Sách bài tập Ngữ Văn 11 Bài tập viết và nói - nghe trang 44, 45, 46 | Cánh diều

215

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài tập viết và nói - nghe trang 44, 45, 46 sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Bài tập viết và nói - nghe trang 44, 45, 46

Câu 1 trang 44 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Bên cạnh những điểm chung của nghị luận văn học, nghị luận về một tác phẩm kịch cần đáp ứng những yêu cầu riêng nào?

Trả lời:

Bên cạnh những điểm chung của nghị luận văn học, nghị luận về một tác phẩm kịch cần đáp ứng những yêu cầu riêng:

- Phải xác định được tiểu loại kịch: bi kịch, hài kịch hay chính kịch.

- Phải thấy được việc phân chia hồi kịch thành các lớp (cảnh) nhỏ hơn, sự xuất hiện và tương tác của các nhân vật trong từng lớp (cảnh).

- Nhận diện và phân tích được sự vận động của hành động kịch và xung đột kịch cũng như lời thoại của các nhân vật.

Câu 2 trang 44 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đối chiếu với những yêu cầu riêng khi phân tích một tác phẩm kịch, hãy cho biết đoạn văn sau tập trung phân tích đặc điểm nào của tác phẩm kịch?

“Đoạn trích ở Hồi 5, hồi cuối cùng vở kịch. Hồi này gồm chín lớp trong đó lớp 5 là lớp quan trọng nhất. Lớp này và lớp 1 chỉ có hai nhân vật trung tâm – Vũ Như Tô và Đan Thiềm – như là những trụ đỡ cho toàn bộ hồi kịch. Cũng có thể xem chúng như những lớp kịch được tạo ra với tư cách một thủ pháp nhằm mang đến cho các nhân vật trung tâm cơ hội bộc lộ “bản ngã” cũng như khát vọng của họ đúng vào thời điểm cao trào của vở kịch.

Hai lớp kịch tâm tình này do thế giống như một khoảng lặng giữa lúc sôi động ồn ào nhất, là thời điểm nén lại những khoảnh khắc riêng tư nhất của hai người trước khi bùng nổ những mâu thuẫn của vở kịch. Từ lớp 1 đến lớp 4 là sự gia tăng các nhân vật thuộc về một phía ủng hộ xây dựng Cửu Trùng Đài: Nguyễn Vũ, Lê Trung Mại, các quan nội giám. Rồi đột nhiên vở kịch rút bớt hết tất cả các nhân vật đó, chỉ để lại hai nhân vật trung tâm vở kịch: Vũ Như Tô và Đan Thiềm.

Số lượng các nhân vật tăng lên trong bốn lớp đầu có tác dụng làm sân khấu thêm náo nhiệt, hỗn độn thích hợp với thời điểm kết cận kề. Trong nửa đầu hồi kịch, nhóm này có hai cách ứng xử trước sự thế: bỏ trốn và tuẫn tiết. Nửa sau của hồi kịch, bắt đầu từ lớp 5, những nhân vật còn lại của triều đình như cung nữ chấp nhận đi theo quân khởi loạn. Lớp này đánh dấu sự chuyển giao quyền lực của triều đình, làm xoay ngược tình thế trong vở kịch.”.

(Phùng Kiên, Kết cấu kịch trong trích đoạn “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, Văn nghệ Quân đội, ngày 19-5-2021)

Trả lời:

Đối chiếu với những yêu cầu riêng khi phân tích một tác phẩm kịch, có thể thấy đoạn văn tập trung phân tích việc: phân chia hồi kịch thành các lớp (cảnh) nhỏ, sự xuất hiện và tương tác của các nhân vật trong từng lớp (cảnh).

Câu 3 trang 45 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lập bảng thống kê các từ lập luận trong văn bản nghị luận và các cách đem lại tính biểu cảm cho lập luận.

Trả lời:

Các từ lập luận

Cách thức biểu cảm

- Đọc và hiểu văn bản nghị luận

- Sử dụng câu chuyện hoặc ví dụ

- Xác định các từ lập luận

- Trích dẫn từ nhân vật nổi tiếng hoặc chuyên gia

- Ghi lại các từ lập luận

- Sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ

- Đánh dấu số lần xuất hiện

- Sử dụng các từ và cụm từ biểu cảm

- Tổng hợp và phân tích kết quả

- Sử dụng cấu trúc câu phức tạp

 

Câu 4 trang 45 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Xác định hệ thống các từ lập luận và các cách thức đem lại tính biểu cảm trong đoạn trích sau:

