Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 15 (Cánh diều 2024): Quy luật địa đới và phi địa đới

6.1 K

Với tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 10 Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 10.

Địa Lí lớp 10 Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới

Video giải Địa lí 10 Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới - Cánh diều

A. Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới

I. Quy luật địa đới

1. Khái niệm

- Là quy luật về sự thay đổi của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí theo vĩ độ (từ xích đạo về hai cực).

- Do Trái Đất hình cầu nên góc chiếu của tia sáng mặt trời tới bề mặt đất giảm độ lớn từ xích đạo về cực đã kéo theo sự thay đổi của các yếu tố tự nhiên khác.

- Tính địa đới biểu hiện nhiệt rõ nhất ở các vùng đất bằng phẳng, rộng lớn.

2. Biểu hiện của quy luật

- Quy luật địa đới là quy luật phổ biến của vỏ địa lí, được thể hiện qua các yếu tố và thành phần tự nhiên.

Sự phân bố các vòng đai nhiệt trên Trái Đất:

+ Vành đai nóng. Ví dụ: giữa hai đường đẳng nhiệt năm + 20 °C của bán cầu Bắc và bán cầu Nam, trong khoảng giữa hai vĩ tuyến 30°B và 30°N.

+ Vành đai ôn hòa. Ví dụ: giữa các đường đẳng nhiệt năm + 20 °C và đường đẳng nhiệt + 10 °C tháng nóng nhất của hai bán cầu.

+ Vành đai lạnh. Ví dụ: giữa các đường đẳng nhiệt + 10 °C và 0 °C của tháng nóng nhất, ở vĩ độ cận cực của hai bán cầu.

+ Băng tuyết vĩnh cửu. Ví dụ: Nhiệt độ quanh năm đều dưới 0°C, bao quanh hai cực.

- Các đai khí áp, các đới gió và lượng mưa trên Trái Đất

+ Khí áp và gió thường xuyên trên Trái Đất cũng được phân bố theo các đai khí áp và các đới gió từ xích đạo về hai cực.

+ Lượng mưa có sự khác nhau giữa vùng xích đạo, chí tuyến, ôn đới và cực.

- Các đới khí hậu

+ Khí hậu được hình thành do tác động của bức xạ mặt trời, hoàn lưu khí quyển và bề mặt đệm.

+ Bức xạ mặt trời và hoàn lưu khí quyển là các yếu tố địa đới trên phạm vi rộng lớn nên tạo ra các đới khí hậu.

- Các nhóm đất và các kiểu thực vật chính

+ Sự phân bố của các thảm thực vật trên thế giới phụ thuộc nhiều vào khí hậu.

+ Đất chịu tác động mạnh mẽ của khí hậu và sinh vật.

=> Sự phân bố của đất và thực vật trên lục địa cũng thay đổi từ xích đạo về hai cực.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới - Cánh diều (ảnh 1)

3. Ý nghĩa thực tiễn

Hiểu biết sự phân bố các sự vật, hiện tượng tự nhiên trên Trái Đất có tính quy luật từ xích đạo về hai cực giúp con người định hướng và có các hoạt động thực tiễn phù hợp với môi trường sống.

II. Quy luật phi địa đới

1. Khái niệm

- Khái niệm: Là quy luật về sự phân bố của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí theo kinh độ và theo độ cao.

- Nguyên nhân

+ Các quá trình nội lực đã tạo ra lục địa, đại dương và địa hình núi cao.

+ Các thành phần tự nhiên ở bờ đông, bờ tây lục địa, ở độ cao núi khác nhau sẽ có những đặc điểm không giống nhau.

2. Biểu hiện của quy luật

- Theo kinh độ (quy luật địa ô)

+ Khái niệm: Là sự thay đổi của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí theo kinh độ.

+ Nguyên nhân: Sự phân bố lục địa và đại dương làm cho khí hậu và kéo theo một số thành phần tự nhiên thay đổi từ đông sang tây. Gần biển có tính chất đại dương rõ rệt, càng vào sâu trung tâm lục địa thì tính chất lục địa càng tăng.

+ Biểu hiện: Thể hiện rõ nhất ở các thảm thực vật phân bố từ tây sang đông.

- Theo đai cao (quy luật đai cao)

+ Khái niệm: Là sự thay đổi của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí theo độ cao địa hình.

+ Nguyên nhân: Sự thay đổi nhiệt ẩm theo độ cao ở miền núi.

+ Biểu hiện: Sự phân bố các vành đai thực vật và nhóm đất theo độ cao địa hình.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới - Cánh diều (ảnh 1)

Mô phỏng sự phân bố các vành đai thực vật theo độ cao địa hình

3. Ý nghĩa thực tiễn

- Hiểu biết về sự phân hoá của tự nhiên theo kinh độ và đai cao cho phép xác định được các định hướng chung.

- Có biện pháp cụ thể để ứng xử với tự nhiên một cách hợp lí trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống hằng ngày.

III. Kết luận

- Các quy luật địa đới và phi địa đới diễn ra đồng thời và có tác động lẫn nhau.

