Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...) Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo gồm 7 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới.
Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...)
Đề bài: Viết bài thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ... hoặc một nhân vật/ sự kiện văn hoá... Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
Dàn ý Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...)
- Mở đầu: Nêu nhan đề bài viết và giới thiệu đối tượng/ quy trình cần thuyết minh.
- Nội dung chính: Lần lượt thuyết minh về các đặc điểm có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận và có thể kết hợp sử dụng một số phương tiện phi ngôn ngữ để hỗ trợ làm rõ nội dung thuyết minh.
- Kết thúc: Khẳng định giá trị của đối tượng/ quy trình trong đời sống hoặc nêu tác dụng của việc nhận thức đúng về đối tượng/ quy trình.
Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...) - Mẫu 1
Ca dao ta có câu:
“Đàn bầu ai gảy nấy nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn”
Câu ca dao ấy đã phần nào nói lên được những sự quan trọng của đàn bầu. Loại âm nhạc ấy có thể nói là truyền tải được những câu ca dao à ơi. Hay nhà thơ Văn Tiến Lê từng viết:
“Một dây nũng nịu đủ lời
Nửa bầu chứa cả đất trời âm thanh”
Vậy đặc điểm của đàn bầu là gì?, âm thanh của nó như thế nào?
Gắn liền với dòng chảy lịch sử nước Việt, có một dụng cụ âm nhạc đã góp phần làm nên ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa quốc tộc của người Việt, đó chính là Đàn Bầu, một tên gọi rất thuần Việt. Theo địa lý tự nhiên, nước Việt Nam mang dáng hình chữ S mềm mại. Còn theo ngôn ngữ thi thơ nước Việt có hình dáng thon thả như “giọt Đàn Bầu”, một cách ví von hoán dụ trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Minh Tuấn: “Đất nước tôi thon thả giọt Đàn Bầu”
Đàn bầu, tên chữ là độc huyền cầm là loại đàn một dây của người Việt, thanh âm phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy vào dây. Dựa theo cấu tạo của hộp cộng hưởng, đàn bầu chia hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ.
Về cấu tạo thì Đàn bầu thường có hình dạng một ống tròn (bằng tre, bương, luồng) hoặc hình hộp chữ nhật (bằng gỗ); một đầu to, một đầu vuốt nhỏ hơn một chút; thường có chiều dài khoảng 110cm, đường kính hoặc bề ngang ở đầu to khoảng 12,5cm, đầu nhỏ khoảng 9,5cm; cao khoảng 10,5cm.
Ở loại đàn gỗ Mặt đàn và đáy đàn bằng gỗ ngô đồng, hoặc gỗ thông hay gỗ tung. Mặt đàn hơi cong lên một chút, đáy đàn phẳng có một lỗ nhỏ để treo đàn, một hình chữ nhật ở giữa để thoát âm đồng thời cầm đàn khi di chuyển và một khoảng trống để cột dây đàn. Thành đàn bằng gỗ cứng như cẩm lai hoặc mun để cho chắc chắn và có thể bắt vít cho khóa dây đàn.
Trên mặt đầu to có một miếng xương hoặc kim loại nhỏ gọi là ngựa đàn. Qua ngựa đàn, dây đàn được luồn xuống và cột vào trục lên dây đàn xuyên qua thành đàn, trục này được làm đẹp và nó được giấu phía sau thành đàn. Ngày nay người ta dùng khóa dây đàn bằng kim loại cho chắc để chống tuột dây đàn.
Trên mặt đầu nhỏ của đàn có một cần dây làm bằng gỗ hoặc sừng, được gọi là cần đàn hoặc vòi đàn. Cần đàn xuyên qua nửa đầu trái bầu khô hoặc tiện bằng gỗ theo hình dạng tương tự và cắm vào một lỗ trên mặt đầu nhỏ của vỏ đàn. Một đầu dây đàn buộc cố định vào cần đàn khoảng giữa bầu đàn.
Khi công nghệ điện tử ra đời, để tăng âm lượng tiếng đàn, người ta lắp một cuộn cảm ứng điện từ có lõi sắt non vào dưới mặt đàn giáp với dây ở phía đầu to để cảm ứng âm thanh truyền qua bộ dây đồng trục, đưa tín hiệu đến khuếch đại âm thanh qua máy tăng âm. Loại đàn này chỉ có thể dùng dây thép và có nhược điểm là độ méo âm thanh khá lớn so với âm thanh của loại đàn không dùng bộ khuếch đại điện tử (đàn mộc).
Que gảy đàn: thường được vót bằng tre, giang, thân dừa, gỗ mềm… Người ta hay làm bông hoặc tựa đầu nhọn một chút để làm mềm âm thanh khi gảy. Ngày xưa hay dùng que dài khoảng 10 cm, ngày nay với nhiều kỹ thuật diễn tấu nhanh nên người ta hay dùng que ngắn chừng 4-4,5 cm.
Âm thanh đàn bầu nền nã dịu dàng, nó như gợi lên cái tâm hồn xa xưa của người Việt ta. Âm thanh nó còn rất mềm mại, uyển chuyển nhẹ nhàng. Chính vì thế mà đàn bầu khi được cất lên thường đi liền với những bài ca dao cổ hay chính là những lời mẹ ra.
Qua đây ta thấy được những đặc điểm và âm thanh của đàn bầu. Nó gợi lên những gì xa xưa vô cùng thuần túy nền nã, dịu dàng. Nó độc đáo ở chỗ nó thổi cái hồn của những gì gọi là ngày xưa, những gì là mộc mạc thân thương nhất.
Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...) - Mẫu 2
Việt Nam là một đất nước được biết đến với nhiều truyền thống văn hóa và phong tục độc đáo. Điều này xuất phát bởi đất nước ta là một quốc gia có nhiều dân tộc anh em. Trong số các dân tộc Việt, có lẽ các dân tộc ở Tây Nguyên được biết đến với nhiều nhạc cụ và các làn điệu độc đáo nhất. Một trong số nhạc cụ tiêu biểu của các dân tộc khu vực này đó chính là chiếc đàn đá. Nhạc cụ này cùng những điệu ca được tạo ra từ nó đã trở thành làn điệu chính trong các lễ hội ở Tây Nguyên.
