Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 12 (Cánh diều 2024): Đất và sinh quyển

10.7 K

Với tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 10 Bài 12: Đất và sinh quyển sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 10.

Địa Lí lớp 10 Bài 12: Đất và sinh quyển

Video giải Địa lí 10 Bài 12: Đất và sinh quyển - Cánh diều

A. Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 12: Đất và sinh quyển

I. Đất và lớp vỏ phong hóa

- Khái niệm

+ Đất là lớp vật chất tơi xốp nằm trên cùng của bề mặt lục địa.

+ Lớp vỏ phong hoá là sản phẩm phong hoá của đá gốc, nằm phía dưới lớp đất và phía trên cùng của tầng đá gốc.

- Thành phần: Vô cơ, hữu cơ, nước, không khí và được đặc trưng bởi độ phì.

- Độ phì là khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, khoáng, nước, nhiệt, khí cho thực vật sinh trưởng và phát triển, tạo ra năng suất cây trồng.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 12: Đất và sinh quyển - Cánh diều (ảnh 1)

II. Các nhân tố hình thành đất

Đất được hình thành do tác động đồng thời của nhiều nhân tố

* Đá mẹ

- Là nguồn cung cấp vật chất vô cơ cho đất

- Quyết định đến thành phần khoáng vật, thành phần cơ giới của đất

* Khí hậu

- Nhiệt và ẩm làm phá hủy đá gốc, tạo ra các sản phẩm phong hóa và tiếp tục phong hía thành đất

- Ảnh hưởng đến chế độ nhiệt ẩm của đất, sự hòa tan, rửa trôi hoặc tích tụ vật chất trong các tầng đất

* Sinh vật

- Cung cấp chất dinh dưỡng cho đất

- Thực vật cing cấp chất hữu cơ

- Vi sinh vật phân giải xác thực vật và động vật tổng hợp thành mùn

* Địa hình

- Độ cao: Những vùng núi cao, do nhiệt độ thấp nên quá trình phong hoá diễn ra chậm làm quá trình hình thành đất diễn ra yếu.

- Hướng sườn: Sườn đón nắng và đón gió ẩm có nhiệt ẩm dồi dào hơn sườn khuất nắng, khuất gió nên đất giàu mùn hơn.

- Độ dốc:

+ Địa hình dốc có sự xâm thực và xói mòn diễn ra mạnh hơn, nhất là trong điều kiện mất lớp phủ thực vật nên đất thường mỏng và bị bạc màu.

+ Địa hình bằng phẳng có quá trình bồi tụ chiếm ưu thế nên tầng đất dày và giàu chất dinh dưỡng hơn.

- Hình thái địa hình: Nơi trũng thấp ngập nước thường xuyên có đất ( khác với nơi cao ráo thoát nước tốt.

* Thời gian

Thời gian từ khi một loại đất bắt đầu được hình thành đến nay được gọi là tuổi đất. Trong thời gian đó xảy ra toàn bộ các hiện tượng của quá trình hình thành đất, tác động của các nhân tố hình thành đất.

* Con người

- Hoạt động sản xuất của con người làm cho đất tốt lên hay xấu đi.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 12: Đất và sinh quyển - Cánh diều (ảnh 1)

Bón phân để cải tạo đất

III. Khái niệm, đặc điểm và giới hạn của sinh quyển

- Khái niệm:

+ Là toàn bộ sinh vật sinh sống trên Trái Đất, tạo thành một quyển của Trái Đất.

+ Có thể hiểu, sinh quyển là thế giới của sinh vật sống trên Trái Đất.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 12: Đất và sinh quyển - Cánh diều (ảnh 1)

Tranh minh họa về sinh quyển

- Đặc điểm chủ yếu của sinh quyển là các cơ thể sống. Trong đó:

+ Thực vật là một thành phần quan trọng của sinh quyển.

+ Động vật thường sống thành bầy đàn trong các môi trường tự nhiên khác nhau.

+ Vi sinh vật có mặt ở khắp nơi, có tính thích nghi mạnh và sinh sản nhanh.

- Tác động: Sinh quyển ảnh hưởng đến sự phát triển của các quyển khác trên Trái Đất.

- Giới hạn:

+ Phụ thuộc vào giới hạn phân bố của sinh vật, bao gồm toàn bộ thuỷ quyển, phần thấp của khí quyển, lớp đất và một phần của thạch quyển.