“Cuộc tình duyên Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã gặp đủ mọi trở ngại. Họ sinh ra trong hai gia đình oán thù nhau lâu đời, đó đã là một trở ngại lớn. Nhưng còn biết bao trở ngại khác nữa, những sự việc ngẫu nhiên, bất ngờ, chẳng may. Vì không hiểu mối tình của bạn, nên Mơ-kiu-xi-ô tưởng Rô-mê-ô hèn nhát cúi mình trước Ti-bân, và gây lộn với Ti-bân. Vì muốn can hai bên mà Rô-mê-ô khiến bạn chết oan. Và vì thương bạn chết oan mà Rô-mê-ô giết Ti-bàn và phải đi đày... Giải pháp của tu sĩ Lâu-rân bày cho Giu-li-ét tưởng chừng sẽ giải quyết mọi việc. Nhưng tu sĩ Lâu-rân lại gặp sự trắc trở giữa đường. Và khi tu sĩ Lâu-rân lật đật chạy tới hầm mộ thì Rô-mê-ô đã tới đó trước mất rồi. Nhưng Rô-mê-ô và Giu-li-ét có cúi đầu khuất phục trước những trở ngại không? Không, họ luôn luôn chiến đấu để bảo vệ tình yêu của họ. Mối hằn thù lâu đời giữa hai nhà đã không ngăn được họ yêu nhau. Lễ giáo phong kiến đã không ngăn được họ gặp nhau. Cái chết của Ti-bân, án đi đày của Rô-mê-ô cũng không chia lìa được họ. Tài mạo, danh vọng, của cải của Pa-rít không thể làm Giu-li-ét thay dạ đổi lòng. Những sự việc kinh khủng nhất (nằm một ngày một đêm giữa những thây chết) cũng không làm cô gái ngây thơ kia chùn bước...

Cái chết của họ không cho ta một cảm tưởng khuất phục đầu hàng. Họ đã thắng. [...]. Họ đã làm được một việc mà uy quyền của một vương chủ đã không làm nổi: chấm dứt một mối thù truyền kiếp.”.

(Đặng Thế Bính, Tiểu dẫn về “Rô-mê-ô và Giu-li-ét”, trong sách: William Shakespeare Tuyển tập tác phẩm, NXB Sân khấu – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2006)

Trả lời:

- Hệ thống cách từ lập luận:

+ Trở ngại: "đủ mọi trở ngại", "trở ngại lớn”

+ Sự việc ngẫu nhiên, bất ngờ, chẳng may: "những sự việc ngẫu nhiên, bất ngờ, chẳng may", "biết bao trở ngại khác nữa”

+ Muốn cạn hai bên: "muốn cạn hai bên”

+ Giải pháp: "giải pháp của tu sĩ Lâu-rân”

+ Chiến đấu: "họ luôn luôn chiến đấu”

+ Hằn thù: "mối hằn thù lâu đời", "hằn thù không ngăn được họ yêu nhau”

+ Lễ giáo phong kiến: "lễ giáo phong kiến đã không ngăn được họ gặp nhau”

+ Tài mạo, danh vọng, của cải: "tài mạo, danh vọng, của cải của Pa-rit”

- Cách thức đem lại tính biểu cảm”

+ Luôn luôn chiến đấu để bảo vệ tình yêu.

+ Mối hằn thù lâu đời không thể ngăn được tình yêu.

+ Cái chết của họ không khiến họ khuất phục đầu hàng.

+ Thẳng thắn tiếp tục theo đuổi tình yêu.

+ Chấm dứt một mối thù truyền kiếp.

Những từ lập luận được sử dụng để diễn tả các trở ngại, giải pháp, và hành động của nhân vật. Các cách thức đem lại tính biểu cảm như chiến đấu, không khuất phục, và chấm dứt mối thù truyền kiếp cũng mang lại sự mạnh mẽ và sự quyết tâm trong lập luận.

Câu 5 trang 46 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lập dàn ý cho đề văn: Phân tích đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” của Nguyễn Huy Tưởng.

Trả lời:

I. Mở bài

- Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Huy Tưởng: Ông là một tác giả có thiên hướng khai thác những đề tài lịch sử khi sáng tác và có những đóng góp to lớn cho thể loại tiểu thuyết và kịch

- Giới thiệu đoạn trích Vĩnh biệt Cửu trùng đài: Đoạn trích được trích trong hồi V của một vở kịch 5 hồi thành công của Nguyễn Huy Tưởng – Vũ Như Tô

II. Thân bài

1. Những mâu thuẫn xung đột cơ bản của vở kịch

a. Mâu thuẫn thứ nhất:

- Mâu thuẫn: nhân dân lao động khốn khổ lầm than >< bọn hôn quân bạo chúa và phe cánh của chúng sống xa hoa truỵ lạc.

