TOP 10 bài Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 2024 SIÊU HAY

6.6 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 Ngữ văn 8 ,Cánh Diều gồm 8 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8

Đề bài: Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8

Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 - mẫu 1

Thạch Lam là nhà văn tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa là một truyện ngắn xuất sắc của ông viết về đề tài trẻ em.

Truyện bắt đầu bằng khung cảnh của buổi sáng mùa đông được nhà văn khắc họa tinh tế. Chỉ sau một đêm mưa rào, trời bắt đầu nổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến khiến con người tưởng rằng mình đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, cậu thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị đã trở dậy, ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mọi người đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ở ngoài sân “Gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Và sơn cũng thấy lạnh, cậu vơ vội cái chăn trùm lên đầu rồi gọi chị.

Mẹ Sơn đã bảo Lan - chị gái của Sơn vào buồng lấy thúng áo ra. Mẹ Sơn lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét. Bà giơ lên một chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành. Đó chính là chiếc áo của Duyên - đứa em gái đáng thương của Sơn đã mất năm lên bốn tuổi. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nhắc về em gái, Sơn cũng cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Chiếc áo bông chính là kỉ vật gợi nhớ về người em gái đã mất với biết bao tình yêu thương sâu sắc.

Sau khi mặc xong áo ấm, chị em Sơn đi ra chợ chơi.Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc - những đứa trẻ em nghèo khổ vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Khi nhìn thấy Sơn và Lan trong những bộ quần áo ấm áp, chúng cảm thấy xuýt xoa, ngưỡng mộ. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Và đặc biệt là khi Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả hai chị em đều cảm thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn - đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Chị Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Cái áo cũ mà chị em Sơn đem cho Hiên thể hiện tấm lòng nhân hậu của hai đứa trẻ.

Về đến nhà, hai chị em Sơn lo lắng khi người vú già biết mẹ đã biết chuyện hai chị em lén mang áo cho Hiên. Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên để đòi lại áo. Nhưng đó là một phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi mắc lỗi và bị phát hiện. Đến khi trở về nhà, chị em Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con cái Hiên đang ở nhà mình. Mẹ Hiên đem chiếc áo bông đến trả mẹ của Sơn. Có thể thấy dù sống khó khăn, khổ cực nhưng bà vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Còn người mẹ của Sơn, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho mẹ của Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Điều đó thể hiện mẹ Sơn là một người trái tim nhân hậu. Sau khi mẹ con Hiên về, mẹ Sơn không tức giận, đánh mắng con mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Đó chính là tấm lòng vị tha cũng như giàu lòng yêu thương của người mẹ.

Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” nhẹ nhàng mà thật sâu sắc. Tác phẩm đã giúp người đọc hiểu hơn về giá trị của tình yêu thương giữa con người. Đây quả là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Thạch Lam.

TOP 10 bài Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 2023 SIÊU HAY (ảnh 3)

Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 - mẫu 2

Nguyễn Ngọc Tư không còn là cái tên xa lạ với những bạn thích thể loại truyện ngắn. Với phong cách viết văn giản dị mà tình cảm, “Người mẹ vườn cau” đã trở thành một tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng và đem lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc.

Viết về mẹ, chắc chắn là không thể có từ ngữ nào có thể kể hết công lao nuôi dưỡng sinh thành và tình cảm thiêng liêng của mẹ giành cho con. Chính vì lý do đó mà mở đầu truyện ngắn, nhắc đến việc làm văn về mẹ, với đề bài mở nhưng nhân vật “tôi” vẫn không thể nghĩ ra không nên bắt đầu như nào.

Với suy nghĩ ngây ngô của trẻ con, “tôi” không thể hiểu sao mình chỉ có một mẹ còn bố thì lại có hai mẹ, làm cho “tôi” có hai nội: Nội ở Phố Đông, Nội ở vườn cau. Khi còn nhỏ, “tôi” đã được về nhà Nội ở vườn cau chơi. Con đường đến nhà bà là con đường đất, những khi trời mưa đường bùn ướt nhẹp. Nhà Nội là nhà mái lá nhỏ xíu. Nội gầy gò, cười phô cả lợi những vẫn luôn lo lắng cho các con các cháu, sợ trời mưa mấy đứa sẽ bị cảm. Hôm ấy nhà “tôi” về nhà Nội là do có giỗ của chú Sơn. Bữa cơm giỗ chỉ vài ba bác canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng đơn giản những vẫn rất ngon và ấm áp. Cảnh ba gắp thức ăn cho bà rồi bà lại gắp thức ăn cho “tôi” và bà xoa đầu bảo tôi ăn cho chóng lớn đã cho thấy khung cảnh gia đình ấm áp và hạnh phúc.

Trời tạnh mưa cũng là lúc mị người ào ào về nhà Nội tụ tập. Tiếng gọi “má Tư” cứ liên tục vang vong khiến “tôi” thắc mắc rằng sao Nội lại nhiều con như thế. Mọi người tụ tập và cùng nhau nhậu một bữa. Lớn bằng ấy nhưng các chú vẫn phải xin phép bà. Mọi người cùng hàn huyên chuyện cũ, tiếng cười vang vọng khắp gian nhà nhỏ. “Tôi” được nội dẫn ra vườn cau. Vườn cau nhà Nội thật thú vị, chắc cũng vì lý do này, bố gọi nội là "Mẹ vườn cau". Ở vườn, cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Đêm hôm ấy, tôi được Nội mắc mùng cho ngủ, nhưng vì lạ giường mà mãi không ngủ được, Nội liền kể cho tôi nghe về câu chuyện của bà. Người trên bàn thờ hôm nay là hai đồng chí thân thiết với bố, các chú đều là những người hiên ngang và anh hùng, và bà chính là mẹ anh hùng, tuy chỉ là người nhặt ve chai, không có súng cũng không cao to, khỏe mạnh nhưng vẫn làm anh hùng. Làm anh hùng tuy tự hào, tuy vui nhưng Nội rất buồn, nếu các chú ấy còn sống thì giờ Nội đã không phải ở một mình.

Do ba chuyển công tác nên gia đình cũng chuyển công tác lên phố luôn. Đã lâu lắm không trở về thăm lại Nội vườn cau nhưng bố vẫn không lo lắng vì ở dưới đó có các chú lo. Chỉ đến khi chú Biểu đến nhà, nghe câu chú nói mình bạc, bố mới thấy nằm suy nghĩ và quyết định mai về lại "Người mẹ vườn cau". Đó là những kỉ niệm về mẹ vườn cau của bố còn với mẹ của “tôi” thì chỉ "Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc". Bài văn tuy 4 điểm nhưng “tôi” cũng không hề buồn vì tả về mẹ đâu chỉ bằng vài câu.

Câu chuyện tuy ngắn nhưng nó lại mang giá trị nhân văn sâu sắc. Ngôn từ giản dị nhưng dạt dào cảm xúc, truyện ngắn "Người mẹ vườn cau" đã mang gợi đến cho mỗi chúng ta những kỉ niệm hạnh phúc về mẹ và những bài học về việc báo đáp công ơn mẹ. Mỗi chúng ta có thể có nhiều mẹ, nhưng mẹ sinh ra và nuôi dưỡng ta chỉ có một mà thôi. Ai rồi cũng có gia đình riêng nhưng mái ấm với mẹ chờ luôn là ngôi nhà mà chúng ta nên trở về nhất.

