(Câu hỏi 3, SGK) Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở. Vì sao Chí Phèo

497

Với giải Câu 2 trang 22 SBT Ngữ văn 11 Cánh diều chi tiết trong Bài 3: Truyện giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài 3: Truyện

Câu 2 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: (Câu hỏi 3, SGK) Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở. Vì sao Chí Phèo lại mang dao đi giết bá Kiến và tự sát?

Trả lời:

* Phân tích diễn biến tâm trạng của Chi Phèo sau khi gặp thị Nở đến trước khi giết bá Kiến.

Để thực hiện yêu cầu này, HS đọc hai đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi: Đoạn 1: từ “Khi Chí Phèo mở mắt” đến “... còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau” và trả lời các câu hỏi để thấy được tâm trạng của Chí Phèo:

+ Chí Phèo có những cảm nhận như thế nào về cuộc sống xung quanh (ánh sáng. âm thanh)?

+ Chí Phèo có những cảm nhận như thế nào về cơ thể mình?

+ Chí Phèo có những suy nghĩ như thế nào về cuộc đời (quá khứ, hiện tại, tương lai)?

+ Chí Phèo thay đổi như thế nào so với ngày hôm qua? Nguyên nhân của sự thay đổi ấy là gì?

+ Phân tích nghệ thuật mà tác giả sử dụng để thể hiện tâm trạng của Chí Phèo khi tỉnh dậy.

Với những câu hỏi trên, HS cần trả lời được:

+ Cảm nhận của Chí Phèo về cuộc sống xung quanh: Hắn nhận thấy ánh sáng “Mặt Trời chắc đã lên cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ”, nghe thấy âm thanh “chim hót ríu rít bên ngoài, tiếng chim hót vui vẻ quá, tiếng cười nói của những người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá” → “chao ôi là buồn”.

+ Cảm nhận của Chí Phèo về cơ thể mình: Hắn thấy “miệng đắng, người bùn rùn, chân tay không buồn nhấc, ruột gan nôn nao lên một tí, sợ rượu” → “bâng khuâng”, “mơ hồ buồn”.

+ Chí Phèo suy nghĩ về cuộc đời mình: quá khứ xa xôi: “ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cày thuê, cuốc mướn, vợ dệt vải. Chúng bỏ một con lợn nuôi làm vốn liếng. Khá giả mua dăm ba sào ruộng làm” → “nao nao buồn”; hiện tại: già, cô độc, đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời → buồn thay cho đời; tương lai: tuổi già, đói rét, ốm đau và cô độc → “đáng sợ”.

+ Với sự trở lại của giác quan người, cảm xúc người, nhận thức người, “con quỷ dữ làng Vũ Đại” đang thức tỉnh, bắt đầu hồi sinh để trở về kiếp người.

+ Ngòi bút miêu tả và phân tích tâm lí tài tình của Nam Cao: Bằng yếu tố ngoại cảnh, thủ pháp đồng hiện, ngôn ngữ nửa trực tiếp, ngòi bút nhà văn đã lách vào những vi mạch sâu kín nhất của thế giới nội tâm nhân vật, khơi dòng ý thức, tâm lí làm hiện hình các trạng thái cảm xúc phức tạp trong tâm trí con người.

– Đoạn 2: từ “Cũng may thị Nở vào” đến “... hỏi có thị đã” và trả lời các câu hỏ để thấy được tâm trạng của Chí Phèo:

+ Chí Phèo có cảm nhận như thế nào về bát cháo hành?

+ Chí Phèo có những cảm nhận như thế nào về thị Nở?

+ Chí Phèo có những cảm nhận như thế nào về chính mình?

+ Chí Phèo thay đổi như thế nào so với ngày hôm qua? Nguyên nhân của sự thay đổi ấy là gì?

+ Phân tích nghệ thuật mà tác giả sử dụng để thể hiện tâm trạng của Chí Phèo khi gặp lại thị Nở.

