Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo năm 2024

733

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo năm 2024 – 2025. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 2 Ngữ văn 11. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo năm 2024

I. NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN ÔN TẬP

A. Phần 1: Nội dung kiến thức cần ôn tập

1. Văn bản:

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện ngắn hiện đại: không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện ngôi thứ ba và người kể chuyện ngôi thứ nhất, sự thay đổi điểm nhìn, sự nối kết giữa lời người kể chuyện, lời nhân vật,...

- Phân tích được ý nghĩa hay tác động của văn bản văn học trong việc làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn và cách thưởng thức, đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống; so sánh được hai văn bản văn học viết cùng đề tài ở các giai đoạn khác nhau; liên tưởng, mở rộng vấn đề để hiểu sâu hơn văn bản được đọc.

- Vận dụng được những hiểu biết về tác giả Nguyễn Du để đọc hiểu một số tác phẩm của ông.

- Nhận biết và phân tích một số yếu tố của truyện thơ Nôm: cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút phát miêu tả, ngôn ngữ,...

- Nhận xét những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

- Nhận biết và phân tích được vai trò của yếu tố tượng trưng trong thơ; đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ: ngôn từ, cấu tứ, hình thức bài thơ thể hiện trong văn bản.

- Phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản; phát hiện được các giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh từ văn bản.

- Phân tích được một số đặc điểm của ngôn ngữ văn học. Phân tích tính đa nghĩa của ngôn từ trong tác phẩm văn học.

- Nhận biết và phân tích được sự kết hợp của hư cấu và phi hư cấu trong truyện kí.

- Phân tích đợc các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận xét được những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

a. Truyện ngắn

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Truyện ngắn là thể loại tự sự hư cấu có dung lượng nhỏ, thường phù hợp để đọc hết trong một lần. Với quy mô hạn chế, số lượng nhân vật và sự kiện ít, truyện ngắn chỉ tập trung miêu tả một khía cạnh hoặc trạng thái cụ thể của đời sống xã hội.

2. Cốt truyện

Cốt truyện thường đơn giản, cô đúc; tập trung xoay quanh một tình huống. Trong đó, các sự kiện trong câu chuyện được sắp xếp theo hướng tập trung vào một vài biến cố chính, dồn nên mâu thuẫn trong một khoảng thời gian ngắn.

3. Điểm nhìn ngôi thứ ba

Điểm nhìn ngôi thứ ba toàn tri

Tầm hiểu biết của người kể chuyện bao trùm toàn bộ thế giới nhân vật, không bị giới hạn trong cái nhìn của nhân vật nào, thấu suốt tất cả suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật, tất cả mọi thời điểm, địa điểm và sự kiện.

Điểm nhìn ngôi thứ ba hạn tri

Tầm hiểu biết của người kể chuyện chỉ giới hạn trong cái nhìn của một nhân vật trung tâm, chỉ thấu suốt suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đó và các sự kiện mà nhân vật đó biết.

4. Sự thay đổi điểm nhìn

- Trong nhiều tác phẩm truyện hiện đại, thường có sự di chuyển điểm nhìn kể chuyện, có thể từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba, từ ngôi thứ ba hạn tri sang toàn tri, hoặc giữa nhiều ngôi thứ nhất khác nhau.

- Tác dụng: thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả dẫn dắt độc giả vào thế giới tinh thần của nhân vật; quan sát, thể hiện sự việc, con người từ nhiều góc nhìn...

5. Nhân vật

Truyện ngắn hiện đại thường chỉ có 1 – 2 nhân vật chính – tức nhân vật hiện lên như một chủ thể độc lập, giữ vai trò chủ đạo trong việc thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm – được khắc họa qua ngoại hình, hành động đối thoại, độc thoại nội tâm và qua đánh giá của các nhân vật khác cũng như của người kể chuyện.

b. Truyện thơ Nôm

Nội dung

Kiến thức

1. Điểm nhìn

Truyện thơ thường sử dụng điểm nhìn ngôi thứ ba toàn tri. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, truyện thơ cũng sử dụng điểm nhìn ngôi thứ ba hạn tri từ một số nhân vật như điểm nhìn của nhân vật “anh” trong Tiễn dặn người yêu (truyện thơ dân tộc Thái) hoặc điểm nhìn của nhân vật Thuý Kiều ở một số đoạn trong Truyện Kiều (Nguyễn Du).

2. Nhân vật và đối thoại, độc thoại nội tâm

Nhân vật thường được khắc họa không chỉ thông qua các chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động mà còn qua ngôn ngữ giao tiếp và đời sống nội tâm của nhân vật, tức là thông qua đối thoại, độc thoại nội tâm.

3. Bút pháp miêu tả nội tâm

Việc miêu tả nội tâm của nhân vật trong truyện thơ Nôm bác học có thể thực hiện theo nhiều cách:

- Bằng lời đối thoại, độc thoại của chính nhân vật bằng những dòng thơ miêu tả phong cảnh thiên nhiên, hay kể, tả về hành vi, cử chỉ của nhân vật.

- Qua các dòng thơ mà người kể chuyện trực tiếp nhận xét, phân tích trạng thái tâm lí, cảm xúc của nhân vật.

- ...

c. Tượng trưng

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Tượng trưng là loại hình ảnh mang tính trực quan, sinh động nhưng hàm nghĩa biểu đạt những tư tưởng, quan niệm, khái niệm trừu tượng. Chẳng hạn, chim bồ câu tượng trưng cho hoà bình, hoa hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu hoặc lá cờ tượng trưng cho quốc gia.

2. Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình

- Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình là những chi tiết, hình ảnh cụ thể, gợi cảm gợi lên những ý niệm trừu tượng và giàu tính triết lý, đánh thức suy ngẫm của người đọc về bản chất sâu xa của con người và thế giới. 

- Trong nhiều trường hợp, yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình còn gắn với sự đề cao nhạc tính của thơ (sức gợi cảm của nhịp thơ, vần, thanh điệu...) và sự tương giao giữa các giác quan (sự hoà hợp của các ấn tượng thính giác, thị giác, xúc giác...).

................................

................................

................................

II. MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP MINH HỌA

1. Dạng 1: Đọc – hiểu

Bài tập 1. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi :

MỘT CƠN GIẬN

(Trích)

- Thạch Lam (1) –

(Tóm tắt phần trước: Thanh cùng những người bạn trò chuyện về những cơn giận và hậu quả của nó. Thanh cũng kể câu chuyện làm cho anh ân hận mãi. Vì sự bực tức không rõ nguyên nhân từ trước, cộng thêm việc mặc cả không thành và những lời nói khó chịu của người phu xe, cơn giận của Thanh lên đến đỉnh điểm. Trên đường đi, gặp cảnh sát, vì muốn trả thù, Thanh đã nói những điều bất lợi cho người phu xe, khiến anh ta phải chịu nộp phạt và bị thu xe. Sau hôm đó, cơn giận của anh cũng đã hết nhưng trong lòng lại dâng lên nỗi day dứt, kéo dài đến mấy ngày sau. Chính vì thế Thanh đã đi tìm đến nhà của người kéo xe đó.)

Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà.[…]

Người phu xe Dư ở trong ấy. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà sẽ hỏi:

- Bẩm thầy muốn gì?

Khi mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.

- Bác Dư có nhà không?

- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:

- Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.

Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?

Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói.

- Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.

Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:

- Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.

- Thế bây giờ bác ta đâu?

Bà cụ trả lời:

- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ; nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chớ không cũng chẳng việc gì.

Tôi yên lặng.

Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:

- Tội nghiệp cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không.

Tôi đứng lại gần xem.

- Cháu nó sài (2) đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.

Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc.

Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rớm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực. […]

- Cái kỉ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến tận bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách rất dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn trong lòng như có một vết thương chưa khỏi.

(Trích Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2020, tr.59 - 62)

Chú thích:

(1) Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Lân - thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Tác phẩm của ông thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc đối với cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân.

(2) sài: tên gọi chung các bệnh nội khoa lâu khỏi ở trẻ em.

Câu 1. Xác định ngôi kể được sử dụng trong văn bản phần in nghiêng.

Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả hoàn cảnh sống của người phu xe trong các câu văn sau: Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà.

Câu 3. Xác định điểm nhìn trần thuật được sử dụng đoạn in đậm.

Câu 4. Tóm tắt ngắn gọn nội dung của văn bản phần in nghiêng (khoảng 2 - 3 câu).

Câu 5. Nhận xét đặc điểm về từ ngữ của ngôn ngữ nói được mô phỏng, tái tạo trong những câu sau:

- Bác Dư có nhà không?

- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

Câu 6. Theo anh/chị, hành động: lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực của Thanh thể hiện tâm trạng gì?

Câu 7. Từ văn bản trên, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về hậu quả của sự giận dữ (khoảng 3 – 4 dòng).

Bài tập 2. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

XUÂN Ý (Hồ Dzếnh)

Trời đẹp như trời mới tráng gương,

Chim ca, tiếng sáng rộn ven tường

Có ai bên cửa ngồi hong tóc

Cho chảy tan thành một suối hương.

 

Sắc biếc giao nhau cành lan cành

Nước trong, hồ ngợp thủy tinh xanh

Chim bay cành trĩu trong xuân ý

Em đợi chờ ai khuất bức mành?

 

Giữa một giờ thiêng tình rất đẹp

Rất buồn và rất rất thanh thanh

Mày ai bén nguyệt, người ai nhỏ

Em ạ yêu nhau chết cũng đành!

(Trích Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 27, Hà Minh Đức, Nguyễn Xuân Nam sưu tầm, tuyền chọn, NXB. Khoa học Xã hội, 1995, tr.397)

Câu 1. Bài Xuân ý được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra cách gieo vần ở khổ thứ hai trong bài Xuân ý.

Câu 3. Xác định giọng điệu chính của bài thơ.

Câu 4. Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ trong: Em đợi chờ ai khuất bức mành

Câu 5. Anh/Chị hiểu câu thơ Sắc biếc giao nhau cành lan cành như thế nào?

Câu 6. Nêu đặc điểm của bức tranh thiên nhiên trong bài thơ.

Câu 7. So sánh tâm trạng của nhân vật trữ tình trong hai đoạn thơ:

Trời đẹp như trời mới tráng gương,

Chim ca, tiếng sáng rộn ven tường

Có ai bên cửa ngồi hong tóc

Cho chảy tan thành một suối hương.

(Xuân ý - Hồ Dzếnh)

Và:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu

Đem chỉ xuân lại gọi thêm sầu?

- Với tôi, tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

(Xuân - Chế Lan Viên)

III. ĐỀ MINH HỌA

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

(1) Con đã về đây, ơi mẹ Tơm

Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm

Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy

Không sợ tù gông, chấp súng gươm

 

(2) Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng

Thơm nức mùi tôm nặng mấy nong

Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng

Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong?

 

(3) Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi

Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi

Sống trong cát, chết vùi trong cát

Những trái tim như ngọc sáng ngời

 

(4) Đốt nén hương thơm, mát dạ Người

Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!

Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới

Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi...”

(Trích bài thơ “Mẹ Tơm”- Tố Hữu, Thơ Việt Nam 1945 - 1985)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

A. Miêu tả

B. Tự sự

C. Nghị luận

D. Biểu cảm

Câu 2. Thể thơ của đoạn trích trên là gì ?

A. Tự do

B. Song thất lục bát

C. Lục bát

D. Thất ngôn tứ tuyệt

Câu 3. Dựa vào nội dung khổ thơ (1), bài thơ được viết vào hoàn cảnh nào

A. Trong một chuyến ghé thăm bất ngờ vùng đất Hậu Lộc.

B. Tác giả trở về quê hương sau bao ngày xa cách.

C. Nhân dịp tác giả đi cùng đoàn tham quan.

D. Trong một chuyến đi về thăm lại người mẹ anh hùng.

Câu 4. Biện pháp tu từ sử dụng trong câu thơ: “Những trái tim như ngọc sáng ngời” là:

A. So sánh, hoán dụ

B. Nhân hóa, so sánh

C. Hoán dụ, đảo ngữ

D. Ẩn dụ, hoán dụ

Câu 5. Tâm trạng của tác giả được thể hiện ở khổ thơ thứ hai trong đoạn trích trên là:

A. Sự ngạc nhiên, vui mừng trước sự đổi thay của quê hương

B. Sự ngơ ngác và cảm giác lạ lùng khi lâu ngày mới trở lại

C. Sự bùi ngùi, xúc động khi nhìn thấy những cảnh vật nơi đây

D. Sự thất vọng, nuối tiếc khi không còn thấy cảnh cũ, người xưa

Câu 6. Hai câu thơ sau cho ta thấy điều gì?

“Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới

Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi”

A. Vẻ đẹp cuộc sống mới đang thay đổi từng ngày

B. Hình ảnh thiên nhiên, đất nước trong thời kì chiến tranh

C. Khung cảnh thiên nhiên vào buổi sáng sớm

D. Sự thay đổi của con người vào thời kì hậu chiến

Câu 7. Trong đoạn thơ trên có mấy cặp từ trái nghĩa?

A. 5

B. 2

C. 1

D. 3

Câu 8. Nội dung chính của văn bản trên là?

A. Dòng cảm xúc của tác giả khi trở về quê mẹ Tơm

B. Tác giả gửi gắm tấm lòng thương yêu, kính trọng, ngợi ca và biết ơn người mẹ đã nuôi dưỡng nhà thơ trong những ngày tháng gian khổ.

C. Cả A và B đều đúng

D. Cả A và B đều sai

Câu 9 (1,0 điểm) Dựa vào trích đoạn “Mẹ Tơm” của tác giả Tố Hữu, em thấy hình ảnh mẹ Tơm hiện lên là người như thế nào?

Câu 10 (1,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 -7 câu) nhận xét về tình cảm của tác giả được thể hiện trong khổ thơ cuối.

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Em hãy viết bài văn nghị luận phân tích tác phẩm Mẹ Tơm của Tố Hữu

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Câu

Nội dung

Điểm

Câu 1

D. Biểu cảm

0,5 điểm

Câu 2

A. Tự do

0,5 điểm

Câu 3

D. Trong một chuyến đi về thăm lại người mẹ anh hùng.

0,5 điểm

Câu 4

A. So sánh, hoán dụ

0,5 điểm

Câu 5

A. Sự ngạc nhiên, vui mừng trước sự đổi thay của quê hương

0,5 điểm

Câu 6

A. Vẻ đẹp cuộc sống mới đang thay đổi từng ngày

0,5 điểm

Câu 7

C. 1

0,5 điểm

Câu 8

C. Cả A và B đều đúng

0,5 điểm

Câu 9

Mẹ Tơm là một người mẹ giàu lòng thương yêu, có lí tưởng cao quý, một người phụ nữ yêu nước, căm thù giặc. Mẹ không quản khó nhọc nguy hiểm để cất giấu cán bộ chiến sĩ trong nhà mình.

1,0 điểm

Câu 10

Học sinh phân tích những tình cảm, cảm xúc của tác giả được thể hiện ở khổ thơ cuối của đoạn trích.

Học sinh trình bày trong một đoạn văn, có thể triển khai theo các kiểu đoạn văn diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.

1,0 điểm

 Phần II. Viết (4,0 điểm)

Câu

Nội dung

Điểm

 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Đảm bảo cấu trúc ba phần: Mở - Thân - Kết.

0,25 điểm

 

b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Viết văn bản nghị luận về thơ Mẹ Tơm – Tố Hữu.

0,25 điểm

 

c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Nêu luận đề: những cảm xúc, rung động, suy tư của chính nhà thơ.

Thân bài:

- Giới thiệu ngắn gọn về tứ thơ, mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

- Cảm xúc, suy tư của nhà thơ về người mẹ anh hùng.

- Suy tư của tác giả về cuộc đời, quan điểm sống…

Lưu ý: Các luận điểm làm sáng tỏ luận đề gồm câu chứa luận điểm + lí lẽ + dẫn chứng.

Kết bài:

Cảm nhận, nhận thức của cá nhân về những cảm xúc, rung động, suy tư của chủ thể trữ tình.

3,0 điểm

 

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25 điểm

 

e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng.

0,25 điểm

 

Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.

 

 
Đánh giá

0

0 đánh giá