TOP 10 bài Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 2023 SIÊU HAY (ảnh 4)

Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 - mẫu 3

Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu trong con người họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm như vậy.

Trước hết về nhân vật lão Hạc, lão có số phận bi thảm nhưng ẩn sau đó là những phẩm chất cao đẹp, đại diện cho người nông dân. Số phận lão Hạc cũng là số phận chung của biết bao người nông dân trước cách mạng. Vợ lão chết sớm, lão ở vậy gà trống nuôi con. Đứa con lớn lên vì không lấy được người mình yêu nên phẫn chí bỏ nhà ra đi. Lão ở vậy một mình với cậu Vàng – kỉ vật người con trai để lại. Nhưng cuộc đời lão càng ngày lại càng bi đát hơn, lão bị ốm, lão tiêu tốn nhiều tiền dành dụm cho con, bởi vậy lão đành bán cậu Vàng – người bạn đã ở bên giúp lão vơi bớt nỗi buồn khi phải xa con. Khi bán cậu Vàng lão vô cùng đau đớn, ân hận. Nỗi ân hận đó được thể hiện qua đoạn văn miêu tả đặc sắc: cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, hu hu khóc. Tình cảnh của lão thật đáng thương, lão luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bản thân.

Nhưng ẩn đằng đó chính là những phẩm chất cao đẹp của người nông dân lương thiện. Lão là một người giàu tình yêu thương, tình yêu thương đó được thể hiện ngay cả với một con vật: lão gọi chó là cậu Vàng, gọi nịnh như gọi một đứa trẻ, ông chăm sóc cậu Vàng chu đáo: cho ăn cơm trong bát như một nhà giàu, không chỉ vậy ông còn trò chuyện, mắng yêu cậu vàng, cậu Vàng làm lão bớt cô đơn, vơi đi nỗi nhớ con. Tình cảm sâu nặng của ông với cậu Vàng có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu thương con của lão Hạc, con chó là kỉ vật thiêng liêng mà người con để lại cho ông trước khi đi đến đồn điền cao su.

Tình phụ tử ở lão Hạc cũng vô cùng sâu sắc, thiêng liêng. Vì cảnh nghèo không cưới được vợ cho con, lão vô cùng đau đớn, bởi vậy bao nhiêu tiền của làm được lão đều dành dụm cho con, lão chịu kham khổ, để người đời chửi mắng chứ nhất định không chịu tiêu lạm vào tiền của con. Sau khi bị bệnh nặng, lão chỉ ăn khoai, hết khoai lão ăn củ chuối, rồi ăn sung luộc, rau má, củ ráy, nghĩa là vớ được thứ gì lão ăn thứ ấy,… Và cuối cùng lão lo lắng sẽ tiêu hết tiền cho con nên lão đành chọn cái chết để bảo toàn tài sản cho con trai mình. Cái chết đau đớn của lão Hạc xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao.

Mặc dù nghèo khổ nhưng lão luôn giữ lòng tự trọng. Lão không nhận bất cứ sự giúp đỡ của ai, ngay cả khi ông giáo đề nghị giúp, lão từ chối một cách hách dịch, bởi lão hiểu hoàn cảnh gia đình ông giáo cũng nghèo túng chẳng khác gì gia đình mình. Lòng tự trọng đó còn được thể hiện trong cách thức tìm đến cái chết của ông. Trước khi chết ông để lại tiền nhờ bà con lo ma chay, không muốn phiền hà đến hàng xóm. Lão chết bằng cách ăn bả chó, cái chết đau đớn, dữ dội như một lời tạ tội với cậu Vàng. Cái chết của lão Hạc chính là sự khẳng định cho sức sống bất diệt của nhân cách trong ông.

Ngoài nhân vật lão Hạc trong tác phẩm ta còn thấy nổi bật lên hình ảnh của một ông giáo nghèo, người bạn thân thiết của lão Hạc. Ông giáo có sự đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ đáng thương của lão Hạc: an ủi, động viên khi lão bán chó, chia sẻ nỗi buồn với lão Hạc, luôn tìm mọi cách làm cho lão khuây khỏa, lạc quan. Ông còn là người am hiểu tường tận nhất vẻ đẹp nhân cách của lão hạc: “Không cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Nghĩa khác ấy chính là con người có nhân cách cao đẹp nhưng lại phải chết vật vã, đau đớn và cái chết ấy lại càng làm sáng hơn nhân cách cao đẹp của lão.

Nghệ thuật kể chuyện xuất sắc: câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi (ông giáo) người luôn bên cạnh lão Hạc, bởi vậy khiến câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, ngoài ra khiến mạch kể trở nên tự nhiên, linh hoạt, tạo điều kiện kết hợp tả, kể với bình luận một cách tự nhiên, sinh động. Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lí, những bước ngoặt của truyện giúp bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn của văn bản: nhân vật được khắc họa qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến tâm trạng và qua lời nhận xét, bình luận của các nhân vật khác, bởi vậy chân dung nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.

Với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, lôi cuốn Nam Cao đã cho người đọc thấy chân dung số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng, họ bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết. Nhưng đằng sau đó còn là chân dung tinh thần đẹp đẽ: giàu tình yêu thương và nhân cách cao đẹp.

TOP 10 bài Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 2023 SIÊU HAY (ảnh 2)

Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 - mẫu 4

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có những kỉ niệm đáng nhớ về thời học sinh hồn nhiên trong sáng. Và một trong những kỉ niệm đó là những phút giây xôn xao trong buổi tựu trường đầu tiên khi đến trường. Những rung động ấy đã được Thanh Tịnh thể hiện rõ nét qua tác phẩm đặc sắc của ông “Tôi đi học”.

Ngay mấy dòng đầu tác phẩm, nhà văn đã so sánh một cách ấn tượng: “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Câu văn như cánh cửa dịu dàng mở ra, dẫn người đọc vào một thế giới đầy ắp những sự việc, những con người, những cung bậc tâm tư tình cảm đẹp đẽ, trong sáng, rất đáng nhớ, đáng chia sẻ và mến thương.

Mạch cảm xúc được nói ra hết sức tự nhiên. Nghệ thuật so sánh được tác giả sử dụng khéo léo, kết hợp với những hình ảnh giàu sức gợi cảm đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa thu thơ mộng với sắc lá vàng phai, với màu mây bạc lãng đãng trôi trên bầu trời mênh mông, xanh thẳm. Hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè nấp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường khiến cho nhà văn nhớ lại ngày đầu tiên đi học không thể nào quên của mình.

Tâm trạng hồi hộp, cảm giác mới mẻ của cậu bé khi được mẹ dắt đi trên con đường tới trường được diễn tả rất tinh tế: Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ… cảnh vật chung quanh đều thay đổi. Cậu bé đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của sự lạ lùng ấy: vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Từ điểm nhấn là “sự thay đổi lớn” ấy, nhà văn đi vào chi tiết trên đường “tôi” theo mẹ đến trường bằng lối miêu tả hình ảnh xen lẫn với biểu cảm. Các hình ảnh lại được miêu tả theo kiểu dây chuyền bằng cái nhìn tinh tế. “thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tuổi tôi… trao sách vở cho nhau xem". Họ “ôm sách vở nhiều lại kèm cả bút thước nữa” mà chẳng thấy khó khăn gì trong lúc chỉ cầm hai quyển vở mới mà “tôi đã bắt đầu thấy nặng.

Tôi bậm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Ở đoạn văn ấy, nhà văn cứ nhìn sự việc, sự vật của người rồi cảm nhận ở mình cùng với sự vật, sự việc ấy. Đấy là một ý nghĩ “vừa non nớt vừa ngây ngô” thật dễ thương chỉ xuất hiện ở trẻ thơ.

Đi hết con đường làng, cậu học trò nhỏ tới sân trường. Nhìn quang cảnh nhà trường, khi nghe gọi tên, rồi phải rời tay mẹ đi vào lớp học, tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc mới lạ trong “tôi” thực sự vô cùng xáo động. Trước mắt cậu là cả một thế giới mới mẻ, lạ lùng. Cậu và đám bạn cùng trang lứa nào có khác chi những con chim đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ… thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Đang trong cử chỉ và tâm trạng đó thì “ông đốc” (thầy hiệu trưởng) xuất hiện. Ông đọc tên từng người, rồi dặn dò phải chăm học. Rồi ông “nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động". Từ ngoài đường, từ trong lớp học hầu như ai ai cũng ngắm nhìn khiến các cậu học trò mới “càng lúng túng hơn". Cao điểm của tâm trạng là lúc ông đốc bảo: “-Thôi, các em lên đứng đây sắp hàng để vào lớp. ”,

Ấy là tâm trạng “trong thời thơ ấu tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này". Và chính vì có cảm giác như thế nên “Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. “Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ”.

Hình ảnh so sánh thứ ba này của tác giả thật tinh tế. Nó vừa tả đúng tâm trạng của nhân vật, vừa gợi cho người đọc liên tưởng về một thời thuở nhỏ đứng giữa mái trường thân yêu. Nếu các em là đầu đi học là những cánh chim đang chập chững rời tổ để bay vào bầu trời bao la nhiều nắng gió, thì thầy cô giáo chính là những bàn tay nâng đỡ, những làn gió đưa, những tia nắng soi đường để cánh chim được cất lên mạnh dạn, khoáng đạt trên bầu trời. Nhờ những bàn tay vững vàng, những làn gió mát, những tia nắng chan chứa tình thương và trách nhiệm ấy, cậu học trò trong câu chuyện đã nhanh chóng hòa nhập vào thế giới kì diệu của mái trường.

Truyện ngắn "Tôi đi học" sống mãi với thời gian bởi nó được tạo nên từ cảm xúc trong sáng, hồn nhiên và bút pháp nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế của nhà văn. Bằng câu chuyện của mình, Thanh Tịnh đã nói thay tất cả chúng ta cái cảm giác kì diệu của buổi học đầu tiên đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời mỗi người.

TOP 10 bài Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 2023 SIÊU HAY (ảnh 1)

Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 - mẫu 5

O’Hen-ri là nhà văn Mĩ (1862-1910). Thuở nhỏ, vì nhà nghèo nên ông không được học hành đến nơi đến chốn. Năm mười lăm tuổi, ông đã phải thôi học, đến phụ việc tại hiệu thuốc của người chú ruột. Thời trai trẻ, ông trải qua nhiều nghề khác nhau để kiếm sống như nhân viên kế toán, thủ quỹ ngân hàng, bốc vác… O’Hen-ri chuyên viết truyện ngắn, nổi tiếng với những tác phẩm thể hiện tinh thần nhân đạo, tình yêu thương những con người nghèo khổ. Nhiều truyện ngắn đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc, trong đó có truyện Chiếc lá cuối cùng. Tác phẩm thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự sống, khẳng định giá trị nhân văn cao cả của con người.

Bối cảnh của truyện là ngôi nhà trọ ba tầng cũ kĩ, tồi tàn với những căn phòng cho thuê giá rẻ trong một khu phố nhỏ ở phía Tây công viên Oa-sinh-tơn. Thời điểm xảy ra sự việc là tháng mười một, khi những cơn gió lạnh mùa đông tràn về. Hai nữ họa sĩ trẻ là Xiu và Giôn-xi thuê chung một căn phòng nhỏ trên tầng thượng sát mái. Cụ Bơ-men là một họa sĩ nghèo sống ở tầng hầm. Giôn-xi bị sưng phổi nặng. Vì nghèo không có tiền thuốc thang nên cô buồn bã không thiết sống nữa. Mặc cho Xiu chăm sóc, động viên, Giôn-xi cứ nằm quay mặt ra phía cửa sổ, nhìn những chiếc lá thường xuân rụng dần từng chiếc một. Mỗi lần có chiếc lá rơi, cô lại cảm thấy mình gần cái chết thêm một chút. Trước khi trời tối, Giôn-xi đếm còn lại bốn chiếc lá và tự nhủ sau khi chiếc lá cuối cùng rụng nốt thì mình cũng lìa đời. Nghe Xiu kể chuyện ấy, cụ Bơ-men bực mình nghĩ rằng tại sao trên đời này lại có người muốn chết chỉ vì một cây dây leo nào đó rụng hết lá?! Rồi Xiu đưa cụ Bơ-men lên gác…

Đoạn trích này tiếp nối câu chuyện trên, kể về việc vì thương Giôn-xi mà cụ Bơ-men đã thức trắng đêm để vẽ chiếc lá thường xuân lên tường. Sáng hôm sau thức giấc, Giôn-xi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng vẫn còn bám chặt vào cây. Cô như được tiếp thêm sức mạnh và thoát qua cơn hiểm nghèo. Nhưng cũng vì vẽ chiếc lá trong đêm đông giá buốt nên cụ Bơ-men đã bị cảm lạnh rồi qua đời chi sau hai ngày. Qua đoạn trích, tác giả bày tỏ thái độ trân trọng, cảm phục trước tình yêu thương chân thành và lòng vị tha cao cả của những con người trong cảnh nghèo khổ.

Câu chuyện mà Ô Hen ri mang đến đầy hấp dẫn bằng nghệ thuật viết truyện đêu luyện mà trước tiên đó còn là cách xây dựng nhân vật độc đáo, ấn tượng thông qua các yếu tố miêu tả cử chỉ, hành động, lời nói của nhân vật ấy. Ngòi bút văn xuôi đương đại nổi tiếng nước Mĩ - O Hen-ri đã để ba nhân vật trong truyện nhắn nhủ với chúng ta những điều đáng quý về tình yêu cuộc sống và trân trọng những tình cảm đã làm nên cuộc sống tươi đẹp.

Người đọc bắt gặp một cô Giôn-xi ngây thơ đến lạ lùng khi cô cho rằng sẽ buông xuôi tất cả và lìa cõi đời này vào lúc chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Bệnh viêm phổi hành hạ và sự nghèo khó đã dập tắt niềm tin và ý chí muốn sống trong lòng cô gái trẻ. Khi bị bệnh, cô đã vô cùng tuyệt vọng: “mở to cặp mắt thẫn thờ và thều thào ra lệnh”. Những từ láy tượng hình tượng thanh được nà văn mô tả thể hiện sự yếu ớt, cạn kiệt của Giôn-xi. Cô luôn suy nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng rụng thì cô sẽ chế. Trong cô tinh thần suy sụp, mất hết niềm tin, nghị lực, tâm trạng buông xuôi, tuyệt vọng. Nhưng rồi chiếc lá vô tri đó đã trở thành niềm hi vọng của Giôn-xi khi mà cô còn giữ được “lửa” trong trái tim mình, khiến cô tìm lại được tình yêu cuộc sống với những mơ ước, khát khao. Khi ấy, Giôn-xi tin vào cuộc đời bằng một tình yêu cuộc sống mãnh liệt đã giúp cô vượt qua lưỡi hái tử thần. Cô tin rằng chiếc lá sẽ mãi còn đó, mãi xanh tươi như sự sống bất diệt, cô tin rằng trái tim mình cũng sẽ đập mãi, tâm hồn mình cũng sẽ trẻ mãi và tràn đầy ước mơ về bức kiệt tác “vịnh Na-plơ”. Cô tự thấy mình là hư. Muốn ăn cháo, uống nước, muốn soi gương và muốn vẽ. Từ đây tâm trạng hoàn toàn thay đổi, cô thoát khỏi cái chết, có tình yêu cuộc sống, yêu nghệ thuật. Chính sự dai dẳng của chiếc lá chính là nguồn gốc hồi sinh tâm trạng của Giôn-xi. Như vậy, sự sống của chiếc lá đã thăng hoa tình cảm thiết tha yêu cuộc sống trong trái tim cô gái yếu đuối này. Con người cần phải có niềm tin, nghị lực để chiến thắng bệnh tật và vượt lên chính mình

Bằng các yếu tố miêu tả cử chỉ, hành động, lời nói của nhân vật, một lần nữa hình ảnh nhân vật - cô bạn thân của Giôn - xi là Xiu hiện lên cũng thật rõ nét. Bệnh tật, sự tuyệt vọng của Giôn-xi dường như hành hạ Xiu về cả vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống vốn trước đây đã rất khó khăn giờ chỉ còn mình cô gánh vác, lại cần có tiền thuốc thang chữa bệnh cho bạn. Là một cô gái có tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh, có sự đồng cảm sâu sắc và yêu thương bạn như người thân ruột thịt, cô lo lắng, luôn động viên, chăm sóc Giôn-xi. Xiu không muốn kéo mành lên để bạn nhìn thấy sự sống níu kéo từng giây từng phút trên chiếc lá còn sót lại nhưng cô khó có đủ ánh sáng mà vẽ tranh, lấy tiền chữa trị cho Giôn-xi khi cửa so là nguồn sáng không phải trả tiền duy nhất đối với những người nghèo khổ như cô. Xiu day dứt, băn khoăn giữa hai sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Xiu sợ khi chỉ còn 1 chiếc là thường xuân cuối cùng còn bám lại trên tường. Khi Giôn-xi bảo kéo màn,” cô làm theo cô làm theo một cách chán nản”. Chính trong những lúc thế này ta mới thấy hết được cái tình, cái nghĩa mà Xiu dành cho Giôn-xi, chiếc lá một lần nữa lại chứa nặng nỗi lo lắng khôn nguôi của cô gái trẻ, nó nhân lên trong cô sức mạnh của nghị lực, thăng hoa trong trái tim cô một tình yêu vô bờ bến với người bạn trẻ. Ngoài ra ở nhân vật này khi Xiu kể về cái chết của cụ Bơ-men cho Giôn – xi bằng một giọng cảm động và chân thành còn có cả sự biết ơn khôn xiết. Ở đó thể hiện sự kính trọng, thương nhớ, khâm phục cụ Bơ-men biết nhường nào.

Nhà văn đã dành trọn cảm xúc tình cảm và cả ngòi bút tài hoa để khắc hoạ hình ảnh cụ Bơ-men trong tác phẩm. Là một họa sĩ già, nghèo, vô danh, suốt bốn mươi năm, cụ ấp ủ ý định sẽ vẽ một bức tranh tuyệt tác nhưng chưa bao giờ bắt đầu công việc. Giống như chị Xiu, cụ Bơ-men rất quan tâm đến tình cảnh tội nghiệp của Giôn-xi. Biết cô gái đang tuyệt vọng, muốn tìm đến cái chết để giải thoát, cụ đã nhờ chị Xiu đưa lên gác để thăm. Hai người sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì vì thấy những chiếc lá thường xuân đang theo nhau rụng, chỉ còn một vài chiếc. Có lẽ trong thâm tâm cả hai đều lo lắng cho số phận của Giôn-xi. Riêng cụ Bơ-men, chắc là cụ đang nghĩ đến cách vẽ chiếc lá cuối cùng để đem lại cho Giôn-xi niềm hi vọng.

Tình thương và lòng trắc ẩn đã khơi dậy trong tâm hồn cụ Bơ-men một ý tưởng sáng tạo tuyệt vời. Cụ lẳng lặng làm theo lời trái tim mách bảo, không hé răng cho ai biết ý định của mình. Nhà văn không tiết lộ ngay việc cụ Bơ-men vẽ chiếc lá trong đêm mưa tuyết ra sao mà đợi đến những dòng cuối cùng của truyện mới cho mọi người biết qua lời của chị Xiu. Cách kể truyện như thế tạo được bất ngờ và hứng thú cho người đọc. Người đọc thực sự cảm động trước hình ảnh một cụ già 60 tuổi run rẩy trong đêm mưa to gió lớn, tuyết ngập khắp đường, một tay bám vào chiếc thang đã mục, tay kia vừa cầm đèn bão vừa cầm bảng màu với hai sắc xanh vàng và bút vẽ để leo lên tường nơi cửa sổ phòng Giôn-xi nhìn ra. Bàn tay già nua miệt mài vẽ. Bằng nét vẽ tài hoa và chân thực hòa vào cùng với tình thương yêu cháy bỏng của “người cha”, cụ đã đem đến cho chiếc lá thường xuân bình thường một sức sống bất tử. Để đáp lại đức hi sinh cao cả của người hoạ sĩ già, chiếc lá đã trở thành kiệt tác của cuộc đời cụ Bơ-men, thể hiện hoàn hảo và sinh động nhất tình yêu thương lớn lao, cao cả. Điều mà hơn 40 năm theo đuổi nghệ thuật không lúc nào trái tim cụ không ngừng hướng tới với một mong ước ráo riết, nồng nàn. (.)

Chiếc lá cụ Bơ-men vẽ lên bức tường gạch đối diện với cửa sổ căn gác nhỏ của Giôn-xi đúng là một kiệt tác vì trước hết trông nó giống y như thật: Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ, khiến Giôn-xi tưởng đấy chính là chiếc lá cuối cùng. Quan trọng hơn cả là chiếc lá do cụ Bơ-men vẽ đã đem lại sự sống cho Giôn-xi. Chiếc lá không phải chỉ được vẽ bằng bút lông, bột màu, mà bằng cả tình cảm chân thành và lòng vị tha cùng đức hy sinh cao cả của cụ Bơ-men. Người hoạ sĩ già đã quên cả tuổi tác lẫn sức khỏe của mình để cố gắng nhen nhóm lại hi vọng sống trong lòng cô gái trẻ đáng thương.

Không chỉ xây dựng nhật vật hấp dẫn, truyện ngắn còn đầy kịch tính với cách tạo tình huống bất ngờ, đảo ngược tình thế hai lần giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa câu chuyện. Đây cũng là đặc sắc nghệ thuật trong nhiều sáng tác của O Hen-ri, tạo dấu ấn riêng của nhà văn. Tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” quả thực là một câu chuyện hấp dẫn trong nghệ thuật thể hiện. Tác giả đã khéo léo thể hiện điều đó qua cách tạo dựng tình huống truyện độc đáo đem đến cho người đọc những bất ngờ (hai lần đảo ngược tình thế). Đó là khi Giôn-xi ốm nặng tưởng sẽ không qua khỏi nhưng cuối cùng lại bình phục. Còn cụ Bơ-men đang khoẻ mạnh, bình thường lại nhiễm bệnh sưng phổi và qua đời trong âm thầm, lặng lẽ. Hai lần đảo ngược tình huống gây bất ngờ cho các nhân vật trong truyện và độc giả. Hai lần đảo ngược tình huống đều liên quan đến căn bệnh sưng phổi và chiếc lá cuối cùng. Cụ Bơ-men vẽ chiếc lá trong đêm mưa tuyết nên chết vì bị sưng phổi. Có thể nói gắn với nghệ thuật đảo ngược tình huống là sự mâu thuẫn ẩn chứa trong câu chuyện. Một người nhìn thấy chiếc lá cuối cùng mà sống lại, một người vì vẽ chiếc lá cuối cùng mà từ giã cõi đời. Chiếc lá cuối cùng vì cứu sống một sinh mạng mà tiễn đưa một sinh mạng khác về cõi vĩnh hằng. Nghệ thuật cứu sống con người nhưng ngược lại, con người cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt thậm chí hi sinh cả mạng sống cho nghệ thuật chân chính. Cụ Bơ-men trong suốt 40 năm cầm bút, luôn khao khát có được một kiệt tác nghệ thuật nhưng không thể đạt được, vậy mà chỉ trong một đêm mưa gió bão bùng đã sáng tạo ra một kiệt tác nghệ thuật để đời. Sự đối lập tưởng chừng mâu thuẫn ấy lại hết sức có lý. Nó nảy sinh, xuất phát và quy tụ vào hai chữ Tình người. Chỉ có tình người mới là động lực mạnh mẽ nhất cho sự tồn tại chân chính và khả năng cứu rỗi của nghệ thuật.

Đặc biệt, truyện còn để lại trong lòng người đọc bao thấm thía sâu sắc từ hình tượng chiếc lá cuối cùng mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, tượng trưng. Chiếc lá dù chỉ là một chi tiết rất nhỏ thôi nhưng được trở đi trở lại rất nhiều lần trong tác phẩm. Vừa là biểu tượng của tình thương, vừa là biểu tượng của đức hy sinh cao cả… Chiếc lá ấy có thể là chiếc lá thực sự còn sót lại trên cây thường xuân. Nó đã dũng cảm bám chắc vào cuống lá, mặc cho mưa tuôn bão thổi, mặc cho gió lạnh hoành hành. Chiếc lá bị vùi dập dưới cơn mưa mà vẫn kiên cường, trút hết sức sống còn lại cố níu cành, để làm mẫu vẽ cho một con người cao cả, để một chiếc lá khác trỗi dậy sức sống mới. Khi chiếc lá cuối cùng trên cây vừa lìa cành cũng là lúc một màu xanh từ một chiếc lá khác rung rinh. Chiếc lá ấy chính là tác phẩm hội họa, là kiệt tác của cụ Bơ-men trong đêm mưa rét. Chiếc lá ấy đã trở thành bức thông điệp về tình người và biết bao bài học khác. Như vậy, rõ ràng, “Chiếc lá cuối cùng” là một truyện ngắn hấp dẫn thực sự và có sức sống trong tâm hồn bạn đọc.Chiếc lá dù vốn tưởng chẳng có gì nhưng lại là chìa khoá, là câu cầu nối ý tưởng, là bụi vàng của tác phẩm, là biểu tượng của tình thương, đức hy sinh cao cả… Chiếc lá ấy là tác phẩm hội họa, là kiệt tác của cụ Bơ-men trong đêm mưa rét. Tuổi cao sức yếu mà lại dám đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt. Trong một phút xuất thần, bằng tình yêu thương vô bờ đối với Giôn-xi, bằng sự quyết tâm mãnh liệt để cứu sống một cô gái, cụ Bơ-men đã vẽ thành công tác phẩm, thỏa nguyện những ước mơ ám ảnh cả một đời. Cái chết của cụ đến một cách bất ngờ và gây đau thương cho cả hai cô hoạ sĩ trẻ. Chính tình yêu thương của cụ đã mang lại sức sống, hồi sinh cho Giôn-xi.

Có thể thấy yêu thương, gắn bó thân thiết nhưng cũng rất nóng bỏng kịch tính là tất cả những gì ta có thể cảm nhận được ở truyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O Hen-ri. Một câu chuyện chân thực, đẹp đẽ về “Tình đời trong chiếc lá”, phải chăng đây chính là điều nhà văn muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình. Tác phẩm chứa chan ý vị nhân văn cao cả mà nhà văn O Hen-ri đã mang đến. Những dư âm của Chiếc lá cuối cùng như còn ngân vang mãi, nâng thêm lên trong mỗi chúng ta khát vọng không cùng sống, và sống có ích, cho người, cho đời bằng chính tình yêu thương, trái tim của mình. Đồng thời câu chuyện lồng trong ý nghĩa của tình đời còn mang lại bài học về ý chí và nghị lực của con người vượt qua khó khăn sóng gió của cuộc sống mà mỗi người bước qua.

Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 - mẫu 6

Viết về đề tài nông dân trước cách mạng, "'Lão Hạc" là một truyện ngắn độc đáo, đặc sắc của nhà văn Nam Cao. Một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng ta bao ám ảnh khi nghĩ về số phận con người, số phận người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.

Lão Hạc, một con người nghèo khổ, bất hạnh. Ba sào vườn, một túp lều, một con chó vàng... đó là tài sản, vốn liếng của lão. Vợ chết đã lâu, cảnh gà trống nuôi con, lão lần hồi làm thuê kiếm sống. Đứa con trai độc nhất không có trăm bạc để cưới vợ, cảm thấy "nhục lắm" đã "phẫn chí" đi phu đồn điền cao su Nam Kỳ, biền biệt năm, sáu năm chưa về. Tuổi già, sống cô quạnh, nỗi bất hạnh ngày thêm chồng chất. Lão Hạc chỉ còn biết làm bạn với con chó vàng. Lão bị ốm một trận kéo dài 2 tháng 18 ngày. Không một người thân bên cạnh đỡ đần, săn sóc cho một bát cháo, một chén thuốc! Tình cảnh ấy thật đáng thương! Tiếp theo một trận bão to, cây trái hoa màu trong vườn bị phá sạch sành sanh. Làng mất nghề sợi. Đàn bà con gái trong làng đi làm thuê rất nhiều, giành hết mọi việc. Sau trận ốm, lão Hạc yếu hẳn đi, chẳng ai thuê lão đi làm nữa. Thất nghiệp! Giá gạo mỗi ngày một cao. Lão và cậu Vàng, mỗi ngày ăn hết ba hào gạo mà vẫn "đói". Bao nhiêu tiền bán hoa lợi trong vườn dành dụm được bấy lâu nay, lão đã chi tiêu gần hết trong trận ốm!

