Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận về vấn đề khai thác bảo vệ nguồn lợi hải sản Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.
Nghị luận về vấn đề khai thác bảo vệ nguồn lợi hải sản
Đề bài: Viết bài văn nghị luận về Vấn đề khai thác bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển của nước ta.
Dàn ý Nghị luận về vấn đề khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển
a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề khai thác hải sản và tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng.
b. Thân bài:
- Khái niệm và vai trò của nguồn lợi hải sản:
+ Nguồn lợi hải sản bao gồm các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, từ cá, tôm, cua, đến các loài thủy sản khác.
+ Vai trò không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thực phẩm mà còn góp phần vào sự đa dạng sinh học và duy trì cân bằng hệ sinh thái biển.
- Thực trạng khai thác hải sản:
+ Phân tích cách thức khai thác hiện nay, từ khai thác truyền thống đến khai thác công nghiệp và những hậu quả tiềm ẩn.
+ Các vấn đề môi trường phát sinh từ việc khai thác không kiểm soát như ô nhiễm, suy giảm nguồn lợi hải sản.
- Bảo vệ nguồn lợi hải sản:
+ Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả tương lai.
+ Giới thiệu các biện pháp bảo vệ như thiết lập khu bảo tồn biển, hạn chế khai thác quá mức, và áp dụng các phương pháp khai thác bền vững.
- Giải pháp và hướng đi cho tương lai:
+ Đề xuất các giải pháp cho việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản một cách bền vững.
+ Phát triển công nghệ xanh, chính sách quản lý nguồn lợi hải sản, và nâng cao nhận thức cộng đồng.
c. Kết bài: Tóm tắt lại vấn đề và nhấn mạnh sự cần thiết của việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản một cách có trách nhiệm và bền vững.
Nghị luận về vấn đề khai thác bảo vệ nguồn lợi hải sản - Mẫu 1
Trái đất của chúng ta bao la biển cả và rừng núi bạt ngàn, tạo nên nét đẹp vô cùng hùng vĩ của núi von và sông nước hài hòa. Trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt và nỗ lực ứng phó với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, thì biển và đại dương lại chứng tỏ vai trò quan trọng toàn cầu của nó. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để có thể khai thác và bảo vệ tài nguyên biển một cách hợp lí.
Tài nguyên biển có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người trên Trái đất. Nó hoạt động với tư cách là một “cỗ máy điều hòa nhiệt độ” và “cỗ lò sưởi” khổng lồ có tác dụng điều chỉnh cân bằng các cực từ nhiệt độ thịnh hành trên Trái đất và còn làm dịu đi sự ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết như mưa, bão, lũ lụt… Tài nguyên và lợi thế của biển mang lại hứa hẹn sẽ đem đến nhiều triển vọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Nếu như không có biển thì cuộc sống như hôm nay có thể không tồn tại, các đại lục sẽ trở nên khô cằn, môi trường sống của loài người trên Trái đất sẽ khắc nghiệt hơn.
Thực trạng khai thác và bảo vệ tài nguyên biển hiện nay đang diễn ra như thế nào? Trong những năm qua, sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là các dòng chảy từ sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi có xu hướng suy giảm về chất lượng. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm so nước thải công nghiệp và đô thị chưa qua xử lý đã gây tổn hại hệ sinh thái biển. Đối với các nguồn thải trên biển từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và hoạt động từ du lịch biển có mức độ tác động lớn nhất. Và chính nó là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường tại một số vịnh, đầm phá ven biển. Cùng với sự phát triển kinh tế kéo theo sự tăng trưởng của các ngành du lịch dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác khoáng sản và dầu khí, công nghiệp, khai thác và nuôi trồng thủy sản, tập trung dân cư và sự đô thị hóa. Tất cả những điều đó đã và đang tạo nhiều áp lực đến môi trường biển.
Nguyên nhân do đâu mà tài nguyên biển đang bị ô nhiễm và cạn kiệt? Do sự gia tăng lượng nước thải và chất thải rắn gây nên áp lực lớn trong việc quản lý chất thải trên biển. Việc xảy ra một số sự cố môi trường do chất thải công nghiệp và sự cố tràn dầu khiến cho chất lượng môi trường nước biển bị suy giảm. Nhưng phần lớn nguyên nhân vẫn thuộc về ý thức và nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển vô cùng lớn của con người. Việc khai thác hải sản bằng mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thủy sản, gây hậu quả nặng nề cho vùng sinh thái biển… Còn rất nhiều nguyên nhân khác gây nên tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, dấy lên hồi chuông báo động mạnh.
Vậy chúng ta cần làm gì để khai thác và bảo vệ tài nguyên biển một cách hợp lí nhất? Trước hết chúng ta cần phải sử dụng một cách hợp lí và tiết kiệm tài nguyên bởi nó ảnh hưởng đến sự “trường tồn của biển cả”. Đưa ra nhiều biện pháp làm giảm thiểu sự suy thoái và ô nhiễm môi trường biển bằng cách: chủ động phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm biển kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tăng cường bảo tồn sự đa dạng sinh học; sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên kết hợp với hợp tác quốc tế… Bên cạnh đó cần phải tăng cường kiểm soát, quản lí việc khai thác và bảo vệ tài nguyên biển sao cho hợp lí. Có như thế chúng ta mới bảo vệ được môi trường biển mãi xanh – sạch – đẹp.
Tóm lại, bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm của tất cả mọi người dân. Mỗi người hãy vì môi trường sống xung quanh, mà giữ gìn ý thức chung, đưa tài nguyên biển nói riêng và mọi tài nguyên khác phát triển bền vững.
Nghị luận về vấn đề khai thác bảo vệ nguồn lợi hải sản - Mẫu 2
Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1. 000. 000 km² và hơn 3. 000 đảo lớn, nhỏ, hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa, bờ biển kéo dài trên 3. 260 km. Đây là những tiền đề cho phép hoạch định một chiến lược biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Nhưng thực trạng về ô nhiễm môi trường biển đang là vấn đề báo động “đỏ”.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan; nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó; lối sống giản đơn và dân trí thấp; thể chế, chính sách còn bất cập…
Hiện có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Đơn cử trong quá trình nuôi trồng thủy sản cũng làm phát sinh đáng kể lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển, nguồn thải chủ yếu là các loại phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng trong nuôi trồng.
Bình quân một ha nuôi tôm sẽ thải ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn mét khối nước thải trong một vụ nuôi. Với tổng diện tích nuôi tôm hơn 600 nghìn ha, mỗi năm sẽ thải ra môi trường gần 3 triệu tấn chất thải rắn.
Qua nghiên cứu, điều tra của Viện Hải dương học Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo còn do các địa phương khai thác, sử dụng không hợp lý các vùng đất cát ven biển dẫn tới thiếu nước ngọt, xói lở, sa bồi bờ biển với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Việc khai thác hải sản bằng mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thủy sản, gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển. Các hoạt động du lịch có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển. Điển hình là Vườn quốc gia Cát Bà với 5. 400 ha mặt nước, từ một hòn đảo trong lành, ngày nay môi trường ở đây đã bị biến thái kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản, bởi mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác đổ trực tiếp ra biển.
Một nguyên nhân gây ô nhiễm biển nữa là tràn dầu rò rỉ do hoạt động của các tàu và do các sự cố hư hỏng hay đắm tàu chở dầu, do sự cố tại lỗ khoan thăm dò và dàn khoan khai thác dầu. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này còn phát sinh 5. 600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng gia tăng.
Hàng năm, trên 100 con sông ở nước ta thải ra biển 880km³ nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp.
Năm 2010, lượng chất thải đã gia tăng rất lớn ở các vùng nước ven bờ, trong đó dầu khoảng 35. 160 tấn/ngày, nitơ tổng số 26-52 tấn/ngày và tổng amoni 15-30 tấn/ngày. Báo cáo hiện trạng môi trường đã chỉ ra rằng chất lượng môi trường biển và vùng ven biển tiếp tục bị suy giảm.
