Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo gồm bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm
Đề bài: Tìm hiểu và viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm
Dàn ý Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm
- Phần mở đầu:
+ Lí do chọn đề tài nghiên cứu
+ Lịch sử nghiên cứu vấn đề
+ Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
+ Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
+ Phương pháp nghiên cứu
- Phần nội dung nghiên cứu:
+ Khái quát về mạng xã hội
+ Thực trạng sử dụng mạng xã hội của học sinh trường em
+ Những tác động của việc sử dụng mạng xã hội đến tình hình học tập của học sinh trường em.
+ Giải pháp đối với những tác động của việc sử dụng mạng xã hội đến tình hình học tập của học sinh trường em.
- Phần kết luận và khuyến nghị:
+ Ý nghĩa của việc nghiên cứu về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đến tình hình học tập của học sinh trường em.
+ Khuyến nghị.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm - Mẫu 1
Kiến trúc kinh thành, cố đô phong kiến ở Việt Nam luôn mang theo cái gì đó rất chung và rất riêng với văn hóa kiến trúc của Trung Hoa và nó luôn thể hiện nét đẹp truyền thống, văn hóa lịch sử lâu đời của người Việt. Bên cạnh quần thể kiến trúc Cố đô Huế từ xưa, người Việt vẫn luôn tự hào với kiến trúc thành Thăng Long – tòa thành đã trải qua biết bao năm tháng của lịch sử.
Như chúng ta đã biết, kinh thành Thăng Long luôn được gắn với một sự kiện lịch sử nổi tiếng đó là vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây dựng kinh thành Thăng Long. Cùng với đó là hàng loạt các cung điện, lăng tẩm được xây dựng, nổi bật là công trình Điện Kính Thiên cao tới 2 tầng rộng hơn 2300 mét vuông. Thời Hậu Lê, thành Thăng Long vẫn được coi là kinh đô, trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước.
Về vị trí, kinh thành Thăng Long tọa lạc ở phía Bắc Việt Nam và được giảm dần về diện tích qua các triều đại. Ở thời Hậu Lê, hầu như không xây dựng thêm các chùa tháp mà chủ yếu là trùng tu. Thay vào đó, hàng loạt phủ đệ mới của giới quý tộc, quan lại trung ương được xây dựng, tạo ra hình ảnh một kinh thành Thăng Long đầy quyền uy, thâm nghiêm.
Về kiến trúc, trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta. Hiện tại, trong khu vực trung tâm Thành cổ Thăng Long - Hà Nội còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc – Nam, còn gọi là “Trục chính tâm”, “Trục ngự đạo”, gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…
Kinh thành Thăng Long từ thời Lý được xây dựng theo cấu trúc ba vòng thành, gọi là “tam trùng thành quách”: vòng thành ngoài là La thành hay Đại La thành, vòng thành giữa là Hoàng thành (thời Lý - Trần - Lê gọi là Thăng Long thành, thời Lê còn gọi là Hoàng thành) và vòng thành trong cùng gọi là Cấm thành (hay Cung thành). Cấm thành từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 hầu như không thay đổi và còn bảo tồn cho đến nay hai vật chuẩn rất quan trọng: Thứ nhất là nền điện Kính Thiên xây dựng thời Lê sơ (1428) trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi tên là điện Thiên An) thời Lý, Trần. Đó vốn là vị trí của núi Nùng (Long Đỗ - Rốn Rồng), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, mà di tích hiện còn là nền điện với bậc thềm và lan can đá chạm rồng thế kỷ 15. Thứ hai là cửa Đoan Môn, cửa Nam của Cấm thành thời Lý - Trần - Lê. Trên vị trí này hiện nay vẫn còn di tích cửa Đoan Môn thời Lê.
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), trong sách Đại Việt địa dư chí toàn biên có đoạn mô tả khá rõ ràng về Hoàng thành Thăng Long thời Lê: “Ở giữa là Cung thành, trong cửa Cung thành là Đoan Môn. Trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên hữu Kính Thiên là điện Chí Kính, bên tả là điện Vạn Thọ. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An, ở giữa có Ngọc Giản. Trong Hoàng thành và ngoài Cung thành ở phía Đông là Thái Miếu, sau là Đông Cung”.
