TOP 10 bài Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim 2024 SIÊU HAY

5.7 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim Ngữ văn 11 ,Chân trời sáng tạo gồm 7 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim

TOP 10 bài Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim 2024 SIÊU HAY (ảnh 1)

Đề bài: Câu lạc bộ Văn học-Nghệ thuật của trường bạn tổ chức cuộc thi viết về Tác phẩm sân khấu - điện ảnh tôi yêu. Để tham gia, bạn hãy viết văn bản nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim mà bạn yêu thích.

I. Mở bài:

- Giới thiệu về kịch bản văn học và tác giả (đối với văn bản nghị luận về một kịch bản văn học) hoặc giới thiệu bộ phim, đạo diễn và ê-kíp (đối với văn bản nghị luận về một bộ phim).

- Nêu luận đề của bài viết.

II. Thân bài:

- Triển khai một vài luận điểm nhằm sáng tỏ luận đề đã nêu:

+ Thành công/ hạn chế về xây dựng nhân vật, hành động, xung đột kịch, ngôn ngữ kịch,...

+ Thành công/ hạn chế về kịch bản phim, ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn, diễn xuất.

+ Phân tích những hình tượng nổi bật, mang nhiều ý nghĩa trong kịch bản văn học hoặc bộ phim.

III. Kết bài:

- Khẳng định lại luận đề.

- Nêu kết luận bao quát về giá trị, đóng góp nổi bật của bộ phim hoặc kịch bản văn học.

Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim - Mẫu 1

Những vở kịch của Sếch-xpia luôn là nguồn tài nguyên giá trị để các thế hệ sau khai thác, khám phá. Không chỉ lột tả được bức tranh chân thực của thời đại, ông còn đem đến cho nhân loại vô vàn thông điệp, giá trị nhân sinh sâu sắc. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ qua văn bản “Sống hay không sống - đó là vấn đề”, trích trong vở bi - hài kịch “Bi kịch của Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch”.

Về nội dung, tác phẩm mang đến rất nhiều thông điệp giá trị, ý nghĩa đối với nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu nhận xét, “Sống hay không sống - đó là vấn đề” đã phản ánh được tinh thần của thời đại. Trong xã hội nơi sự mưu mô, xấu xa bao trùm, vẫn có những con người luôn hướng tới cái lương thiện, tốt đẹp. Ở đó, ta thấy cuộc đấu tranh không hồi kết giữa cái thiện và cái ác, giữa lí tưởng sống cao cả của con người với thực tại đổ vỡ, tối tăm. Qua đây, tác giả muốn hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, đưa ra được câu hỏi mang bản chất triết học của loài người: “Sống hay không sống?”. Đây là vấn đề đề cập đến mục đích sống của từng cá nhân. Để trả lời câu hỏi ấy, con người cần ý thức được thực tại vô định, bất công. Từ đó suy xét và hình thành suy nghĩ: “Hành động hay không hành động?”. Tất cả đều nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc cho nhân loại.

Về nghệ thuật, đầu tiên phải kể tới nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng tài hoa của Sếch-xpia. Đó là Hăm-lét- người suy nghĩ bằng cả trái tim và trí óc, dám lên tiếng hoài nghi cả xã hội; là tên vua Clô-đi-út nham hiểm, được ngụy tạo bằng những lời nói đường mật; tên Pô-lô-ni-út giả dối, độc đoán hay nàng Ô-phê-li-a thủy chung nhưng sợ lễ giáo, cường quyền;... Tất cả đã tạo nên một hệ thống các nhân vật điển hình với những màu sắc rõ ràng, riêng biệt. Ngôn ngữ kịch cũng được Sếch-xpia sử dụng vô cùng điêu luyện. Nhìn vào những cuộc đối thoại trong văn bản, ta thấy rất rõ sự biến chuyển linh hoạt: từ đau đớn, tự vấn đến giễu cợt, gay gắt, mỉa mai. Bên cạnh đó, ngôn ngữ độc thoại đặc sắc đã góp phần quan trọng thể hiện tư tưởng, góc nhìn của nhân vật cũng như của tác giả. Không chỉ vậy, những xung đột trong kịch cũng được gắn liền với xung đột nội tâm nhân vật Hăm-lét. Từ niềm tin mãnh liệt vào con người, Hăm-lét dần chuyển sang hoang mang, lo sợ trước thực tại đổ vỡ. Từ đó, có thái độ hoài nghi, chán nản với nhân sinh. Sau cùng, trải qua bao sóng gió, chàng đã nhận thức lại thế giới và nảy sinh nghị lực phản kháng.

Như vậy, có thể nói tác phẩm “Sống hay không sống - đó là vấn đề” đã thể hiện vô cùng rõ nét tài năng cũng như tầm nhìn mang tính vĩ mô của đại văn hào Sếch-xpia. Qua đó, để lại cho nhân loại một kiệt tác mà đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim - Mẫu 2

Xã trưởng - Mẹ Đốp là đoạn trích được trích từ vở chèo Quan Âm Thị Kính, bằng ngôn ngữ đực trưng của chèo và các vai nhân vật, người đọc thấy được cuộc trao đổi giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, thông báo cho cả làng biết tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng. Qua đó thấy sự phê phán đối với những tầng lớp chức dịch như xã trưởng nhưng lại có tính trêu ghẹo, đùa cợt người khác, ham sắc và khinh người, tự cao và không có đạo đức.

Mở đầu đoạn trích là thông tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng, bị rêu rao khắp làng xóm và bị phạt. Thông tin hết sức ngắn gọn được xã trưởng nêu lên để triệu tập bố Đốp ra làm việc. Thông tin ấy phần nào thể hiện xã hội cổ hủ, lạc hậu xưa với những giáo điều, quy định khắt khe.

Tiếp theo là màn đối đáp giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, các màn kịch lần lượt được hiện lên. Đầu tiên là màn kịch phơi bày bộ mặt gian trá, dốt nát, kém hiểu biết của xã trưởng, sự tinh lanh, nhanh nhẹn hoạt ngôn của mẹ Đốp: “Một mình tôi cả xã ngóng trông/ Điều phải trái tôi nay trước bảo”. Rồi khi mẹ Đốp đọc thơ, xã trưởng cũng lấy làm hay thì mẹ Đốp bảo thầy chép về mà treo…

Tiếp đó là màn kịch của một tên háo sắc, nhũng nhiễu dân lành. Đường đường là người đứng đầu một làng một xã, lẽ ra phải là người ăn nói chỉn chu, lịch sự nhã nhặn với dân. Nhưng không, xã trưởng ở đây ngang nhiên gạ gẫm dân lành “nhà Đốp lớp này coi ra bảnh gái dễ coi lắm nhỉ… hôm nào mát trời tao sang gửi một đứa nhỉ”. Những ngôn ngữ “bảnh gái, gửi đứa” chỉ phù hợp với lứa trẻ đang tán tỉnh, trêu đùa nhau, không hề phù hợp với người cán bộ, người đứng đầu.