Nước biển của một số khu vực có biểu hiện bị axit hóa do độ pH trong nước biển tầng mặt biến đổi. Nước biển ven bờ có biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kẽm, một số chủng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện tại vùng biển Nam Trung bộ, đặc biệt tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận làm chết các loại tôm cá đang nuôi trồng tại vùng này.
Chất lượng môi trường biển thay đổi dẫn đến nơi cư trú tự nhiên của loài bị phá hủy, gây tổn thất lớn về đa dạng vùng bờ. Khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 70 loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.
Ô nhiễm môi trường biển còn xảy ra ở các cảng do liên quan đến hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng, nạo vét luồng lạch, đổ phế thải. Nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ ra biển chưa qua xử lý nên chỉ số vi trùng học luôn ở mức cao. Ở một số cảng đáng báo động là hàm lượng thủy ngân đã vượt ngưỡng cho phép, cảng Vũng Tàu vượt 3,1 lần, cảng Nha Trang vượt 1,1 lần…
Môi trường biển bị ô nhiễm đã dẫn tới suy thoái đa dạng sinh học biển, điển hình là hệ sinh thái san hô. Vùng biển Việt Nam có khoảng 1. 122km² rạn san hô, nếu hệ sinh thái này bị mất, biển nước ta có nguy cơ sẽ trở thành “thủy mạc” không còn tôm cá nữa. Đó là thông điệp mà các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên nước ta đã cảnh báo.
Theo số liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đến nay có khoảng 20% rạn có độ phủ san hô sống nghèo (độ phủ 0-25%), 60% thuộc loại thấp (26-50%), 17% còn tốt (51-75%) và chỉ có 3% rất tốt (trên 75%).
“Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay. Mỗi năm, mất hơn 50 tấn san hô chưa kể mất san hô đen ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng, theo đà này 20 năm nữa san hô không còn trong vùng biển Việt Nam” – Viện Hải Dương học Việt Nam cảnh báo.
Nghị luận về vấn đề khai thác bảo vệ nguồn lợi hải sản - Mẫu 3
Như chúng ta đã biết thì hiện nay tình trạng ô nhiễm đang diễn ra khắp nơi như ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và cũng không nằm ngoài sự ô nhiễm đó chính là ô nhiễm môi trường biển. Trong thời gian gần đây, báo chí cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác đã đưa tin rất nhiều về hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng ven biển miền Trung làm cho cuộc sống của người dân nơi đây đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Sự việc này gây nên nhiều mối lo ngại về việc có nên sinh sống ở vùng đất này. Chưa có một bài báo nào nói về nguyên nhân chính thức gây ra sự việc trên tuy nhiên điều chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đó chính là môi trường biển đang ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng.
Biển là nơi rất giàu có và đa dạng về tài nguyên, chứa đựng đầy tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Không những thế, biển còn là nơi dễ dàng phát triển về du lịch và phát triển ngành chăn nuôi thủy hải sản.
Tuy biển đẹp là thế, có ích là thế nhưng biển cũng đang dần bị ô nhiễm bởi nhiều tác nhân mà tác nhân chủ yếu là lại do chính con người. Điều đầu tiên phải kể đến đó chính là do ý thức của người dân người.
Hàng ngày có hàng tấn rác thải chưa được xử lý đổ ra biển, người dân sống ven biển cũng lấy bờ biển làm nơi đổ rác. Hành động thiếu ý thức của người dân đã góp phần làm môi trường biển bị ô nhiễm hơn.
Ngoài ra, các nhà máy, xí nghiệp cũng xả nước thải cùng với những hóa chất độc hại ra biển không những làm cho biển ô nhiễm mà còn có tác hại xấu đến sức khỏe con người và mọi loài sinh vật sống ở đây.