Để giúp thế hệ sau và bạn bè quốc tế hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cùng Hoàng thành Thăng Long, đêm tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã được tổ chức thành công. Đây không chỉ là một sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch mà nó còn là cách để thế hệ sau tôn vinh, tự hào về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thuộc địa… Kinh thành Thăng Long vẫn nằm đó như một minh chứng trường tồn của lịch sử, về một thời huy hoàng đã qua đi của dân tộc. Chúng ta – thế hệ con cháu phải biết bảo tồn, gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của Hoàng thành đến thế hệ tương lai và bạn bè quốc tế.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm - Mẫu 2
Lịch sử, văn hóa, xã hội và giáp dục người Chăm ở Việt Nam
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, lịch sử vương quốc Champa đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, công bố thành sách, tạp chí. Sau năm 1975, xuất hiện các tác giả Việt Nam, không dừng lại ở việc tìm tòi, bổ sung thêm tư liệu mà còn khám phá ra cái mới như lắp vào khoảng thiếu sót của các nhà nghiên cứu tiên phong chưa làm được. Những công trình về sau đã đi vào từng mảng, lĩnh vực thuộc đời sống, văn hóa, xã hội, lễ hội đến sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.
Trước hết, là những ghi chép về Champa trong lịch sử Trung Quốc được tìm thấy trong bộ sử Hán thư, Lương sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử… Các nhà nghiên cứu đều dựa vào những nguồn sử liệu này để dựng lại lịch sử Lâm Ấp - Hoàn Vương - Chiêm Thành. Những tư liệu của Trung Quốc viết về phong tục tập quán của người Chăm xưa không có tính hệ thống, rời rạc và sơ sài, nhiều khi thiếu chính xác. Kế đến là những nghiên cứu, khảo sát thực địa của người Pháp. Tư liệu cổ nhất của người Châu Âu viết về người Chăm có lẽ là của một người gốc Italia tên là Marco Polo. Ông làm quan dưới triều đại Mông - Nguyên của Hốt Tất Liệt. Năm 1298, sau một lần được cử đi làm sứ giả ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Champa, ông đã ghi chép khá tỉ mỉ về người Chăm và đời sống của họ trong cuốn Lelivre de Marco Polo (cuốn sách của Marco Polo) (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Vào thế kỉ XIV, một số linh mục đi truyền giáo đã đến Champa. Linh mục Odoric de Pordennone có ghi chép về phong tục, tập quán của người Chăm trong cuốn sách Những cuộc viễn du sang châu Á xuất bản tại Paris.
Những tư liệu lịch sử của Việt Nam liên quan đến Chiêm Thành có thể tìm thấy trong Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư và một số sử liệu của các triều đại Việt Nam từ Lý - Trần đến triều Nguyễn. Nhưng những sử liệu nói trên chủ yếu nói về việc triều cống, giao tranh, hòa hiếu (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Mặc dù vậy, đó là những ghi chép thành văn chính thống rất quan trọng để đối chiếu với ghi chép trên văn bia của Champa. Trần Quốc Vượng chủ biên cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (2008) đã dành một phần nói về không gian vùng văn hóa Trung Bộ, chủ yếu đề cập về không gian văn hóa Chăm ở khu vực này. Cuối cùng, là Trương Sỹ Hùng với tác phẩm Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á (2010), phân tích yếu tố Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo Chăm. Từ đó, làm nổi bật lên đặc điểm, vai trò trong sáng tác văn chương của người Chăm trong tác phẩm Deva Mưnô, Inra Patra, Ariya Cam - Bini,… Trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam (2004) tác giả Huỳnh Công Bá đã dành hai chương để trình bày về quá trình giành độc lập của Champa, phân tích những đặc điểm cơ bản về thể chế chính trị, đời sống văn hóa, xã hội. Đặc biệt nhấn mạnh vào quá trình hội nhập của người Chăm vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Phan Thành Long chủ biên công trình Lí luận giáo dục (2010), nội dung chính của cuốn sách trình bày về quá trình giáo dục, nguyên tắc giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Đây là vấn đề có tính chất lí luận mà khi nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục không thể bỏ qua.