+ Giới hạn phía trên của sinh quyển là nơi tiếp giáp lớp ô-zôn của khí quyển.

+ Giới hạn dưới ở lục địa là đáy lớp vỏ phong hoá, ở đại dương xuống tận các hố sâu đại dương (sâu nhất khoảng 11 km).

+ Thường tập trung nhiều ở khoảng vài chục mét ở phía trên và dưới bề mặt đất.

IV. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố sinh vật

1. Khí hậu

- Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí là những nhân tố tác động làm thay đổi sự phát triển và phân bố của sinh vật:

+ Ánh sáng: Điều kiện sinh tồn quan trọng bậc nhất của cây xanh, nhờ có ánh sáng mà cây xanh mới thực hiện được quá trình quang hợp.

+ Nhiệt độ: Mỗi loài sinh vật thích nghi với một giới hạn nhiệt độ nhất định.

+ Độ ẩm không khí: Rất cần thiết cho sinh vật. Hầu hết các sinh vật trên Trái Đất đều khó tồn tại và phát triển trong môi trường rất khô hạn.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 12: Đất và sinh quyển - Cánh diều (ảnh 1)

Cây xương rồng có thể sống ở những nơi rất khô cạn

2. Nước

- Nước rất cần thiết cho sinh vật sinh trưởng và phát triển.

- Mỗi loài có nhu cầu về nước khác nhau.

+ Các loài sinh vật ưa ẩm thường phân bố nhiều ở vùng xích đạo, nhiệt đới ẩm,...

+ Các loài ưa khô thường sống ở thảo nguyên, hoang mạc,...

3. Đất

- Sự phát triển, phân bố thực vật chịu ảnh hưởng từ các đặc tính lí, hoá, độ phì của đất.

- Mỗi loài thực vật phát triển thích hợp ở mỗi loại đất nhất định.

- Một số loài động vật không thích ánh sáng thường trú ẩn trong các hang ở dưới đất.

4. Địa hình

- Độ cao địa hình làm thay đổi nhiệt độ và lượng mưa, từ đó có các vành đai sinh vật khác nhau.

- Hướng sườn khác nhau thường có lượng nhiệt, ẩm và sự chiếu sáng khác nhau nên sinh vật phát triển khác nhau, độ cao bắt đầu và kết thúc của các vành đai sinh vật cũng khác nhau.

- Sườn dốc thường bị xâm thực, xói mòn nhiều hơn sườn thoải nên thảm thực vật cũng kém phát triển hơn.

5. Sinh vật

- Thực vật, động vật, vi sinh vật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong chuỗi thức ăn.

- Nơi có thảm thực vật xanh tốt thuận lợi cho động vật ăn cỏ, ở đó có các động vật ăn thịt và vi sinh vật có điều kiện hoạt động phân giải chất hữu cơ mạnh mẽ.

- Động vật còn có mối quan hệ với thực vật về nơi cư trú.

6. Con người

Tác động tích cực:

+ Mở rộng phạm vi phân bố của sinh vật.

+ Lai tạo để tạo ra các giống mới đã làm đa dạng thêm các loài sinh vật.

+ Việc trồng rừng trên phạm vi thế giới sẽ làm tăng độ che phủ rừng.

- Tác động tiêu cực: phá rừng, khai thác rừng bừa bãi đã làm giảm sự đa dạng sinh học, nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 12: Đất và sinh quyển - Cánh diều (ảnh 1)

Tình trạng chặt phá rừng

B. Bài tập trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 12: Đất và sinh quyển

 Câu 1. Thứ tự từ bề mặt đất xuống sâu là

A. đá gốc, lớp vỏ phong hoá, lớp phủ thổ nhưỡng.

B. lớp vỏ phong hoá, lớp phủ thổ nhưỡng, đá gốc.

C. đá gốc, lớp phủ thổ nhưỡng, lớp vỏ phong hoá.

D. lớp phủ thổ nhưỡng, lớp vỏ phong hoá, đá gốc.

Đáp án: D

Giải thích: Lớp vỏ phong hoá là sản phẩm phong hoá của đá gốc, nằm phía dưới lớp đất và phía trên cùng của tầng đá gốc -> Thứ tự từ bề mặt đất xuống sâu là lớp phủ thổ nhưỡng, lớp vỏ phong hoá, đá gốc.

Câu 2. Các yếu tố khí hậu nào sau đây có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành đất?