Đàn đá ở Việt Nam có tên gọi khác là goong lu, được biết đến là một loại nhạc cụ cổ xưa nhất của nước ta và cũng là nhạc cụ sơ khai nhất của loài người. Đàn đá được phát hiện năm 1949 tại Tây Nguyên và nhạc cụ này sau đó đã được xác nhận có từ thời đồ đá cách đây khoảng 3000 năm.
Đàn có cấu tạo vô cùng đơn giản, đó là được làm từ các thanh đá với kích thước khác nhau. Các loại đá được sử dụng để tạo ra loại đàn này thường sẽ lấy từ vùng núi Nam Trung hay đông nam bộ và thường là đá nham, đá sừng,…. Trải qua quá trình đẽo gọt tỉ mỉ, với sự thẩm âm chính xác, con người đã tạo thành những chiếc đàn đá hoàn chỉnh.
Đàn có nhiều âm vực khác nhau tùy theo kích thước, độ mỏng hay dày của đá. Những âm trầm của đàn được tạo ra bởi những thanh đá to và dài, ngược lại những âm cao của đàn thường sẽ tạo ra bởi những thanh đá mỏng nhỏ và ngắn. Mỗi bộ đàn đá có thể có số lượng thanh khác nhau thường dao động từ khoảng 8 cho tới 15-20 thanh. Tuy nhiên, bộ đàn đá lớn nhất của Việt Nam là bộ đàn đá có số lượng thanh lên tới 100.
Đàn có âm sắc đặc trưng như tiếng và chạm của đá trong thiên nhiên. Đàn đá đá cũng là một nhà cụ được biết đến như một cầu nối giữa cõi âm và cõi dương của con người. Khi đánh đàn mỗi, người nghệ nhân sẽ sử dụng búa nhỏ để gõ vào mỗi thanh đá nhằm tạo ra những âm sắc và phải thật nhanh tay để các âm này được nối với nhau tạo sự liền mạch cho một làn điệu.
Đàn đá ngày nay vẫn được sử dụng trong các hoạt động nghi lễ, hội hè của đồng bào. Tiếng đàn đá tạo cho các nghi thức tế lễ thêm linh thiêng. Tiếng đàn phối tấu cùng các nhạc cụ khác tạo nên những tiết tấu sôi động cho các động tác nhảy múa trong các lễ hội. Trong âm thanh rộn ràng vang vọng của đàn đá, cả buôn làng cùng hòa mình vào những điệu múa tập thể trong các lễ hội lớn như Lễ hội mừng lúa mới, uống rượu cần…..
Giai điệu từ đàn được coi là những giai điệu linh thiên. Những giai điệu dân tộc từ đàn đá sẽ được thể hiện hay, nhất độc đáo nhất khi đó là những giai điệu gắn liền với âm hưởng Tây Nguyên, biểu thị tâm tư tình cảm của con người, đặc biệt gợi lên chút hoang dã và sức sống của người dân Tây Nguyên. Âm thanh của đàn đá khi vang lên vô cùng giản dị thanh thoát, khi ào ào như thác đổ, đôi khi lại trong vắt như tiếng suối chảy, có lúc lại như tiếng gió của đại ngàn khiến con người cảm thấy hòa hợp với thiên nhiên hơn.
Đàn đá cùng những giai điệu mang đậm nét văn hóa dân tộc đã được UNESCO công nhận là các nhạc cụ trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trở thành một biểu trưng cho đời sống tinh thần và cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên của người dân Tây Nguyên.
Đàn đá không phải chỉ là một nhạc cụ đem lại âm thanh đặc trưng của Tây Nguyên mà còn ẩn chứa trong đó cả giá trị lịch sử văn hóa lâu đời của mảnh đất này. Chính bởi vậy, đàn đá cùng với giá trị của nó cần được bảo tồn gìn giữ và phát huy.
Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...) - Mẫu 3
Giống như quan họ bắc Ninh thì khèn không biết từ bao giờ đã trở thành những quan niệm sống những nền văn hóa và nét tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống của người Hơ Mông. Chiếc khèn đã trở đi trở lại trên những tác phẩm truyện và thơ như Tây Tiến của Quang Dũng và Vợ Chồng A Phủ của Tô Hoài. Vậy không biết rằng khèn có những đặc điểm vai trò gì đối với đời sống tâm hồn nơi đây.
Khèn có cả truyền thuyết về nó, điều đó chứng tỏ khèn có rất từ lâu đời rồi. truyền thuyết kể lại rằng ngày xưa, một gia đình nọ có sáu anh em, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Lúc chưa lập gia đình, tiếng sáo của họ khi thổi cùng nhau lúc vi vút, xào xạc như cây rừng gặp gió, lúc véo von tựa chim trên đỉnh núi cao, lúc lại ào ào như thác đổ. Những dịp hội hè, họ đều đến thổi sáo giúp vui.
Sau này, khi họ đều có gia đình, những lúc không hợp đủ cả sáu người, tiếng sáo trở nên lạc điệu. Họ bèn bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất nhiều thứ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, bốn người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả sáu ống, thay cho sáu anh em. Lạ thay, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều tầng âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ… Đó là chiếc khèn H’Mông ngày nay.
Khèn ngoài người Hơ Mông ra thì còn có khèn của người Thái, người Lào, người mường…và những loại khèn ứng với những dân tộc ấy mang tên dân tộc ấy. Khèn là loại nhạc cụ thuộc bộ hơi và rất phức tạp, gồm nhiều ống trúc xếp cạnh nhau một đầu cắm xuyên qua bầu gỗ hình bắp chuối làm bầu cộng hưởng. Khèn Hơ Mông có 6 ống, khèn Thái có 12 ống, có khi có đến 14 ống, bó thành hàng…Khèn có thể thổi thành bè, có bè giai điệu và có bè trầm. Thông thường có âm kéo dài và lặp đi lặp lại.
Những chiếc khèn ấy có tác dụng rất lớn trong đời sống tình cảm của người Hơ Mông vì thứ nhất nó chính là những dụng cụ để cho chàng trai Hơ Mông tỏ tình với người con gái Mông. Tiếng khèn không thể thiếu trong những đêm tình mùa xuân, những ngày hội ném pao, ném quay của họ được tổ chức bên cạnh tiếng khèn của họ.
Như vậy qua đây ta thấy được những đặc điểm và nguồn gốc của khèn. Khèn trở thành những âm thanh không thể thiếu trong âm nhạc để làm nền cho những lời tán tỉnh của trai gái yêu nhau. Yêu làm sao khi thấy được những âm thanh ấy.
Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...) - Mẫu 4
"Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra” (Andersen). Bức tranh hiện thực cuộc sống và con người trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao đã gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng bạn đọc. Trong đó, Chí Phèo là một hình tượng trung tâm giàu ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm, khái quát số phận của một lớp người, bản chất của cả một xã hội, trở thành hình ảnh ấm nồng về sự khát khao cho cuộc đời lương thiện.
Nam Cao là một cây bút hiện thực xuất sắc. Ngòi bút của ông thường hướng về hai đối tượng là người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ và người nông dân bị bần cùng hóa, lưu manh hóa trước Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm “Chí Phèo” được nhà văn chắp bút năm 1941. Truyện kể lại cuộc đời của một người dân cùng khổ tên là Chí Phèo. Cuộc đời Chí Phèo có thể chia thành hai chặng lớn: trước và sau khi gặp Thị Nở. Trước khi gặp Thị Nở cũng có hai chặng nhỏ mà mốc phân định là nhà tù. Nhà tù thực dân đã biến một người lương thiện thành một tên lưu manh.
Hình tượng nhân vật là nơi quy tụ mọi vẻ đẹp về phẩm chất cũng như những vấn đề nhân sinh phức tạp mà nhà văn muốn phản ánh trong cuộc sống, con người. Ở đó kết tinh những suy ngẫm, tư tưởng và tình cảm, thái độ của nhà văn. Chí Phèo, sinh ra là một đứa con hoang, bị bỏ rơi nơi lò gạch cũ khi vừa mới lọt lòng, Chí được một bác phó cối không con đem về nuôi. Bác phó cối chết, Chí tứ cố vô thân, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà khác. Không cha không mẹ, không một tấc đất cắm dùi, Chí lớn lên như cây cỏ, chẳng được ai ban cho chút tình thương. Thời gian làm canh điền cho nhà lí Kiến, Chí được cho là hiền như đất. Dù nghèo khổ, không được giáo dục nhưng Chí vẫn biết đâu là phải trái, đúng sai, đâu là tình yêu và đâu là sự dâm dục đáng khinh bỉ, nhục nhã. Mỗi lần bị mụ vợ ba lí Kiến bắt bóp chân, Chí “chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì”. Cũng như bao nông dân nghèo khác, Chí có mơ ước một cuộc sống gia đình đơn giản mà đầm ấm: “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Thế nhưng cái mầm thiện trong con người Chí sớm bị quật ngã và không sao gượng dậy được. Đó là lúc Chí bị Bá Kiến đẩy vào tù chỉ vì một cơn ghen bạo chúa và vô lý, bi kịch lưu manh hóa cũng bắt đầu từ đó.
Khi Chí ra tù, chàng trai hiền lành, lương thiện mang theo sự biến đổi nhân hình và nhân tính đến tha hóa dị dạng. Từ một anh canh điền khỏe mạnh, Chí trở nên là một đứa “đặc như thằng săng đá”, với “cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng, cái mặt câng câng, con mắt gườm gườm”. Người ta tưởng như một con quỷ dữ về làng. Chuỗi ngày sau khi ra tù, hắn ngụp lặn trong trạng thái tinh thần say miên man. Từ đó, Nam Cao mô tả đời hắn như một cơn say dài, mênh mông bất tận, “và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở trên đời”. Lúc này, Bá Kiến cùng với xã hội đương thời như đang hoàn thành nốt các bước “nhào nặn” Chí Phèo trở thành một tay đi đòi nợ thuê, chém giết thuê. “Hắn đâu biết hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao người dân lương thiện”. Tính Người trong Chí dường như đã cạn kiệt, linh hồn ác quỷ xâm chiếm và tàn phá anh nông dân hiền lành năm nào.
Đầu tiên hình ảnh Chí Phèo hiện lên với những bước chân loạng choạng trong tình trạng say khướt và “ hắn vừa đi vừa chửi”, “cứ rượu xong là hắn chửi”. Chí chửi trời, trời cao quá không sao nghe được, Chí chửi đời, đời rộng quá bao la quá và cũng “chẳng là ai” và rồi Chí chửi ngay cả làng Vũ Đại nhưng chẳng ai trả lời vì họ nghĩ “chắc nó trừ mình ra”. Có lẽ với Chí Phèo, điều duy nhất mà Chí có thể đối thoại với cuộc đời là tiếng chửi. Và rồi, Chí lại cất tiếng chửi, “chửi đứa chết mẹ nào không chửi nhau với hắn”. Nhưng một lần nữa, thứ Chí nhận lại được chỉ là sự im lặng, sự thờ ơ đến rợn người. Chí chửi người có lẽ chỉ là cách để hắn thu hút sự chú ý, để được “làm hòa”, được giao tiếp, trò chuyện cùng mọi người. Đau đớn tột cùng là khi hắn cứ chửi “đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn”.Chí bấy giờ chỉ là một cái bóng, một kẻ tha hóa trong lòng người dân Vũ Đại, là một con quỷ dữ bên lề xã hội. Người dân trong làng không công nhận Chí là một con người, dù chỉ là người dưới đáy xã hội. Cuộc đời yên lặng, lòng người lạnh lùng để lại một Chí Phèo với một khoảng không gian cô độc và sự cô đơn tuyệt đối, một con quỷ dữ “mồ côi” thiếu tình thương từ nhỏ và lớn lên không được làm người.
Tưởng như Chí đã trượt dài và lún sâu trong tấn bi kịch đời mình, nhưng Nam Cao vẫn đủ tin tưởng và trái tim nhà văn vẫn rất nhân đạo khi “cố tìm mà hiểu” chất “Người” trong tâm hồn của một kẻ mà phần “Con” đã chiếm thế. Đó là lúc Chí gặp Thị Nở – một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn của làng Vũ Đại. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã mở ra một bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời Chí Phèo.
