Đề cương ôn tập học kì 1 Địa lí 11 Kết nối tri thức năm 2024

830

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Đề cương ôn tập học kì 1 Địa lí 11 Kết nối tri thức năm 2024 – 2025. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 1 Địa lí 11. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập học kì 1 Địa lí 11 Kết nối tri thức năm 2024

I. Kiến thức: Địa lí khu vực và quốc gia

BÀI 9: LIÊN MINH CHÂU ÂU , MỘT LIÊN KẾT KHU VỰC LỚN TRÊN THẾ GIỚI.

1. Trình bày được quy mô, mục tiêu của EU.Xác định được thể chế của EU thông qua 4 cơ quan ra quyết định và điều hành chính .

2. Phân tích được vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới.Phân tích được một số biểu hiện của hợp tác và liên kết trong khu vực EU.

BÀI 11: VỊ TRÍ ĐỊA LÍ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, DÂN CƯ- XÃ HỘI KHU VỰC ĐÔNG NAM Á.

1. Nêu được đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ khu vực Đông Nam Á.

2. Phân tích được những thuận lợi, khó khăn của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đến phát triển kinh tế- xã hội khu vực Đông Nam Á.

3. Trình bày được đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên khu vực Đông Nam Á.

4. Phân tích đuợc ảnh hưởng của một số các tài nguyên thiên nhiên đến sự phát triển kinh tế- xã hội của khu vực Đông Nam Á.

5. Nêu đặc điểm dân cư nổi bật của khu vực Đông Nam Á.Phân tích tác động của dân cư tới phát triển kinh tế - xã hội của khu vực .

6. Nêu một số đặc điểm xã hội của khu vực Đông Nam Á.Cho biết ảnh hưởng của đặc điểm xã hội tới phát triển kinh tế- xã hội của khu vực .

BÀI 12: KINH TẾ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á.

1. Trình bày và giải thích tình hình phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á.

2. Trình bày sự phát triển và phân bố các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản của khu vực Đông Nam Á.

3. Trình bày và giải thích sự phát triển và phân bố các ngành công nghiệp của khu vực Đông Nam Á.

4. Trình bày và giải thích sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ khu vực Đông nam Á.

BÀI 15: VỊ TRÍ ĐỊA LÍ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, DÂN CƯ- XÃ HỘI KHU VỰC
TÂY NAM Á.

1. Trình bày đặc điểm, phạm vi lãnh thổ, vị trí địa lí khu vực Tây Nam Á.Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí đến phát triển KT-XH khu vực Tây nam Á.

2. Trình bày đặc điểm, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên khu vực Tây Nam Á. Phân tích những thuận lợi , khó khăn của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

3. Nêu đặc điểm dân cư . Phân tích ảnh hưởng của. đặc điểm dân cư tới phát triển kinh tế- xã hội của khu vực .

BÀI 16: KINH TẾ KHU VỰC TÂY NAM Á.

1. Trình bày và giải thích tình hình phát triển kinh tế của khu vực Tây nam Á.

2. Trình bày đặc điểm nổi bật một số ngành kinh tế của khu vực Tây Nam Á.

II. Kỹ năng

1. Đọc và phân tích được các bảng số liệu.

2. Biết vẽ và nhận xét được một số dạng biểu đồ .

III. Một số câu hỏi ôn tập

Câu 1. Năm 2021, Liên minh châu Âu có tất cả bao nhiêu thành viên?

A. 26.

B. 27.

C. 28.

D. 25.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 2021, EU có 27 quốc gia thành viên, chiếm khoảng 5,8% số dân và đóng góp 17,8% GDP toàn thế giới.

Câu 2. Cộng đồng Kinh tế châu Âu được viết tắt theo tên tiếng anh là

A. EC.

B. EEC.

C. EU.

D. WB.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 1957 cộng đồng kinh tế châu Âu (European Economic Community) với 6 quốc gia thành viên, tên viết tắt là EEC.

Câu 3. Quốc gia nào sau đây nằm giữa châu Âu nhưng hiện nay chưa gia nhập Liên minh châu Âu?