Tóm lại, các công trình nghiên cứu về lịch sử và nền văn minh Champa được xuất bản thành sách, báo và tạp chí rất đa dạng và phong phú, được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau. Nhưng chưa có công trình khảo cứu nào đề cập đến vấn đề giáo dục của người Chăm trong lịch sử mang tính chất hệ thống và đầy đủ. Ngay cả, hình thức học tập và sinh hoạt nội trú của học sinh người Chăm nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung hiện nay cũng chưa có sự quan tâm, chú ý nhiều từ các nhà khoa học và các nhà quản lý giáo dục. Việc tổng luận các công trình nghiên cứu về người Chăm ở Việt Nam chưa phải là bảng thống kê đầy đủ các tác giả cũng như tác phẩm, mà chỉ phản ánh một phần giúp độc giả có cái nhìn tổng quát những hiểu biết về văn hóa Chăm.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm - Mẫu 3
Đăm Săn là tác phẩm sử thi kinh điển của Việt Nam, chiếm vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của nền văn học nước nhà. Thiên sử thi không chỉ miêu tả những chiến oanh liệt, phản ánh thực tế những khát vọng anh hùng của con người Ê-đê mà còn mở ra bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà của người Ê-đê qua những chi tiết trong truyện. Cho đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu về sử thi này. Những nhà nghiên cứu người Pháp đã có công lớn trong việc sưu tầm, dịch thuật và công bố sử thi Đăm Săn đầu tiên trên thế giới. Sau đó, vào năm 1957, tác giả Đào Tử Chí đã dịch tác phẩm Đăm Săn từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, công bố trên Tạp chí Văn nghệ với tên gọi: Bài ca chàng Đăm Săn. Khi sử thi Đăm Săn được dịch ra tiếng Việt, công cuộc nghiên cứu tác phẩm này được chú ý nhiều hơn. Nhìn chung, các tác giả đều giành sự quan tâm cho sử thi Đăm Săn và đạt được những kết quả tự hào. Tuy nhiên, sử thi Đăm Săn còn khai thác được vẻ đẹp văn hóa Ê-đê qua sử thi Đăm Săn, góp thêm điểm nhìn mới mẻ về bản sắc văn hóa cộng đồng người Ê-đê nói chung và sử thi Đăm Săn nói riêng.
Trước tiên, có thể thấy, ngôi nhà là điểm nổi bật trong giá trị văn hóa vật chất của người Ê-đê. Trong sử thi Đăm Săn, ngôi nhà của người anh hùng Đăm Săn được miêu tả rất kỹ: “nhà chàng Đăm Săn dài đến nỗi tiếng chiêng đánh đằng trước nhà, người đứng sau nhà không nghe thấy. Mái hiên nhà chàng con chim bay mỏi cánh mới hết”. Nhà của Đăm Săn có những “chiếc khiên chói lọi như đèn đuốc”, “vải sợi nặng trĩu làm cong các sào phơi. Thịt bò thịt trâu treo đầy xung quanh”, “bát đĩa bằng đồng để khắp sàn nhà”. Người Ê đê thường cất nhiều đồ dùng ở trong nhà, đặc biệt ở gian khách, ví dụ như ché rượu cần, cồng chiêng, nồi đồng, thịt trâu bò... vì đây là những tài sản giá trị, thể hiện sự giàu có. Ngôi nhà ấy không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc người Ê đê, nơi đánh dấu sự phồn thịnh, hùng cường của bộ tộc, bộ lạc. Thực tế nhà ở của người Ê-đê cũng chia không gian nội thất làm hai phần theo chiều dọc, phần phòng khách vừa là nơi sinh hoạt vừa là nơi gắn kết cả đại gia đình. Phần cuối thì dành cho các cặp hôn nhân ở trong từng buồng có vách ngăn. Những ngôi nhà dài không chỉ là biểu tượng vật chất của thế chế gia đình mẫu hệ mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người Ê Đê qua năm tháng. Ngôi nhà sàn được làm bằng tre, nứa hoặc bằng gỗ, mặt sàn và vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây bương hay thân cây tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Điều đặc biệt của ngôi nhà dài là luôn có hai cầu thanh đực dành cho những thành viên nam và cầu thang cái dành cho nữ giới.
Đời sống của người Ê-đê còn được thể hiện qua món ăn hàng ngày. Ẩm thực Ê Đê là sự hòa trộn, tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống với những phong cách nấu nướng đặc biệt. Những món ăn luôn có sự kết hợp hài hòa giữa vị chua, cay và đắng. Ẩm thực Ê Đê đã góp phần tạo nên sự độc đáo cho nền ẩm thực Việt Nam.và đồng thời là yếu tố thu hút khách du lịch. Trong những bữa ăn, cơm tẻ là một món ăn chủ yếu, muối ớt là thức ăn không thể thiếu đối với đồng bào Ê Đê. Những món ăn tiêu biểu của Ê Đê với nhiều loại gia vị, thảo dược có thể kể đến như món thịt bò xào xả gừng, các loại thịt thú rừng, các món hầm như canh làm từ bột gạo xay nhuyễn, canh môn rừng, cá lóc suối, gà nướng. Trong sử thi Đăm Săn, Đăm Par Kvây đã tiếp đãi Đăm Săn trước khi lên đường bắt Nữ Thần Mặt Trời “đốt một gà mái ấp, giết một gà mái đẻ, giã gạo trắng như hoa êpang”. Ẩm thực Ê Đê phản ánh phong tục, lối sống phóng khoáng, gần gũi giữa con người với thiên nhiên thông qua cách nguyên liệu, chế biến theo phong cách vừa dân dã, vừa đậm chất núi rừng.