Và màn kịch cuối là màn kịch sử dụng ngôn ngữ đối thoại của hài kịch để khắc hoạ nổi bật tính cách của các nhân vật, cùng với sự dẫn dắt mâu thuẫn khéo léo, bất ngờ, hành động giàu kịch tính. Yếu tố hài hước được tạo nên từ những thủ pháp như sử dụng từ đồng âm ''bằng'' (“Bố cháu trẩy tỉnh lĩnh bằng rồi ạ/ Làm cái thứ mõ thì bằng với sắc cái gì/ Bố cháu cắp tráp theo hầu cụ Bá lên tỉnh lĩnh bằng rồi”); sử dụng âm vận “ôi” (Thánh đế lên ngôi/Chẳng giấu gì mẹ đốp là tôi; giấy quan về là phải báo với tôi/ tôi chưa ra là làng chửa được ngồi)… cùng những từ ngữ dân dã, xưng hô xuồng xã: con mẹ Đốp, con này, bảnh gái, mộc đạc… Qua đó nhân vật hiện lên rõ nét: mẹ Đốp là nhân vật nhân vật hài hước, gây cười, là người nhanh nhẹn, hoạt bát, mồm năm miệng mười. Còn xã trưởng là người tự hào khi mình được chọn làm lí trưởng, ra oai với dân làng, khinh bỉ, coi thường những người có địa vị thấp kém hơn mình. Sự xuất hiện hai nhân vật đối lập trong kịch bản chèo: giúp thể hiện rõ tư tưởng, triết lí dân gian bởi lời nói cử chỉ của nhân vật vừa gây cười nhưng rất thâm thúy, sâu sa, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật chèo truyền thống. Xây dựng xung đột kịch lôi cuốn, hấp dẫn. Xây dựng nhân vật tiêu biểu, đại diện cho giai cấp tầng lớp trong xã hội (xã trưởng- quan lại kém hiểu biết, lố lăng háo sắc; mẹ Đốp- nông dân khéo ăn khéo nói). Những làn điệu chèo phù hợp, giúp diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật. Nhân vật mang tính quy ước, thiện – ác phân chia làm hai tuyến rõ ràng. Qua việc xây dựng nhân vật và xung đột kịch hấp dẫn góp phần thể hiện văn hóa dân gian, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim - Mẫu 3

Bao trùm lên sáng tác của nhà văn là nguồn cảm hứng lớn về lịch sử. Viết văn để tỏ lòng yêu nước, đó là triết lí sống và là quan điểm sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi.” Vũ Như Tô là vở kịch nổi tiếng nhất của Nguyễn Huy Tưởng. Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ. Vũ đã từ chối dù bị đe dọa kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước. Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng Đài. Nhưng Cửu Trùng Đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu trùng Đài bị thiêu trụi. Tác phẩm phản ánh tình hình chính trị loạn lạc thời Lê Tương Dực Nguyên nhân là do Vua ăn chơi vô độ làm mất lòng dân, hao tổn sức người sức của” mấy nghìn người chết vì Cửu Trùng Đài, mẹ mất con, vợ mất chồng..”. Trịnh Duy Sản sắm sưả thuyền bè khí giới, họp ở bến đó Thái Cực, nó reo là đi đánh Trần Cao, rồi đương đêm đem ba nghì quân Kim Ngô (cận vệ) vào cửa Bắc Thần đốt lưả cho sáng.. Hoàng thượng trông thấy lưả sáng hốt hoảng lên ngưạ lẻn ra cửa Bảo Khánh, qua cửa Thái Học, đến ao Chu Tước ở phường Bích Câu vưà gặp Duy sản. Duy Sản sai võ sĩ tên Hạch đâm vua ngã ngưạ chết. Hoàng hậu thương vua nhảy vào lưả chết. Nguyễn Vũ ăn lộc vua, tự sát theo vua..

Miêu tả bi kịch của người nghệ sĩ Vũ Như Tô Nguyễn Huy Tưởng đã đặt một câu hỏi trong Đề Tựa vở kịch: “Chẳng biết Vũ như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải? (…) than ôi, Như Tô phải hay những kẽ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. ”Đó là bi kịch của Như Tô và cũng là bi kịch của người nghệ sĩ trong xã hội cũ. Như Tô là kiến trúc tài năng. Lúc đầu ông từ chối yêu cầu của Lê Tương Dực, không xây Cửu Trùng Đài. Đan Thiềm khuyên: “Ông cứ xây một toà đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi sẽ mất đi, nhưng sự nghiệp của ông còn thuộc về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện…Hậu thế sẽ xét công và nhớ ơn ông mãi mãi “. Vũ Như Tô nghe lời Đan Thiềm, đã dốc hết tâm huyết, tài năng vào việc xây Cửu Trùng Đài. Thế nhưng việc xây Cửu Trùng Đài làm chết mấy nghìn người, hao tổn công quỹ, mà chỉ phục vụ cho mục đích ăn chơi của vua. Sự bất mãn của nhân dân và cuả những người thợ xây ngày càng tăng lên, sau cùng họ đã theo Trịnh Duy Sản nổi dậy, giết vua phá Trùng Đài, rồi giết cả Đan Thiềm và Vũ Như Tô. Những phút cuối đời, Vũ Như Tô vẫn không tin mình có tội với nhân dân, vẫn không tin Cửu Trùng Đài bị đốt phá, vì đó là một điều vô lý, ông không thể hiểu. Chỉ khi biết rõ Cửu Trùng Đài bị phá. Vũ Như Tô kếu lên; “Thôi thế là hết! dẫn ta đến pháp trường”. Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ trong sự chọn lưạ mục đích sáng tạo nghệ thuật là để đạt tới cái đẹp vĩnh cửu (sự nghiệp còn lại muôn đời) hay phục vụ chính trị (phục vụ yêu cầu của Lê Tương Dực xây cung điện để ăn chơi). Chính vì thế, Vũ Như Tô trở nên ảo tưởng. Ông không nghĩ hành động của mình đang phục vụ nhà vua, gây bao đau khổ cho nhân dân, mà chỉ nghĩ đó là công trình của tâm huyết, tài năng, khát vọng và sống chết với công trình ấy. Bi kịch là ở chỗ ông không biết mình đúng hay sai, và nhân dân, những người theo 1 Trịnh Duy sản đã giết ông là đúng hay sai. Ông đã chết trong ảo tưởng của mình. Còn tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã trả lời vấn đề đó bằng hành động kịch. Nhiều lần các nhân vật đều khẳng định tội của Vũ Như Tô, tội gây ra mấy nghìn người chết, hao tốn bao nhiêu công quỹ, phục vụ cho hôn quân, và vì thế Vũ Như Tô phải ra pháp trường. Nguyễn Huy Tưởng đặt ra vấn đề: nghệ thuật phải đứng về phía nhân dân mới tồn tại (phục vụ hôn quân thì bị nhân dân đốt phá). Người nghệ sĩ phải đem tài năng phục vụ nhân dân mới có thể tồn tại và phát triển (Vũ Như Tô phục vụ thế lực tàn bạo thì bị nhân dân tiêu diệt). Nhân vật Vũ Như Tô Một kiến trúc sư tài ba, có hoài bão lớn, có nghĩa khí của kẻ sĩ, và sống chết với hoài bão của mình. Không sợ cường quyền, không sợ gian khổ hy sinh. Nhưng sự phát triển tính cách và số phận của Vũ Như Tô lại không thuyết phục. Lúc đầu Vũ Như Tô nhất quyết từ chối yêu cầu của Lê Tương Dực, dù biết rằng có thể mất mạng. Vậy mà chỉ vì lời khuyên của Đan Thiềm, một cung nữ, mà Vũ Như Tô xây đài cho Lê Tương Dực. Ông đã coi lời của Đan Thiềm là chân lý, và quyết tâm thực hiện chân lý ấy, bất chấp tất cả những lời khuyên can, những tiếng kêu thương của nhân dân. Sau cùng, Đan Thiềm khuyên ông đi trốn, ông không đi, ông không nhận ra sai lầm của mình và chết trong mù quáng. Với một kẻ sĩ (nhà Nho có lý tưởng trị quốc, bình thiên hạ) thì không ai lại đem lý tưởng, hoài bão và cuộc đời giao vào tay một cung nữ, để chết thảm như vậy. Lê Tương Dực vì cung nữ mà đắc tội với nhân dân nên phải chết. Vũ Như Tô cũng vậy, vì cung nữ Đan Thiềm (dù hai người có là tri kỷ của nhau) mà mang tội với nhân dân, bị dẫn ra pháp trường.

