chồng ra trận đã như nhuốm cả vào mây, trời, núi non, cảnh vật, cây cối. Nỗi sầu này vừa có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phi nghĩa, vừa thể hiện niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ. Đoạn thơ có giá trị nhân đạo, nhân văn thấm thía, về nghệ thuật, đoạn thơ cho ta biết một thể thơ dân tộc với nhiều từ ngữ gần gũi, nhiều biện pháp tu từ (đối lập, diệp từ,...) kết hợp hài hoà với tính nhạc của những dòng thơ song thất lục bát rất linh hoạt, vừa biểu cảm vừa truyền cảm.

Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ - Mẫu 3

“Nỗi niềm chinh phụ” là một đoạn trích thuộc bài thơ song thất lục bát vô cùng nổi tiếng của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm dịch lại. Tuy chỉ là một đoạn trích ngắn, nhưng “Nỗi niềm chinh phụ” vẫn là một tác phẩm trọn vẹn về nội dung với những điểm nhấn nghệ thuật độc đáo.

Ở mười hai câu thơ đầu, tác giả khắc họa lại khung cảnh nơi người vợ tiễn biệt người chồng yêu dấu của mình về nơi chiến chin. Nơi mà người chồng đến không chỉ xa cách về địa lí và còn ẩn chứa rất nhiều những nguy hiểm, chẳng biết có còn ngày đoàn tụ hay không. Bởi vậy, mà nàng cố gắng níu kéo từng giây phút cuối cùng ở bên chồng bằng cách ra tận cổng thành, đứng bên cầu trông theo bóng chồng rời đi, mãi đến khi chẳng còn nhìn thấy chàng nữa. Chỉ còn lại tiếng nhạc ngựa và tiếng trống rền vang cùng bóng cờ bay phấp phới. Trong suốt mười hai câu thơ đó, nhà thơ chỉ tập trung khắc họa khung cảnh hoành tráng của đội quân tiến về phía chiến trường, nhưng cũng bởi vậy mà càng làm nổi bật thêm sự nhỏ bé, mong manh và yếu đuối của người chinh phụ. Nàng ở lại với nỗi đau đến “đoạn trường”, không thể diễn tả thành lời nhưng cũng chẳng có ai để chia sẻ, bởi giờ đây chồng nàng chẳng còn ở bên nữa. Cũng bởi vì thế, mà nàng chẳng còn đủ tâm trí để ý tới những điều xung quanh, hóa ngẩn ngơ bởi trong đầu và trái tim chỉ toàn lo nghĩ về người chồng ở nơi xa.

Bước sang mười hai câu thơ tiếp theo, Đặng Trần Côn sử dụng hàng loạt các hình ảnh có phép đối. Như “đi” - “về”, “cõi xa” - “buồng cũ”, “mây biếc” - “núi xanh”, “ngoảnh lại” - “trông sang”, “lòng chàng” - “ý thiếp”. Tất cả đều có chung một ý nghĩa, đó là khắc họa sự xa cách về địa lý giữa hai vợ chồng đang ngày càng lớn hơn. Nhưng dẫu vậy, khoảng cách về tình yêu và tâm hồn của hai người thì vẫn không hề xê dịch. Họ vẫn đồng lòng hướng về nhau, suy nghĩ cho nhau, lo lắng cho nhau như thuở ban đầu. Từng hành động trong các câu thơ đều khắc họa rõ sự quyến luyến, hướng về nhau của hai vợ chồng, nhưng người chinh phụ không thể thấy được điều đó. Bởi nàng chỉ biết rằng bản thân đang thương nhớ chồng đến như đứt từng khúc ruột, đến lo lắng, thấp thỏm chẳng thể bình tâm. Thế nên nàng mới đặt ra câu hỏi “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”. Câu hỏi tu từ đó được bỏ ngỏ, chẳng có câu trả lời nào vì giờ đây nàng đang phải cô đơn một mình chờ người chồng chẳng biết có thể bình an trở về hay không. Và nàng cũng không rõ khi trở về, người chồng ấy có còn giống như trong kí ức của nàng không. Hình ảnh ẩn dụ “ngàn dâu” (trong thành ngữ thương hải tang điền” được điệp vòng ở hai câu thơ đã cho thấy rõ sự lo lắng ấy của người chinh phụ. Nàng lo sợ tương lai phía trước của mình và chồng cũng như biển xanh cũng có ngày hóa thành nương dâu, vĩnh viễn chẳng thể trở về như trước nữa.