- Quy luật nào phát huy mạnh hơn, chi phối thiên nhiên nhiều hơn lại phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

B. Bài tập trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới

Câu 1. Sự phân bố các đới khí hậu, các nhóm đất trên Trái Đất biểu hiện của quy luật nào sau đây?

A. Quy luật thống nhất.

B. Quy luật phi địa đới.

C. Quy luật nhịp điệu.

D. Quy luật địa đới.

Đáp án: D

Giải thích: Sự phân bố các vành đai nhiệt trên Trái Đất, các đai gió (gió Mậu dịch, gió Tây ôn đới, gió Đông cực) và các đai khí áp, các đới khí hậu trên Trái Đất, các nhóm đất và các kiểu thảm thực vật là biểu hiện của quy luật địa đới.

Câu 2. Sự thay đổi có quy luật của tất cả các thành phần địa lí và cảnh quan địa lí theo vĩ độ gọi là

A. Quy luật địa ô.

B. Quy luật đai cao.

C. Quy luật địa đới.

D. Quy luật thống nhất.

Đáp án: C

Giải thích: Quy luật địa đới là sự thay đổi có quy luật của tất cả các thành phần địa lí và cảnh quan địa lí theo vĩ độ.

Câu 3. Các vành đai gió trên Trái Đất bao gồm có

A. gió mậu dịch, gió Đông ôn đới, gió Tây ở cực.

B. gió mậu dịch, gió Phơn, gió Đông.

C. gió mậu dịch, gió Tây ôn đới, gió Đông ở cực.

D. gió mậu dịch, gió Phơn, gió Đông, gió Mùa.

Đáp án: C

Giải thích: Các vành đai gió trên Trái Đất bao gồm có gió mậu dịch, gió Tây ôn đới và gió Đông ở cực (ba loại gió này sắp xếp xen kẽ nhau từ xích đạo về hai cực). Các loại gió này phân bố theo quy luật địa đới.

Câu 4. Biểu hiện của quy luật địa ô là sự thay đổi các thảm thực vật theo

A. kinh độ.

B. độ cao.

C. vĩ độ.

D. miền.

Đáp án: A

Giải thích: Biểu hiện của quy luật địa ô là sự thay đổi các thảm thực vật theo kinh độ.

Câu 5. Do sự giảm nhanh nhiệt độ và sự thay đổi độ ẩm và lượng mưa theo độ cao đã hình thành quy luật nào sau đây?

A. Quy luật địa ô.

B. Quy luật đai cao.

C. Quy luật địa đới.

D. Quy luật thống nhất.

Đáp án: B

Giải thích: Nguyên nhân hình thành quy luật đai cao là do sự giảm nhanh nhiệt độ và sự thay đổi độ ẩm và lượng mưa theo độ cao.

Câu 6. Biểu hiện của quy luật đai cao là sự thay đổi các thảm thực vật theo

A. kinh độ.

B. vĩ độ.

C. độ cao.

D. vùng.

Đáp án: C

Giải thích: Biểu hiện của quy luật đai cao là sự thay đổi các thảm thực vật theo độ cao.

Câu 7. Quy luật địa đới và quy luật phi địa đới giống nhau ở điểm nào?

A. Tạo nên các vòng đai nhiệt và đới khí hậu trên bề mặt Trái Đất.

B. Do những nguồn năng lượng bên trong bề mặt Trái Đất gây nên.

C. Hình thành nên các cảnh quan và thành phần địa lí trên bề mặt Trái Đất.

D. Phân bố có quy luật của các thành phần và cảnh quan địa lí theo vĩ độ.

Đáp án: C

Giải thích: Quy luật địa đới và quy luật phy địa đới đều là quy luật về sự phân bố và hình thành các cảnh quan và thành phần địa lí trên bề mặt Trái Đất.

Câu 8. Góc chiếu của tia sáng mặt trời đến bề mặt đất thay đổi theo vĩ độ là nguyên nhân dẫn tới quy luật nào dưới đây?

A. Quy luật thống nhất.

B. Quy luật địa đới.

C. Quy luật địa ô.

D. Quy luật đai cao.

Đáp án: B

Giải thích: Nguyên nhân dẫn tới quy luật địa đới là do dạng hình cầu của Trái Đất và bức xạ mặt trời. Dạng hình cầu của Trái Đất làm cho góc chiếu của tia sáng mặt trời (góc nhập xạ) đến bề mặt đất thay đổi theo vĩ độ.

Câu 9. Sự phân bố các vòng đai nhiệt trên Trái Đất biểu hiện của quy luật

A. Quy luật nhịp điệu.

B. Quy luật thống nhất.

C. Quy luật địa đới.

D. Quy luật phi địa đới.

Đáp án: C

Giải thích: Sự phân bố các vành đai nhiệt trên Trái Đất, các đai gió (gió Mậu dịch, gió Tây ôn đới, gió Đông cực) và các đai khí áp, các đới khí hậu trên Trái Đất, các nhóm đất và các kiểu thảm thực vật là biểu hiện của quy luật địa đới.