A. Nhiệt và ẩm.

B. Ẩm và khí.

C. Khí và nhiệt.

D. Nhiệt và nước.

Đáp án: A

Giải thích: Nhiệt và ẩm làm phá huỷ đá gốc tạo ra các sản phẩm phong hoá và tiếp tục phong hoá thành đất; ảnh hưởng đến chế độ nhiệt ẩm của đất, sự hoà tan, rửa trôi hoặc tích tụ vật chất trong các tầng đất.

Câu 3. Độ phì của đất là khả năng cung cấp nước, nhiệt, khí và các chất dinh dưỡng cần thiết cho

A. sinh vật.

B. thực vật.

C. vi sinh vật.

D. động vật.

Đáp án: B

Giải thích: Độ phì là khả năng đất cung cấp nước, các chất dinh dưỡng và các yếu tố khác (như nhiệt, khí,...), giúp thực vật sinh trưởng và phát triển.

Câu 4. Phát biểu nào sau đây không đúng về vai trò của đá mẹ đối với việc hình thành đất?

A. Nguồn cung cấp vật chất vô cơ.

B. Quyết định thành phần khoáng vật.

C. Quyết định thành phần cơ giới.

D. Nguồn cung cấp vật chất hữu cơ.

Đáp án: D

Giải thích: Đá mẹ là nhân tố khởi đầu của quá trình hình thành đất, các đặc tính của đá mẹ như màu sắc, cấu tạo, thành phần khoáng sẽ tác động đến tính chất lí, hoá của đất. Đá mẹ là nguồn cung cấp vật chất vô cơ cho đất, quyết định đến thành phần khoáng vật, thành phần cơ giới của đất.

Câu 5. Loại đất nào sau đây không thuộc nhóm feralit?

A. đất phù sa cổ.

B. đất ở núi đá.

C. đất đỏ badan.

D. đất đỏ đá vôi.

Đáp án: A

Giải thích: Đất phù sa cổ thuộc nhóm đất phù sa -> Đất phù sa cổ không thuộc nhóm đất feralit.

Câu 6. Thổ nhưỡng là lớp vật chất

A. mềm bở ở bề mặt lục địa.

B. tơi xốp ở bề mặt lục địa.

C. rắn ở bề mặt vỏ Trái Đất.

D. vụn ở bề mặt vỏ Trái Đất.

Đáp án: B

Giải thích: Đất là lớp vật chất tơi xốp nằm trên cùng của bề mặt lục địa. Đất gồm có các thành phần vô cơ, hữu cơ, nước, không khí và được đặc trưng bởi độ phì.

Câu 7. Nhân tố nào sau đây có tác động đến việc tạo nên thành phần vô cơ cho đất?

A. Địa hình.

B. Sinh vật.

C. Khí hậu.

D. Đá mẹ.

Đáp án: D

Giải thích: Đá mẹ là nhân tố khởi đầu của quá trình hình thành đất, các đặc tính của đá mẹ như màu sắc, cấu tạo, thành phần khoáng sẽ tác động đến tính chất lí, hoá của đất. Đá mẹ là nguồn cung cấp vật chất vô cơ cho đất, quyết định đến thành phần khoáng vật, thành phần cơ giới của đất.

Câu 8. Đặc trưng của thổ nhưỡng là

A. độ ẩm.

B. tơi xốp.

C. vụn bở.

D. độ phì.

Đáp án: D

Giải thích: Đất được cấu tạo bởi các thành phần chính bao gồm chất khoáng, chất hữu cơ, không khí và nước. Đặc trưng cơ bản của đất là độ phì.

Câu 9. Các nhân tố nào sau đây có tác động quan trọng nhất đến việc hình thành nên độ phì của đất?

A. Sinh vật, đá mẹ.

B. Khí hậu, sinh vật.

C. Địa hình, đá mẹ.

D. Đá mẹ, khí hậu.

Đáp án: B

Giải thích:

Các nhân tố có tác động quan trọng nhất đến việc hình thành nên độ phì của đất là khí hậu và sinh vật.

- Khí hậu: Nhiệt và ẩm làm phá huỷ đá gốc tạo ra các sản phẩm phong hoá và tiếp tục phong hoá thành đất; ảnh hưởng đến chế độ nhiệt ẩm của đất, sự hoà tan, rửa trôi hoặc tích tụ vật chất trong các tầng đất.