Đọc đoạn trích “Nỗi niềm chinh phụ”, chúng ta hiểu được nỗi lòng của người phụ nữ ở lại phía sau khi chồng ra chiến trận với những đau khổ, lo âu. Cùng với đó, là sự thấu hiểu về số phận của những người phụ nữ ở hậu phương trong các cuộc chiến tranh. Từ đó lên án, phê phán những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây nên cảnh tan tác, chia li cho những gia đình vốn đang hạnh phúc.

Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ - Mẫu 4

Thơ ca là tiếng nói bên trong tâm hồn con người. Trước hiện thực đời sống tù túng, tăm tối, trước những số phận con người bi thảm khiến con người thấy khó chịu, ngột ngạt và đau xót, lúc ấy, thơ ca xuất hiện. Nó cất lên những nỗi đau của người nông dân bị áp bức, bất công, cho người cung nữ đơn độc, chờ đợi đến héo mòn, và cả cho những người phụ nữ có chồng ra chiến trận. “Chinh phụ ngâm” là tiếng nói như thế.

Đoạn trích “Sau phút chia li” là một trích đoạn tiêu biểu:“Chinh phụ ngâm” ra đời vào thế kỉ XVIII, khi xã hội Việt Nam giờ như một tổ ong với đầy rẫy những lỗ lớn nhỏ mà vua chúa như những con ong đang đấu đá, tranh giành để có thể trở làm chủ. Chúng mở ra các cuộc chiến tranh, chúng bắt những người nông dân để đi làm lính. Những người đàn ông phải rời xa tổ ấm để đi sống chết cho mạng sống của người khác, những người phụ nữ ở nhà trong nỗi nhớ thương vô hạn và lời cầu nguyện cho chồng có thể trở về. Những cảnh tượng ấy đã không còn xa lạ nhưng cũng chưa bao giờ là hết xót đau và căm phẫn. Chính trong hoàn cảnh ấy, Đặng Trần Côn đã viết lên khúc ngâm này.

“Chinh phụ ngâm” là khúc ngâm của người phụ nữ có chồng ra chiến trận, trong nỗi cô đơn, nhớ thương, khổ đau và cả căm phẫn. So với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú và lục bát, thơ song thất lục bát có nhạc tính phong phú, phù hợp để diễn tả tâm trạng phức tạp của nhân vật. GS. Phan Ngọc từng nhận xét : "Cần phải có hình thức ấy, tình cảm mới có thể mang hình thức một đợt sóng đi lên với hai câu thất, dừng lại ở câu lục ngắn gọn để toả ra trong câu bát dài nhất rồi lại vươn lên trong một khổ mới, cứ thế, đợt sóng tình cảm lên xuống ăn khớp với hình thức của ngôn ngữ". 408 câu thơ như 408 đợt sóng lòng trào lên không dứt trên trang giấy và trong cả lòng người. Bốn câu thơ đầu là cảm xúc chia li lúc ban đầu:

“Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.”

Hai câu thơ đầu đã gợi ra thế đối lập của kẻ ở- người đi: “chàng thì đi… thiếp thì về…” Người chinh phu lên đường vào “cõi xa mưa gió” gian nan, vất vả, quyết định tới cả mạng sống chẳng phải vì công danh, lợi lộc, chức tước, chỉ vì một lí do không được do mình quyết định. Người chinh phụ ở lại, liệu có sung sướng hơn là bao khi phải đối diện với mưa sa nơi cõi lòng, khi hằng ngày chỉ có mình trong “buồng cũ chiếu ngăn”. Để rồi, tự bao giờ, nỗi buồn thương đã trải vào khắp không gian” “mây biếc, núi xanh”. Động từ “tuôn, trải” khiến không gian ngập tràn tâm tư của người chinh phụ. Nỗi sầu buồn, nhớ thương cứ giăng mắc ám ảnh con người. Để rồi, nỗi sầu nhớ ấy lại tăng lên, cao hơn theo thời gian:

“Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.”