⇒ Mâu thuẫn vốn có từ trước, đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài thì nó biến thành xung đột căng thẳng, gay gắt.

b. Mâu thuẫn thứ hai

+ Vũ Như Tô - Kiến trúc sư - nghệ sĩ: Tâm huyết, hoài bão, muốn đem lại cái đẹp cho muôn đời.

+ Mượn uy quyền, tiền bạc của vua để thực hiện hoài bão lớn lao ⇒ mục đích chân chính >< con đường thực hiện mục đích sai lầm ⇒ Mâu thuẫn giữa quan niện nghệ thuật cao siêu, thuần túy muôn đời và lợi ích thiết thực của nhân dân

⇒ Đẩy Vũ Như Tô vào bi kịch không lối thoát

2. Nhân vật Vũ Như Tô

- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài khát khao say mê sáng tạo cái đẹp:

+ Ông là người “ngàn năm chưa dễ có một”

+ Tài năng của ông được thể hiện: “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện lên”, “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây dựng lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”

- Là một nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả.

+ Ban đầu, dù Lê Tương Dực doạ giết, Vũ như Tô vẫn kiên quyết từ chối xây Cửu trùng đài.

+ Mong muốn và hòa bão của ông chính là xây dựng cho đát nước một tòa lâu đài vĩ đại và bền vững ⇒ khát khao cống hiến tài năng cho đất nước

+ Khi đã xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô dồn hết tâm sức

- Vũ Như Tô là người không hám lợi: vua ban thưởng ông đã đem chia hết cho thợ

- Tuy nhiên, lí tưởng, ước mơ của ông hoàn toàn thoát li khỏi hoàn cảnh lịch sử xã hội của đất nước, xa rời đời sống nhân dân

⇒ Tâm trạng bi kịch đầy căng thẳng: xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai?

⇒ Vũ Như Tô là một nhân vật bi kịch bởi đã mang trong mình không chỉ những say mê khát vọng lớn lao mà còn cả nhưng lại lầm lạc trong suy nghĩ và hành động.

⇒ Sự thức tỉnh của ông chỉ diễn ra vào phút cuối khi mà ông và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đập phá

3. Nhân vật Đan Thiềm

- Vũ Như Tô mê cái đẹp, Đan Thiềm mê cái tài ⇒ Đan Thiềm là tri kỉ, tri âm duy nhất ở triều đình của Vũ Như Tô

- Luôn động viên, khích lệ, giúp đỡ Vũ Như Tô xây đài, bảo vệ đài.

- Là con người luôn tỉnh táo: Biết chắc Đài không thành, tìm cách bảo vệ an toàn tính mạng cho Vũ Như Tô, khuyên Vũ bỏ trốn.

- Sẵn sàng đổi mạng sống của mình cứu Vũ Như Tô, đau đớn khi không thể cứu được người tài.

⇒ Đan Thiềm là nhân vật sống chết hết mình vì cái tài, cái đẹp.

4. Sự giải quyết mâu thuẫn, xung đột

- Mâu thuẫn 1 : giải quyết dứt khoát bằng cảnh quân nổi loạn đốt Cửu Trùng Đài, giết vua …

- Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu và lợi ích thiết thực của nhân dân: chưa được giải quyết .

⇒ Vũ Như Tô có tội hay công, chúng ta không trả lời được, tác giả mới chỉ nêu vấn đề

5. Nghệ thuật

- Ngôn ngữ tập trung phát triển cao, hành động dồn dập đầy kịch tính.

- Ngôn ngữ cao đẹp có sự tổng kết cao, nhịp điệu lời thoại nhanh.

- Tính cách tâm trạng nhân vật bộc lộ rõ nét qua ngôn ngữ hành động.

- Các lớp kịch được chuyển tự nhiên, linh hoạt liền mạch.

III. Kết bài

- Khái quát lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

- Đoạn trích đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn thưở về cái đẹp, và mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhân dân, đồng thời tác giả bày tỏ niềm cảm thông, trân trọng đối với nghệ sĩ tài năng, giàu khát vọng nhưng lại rơi vào bi kịch.

Câu 6 trang 46 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Chọn một ý mà em thấy tâm đắc nhất trong dàn ý đã lập ở câu hỏi số 5 để viết thành đoạn văn theo mô hình diễn dịch có độ dài từ 7 – 10 câu, trong đó có sử dụng ít nhất hai từ lập luận và một cách biểu đạt cảm xúc.

