TOP 20 Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì

1.4 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 8 - 10 câu) phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì, trong đó có sử dụng cách dẫn trực tiếp hoặc cách dẫn gián tiếp.

Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì - Mẫu 1

Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16, có nguồn gốc từ một truyện cổ tích Việt Nam có tên là “Vợ chàng Trương”. Trong đó, các chi tiết kì ảo cũng góp phần thể hiện nội dung ý nghĩa truyện vô cùng đặc sắc. Yếu tố kì ảo không có trong toàn bộ câu chuyện mà chỉ hiện lên tập trung, đậm nét trong cái kết mới mà Nguyễn Dữ sáng tạo nên. Các chi tiết kì ảo trong truyện làm cho tác phẩm trở nên li kì, hấp dẫn hơn. Trong tác phẩm, tác giả xây dựng 3 chi tiết kì ảo. Thứ nhất là Phan Lang đêm nằm mộng thấy có người xin chàng thả rùa xanh mà chàng vừa bắt được (Linh phi hóa thân). Chi tiết thứ hai, Vũ Nương và Phan lang được Linh Phi cứu sống và cho ở nơi động rùa dưới thủy cung. Sau đó, Phan Lang được hồi sinh và trở về trần gian. Thứ ba, linh hồn Vũ Nương trở về trên bến sông khi Trương Sinh lập đàn giải oan, nàng nói vài lời tỏ minh rồi từ từ biến mất trong sương khói mịt mờ. Các yếu tố kì ảo được đưa vào xen kẽ với những yếu tố thực về địa danh, về thời điểm lịch sử, nhân vật và sự kiện lịch sử, những chi tiết thực về trang phục của các mĩ nhân, về tình cảnh nhà Vũ Nương không người chăm sóc sau khi nàng mất… làm cho thế giới kì ảo lung linh, mơ hồ trở nên gần với cuộc đời thực, làm tăng độ tin cậy, khiến người đọc không cảm thấy ngỡ ngàng.

Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì - Mẫu 2

Yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" đã được tác giả Nguyễn Dữ thể hiện thật nhiều ở phần kết với những yếu tố trong truyện cổ tích. Đó là chi tiết Phan Lang - người cùng làng với Vũ Nương nằm mộng thả rùa và khi Phan Lang chạy nạn bị chết đuối đã được thần rùa Linh Phi cho uống thuốc tiên sống lại, cho trở về trần gian. Đó là chi tiết Vũ Nương được Trương Sinh lập đàn giải oan trên bờ Hoàng Giang và trở về trên chiếc kiệu hoa lấp lánh giữa dòng lúc ẩn, lúc hiện. Những chi tiết kì ảo trong truyện chỉ là những chi tiết nhỏ thế nhưng lại mang những ý nghĩa rất lớn, góp phần tạo nên thành công cho Chuyện người con gái Nam Xương. Yếu tố kì ảo không chỉ giúp cho câu chuyện kể mang màu sắc huyền ảo, li kì, làm tăng sự hấp dẫn, cũng như tính sống động của câu chuyện mà còn là "phương tiện" gửi gắm những thông điệp, quan niệm về nhân sinh. Thông qua yếu tố kì ảo, ta thấy được quan điểm của tác giả khi lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến bất công đã đẩy người phụ nữ vào đường cùng đau đớn và phải lấy cái chết để minh oan cho chính mình. Những chi tiết kì ảo trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương còn thể hiện ước mơ về lẽ phải, sự công bằng công lý trong xã hội của người dân ta. Việc sử dụng yếu tố kì ảo đã giúp Chuyện người con gái Nam Xương mang thêm màu sắc kì bí cũng như tạo nên sự hấp dẫn, đầy cảm xúc cho câu chuyện.

Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì - Mẫu 3

Chi tiết tưởng tượng, kì ảo là những chi tiết không có thật. Đó là những chi tiết có tính chất hoang đường, kì lạ. Trong truyện truyền thuyết, nhân dân sáng tạo ra những chi tiết tưởng tượng, kì ảo nhằm dựng lên những câu chuyện thần kỳ, giải thích những sự kiện, sự việc chưa thể giải thích theo cách thông thường hoặc là để thần thánh hoá các nhân vật mà nhân dân ngưỡng mộ, tôn sùng. Trong đó thì chi tiết Nữ Oa vá trời để cứu nhân gian khỏi lầm than là một chi tiết khiến em nhớ mãi. Nữ Oa là vị thần sinh ra loài người. Con cháu bà sống trong cõi thế gian bình yên vô sự thì bỗng một hôm Thủy Thần, Cung Công và Hỏa Thần, Chúc Dung gây sự đánh nhau rất dữ dội. Hậu quả khiến cây cột chống Trời gãy gập xuống, một góc trời bị sụt lở gây ra tai họa khủng khiếp cho loài người. Nữ Oa đau lòng khi thấy con cháu sống trong cảnh tối tăm khổ ải đã không quản khó khăn, vất vả, ngày đêm một mình hì hục khuôn đất, đội đá ở khắp nơi về để vá trời cho bằng được, kịp cứu đàn con. Bà chọn đá ngũ sắc, chất lên thành núi, đốt lửa luyện đá thành keo rồi lần lượt vá hết các vết thủng trên vòm trời. Vì kiệt sức, người chết đi, thân xác hòa với thiên nhiên. Chi tiết này có vai trò tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ của nhân vật Nữ Oa, thể hiện sự biết ơn, tôn sùng của nhân dân. Đồng thời, chi tiết này góp phần lí giải vì sao trên trời lại có mây ngũ sắc.

Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì - Mẫu 4

Văn bản “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” được trích từ tập truyện “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ. Điểm độc đáo làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm chính là yếu tố kì ảo. Yếu tố kì ảo trong văn bản được thể hiện qua cuộc nói chuyện của Tử Văn với người đội mũ trụ và thần Thổ công. Chi tiết kì ảo này đóng vai trò bản lề để giúp Tử Văn thoát khỏi cuộc đấu tranh dưới cõi âm. Đồng thời, cho thấy được tính cách khẳng khái, thái độ ngang tàng, không chút sợ hãi trước lời thách thức, đe dọa của Tử Văn trước tên đầu đội mũ trụ. Chi tiết không chỉ tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm mà còn lôi cuốn người đọc. Chi tiết kì ảo là một trong những yếu tố đặc trưng của tác phẩm nói riêng và tập truyện "Truyền kì mạn lục" nói chung.

Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì - Mẫu 5

Truyện thần thoại luôn là những câu chuyện hấp dẫn cả người lớn lẫn trẻ nhỏ bởi những thông tin lý thú mà nó mang lại. Không chỉ vậy, những chi tiết kì ảo trong thần thoại còn vẽ nên trong đầu ta biết bao tưởng tượng về thế giới từ thuở sơ khai cho đến tận bây giờ. Thần thoại được chia thành nhiều nhóm, song ấn tượng nhất có lẽ là nhóm thần thoại suy nguyên, kể về sự hình thành trời đất, thế gian, vạn vật, kể về các vị thần. Nằm trong nhóm thần thoại suy nguyên thuộc kho tàng văn học dân gian Việt Nam, truyện "Thần Sét" cũng kể về nguồn gốc hiện tượng tự nhiên. Bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, tác giả dân gian đã khéo vẽ nên câu chuyện về thần Sét, nhằm giải thích hiện tượng sấm sét trong tự nhiên: do thần Sét đánh lầm kẻ vô tội nên bị Ngọc Hoàng bắt nằm im trong một đám rừng ở thiên đình. Ngọc Hoàng ra lệnh cho con gà thần thỉnh thoảng mổ một cái vào người thần Sét khiến thần đau nhói mà không biết làm thế nào được. Khi được Ngọc Hoàng tha tội, hễ cứ nghe thấy tiếng gà là giật mình. Mỗi lần nghe tiếng chớp, biết thần Sét xuống nên người hạ giới thường bắt chước tiếng gà để dọa thần. Chi tiết này đã khéo léo giải thích hiện tượng sấm sét trên trời, đồng thời giải thích lý do của một số trường hợp không may, khi con người hoặc con vật bị sét đánh chết. Ngoài ra, chi tiết này còn thể hiện kinh nghiệm dân gian của nhân dân trong việc đối phó với các hiện tượng cực đoan của tự nhiên. Như vậy, ngoài vai trò làm nên sắc thái kì ảo, thiêng liêng cho câu chuyện thần thoại, các yếu tố kì ảo còn là cầu nối để nhân dân lan truyền các kinh nghiệm đối phó với hiểm họa thiên nhiên cho con cháu đời sau.

Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì - Mẫu 6

Kho tàng văn học dân gian Việt Nam ta vốn phong phú, đồ sộ và mang những giá trị nhân văn sâu sắc. Trong đó, truyện "Thần Trụ Trời" nằm trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam thuộc nhóm thần thoại suy nguyên, kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài. Truyện hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện đơn giản, dễ hiểu, đồng thời đưa ra lời giải thích hợp lý về sự hình thành của trời đất, vạn vật. Đặc biệt gây ấn tượng trong truyện là các chi tiết kì ảo, tạo sự liên tưởng lý thú. Nổi bật trong đó là chi tiết thần Trụ Trời dùng đầu đội trời rồi dùng tay đào đất đắp thành cột vừa cao vừa to chống trời. Ít lâu sau, khi cột đã khô và cứng lại, thần phá cột đi và ném vùng đất, đá ra khắp nơi tạo thành nhiều bề mặt khác nhau. Chi tiết này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải thích sự phân chia trời đất, lí do hình thành nhiều bề mặt địa hình như: sông, hồ, núi, cao nguyên và di tích Cột chống trời ở Hải Dương. Đồng thời, chi tiết ấy đã thể hiện được trí tưởng tượng phong phú của tác giả dân gian, gây ấn tượng với các độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi. 

Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì - Mẫu 7

Như chúng ta đã biết, các chi tiết tưởng tượng, kì ảo trong truyện thần thoại là những chi tiết không có thật. Nó là những chi tiết có tính chất hoang đường, kì lạ nhưng lại là những dấu ấn cho toàn bộ câu chuyện. Và nhân dân ta đã sáng tạo ra các chi tiết tưởng tượng, kì ảo nhằm dựng lên những câu chuyện thần kỳ, giải thích những sự kiện, sự việc chưa thể giải thích theo cách thông thường. Chi tiết Nữ Oa dùng đá ngũ sắc vá bầu trời để cứu nhân gian khỏi lầm than trong thần thoại Nữ Oa vá trời là một chi tiết như thế. Truyện kể rằng Nữ Oa là vị thần sinh ra muôn loài. Khi nhân gian đang sống trong cõi bình yên vô sự thì bỗng một hôm hại vị thần Thủy, Hỏa gây sự đánh nhau khiến vòm trời bị rách toạc, muôn cõi lầm than. Để cứu nhân gian, Nữ Oa không quản ngày đêm, khó khăn, vất vả, một mình vá lại vòm trời. Bà chọn những viên đá ngũ sắc, dùng chúng chất thành núi, đốt lửa luyện đá thành keo rồi lần lượt vá hết các lỗ hổng trên vòm trời. Chi tiết này đã tô đậm vẻ đẹp của nhân vật Nữ Oa, khiến bà đẹp đẽ một cách kì ảo trong mắt nhân dân, đồng thời thể hiện sự tôn sùng của dân gian với vị thần này. Ngoài ra, chi tiết này cũng lý giải vì sao trên trời có mây ngũ sắc.

Đoạn văn phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì - Mẫu 8

Hệ thống thần thoại suy nguyên là một trong những hệ thống thần thoại lý thú nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Các truyện thần thoại suy nguyên kể về các vị thần, giải thích lý do cho các hiện tượng thiên nhiên, đồng thời giải thích sự hình thành của thế gian, vạn vật. Trong hệ thống thần thoại suy nguyên có rất nhiều câu chuyện lý thú, bao gồm chuyện "Thần Gió". Dựa trên sự tri giác về các sự vật, hiện tượng diễn ra, các tác giả dân gian đã sáng tạo nên chi tiết kì ảo: đứa con thần Sét vì nghịch quạt làm gió thổi chơi khiến bát gạo của người đàn ông văng xuống ao nên bị Ngọc Hoàng trừng phạt. Ngài đày con thần Gió xuống trần, bắt đi chăn trâu cho người mất gạo. Ít lâu sau, Ngọc Hoàng lại bắt con thần gió hóa làm cây ngải để báo tin gió cho thiên hạ. Mục đích của việc sáng tạo ra chi tiết kì ảo này nhằm giải thích cho hiện tượng gió lốc trước khi mưa bão và cách nhận biết các hiện tượng tự nhiên của tác giả dân gian thông qua cây ngải. Chi tiết này cho thấy tri thức, trí tưởng tượng phong phú của nhân dân ta từ ngàn xưa. Ngoài ra, nó còn thể hiện kinh nghiệm sống và sản xuất của dân gian qua mẹo dùng lá ngải để chữa bệnh cảm cho trâu. Câu chuyện không chỉ giải thích hiện tượng thiên nhiên mà còn lưu lại kinh nghiệm sản xuất cho con cháu đời sau.

Đánh giá

0

0 đánh giá