Bản sắc văn hóa của cộng đồng người Ê đê được thể hiện rõ nét qua trang phục và các hoạt động lao động sản xuất. Người anh hùng Đăm Săn được miêu tả với thân hình khỏe khoắn, cường tráng trong trang phục: “cái khố có hoa sao, cái áo có hoa me”, “Trên đầu, chàng quấn một cái khăn màu tím. Quanh lưng, chàng thắt một chiếc khăn màu đỏ”. Trang phục của Đăm Săn chính là trang phục điển hình của đàn ông Ê đê xưa. Y phục của họ gồm áo và khố: áo của nam thường có phần tay khá dài, vạt sau dài hơn vạt trước và khố dùng để che chắn nửa thân dưới của họ. Ngoài ra, họ cũng thường mang hoa tai, vòng cổ hoặc quấn khăn đen nhiều vòng trên đầu. Chính những bộ trang phục này đã tôn lên vẻ đẹp độc đáo, đầy nam tính của họ. Bên cạnh đó, những người vợ của Đăn Săn cũng mang những bộ trang phục rất bắt mắt “Mỗi nàng mặc một chiếc váy có hoa me và chiếc áo có hoa sao”. Trang phục của nữ giới là váy tấm, áo chui, chúng được làm bằng thổ cẩm với gam màu chàm, màu đen chủ đạo và điểm những hoa văn sặc sỡ đậm chất thiên nhiên núi rừng. Trang phục còn kết hợp với trang sức bằng vàng hoặc đồng, vòng tay thường được đeo thành bộ kép để nghe tiếng va chạm của chúng vào nhau.
Phương tiện đi lại phổ biến nhất của người Ê đê xưa là voi, là ngựa: “Mặt đất in dấu chân ngựa nhiều như chân rết. Mặt đất in đầy dấu chân voi như đáy cối giã gạo”. Đăm Săn đã cưỡi voi dẫn dân làng đi lao động bắt cua, tôm, cá; cưỡi voi đi chiến đấu với M’tao Grứ và M’tao M’xây để bảo vệ thị tộc, bảo vệ vợ của mình. Đó là những “con voi đực đuôi dài chấm đất, có bộ ngà rộng, mặt nó như bông hoa đẹp, khiến cho người người trông thấy nó đều phải vui mừng”. Không chỉ có voi mà ngựa cũng là một người bạn đồng hành cùng Đăm Săn đi bắt nữ thần Mặt Trời “con ngựa chạy nhanh như gió thổi, vượt lên đỉnh núi, nhảy qua bao dòng thác, bao con suối” đã cùng Đăn Săn băng qua mọi khó khăn ở rừng sáp đen của bà Sun Y Rít và cùng Đăm Săn hy sinh trên con đường chinh phục tự nhiên.
Đặc điểm văn hóa nổi bật của người dân Ê-đê là chế độ mẫu hệ. Điều này được thể hiện rõ qua sử thi Đăm Săn. Chế độ mẫu hệ của người Ê đê in đậm trong kiến trúc và trang trí chiếc đầu cầu thang vào nhà. Chúng được trang trí đôi bầu sữa và hình vầng trăng khuyết - những biểu tượng sống động của tính nữ. Khi Đăm Săn đến nhà của Nữ Thần Mặt Trời “cầu thang trông như cái cầu vồng”. Văn hóa người Ê đê còn mãi với tục nối dây (Juê nuê) - một luật tục cổ truyền trong hôn nhân của người Ê đê. Tục này quy định khi chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người đàn ông khác để làm chồng. Ngược lại khi vợ chết, người chồng phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng. Theo tục Juê nuê, trong hôn nhân của người Ê đê, khi bà của H’Nhí và H’Bhí chết, hai nàng phải nối dây với chồng bà là ông M’tao Y Kla (cậu của Đăm Săn). Nhưng cậu của Đăm Săn chết, Đăm Săn phải thay cậu nối sợi dây hôn nhân với H’Nhí và H’Bhí. Trong sử thi, Đăm Săn đã thực hiện nhiệm vụ làm lụng gắn với các hoạt động chăn nuôi, săn bắt, trồng trọt. Khát vọng của chàng mang ý nghĩa khẳng định sức mạnh của bản thân mình, đặt sức mạnh con người sánh ngang với tự nhiên. Đăm Săn kiên cường đi tìm nữ thần Mặt Trời. Đứng trước nữ thần Mặt Trời vô cùng xinh đẹp, chàng đã nói rõ ý định của mình: “Tôi đến đây tìm người dệt chăn cho tôi, dệt áo dệt khố cho tôi mặc, tìm người nấu cơm cho tôi ăn”. Nhưng nữ thần Mặt Trời đã từ chối. Chàng thất vọng lên ngựa trở về, nhưng ngựa của Đăm Săn không chạy đua kịp với tốc độ của ánh sáng mặt trời nên cuối cùng chàng chết ngập trong rừng đất đen đang tan chảy của bà H’Sun Y Rít. Người anh hùng đã hy sinh nhưng lý tưởng thì vẫn được tiếp nối mãi với sự xuất hiện của Đăm Săn cháu sau này, những người dân Ê đê khác sẽ tiếp tục đi tiếp con đường của chàng Đăm Săn, tiếp tục hoàn thiện lý tưởng, khát khao khẳng định mình, chinh phục thiên nhiên, những miền đất lạ để mở rộng sự giàu có, trù phú của buôn làng mà người anh hùng này đã mở ra trước đó…