A. Thụy Sĩ.

B. Ai-len.

C. Hà Lan.

D. Na Uy.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Thụy Sỹ, tên đầy đủ là Liên bang Thụy Sỹ, là một nước cộng hòa liên bang tại châu Âu. Quốc gia này gồm có 26 bang, và thành phố Bern là nơi đặt trụ sở nhà đương cục liên bang. Thụy Sĩ, một đất nước hòa bình, giàu có, nằm ở giữa trung tâm của châu Âu, nhưng hiện nay chưa gia nhập EU là Thụy Sĩ.

Câu 4. Quốc gia nào sau đây không tham gia thành lập nên Cộng đồng Than Thép châu Âu?

A. Anh.

B. Pháp.

C. Bỉ.

D. Đức.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Năm 1951, thành lập cộng đồng Than và Thép châu Âu. Gồm các nước: Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Lúc-xăm-bua.

Câu 5. Hiệp ước nào sau đây được kí kết, đổi tên Cộng đồng châu Âu thành Liên minh châu Âu?

A. Thái Bình Dương.

B. Ma-xtrích.

C. Măng-sơ.

D. Ma-xơ Rai-nơ.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 1993, với Hiệp ước Ma-xtrích, Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU). Tính đến năm 2021, EU có 27 quốc gia thành viên, chiếm 3,1% diện tích và 5,7% dân số thế giới.

Câu 6. Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu vào năm nào sau đây?

A. 1957.

B. 1958.

C. 1967.

D. 1993.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Năm 1967, Cộng đồng châu Âu (EC) được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức (Cộng đồng Than và thép châu Âu, Cộng đồng Kinh tế châu Âu và Công đồng nguyên tử châu Âu). Với hiệp ước Ma-xtrich, năm 1993 Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu.

Câu 7. Tiền thân của Liên minh châu Âu ra đời vào năm nào sau đây?

A. 1951.

B. 1957.

C. 1958.

D. 1967.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 1951 Cộng đồng than và thép châu Âu được thành lập; năm 1957 Cộng đồng kinh tế châu Âu (tiền thân của Liên minh châu Âu) được thành lập; năm 1958 Cộng đồng nguyên tử châu Âu được thành lập và năm 1967 Cộng đồng châu Âu (EC) được thành lập.

Câu 9. Khu vực Đông Nam Á có điều kiện tự nhiên nào sau đây thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới?

A. Khí hậu nóng ẩm, hệ đất trồng phong phú, mạng lưới sông ngòi dày đặc.

B. Vùng biển rộng lớn giàu tiềm năng, tài nguyên biển giàu có khoáng sản.

C. Hoạt động của gió mùa với một mùa đông lạnh, khí hậu phân hóa đa dạng.

D. Địa hình đồi núi chiếm ưu thế nhưng chủ yếu đổi núi thấp, nhiều sông lớn.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới ở Đông Nam Á là khí hậu nóng ẩm, hệ đất trồng phong phú và mạng lưới sông ngòi dày đặc.

Câu 10. Quốc gia nào sau đây nằm ở bộ phận Đông Nam Á lục địa?

A. Xin-ga-po.

B. Ma-lai-xi-a.

C. Thái Lan.

D. Phi-lip-pin.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Đông Nam Á nằm ở phía đông nam châu Á, có diện tích khoảng 4,5 triệu km2, bao gồm 11 quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa (Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma) và Đông Nam Á hải đảo (Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Phi-lip-pin và Ti-mo Lét-xtê).

Câu 11. Một phần lãnh thổ của quốc gia nào sau đây ở Đông Nam Á vẫn có mùa đông lạnh?

A. Phía bắc Mi-an-ma.

B. Phía nam Việt Nam.

C. Phía bắc của Lào.

D. Phía bắc Phi-lip-pin.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Một phần lãnh thổ phía bắc Mi-an-ma, phía bắc Việt Nam ở Đông Nam Á vẫn có mùa đông lạnh do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc từ đại lục Trung Quốc thổi về.

Câu 12. Đông Nam Á có vị trí địa - chính trị rất quan trọng do nguyên nhân chủ yếu nào sau đây?

A. Tập trung rất nhiều loại khoáng sản và khí hậu thuận lợi.

B. Là nơi đông dân nhất thế giới, nhiều thành phần dân tộc.

C. Nơi tiếp giáp giữa hai đại dương, vị trí cầu nối hai lục địa.

D. Nền kinh tế phát triển mạnh và giàu có nguồn tài nguyên.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Đông Nam Á có vị trí địa - chính trị rất quan trọng vì khu vực này là nơi tiếp giáp giữa hai đại dương, vị trí cầu nối hai lục địa và là nơi các cường quốc thường cạnh tranh ảnh hưởng.

Câu 13. Khu vực Đông Nam Á có ngành khai khoáng phát triển do

A. diện tích rừng rộng lớn.

B. giàu có về khoáng sản.

C. vùng biển nhiều thủy sản.

D. có nền kinh tế phát triển.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Đông Nam Á có ngành khai khoáng phát triển do khu vực này giàu có về tài nguyên khoáng sản với một số loại khoáng sản chủ yếu là than, khí tự nhiên, dầu mỏ, sắt, đồng,…

Câu 14. Khu vực Đông Nam Á biển đảo có dạng địa hình chủ yếu nào sau đây?

A. Đồng bằng rộng lớn.

B. Núi và cao nguyên.

C. Các thung lũng rộng.

D. Đồi núi và núi lửa.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Đông Nam Á hải đảo: Địa hình chủ yếu là núi trẻ với nhiều núi lửa; các đồng bằng phần lớn nhỏ hẹp nằm ven biển, một số đồng bằng lớn có ở các đảo Ca-li-man-tan, Xu-ma-tra, Niu Ghi-nê,...

Câu 15. Khó khăn về tự nhiên của khu vực Đông Nam Á trong phát triển kinh tế là

A. có địa hình núi hiểm trở.

B. không có đồng bằng lớn.

C. lượng mưa trong năm nhỏ.

D. xuất hiện nhiều thiên tai.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Những khó khăn về tự nhiên của khu vực Đông Nam Á trong phát triển kinh tế là chịu ảnh hưởng nặng nề của các thiên tai như bão, lũ lụt, sóng thần, núi lửa,…

Câu 16. Đặc điểm nổi bật về tự nhiên của khu vực Tây Nam Á là

A. nền văn minh rực rỡ và dân cư theo đạo hồi.

B. vị trí cầu nối giữa châu Á với châu Nam Cực.

C. vị trí trung gian của hai châu lục và ba lục địa.

D. giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Khu vực Tây Nam Á sở hữu trên 50% trữ lượng dầu mỏ và khoảng 40% trữ lượng khí tự nhiên của thế giới (năm 2020), tập trung ở các quốc gia vùng vịnh Péc-xích. Ngoài ra, Tây Nam Á còn có những tài nguyên khóang sản khác như than đá, sắt, crôm, đồng, phốt phát,...

Câu 17. Ở Tây Nam Á, dầu mỏ và khí tự nhiên phân bố chủ yếu ở khu vực nào sau đây?

A. Ven biển Đỏ.

B. Ven biển Ca-xpi.

C. Ven Địa Trung Hải.

D. Ven vịnh Péc-xich.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Khu vực Tây Nam Á sở hữu trên 50% trữ lượng dầu mỏ và khoảng 40% trữ lượng khí tự nhiên của thế giới (năm 2020), tập trung ở các quốc gia vùng vịnh Péc-xích.

Câu 18. Tây Nam Á nằm ở vị trí cầu nối giữa ba châu lục nào sau đây?

A. Âu - Á - Phi.

B. Âu - Á - Úc.

C. Á - Âu - Mĩ.

D. Á - Mĩ - Phi.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Vị trí của Tây Nam Á được ví như cầu nối giữa ba châu lục: châu Á, châu Âu và châu Phi, ở vị trí tiếp xúc của các mảng kiến tạo lớn, trên vành đai sinh khoáng Địa Trung Hải.

Câu 19. Tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất ở khu vực Tây Nam Á là

A. than đá và crôm.

B. dầu mỏ và khí tự nhiên.

C. đồng và phốt phát.

D. khí tự nhiên và sắt.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Tây Nam Á là khu vực giàu có về khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ và khí tự nhiên. Dầu mỏ có trữ lượng rất lớn, chiếm khoảng 1/2 trữ lượng của thế giới, phân bố dọc theo vịnh Péc-xích và đồng bằng Lưỡng Hà. Khí tự nhiên chiếm khoảng 40% trữ lượng của thế giới.

Câu 20. Dân cư khu vực Tây Nam Á theo tôn giáo chủ yếu nào sau đây?

A. Cơ đốc giáo.

B. Ấn Độ giáo.

C. Do Thái giáo.

D. Hồi giáo.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Tây Nam Á là khu vực có nhiều tôn giáo: Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái giáo,... Phần lớn dân cư ở khu vực này là người Ả-rập và theo đạo Hồi.

Câu 21. Ngành nào sau đây đặc trưng cho nông nghiệp Đông Nam Á?

A. Trồng cây ăn quả.

B. Trồng lúa nước.

C. Chăn nuôi gia súc.

D. Đánh bắt thủy sản.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Đông Nam Á một trong những cái nôi có nền văn minh lúa nước lâu đời. Ở khu vực Đông Nam Á, lúa gạo trở thành cây lương thực chính và được trồng nhiều ở nhiều nước: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Việt Nam,…

Câu 22. Quốc gia nào sau đây ở khu vực Đông Nam Á đứng đầu về sản lượng lúa gạo?

A. Thái Lan.

B. Việt Nam.

C. Ma-lai-xi-a.

D. In-đô-nê-xi-a.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Nước đứng đầu về sản lượng lúa gạo trong khu vực Đông Nam Á là In-đô-nê-xi-a. Tiếp đến là Thái Lan, Việt Nam,…

Câu 23. Về phát triển nông nghiệp giữa các nước Đông Nam Á và Mỹ Latinh có điểm giống nhau nào sau đây?

A. Thế mạnh về trồng cây lương thực.

B. Thế mạnh về chăn nuôi gia súc lớn.

C. Thế mạnh về trồng cây công nghiệp.

D. Thế mạnh về trồng cây thực phẩm.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Điểm tương đồng về phát triển nông nghiệp giữa các nước Đông Nam Á và Mỹ Latinh là thế mạnh về trồng cây công nghiệp nhiệt đới. Một số loại cây tiêu biểu là cà phê, cao su, ca cao, tiêu, điều,… do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các cây công nghiệp nhiệt đới.

Câu 24. Các nước đứng hàng đầu về xuất khẩu lúa gạo trong khu vực Đông Nam Á là

A. Bru-nây, In-đô-nê-xi-a.

B. Thái Lan, Việt Nam.

C. Phi-lip-pin, Mi-an-ma.

D. Thái Lan, Ma-lai-xi-a.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, nhiều quốc gia còn xuất khẩu gạo nhằm thu ngoại tệ, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Câu 25. Cây cao su được trồng nhiều ở các quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á?

A. Thái Lan, Việt Nam, Xin-ga-po và Phi-lip-pin.

B. Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam.

C. Campuchia, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Bru-nây.

D. Thái Lan, Campuchia, Ma-lai-xi-a và Việt Nam.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Các cây công nghiệp nhiệt đới được trồng chủ yếu là cao su, cà phê, hồ tiêu, cọ dầu,...; Trong đó, cây cao su được trồng nhiều ở Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam. Cây cà phê và hồ tiêu được trồng nhiều ở Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan; Cây cọ dầu được trồng nhiều ở Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a.

Câu 26. Cơ cấu kinh tế ở các nước Đông Nam Á đang có sự thay đổi theo xu hướng nào dưới đây?

A. Tăng tỉ trọng khu vực I, giảm tỉ trọng khu vực II và III.

B. Tăng tỉ trọng khu vực II, giảm tỉ trọng khu vực I và III.

C. Giảm tỉ trọng khu vực I, tăng tỉ trọng khu vực III và II.

D. Giảm tỉ trọng khu vực I và II, giảm tỉ trọng khu vực III.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Cơ cấu kinh tế ở các nước Đông Nam Á đang có sự thay đổi theo xu hướng giảm tỉ trọng khu vực I (nông - lâm - ngư nghiệp), tăng tỉ trọng khu vực II (công nghiệp) và khu vực III (dịch vụ).

Đánh giá

0

0 đánh giá