Nói cho đúng, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng một nhân vật kẻ sĩ phong kiến, mang ảo tưởng nghệ thuật vị nghệ thuật của người trí thức tiểu tư sản hiện đại. Vì thế hình tượng nhân vật không hiện lên như mong muốn của tác giả. Đỗ Đức Hiểu coi Vũ Như Tô là một anh hùng bi kịch (tạp chí Văn Học số 10, 1997), tôi nghĩ điều ấy là một ngộ nhận, bởi vì chính tác giả Nguyễn Huy Tưởng cũng không xác định được lý tưởng của Vũ Như Tô là đúng hay sai, hành động, cuộc đời của Vũ Như Tô có vì mụch đích cao cả của nhân dân mà phục vụ hay không, thì sao Vũ Như Tô có thể là một nhân vật anh hùng. Trái lại, cuộc đời ấy bị điều khiển bởi một cung nữ Đan Thiềm, chạy theo những ảo tưởng, hơn nữa những ảo tưởng ấy lại chà đạp lên sinh mệnh nhân dân Vũ Như Tô phải chết trong bi thảm , sao có thể gọi là một nhân vật anh hùng, dù là anh hùng bi kịch? Người anh hùng phải là người chiến đấu cho một lý tưởng cao đẹp và là người chiến thắng. Vũ Như Tô thì ngược lại, sống và chết trong mù quáng.

Hạn chế của vở kịch Nguyễn Huy Tưởng chỉ mượn Vũ Như Tô để thể hiện những trăn trở của người trí thức trước thời đại. Vở kịch được viết năm 1941, lúc đất nước đang trong ách Thực dân Phát xít. Người nghệ sĩ sẽ phục vụ ai? Sẽ sáng tác thế nào? ghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng. Nguyễn Huy Tưởng còn lung túng trong sự chọn lưạ. Ông để cho Vũ Như Tô phục vụ cái đẹp cao cả, vĩnh cửu, tách rời cuộc sống, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, nhưng ông lại để nhân dân xử tội Vũ Như Tô. Hoàn cảnh hiện nay đã khác với những năm 1941, người nghệ sĩ hôm nay phục vụ 2 chính trị là chính trị của nhân dân, nghệ thuật thuộc về nhân dân là nghệ thuật vĩnh cửu.Vở kịch Vũ Như Tô chưa đạt tới tầm tư tưởng như thế. Mọi giải thích khác đi, hoặc tụng ca quá đáng vở kịch đều làm khúc xạ đi giá trị thực của vở kịch. Hạn chế cơ bản của vở kịch là hạn chế tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng. Không phải vô tình mà vở kịch ra đời 1941 nhưng mãi 1995 mới được công diễn lần đầu, bởi vì đạo diễn sẽ rất khó giải quyết vấn đề tư tưởng còn lung túng của Nguyễn Huy Tưởng.

TOP 10 bài Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim 2024 SIÊU HAY (ảnh 2)

Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim - Mẫu 4

Xã hội Việt Nam những năm trước Cách mạng là một đề tài được rất nhiều người quan tâm, chú ý. Đã có vô số tác phẩm lấy bối cảnh của giai đoạn đó để phản ánh, truyền tải những thông điệp về sự nhân văn, nhân đạo trong cuộc sống. Đặc biệt phải kể đến bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Đây là một trong số ít những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam vào thế kỉ XX.

"Làng Vũ Đại ngày ấy" là tác phẩm được đạo diễn Phạm Văn Khoa sản xuất năm 1982. Bằng tài năng cùng sự khéo léo của mình, đội ngũ biên kịch đã tạo nên một kịch bản chuyển thể vô cùng xuất sắc, tái hiện hoàn hảo ba tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao: tiểu thuyết "Sống mòn" và hai truyện ngắn "Chí Phèo", "Lão Hạc". Không những kết nối, hòa quyện được bối cảnh giữa các truyện, đạo diễn còn nhào nặn bộ phim bằng cá tính sáng tạo độc đáo và nghệ thuật dựng phim độc đáo của mình. Với dàn diễn viên thực lực, "Làng Vũ Đại ngày ấy" đã đem đến cho khán tính giả những trải nghiệm xem phim hết sức giá trị.

Về nội dung, bộ phim thành công tái hiện hoàn hảo bối cảnh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là ngôi làng nhỏ với đầy đủ các tầng lớp trong xã hội; là con ngõ với hàng xây xác xơ, đìu hiu; là những mái nhà tranh xập xệ với con người gầy gò, ốm o, quần áo rách tả tơi như tổ đỉa. Không chỉ vậy, "Làng Vũ Đại ngày ấy" còn phản ảnh chân thực những bi kịch trong xã hội lúc bấy giờ - điều mà Nam Cao đã làm rất thành công trong các tác phẩm văn học của mình. Nào là cha con Bá Kiến - những kẻ đại diện cho tầng lớp cường hào ác bá nham hiểm, mưu mô, luôn tìm mọi cách để chèn ép người dân nghèo. Hay như ông giáo Thứ (do nghệ sĩ Hữu Mười thủ vai) - đại diện cho lớp người tri thức thất thế trước thời cuộc, phải sống mòn mỏi trong bế tắc. Đặc biệt, hình ảnh người nông dân nghèo trước Cách mạng cũng được tái hiện hoàn hảo. Tác phẩm mang đến một Chí Phèo (nghệ sĩ Bùi Cường thủ vai) "kinh điển" của thời đại. Đó là anh nông dân lương thiện bị chính xã hội thực dân nửa phong kiến làm cho tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính, bị đẩy đến cùng đường tuyệt lộ. Đồng thời, ta cũng thấy hình ảnh khắc khổ, bế tắc mà lão Hạc (nhà văn Kim Lân thủ vai) phải chịu đựng. Tất cả đã cùng nhau đưa đến những thông điệp nhân văn sâu sắc mà đội ngũ làm phim muốn truyền tải.

Không chỉ có những thành công về mặt nội dung, bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" còn chứng tỏ giá trị nghệ thuật của chính mình. Điều này được thể hiện ở rất nhiều phương diện khác nhau. Đầu tiên chính là sự sáng tạo của đạo diễn và đội ngũ làm phim. Việc kết hợp ba tác phẩm "Sống mòn", "Chí Phèo" và "Lão Hạc" vô cùng khó, đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo, tinh tế. Và đội ngũ sản xuất đã làm được. Họ vừa thể hiện sự sáng tạo, làm ra mối liên kết tài tình giữa các chi tiết, vừa bám sát và tuân thủ đúng nguyên tác. Cách quay dựng phim cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công của tác phẩm. Tuy đây chỉ là một bộ phim đen trắng với độ phân giải thấp nhưng thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải vẫn được thể hiện vô cùng rõ nét, chạm được đến trái tim của người xem suốt bao thế hệ. Bên cạnh đó, các diễn viên với tạo hình chân thực, phù hợp cùng thực lực không phải bàn cãi đã đem đến những câu chuyện giàu giá trị, tái hiện hoàn hảo các chi tiết văn học đắt giá trong tác phẩm của Nam Cao (bát cháo hành của thị Nở, cái lò gạch cũ, chi tiết lão Hạc bán chó,...).

Nhìn chung, "Làng Vũ Đại ngày ấy" là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Với những thành tựu kể trên, bộ phim đã giành được không ít giải thưởng danh giá. Từ đó, trở thành một tượng đài trong làng nghệ thuật nước nhà. Những giá trị mà phim mang lại vẫn sẽ còn mãi trong lòng khán giả, đem đến nhiều bài học ý nghĩa cho các thế hệ sau này.

Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim - Mẫu 5

“Tobe or not tobe” hay “Tồn tại hay không tồn tại” là một câu hỏi mà không có câu trả lời, mà nếu có thì cũng không thể thoả mãn được tất cả mọi người. Đó là nỗi trăn trở của chàng hoàng tử Hamlet trong vở kịch cùng tên – một vở bi kịch với những ý nghĩa tâm lí lịch sử sâu sắc nhất mà Shakespeare từng sáng tác. Vậy giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về nội dung cũng như những giá trị mà nó mang lại, để tìm hiểu xem, điều gì đã khiến vở kịch về chàng hoàng tử xứ Đan Mạch trở lên đặc biệt.