Sử thi Đăm Săn là một trong những tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn học dân tộc. Qua hình tượng Đăm Săn, chúng ta hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa và con người Ê đê vùng đất Tây Nguyên. Sử thi Đăm Săn đã tô đậm thêm những nghi thức, nghi lễ độc đáo với những tập tục đặc biệt của tộc người Ê đê không thể trộn lẫn với các dân tộc khác.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm - Mẫu 4
Ở Việt Nam nó riêng và Châu Á nói chung , dù chăm chỉ, tài giỏi và đầy tiềm năng, người trẻ hiện nay luôn cảm thấy bản thân không xứng đáng với những thành tựu đạt được.Phải chăng đó là thành quả của phương pháp giáo dục "thương cho roi,cho vọt" , hay trong mắt một số bậc phụ huynh Châu Á, con cái luôn là người “nói không suy nghĩ, làm không chắc chắn”; thậm chí nhiều cha mẹ cứ đặt ra tiêu chuẩn quá cao thiếu thực tế cho con cái mình. Hơn thế nữa,khi 1 đứa trẻ làm kiểm tra không tốt, cha mẹ cứ thế mà mắng mà phạt, quy vào tội “vi phạm kỷ luật”, giáo viên bắt phải đứng giữa lớp cho mọi người phê bình, không hề có sự tôn trọng nào đối với trẻ.....Thế hệ trẻ ngày nay trở thành đối tượng dễ mắc phải các hội chứng tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu. Với những áp lực ấy, họ dần thấy sợ phải thử,phải làm và sợ vấp ngã,dần dần bị chìm nghỉm trong tâm lý tự ti,mặc cảm; để mặc nó nhấn chìm bản thân họ…Nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề này, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: Thực trạng tâm lý tự ti của các bạn trẻ hiện nay như thế nào? Yếu tố dẫn tới tâm lý tự ti và sự ảnh hưởng của tâm lí ấy đối với người mắc phải là gì? Cần có những biện pháp khắc phục để thay đổi tâm lý tự ti trong đời sống nào?
Tự ti hiểu đơn giản là một nét tính cách và chúng luôn hiện hữu bên trong mỗi chúng ta,là một biểu hiện trạng thái hết sức bình thường ; nhưng nếu không sẵn sàng bước ra khỏi cái vỏ bọc đó, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy ám ảnh tâm lý và bị “nó” đánh gục. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, khi đối mặt với một số người hoặc một số thời điểm nhất định, họ đều có chung cảm giác tự ti.Nguyên nhân của tâm lí ấy xuất hiện từ việc tất cả chúng ta đều mong muốn mình trở thành một phiên bản tốt nhất,hoàn hảo nhất. Tự ti là con dao hai lưỡi,đôi khi trạng thái tự ti là động lực thúc đẩy con người vượt lên khó khăn, hoàn thiện bản thân hơn; nhưng ngược lại nếu tự ti quá mức sẽ khiến chúng ta tự hạ thấp mình,coi nhẹ bản thân,nghi ngờ khả năng của mình,luôn cho rằng mọi người cười nhạo,chê bai mình rồi từ đó ngại giao tiếp,sống thu mình trong tập thể,….
Thống kê được thực hiện ở 130 bạn trẻ trong độ tuổi từ 16 – 17 tuổi cho thấy, có đến 9.4% bạn có biểu hiện sống khép kín,tự ti và mặc cảm.
Tâm lí tự ti có thể do áp lực từ việc học tập: áp lực về kết quả học tập không được như bản thân kỳ vọng, tự ti với bạn bè trong lớp. Đồng thời, học sinh còn thiếu các kỹ năng học tập nền tảng (kỹ năng đọc sách,thuyết trình, làm việc nhóm...) để thích nghi với sự thay đổi về mặt tâm sinh lý của mình.