Sự xuất hiện của hai địa danh mang tính ước lệ càng nhấn mạnh sự xa cách vời vợi. Thủ pháp đối lập, tương ứng: “chốn Hàm Dương- bến Tiêu Tương”, “Khói Tiêu Tương- cây Hàm Dương”, “chàng ngoảnh lại- thiếp trông sang”, … ban đầu tưởng như đối nghịch. Nhưng dẫu cho khoảng cách địa lí có xa xôi đến mấy, Hàm Dương và Tiêu Tương vẫn đi cùng với nhau, nơi có chàng cũng sẽ có thiếp. “Mấy trùng” cách biệt mà lòng chàng, ý thiếp vẫn không xa rời nhau. Nhưng càng thương nhớ lại càng khổ đau nhiều, để rồi, nỗi buồn dâng lên đến cao trào:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Lòng có hướng về nhau, có “cùng” nhưng khoảng cách nơi xa xôi vẫn “cùng chẳng thấy”, trước mắt chỉ là ngàn dâu với một màu xanh. Chữ “xanh” như bao phủ lấy những câu thơ, cả không gian bao phủ bởi chỉ một màu xanh. Xanh ấy ban đầu chỉ là “xanh xanh” rồi thành “xanh ngắt” cũng như nỗi sầu buồn của “thiếp” ngày càng dâng cao, đến mức cực điểm rồi. Các câu thơ cứ trùng trùng điệp điệp như những con sóng với phép điệp ngữ vòng như những đợt sóng lòng nơi người chinh phụ cứ miên man không dứt, cứ để nỗi buồn tràn ra ngoại cảnh, trong ngàn dâu chẳng biết đâu là bến bờ. Câu thơ cuối cất lên đầy ám ảnh: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” Khi con người không còn đủ tỉnh táo, họ chỉ có thể đặt ra những câu hỏi mình không trả lời, cũng chẳng để ai trả lời. Ai đâu có biết nỗi buồn của “thiếp” sâu đến nhường nào cũng như “thiếp” đâu có biết lòng chàng đến đâu, chàng sống chết ra sao rồi?

Chỉ 12 câu thơ mà cả biển trời nhung nhớ với những đợt sóng lòng trào lên không dứt, ngày một dữ dội hơn. Nỗi cô đơn và đợi chờ trong khắc khoải, vô vọng có gì giống chăng với người cung nữ cất tiếng ai oán cho cuộc đời mình khi dành cả thanh xuân tươi đẹp trong cung để chờ đợi và hi vọng vua sẽ tới. Vì sao họ lại khổ đau như thế? Câu thơ là tiếng nói tố cáo mạnh mẽ chiến tranh phi nghĩa đã tước đi quyền được sống, được hạnh phúc của con người. Từ đó, có thể thấy từng giọt lệ của tác giả đang nhỏ trên trang viết, lòng cảm thương sâu sắc, đồng cảm với khát vọng hạnh phúc sau mỗi con chữ. Đó mới chính là điều tạo nên giá trị và sức sống cho những câu thơ qua hàng thế kỉ.

Có những con người đã nằm xuống, những trang sử đã sang trang theo thời gian nhưng những dòng thơ, những con chữ thì còn mãi. “Chinh phụ ngâm” là một tác phẩm như thế.

Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ - Mẫu 5

Trong xã hội phong kiến người phụ nữ phải chịu rất nhiều bất hạnh, khổ cực. Người phụ nữ lúc bấy giờ chưa được xã hội công nhận, họ không có quyền quyết định cuộc đời mình, phải phụ thuộc vào người chồng, người cha. Có rất nhiều tác phẩm nói về số phận người phụ nữ trong giai đoạn này, trong đó phải kể đến đoạn trích Sau phút chia ly trích trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn.

Đoạn trích bày tỏ nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung với sự mong mỏi, da diết của người vợ có chồng ra trận. Bài thơ với thể thơ cổ song thất lục bát. Toàn bài là nỗi nhớ thương ngày một tăng tiến, nâng cao của đôi vợ chồng trẻ, đặc biệt là người vợ - một phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Văn bản "Nỗi niềm chinh phụ" là đoạn trích sau khi người vợ ngậm ngùi tiễn chồng ra miền biên ải, nàng trở về đơn chiếc xót xa.

"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh".
Rồi lại:
"Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai".

Tác giả đã sử dụng nghệ thuật đối giữa các câu thất và sử dụng điệp từ ngữ với những tính từ miêu tả độc đáo, đặc sắc đã toát lên nội dung chính là lên án chiến tranh, đặc biệt là khát vọng hòa bình, được yêu thương của người phụ nữ thời phong kiến.

"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn".

Vì điều kiện đất nước xảy ra chiến tranh người chồng đã phải chia tay người vợ trẻ yêu quý của mình để ra chiến trường. Đó là cuộc chia li buồn và cô đơn của cả hai người. Trong "cõi xa mưa gió" của chàng ẩn chứa bao hiểm nguy, gian nan của hòn tên mũi đạn, của đời sống chốn sa trường. Trong nỗi lòng "buồn cũ chiếu chăn" của thiếp lại đau đớn bao đơn côi phiền muộn, bao khắc khoải đợi chờ. Hai cặp đối "Chàng thì" - "Thiếp thì" ẩn chứa bao chán nản, buồn phiền. Nghĩ đến nhau, họ chỉ còn biết:

"Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh".

