Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học) Ngữ văn 8 Kết nối tri thức gồm 8 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới.
Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học)
Đề bài: Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học).
Các bạn nghĩ tình yêu thương có thực sự quan trọng không? Sau khi đọc “Cô bé bán diêm” tôi nghĩ chúng ta nên cùng nhau thảo luận về vấn đề này. Bây giờ chúng ta bắt đầu nhé!
Câu chuyện “Cô bé bán diêm” của Andersen đã khiến em thật sự xúc động và đau lòng trước số phận thảm thương của cô bé. Khép lại trang sách, những suy tư về tình yêu thương con người luôn mãi trăn trở trong tâm trí em. Liệu nếu là người qua đường trong câu chuyện “Cô bé bán diê”, chúng ta sẽ lựa chọn thờ ơ hay đồng cảm, phớt lờ hay sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn?
Trong đêm giao thừa lạnh giá, cô bé bán diêm đã ra đi với cái chết đau lòng. Cái chết của em là lời tố cáo đanh thép cho sự vô tình và bất công của xã hội đương thời. Đồng thời cũng để lại trong lòng độc giả những rung động, nỗi niềm xót thương khó tả. Em bé bán diêm đã phải chịu đựng sự tàn nhẫn của thế giới xung quanh, không ai quan tâm đến lời chào hàng tha thiết của em. Thậm chí khi em bé qua đời, thi thể lạnh giá của em cũng chỉ nhận được sự lạnh lùng và tàn nhẫn từ những người xung quanh. Dẫu biết rằng đêm giao thừa, ai ai cũng chỉ muốn mau chóng về nhà, đoàn tụ với gia đình, người thân. Nhưng người ta đã lỡ quên đi hoặc cố tình phớt lờ sự van xin thương xót, van xin chút tình người của cô bé đáng thương. Có lẽ chết trong đêm tuyết rơi cũng chẳng giá lạnh bằng không nhận được chút tình người ấm áp nào.
Nhưng trong thế giới đầy tàn bạo đó, nhà văn An-đéc-xen đã dành cho em tình yêu và sự thương cảm sâu sắc. Chính tình cảm đó đã khiến ông miêu tả em cuối truyện với đôi má hồng và nụ cười trên môi, và mơ tưởng về cuộc hành trình trở về thiên đường của hai bà cháu. Tuy nhiên, câu chuyện này đem lại cho chúng ta một cảnh tượng đau lòng, gợi lên sự đau xót vô bờ bến cho những kiếp người nghèo khổ.
Sự thờ ơ, vô cảm trước những mảnh đời bất hạnh đâu chỉ có từ thời của An-đéc-xen. Ngay trong chính xã hội hiện đại, đủ đầy vật chất ngày nay, con người ta đôi lúc cũng quên đi việc phải đồng cảm, sẻ chia với những người khó khăn. Hoặc có thể nhiều người đã quá nhàm chán và quen với những tin tức về đói nghèo, bạo lực, chiến tranh... đôi khi là lừa đảo... Tuy nhiên, đừng chỉ vì một vài trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" mà chán ghét, thờ ơ với nhiều người đang thật sự khó khăn cần giúp đỡ. Hãy hành động bằng sự sẻ chia với người đang gặp khó khăn, lên án những việc làm thờ ơ, vô cảm với người khác, lên án những hiện tượng lừa đảo, hay bạo hành, ngược đãi trẻ em. Đó mới là quyết định đúng đắn khi bạn đang phân vân liệu nên lựa chọn thờ ơ hay đồng cảm, phớt lờ hay sẻ chia.
“Cô bé bán diêm” là câu chuyện đầy nhân văn, khơi gợi trong lòng người đọc những xúc cảm và trách nhiệm về lòng nhân ái, bao dung, cảm thông và sẻ chia với mọi người. Dù ra đời đã lâu nhưng cho đến tận ngày nay, những giá trị cao cả ấy vẫn được lưu giữ vẹn nguyên.
Trong học kì vừa qua, kết quả học tập của em rất tốt và được bố mẹ tặng cho cuốn sách “Chuyện con mèo dạy hải Âu bay” của nhà văn Louis Sepulveda. Câu chuyện về cái chết của chim hải Âu Kenga do ngộ độc dầu đã khiến em có những suy nghĩ, trăn trở về trách nhiệm của con người đối với môi trường sống trên Trái Đất. Hôm nay, chúng mình cùng thảo luận về vấn đề này nhé!
Em chẳng thể nào quyên hình ảnh Kenga vùng vẫy, tuyệt vọng, khi toàn thân ngập trong lớp váng dầu: “Thứ chất lỏng dính như keo mà loài hải âu coi như tử thần màu đen của chúng giờ đây đang ép chặt đôi cánh vào mạng sườn của cô”. Hành động vô tình làm tràn dầu ra vịnh của con người đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt nó không chỉ xảy ra trong khu vực sống của Kenga và đàn hải Âu Hải Đăng Cát Đỏ. Ở rất nhiều nơi khác biển đã bị ô nhiễm vì dầu tràn, rác thải nhựa, cánh rừng,... là môi trường sống của con người nhưng cũng là ngôi nhà chung của muôn loài.
Mỗi người cần làm gì để môi trường sống trên Trái Đất luôn trong lành và sự sống của mọi sinh vật được bảo vệ? Mùa hè vừa qua, khi đi biển, em đã cố gắng không dùng bao gói và ống hút bằng nhựa, không vứt rác ra bãi biển,... Ở nhà và ở trường, em luôn có ý thức cùng các bạn giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, sử dụng tiết kiệm năng lượng,... Mỗi người trong chúng ta cần cố gắng hạn chế xả rác, khí thải, hóa chất độc hại vào môi trường. Đó có lẽ là cách mà ai cũng có thể làm được và là cách ứng xử đúng đắn nhất vì sự sống trên Trái Đất - hành tinh xanh.
Cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay đã mang đến cho em những hiểu biết thú vị về thế giới thiên nhiên, những bài học sâu sắc về tình yêu thương, sự sẻ chia. Đặc biệt, cuốn sách đã giúp em hiểu rõ hơn những điều em có thể làm để góp phần gìn giữ ngôi nhà Trái Đất của chúng ta.
Xin chào các bạn, từ hai bài thơ quen thuộc “Đồng dao mùa xuân” và “Gặp lá cơm nếp”, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau thảo luận về tình yêu quê hương đất nước nhé!
Sau khi đọc hai tác phẩm “ Gặp lá cơm nếp” và “ Đồng dao mùa xuân” đã gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về tình yêu người lính, tình yêu gia đình hòa quyện với tình yêu lớn đó là tình yêu quê hương, đất nước của thế hệ trẻ hiện nay.
Trước hết, hình ảnh người lính trong “ Đồng dao mùa xuân” và “ Gặp lá cơm nếp” người đọc chúng ta sẽ gợi nên nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ quê hương đất nước. Thứ hai, tình yêu gia đình được thể hiện qua hai tác phẩm đó là tình cảm thiêng liêng, là cơ sở hình thành cho tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu gia đình cùng tình yêu quê hương hòa trộn lại với nhau, tuy hai mà một. Bởi mẹ chính là quê hương của người lính, nơi có mẹ chính là nhà. Và đất nước cũng là nơi chứa đựng, nuôi dưỡng người lính và mẹ, cùng bao người đồng đội yêu dấu. Tất cả dung hòa với nhau, trở thành hai nửa trái tim máu thịt. Con người ấy vừa là con của mẹ, vừa là một người lính. Chính chúng tạo nên sức mạnh cho họ vững tay súng trên vai.
Qua hình ảnh người lính cùng với tình yêu gia đình song hành với tình yêu quê hương đất nước khiến chúng ta phải giác ngộ, rèn luyện ý thức và tư tưởng đúng đắn, kịp thời. Không ngừng học tập, trau dồi bản thân để ngày càng phát triển. Đồng thời phê bình, tố cáo các hành vi phản động, thiếu trách nhiệm với nền độc lập, hòa bình của đất nước.
Ngày nay yêu quê hương không phải cứ phải cầm súng đánh giặc nữa, mà yêu quê hương chính là góp phần dựng xây quê hương phát triển ngày càng giàu mạnh hơn. Chúng ta là những thế hệ trẻ hãy góp phần công sức của mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh hơn nữa.
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là... học sinh … trường...
Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng biết rằng tuổi trẻ là một thành phần, yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai đất nước, vì thế mà Bác đã căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Chúng ta cùng tìm hiểu vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ ngay nay với tương lai đất nước dân tộc.
Tuổi trẻ là những công dân ở lứa thành niên, thanh niên… là thế hệ măng đã sắp thành tre, là người đã đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận biết vai trò của mình đối với bản thân, xã hội. Tuổi trẻ của mỗi thời đại là niềm tự hào dân tộc, là lớp người tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước.
Tương lai đất nước là vận mệnh, là số phận của đất nước mà mỗi công dân sẽ góp phần xây dựng, phát triển, trong đó quan trọng nhất là thế hệ trẻ.
Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người mà lực lượng chủ yếu là tuổi trẻ. Bởi đó là lực lượng nòng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho non sông Tổ quốc.
Tuổi trẻ hôm nay là tôi, là bạn, là những anh chị đang có mặt trên giảng đường đại học, đang hoạt động bằng cả tâm huyết để cống hiến sức trẻ với những đam mê cùng lòng nhiệt tình bốc lửa. Tuổi trẻ tốt thì xã hội tốt, còn xã hội tốt sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trẻ phát triển toàn diện, sinh ra những người con có ích cho đất nước, đó là điều tất yếu, hiển nhiên mà ai cũng biết.
Mỗi người chúng ta cũng đi qua thời tuổi trẻ - tuổi của sức mạnh phi thường, của cái tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn và sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Sức mạnh vô song của tuổi trẻ “sông kia phải chuyển, núi kia phải dời”. Chúng ta chỉ có một lần trong đời là tuổi trẻ vì vậy cần phải nắm bắt, cần đóng góp sức lực cho đất nước.
Việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của mọi người, mọi công dân chứ không phải của riêng ai. Nhưng với số lượng đông đảo hàng chục triệu người thì lẽ nào tuổi trẻ lại không thể xây dựng đất nước. Chẳng lẽ chúng ta để cho những cụ già đi khuân vác, lao động nặng, những phụ nữ phải ngày đêm làm việc trong các nhà xưởng đầy khói bụi, những trẻ em phải phụ giúp gia đình ngay còn nhỏ mà “quên” đi việc học hành, lúc đó chúng ta sẽ “làm” gì? Chẳng lẽ ngồi không như một “người bị liệt”. Vì vậy chúng ta phải cố gắng xây dựng đất nước như lời dặn của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Sinh ra ở đời ai cũng khao khát được sống hạnh phúc, sung sướng. Mỗi người luôn tìm cho mình một lẽ sống hay nói đúng hơn là lý tưởng sống. Là chủ nhân tương lai thì chúng ta phải xác định cho mình lý tưởng sống phù hợp, đúng đắn. Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay thì tuổi trẻ chúng ta lại đứng trước một câu hỏi lớn: “Sống như thế nào là đúng đắn là có ích cho xã hội?”. Vì lý tưởng sống của chúng ta là động lực thúc đẩy đất nước phát triển.
Và thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời kì kháng chiến. Những người con đất nước như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Đây là những thanh niên của hơn 40 năm trước còn lớp thanh niên ngày nay thì sao?
Vâng. Cách bạn ạ! Chúng ta nên biết một điều: những thế hệ trước đã dâng hiến xương máu để ngày sau độc lập thì chúng ta phải biết “cùng nhau giữ nước” và nối tiếp, kế thừa truyền thống cao đẹp đó. Và một điều quan trọng là các bạn đừng nghĩ đó là nghĩa vụ để rồi miễn cưỡng thực hiện. Chúng ta phải hiểu rằng: được sinh ra là một hạnh phúc và sống tự do, no đủ là một món quà quý báu, vô giá mà quê hương xã hội đã ban tặng. Hạnh phúc không tự nhiên mà có mà đó xương máu, tâm huyết của biết bao người con của đất nước. Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử mà thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, suy nghĩ riêng. Chúng ta không được bác bỏ, phủ nhận quá khứ hay công sức của những anh hùng dân tộc. Đơn giản là vì mỗi thế hệ đều có sứ mệnh riêng, nhận thức riêng mà chúng ta không nên so bì, tính toán. Vì vậy: “Không có chuyện lớp trẻ ngày nay quay lưng với quá khứ” (như tổng bí thư Đỗ Mười nói).
Nhưng tuổi trẻ chúng ta có điều kiện gì để xây dựng đất nước? Vâng, đó chính là học tập. Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói đến việc học hành... Trong cuộc sống ta gặp không ít trường hợp xem việc học là việc khổ sai chỉ do cha mẹ, thầy cô thúc ép, chứ không ham học. Họ xem đi học như một hình thức giải khuây cho vui nên không cần học tập, coi học tập là một nỗi nhọc nhằn. Có người lại coi việc học là để ứng phó với đời, để không xấu hổ với mọi người, để có “bằng cấp” mà hãnh diện với đời, dù đó chỉ là “hàng giả” mà thực lực không làm được. Chúng chẳng những không đưa nước ta “sánh kịp với cường quốc năm châu” mà còn đưa nước ta về lạc hậu, lụi bại.
Cách duy nhất là phải học chân chính, học bằng khả năng của mình. Bước vào thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì ai nắm được tri thức thì mới có thể xây dựng đất nước, lèo lái chiếc thuyền số phận của non sông Tổ quốc. Và nhiệm vụ của chúng ta phải học, học nữa, học mãi. Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thì tương lai dân tộc mới xán lạn, lấp lánh hào quang.
Tóm lại, tuổi trẻ là người sẽ quyết định tương lai đất nước sau này. Tuổi trẻ nước ta đầy rẫy nhân tài sẽ góp phần cho dáng hình xứ sở. Ngay từ hôm nay, tôi, bạn và tất cả mọi người phải cố gắng học tập để sau này có thể giúp nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng và phát triển nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Trên đây là bài trình bày của tôi về trách nhiệm của học sinh với quê hương đất nước, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.
Đọc câu chuyện Dế Mèn phiêu lưu kí, em bắt gặp một hiện tượng đã và vẫn đang nhức nhối trong cuộc sống ngày nay. Đặc biệt là ở môi trường học đường. Đó chính là hiện tượng bắt nạt. Chúng ta hãy cùng thảo luận về vấn đề này nhé!
Bắt nạt là việc một người hoặc một nhóm người ỷ vào việc bản thân có sức mạnh hoặc vị trí, quyền lực, để đánh đấp, sai khiến, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác. Hành vi đó khiến nạn nhân cảm thấy đau khổ, mệt mỏi và bất lực vô cùng. Việc bị bắt nạt không chỉ ảnh hưởng nạn nhân ở thời điểm đó, mà còn để lại các vết thương khó phai, kéo dài đến tương lai.
Hiện tượng bắt nạt không hề xa lạ gì với mỗi chúng ta. Đó cũng là một hiện tượng vô cùng nhức nhối trong xã hội hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển, thì cùng với việc bạo lực trong đời sống, việc bạo lực mạng cũng là hiện tượng ngày càng đáng lo ngại. Đó là việc mọi người cùng chê bai bằng từ ngữ thậm tệ về ngoại hình hay một hình ảnh bất kì của một người, khiến họ bị cô lập, chỉ trích nặng nề. Là việc rủ nhau tẩy chay một người đến mức khiến họ không thể đi chơi với bất kì ai và ở nơi nào. Ngoài ra, bắt nạt còn thể hiện ở những hành động sai khiến, lợi dụng người khác làm việc cho mình một cách thái quá, không đền đáp hay hồi trả bất cứ điều gì. Cực đoan hơn nữa, chính là việc đánh đập, xúc phạm về an toàn thể xác người bị bắt nạt.
Tất cả mọi hình thức bắt nạt từ nhẹ đến nặng đều gây ảnh hưởng đến người bị bắt nạt, từ tinh thần đến thể xác. Nó không chỉ khiến người đó buồn bã, đau khổ mà còn gián tiếp thúc đẩy họ đến các hành vi tiêu cực. Như rời khỏi tập thể, không chịu giao lưu tiếp xúc với mọi người, thậm chí là tự làm hại bản thân. Không chỉ vậy, những tác động ấy còn không phai mờ theo thời gian. Không ít bạn học sinh bị bắt nạt từ khi còn đi học, thì mãi đến lúc trưởng thành vẫn không thoát khỏi lớp bọc tự ti, e dè khi giao lưu với người khác. Tuy nhiên, bắt nạt cũng là con dao hai lưỡi, vì nó không chỉ gây hại đến người bị bắt nạt, mà còn tác động vào chính những kẻ đi bắt nạt. Những kẻ đó trở thành đối tượng xấu, kẻ tệ hại trong mắt tập thể. Họ dễ bị tập thể cô lập lại, bị tách khỏi nhóm những người học sinh tốt. Đồng thời, họ cũng sẽ bị thầy cô, người lớn nhắc nhở thường xuyên, áp dụng các hình phạt. Nặng nề, thì sẽ ảnh hưởng đến cả tượng lai của người đó. Chính vì thế, bắt nạt là điều chỉ đem đến tác hại mà thôi.
