13 câu Trắc nghiệm Địa Lí 8 Bài 13 (Chân trời sáng tạo) có đáp án: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học

1.7 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 8 Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học sách Chân trời sáng tạo. Bài viết gồm 13 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 8. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa Lí 8 Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học

Phần 1. 13 câu trắc nghiệm Địa lí 8 Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học

Câu 1. Dải đất bãi bồi ven biển là môi trường sống thuận lợi cho hệ sinh thái nào sau đây?

A. Rừng ngập mặn.

B. Rừng thưa rụng lá.

C. Rừng ôn đới.

D. Rừng tre nứa.

Đáp án đúng là: A

Dải đất bãi bồi ven biển là môi trường sống thuận lợi cho hệ sinh thái rừng ngập mặn, rộng hơn 3 trăm nghìn hecta, chạy suốt chiều dài bờ biển và ven các hải đảo.

Câu 2. Hệ sinh thái rừng ngập mặn phân bố chủ yếu ở khu vực nào sau đây?

A. Khắp trên cả nước.

B. Ở vùng đồi núi.

C. Cửa sông, ven biển.

D. Vùng đồng bằng.

Đáp án đúng là: C

Hệ sinh thái nước mặn điển hình ở các vùng ven biển, cửa sông là rừng ngập mặn; ở các độ sâu khác nhau lại chia thành các vùng nước với nhiều loài sinh vật biển. Hệ sinh thái nước ngọt có ở sông, suối, ao, hồ, đầm,…

Câu 3. Hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng bởi các loại sinh vật nào sau đây?

A. Chè, táo, mận, lê.

B. Lúa, cây ăn quả.

C. Rừng tre, nứa, lim.

D. Mắm, vẹt, đước.

Đáp án đúng là: D

Hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng bởi các loại sinh vật như Sú, vẹt, đước,…

Câu 4. Các hệ sinh thái nhân tạo phân bố chủ yếu ở khu vực nào sau đây?

A. Đồng bằng.

B. Ven biển.

C. Rộng khắp.

D. Ở đồi núi.

Đáp án đúng là: C

Các hệ sinh thái nhân tạo hình thành do hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cũng rất đa dạng như hệ sinh thái đồng ruộng, vùng chuyên canh,...; hệ sinh thái nuôi trồng thuỷ sản; rừng trồng, ngày càng mở rộng, chiếm khoảng 1/4 diện tích lãnh thổ và chiếm dần diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên.

Câu 5. Rừng thưa rụng lá phát triển ở vùng nào sau đây của nước ta?

A. Tây Nguyên.

B. Hoàng Liên Sơn.

C. Việt Bắc.

D. Đông Bắc.

Đáp án đúng là: A

Rừng kín thường xanh phát triển ở Cúc Phương, Ba Bể; rừng thưa rụng lá (rừng khộp) ở Tây Nguyên; rừng tre nứa ở Việt Bắc; rừng ôn đới núi cao ở Hoàng Liên Sơn.

Câu 6. Ở nước ta không có luồng sinh vật di cư từ khu vực/quốc gia nào tới?

A. Liên Bang Nga, Tây Âu.

B. Từ dãy núi Hi-ma-lay-a.

C. Ma-lai-xi-a và Ấn Độ.

D. Trung Quốc, Mi-an-ma.

Đáp án đúng là: A

Ở nước ta, môi trường sống thuận lợi nên có nhiều luồng sinh vật di cư tới từ các nước, vùng lãnh thổ xung quanh Việt Nam như Trung Quốc, Mi-an-ma, Hi-ma-lay-a, Ma-lai-xi-a và Ấn Độ.

Câu 7. Trong hệ sinh thái tự nhiên trên cạn, hệ sinh thái nào sau đây chiếm diện tích lớn nhất?