Đêm hôm ấy, Chí Phèo uống rượu với Tự Lãng trong trạng thái cô đơn, điên khùng, đau đớn đến cùng cực của một kẻ bị xã hội cự tuyệt quyền làm người. Chí phanh ngực, vừa đi vừa gãi, lần đường tìm về mảnh vườn và cái lều của hắn. Chính trong đêm trăng ấy, Chí đang “bứt rứt quá, ngứa ngáy quá” thì hắn bắt gặp thị Nở đang nằm ngủ, “cái mồm mụ há hốc lên trăng mà ngủ”. Chí Phèo đã xông tới người đàn bà “xấu ma chê quỷ hờn” mà không chút đắn đo. Đêm hôm ấy, hành động của Chí chỉ mang tính bản năng sinh vật ở một gã đàn ông say rượu. Nhưng thật kì lạ, sau đó, sự chăm sóc giản dị đầy ân tình và sự yêu thương mộc mạc, chân thành của thị Nở trở thành nguồn sáng ấm áp chiếu rọi vào trái tim của Chí Phèo, thắp lên ngọn lửa, khao khát được hoàn lương, được trở về với thế giới loài người của Chí.
Sáng hôm ấy, Chí Phèo tỉnh dậy “lòng bâng khuâng mơ hồ buồn”. Tiếng chim hót vui vẻ, tiếng người đi chợ cười nói, tiếng anh thuyền chèo gõ mái chèo đuổi cá... Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có, nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy. Lòng hắn buồn “chao ôi là buồn!. Lương tâm hắn bị lay động. Tiếng vọng của đời thường đã đánh thức linh hồn Chí. Hắn nhớ lại những ngày xưa, một thời từng mơ ước, cái ước mơ bình dị của những người dân cày nghèo khổ “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, nuôi lợn làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng. Càng hồi tưởng càng buồn càng lo âu. Ngoài bốn mươi tuổi đầu, Chí cảm thấy “đã tới cái dốc bên kia cuộc đời”, và hắn lo, hắn sợ “đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Chí Phèo bị cảm. Bát cháo hành của thị Nở làm cho Chí Phèo gần như thay đổi hẳn. Lần đầu tiên hắn được nếm mùi cháo: “trời ơi cháo mới thơm làm sao!”. Mấy chục năm qua, hắn muốn ăn thì phải dọa, phải cướp, thế mà “lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho”. Bát cháo hành Thị Nở đem đến làm Chí cảm động “Mắt ươn ướt nước” và “hắn cười thật hiền”. Nước mắt, lại là nước mắt đàn ông, Nam Cao từng gọi đó là “lăng kính biến hình của vũ trụ”. Ta có cảm giác giọt nước mắt kia, nụ cười thật hiền trên môi Chí kia đã cuốn đi, đã xua tan quá khứ tối tăm, u ám của hắn. Có lẽ chính giọt nước mắt và nụ cười ấy của Chí Phèo Thị Nở đã có khi thầm nghĩ: “Có lúc hắn hiền như đất”. Rồi hắn nói với Thị Nở: “Cứ thế này mãi thì thích nhỉ… hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”. Chí Phèo vừa húp cháo hành vừa trìu mến nhìn thị Nở, rồi hắn vẩn vơ nghĩ gần nghĩ xa. Thằng lưu manh “chỉ mạnh về liều”. Sẽ có một lúc nào đó “không thể nào liều được nữa” thì bấy giờ mới nguy! Việc Thị Nở chăm sóc cho Chí khi bị cảm gió ngoài vườn, thực ra, chỉ là cử chỉ của một lòng tốt bình thường của một con người dành cho một con người. Nhưng trong cái thế giới ngày càng vô tình, tha hóa của làng Vũ Đại, đây là lòng tốt hiếm hoi duy nhất mà Chí nhận được kể từ ngày về làng. Vì thế nó quý giá, nó mới làm cảm động Chí Phèo sâu xa đến thế. Quả thật, cái mà nhân loại thiếu không phải một lòng tốt xa vời và hư ảo của một ông thánh, cũng không phải lòng tốt suông của những nhà lập thuyết viển vông: “Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường”, lời nói đó đã luôn vang lên như một điệp khúc khắc khoải trong tác phẩm của Rơ Mác. Đó là một cái nhìn sâu sắc với tấm lòng xót thương đầy tình người của Nam Cao đối với con người nghèo khổ, lương thiện bị xã hội xô đẩy vào con đường lưu manh, tội lỗi.
Linh hồn thức tỉnh, bản tính bị lấp đi dần dần lộ ra. Chí Phèo bỗng thấy “thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Hắn khao khát được mọi người “sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình”. Người phụ nữ ấy xấu ma chê quỷ hờn đấy nhưng Chí “say thị lắm!”. “Với một vẻ mặt rất phong tình”, hắn bảo thị Nở: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Câu nói ấy đã biểu lộ chân tình cái khao khát muốn được làm người, “thèm lương thiện” và “muốn làm hòa với mọi người” của Chí Phèo. Có nghe hắn chửi, có nhìn thấy hắn rạch mặt, ăn vạ, có mục kích hắn say rượu vác dao đi đâm người… thì ta mới thấy xúc động vô cùng trước những khao khát bình dị ấy của Chí Phèo, của con người đau khổ bất hạnh! Câu trả lời của thị Nở sẽ quyết định số phận của hắn.
Bà cô đã đay nghiến thị Nở, quyết không cho phép cháu bà “đi lấy một thằng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”. Nhưng làm sao trách được khi mọi người làng Vũ Đại lâu nay nhìn Chí chẳng khác nào con quỷ mang hình người. Chí Phèo thực sự rơi vào một bi kịch tinh thần, đau đớn, quằn quại. Hắn “ngẩn người” khi nhìn và nghe Thị nói. Hắn “sửng sốt” đứng lên gọi Thị. Hắn đuổi theo “nắm lấy tay” Thị nhưng bị thị gạt ra, dúi thêm cho một cái ngã “lăn khoèo xuống sân”. Ấy là lần duy nhất hắn níu kéo một mối quan hệ người cũng là giây phút thảng thốt, chới với của một sinh linh đáng thương biết mình đã bị ruồng bỏ. Kẻ không nhận ra nỗi đau của mình sẽ không thể cảm thấy đau được, nhưng Chí Phèo đã không còn say nữa, cho dù uống rượu thì hắn “càng uống càng tỉnh”, lương tri đã tìm về và hắn đủ tỉnh táo để nhận ra bi kịch của mình. Ấy là lần duy nhất hắn níu kéo một mối quan hệ người cũng là giây phút thảng thốt, chới với của một sinh linh đáng thương biết mình đã bị ruồng bỏ. Nỗi đau tột cùng của Chí như vang vọng khắp câu chữ. Nó đã chuyển hóa thành sự căm phẫn tột độ. Hắn phải “đâm chết con đĩ Nở kia”, “đâm chết cái con khọm già nhà nó”. Hắn lại uống, lại uống… nhưng “càng uống càng tỉnh ra”, tỉnh ra để thấm thía nỗi đau vô hạn của thân phận mình: quyền làm người được sống lương thiện đã bị xã hội và đồng loại dứt khoát cự tuyệt. Rồi “hắn ôm mặt rưng rức” cho đến khi đã say mềm người rồi hắn đi. Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng với câu nói lảm nhảm: “Tao phải đâm chết nó”. Có lẽ, hắn đã biết kẻ thù của hắn đang ở đâu, kẻ đã gây ra bi kịch cho cuộc đời hắn, khiến hắn phải bán đi linh hồn của mình để rồi suốt đời quẩn quanh, bế tắc trong vòng tội lỗi. Đó chính là Bá Kiến - ngọn nguồn của mọi tội lỗi trong cuộc đời Chí.
Chính vào buổi trưa “trời nắng, đường vắng” ấy, Chí Phèo lần thứ ba đến gặp Bá Kiến “không đòi tiền” như mọi khi mà đòi lương thiện, đòi quyền “làm người lương thiện!”. Câu nói của Chí Phèo: “… Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được hết những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!…” đó là những lời đanh thép vạch mặt, kết án tên cường hào xảo quyệt Bá Kiến, đồng thời là tiếng kêu thương tuyệt vọng của một kiếp người đau khổ! Chí Phèo “văng dao tới” giết Bá Kiến rồi tự sát. Chí đã giết chết con quỷ dữ làng Vũ Đại đã làm hại đời anh. Chí không thể sống kiểu lưu manh, không thì làm quỷ dữ, sống như thú vật được nữa. Chí Phèo đã chết bi thảm, quằn quại trên vũng máu của mình, chết trong tiếng kêu uất hận đau thương, đầy xót xa ám ảnh. Anh ta đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc đời, khi cánh cửa cuộc đời đóng chặt trước mặt anh. Cái chết của Chí là lời tố cáo mạnh mẽ đối với xã hội vô nhân, là lời kêu cứu khẩn thiết về quyền con người.
Tác phẩm “Chí Phèo” mang giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng của Nam Cao đối với những người khốn khổ. “Chí Phèo” còn là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh. Hãy bảo vệ và đấu tranh cho quyền được làm người của những con người lương thiện. Họ phải được sống và sống hạnh phúc, không còn những thế lực đen tối của xã hội đẩy họ vào chỗ cùng khốn, bế tắc, đầy bi kịch xót xa. “Chí Phèo” là một tác phẩm văn học chân chính như trong quan niệm của Nam Cao: “Tác phẩm văn học có giá trị là tác phẩm phải thể hiện nỗi đau của con người, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn”.
Nam Cao đã thể hiện ngòi bút tài tình của mình qua nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình như Bá Kiến, Chí Phèo, vừa tiêu biểu cho những loại người có bề dày trong xã hội, vừa là những cá tính độc đáo và có sức sống mạnh mẽ. Tâm lí nhân vật được miêu tả thật tinh tế sắc sảo, tác giả có khả năng đi sâu vào nội tâm để diễn tả những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Bên cạnh đó, ngôn ngữ kể chuyện vừa là ngôn ngữ tác giả, có khi vừa là ngôn ngữ nhân vật. Tác giả như nhập vai vào từng nhân vật, chuyển từ vai này sang vai khác một cách linh hoạt, tự nhiên.
Hằn in dáng dấp của thời đại, hoài thương miền viễn ức xa xăm, đó là cách thức, cũng là lý do nghệ thuật ra đời. Mỗi con người trở thành tác giả đều mang trong mình sứ mệnh tái hiện, lưu giữ hiện thực xã hội và ánh hào quang của lịch sử. Trong “Chí Phèo”, Nam Cao đã thực hiện sứ mệnh ấy trọn vẹn đến mức dường như bớt một từ sẽ mất đi ý nghĩa, thêm một chữ sẽ trở nên dư thừa:
“Dẫu rằng phải kiếp lưu manh
Nhưng anh vẫn đẹp nhân tình Chí ơi!
Chết anh - một kiếp con người
Hóa thành bất tử giữa đời văn chương!”
Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...) - Mẫu 5
Hình ảnh những người lính hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn đã trở nên quen thuộc với mỗi người Việt Nam. Họ là những anh hùng của dân tộc những người không sợ hy sinh để chiến đấu bảo vệ hòa bình cho đất nước. Công lao to lớn ấy mà họ đã trở thành hình tượng cao đẹp cho các văn nghệ sĩ mà Phạm Tiến Duật cũng thế. Gắn liền với tên tuổi của ông là bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Phạm Tiến Duật sinh năm 1941 mất năm 2007 quê ở huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ. Năm 1946 ông gia nhập vào quân đội hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Hai hình tượng nổi bật trong thơ của Phạm Tiến Duật là người lính và những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Thơ của ông có giọng điệu sôi nổi trẻ trung ngang tàn tinh nghịch giàu chất lính.
Bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính được viết vào năm 1969 trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra gay go ác liệt. Bài thơ được in trong tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” của tác giả được tặng giải nhất cuộc thi thơ của báo văn nghệ năm 1969.
Khi phân tích bài thơ ta có thể chia làm 3 phần. Phần thứ nhất gồm hai khổ thơ đầu với nội dung là tư thế hiên ngang ra trận của người lính, phần thứ hai gồm bốn khổ thơ tiếp theo nêu lên tinh thần dũng cảm lạc quan và phần thứ ba là khổ thơ cuối cùng nêu lên ý chí chiến đấu. Bên cạnh đó cũng có thể chia thành hai ý chính để phân tích là hình ảnh những chiếc xe không kính và người lính lái xe Trường Sơn xuyên suốt bài thơ.
Về nội dung qua hình ảnh độc đáo những chiếc xe không kính bài thơ đã khắc họa nổi bật hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kỳ chống Mỹ với tư thế hiên ngang tinh thần lạc quan dũng cảm bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Để xây dựng thành công nội dung cũng không thể không kể đến sự góp mặt của những nét nghệ thuật đặc sắc. đó là thể thơ tự do ngôn ngữ thơ ngang tàn tinh nghịch giàu tính khẩu ngữ tự nhiên khỏe khoắn và việc sử dụng một loạt các biện pháp nghệ thuật như so sánh nhân hóa hoán dụ điệp từ liệt kê đối lập đảo ngữ động từ mạnh và điệp cấu trúc.
Năm tháng dần trôi những công lao to lớn của các anh đã được ghi chép đầy đủ trong kho tàng lịch sử nước nhà cũng như trong thơ ca. Đọc Bài thơ về tiểu đội xe không kính càng khơi dậy trong em niềm tự hào về những vị anh hùng của dân tộc đã hi sinh xương máu của mình đến ngày nay chúng ta có được một cuộc sống yên bình và tươi đẹp.
Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...) - Mẫu 6
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn...”
Những câu thơ được trích trong bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Tố Hữu. Những câu thơ ấy là lời khẳng định về giá trị trường tồn của Truyện Kiều trong nền văn học nước nhà. Bởi lẽ, truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...(Phạm Quỳnh)
“Truyện Kiều” có tên là Đoạn trường tân thanh (Đoạn: đứt, trường: ruột, tân: mới, thanh: âm thanh, tiếng kêu). Ta có thể hiểu nhan đề ấy có nghĩa là “tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột”. Nhan đề Đoạn trường tân thanh được Nguyễn Du lấy gốc từ hai điển cố ở Trung Quốc. Một là từ câu chuyện của người đàn ông họ Trường ở Phúc Kiến, vào rừng bắt vượn con đánh để chúng kêu khóc vì muốn bắt vượn mẹ. Vượn mẹ không làm gì được, đứng trên cao nhìn, rú lên một tiếng rồi chết. Ông lão mang về nhà mổ bụng vượn mẹ thì thấy ruột đứt ra từng khúc. Câu chuyện ấy ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và nỗi đau đứt ruột khi chứng kiến con mình bị hành hạ, đánh đập. Và một là câu chuyện về nàng cung nữ Mạnh Tài Nhân của vua Đường Vũ Tông, trước khi vua băng hà, nàng đã múa một điệu cuối cùng rồi chết đứng. Khám tử thi thì thấy ruột nàng đứt ra từng đoạn. Câu chuyện đã nhắc tới nỗi đau đứt ruột của đôi lứa khi vợ chồng phải xa lìa nhau. Đó là tiếng kêu về nỗi đau đứt ruột từ xa xưa, được người đời truyền tụng. Nguyễn Du đã dựa vào 2 câu chuyện trên để đặt tên cho tác phẩm của mình là Đoạn trường tân thanh. Ngày nay chúng ta gọi là Truyện Kiều- cách gọi tên truyện theo nhân vật chính là Thúy Kiều
“Truyện Kiều” được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ viết theo thể lục bát - thể thơ đặc trưng của dân tộc, rất giàu âm điệu và nhạc tính. Truyện được viết dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Nguyễn Du đã “hoán cốt đoạt thai” tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân để thổi một luồng gió mới vào trong tác phẩm, khiến nàng Kiều của Nguyễn Du mang vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và mang vào truyện Kiều những sáng tạo mới mẻ về cả nội dung và nghệ thuật. Về thời điểm sáng tác, Từ điển văn học (bộ mới) ghi: "Có thuyết cho rằng Nguyễn Du viết ra sau khi ông đi sứ Trung Quốc (1814-1820), có thuyết cho nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn”.
Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều, một cô gái có tài sắc. Thúy Vân, Thúy Kiều và Vương Quan là con của Vương quan ngoại. Cả Vân và Kiều đều là người có nhan sắc nhưng Kiều không chỉ mang vẻ đẹp sắc sảo mà còn có đủ tài cầm, kỳ, thi, họa, đặc biệt là tài đánh đàn. Nhân một lần ba chị em đi du xuân trong tiết thanh minh, trên đường về Kiều đã gặp nấm mồ không hương khói của Đạm Tiên, nàng đã thắp một nén hương rồi gặp Kim Trọng. Đêm về, Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên báo cuộc đời nàng cũng phải trả kiếp nợ hồng nhan giống mình. Kim Trọng vì yêu mến Kiều đã chuyển về cạnh nhà nàng sinh sống. Nhân cha mẹ đi vắng, Kiều đã sang nhà bên cùng Kim trọng uống rượu thề nguyền dưới trăng. Cha và em Kiều bị thằng bán tơ vu oan, bị bắt giải lên nha môn, Kim Trọng phải về quê chịu tang chú nên không hay biết Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Trước khi đi, Kiều đã trao duyên cho Vân, nhờ Vân trả nghĩa chàng Kim. Kiều bị lừa bán vào tay Mã Giám Sinh - Tú Bà, những tay buôn người chuyên nghiệp. Bị ép tiếp khách nhưng Kiều không đồng ý mà dùng cái chết để giữ gìn trinh tiết của mình. Tú Bà sợ mất món tiền lớn đã vờ ngon ngọt, hứa gả Kiều cho người tử tế sau khi nàng lành bệnh nhưng lại âm thầm cấu kết với Sở Khanh ép Kiều ra tiếp khách. Kiều được Thúc Sinh cứu và cưới làm vợ lẽ nhưng lại bị Hoạn Thư đánh ghen, nàng đã trầm mình trên sông Tiền Đường nhưng được sư bà Giác Duyên cứu. Thế nhưng sư bà Giác Duyên đã gửi gắm Kiều vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh - những kẻ buôn người, Kiều rơi vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây nàng đã gặp Từ Hải - người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, đã cứu Kiều khỏi lầu xanh, giúp nàng báo ân báo oán và có cuộc sống hạnh phúc ngắn ngủi. Từ Hải vì nghe lời Kiều mà ra đầu hàng Hồ Tôn Hiến để rồi bị chết đứng. Kiều phải ra hầu đàn, hầu rượu cho kẻ thù giết chồng bị ép gả cho một viên quan quèn. Quá uất ức, nàng đã trẫm mình trên sông nhưng lại được sư bà Giác Duyên cứu. Kim Trọng sau khi chịu tang chú trở lại biết chuyện, nên duyên với Vân nhưng vẫn đi tìm Kiều. Cuối cùng tìm được Kiều nhưng Kiều tủi nhục, xấu hổ vì không xứng đáng với Kim. Hai người đã chấp nhận “Đem tình cầm sắt đổi sang cầm kỳ”
Truyện Kiều của Nguyễn Du sở dĩ trở thành kiệt tác bởi những giá trị tư tưởng và nghệ thuật mà nó mang đến cho nền văn học Trung Đại Việt Nam. Trước hết, Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh sinh động về một xã hội phong kiến thối nát - nơi mà sức mạnh của đồng tiền có thể mua được tất cả: công lý, đạo đức, số phận của một con người. Xuyên suốt cả tác phẩm, ta như thấy được một thế lực đen tối của các ác trong xã hội đương thời không ngừng vùi dập, dìm sâu những khao khát rất đỗi nhân văn của con người xuống tận đáy sâu của sự tuyệt vọng. Truyện Kiều chính là bản cáo trạng đanh thép tội ác của kẻ thống trị và sức mạnh của đồng tiền.
Cũng ở đó, ta bắt gặp số phận của một người con gái tài sắc nhưng lại truân chuyên, lênh đênh, chìm nổi. Khao khát được sống, được yêu, được hạnh phúc và tấm lòng sắc son của Thúy Kiều luôn được Nguyễn Du nhắc tới với một sự trân trọng, nâng niu. Trong suốt 15 năm lưu lạc, chưa bao giờ Kiều thôi nhớ về Kim Trọng và khao khát được trở về nhà. Nhưng ngặt một nỗi món nợ hồng nhan cứ cuốn chặt lấy nàng, càng giãy dụa, Kiểu càng bị thít chặt hơn. Và chỉ khi trả hết món nợ ấy, Kiều mới được trở về. Bởi vậy, Nguyễn Du mới đau đáu về thân phận của con người, đặc biệt là những người phụ nữ tài sắc trong xã hội xưa:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Đọc hết “Truyện Kiều”, người đọc càng thương cảm cho số phận Kiều bao nhiêu thì khát vọng về tình yêu tự do và ước mơ công lý được Nguyễn Du gửi gắm càng hiện rõ bấy nhiêu. Khao khát tình yêu tự do ấy được Nguyễn Du gửi gắm trong bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều trong đêm thề nguyền dưới trăng với Kim Trọng. Có người đã nhận xét, khi Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình để gặp Kim Trọng cũng là lúc nàng đạp đổ những định kiến của xã hội phong kiến, phá bỏ những rào cản, xiềng xích trói buộc người phụ nữ đến với hạnh phúc cuộc đời mình. Ước mơ về công lý ấy được Nguyễn Du gửi gắm trong phiên tòa báo ân báo án của Thúy Kiều với Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tú Bà....Như một câu chuyện cổ tích, Kiều được gặp gỡ Từ Hải và được chàng yêu thương. Có lẽ, quãng thời gian ngắn ngủi bên từ Hải là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong suốt 15 năm lênh đênh chìm nổi của Kiều. Và chắc hẳn, Nguyễn Du cũng nhận ra chính Từ Hải và chỉ có Từ Hải mới mang đến cho Kiều hạnh phúc trọn vẹn như nàng mong muốn mà thôi.
“Truyện Kiều” cũng là bức chân dung tinh thần tự họa của Nguyễn Du, với “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”. Con người chan chứa tình yêu thương con người ấy đau cùng nỗi đau của nhân vật, khóc cũng nỗi tủi hờn, nhục nhã của nhân vật và cũng vui sướng khi đứa con tinh thần của mình được yêu thương, trân trọng.
Với “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã xây dựng thành công hệ thống nhân vật với hai tuyến nhân vật thiện - ác rõ ràng. Mỗi nhân vật đều mang chân dung riêng biệt và chỉ được phác họa qua vài nét chấm phá nhưng cũng đủ để khắc sâu vào lòng người đọc một cô Kiều thông minh, sắc sảo, đa sầu đa cảm; một nàng Vân hiền lành, phúc hậu; một Kim Trọng thư sinh, một Mã Giám Sinh tục tĩu, một Sở Khanh đểu giả, một Hoạn Thư ghê gớm, một Từ Hải oai hùng....tất cả nhân vật hiện lên như một mảnh ghép hoàn hảo hoàn thiện bức tranh hiện thực đương thời. Nguyễn Du đã lựa chọn lối kể chuyện mới mẻ: kể chuyện bằng thơ lục bát. Thơ lục bát vốn dĩ giàu âm điệu, thanh sắc là sự lựa chọn đúng đắn trong việc thể hiện nội tâm nhạy cảm, đa màu sắc, biến đổi tinh tế của nhân vật. Với truyện Kiều, ngôn ngữ tiếng Việt của ta đã khẳng định được vị thế trước chữ Hán và chữ Nôm bởi mức độ biểu đạt tinh tế, sâu sắc của mình. Truyện Kiều còn thành công trong việc sử dụng điển tích, điển cố, miêu tả tâm lí nhân vật qua những đoạn độc thoại nội tâm đắt giá.
“Truyện Kiều” có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của con người Việt Nam. Từ đó, lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... đã phát sinh trong cộng đồng người Việt. Bên cạnh đó, một số nhân vật trong truyện cũng trở thành nhân vật điển hình, Sở Khanh (chỉ những người đàn ông phụ tình), Tú bà: (chỉ những người dùng phụ nữ để mại dâm, và thu lợi về mình), Hoạn thư (chỉ những người phụ nữ có máu ghen thái quá), v.v...
Ngoài ra, “Truyện Kiều” còn là đề tài cho các loại hình khác, như âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, thư pháp,.... Hiện nay, Truyện Kiều đang được giảng dạy trong môn Ngữ văn lớp 9 và lớp 10 với các đoạn trích được đặt tên như Chị em Thúy Kiều, Cảnh ngày xuân, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã giám sinh mua Kiều, Kiều báo ân báo oán...
Không chỉ có ảnh hưởng ở Việt Nam, “Truyện Kiều” còn chinh phục được cả bạn bè quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau. Và gần như mỗi năm, truyện Kiều đều được tái bản. Từ năm 1975 đến nay cứ cách khoảng 10 năm lại có một bản Truyện Kiều được dịch sang tiếng Nhật. Truyện Kiều cũng là cuốn sách duy nhất trên thế giới có thể đọc ngược từ cuối đến đầu để câu chuyện về nàng Kiều diễn ra theo chiều thời gian ngược lại, như đang xem một cuốn phim tua ngược chiều (đúng với nội dung trong tác phẩm của Nguyễn Du).
Đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ta không chỉ thấy lênh đênh, chìm nổi một cuộc đời của một người phụ nữ tài hoa mà ta còn thấy ở đó một trái tim, một con người với tầm nhìn vượt xa thời đại lúc bấy giờ.
Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, ...) - Mẫu 7
Trong dòng văn học ca ngợi truyền thống yêu nước xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi được đánh giá là áng "thiên cổ hùng văn", là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, được các thế hệ người Việt luôn yêu thích, tự hào.
"Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải ký hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập tự chủ, hòa bình. Nguyễn Trãi -62 là một anh hùng dân tộc, là người toàn tài hiếm có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đồng thời cũng là nhà thơ trữ tình sâu sắc, nhà văn chính luận kiệt xuất, là cây đại thụ đầu tiên của văn học trung đại Việt Nam.
Tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi viết theo thể cáo, một thể văn có nguồn gốc từ Trung Hoa, viết bằng chữ Hán, thuộc thể văn hùng biện chính luận, có nội dung thông báo một chính sách, một sự kiện trọng đại liên quan đến quốc gia dân tộc, công báo trước toàn dân. Nhan đề tác phẩm có ý nghĩa là bài cáo trọng đại tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô-một tên gọi hàm ý khinh bỉ căm thù giặc Minh xâm lược. Bài cáo có bố cục chặt chẽ mạch lạc, viết theo lối biền ngẫu, vận dụng thể tứ lục, sử dụng hệ thống hình tượng sinh động, gợi cảm.
Bài cáo gồm bốn đoạn. Đoạn đầu nêu cao luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đó là tư tưởng nhân nghĩa kết hợp với độc lập dân tộc: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân-Quân điếu phạt trước lo trừ bạo" và "Như nước Đại Việt ta từ trước-Vốn xưng nền văn hiến đã lâu".
Đoạn thứ hai của bài cáo đã vạch trần, tố cáo tội ác dã man của giặc Minh xâm lược. Đoạn văn là bản cáo trạng đanh thép, tố cáo giặc Minh ở các điểm: âm mưu cướp nước, chủ trương cai trị phản nhân đạo, hành động tàn sát tàn bạo. Đồng thời, đoạn văn cũng nêu bật nỗi thống khổ, khốn cùng của nhân dân, dân tộc ta dưới ách thống trị của kẻ thù: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn-Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"; "Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế-Gây binh kết oán, trải hai mươi năm". Đoạn văn ngùn ngụt Ý chí căm thù giặc và thống thiết nỗi thương dân lầm than. Đoạn văn thứ ba là đoạn dài nhất của bài cáo, có Ý nghĩa như bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đoạn văn đã tổng kết lại quá trình khởi nghĩa. Ban đầu cuộc khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn, lương thảo, quân sĩ, người tài đều thiếu, nghĩa quân ở vào thế yếu "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần-Khi Khôi Huyện quân không một đội", "Tuấn kiệt như sao buổi sớm-Nhân tài như lá mùa thu", "lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều"…Nhưng nghĩa quân có người lãnh tụ Lê Lợi sáng suốt, bền chí, yêu nước "Ngẫm thù lớn há đội trời chung-Căm giặc nước thề không cùng sống", biết đoàn kết lòng dân "Sĩ tốt một lòng phụ tử-Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào", dùng chiến thuật phù hợp nên nghĩa quân Lam Sơn ngày một trưởng thành "Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh"và ngày càng chiến thắng giòn giã, vang dội "Đánh một trận sạch không kình ngạc-Đánh hai trận tan tác chim muông", giặc Minh thì liên tiếp thất bại, thất bại sau lại càng thảm hại hơn thất bại trước, mỗi tên tướng giặc bại trận lại có vết nhục nhã riêng: kẻ treo cổ tự vẫn, kẻ quỳ gối dâng tờ tạ tội, kẻ bị bêu đầu…Đoạn văn thứ ba của bài cáo cũng ca ngợi lòng nhân đạo, chuộng hòa bình của nhân dân, dân tộc ta, tha sống cho quân giặc đã đầu hàng, lại cấp cho chúng phương tiện, lương thảo về nước. Đoạn cuối của bài cáo đã tuyên bố trịnh trọng về việc kết thúc chiến tranh, khẳng định nền độc lập, hòa bình vững bền của đất nước, thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Bài cáo có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa yếu tố chính luận sắc bén với yếu tố văn chương truyền cảm, kết hợp giữa lí luận chặt chẽ và hình tượng nghệ thuật sinh động. Cảm hứng nổi bật xuyên suốt tác phẩm là cảm hứng anh hùng ca hào hùng sôi nổi, mãnh liệt. Giọng điệu của bài cáo rất đa dạng, khi tự hào về truyền thống văn hóa, anh hùng lâu đời của dân tộc, khi thì căm phẫn sục sôi trước tội ác của kẻ thù, khi thống thiết xót thương trước nỗi đau lầm than của nhân dân, khi lo lắng trước những khó khăn của cuộc kháng chiến, khi hào hùng ngợi ca chiến thắng, khi trịnh trọng tuyên bố độc lập của dân tộc, đất nước.
"Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi là bản anh hùng ca ca ngợi chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta thế kỉ XV. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học, không chỉ lưu giữ những sự kiện lịch sử mà còn lưu truyền lòng yêu nước tự hào dân tộc đến các thế hệ người Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam ngày nay đều hào sảng trước những câu văn hùng hồn:
"Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có…"