Khi đã tiễn chồng ra trận, người vợ quay trở về chỉ biết chôn chặt nỗi buồn trong lòng. "Đoái" nghĩa là ngoảnh lại, ngoái lại nhưng dùng từ "đoái" còn hàm ẩn được cái đau đớn, mệt mỏi của tâm trạng người vợ. Nhưng càng đoái theo trông ngóng chỉ càng thấy cách xa nghìn trùng, giữa họ "đã cách ngăn" "mây biếc" "núi xanh" "tuôn màu" "trải ngàn" cách trở. Nỗi buồn của người phụ nữ như đã âm thầm lan thấm vào thiên nhiên cảnh vật. Đoàn Thị Điểm đã dùng cảnh vật thiên nhiên để nói lên tâm trạng người phụ nữ khi xa chồng:

"Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu".

Trong đoạn thơ tiếp, nỗi sầu chia li và lưu luyến chẳng muốn rời của đôi vợ chồng trẻ đã được thể hiện bằng những điển tích cổ, thủ pháp đối, phép điệp ngữ rất độc đáo.

Những địa danh Tiêu Tương, Hàm Dương tác giả mượn trong điển tích Trung Quốc gợi đến sự cách xa, chia lìa: "cách... mấy trùng". Phép đối vừa thể hiện tấm lòng sâu nặng dành cho nhau của đôi vợ chồng người chinh phụ vừa như thể hiện sự rời xa nhau từng giờ từng khắc của họ: "Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại" - "Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang", "Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương" - "Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương". Đặc biệt, phép điệp ngữ khiến những câu chữ như muốn đan quyện vào nhau chẳng muốn rời: Tiêu Tương - Tiêu Tương, Hàm Dương - Hàm Dương, thấy - thấy, xanh xanh - xanh, ngàn dâu - ngàn dâu. Nét đặc sắc đó đã thể hiện thành công tấm lòng lưu luyến chẳng muốn rời xa nhau của hai vợ chồng nàng. Thể thơ song thất lục bát thiết tha đã góp phần thể hiện tâm trạng u sầu nhung nhớ khôn nguôi trong lòng người chinh phụ. Nhưng dầu thế, đất trời như đang đẩy họ xa nhau hơn. Trong hai câu thơ:

"Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu"

Tác giả đã mượn ý câu thành ngữ "Thương hải tang điền" - biển rộng đã biến thành ruộng dâu tít tắp, ý chỉ những dâu bể cuộc đời. Chẳng những vậy, những sắc thái khác nhau của màu xanh được sử dụng trong hai câu thơ này cũng góp phần diễn tả sâu sắc nỗi lòng người chinh phụ. "Xanh xanh" là màu xanh nhẹ, xanh nhạt. "Xanh ngắt" lại là màu xanh đậm. Từ "xanh xanh" đến "xanh ngắt" là sự tăng tiến, màu xanh thể hiện sự chia li, li biệt; sự tăng tiến đó như thể hiện nỗi buồn ngày càng đậm nét, ngày càng quằn quại xót xa.

Đoạn trích đã sử dụng thể thơ song thất lục bát ngắn ngủi cùng khá nhiều những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng thành công, tác giả đã thể hiện sâu sắc nỗi lòng của người vợ "sau phút chia li" tiễn chồng đi chinh chiến. Đó là nỗi buồn tê tái, nỗi nhung nhớ vơi đầy, sự lưu luyến khôn nguôi... Và như thế, văn bản "Nỗi niềm chinh phụ" (trích "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm) đã thể hiện tinh thần nhân đạo rất nhân bản, nhân văn.

Người phụ nữ trong xã hội cũ phải chịu quá nhiều đắng cay tủi nhục, chỉ có người chồng là chỗ dựa tinh thần rồi cũng phải ra đi, chưa biết khi nào mới gặp lại. Sự ác liệt của chiến tranh làm cho nỗi nhớ chồng của người phụ nữ càng nhân ên gấp bội, bởi giữa cái sông và cái chết của con người trong hoàn cảnh đó là quá mong manh.

Phân tích bài thơ Nỗi niềm chinh phụ - Mẫu 6

Đang cập nhật ...

Đánh giá

0

0 đánh giá