Nhan đề đầy đủ là Bi kịch Hamlet, Hoàng tử Đan Mạch (Tragedy of Hamlet, Prince of Denmark), được Shakespeare viết vào khoảng 1601 và được công diễn vào 1602. Ban đầu, Shakespeare viết Hamlet theo thể melodrame (kịch tuồng), một hình thức sân khấu thịnh hành ở nước Anh thời ấy. Nhưng rồi qua nhiều lần trình diễn, ông sửa chữa dần thành kịch nói. Văn bản được in thành sách vào năm 1623 và được dùng cho đến ngày nay. Hamlet có cốt truyện phỏng theo câu chuyện cổ Đan Mạch. Truyện này được Saxo Grammaticus, một thầy tu Đan Mạch sống vào thế kỉ XII, ghi lại trong cuốn truyện lịch sử Đan Mạch. Tuy rằng kịch bản dựa trên câu chuyện đó nhưng  tư tưởng cũng như tính cách nhân vật của Shakespeare hoàn toàn khác với hai câu chuyện kia.
      Vở kịch mở ra bằng một thông điệp từ thế giới bên kia, khi hồn ma của người cha hiện về, báo cho Hamlet biết Claudius ( em trai và là người kế vị Vua sau khi ông qua đời, đồng thời cũng thành hôn luôn với chị dâu mình, Hoàng hậu Gertrude) chính là người đã giết ông để chiếm đoạt ngai vàng, và ông mong con trai mình sẽ thay mình trả thù đôi gian phu dâm phụ. Kể từ giây phút đó, lòng chàng luôn tràn ngập sự căm phẫn và chán ghét cuộc sống, suy nghĩ duy nhất của chàng chỉ là trả thù. Tuy nhiên, chàng vẫn đủ sáng suốt để đề phòng trường hợp đây là một linh hồn tà ác hiện lên để xúi giục chàng làm điều bậy, hòng kéo linh hồn của chàng xuống Địa Ngục, vì vậy, chàng giả điên, phần để thăm dò tin tức, phần để che mắt những kẻ được Claudius phái đi để theo dõi chàng. Tình hình trở lên căng thẳng hơn khi Hamlet mời một đoàn hát rong vào cung điện để diễn lại cảnh Claudius giết cha mình bằng cách rót thuốc độc vào tai, khiến cả vị vua và Hoàng hậu Gertrude đều thấp thỏm lo sợ, cầm chặt cây thánh giá mà cầu nguyện. Thời cơ đã đến, nhưng Hamlet không ra tay ngay lập tức, vì chàng cho rằng giết kẻ thù của mình khi hắn đang cầu nguyện thì linh hồn của hắn sẽ sạch tội ác và lên thiên đường, và như thế không tương xứng với cái chết mà cha chàng phải chịu. Biết được Hamlet đã biết rõ sự thật, Claudius cũng lập mưu trừ khử chàng bằng cách mượn tay vua Anh. Trước chuyến đi, Hoàng hậu Gertrude muốn nói chuyện riêng với Hamlet với ý đồ khêu gọi tình mẫu tử để biết rõ tâm tình của chàng hoàng tử. Cuộc nói chuyện đã không thành công và kết thúc bằng việc Hamlet vô tình đâm chết quan đại thần Polorius, thân phụ của Ophelia, người tình của Hamlet, vì tưởng nhầm rằng đó là Claudius đang theo dõi cuộc nói chuyện, việc này đã đêm đến hai bi kịch khác cho chàng đó là cái chết của Ophelia (do thất vọng trước sự điên loạn của tình nhân và bị sốc vì cái chết đầy bí ẩn của cha mình, nàng đã hoá điên, lang thang khắp lâu đài và cuối cùng nhảy xuống hào sâu mà chết) và mối thù máu với Laertes (con trai cả của Polorius). Quay lại với Hamlet, trên con thuyền sang Anh, Hamlet đã lời dụng sự sơ ý của Rosencrants và Guildenstern – hai tên tay sai được cử đi để hộ tống chàng sang Anh – đã tráo tờ mật lệnh yêu cầu vua Anh giết ngay Hamlet bằng một tờ chiếu khác yêu cầu giết hai tên tay sai đi cùng chàng. Mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch được định sẵn, tiếp sau đó là phân cảnh khó nhất cũng như là tạo điểm nổi bật nhất của cả vở diễn:
"To be, or not to be, that is the question:
Whether 'tis nobler in the mind to suffer
The slings and arrows of outrageous fortune,
Or to take arms against a sea of troubles
And by opposing end them. To die—to sleep,
No more; and by a sleep to say we end
The heart-ache and the thousand natural shocks
That flesh is heir to: 'tis a consummation
Devoutly to be wish'd. To die, to sleep;
To sleep, perchance to dream—ay, there's the rub:
For in that sleep of death what dreams may come,
When we have shuffled off this mortal coil,
Must give us pause"
    Đây là phân cảnh mà Hamlet cảm thấy nghi ngờ về mục đích sống, trăn trở về những điều chàng theo đuổi bấy lâu nay, chỉ những diễn viên lão luyện mới có thể đem đến cho khán giả những góc nhìn khác nhau về nhân vật chính, liệu chàng là một người con có hiếu, đại diện cho công lí ánh sáng để diệt trừ những thứ tà ác, vì quyền lực mà có thể giết chết anh ruột của mình, hay chàng cũng chỉ là một kẻ ngu muội, lấy danh nghĩa trả thù mà làm điều xằng bậy? Trong mĩ học của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn phổ biến thuyết “lỗi lầm bi kịch”. Quan điểm này cho rằng: “Nhân vật bi kịch có nhiều nhược điểm trong tính cách nên dẫn đến hậu quả bi thảm”. Theo Aristote, ông không đòi hỏi nhân vật bi kịch phải là những con người hoàn hảo và ngược lại. Với ông, nhân vật bi kịch tức là những nhân vật mà “bất hạnh của họ gây nên những thảm họa trong bi kịch”. Họ không hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Ông chống lại lối thể hiện họ là những con người tốt tuyệt vời vì sự trừng phạt một người quá tốt phải chịu sẽ gây cho người xem sự căm phẫn hơn là thương xót. Và chống lại lối thể hiện họ hoàn toàn ác, bởi lẽ không ai lại thương xót kẻ đê tiện. Như vậy về phía phẩm chất tinh thần họ phải là những người trung bình. Nói cách khác họ có đức hạnh nhưng có những điểm yếu và những bất hạnh phải giáng xuống đầu họ do một sai lầm nào đó có khả năng gợi nên sự thương xót chứ không phải là căm ghét đối với họ. Và với những mâu thuẫn và xung đột trong tâm lí nhân vật, Hamlet tiến tới hồi kết của vở kịch.
     Sau chuyến hành trình dài, Hamlet trở về Đan Mạch. Thấy kế hoạch của mình đã đổ bể, vua Claudius lợi dụng mối thù của Laertes để dựng lên một vở kịch với kết thúc là cái chết của nhân vật chính, để mà hoàng hậu cũng không biết, thân dân cũng không hay, và cuộc đấu kiếm giữa Hamlet và Laertes diễn ra. Hắn chuẩn bị cho Laertes một thanh kiếm tẩm thuốc độc, lo xa hơn, hắn còn cho thuốc độc vào rượu mừng cho người thắng cuộc phòng Laertes thất bại. Nhưng nhà vua không lường trước được tương lại, khi Hamlet thắng điểm, Hoàng hậu lại là người uống cốc rượu để mừng con. Đến hiệp tiếp theo, Laertes đâm Hamlet bị thương, đổi kiếm, Laertes lại bị Hamlet đâm trúng. Hoàng hậu lúc này đã ngấm rượu độc và chết ngay bên cạnh nhà vua, trước sự sửng sốt của toàn triều đình. Laertes biết mình sắp chết nên hối hận nói ra toàn bộ sự thật rằng: Claudius là kẻ chủ mưu và Hamlet cũng sẽ chết vì chất độc trong thanh kiếm. Căm phẫn tột độ, Hamlet dùng mũi gươm tẩm độc kết liệu nhà vua. Kết thúc vở kịch là Fortinbras, sau khi chinh phục Ba Lan trở về, lên ngôi vua trị vì đất nước Đan Mạch trong tiếng đại bác và tiếng nhạc tiến linh hồn Hamlet về nơi an nghỉ…
     Và sau tất cả, sự trả thù đó đã để lại những gì? Một triều đại Đan Mạch tan hoang, giờ đây thuộc về kẻ khác, cùng sự khủng khiếp của những gì đã diễn ra, được gói gọn lại một cách không thể ghê sợ hơn trong lời nói của Horatio - người thân cận của Hoàng tử Hamlet - ở những dòng cuối cùng của vở kịch:
“And let me speak to th' yet-unknowing world
How these things came about. So shall you hear
Of carnal, bloody, and unnatural acts,
Of accidental judgments, casual slaughters,
Of deaths put on by cunning and forced cause,
And, in this upshot, purposes mistook
Fall'n on th' inventors' heads. All this can I
Truly deliver.”
     Với Hamlet, tác phẩm phản ánh được tinh thần của thời đại với sự khủng hoảng, bế tắc của lý tưởng nhân văn chủ nghĩa. Không mang không khí lãng mạn vui tươi và lý tưởng lạc quan tốt đẹp của những vở kịch vui, bi kịch của Shakespeare mang suy tư nặng nề về các mối xung đột, mà trước hết là xung đột giữa lý tưởng nhân văn và hiện thực xấu xa của xã hội được ông thể hiện rất cụ thể trong mâu thuẫn của từng nhân vật trong vở kịch. Chúng ta có Hamlet và vua Claudius, một bên là kẻ muốn trả nợ máu một bên là kẻ sát nhân, một bên là con người có sức mạnh bất diệt, là người vươn lên trong chính sự đau khổ mà thể hiện được nét đẹp phẩm chất cao quý, luôn có khát vọng vươn tới đạo đức sáng ngời cao cả và một bên là một tên vô lại, ăn chơi trác táng, sẵn sàng giết anh trai vì mục tiêu lợi lộc. Việc phân tích nhân vật Hamlet đã cho chúng ta nhìn nhận được thực tế trong con mắt của Hamlet, để rồi từ đó thấy rằng trong tâm hồn chàng toàn những đớn đau, bi quan mà đầy trăn trở, cong phân tích Claudius ta chỉ thấy một xã hội được Shakespeare khắc hoạ như một thời kì phong kiến đen tối với các thế lực đua nhau để tranh quyền đoạt vị, giai cấp tư sản mới nhu nhược, vì thế mà đời sống nhân dân cùng cực.
     Như vậy, qua việc thể hiện nghệ thuật điển hình hoá trong cách xây dựng và thể hiện tính cách nhân vật, chúng ta thấy được bộ mặt xã hội mà kịch của Shakespeare phản ánh. Đó là một xã hội không mấy tốt đẹp, ham quyền, đoạt lợi, ham danh vọng để chà đạp lên con người. Tình nghĩa cha con, tình vợ chồng, tình nghĩa ruột thịt đã tan biến để nhường chổ cho những tham vọng mới. Đây được xem là một đóng góp sáng tạo của Shakespeare cho bi kịch của thế giới. 
TOP 10 bài Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim 2024 SIÊU HAY (ảnh 3)

Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim - Mẫu 6

Cũng như nhiều vở kịch khác, kịch bản Hamlet cũng dựa theo tích cũ và các văn bản kịch được lưu hành trước đó. Trước hết, Hamlet có cốt truyện phỏng theo câu chuyện cổ Đan Mạch. Truyện này được Saxo Grammaticus, một thầy tu Đan Mạch sống vào thế kỉ XII, ghi lại trong cuốc Truyện lịch sử Đan Mạch. Nội dung chính như sau: Horwendil và feng là hai an hem sinh trưởng ở xứ Jơtlan. Horwendil tài hoa, đánh thắng vua Na Uy trong cuộc đấu tay đôi và làm rể vua Đan Mạch. Horwendil lên ngôi vua sau khi vua Đan Mạch qua đời. Vì ghen ghét anh, Feng lập mưu giết anh, lên nối ngôi và lấy chị dâu. Con trai của Horwendil là Amleth giả điên để tìm cách trốn tránh và báo thù. Feng không tin, cho người nấp sau rèm rình nghe cuộc nói chuyện giữa Amleth và Hoàng hậu, Amleth phát hiện và giết chết kẻ đó. Feng phái Amleth sang Anh với bức thư yêu cầu vua Anh giết chết Amleth. Amleth đánh tráo thư, yêu cầu vua Anh chém hai kẻ tháp tùng và gả công chúa cho Amleth. Một năm sau, Amleth từ biệt vợ, trở về giết chết Feng và lên ngôi vua.
Câu chuyện có nội dung gần như giống hệt với Hamlet nhưng chủ đề thì lại không giống. Đây chỉ là sự trả thù đẫm máu mang tính gia đình, chứ không có tính bi kịch.
Năm 1570, nhà văn Pháp Francois De Belleforest đã viết lại câu chuyện này, đưa vào bộ Những truyện bi thảm, tập V. Ông khai thác khía cạnh vô đạo đức của Feng bằng cách Feng yêu chị dâu trước rồi mới giết anh đoạt vợ. Vậy nên về cơ bản, chủ đề câu chuyện vẫn như cũ.
Khoảng cuối thế kỉ XVI, các nhà soạn kịch đã đưa Amleth lên sân khấu. Thomas Kit được xem là soạn giả đầu tiên của Hamlet. Công lao của Kit là sáng tạo nên nhân vật hồn ma vua cha Hamlet và để Hamlet chết chứ không phải giành thắng lợi như trong truyện cỏ. Tuy nhiên chủ đề Hamlet của Kit cũng chỉ giới hạn trong phạm vi của một bi kịch báo thù gia đình chứ chưa đạt đến tầm bi kịch xã hội như Hamlet của Sêcxpia khi ông đưa thêm vào cốt truyện những người phu đào huyệt, Fortinbras và cái chết của Ôphêlia..
Để làm điều đó, Sêcxpia đã mở rộng, khai thác sâu hơn bối cảnh lịch sử và xây dựng Hamlet thành mẫu người lí tưởng của thời đại, Hamlet hội đủ mọi tố chất của một con người phục hưng. Chàng là một hoàng tử thông tuệ, Ôphêlia ca ngợi “một tâm hồn cao quý (…) đôi mắt của nhà thông thái, thanh gươm của trang hiệp sĩ; miện lưỡi của người hào hoa, niềm hi vọng, đóa hồng tươi của quốc gia gấm vóc, gương sáng của thời trang, kiểu mẫu của mọi người” [tr.96]. Ngoài ra, Hamlet còn là một đạo diễn tài ba, một trí thức am hiểu sâu sắc nhiều phương diện cuộc sống… Sêcxpia trao cho chàng hai nhiệm vụ: báo thù cha và xây dựng thời đại. Hamlet với trách nhiệm, bổn phận hoàng tử của mình – người sẽ gánh vác vai trò đúng đầu nhà nước – lại thiên về nghĩa vụ dựng xây. Việc kết hợp hai chủ đề này trong tác phẩm đã khiến mỗi lời nói, hành đọng của hình tượng trung tâm Hamlet thêm phần đa dạng. Người đọc, người nghiên cứu có thể khai thác ý nghĩa theo nhiều cách khác nhau.
Như vậy, khi viết tác phẩm này Sêcxpia đã kế thừa những người đi trước một phần đáng kể cho cốt truyện và những tình tiết cơ bản. Nhưng chỉ có ông thì chuyện Amleth mới trở thành bi kịch Hamlet với tất cả giá trị có thể bất chấp thời gian, không gian tường tồn như một kì quan nghệ thuật.
Cống hiến to lớn của Sêcxpia là đã cải biến câu chuyện trả thù mang tính chất riêng tư của người xưa thành một vở kịch phản ánh sâu sắc những đặc trưng của thời đại ông, nói lên được những nỗi băn khoăn trăn trở về lẽ sống, về ước vọng của người thời đại ấy một cách vô cùng thống thiết. Đó là một tác phẩm kết hợp tuyệt vời giữa thi ca và triết học, giữa nghệ thuật và tư tưởng, giữa sân khấu và cuộc đời.