''Nhưng đời người ta không chỉ khổ một lần (...). Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu?". Nhân vật ông giáo đã nghĩ như thế khi nghe lão Hạc nói về ý định phải bán con chó. Cậu Vàng "ăn khỏe", mỗi ngày cậu ấy ăn "bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào". Lão Hạc rất yêu cậu Vàng, nhưng "lấy tiền đâu mà nuôi được?" Lão Hạc phải bán cậu Vàng cho thằng Xiên, thằng Mục. Bán cậu Vàng xong, lão Hạc bị đẩy sâu xuống đáy vực bi thảm. Lão cảm thấy mình là một kẻ "tệ lắm", đã già mà còn "đánh lừa một con chó". Đói khổ, cô đơn ngày một thêm nặng nề lão Hạc chỉ ăn khoai, ăn củ chuối, ăn sung luộc, ăn rau má, thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai bữa ốc. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo một cách "gần như là hách dịch". Lão xem ông giáo là chỗ dựa tinh thần của lão bấy lâu nay. Lão Hạc đã ăn bả chó để tự tử. Lão chết đau đớn thê thảm: đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc, tru tréo, bọt mép sùi ra vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết! Cái chết thật là dữ dội!

Số phận một con người, một kiếp người như lão Hạc thật đáng thương. Với chủ nghĩa nhân đạo thống thiết, Nam Cao đã nói lên bao tình thương xót đối với những con người đau khổ, bế tắc phải tìm đến cái chết thê thảm. Chí Phèo tự sát bằng mũi dao, Lang Rận thắt cổ chết... Và lão Hạc đã quyên sinh bằng cái bả chó! Lão Hạc đã từng hỏi ông giáo: ''... nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?". Câu hỏi ấy đã thể hiện nỗi đau khổ tột cùng của một kiếp người.

Lão Hạc, một con người chất phác, hiền lành, nhân hậu. Lão rất yêu con. Biết con buồn vì không có tiền để cưới vợ lão thương con lắm.... Lão đau đớn khi con sắp đi làm phu đồn điền cao su. Lão chỉ biết khóc: "Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi (...). Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi ?". "Cao su đi dễ khó về" (Ca dao). Con trai lão Hạc đã đi "bằn bặt" năm, sáu năm chưa về. Hoa lợi trong vườn, bán được bao nhiêu lão dành dụm cho con, hi vọng khi con trở về "có chút vốn mà làm ăn". Lão tự bảo: "Mảnh vườn là của con ta. Của mẹ nó tậu thì nó hưởng...". Đói khổ quá, nhưng lão Hạc đã giữ trọn vẹn ba sào vườn cho con. Lão đã tìm đến cái chết, thà chết chứ không chịu bán đi một sào. Tất cả vì con, một sự hi sinh thầm lặng cực kì to lớn!

Lòng nhân hậu của lão Hạc được thể hiện sâu sắc đối với con chó vàng, mà người con trai để lại. Lão quý nó, đặt tên nó là "cận Vàng". Cho nó ăn cơm trong bát sứ như nhà giàu. Bắt rận hoặc đem nó ra cầu ao tắm. Lão ăn gì cũng chia cho cậu Vàng cùng ăn. Lão ngồi uống rượu, cậu Vàng ngồi dưới chân, lão nhắm một miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Lão tâm sự với cậu Vàng như tâm sự với một người thân yêu ruột rà: "Cậu Vàng của ỏng ngoan lắm! Ông không cho giết... Ông để cậu Vàng ông nuôi...". Có thể nói, cậu Vàng được lão Hạc chăm sóc, nuôi nấng như con, như cháu; nó là nguồn vui, chỗ dựa tinh thần, nơi san sẻ tình thương, giúp lão Hạc vơi đi ít nhiều nỗi buồn cô đơn, cay đắng. Cậu Vàng là một phần cuộc đời lão Hạc. Nó đã tỏa sáng tâm hồn và làm ánh lên bản tính tốt đẹp của ông lão nông đau khổ, bất hạnh này. Vì thế, sau khi bán cậu Vàng đi, từ túng quẫn, lão Hạc chìm xuống đáy bể bi kịch, dẫn đến cái chết vô cùng thảm thương.

Lão Hạc là một nông dân nghèo khổ mà trong sạch, giàu lòng tự trọng. Trong đói khổ cùng cực phải ăn củ chuối, củ ráy... ông giáo mời lão ăn khoai, uống nước chè, lão cười hồn hậu và khất "ông giáo cho để khi khác". Ông giáo ngấm ngầm giúp đỡ, lão từ chối "một cách gần như hách dịch". Bất đắc đĩ phải bán con chó; bán xong rồi, lão đau đớn, lương tâm dằn vặt: "thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó". Ba sào vườn gửi lại nguyên vẹn cho con trai, như một lời nguyền đinh ninh: "Cái vườn là của con ta (...). của mẹ nó tậu thì nó hưởng". Trước khi chết, lão gửi lại ông giáo mảnh vườn cho con, và gửi lại 30 đồng bạc để "lỡ có chết gọi là của lão có tí chút...", vì lão không muốn làm phiền đến hàng xóm. Nam Cao đã tinh tế đưa nhân vật Binh Tư, một kẻ "làm nghề ăn trộm" ở phần cuối truyện, tạo nên một sự đối sánh đặc sắc, làm nổi bật tấm lòng trong sạch, tự trọng của lão Hạc, một lão nông chân quê đáng trọng.

Tóm lại, cuộc đời của lão Hạc đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất hạnh. Sống thì âm thầm, nghèo đói, cô đơn; chết thì quằn quại, đau đớn. Tuy thế, lão Hạc lại có bao phẩm chất tốt đẹp như hiền lành, chất phác, vị tha, nhân hậu, trong sạch và tự trọng... Lão Hạc là một điển hình về người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ được Nam Cao miêu tả chân thực, với bao trân trọng xót thương, thấm đượm một tinh thần nhân đạo thống thiết.

Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 - mẫu 7

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc với những sáng tác để lại trong long người đọc nhiều day dứt và ám ảnh. Mỗi câu chuyện của ông đều mang dáng dấp của một đời người, một kiếp người lầm than trong xã hội. Nam Cao tập trung khai thác số phận người nông dân trước cách mạng tháng Tám, bế tắc, cùng cực đã khiến cho cuộc đời họ chìm vào nước mắt. Truyện ngắn “Lão Hạc” là một trong những câu chuyện cảm động về hình ảnh nghèo khó của người nông dân, đồng thời toát lên được vẻ đẹp tinh thần đáng quý của họ. Đây mới chính là giá trị nhân văn của tác phẩm này.

Nam Cao lấy bối cảnh lịch sử là thời kỳ đất nước đang chìm trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, đói khổ, xơ xác. Ông đã xây dựng nên nhân vật nông dân điển hình trong một xã hội điển hình. Qua nhân vật này tác giả muốn lột tả chế độ thực dân phong kiến và cuộc sống bần hàn của người nông dân.

Tác giả lựa chọn ngôi kể độc đáo, theo ngôi thứ ba, theo lời của ông Giáo, hang xóm của lão Hạc. Bơi vậy câu chuyện thêm sinh động, chân thực và mang tính khách quan hơn. Người đọc có thể quan sát, theo dõi cuộc đời của một con người phải trải qua bao nhiêu thăng trầm và biến cố.

Những câu văn giản dị cứ thế đi vào long người đọc một cách chân thật và hiền hòa nhất. Từng mảnh đời cứ chấp chới hiện lên dật dờ, nghèo đói nhưng trong họ ánh lên sự nhân hậu, vị tha và lòng yêu thương tha thiết.

Cuộc đời của lão Hạc thật là buồn, buồn đến thê thảm. Vợ lão mất sớm, lão ở với đứa con trai. Nhưng từ khi đứa con trai đi làm điền cao su thì lão không còn biết tin tức gì về con nữa. Lão thương con, rồi lão thương cho chính cuộc đời của mình chẳng làm được gì cho con.

Lão Hạc là hiện thân của người nông dân hiền lành, lương thiện, chất phác, chăm chỉ làm ăn. Ai thuê lão làm gì, lão đều làm. Nhưng cuộc đời khắc nghiệt, cuộc sống khắc nghiệt, sức khỏe của lão yếu đi, lão không muốn cậy nhờ con và hàng xóm. Túng quẫn, bế tắc, lão đã nghĩ đến việc bán cậu Vàng. Nhưng tình cảm của lão dành cho cậu Vàng quá thân thiết, nên lão không nỡ, bao nhiêu lần mà lão không bán nổi. Sự giằng xé trong tâm hồn đã khiến cho lão ngày càng bệnh tật, ốm đau.

Nhưng rồi vì cơm cũng chẳng có mà ăn, lấy gì nuôi cậu Vàng. Lão không muốn tiêu vào những đồng tiết tiết kiệm lão dành dụm cho đứa con trai từ việc bán hoa lợi và thu được từ mảnh vườn ba sào bé tý. Vậy là lão đứt ruột bán cậu vàng, nói đúng hơn là lão phải lừa để mới có thể bán cậu Vàng.

Cảnh bán chó thực sự là một cảnh tượng xúc động, đầy dằn vặt và đau đớn của lão Hạc. Lão đã tự thú nhận “già bằng này tuổi đầu còn đi lừa một con chó”. Ông giáo đã kể lại cảnh tượng đó “Mặt lão đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra ngoài. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”. Một đoạn văn tràn đầy tình cảm, một đoạn văn khiến người đọc không cầm nổi nước mắt.

Một người nông dân chất phác, ngay cả trong việc bán chó cũng vậy. Lão không muốn cậu Vàng đau lòng, muốn nó ra đi thanh thản nhất, nhưng thực ra lòng lão đang quá rối bời. Những tâm sự của lão Hạc khiến người đọc xúc động, cảm thông và rất đỗi khâm phục. Ông dù nghèo nhưng vẫn quyết dành tình cảm cho đứa con trai duy nhất.

Lão Hạc yêu thương con hết mực, quyết định hi sinh vì con. Bởi vậy lão mới quyết định kết liễu cuộc đời mình để không liên lụy đến con mình. Một người cha yêu thương con hết mực và là một ngươi suy nghĩ quá thấu đáo, chu toàn. Lão đã định sẵn cho mình một cái chết thanh thản, nhẹ nhàng nhất. Lão đã cậy nhờ chuyện ông giáo sau khi chết giao lại mảnh vườn cho con trai và để lại 30 đồng bạc lẻ.

Chi tiết ông Giáo kể với vợ về chuyện lão Hạc thì vợ ông đã nói “Cho lão chết! Ai bảo có tiền mà chịu khổ! Lão làm khổ lão chứ ai làm lão khổ. Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão. Chính con mình cũng đói". Bất lực ông giáo chỉ biết ngậm ngùi than thở: "Chao ôi, đối với những người ở xung quanh ta, nếu ta không cố mà tìm hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối…toàn những cớ để ta tàn nhẫn, không bao giờ thương”. Thực sự đây là một đoạn hội thoại có giá trị nhân văn sâu sắc, khẳng định một thái độ sống về những con người ở xung quanh mình. Có lẽ Nam Cao ngầm thương xót cho những mảnh đời bất hạnh, sống hiền lương nhưng lại bị ruồng bỏ.

Cái chết của lão Hạc là một cái chết đầy bi kịch, thức tỉnh biết bao nhiêu con người. Cái chết đó đã phản ảnh hiện thực xã hội phong kiến nhiều bất công, đã đẩy người nông dân vào bước đường cùng. Sự bế tắc, túng quẫn đã dẫn đến cái chết bi thảm đó.

Ông giáo đã có suy nghĩ ai lầm thì nghe bảo lão Hạc sang xin bả chó. Nhưng thực sự là ông đang muốn kết liễu đời mình, không muốn làm gánh nặng cho con trai.

Tại sao lão lại chọn cái chết đau đớn, đầy thương tâm đó. Có lẽ đây là điều mà rất nhiều người hỏi, nhưng có lẽ có nguyên nhân của nó. Phản ánh sự bế tắc đến cùng cực xã hội phong kiến, đẩy con người vào chỗ chết. Có lẽ lão Hạc muốn trừng phạt chính bản thân mình vì đã đi “lừa một con chó”, đồng thời lão muốn yêu thương đứa con trai đến giây phút cuối cùng. Cái chết đó chỉ ông Giáo và Binh Tư mới hiểu.

Truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao thực sự ám ảnh đến người đọc vì hình ảnh người nông dân cùng cực trong xã hội phong kiến. Đồng thời khẳng định vẻ đẹp tinh thần lấp lánh trong con người họ.

Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8 - mẫu 8

Nhà văn người Cư-rơ-gư-dơ-xtan Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp là một cây bút quen thuộc với độc giả Việt Nam. Các sáng tác của ông thường viết về cuộc sống khắc nghiệt ở quê hương nhưng rất giàu chất thơ. Nổi bật trong số đó phải kể đến truyện "Người thầy đầu tiên". Tác phẩm là lời ngợi ca chân thành về tình cảm cao đẹp giữa thầy Đuy-sen và cô bé An-tư-nai.

Đoạn trích "Người thầy đầu tiên" đã mở ra những câu chuyện xoay quanh thầy Đuy-sen và các em nhỏ làng Cư-rơ-gư-dơ-xtan. Đuy-sen là người thầy đầu tiên mang tri thức, con chữ đến với vùng quê miền núi nghèo nàn, lạc hậu. Với tấm lòng nhiệt huyết, tràn đầy yêu thương, thầy vẫn ngày ngày cố gắng thay đổi tương lai của học trò. Để rồi, sau này, cô học trò bé bỏng An-tư-nai đã trở thành một viện sĩ. Như vậy, qua tác phẩm, nhà văn Ai-tơ-ma-tốp muốn ngợi ca tình cảm thầy trò cao đẹp, thiêng liêng.