Câu 10. Sự thay đổi các kiểu thực vật theo kinh độ là biểu hiện rõ nhất của quy luật nào dưới đây?

A. Quy luật địa đới.

B. Quy luật đai cao.

C. Quy luật địa ô.

D. Quy luật địa mạo.

Đáp án: C

Giải thích: Biểu hiện rõ rệt của quy luật địa ô là sự thay đổi các kiểu thực vật theo kinh độ.

 

Câu 11. Các vòng đai nhiệt từ Xích đạo đến cực được sắp xếp theo thứ tự nào sau đây?

A. Vòng đai lạnh, nóng, ôn hoà, băng giá vĩnh cửu.

B. Vòng đai nóng, lạnh, ôn hoà, băng giá vĩnh cửu.

C. Vòng đai lạnh, nóng, băng giá vĩnh cửu, ôn hoà.

D. Vòng đai nóng, ôn hoà, lạnh, băng giá vĩnh cửu.

Đáp án: D

Giải thích:

Các vòng đai nhiệt từ Xích đạo đến cực được sắp xếp theo thứ tự là: Vòng đai nóng, ôn hoà, lạnh và băng giá vĩnh cửu.

Cho bản đồ:

 

BẢN ĐỒ CÁC KIỂU THẢM THỰC VẬT CHÍNH TRÊN TRÁI ĐẤT

Dựa vào bản đồ trên, trả lời câu 12 đến câu 15

Câu 12. Ở lục địa Nam Mĩ theo vĩ tuyến 200N từ Tây sang Đông lần lượt là các kiểu thảm thực vật nào dưới đây?

A. Hoang mạc và bán hoang mạc; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; rừng và cây bụi lá cứng cận nhiệt.

B. Hoang mạc và bán hoang mạc; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; rừng lá rộng và hỗn hợp ôn đới.

C. Hoang mạc và bán hoang mạc; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; rừng nhiệt đới, xích đạo.

D. Hoang mạc và bán hoang mạc; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; xavan, cây bụi.

Đáp án: C

Giải thích:

- B1. Quan sát bảng chú giải, xác định kí hiệu các thảm thực vật.

- B2. Xác định kinh tuyến 200N chạy qua lục địa Nam Mĩ -> Đọc tên các thảm thực vật từ Tây sang Đông gồm: Hoang mạc và bán hoang mạc; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; rừng nhiệt đới, xích đạo.

Câu 13. Sự thay đổi của thảm thực vật từ Tây sang Đông ở vĩ tuyến 200N trên lục địa Nam Mĩ là biểu hiện của quy luật nào dưới đây?

A. Quy luật địa ô.

B. Quy luật địa mạo.

C. Quy luật địa đới.

D. Quy luật đai cao

Đáp án: A

Giải thích: Xác định từ khóa: Sự thay đổi từ Tây sang Đông -> là sự thay đổi của thảm thực vật theo kinh độ => Đây là biểu hiện của quy luật địa ô.

Câu 14. Ở lục địa Bắc Mĩ theo vĩ tuyến 400B từ đông sang tây lần lượt là các kiểu thảm thực vật nào sau đây?

A. Rừng lá rộng và hỗn hợp ôn đới; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; rừng lá kim.

B. Rừng lá rộng và hỗn hợp ôn đới; rừng lá kim; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao.

C. Rừng lá kim; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao, rừng lá rộng và hỗn hợp ôn đới.

D. Rừng lá rộng và hỗn hợp ôn đới; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; xavan, cây bụi.

Đáp án: A

Giải thích:

- B1. Quan sát bảng chú giải, xác định kí hiệu các thảm thực vật.

- B2. Xác định kinh tuyến 40 độ Bắc chạy qua lục địa Bắc Mĩ -> Đọc tên các thảm thực vật từ đông sang tây: Rừng lá rộng và hỗn hợp ôn đới; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; rừng lá kim.

Câu 15. Theo lược đồ, phát biểu nào sau đây không đúng về sự phân bố thảm thực vật ở châu Á?

A. Càng vào sâu trong lục địa thảm thực vật càng thay đổi.

B. Thảm thực vật thay đổi từ vĩ độ thấp lên vĩ độ cao.

C. Rừng nhiệt đới phân bố chủ yếu ở Nam Á, Đông Nam Á.

D. Rừng cận nhiệt ẩm chỉ phân bố ở phía sâu trong lục địa.

Đáp án: D

Giải thích: Theo lược đồ, thảm thực vật châu Á thay đổi từ vĩ độ thấp lên vĩ độ cao. Ngoài ra thảm thực vật phân bố không đều từ theo vị trí gần hay xa biển. Rừng nhiệt đới phân bố chủ yếu ở Nam Á, Đông Nam Á; Rừng cận nhiệt ẩm phân bố chủ yếu ở phía Đông Á (đặc biệt là ven biển Trung Quốc) => Nhận định: Rừng cận nhiệt ẩm chỉ phân bố ở phía sâu trong lục địa là sai.

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 14: Vỏ địa lí. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh

Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới

Đánh giá

0

0 đánh giá