Một phhơng diện rất đặc sắc khác của nghệ thuật bi kich của Sêcxpia là nghệ thuật tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch. Sêcxpia có biệt tài trong việc chuyển một câu chuyện cũ thành kịch. Muốn làm được công việc này thì phải quan tâm trước hết đến việc tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch. Ở kịch lịch sử hoặc ở hài kịch, ông cũng đã làm tốt công việc này. Tuy nhiên, đến thể loại bi kịch thì tài năng này càng phát huy hết sức mạnh của ngòi bút ông.
Hãy xem ông đặt nhân vật của mình vào tình huống bi kịch và dẫn dắt chúng qua các tình huống đầy mâu thuẫn, để chúng đối đầu với các tình huống ấy và đối địch với nhau; chẳng những thế mà còn để chúng bộc bộ những mâu thuẫn bên trong của chúng…thì mới thấy hết công phu tạo dựng nên kịch của ông. Tình huống trước làm nảy sinh xung đột, những xung đột này làm nảy sinh mâu thuẫn mới xô đẩy nhân vật vào trong tình huống mới…Cứ thế lớp mâu thuẫn trước gọi lớp mâu thuẫn tiếp theo vì vậy mà trong các hành động của Sêchxpia diễn ra như một chuổi mâu thuẫn và xung đột căng thẳng, khẩn trương, cuồn cuộn như con gió lốc.
Hành động kịch của Sêchxpia là duy nhất nhưng không phải là đơn nhất. Bên cạnh hành động chính, ông thường đưa thêm hành động phụ nhằm mở rộng và khoét sâu thêm mâu thuẫn, khiến cho tấn bi kịch mà ông trình bày càng mở rộng thêm về kích thước, quy mô, càng gay gắt thêm tính chất, mức độ.
Trong tác phẩm Hamlet, Hamlet hiện lên như là một biểu tượng đẹp của con người Phục hưng. Là hoàng tử nhưng Hamlet vẫn say mê học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nươc. Tâm hồn chàng đầy lạc quan, tin tưởng ở con người –“Kì diệu thay là con người ! Con người cao quý làm sao về mặt lí trí, vô tận làm sao về mặt năng khiếu! Hình dung và dáng điệu mới giàu ý nghĩa và đánh kính làm sao! Trong hành động như thần tiên, về trí tuệ ngang tài thượng đế! Thật là vẻ dẹp thế gian, kiểu mẫu của muôn loài” [tr75]. Nhưng sau cái chết của cha và sau khi biết rõ nguyên nhân, Hamlet cay đắng: “đàn ông không làm cho tôi vui được, không đàn bà cũng vậy nữa”. Chàng nhiếc móc cuộc đời: “trời hỡi trời ! Bao nhiêu lạc thú trên đời này đối với ta sao chán chường, nhạt nhẽo và vô vị đến thế. Bẩn thỉu thay là đời. Ôi! Bẩn, bẩn! Chỉ là một cái vườn hoang mọc lên từ hạt giống độc, đầy rẫy những cây cỏ thối tha” [tr28].
Từ niềm tin, chàng chuyển sang hoài nghi, hoài nghi hết thảy. Thực tế cuộc sống tráo trở càng mài sắc thêm nỗi đau khổ của chàng. Chú ruột là thủ phạm giết cha, mẹ thì phản bội chồng và rơi vào chăn gối loạn luân, người yêu thì cam tâm làm kẻ do thám, bạn bè bội phản, quần thần thì toa rập theo cái xấu… Hamlet hoài nghi. Hoài nghi ở Hamlet gắn với sự nhẫn nhịn để cân nhắc, tìm ra giải pháp tối ưu, “lòng ta ơi, hãy cố nén lại” [tr48]. Hamlet hoài nghi để hành động. Từ hoài nghi đến do dự.
Chỉ còn lại một mình khi cha mất, mẹ đứng về phía khác. Cơn cùng quẫn khiến cho chàng: “Ôi thịt da rắn chắc, quá rắn chắc này hãy chảy ra đi, tan biến đi; biến thành giọt sương! Mong sao đáng bất diệt kia đừng trừng phạt kẻ tự hủy hoại mình [tr.28]. Nhưng rồi hồn vua cha giục chàng hay đứng lên đi báo thù. Nhưng chàng lại cô đơn, một mình. Chỉ mình chàng đương đầu tất cả. Chàng phải làm sao đây. Dũng cảm quyết tử hay một phen ngồi ngắn thở dài.
Và rồi cái dũng mãnh đã thắng thế, sức mạnh của Hamlet tăng lên bội phần khi có trí tuệ soi đường: “thật là nguy hiểm cho những kẻ yếu hèn đứng xen vào giữa hai mũi gươm nóng rực của hai kẻ thù dũng mãnh” [tr.182]. Hamlet quyết ra tay giết Clôđiut báo thù, nhưng rồi khi định hành động, chàng lại lưỡng lự. Cứ thế càng lưỡng lữ thì chàng càng thấy mình bất lực hơn. Và rồi để kẻ thù hoài nghi và ra tay hại lại chàng…
Tóm lại, bằng nghệ thuật tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch đã khiến cho vở kịch Hamlet trở nên cuốn hút, li kì, tạo nên nhiều những sự kịch tính trong tâm khảm nhân vật Hamlet và trong cả toàn bộ vở kịch. Chính nghệ thuật này mà Sêcxpia đã dẫn dắt người đọc đi đến hết sự kiện này đến những sự kiện khác, đến những mâu thuẫn, những sự quy tụ của vô khối xung đột trong tác phẩm, xung đột cá nhân, đến gia đình, đến xã hội, xung đột giữa bên trong và bên ngoài tâm lý…

Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim - Mẫu 7

So với Italia và một số nước Tây Âu khác, nước Anh bước vào thời đại Phục hưng muộn màng hơn. Cũng như các nước Tây Âu khác, nước Anh cũng đi theo xu thế tiến lên chủ nghĩa tư bản. Phong trào Phục hưng ngay từ khi ra đời đã gặt hái được những mùa hoa trái tốt đẹp, phong phú vô cùng. Nó làm cho Tây Âu nói chung và nước Anh nói riêng như bừng dậy sau một “đêm trường trung cổ”, tiến nhanh và mạnh vào thời kì lịch sử cận đại. Trong bối cảnh lịch sử ấy, đã tạo một điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển của văn học phục hưng Anh. Với một diện mạo và một dáng vẻ riêng, văn học phục hưng Anh đã có những thành tựu hết sức đáng kể. Đặc điểm nổi bậc nhất của văn học này là sự phát triển rầm rộ và rực rỡ của thể loại Kịch với nhiều tác gia tiêu biểu xuất sắc nhất trong thể loại này.
Nổi bật lên là Sêcxpia,nhà soạn kịch thiên tài, người đại diện tiêu biểu nhất cho văn đàn nước Anh thời Phục hưng. Bi kịch được đánh giá là tầm cao của thiên tài Sêcxpia. Sêcxpia được coi là một trong những đại văn hào vĩ đại nhất của nhân loại, một “linh hồn của thời đại, kì tài của sân khấu”, một “thiên tài lớn nhất trong những người sáng tạo, là nhà thơ tuyệt diệu nhất, là con người kì diệu, là con người vĩ đại, con người không ai có thể sánh nổi” (Bêlinxki).
Từ lâu, các sáng tác của Sêcxpia đã vượt ra ngoài phạm vi của một nước và đã trở thành tài sản chung của toàn nhân loại. Nó đã trở thành một gia tài quý báu nhất mà “nghệ thuật bi kịch” trong quá khứ để lại cho chúng ta tiếp thu và học tập. “Sêcxpia không chỉ thuộc về thời đại của mình mà còn thuộc về tất cả mọi thời đại”. Với tài năng thiên bẩm, cùng với sự tiếp nhận tinh thần của chủ nghĩa nhân văn cao cả của thời Phục hưng, Sêcxpia đã sáng tạo nên những kiệt tác bi kịch nổi tiếng. Một trong số đó, tiêu biểu là vở “Hamlet” – một tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp kịch Sêxpia. Một kiệt tác trường tồn với thời gian, suốt mấy trăm năm qua nó vẫn sống động trên sân khấu.
Đây là một tác phẩm kì tài của Sêcxpia, với tác phẩm này nó đã đưa Sêcxpia lên tầng cao mới. Với nội dung, tư tưởng đầy tính nhân văn, vở kịch này đã thu hút biết bao thế hệ độc giả trên những trang viết, cũng như trên sân khấu. Điều làm nên thành công ấy, chính ở tài năng của tác giả với một phong cách viết rất nghệ thuật, rất riêng. Đó chính là nghệ thuật – nghệ thuật bi kịch rất Sêcxpia.
Với ước muốn và vì những lẽ trên, chúng tôi tìm đến đề tài: Nghệ thuật bi kịch của Sêcxpia qua bi kịch Hamlet làm đề tài nghiên cứu của mình. Việc nghiên cứu đề tài này giúp cho người viết có những nhìn nhận thật đúng đắn và hiểu rõ hơn nghệ thuật bi kịch của tác gia tầm vóc này. Và đồng thời, đây cũng là cơ sở cho công tác nghiên cứu giảng dạy và học tập về sau này của người viết.