Tự ti tuy chỉ là một nét tính cách và chúng luôn hiện hữu bên trong mỗi chúng ta, đó là một biểu hiện trạng thái hết sức bình thường ; nhưng nếu không sẵn sàng bước ra khỏi cái vỏ bọc đó, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy ám ảnh tâm lý và bị “nó” đánh gục, có thể thấy thiếu tự tin được xem như là “hòn đá” cản đường khiến bạn lỡ mất nhiều cơ hội thành công, không thể bước tiếp đến những mục tiêu, ước mơ của mình.
Đứng trước hệ quả mà tự ti gây ra,mỗi bạn trẻ nên có những giải pháp khắc phục tâm lý tự ti phù hợp với bản thân mình. Thêm vào đó, vai trò của gia đình, bạn bè và nhà trường cũng hết sức quan trọng đối với sự cải thiện này.
Mỗi bạn học sinh nên bắt đầu học cách giao tiếp, thêm vào đó, không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân, đặt cho bản thân nhiều mục tiêu để phấn đấu hoàn thiện bản thân. Hơn nữa, các bạn nên học cách chấp nhận bản thân mình, không nên so sánh với người khác, luôn giữ vững lập trường.
Bạn bè đồng trang lứa nên tạo ra những cơ hội cùng nhau tham gia trong các hoạt động tập thể và cùng sẻ chia niềm vui,nỗi buồn,những khó khăn trong cuộc sống. Nhà trường và xã hội nên tạo thêm nhiều những hoạt động xã hội lành mạnh giúp các bạn dễ dàng thể hiện bản thân mình, trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân họ, đồng thời đó cũng là cơ hội để các bạn ấy được gặp gỡ và tương tác với những người khác cùng sở thích.
Cha mẹ nên xây dựng bầu không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận, chia sẻ lẫn nhau, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, tôn trọng con cái, phát triển tính tự trọng am hiểu của con.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm - Mẫu 5
Ô nhiễm nước và kiểm soát ô nhiễm nước là lĩnh vực hết sức phức tạp. Bất kỳ nội dung nào trong lĩnh vực này cũng liên quan mật thiết tới kinh tế, xã hội và luật pháp. Nội dung kiểm soát ô nhiễm nước bao trùm các khía cạnh sinh thái, bảo tồn, tính chất lý hóa của nước, các vấn đề công nghệ, tiêu chuẩn, các vấn đề về quản lý lưu vực, quản lý nguồn nước.
Chính vì độ phức tạp như vậy mà ô nhiễm nước vẫn tồn tại dai dẳng, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Hệ sinh thái nước mặt cũng bị tổn hại nghiêm trọng.
Từ thực tiễn ô nhiễm nước trong thời gian qua, báo cáo đã phân tích những bất cập thách thức trong kiểm soát ô nhiễm theo hệ thống luật pháp hiện nay. Một trong những thách thức lớn nhất là kiểm soát ô nhiễm nước chưa được chú ý đúng tầm quan trọng và cần thiết trong sự nghiệp phát triển kinh tế mà chỉ được đưa vào như một phần nhỏ tích hợp trong công tác bảo vệ môi trường.
Vì vậy công tác kiểm soát các hành vi xả thải, các nguồn ô nhiễm còn mang tính gián tiếp, hình thức. Các công cụ thực thi kiểm soát ô nhiễm nước bị tản mạn nằm trong nhiều luật và có quan hệ chéo phức tạp trong hệ thống quản lý hành chính, dẫn đến tính thực thi chưa có hiệu quả cao.
Việc thực thi các hoạt động kiểm soát ô nhiễm nước trong hệ thống luật hiện nay cũng đối mặt với các thách thức như nền tảng công nghệ xử lý nước thải còn yếu và thiếu, các nguồn nước thải bị quản lý bởi nhiều bên khác nhau.
Do hệ thống pháp luật và các công cụ liên quan đến kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nước được xây dựng chủ yếu từ góc nhìn của bên quản lý, chưa cân nhắc tới góc độ của bên bị điều chỉnh là các doanh nghiệp và chưa cân nhắc từ góc độ của đối tượng được bảo vệ là nguồn nước mặt và cá và các loại thủy sinh sống trong môi trường nước, nên cách tiếp cận quản lý lưu vực, tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận quản lý theo kết quả còn chưa được đưa vào áp dụng.
Điều này đã dẫn đến những bất cập và phân tán trong quản lý, không phù hợp với tính thống nhất và kết nối của hệ thống nước mặt, nên hiệu quả kiểm soát bị hạn chế.
Báo cáo cũng phân tích kinh nghiệm quốc tế, cụ thể kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm nước của các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan để tham khảo.
Các nước này đều trải qua thời kỳ công nghiệp hóa đô thị hóa mạnh mẽ, đã gặp phải nhiều sự cố về ô nhiễm nước hết sức nặng nề. Họ cũng phải trải qua một chặng đường dài trong công tác kiểm soát ô nhiễm nước và khôi phục chất lượng nước mặt và đạt được các kết quả tương đối tốt.
Các nước này đều có Luật hoặc hệ thống luật chuyên biệt kiểm soát ô nhiễm nước và đều đưa khoa học công nghệ xử lý nước thải làm điểm tựa cho các công cụ kiểm soát, coi việc bảo tồn hệ sinh thái cho cá và các thủy sinh trong nước, đảm bảo an toàn cho sinh kế con người là mục tiêu cao nhất.
Trung Quốc đã đầu tư vào chương trình khoa học công nghệ xử lý ô nhiễm nước như một chương trình trọng yếu và cải thiện Luật Kiểm soát ô nhiễm nước để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước.
Chính phủ Hàn Quốc đầu tư mua các vùng đất ven sông để trồng rừng và bảo vệ sông. Họ cũng xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn về sinh thái cho việc kiểm soát ô nhiễm nước.
Malaysia áp dụng luôn một số điều luật trong Luật Kiểm soát ô nhiễm nước của Hoa Kỳ áp dụng ở Malaysia. Thái lan đưa ưu tiên xử lý nước thải đô thị và công nghiệp tập trung, có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xử lý nước thải.
Với nhận thức ô nhiễm nước ở nước ta đã trở nên rất cấp bách và đòi hỏi có chiến lược tổng thể để cải thiện tình hình, Báo cáo đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đưa công tác xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng luật của quốc hội khóa 14, nghiên cứu và xây dựng Luật ngay từ năm 2018 và nghiên cứu xây dựng các chính sách cũng như cải thiện các công cụ về kiểm soát ô nhiễm nước nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước và khôi phục nguồn nước sạch Việt Nam.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn và nhiều người quan tâm - Mẫu 6
Môi trường ô nhiễm, suy thoái – Vấn đề cấp bách hiện nay đối với toàn thế giới
Môi trường sinh thái là một mạng lưới chỉnh thể, hữu cơ, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau giữa đất, nước không khí và cơ thể sống trong phạm vi toàn cầu. Sự rối loạn bất ổn định ở khâu nào đó trong hệ thống sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng. Con người và xã hội xuất thân từ tự nhiên, là một bộ phận của thiên nhiên. Thông qua quá trình lao động, con người khai thác, bảo vệ bồi đắp cho thiên nhiên, nhưng qua quá trình đó, con người xã hội dần dần có sự đối lập, hủy hoại môi trường sống tự nhiên của mình. Hiện nay, trái đất ngôi nhà chung của chúng ta hiện nay với gần 8 tỷ người đang sinh sống, đang phải oằn mình gánh chịu những hậu quả nặng nề gắn với thực trạng hành tinh xanh đang kêu cứu, do tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ngày càng gay gắt. Có thể khái quát một số xu hướng nổi bật của trạng thái này như sau:
- Tình trạng “lá phổi xanh” của trái đất ngày càng loang lổ do nạn phá rừng gia tăng tại nhiều quốc gia. Trong những năm gần đây, tại Braxin, phá rừng tiếp tục là vấn nạn nhức nhối, năm 2020, quốc gia Nam Mỹ này chứng kiến hoạt động tàn phá rừng Amazon tăng mạnh trở lại, lên mức cao nhất trong 12 năm qua. Theo Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia Braxin (INPE) hơn 11.000 km2 của nước này đã bị phá hủy trong vòng 12 tháng. Được ví như “lá phổi xanh” của trái đất và là nguồn sống cho công cuộc chống biến đổi khí hậu hiện nay, Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với gần 7,6 triệu km2, trong đó 60% nằm trong lãnh thổ Braxin. Bên cạnh nạn phá rừng gia tăng, tình trạng cháy rừng cũng ngày càng tồi tệ tại khu vực này cũng như nhiều nước trên thế giới như tại Úc, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Cháy rừng đã tàn phá cây rừng và thảm thực vật, như tại Úc năm ngoái đã phát thải ra 369 triệu tấn cacbon dioxit (CO2).
- Tình trạng nóng lên của trái đất. Theo tổ chức Khí tượng thế giới, nhiệt độ trung bình của trái đất trong giai đoạn 2020 – 2024 sẽ tăng trên 1,5 độ C so với trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, bởi lượng CO2 và khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng gia tăng. Nhiệt độ trái đất gia tăng đã tạo ra các đợt nắng nóng gay gắt tại nhiều quốc gia như tại Ấn Độ, thủ đô Niu Deli trải qua mùa nóng tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua, miền Trung của Việt Nam cũng trải qua tình trạng nắng nóng này.