Trả lời:

Vũ Như Tô là một nhà kiến trúc sư tài giỏi bị Lê Tương Dực ép xây dựng Cửu trùng đài để làm nơi hưởng lạc vui chơi với cung nữ. Ông vốn là người nghệ sĩ chân chính lại gắn bó gần gũi với nhân dân nên đã từ chối, quyết không nhận lời và ngang nhiên mắng chửi tên hôn quân bạo ngược. Về sau khi được Đan Thiềm - người cung nữ say mê cái đẹp và biết quý trọng người tài thuyết phục là lợi dụng tiền bạc và quyền lực của vua để xây dựng một tòa lâu đài cho đất nước “Bền như sao trăng”, có thể “tranh tinh xảo với hóa công” và để cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”. Kể từ đó ông thay đổi thái độ chấp nhận mệnh lệnh, dồn tất cả tài năng và trí tuệ sáng suốt để hoàn thành hoài bão, lí tưởng muốn điểm tô cho đất nước. Chính việc làm ấy của Vũ Như Tô đã vô tình đẩy dân đen vào cảnh lầm than cực khổ khi sưu thuế ngày càng tăng cao, triều đình bắt thêm thợ giỏi, thẳng tay hạ chém những kẻ bỏ trốn, biết bao nhiêu người chết vì tai nạn. Nhân dân căm phẫn nhà vua, oán giân Vũ Như Tô. Để rồi Trịnh Duy Sản kẻ cầm đầu phe phái đối lập với triều đình lôi kéo dân chúng đứng lên làm phản giết vua và bắt giết Vũ Như Tô cùng Đan Thiềm.

Câu 7 trang 46 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lập dàn ý cho bài giới thiệu tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.

Trả lời:

I. Mở bài

Giới thiệu về Lưu Quang Vũ, tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt: Lưu Quang Vũ là một hiện tượng của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX, là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam. Một trong những tác phẩm xuất sắc của ông là vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

II. Thân bài

1. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác

* Hồn Trương Ba:

- Cho rằng mình vẫn có một đời sống nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

- Xem xác anh hàng thịt chỉ là cái vỏ bên ngoài: âm u, đui mù, không có tư tưởng, không có cảm xúc, nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém.

=> Hồn Trương Ba phủ nhận vai trò của xác anh hàng thịt.

- Thái độ: từ chối quả quyết, mạnh mẽ sang ấp úng, bịt tai lại, tuyệt vọng.

* Xác anh hàng thịt:

- Cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi xác anh hàng thịt, mọi việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự chi phối của xác anh hàng thịt.

- Thái độ: từ giễu cợt sang quả quyết, mạnh mẽ, lấn át và cuối cùng thắng thế.

=> Cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng.

2. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và mọi người trong gia đình

* Hồn Trương Ba: cho rằng mình vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắn

* Những người thân trong gia đình:

- Vợ Trương Ba: đau đớn trước sự thay đổi của Trương Ba: “ông đâu còn là ông”, một mực muốn rời khỏi gia đình “đi cày thuê làm mướn ở đâu cũng được… đi biệt”.

- Cháu gái: không chịu nhận ông, cho rằng ông nội của mình đã chết mà thay vào đó là một Trương Ba vô cùng vụng về, thô lỗ “Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn của ông tôi nữa!... chân ông to bè như cái xẻng, giẫm nát lên cả cây sâm quý mới ươm”.

- Con dâu: cảm thông, chia sẻ và yêu thương với Trương Ba hơn trước nhưng vẫn không nhận ra Trương Ba của trước đây nữa.

=> Mỗi người trong gia đình ở một vị trí, một thái độ khác nhau nhưng đều có điểm chung là thấy Trương Ba đã thay đổi, không còn nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

- Kết quả: Trương Ba vỡ lẽ, nhận ra sự thay đổi của bản thân và sự lấn át của phần xác đối với phần hồn trong ông.

3. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích; quyết định của Trương Ba

* Trương Ba đã tự nhận ra: Con người sống cần có sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn, cần được sống là chính mình và cần phải sống có ý nghĩa.

* Quan điểm khác biệt giữa Trương Ba và Đế Thích:

- Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”.

- Trương Ba:

+ Không được bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.

+ “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”.

- Hành động mang tính bước ngoặt của Trương Ba: Trả lại xác cho anh hàng thịt còn Trương Ba sẽ chết.

- Phép thử của Đế Thích: Trương Ba sẽ nhập vào xác cu Tị.

- Kết quả: Trương Ba đã yêu cầu Đế Thích để cho cu Tị sống còn mình thì chết.

4. Nghệ thuật

Xây dựng tình huống xung đột kịch độc đáo, ngôn ngữ đối thoại đậm chất triết lí, độc thoại nội tâm giúp bộc lộ tính cách nhân vật…

III. Kết bài

Khẳng định giá trị của Hồn Trương Ba da hàng thịt, cảm nhận chung về tác phẩm: Qua đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tác giả muốn gửi gắm thông điệp được sống là người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình vốn cố và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.

Đánh giá

0

0 đánh giá