Tóm tắt các đặc điểm của thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt luật Đường. Thơ thất ngôn bát cú

3.3 K

Trả lời Câu 1 trang 16 sgk Ngữ văn 8 Tập 2 Chân trời sáng tạo chi tiết trong bài Ôn tập trang 16 tập 2 giúp học sinh dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 8. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Ôn tập trang 16 tập 2 hay nhất

Câu 1 (trang 16 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Tóm tắt các đặc điểm của thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt luật Đường.

Trả lời:

- Thơ thất ngôn bát cú luật Đường: Mỗi bài có tám câu, mỗi câu có bảy chữ.

- Thơ tứ tuyệt luật Đường: Mỗi bài có bốn câu, mỗi câu có bảy chữ. Thi luật của thơ thất ngôn bát cú và tử tuyệt luật Đường thể hiện qua bố cục, luật, niêm, vần, đối.

- Bố cục của một bài thơ thất ngôn bát cú hay tứ tuyệt luật Đường đều gồm bốn phần:

+ Bố cục bài thơ thất ngôn bát củ luật Đường thường được chia theo các cặp câu: Đề (câu 1, 2: mở đầu và bắt đầu phát triển ý của bài thơ); Thực (câu 3, 4: triển khai ý của đề tài, miêu tả cụ thể về tình cảnh, sự việc); Luận (câu 5, 6: mở rộng, phát triển ý nghĩa vốn có hoặc đi sâu hơn vào tâm trạng, cảm xúc); Kết (câu 7, 8: thâu tóm ý nghĩa cả bài và kết ý). Tuy vậy, bố cục bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường cũng có thể chia theo những cách khác (ví dụ: bốn câu đầu — bốn câu cuối; sáu câu đầu – hai câu cuối...).

+ Bố cục bài thơ tứ tuyệt luật Đường thường được chia làm bốn phần: Khai (câu 1: khai mở ý của bài thơ); Thừa (câu 2: thường làm rõ thêm ý và mạch cảm xúc của phần Khai); Chuyển (câu 3: chuyển ý); Hợp (câu 4: kết ý). Nhưng cũng có thể chia bố cục bài thơ thuộc thể này thành hai phần: câu 1 – 2; câu 3 – 4.

- Luật:

+ Luật thơ là cách sắp đặt tiếng bằng, tiếng trắc trong các câu của một bài thơ.

+ Luật bằng trắc của thơ thất ngôn bát cú hoặc thơ tứ tuyệt luật Đường thường được tóm tắt bằng câu: “nhất – tam – ngũ bất luận, nhị – tứ – lục phân minh”, tức là các tiếng (âm tiết) thứ nhất, thứ ba, thứ năm trong câu không cần sắp xếp theo đúng luật bằng trắc; còn các tiếng thứ hai, thứ tư, thứ sáu trong câu cần tuân theo luật bằng/ trắc rõ ràng. Nếu tiếng thứ hai của câu một là tiếng thanh bằng (thanh ngang hoặc thanh huyền) thì bài thơ làm theo luật bằng. Ví dụ: tiếng “thu” trong câu 1 – bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến: Ao thu lạnh lẽo nước trong veo cho biết bài thơ bát cú này làm theo luật bằng. Nếu tiếng thứ hai của câu một là tiếng thanh trắc (các thanh sắc, hỏi, ngã, nặng) thì bài thơ làm theo luật trắc. Ví dụ: tiếng “dạ” trong câu 1 – bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên cho biết bài thơ tứ tuyệt này làm theo luật trắc.

-Niêm: Sự kết dính về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ luật Đường được gọi là niệm. Hai câu thơ được gọi là niêm với nhau khi tiếng thứ hai của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc; như vậy, bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Thơ thất ngôn bát cú luật Đường quy định niêm luật như sau: câu 1 niệm với câu 8; câu 2 niệm với câu 3; câu 4 niệm với câu 5; câu 6 niệm với câu 7. Thơ tứ tuyệt luật Đường quy định câu 1 niệm với câu 4, câu 2 niệm với câu 3.

-Vần: Cách gieo vần của thơ luật Đường là cả bài thơ chỉ hiệp theo một vần (còn gọi là độc vận), vần gieo ở cuối câu thơ đầu và cuối các câu chẵn (vần chân), vần được sử dụng thường là vần bằng.

- Nhịp: Cách ngắt nhịp của câu thơ thất ngôn thường là 2/2/3 hoặc 4/3.

- Đối: Cách đặt câu sóng đôi sao cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau. Thơ thất ngôn bát cú luật Đường quy định câu thứ ba đối với câu thứ tư, câu thứ năm đối với câu thứ sáu. Thơ tứ tuyệt luật Đường không có quy định đối cụ thể và khắt khe như thơ thất ngôn bát cú.

Đánh giá

0

0 đánh giá