Do đó, chúng ta cần phải ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng bắt nạt một cách triệt để trong xã hội, ngay từ khi mỗi người mới chỉ còn là một đứa trẻ. Thông qua những bài học, tuyên truyền trong sách báo, phim hoạt hình, ca nhạc… Ngoài ra, còn cần sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để sớm phát hiện ra những hình thức bắt nạt để xử lí triệt để và kịp thời. Cùng với đó, cũng cần có hình thức xử phạt răn đe phù hợp, để các trường hợp bắt nạt không còn tái phạm nữa. Hiện tượng bắt nạt là một mối nguy hại của toàn xã hội, do đó mọi người cần phải chung tay cùng nhau đẩy lùi hiện tượng này.
Bản thân em là một học sinh may mắn được sống trong môi trường lành mạnh, chan hòa. Em mong rằng, hiện tượng bắt nạt sẽ sớm bị đẩy lùi khỏi xã hội văn minh ngày này.
Đề tài người lính là đề tài tốn nhiều giấy mực của các nhà văn nhà thơ thời kì kháng chiến chống giặc cứu nước. Có người vẽ lên cuộc sống vất vả, sự hy sinh anh dũng nơi chiến trường của các chiến sĩ, có người vẽ lên vẻ đẹp oai hùng, uy nghi cùng với tinh thần lạc quan… Nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Vậy hình ảnh người lính được thể hiện như thế nào trong thơ văn kháng chiến, cụ thể là qua bài thơ Đồng chí, xin mời thầy cô và các bạn cùng lắng nghe và trao đổi.
Hình ảnh người lính trước hết được thể hiện ở xuất thân và lí tưởng sống cao đẹp. Người lính cụ Hồ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có thể là những người lao động nghèo khổ “Quê hương anh đất mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Đồng Chí – Chính Hữu), hoặc là những chàng thanh niên trẻ tuổi vô tư “chưa một lần yêu/ còn mê thả diều” (Đồng dao mùa xuân- Nguyễn Khoa Điềm)… Dù xuất thân ở hoàn cảnh nào thì ở họ đều có chung một lí tưởng cao đẹp sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân mặc áo lính gan dạ dũng cảm “tỳ tay trên mũi súng” (Cá nước – Tố Hữu), các anh dẻo dai bền bỉ hành quân vượt qua “trăm suối ngàn khe”, vượt suốt, trèo đèo trong cảnh “ngày nắng đốt” chói chang, những “đêm mưa dầm dề, gió buốt chân tay” quanh năm suốt tháng. Không một khó khăn, trở lực ngăn được bước tiến của anh:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới”.
Bên cạnh đó, hình ảnh người lính còn được thể hiện ở hoàn cảnh sống và chiến đấu thiếu thốn, khắc nghiệt. Người lính chiến đấu ở những nơi rừng núi âm u rậm rạp “đêm nay rừng hoang sương muối” (Chính Hữu), “bụi phun tóc trắng”, “mưa xối xả”… Cuộc chiến đấu diễn ra trong mọi hoàn cảnh: trong đêm đông lạnh buốt, hay nắng lửa mưa ngàn, nơi chiến trường ác liệt. Người lính phải gắng vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt mà cuộc sống chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ, thiếu thốn và cả sự khốc liệt của chiến tranh: những cơn sốt rét rừng hành hạ, ốm đau thiếu thuốc men, bom đạn rình rập đe dọa sự sống, cuộc chiến tranh khốc liệt, hiểm nguy mà những người lính phải đối mặt “áo rách, quần có vài mảnh vá, chân không giày” (Phạm Tiến Duật). Bằng những hình ảnh chân thực, sống động, những nét vẽ không màu. Thơ ca đã gieo vào lòng người đọc những xúc động lắng sâu về hoàn cảnh sống, chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, thử thách, của những người lính cách mạng- những anh bộ đội cụ Hồ. Đất nước gian lao, cuộc đời người lính cách mạng cũng đầy khó khăn thử thách. Người lính đã vượt lên, chiến thắng mọi hoàn cảnh để chiến thắng được kẻ thù .