Lịch sử của việc nghiên cứu về Sêcxpia nói chung, và về “nghệ thuật bi kịch” của Sêcxpia nói riêng trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu cơ bản trên nhiều phương diện như: sưu tầm, dịch thuật, biên soạn… cho đến các công trình nghiên cứu, các bài viết, các bài lý luận, phê bình nó cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Hầu hết các công trình nghiên cứu đều hết sức công phu và có một giá trị không nhỏ, giúp cho người đọc hiểu sâu sắc hơn về “nghệ thuật bi kịch” của Sêcxpia.
Ở Anh, Pháp, Đức, Nga và nhiều nước khác. Sêcxpia được những nhà tiến bộ nhiệt liệt ca ngợi và học tập nghiên cứu. Mac, Ăngghen, những lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới, đánh giá rất cao thiên tài Sêcxpia. Nhiều nhà văn thế giới đã thừa nhận uy tín và ảnh hưởng lớn lao của ông. Ben Jônxơn, nhà viết kịch nổi tiếng đã khẳng định: “Sêcxpia không chỉ thuộc về nước Anh, mà ông thuộc mọi thời đại”. Gớt, Sile, Huygô, Banzăc, Gorki, Bêlinxki…và bao nhiêu nhà văn lớn khác nữa đều thừa nhận thiên tài của Sêcxpia. Nhiều đạo diễn và diễn viên ưu tú trong gần bốn trăm năm qua đã nổi tiếng nhờ dàn dựng và diễn xuất các vở kịch của Sêcxpia. Thế kỷ XX với sự phát triển mạnh mẽ của màn ảnh lớn và nhỏ đã đưa Sêcxpia đến với mọi nơi trên hành tinh này. Giới nghiên cứu, lí luận, phê bình cũng dành nhiều giấy bút để tìm hiểu, để phân tích, để lí giải về con người, về tác phẩm của nhà soạn kịch ưu tú đó.
Riêng trong mười năm đầu thế kỷ XX, người ta đã viết về ông nhiều hơn là cả ba thế kỷ trước cộng lại. "Sêcxpia cần thiết cho thời đại chúng ta, tác phẩm của ông làm những con người thế kỷ XX vui sướng, say sưa, cảm động và thúc đẩy họ suy nghĩ... Nó đã vào trong đời sống chúng ta làm thành một yếu tố quan trọng của đời sống văn hoá hiện đại" (Anixt).
Riêng ở Việt Nam, ngay từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 giới trí thức, sinh viên, học sinh cũng đã từng say mê thưởng thức Sêcxpia qua tiếng Anh hoặc qua các bản dịch tiếng Pháp. Vài vở kịch của ông cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên phải đợi đến sau ngày hoà bình lập lại, ở miền Bắc mới xuất hiện một số công trình giới thiệu, nghiên cứu, dịch thuật đáng kể; các trường phổ thông trung học và Đại học (văn) mới bắt đầu giảng dạy một vài tác phẩm của Sêcxpia; các trường nghệ thuật sân khấu cũng bắt tay vào việc học tập Sêcxpia, dàn dựng một vài vở của ông. Ngày nay ở nước ta việc giới thiệu, nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy Sêcxpia ngày càng phong phú và đã có không ít những công trình. Tiêu biểu:
Trong cuốn Lịch sử sân khấu thế giới (1977) do Đức Nam, Hoàng Oanh, Hải Dương (dịch), Nxb Văn hóa, Hà Nội, khi nhận định về các sáng tác của Sêcxpia cho rằng : “Kịch của ông là cái hồi quang nghệ thuật đầy đủ nhất của đời sống xã hội thời Phục hưng. Sêcxpia đã nhìn thấu vào tận bản chất của các quan hệ xã hội. với cái nhạy bén của một thiên tài chân chính, trước đó người khác không nhìn ra, phát hiện ra mâu thuẫn ngay trong mầm mống của những sự kiện này, sự kiện khác thuộc đời sống xã hội”.
Các tác giả cũng thấy rằng : “Trong những tác phẩm của mình, Sêcxpia đã phản ánh những mâu thuẫn của xã hội này, lúc bấy giờ mới nảy sinh và chỉ lộ ra một cách trọn vẹn trong thời kì sau. Ông không chỉ nhìn thấy quá khứ và hiện tại mà còn nhìn thấu tương lai bằng con mắt tiên tri”.
Khi đánh giá về giá trị nghệ thuật trong các sáng tác của Sêcxpia, họ nhận thấy : “Nghệ thuật của ông không những phản ánh hiện thực, mà còn thể hiện một thái độ nhất định đối với hiện thực. Sêcxpia là một nhà nhân bản và bằng những tác phẩm của mình tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phong kiến với tất cả những hậu quả của nó trong đời sống tinh thần và xã hội”.
Minh Chính trong cuốn Văn học phương Tây giản yếu, Nxb ĐHQG TP.HCM, năm 2002 cũng cho ra mắt bạn đọc công trình nghiên cứu công phu về nền văn học của phương Tây nói chung và văn học Anh nói riêng. Sức mạnh tinh thần ở đây có chứa đựng trong nó biết bao ước mơ, khát vọng của con người, mà chính yếu tố “nghệ thuật bi kịch” đã góp phần không nhỏ để thể hiện thành công nhất về nó.
Trong cuốn Văn học phương Tây do tập thể các tác giả: Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính biên soạn, Nxb Giáo dục, năm 2004, cho ra mắt bạn đọc. Công trình này là nguồn tư liệu hết sức quý giá cho các nhà nghiên cứu khi đưa ra nhận định về nội dung, tư tưởng nghệ thuật cũng như những đóng góp to lớn của Sêcxpia với văn học thời Phục hưng ở Anh nói riêng và với kho tàng văn học phong phú của toàn thế giới nói chung.
Về nghệ thuật xây dựng các bi kịch kiệt tác của Sêcxpia, các tác giả nhận xét : “Sêcxpia có biệt tài trong việc chuyển một câu chuyện cũ thành kịch. Muốn làm công việc đó thì trước hết phải quan tâm đến việc tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch. Ở kịch lịch sử hoặc hài kịch, ông cũng đã làm tốt việc ấy. Tuy nhiên đến bi kịch thì tài năng này cành phát huy hết sức mạnh ngòi bút của ông”.
Lưu Đức Trung (chủ biên) trong cuốn “Chân dung các nhà văn thế giới”, Nxb Giáo dục, năm 2004, đã giới thiệu đến đông đảo độc giả một nguồn tư liệu hết sức có giá trị. Các tác giả đã trình bày khá đầy đủ và công phu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác cũng như những đóng góp của những tác giả nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt không thể không nhắc đến Sêcxpia và những kiệt tác của thiên tài này, trong đó có các vở bi kịch Rômêô và Juliet, Hamlet và Ôtelô...
Ngoài ra còn rất nhiều công trình nghiên cứu khác, do khuôn khổ của tiểu luận nên chúng tôi chỉ đưa ra một số công trình cụ thể, chớ không đi sâu hết được. Trên cơ sở kế thừa và cộng với sự kết hợp một số nguồn tham khảo khác chúng tôi mạnh dạn đi vào việc nghiên cứu của mình. 