Ô nhiễm môi trường biển còn xảy ra ở một số cảng hàng hải do tàu thuyền ra vào nhiều, nạo vét luồng lạch, đổ rác thải,…, một số cảng biển còn có lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép như cảng Vũng Tàu vượt đến 3,1 lần. Nhiều người dân còn đánh bắt cá bằng cách sử dụng bom mìn gây ra rất nhiều chất hóa học có hại.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng biển bị ô nhiễm là do những mặt trái của sự phát triển xã hội. Xã hội ngày càng phát triển và đồng thời nhu cầu của người dân ngày càng được nâng cao, ngành du lịch biển cũng từ đó mà phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên du lịch ngày càng phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên biển bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên biển đồng thời cũng thải một lượng rác thải không hề nhỏ ra biển. Và một nguyên nhân nhỏ nữa đó chính là do tràn dầu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế làm tăng lượng tiêu thụ dầu mỏ. Lợi ích kinh tế đi kèm với việc dầu bị khai thác quá mức làm cho một lượng dầu lớn bị rò rỉ ra biển gây ô nhiễm biển, các loài cá cũng từ đó mà chết do không có đủ oxy để sống gây thiệt hại rất lớn cho môi trường biển và những vùng nuôi trồng hải sản.
Nguyên nhân cuối cùng có lẽ là do các cơ quan quản lý còn lỏng lẻo và chưa thực sự thắt chặt việc kiểm soát vấn đề xử lý rác thải của các doanh nghiệp, xí nghiệp và các khu du lịch.
Ô nhiễm môi trường biển dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Nó gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người và dần làm mất đi những nguồn lợi từ biển như hải sản, du lịch biển,… Một nghiên cứu năm 2008 đã cho thấy hàng năm Việt Nam mất đi khoảng 69 USD thu nhập từ ngành du lịch vì hệ thống xử lý vệ sinh kém. Môi trường biển bị ô nhiễm cũng làm giảm đi sức hút với khách du lịch.
Để góp phần bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng thì mỗi người cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường như không xả rác bừa bãi ra biển hay tổ chức nhiều cuộc đi thực tế và thu dọn bãi biển,…
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải tăng cường quản lý để giảm thiểu lượng rác thải có hại ra môi trường biển để giữ cho cảnh quan thiên nhiên không bị cướp dưới bàn tay tử thần và để cho những người dân sống bám vào biển bớt nhọc nhằn về miếng cơm manh áo.
Nghị luận về vấn đề khai thác bảo vệ nguồn lợi hải sản - Mẫu 4
Việt Nam là một nước có đường bờ biển dài, có nhiều bãi biển và vùng vịnh cùng các hòn đảo, quần đảo lớn. Do đó, kinh tế biển vẫn luôn là yếu tố quan trọng, được đặt lên hàng đầu trong việc phát triển đất nước. Trong nền kinh tế biển của nước ta, nguồn lợi hải sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, vấn đề khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển là một vấn đề nóng hổi, luôn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà nước, nhân dân.
Nguồn lợi hải sản trong kinh tế biển hiểu một cách đơn giản chính là những lợi ích về kinh tế mà các sản vật và thủy sản trong biển mang lại. Như trở thành thức ăn, đồ trang trí, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, nhiên liệu… Tất cả những hoạt động khai thác, chế biến các sản vật, thủy sản trong biển có thể đem về thu nhập cho người lao động, công ty thì sẽ là nguồn lợi cho kinh tế.
Có thể khẳng định rằng, nguồn lợi hải sản của nước ta vô cùng phong phú và đa dạng. Với lợi thế đường bờ biển dài 3,260 km và vị trí vùng biển nhiệt đới giàu đa dạng sinh học, cùng sự giao thoa của các dòng chảy biển khác nhau, nguồn thủy hải sản trong vùng biển nước ta không chỉ đông đúc về giống loài mà còn cả về số lượng. Không chỉ vậy, số lượng lớn các vùng nước nông, vùng vịnh ven biển cũng giúp hoạt động đánh bắt và nuôi thủy hải sản phát triển mạnh mẽ. Tổng sản lượng thủy sản thu được vào năm 2023 đạt 9,269 triệu tấn, đem đến giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD. Trong đó khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn. Những con số đó chính là minh chứng sống cho Ngoài ra, chúng ta không thể không nhắc đến nguồn muối biển vô tận, các sa khoáng với trữ lượng công nghiệp (ôxit titan, cát trắng) cùng nhiều mỏ dầu, khí (ở thềm lục địa). Tất cả đều góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế biển nước ta.
Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng ngày đêm đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, đe dọa trực tiếp cũng như gián tiếp. Những đặc điểm về vị trí địa lý đã đem đến sự đa dạng, phong phú và thuận lợi trong nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, thì cũng đem đến rất nhiều những đợt thiên tai lớn. Hằng năm, nước ta phải đón nhận rất nhiều trận bão lớn kéo dài liên tiếp trong hơn nửa năm, gây thiệt hại nhiều về người và của. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất trên đất liền cũng gián tiếp gây ra sự ô nhiễm của môi trường biển, khiến sự đa dạng sinh vật biển ngày càng giảm, thậm chí nhiều loài phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Cùng với đó các hoạt động khai thác trái phép, thiếu kế hoạch, không có sự phân loại khi đánh bắt, tiêu diệt cả những con non, con đang trong mùa đẻ trứng cũng gián tiếp gây nên sự sụt giảm của thủy hải sản trên biển. Ngoài ra, việc phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch biển cũng khiến các vùng biển gần bờ bị ô nhiễm do rác thải, ồn ào và đông người đến thường xuyên khiến thủy hải sản di chuyển đến nơi khác. Những nguyên nhân trên đã tác động đến nguồn lợi hải sản nước ta một thời gian dài, khiến các hậu quả ngày càng rõ rệt.
Do đó, để bảo vệ sự phát triển của kinh tế biển nói riêng và kinh tế đất nước nói chung, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực và triệt để để ngăn chặn, đẩy lùi những nguyên nhân, tác hại đó. Mà trước hết, quan trọng nhất chính là ở ý thức con người. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của biển và thủy hải sản, từ đó kêu gọi mọi người có ý thức bảo vệ môi trường biển và các loài sinh vật sống ở đó. Ngoài các phương pháp tuyên truyền thông thường, có thể sử dụng các hình thức mới như phim ảnh, phim ngắn, phóng sự, hài kịch, truyện tranh, âm nhạc… để tăng sự lan tỏa. Đồng thời mời gọi những người nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội cùng chung tay tuyên truyền để có thể đến gần và nhanh hơn tới những người trẻ. Đó là phương pháp về lâu dài, còn trước mắt, cần thực hiện ngay đó phải là những hình thức xử phạt đủ mạnh để răn đe những cá nhân, tập thể có hành động gây ô nhiễm môi trường biển hay cố tình khai thác trái phép, sai quy định. Cùng với đó, các nhân tố khách quan như thiên tai, con người không thể can thiệp được, thì chúng ta cần đẩy mạnh các công tác phòng, chống hiệu quả hơn. Như tăng cường các thiết bị dự báo thời tiết, thông tin liên lạc, gia cố các lồng bè chăn nuôi và tàu thuyền trên biển. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nâng cao kĩ thuật chế biến, sản xuất thủy hải sản để nâng cao giá thành khi xuất khẩu. Bởi hiện nay, chúng ta tuy xuất khẩu nhiều nhưng vẫn chưa đa dạng về loại hình, chủ yếu xuất khẩu thô, đại trà nên chưa có giá cao như Nhật Bản, Hàn Quốc… Do đó, việc đầu tư hơn về quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
Hiện nay, nguồn lợi hải sản của nước ta vẫn đang trên đà tăng trưởng và có tiềm năng rất lớn. Vì vậy, cần có sự chung tay đoàn kết của từng cá nhân, tổ chức, ban ngành với nhau để cùng thúc đẩy phát triển hơn nữa nền kinh tế biển của đất nước. Đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc kinh tế khác trên thế giới.
Nghị luận về vấn đề khai thác bảo vệ nguồn lợi hải sản - Mẫu 5
Đang cập nhật ...