Với những câu hỏi trên, HS cần trả lời được:

+ Cảm nhận của Chí Phèo về bát cháo hành: nhìn bát cháo: “mắt hình như ươn ướt”; ngửi bát cháo: “cháo thơm, khói xông lên mũi làm cho nhẹ nhõm”; húp cháo “cháo hành ăn rất ngon, bát cháo làm hắn suy nghĩ nhiều: tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù” → ngạc nhiên, xúc động bâng khuâng, vừa vui vừa buồn, ăn năn.

+ Cảm nhận của Chí Phèo về thị Nở: trông thị thế mà có duyên, cái mũi đỏ của thị bạnh ra, hắn thấy thế cũng không có gì là xấu; muốn làm nũng với thị như với mẹ “say thị lắm”.

+ Cảm nhận của Chí Phèo về chính mình: hắn hiền, không còn là thằng Chỉ Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người; không còn mạnh nữa, không liều được nữa; lo cho tương lai ốm yếu, cô độc, đói rét → thèm lương thiện, thèm làm hoà với mọi người, muốn được nhận vào xã hội bằng phẳng, thân thiện của người lương thiện, muốn ở một nhà, lấy thị Nở.

– Bát cháo hành vừa là liều thuốc giải cảm vừa là liều thuốc “giải độc” tâm hồn Chí Phèo. Nhờ bát cháo hành chan chứa yêu thương, cảm xúc người và khát vọng người trong Chí đã được thức tỉnh. Vậy là Chí Phèo đã thực sự hồi sinh, đặt chân

lên ngưỡng cửa cuộc sống làm người.

+ Nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật (độc thoại, đối thoại nội tâm), sử dụng chi tiết nghệ thuật đặc sắc.

* Vì sao khi bị thị Nở từ chối, Chí Phèo lại mang dao đi giết bả Kiến và tự sát?

HS cần nhận thấy:

- Khi không có cách gì níu giữ được thị Nở, Chí Phèo rơi vào tinh thể tuyệt vọng. Chí vật vã, đau đớn. Tuyệt vọng nên hắn lại uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh, càng tỉnh lại càng ý thức rõ về nỗi đau thân phận. Vì thế, hắn ôm mặt khóc rung rức và cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Chi tiết này được nhà văn nhắc tại nhiều lần nhằm tô đậm niềm khát khao được yêu thương và bi kịch tinh thần của Chí. Trong cơn khủng hoảng và bế tắc, Chí đã mang dao đi giết bá Kiến và tự sát.

- Như vậy, Chí đã hành động như một người tỉnh táo với những suy nghĩ sâu sắc. Chí đã nhận ra kẻ thù của mình, người đã đẩy mình vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Cái chết của Chí cũng là tất yếu, vì Chí đã thức tỉnh – nghĩa là anh ta không thể đập phá, chém giết như trước được nữa. Chí muốn lương thiện nhưng không ai cho hắn lương thiện. Kẻ thù của Chí đâu phải chỉ có một mình bá Kiến mà là cả xã hội thối nát và ác độc đương thời. Bởi vậy, Chí phải tìm đến cái chết, chỉ có cái chết mới giúp Chí thoát khỏi kiếp sống của con quỷ dữ. Trước đây, để tồn tại Chí phải bán linh hồn cho quỷ dữ; nay linh hồn trở về, Chí phải đổi cả sự sống của mình. Ở Chí, niềm khao khát được sống lương thiện cao hơn cả tính mạng.

Để phân tích vai trò, ý nghĩa của diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở, HS cần thấy được:

– Nhằm thể hiện diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở đến trước khi giết bá Kiến, nhà văn đã sử dụng nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm li nhân vật (yếu tố ngoại cảnh, thủ pháp đồng hiện, ngôn ngữ nửa trực tiếp, độc thoại và đối thoại nội tâm), lựa chọn chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Qua đó, tác giả khẳng định và tin tưởng vào sức sống bất diệt của bản chất lương thiện ở người nông dân cả khi họ bị bằm nát nhân hình, huỷ hoại nhân tính. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo mới mẻ của tác phẩm.

– Cái chết của Chí có ý nghĩa tố cáo mãnh liệt cái xã hội thực dân phong kiến không những đẩy người nông dân lương thiện vào con đường bần cùng hoá, lưu manh hoá mà còn đẩy họ vào chỗ chết.

Đánh giá

0

0 đánh giá