Hamlet là vở bi kịch của nhà văn, nhà soạn kịch vĩ đại người Anh William Shakespeare (1564-1616), có lẽ được sáng tác vào năm 1601. Vở kịch gồm 5 hồi , cốt truyện của tác phẩm có nguồn gốc từ thể loại Saga (truyện dân gian) thời đại Trung cổ.
Hamlet mở đầu giai đoạn sáng tác bi kịch của Sêcxpia, là vở kịch có ý nghĩa tâm lý xã hội sâu sắc nhất trong các vở kịch của ông. Ông xây dựng tác phẩm này vào thời kỳ đã từng trải nhiều về cuộc sống, sau hai mươi lăm năm bôn ba chìm nổi trong xã hội nước Âu thời bấy giờ. Đó cũng là thời kỳ mà tích luỹ sơ khai của tư bản Anh đang đẻ ra những mâu thuẫn xã hội gay gắt chưa từng thấy, sự cướp đoạt làm giàu của giai cấp tư sản cấu kết với phong kiến đang bần cùng hóa quảng đại nhân dân, đồng tiền vạn năng và cường quyền chà đạp lên công lý, bao nhiêu quan niệm nhân đạo làm giá trị tinh thần của thời đại Phục hưng đổ vỡ trên nền móng thối nát của xã hội tư bản đang thành hình… Con người lý tưởng của thời đại Phục hưng, mà trước đây Sêcxpia đã biểu hiện trong các vở hài kịch của ông, cũng đã bị tan vỡ theo.
Hamlet là một trong những bi kịch nổi tiếng nhất của lịch sử sân khấu thế giới. Trong một hình thức nghệ thuật kịch – thơ trữ tình tuyệt vời, tác phẩm phản ánh được tinh thần của thời đại với sự khủng hoảng, bế tắc của lý tưởng nhân văn chủ nghĩa. Tác phẩm đã được nhiều nhà thơ, văn… đánh giá rất cao và không ngớt lời ca ngợi. Suốt mấy trăm năm qua Hamlet vẫn sống động trên sân khấu với nhiều cách dàn dựng khác nhau. Nhiều đạo diễn, diễn viên nhờ vậy mà nổi tiếng. nhiều bộ phim cho màn ảnh lớn cũng như màn ảnh nhỏ đã được quay và phổ biến rộng khắp thế giới. Các nhà nghiên cứu, lí luận phê bình, giáo sư, đại học… không ngừng đào sâu vào vở kịch để khám phá, phát hiện những gì ẩn dấu trong đó.
Cốt truyện Hamlet xoay quanh nhân vật trung tâm là Hamlet, hoàng tử nước Đan Mạch, sinh viên trường Đại học Wittenberg (Đức). Chàng gặp một cảnh ngộ éo le trong gia đình: vua cha vừa chết được hai tháng thì mẹ chàng, Hoàng hậu Gertrude tái giá lấy Claudius, chú ruột của chàng. Hồn ma của vua cha hiện về báo cho chàng biết Claudius là kẻ đã giết mình để chiếm đoạt ngai vàng và Hoàng hậu, và đòi Hamlet phải trả thù. Hamlet từ đó lòng tràn đầy căm phẫn, ghê tởm và chán ghét cuộc đời. Chàng giả điên để che mắt kẻ thù, thực hiện nghĩa vụ. Còn kẻ thù của Hamlet cũng ra sức theo dõi, dò xét chàng. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi Hamlet cho mời một đoàn kịch vào hoàng cung diễn một vở kịch. Xem đến kịch cảnh một đôi gian phu dâm phụ mưu sát nhà vua, Claudius hoảng hốt bỏ về rồi vào phòng riêng cầu nguyện. Hamlet theo sát và đứng ngay sau y. Thời cơ rất thuận lợi để chàng trả thù, nhưng chàng lại không hành động. Chàng cho rằng giết hắn trong lúc hắn đang cầu nguyện để linh hồn hắn sạch tội ác, lên thiên đàng thì không thể gọi là trả thù được và như thế không tương xứng với cái chết mà cha chàng đã chịu. Claudius lập mưu trừ khử Hamlet, hắn cho hai tên tay sai Rosencrantz và Guildenstern hộ tống Hamlet sang Anh, thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Trước khi Hamlet lên đường, mẹ chàng cho gọi chàng vào để nói chuyện, với ý đồ lợi dụng tình cảm mẹ con để khêu gợi Hamlet nói thật tâm trạng của mình. Quan đại thần Polonius, thân phụ của Ophelia, người yêu của Hamlet nấp sẵn sau bức rèm, có nhiệm vụ theo dõi cuộc nói chuyện đó. Nhưng Hamlet luôn đề phòng và khi phát hiện bức rèm động đậy, chàng rút gươm đâm. Tiếc thay không phải là nhà vua Claudius như chàng tưởng mà là bố người yêu của mình. Trên đường sang Anh, lợi dụng lúc hai tên tay sai của nhà vua sơ ý, Hamlet xem trộm tờ chiếu chỉ, đó là mật lệnh giao cho vua Anh phải giết ngay Hamlet. Hamlet bèn viết thay một chiếu chỉ khác, đề nghị vua Anh giết Rosencrantz và Guildenstern. Chàng trở về Đan Mạch tâu với vua là chàng bị bọn cướp biển bắt, rồi được chúng tha. Ophelia phần vì thất vọng với sự điên loạn của người yêu là Hamlet, phần quá đỗi đau thương trước cái chết bí ẩn của cha nên bị mất trí, lang thang và cuối cùng chết đuối. Laertes phẫn nộ trước cái chết của cha (Polonius) và được nhà vua nói cho biết Hamlet là thủ phạm, đồng thời bày ra kế hoạch để Laertes có thể trả thù được một cách êm thấm khiến Hoàng hậu không biết mà thần dân cũng không hay: tổ chức một cuộc đấu kiếm giữa Laertes và Hamlet, mũi kiếm của Laertes tẩm thuốc độc và không bịt đầu. Cẩn thận hơn, nhà vua còn chuẩn bị sẵn một cốc rượu độc để mời Hamlet uống. Hamlet không lường trước được âm mưu thâm độc của kẻ thù. Song, ngoài ý muốn của Claudius, khi Hamlet thắng điểm, Hoàng hậu lại là người uống cốc rượu để mừng con. Đến hiệp ba, Laertes đâm Hamlet bị thương. Đổi kiếm, Laertes lại bị Hamlet đâm trúng. Hoàng hậu ngấm rượu độc chết khiến cả triều đình sửng sốt. Laertes biết mình cũng sắp chết nên hối hận nói rõ sự thật: nhà vua Claudius là thủ phạm của âm mưu và Hamlet sẽ không thể thoát chết do đã bị trúng độc. Căm phẫn tột độ, Hamlet đã dùng mũi kiếm tẩm độc kết liễu nhà vua. Vở bi kịch kết thúc với việc Fortinbras, sau khi chinh phục được Ba Lan trở về, lên ngôi vua trị vì vương quốc Đan Mạch trong tiếng đại bác, tiếng quân nhạc tiễn đưa linh hồn Hamlet về nơi yên nghỉ.

Đánh giá

0

0 đánh giá