Trước hết, tình cảm ấy được dựng xây bởi chính con người giàu tình thương yêu như thầy Đuy-sen. Là người thầy đầu tiên đến với làng, Đuy-sen đã tự tay sửa sang lại trường lớp. Thầy làm tất thảy mọi việc, từ đắp lò sưởi đến bắc ống khói trên mái nhà. Lo sợ lớp học sẽ rét buốt khi vào đông, thầy còn tính tới chuyện dự trữ củi để sưởi ấm, trải rơm ở sàn nhà. Giây phút thấy các em nhỏ phải mang những bao ki-giắc to hơn cả người, thầy Đuy-sen đã nhẹ nhàng an ủi, hỏi thăm. Tình thương cao cả, rộng lớn ở thầy giống như ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn học trò. Và rồi, ngọn lửa ấy trở thành sức mạnh, tiếp sức chúng đến trường. Chứng kiến cảnh mấy em nhỏ chịu đau vì chân lạnh cóng, thầy Đuy-sen không ngại gian khổ, sẵn sàng bế từng em qua dòng nước buốt giá. Giữa tiết trời mùa đông, thầy vẫn bì bõm lội ở suối nước, lấy đá cùng tảng đất cỏ đắp thành các ụ nhỏ. Thầy luôn mong muốn học trò sẽ đến trường an toàn. Đứng trước việc làm xấu xí, ngỗ ngược cùng lời nói lỗ mãng của bọn nhà giàu, thầy Đuy-sen chẳng để tâm chút nào. Thay vào đó, thầy lo học trò buồn bã nên "nghĩ ra một câu chuyện vui nào đó khiến lũ chúng tôi phá lên cười, quên mất mọi sự". Không chỉ vậy, khi An-tư-nai bị chuột rút ở suối, thầy Đuy-sen đã cẩn thận đưa cô bé lên bờ và chăm sóc tỉ mỉ "Thầy hết xoa chân đã tím bầm, cứng đờ như gỗ của tôi, lại bóp chặt đôi tay lạnh cóng của tôi trong lòng bàn tay mình, rồi đưa lên miệng hà hơi ấm cho tôi". Có thể nói, thầy Đuy-sen là người có trái tim tràn đầy tình thương, luôn tận tình, tâm huyết trong mọi việc. Lúc nào thầy cũng khao khát học trò sẽ vươn xa, bay cao tới những miền tri thức mới lạ. Thầy mang trong mình bao ý nghĩ tốt lành về tương lai của chúng. Dường như, trong hành trình làm nghề giáo, thầy chỉ có một ước muốn “Ôi, ước gì thầy được gửi em ra thành phố lớn. Em còn sẽ khá hơn biết chừng nào”.

Tình cảm thầy trò quý giá còn được nhà văn Ai-tơ-ma-tốp phác họa qua tấm lòng biết ơn, trân trọng ở An-tư-nai đối với công ơn to lớn của thầy Đuy-sen. Trước những hành động, ý nghĩ tốt đẹp từ thầy, cô bé cảm thấy vô cùng xúc động. Cô bé và các bạn chưa bao giờ ngừng yêu mến, kính trọng thầy vì "tấm lòng nhân từ, vì những ý nghĩ tốt lành, vì những ước mơ của thầy về tương lai chúng tôi". Sau này, khi trở thành bà viện sĩ, An-tư-nai vẫn khắc ghi công ơn dạy bảo của người thầy đầu tiên. Vì thế, An-tư-nai đã viết một bức thư cho người họa sĩ, nhờ anh ta tìm cách truyền đi câu chuyện tốt đẹp về thầy. An-tư-nai hi vọng câu chuyện ấy sẽ "không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này".

Tình thầy trò cao đẹp của thầy Đuy-sen và An-tư-nai cũng để lại niềm xúc động cho người họa sĩ. Không giống như An-tư-nai - người trực tiếp trải qua mọi chuyện, anh họa sĩ chỉ đơn thuần được nghe kể lại. Thế nhưng, khi biết toàn bộ câu chuyện, anh cũng không khỏi "mang nặng trong lòng những ấn tượng của lá thư ấy mấy ngày liền". Chính bởi vậy, với khát khao câu chuyện sẽ được lan tỏa tới tất cả mọi người, anh họa sĩ đã cảm thấy băn khoăn, lo lắng. Anh rối bời trong việc tìm ý tưởng cho bức vẽ. Anh tự dặn mình bằng mọi cách phải nghĩ ra thứ gì đó liên quan đến thầy "hãy nhìn đi, hãy nghiên cứu, chọn lọc". Để rồi, các ý tưởng về bức vẽ lần lượt ra đời. Anh nghĩ tới việc vẽ hai cây phong của thầy và An-tư-nai. Anh cũng nghĩ tới bức tranh "Người thầy đầu tiên", tái hiện lại khoảnh khắc "Đuy-sen bế trẻ con qua con suối và cạnh đấy, những con ngựa no nê hung dữ, những con người đần độn, mũ lông cáo đỏ đi qua chế giễu ông...". Và trong một giây phút bất chợt, người họa sĩ còn nảy ra ý tưởng vẽ cảnh thầy Đuy-sen tiễn An-tư-nai lên tỉnh học tập.

Để làm nổi bật chủ đề tác phẩm, chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của nghệ thuật. Trước hết, tác giả rất khéo léo trong việc sử dụng nhiều điểm nhìn. Lời kể chuyện đan xen của người họa sĩ và An-tư-nai đã giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn, chân thực. Tiếp đến, đặc sắc về hình thức nghệ thuật còn đến từ nghệ thuật xây dựng nhân vật. Tác giả đã làm nổi bật đặc điểm của các nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại, hành động. Từ đó, giúp bộc lộ phẩm chất, tính cách ở nhân vật. Ngoài ra, ngôn ngữ giàu chất thơ, nhẹ nhàng, sâu lắng cũng làm tác phẩm trở nên gần gũi, dễ in dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Qua đoạn trích "Người thầy đầu tiên", nhà văn Ai-tơ-ma-tốp khéo léo gửi gắm niềm trân trọng, yêu mến, ngợi ca tới những thầy cô đang miệt mài chèo lái con thuyền tri thức. Đồng thời, ông còn thể hiện tấm lòng thương yêu, nâng niu những số phận bất hạnh biết vươn lên trong cuộc sống như cô bé An-tư-nai. Cảm ơn ngòi bút tài hoa của tác giả đã khắc họa thật chân thực câu chuyện cảm động về tình thầy trò.

Theo dòng thời gian, "Người thầy đầu tiên" vẫn luôn là tác phẩm được nhiều bạn đọc yêu thức. Khép lại trang sách, ta sẽ không thể quên hình bóng người thầy tận tụy Đuy sen cùng cô học trò lương thiện An-tư-nai.

 
Đánh giá

0

0 đánh giá