- Báo động tốc độ băng tan, nhiệt độ tăng cao cũng khiến cho băng tan nhanh hơn. Theo các nhà nghiên cứu, do biến đổi khí hậu, môi trường bị tàn phá nên lượng băng tan trải từ khối lượng khổng lồ tại Greenland đang ở mức cao nhất trong hơn 10.000 năm qua. Theo dự báo, nếu lượng khí thải nhà kính không được kiểm soát, khối băng lớn thứ hai thế giới và dài hàng km ở Bắc Cực này sẽ tiếp tục mất đi hàng ngàn tỷ tấn, khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên 10 cm. Tình trạng băng tan với tốc độ chóng mặt cũng xảy ra tại Nam Cực, nơi có dải băng lớn nhất hành tinh. Khảo sát gần đây tại vùng băng giá này cho thấy, vùng đất băng giá này đang bị bào mòn với tốc độ gấp 6 lần so với 40 năm trước.
Tình trạng nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng tỷ người trên trái đất, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, đến quy hoạch đô thị, cuộc sống của người dân.
- Tình trạng suy thoái về môi trường sinh thái gắn liền với hiện tượng suy thoái tầng Ozon. Tầng Ozon là lớp khí O3 rất dày bao bọc trái đất như một cái đệm bảo vệ trái đất khỏi những tia cực tím của mặt trời chiếu xuống trái đất. Thực tế cho thấy, tầng Ozon bị suy thoái sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của trái đất.
- Suy thoái môi trường còn thể hiện ở sự ô nhiễm không khí, nguồn nước sạch, đặc biệt do ảnh hưởng của phát triển các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp gây ô nhiễm.
Do vậy, vấn đề bảo vệ môi trường không còn là vấn đề riêng của một quốc gia mà còn là vấn đề cấp bách của toàn nhân loại. Mặc dù vấn đề này đã được cảnh tỉnh từ lâu như từ ngày 5/6/1972 tại Stockhom Thụy Điển, các nhà khoa học và đại diện chính phủ nhiều nước đã họp Hội nghị môi trường thế giới đầu tiên với sự tham gia của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế với khẩu hiệu “Con người hãy cứu lấy cái nôi của chúng ta”, sau đó thế giới coi ngày 5/6 hàng năm là ngày Môi trường thế giới. Sau đó, tháng 6/1992 tại Braxin, Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường thế giới với sự tham gia của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, một lần nữa, khẳng định tình trạng suy thoái môi trường nghiêm trọng, kêu gọi mọi quốc gia hãy hợp tác hiệp lực và có trách nhiệm nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Sau đó, nhiều hội nghị về bảo vệ môi trường quốc tế được diễn ra, song tình trạng ô nhiễm suy thoái môi trường không được cải thiện đáng kể là bao. Vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục là vấn đề nan giải, nóng bỏng hiện nay đối với nhiều quốc gia.
Tại Mỹ, tân tổng thống Joe Biden quyết định đưa nước Mỹ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới trở lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời thiết lập chức danh Đặc phái viên của tổng thống về vấn đề khí hậu do Cựu ngoại trưởng John Kerry đảm nhiệm.
Thực tiễn phát triển của thế giới cho thấy, phát triển bền vững là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới, nội dung của phát triển bền vững là sự kết hợp hài hòa của ba vấn đề, về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Yếu tố bền vững được thể hiện trong từng nội dung trên và sự kết hợp giữa các mặt kinh tế - xã hội - môi trường.
Năm 2015, hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững đã thông qua văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu tổng quát và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững (SDGs), trong đó vấn đề tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu tiếp tục là các mục tiêu ưu tiên. Trên góc độ này, quan niệm về phát triển xanh đang được thống nhất về nhận thức và trở thành ngày càng phổ biến. Mặc dù Liên hợp quốc chưa có định nghĩa về phát triển xanh, tuy nhiên theo các chuyên gia và nhiều nước quan niệm cho rằng: “Phát triển xanh” là hình thức phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tiêu hao ít tài nguyên và không gây hại đến môi trường sinh thái. Có thể nói ngắn gọn: “Phát triển xanh” chính là sản xuất xanh và tiêu dùng xanh, sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường cũng như đem lại hiệu suất, hiệu quả cao. Chỉ tiêu tổng hợp nhất là GDP xanh được dùng để phản ánh sự phát triển xanh. Cho đến nay, quan điểm chung cho rằng: “Kinh tế xanh” hay “tăng trưởng xanh” là hình thức phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tiêu hao ít tài nguyên và không gây hại đối với môi trường sinh thái, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế tri thức. Như vậy, phát triển xanh là phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức với nền tảng dân trí giáo dục cao.