- Sinh vật: Cung cấp chất dinh dưỡng cho đất; thực vật cung cấp chất hữu cơ, vi sinh vật phân giải xác thực vật và động vật tổng hợp thành mùn.

Câu 10. Các nhân tố nào sau đây có tác động quan trọng nhất đến việc hình thành nên các thành phần chủ yếu của đất?

A. Khí hậu, sinh vật.

B. Đá mẹ, khí hậu.

C. Địa hình, đá mẹ.

D. Sinh vật, đá mẹ.

Đáp án: D

Giải thích:

Các nhân tố có tác động quan trọng nhất đến việc hình thành nên các thành phần chủ yếu của đất là sinh vật và đá mẹ.

- Đá mẹ là nguồn cung cấp vật chất vô cơ cho đất, quyết định đến thành phần khoáng vật, thành phần cơ giới của đất.

- Sinh vật cung cấp chất dinh dưỡng cho đất; thực vật cung cấp chất hữu cơ, vi sinh vật phân giải xác thực vật và động vật tổng hợp thành mùn.

Câu 11. Nhân tố nào sau đây có tác động đến việc tạo nên thành phần hữu cơ cho đất?

A. Sinh vật.

B. Đá mẹ.

C. Địa hình.

D. Khí hậu.

Đáp án: A

Giải thích: Sinh vật là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho đất; thực vật cung cấp chất hữu cơ, vi sinh vật phân giải xác thực vật và động vật tổng hợp thành mùn.

Câu 12. Trong việc hình thành đất, khí hậu không có vai trò nào sau đây?

A. Ảnh hưởng đến hoà tan, rửa trôi vật chất.

B. Tạo môi trường cho hoạt động vi sinh vật.

C. Cung cấp vật chất hữu cơ và khí cho đất.

D. Làm cho đá gốc bị phân huỷ về mặt vật lí.

Đáp án: C

Giải thích: Khí hậu có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành đất, tác động đến sự phát triển của các nhân tố khác như đá mẹ, địa hình, sinh vật. Hai yếu tố nhiệt độ và lượng mưa của khí hậu có tác động mạnh nhất đến quá trình phong hoá đá và hình thành đất.

Câu 13. Tác động quan trọng nhất của sinh vật đối với việc hình thành đất là

A. làm đá gốc bị phá huỷ.

B. tạo các vành đai đất.

C. cung cấp chất hữu cơ.

D. cung cấp chất vô cơ.

Đáp án: C

Giải thích: Sinh vật tham gia vào quá trình phá huỷ đá. Chất hữu cơ trong đất phụ thuộc rất nhiều vào sự xuất hiện của sinh vật tác động vào quá trình hình thành đất. Xác của sinh vật phân huỷ sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, sinh vật còn ngăn chặn xói mòn, rửa trôi đất -> Tác động quan trọng nhất của sinh vật đối với việc hình thành đất là cung cấp chất hữu cơ.

Câu 14. Vai trò quan trọng của vi sinh vật trong việc hình thành đất là

A. hạn chế sự xói mòn, rửa trôi.

B. góp phần làm phá huỷ đá.

C. cung cấp vật chất hữu cơ.

D. phân giải, tổng hợp chất mùn.

Đáp án: D

Giải thích: Sinh vật cung cấp chất dinh dưỡng cho đất; thực vật cung cấp chất hữu cơ, vi sinh vật phân giải xác thực vật và động vật tổng hợp thành mùn.

Câu 15. Trong việc hình thành đất, thực vật không có vai trò nào sau đây?

A. Phân giải, tổng hợp chất mùn.

B. Góp phần làm phá huỷ đá.

C. Cung cấp vật chất hữu cơ.

D. Hạn chế sự xói mòn, rửa trôi.

Đáp án: A

Giải thích: Sinh vật tham gia vào quá trình phá huỷ đá. Chất hữu cơ trong đất phụ thuộc rất nhiều vào sự xuất hiện của sinh vật tác động vào quá trình hình thành đất. Xác của sinh vật phân huỷ sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, sinh vật còn ngăn chặn xói mòn, rửa trôi đất => Vi sinh vật phân giải xác thực vật và động vật tổng hợp thành mùn.

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 11: Nước biển và đại dương

Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 12: Đất và sinh quyển

Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 14: Vỏ địa lí. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh

Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới

Đánh giá

0

0 đánh giá