A. Rừng kín thường xanh.

B. Rừng nhiệt đới gió mùa.

C. Rừng ôn đới trên núi.

D. Rừng tre nứa, trảng cỏ.

Đáp án đúng là: B

Trong hệ sinh thái tự nhiên trên cạn có các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa chiếm phần lớn diện tích, bao gồm: rừng kín thường xanh, rừng thưa, rừng tre nứa, rừng trên núi đá vôi,... Do đặc điểm của địa hình và lượng mưa nên một số nơi còn có các hệ sinh thái rừng ôn đới trên núi, trảng cỏ, cây bụi,…

Câu 8. Hệ sinh thái nào sau đây thuộc hệ sinh thái tự nhiên trên cạn?

A. Đồng ruộng, rừng trồng.

B. Rừng nhiệt đới gió mùa.

C. Rừng ngập mặn, cỏ biển.

D. Rạn san hô, rừng ôn đới.

Đáp án đúng là: B

Các hệ sinh thái tự nhiên trên cạn bao gồm các kiểu hệ sinh thái rừng khác nhau, phổ biến nhất là rừng mưa nhiệt đới, rừng nhiệt đới gió mùa với lớp phủ thực vật rậm rạp nhiều tầng, thành phần loài phong phú. Ngoài ra, còn có các hệ sinh thái trảng cỏ cây bụi, rừng cận nhiệt, rừng ôn đới núi cao,...

Câu 9. Hệ sinh thái nào sau đây thuộc hệ sinh thái tự nhiên dưới nước?

A. Đồng ruộng, rừng trồng.

B. Rừng nhiệt đới gió mùa.

C. Rừng ngập mặn, cỏ biển.

D. Rạn san hô, rừng ôn đới.

Đáp án đúng là: C

Các hệ sinh thái tự nhiên dưới nước bao gồm hệ sinh thái nước mặn và hệ sinh thái nước ngọt. Các hệ sinh thái nước mặn (bao gồm cả vùng nước lợ) điển hình là rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô, đầm phá ven biển,... và hệ sinh thái biển chia thành các vùng nước theo độ sâu. Các hệ sinh thái nước ngọt ở sông, suối, hồ, ao, đầm.

Câu 10. Hệ sinh thái nào sau đây không thuộc hệ sinh thái nhân tạo?

A. Đầm phá ven biển.

B. Vùng chuyên canh.

C. Các đồng ruộng.

D. Nuôi trồng thủy sản.

Đáp án đúng là: A

Các hệ sinh thái nhân tạo hình thành do hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cũng rất đa dạng như hệ sinh thái đồng ruộng, vùng chuyên canh,...; hệ sinh thái nuôi trồng thuỷ sản; rừng trồng, ngày càng mở rộng, chiếm khoảng 1/4 diện tích lãnh thổ.

Câu 11. Hệ sinh thái nào sau đây không thuộc hệ sinh thái tự nhiên trên cạn?

A. Rừng ôn đới núi cao.

B. Trảng cỏ, cây bụi.

C. Rừng ngập mặn.

D. Rừng cận nhiệt.

Đáp án đúng là: C

Các hệ sinh thái tự nhiên trên cạn bao gồm các kiểu hệ sinh thái rừng khác nhau, phổ biến nhất là rừng mưa nhiệt đới, rừng nhiệt đới gió mùa với lớp phủ thực vật rậm rạp nhiều tầng, thành phần loài phong phú. Ngoài ra, còn có các hệ sinh thái trảng cỏ cây bụi, rừng cận nhiệt, rừng ôn đới núi cao,...

Câu 12. Sự suy giảm đa dạng sinh học của nước ta không thể hiện ở khía cạnh nào sau đây?

A. Hệ sinh thái.

B. Phạm vi phân bố.

C. Nguồn gen.

D. Số lượng cá thể.

Đáp án đúng là: B

Tính đa dạng sinh học ở nước ta đang ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng, nên việc bảo tồn đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề cấp thiết ở nước ta hiện nay. Sự suy giảm đa dạng sinh học của nước ta thể hiện ở sự suy giảm về số lượng cá thể, loài sinh vật; suy giảm về hệ sinh thái và nguồn gen.

Câu 13. Biểu hiện của sự suy giảm về số lượng cá thể và loài sinh vật là

A. nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

B. phạm vi phân bố loài tăng nhanh.

C. nhiều hệ sinh thái rừng bị phá hủy.

D. xuất hiện nhiều loài mới do lai tạo.

Đáp án đúng là: A

Số lượng cá thể các loài thực vật, động vật hoang dã suy giảm nghiêm trọng. Một số loài thực vật, động vật có nguy cơ tuyệt chủng, như: nhiều loài cây gỗ quý (đinh, lim, sến, táu, trắc, gụ,...); nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm (voi, hổ, bò tót, tê giác một sừng, sao la,…).

Phần 2. Lý thuyết Địa lí 8 Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học

I. Đa dạng sinh vật ở Việt Nam

1. Nguyên nhân: Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên sinh vật nước ta phong phú và đa dạng.

2. Biểu hiện:

* Đa dạng về thành phần loài:

- Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới.

- Ở nước ta đã phát hiện hơn 50.000 loài sinh vật, trong đó có khoảng 20.000 loài thực vật, 10.500 loài động vật trên cạn. Ngoài ra, còn có rất nhiều loài động vật biển, vi sinh vật,…

Lý thuyết Địa Lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học

 * Đa dạng về nguồn gen di truyền: Trong mỗi loài lại có số lượng cá thể rất lớn, tạo nên sự đa dạng của nguồn gen di truyền.

* Đa dạng về hệ sinh thái:

- Trong hệ sinh thái tự nhiên trên cạn:

+ Các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa chiếm phần lớn diện tích, bao gồm: rừng kín thường xanh, rừng thưa, rừng tre nứa, rừng trên núi đá vôi,...

+ Ở một số nơi còn có các hệ sinh thái rừng ôn đới trên núi, trảng cỏ, cây bụi,...

- Trong hệ sinh thái tự nhiên dưới nước:

+ Hệ sinh thái nước mặn điển hình ở các vùng ven biển, cửa sông là rừng ngập mặn; ở các độ sâu khác nhau lại chia thành các vùng nước với nhiều loài sinh vật biển.

+ Hệ sinh thái nước ngọt có ở sông, suối, ao, hồ, đầm,...

- Các hệ sinh thái nông nghiệp:

+ Được hình thành do hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản của con người.

+ Các hệ sinh thái nông nghiệp ngày càng mở rộng, chiếm dần diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên.

Lý thuyết Địa Lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học

II. Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

1. Đa dạng sinh học của nước ta đang bị suy giảm

- Suy giảm hệ sinh thái: các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước của nước ta bị suy giảm đáng kể về diện tích, số lượng và chất lượng.

+ Các hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn lại rất ít, chủ yếu là rừng thứ sinh.

+ Các hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô cũng bị giảm đáng kể do tác động của con người.

- Suy giảm số lượng cá thể, loài sinh vật:

+ Một số loài thực vật có nguy cơ cạn kiệt như các loài gỗ quý (đinh, lim, sến, táu,...).

+ Nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như: tê giác, voi, hổ,... và một số loài chim như: vẹt ngũ sắc, sếu đầu đỏ, gà lam đuôi trắng,...

- Suy giảm nguồn gen: Sự suy giảm các hệ sinh thái đã làm giảm số lượng loài, số lượng cá thể, từ đó làm suy giảm các nguồn gen quý hiếm trong tự nhiên.

2. Nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học

- Các yếu tố tự nhiên bất lợi cho sinh vật thường là các thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng,...

- Tác động của con người:

+ Việc khai thác rừng để lấy gỗ, phá rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, du canh du cư,... đã làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.

+ Việc săn bắt động vật hoang dã để phục vụ cho các nhu cầu của con người đã khiến nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Lý thuyết Địa Lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học

3. Ý nghĩa của việc bảo tồn đa dạng sinh học

- Đa dạng sinh học là yếu tố quyết định tính ổn định của các hệ sinh thái tự nhiên, là cơ sở sinh tồn của sự sống trong môi trường.

- Bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

4. Một số biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học ở nước ta

- Thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học ở nước ta.

- Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Tích cực trồng cây để bảo vệ môi trường.

- Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia nhằm bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, rừng nguyên sinh và động thực vật quý hiếm.

- Xử lí chất thải của các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống của con người và các loài sinh vật,...

Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa lí lớp 8 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá