Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 9 trang 85 Tập 2 | Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 9

790

Tài liệu soạn bài Tri thức ngữ văn trang 85 Tập 2 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 9 trang 85 Tập 2

1. Bi kịch

Bi kịch là thể loại kịch tập trung khai thác những xung đột gay gắt giữa khát vọng cao đẹp của con người với tình thế bi đát của thực tại, dẫn tới sự thảm bại hay cái chết của nhân vật. Từ kết cục bi thương đó, bi kịch thường mang đến cho người đọc những bài học quý giá và tinh thần lạc quan.

Nhân vật của bi kịch dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ đều hiện thân cho các thế lực đối lập trong xã hội. Nhân vật chính trong bi kịch thường có bản chất tốt đẹp, có khát vọng vượt lên và thách thức số phận, nhưng cũng có thể có những nhược điểm, sai lầm dẫn đến phải trả giá đắt, thậm chí bằng cả cuộc đời của mình và những gì mình trân trọng.

Xung đột trong bi kịch là nhân tố tổ chức tác phẩm kịch, thể hiện sự va chạm, đấu tranh, loại trừ giữa các thế lực đối lập (các mặt khác nhau của cùng một tính cách, các tính cách nhân vật khác nhau, giữa tính cách nhân vật với hoàn cảnh). Nếu xung đột trong hài kịch thường nảy sinh giữa cái thấp kém và cái thấp kém thì xung đột trong bi kịch thường nảy sinh giữa cái cao cả với cái cao cả, giữa cái cao cả với cái thấp kém.

Cốt truyện bi kịch thường là một chuỗi các sự kiện, biến cố trong câu chuyện kịch tạo nên sự phát triển xung đột, cũng như sự phát triển hành động và tính cách của các nhân vật. Chuỗi sự kiện biến cố đó thường dẫn đến những tổn thất, đau thương trong cuộc đời nhân vật chính.

Hành động trong bi kịch là toàn bộ hoạt động của các nhân vật thông qua lời thoại, ngữ điệu, cử chỉ, biểu cảm,... nhằm thể hiện thế giới nội tâm, tình cảm con người và kết nối sự kiện, làm nên sự phát triển của cốt truyện bi kịch. Cũng như hành động của nhân vật nói chung, hành động của các nhân vật bi kịch bao gồm: hành động bên ngoài (lời nói, cư xử, hoạt động,...) và hành động bên trong (sự chuyển biến nội tâm, các độc thoại nội tâm,...).

Lời thoại trong bi kịch: cũng như trong kịch nói chung, lời thoại trong bi kịch gồm đối thoại, độc thoại, bàng thoại. Điểm khác biệt là lời thoại trong bi kịch thường mang tính chất trang trọng, triết lí, thể hiện quan điểm, ý chí và hành động tranh đấu của nhân vật bi kịch.

2. Vai trò của người đọc và bối cảnh tiếp nhận đối với việc đọc hiểu tác phẩm văn học

Theo quan điểm tiếp nhận văn học hiện đại, các sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ chỉ tồn tại như những khả năng, những khơi gọi dưới hình thức văn bản ngôn từ. Tác phẩm văn học chỉ thực sự tồn tại trong tâm thức của người đọc qua quá trình tiếp nhận. Bằng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết và trải nghiệm văn học, đặc biệt là khả năng tiếp nhận văn học theo thể loại, người đọc làm sống dậy thế giới hình tượng, “đồng sáng tạo” với tác giả để hiểu nội dung, ý nghĩa của tác phẩm văn học theo cách riêng của mình. Tiếp nhận văn học, vì vậy, là một quá trình chủ động, tương tác tích cực giữa người đọc và văn bản.

Tuy nhiên, việc đọc hiểu tác phẩm văn học của độc giả lại phụ thuộc vào bối cảnh tiếp nhận của họ. Bối cảnh ấy là hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội tại thời điểm độc giả đọc tác phẩm. Ví dụ: Cùng một tác phẩm văn học viết về chiến tranh nhưng hiệu ứng tác động và ý nghĩa của nó mang lại cho người đọc có thể rất khác nhau khi tác phẩm đó được đọc trong hai bối cảnh khác nhau: hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và hoàn cảnh đất nước hòa bình.

3. Biến đổi và mở rộng cấu trúc câu: đặc điểm và tác dụng

Trong thực tế, để đạt được hiệu quả giao tiếp cao, chúng ta có thể biến đối và mở rộng cấu trúc câu.

Biến đổi cấu trúc câu có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như thay đổi trật tự các thành phần trong câu, tách câu, gộp câu, rút gọn câu,... nhằm đáp ứng các mục đích khác nhau (nhấn mạnh thông tin, cung cấp thêm thông tin, làm cho câu ngắn gọn hơn,..).

Ví dụ 1: Thay đổi trật tự các thành phần trong câu

(1a) Chúng tôi đã nghĩ đến những vấn đề này.

(1b) Những vấn đề này, chúng tôi đã nghĩ đến.

Trong ví dụ trên, bổ ngữ ở câu (la) được đảo vị trí lên đầu câu ở câu (1b) với mục đích nhấn mạnh thông tin. Lưu ý: Khi thay đổi trật tự các thành phần trong câu, chức năng của các thành phần câu có thể thay đổi.

Ví dụ 2: Tách câu

(2a) Ôi, trời lạnh quá!

(2b) Ôi! Trời lạnh quá!

Trong ví dụ trên, nếu ở ngữ liệu (2a), “ôi” là thành phần cảm thán thì ở ngữ liệu (2b), thành phần này được tách ra tạo thành một câu độc lập để nhấn mạnh cảm xúc của người nói.

Mở rộng cấu trúc câu có thể thực hiện bằng cách thêm thành phần phụ, dùng cụm từ mở rộng thành phần câu nhằm cung cấp thêm thông tin về một khía cạnh nào đó.

Ví dụ 3: Thêm thành phần phụ

(3a) Nam không đến.

(3b) Hình như hôm nay, Nam không đến.

Trong ví dụ trên, so với câu (3a), câu (3b) có thêm một số thành phần phụ: trạng ngữ (hôm nay), thành phần tình thái (hình như) với mục đích bổ sung thông tin về thời gian, về cách đánh giá của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

 

 

Đánh giá

0

0 đánh giá