Và cuối cùng, hình ảnh người lính hiện lên là những con người yêu nước với những phẩm chất tốt đẹp: giàu lòng yêu nước, kiên cường, lạc quan yêu đời. Những người lính ra đi từ mọi miền quê của đất nước, họ gác lại những tình cảm, ước mơ riêng, những khát khao tuổi trẻ băng qua bom đạn, vượt qua mọi khó khăn, để tiến về phía trước. Quyết tâm ra đi chiến đấu để bảo vệ độc lập cho quê hương cho Tổ quốc. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng yêu nước sâu sắc và vô cùng vĩ đại của những người lính mang tên gọi vô cùng giản dị mà thân thương: Bộ đội cụ Hồ. Những người lính dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Mọi khó khăn gian khổ, bom đạn của kẻ thù lùi lại phía sau bởi ở họ có một lòng yêu nước sâu sắc, một lý tưởng cao đẹp “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Với tinh thần “Tất cả vì Tổ quốc thân yêu”. Trong gian nan thử thách, tình đồng đội càng tỏa sáng, trong chiến đấu gian khổ, đồng đội là nguồn động viên là cánh tay dìu đỡ, là người chia lửa khi giáp mặt quân thù “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Đồng thời đó cũng là động lực giúp người lính vượt qua tất cả để hoàn thành lý tưởng cao cả của mình. Dù hoàn cảnh chiến đấu còn đầy những cam go, thử thách, vẻ đẹp phẩm chất cách mạng của người lính vẫn rạng ngời tỏa sáng. Họ chính là những bài ca đi cùng năm tháng, bất tử với thời gian.
Hàng triệu lớp thanh niên ưu tú của dân tộc đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến, không ngại hy sinh, gian khổ làm nên những thành tích cách mạng to lớn trong chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng lớp bụi thời gian không thể phủ mờ những cống hiến, hy sinh của bao thế hệ thanh niên quyết tâm “Ba sẵn sàng” để bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ thanh niên hiện nay đang được sống trong hòa bình và một môi trường đảm bảo cho sự phát triển toàn diện có đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của mình cần phải làm gì cho Tổ quốc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hay không?
Trong mọi thời kỳ, với mỗi quốc gia, thanh niên bao giờ cũng có vai trò hết sức to lớn, họ là sức sống hiện tại và tương lai của dân tộc. Bác Hồ đã chỉ rõ: Một dân tộc muốn hồi sinh, trước hết phải hồi sinh thanh niên, nếu thanh niên không chịu giác ngộ, không đủ nghị lực, không còn sức sống, không được tổ chức lại, chỉ chìm đắm trong rượu cồn và thuốc phiện thì dân tộc có nguy cơ bị diệt vong. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) Đảng ta cũng đã khẳng định: Vấn đề thanh niên phải đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng và rèn luyện thế hệ thanh niên.
Năm 2000, năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Đảng, Chính phủ đã đồng ý đặt tên là “Năm Thanh niên”, chúng ta đã gửi “Thông điệp Tháng Ba” đến bạn bè trên toàn thế giới. Trong những năm qua, chúng ta đã mở rộng quan hệ bè bạn và hợp tác với hàng trăm tổ chức thanh niên, sinh viên thế giới. Chúng ta đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công các hoạt động giao lưu với thanh niên các nước có đường biên giới chung với Việt Nam, tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống với Đoàn thanh niên Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cu Ba, Liên bang Nga; đã tích cực tham gia các hoạt động tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới. Vị thế và ảnh hưởng của thanh niên Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều cuộc thi thế giới và khu vực về toán học, vật lý, thể thao. Hiện tại, hàng chục vạn lao động Việt Nam mà chủ yếu là thanh niên đang đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế trong nước và thế giới với sự thông minh sáng tạo, đức tính cần cù chăm chỉ trong lao động và nghiên cứu khoa học.
Nếu như trong kháng chiến, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” đã được lịch sử dân tộc ghi nhận, bạn bè thế giới ngợi ca, thì ngày nay, các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo” đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.
Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, một thế hệ thanh niên mới đã ra đời và từng bước trưởng thành. Có thể nói ít có thời kỳ nào mà tuổi trẻ Việt Nam lại có cơ hội và vai trò to lớn đến thế trong tiến trình đổi mới và hội nhập. Số đông thanh niên là lực lượng đi đầu, thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện vì cộng đồng và không cam chịu đói nghèo. Các mùa hè tình nguyện đã làm xanh nhiều góc phố bộn bề và bản làng xa xôi. Hàng chục ngàn trí thức trẻ tình nguyện lên đường về nông thôn, miền núi. Nhiều chương trình, dự án lớn, đậm chất thanh niên ra đời như: xây dựng các Cung đường Thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại; xoá hàng ngàn cầu khỉ thay thế bằng cầu nông thôn mới ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tình nguyện đi lập nghiệp tại đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ với những công trình hiện đại như đóng mới tàu cao tốc Bạch Long, xây dựng trạm điện sức gió, xây dựng công viên tuổi trẻ Sông Hồng trên đảo xa, xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh và biên giới…Bên cạnh đội hình Thanh niên xung phong lập nghiệp và hoạt động chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, còn có hàng ngàn doanh nghiệp trẻ đang hăng hái, trăn trở góp phần tạo dựng nên “Thương hiệu Việt” và nhiều bạn trẻ khác đang “khởi nghiệp” bằng chính bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm và biết làm của mình. Như vậy là phần đông thanh niên thời đại ngày nay vẫn tiếp bước tinh thần “Ba sẵn sàng” của các thế hệ cha anh, tự ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước với những đóng góp không nhỏ.
Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm đến thế hệ thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước. Những cơ chế chính sách chủ yếu tập trung đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và cơ bản của thanh niên về học tập, sao cho thanh niên Việt Nam không còn tụt hậu so với thanh niên thế giới về khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý và hoà nhập nhanh vào kinh tế thị trường, kinh tế tri thức; về định hướng nghề nghiệp và việc làm, sao cho chuyển đổi được nhận thức toàn xã hội không còn coi cánh cổng trường đại học là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên, để xã hôị ta “giảm thầy tăng thợ giỏi”; về nâng cao trình độ thẩm mỹ, lối sống, thể lực và nâng cao tâm hồn cốt cách cho thanh niên Việt Nam…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt trái của kinh tế thị trường đang làm biến đổi nhiều mặt đời sống xã hội, đã xuất hiện ngày càng gia tăng những lối sống thực dụng, ích kỷ và buông thả, thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, sống thụ động, thờ ơ, ngại tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, vi phạm pháp luật, tin vào những điều mê tín dị đoan… trong một bộ phận không nhỏ thanh niên và trong xã hội. Chính vì thế, cần nâng cao vai trò của Đoàn trong việc định hướng tư tưởng và hành động của thanh niên, phát động nhiều chiến dịch thiết thực thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, giúp thanh niên nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xứng đáng là thế hệ thanh niên mới tiếp nối truyền thống tự hào của cha anh.
Kính chào thầy cô và các bạn học sinh, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề vai trò của thiên nhiên trong cuộc sống của con người.
Ý thức cộng đồng là gì?
Ý thức vốn là một phạm trù triết học khá trừu tượng và khó hiểu. Nhưng hiểu một cách đơn giản, ý thức là sự nhận thức trực tiếp, tức thời về hoạt động tâm lý của bản thân; sự nhận thức rõ ràng về việc mình đang làm, đang nghĩ. Có hai loại ý thức là ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng. Ý thức cá nhân thiên về những suy nghĩ của riêng từng người, phân biệt giữa người này với người khác. Còn ý thức cộng đồng là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp. Ý thức cộng đồng chính là thước đo đánh giá đạo đức, phẩm chất của một con người. Người có ý thức cộng đồng cao sẽ gây được thiện cảm cho những người xung quanh thông qua những hành động đẹp, từ đó có được lòng tin và niềm yêu thương của mọi người.
Ý thức cộng đồng của học sinh?
Học sinh cần hạ thấp cái tôi để hòa nhập với tập thể (trường, lớp), cùng nhau xây dựng để phát triển. Hoặc như việc giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp, ý thức giữ gìn của công,… Ý thức cộng đồng còn thể hiện ở sự đoàn kết, yêu thương đùm bọc mọi người xung quanh (bạn bè). Tích cực tham gia các hoạt động tri ân, tưởng niệm của các cá nhân tổ chức, đoàn thể dành cho người có công với cách mạng, các vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc cũng được gọi là ý thức cộng đồng. Mỗi học sinh cũng cần có lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần hội nhập cũng có thể xem là một phần của ý thức cộng đồng….
Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp.