Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Cánh diều Một số danh nhân quân sự Việt Nam

842

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề Lịch sử lớp 11 Một số danh nhân quân sự Việt Nam sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập Lịch sử 11. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Một số danh nhân quân sự Việt Nam

1. Ngô Quyền (898 - 944)

Câu hỏi trang 51 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 5, nêu nhận xét về đóng góp của Ngô Quyền trong lĩnh vực quân sự và đánh giá vai trò của ông đối với lịch sử dân tộc.

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 5, nêu nhận xét về đóng góp của Ngô Quyền

Lời giải:

 

- Đóng góp của Ngô Quyền trong lĩnh vực quân sự:

+ Trực tiếp chỉ huy quân dân Việt Nam tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược (năm 938).

+ Cách tổ chức trận địa mai phục và kế sách đóng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các cuộc đấu tranh yêu nước sau này, góp phần làm phong phú và phát triển thêm nghệ thuật quân sự của Việt Nam.

- Vai trò của Ngô Quyền đối với lịch sử dân tộc:

+ Lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong trận Bạch Đằng, đập tan tham vọng xâm lược của quân Nam Hán, kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập, tự chủ lâu dài của nước Việt.

+ Trong thời gian trị vì, Ngô Quyền đã cho thi hành nhiều chính sách, biện pháp tích cực nhằm: ổn định và phát triển đất nước; xây dựng chính quyền độc lập, tự chủ.

2. Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300)

Câu hỏi trang 53 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 6, cho biết:

- Những nét chính về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Trần Quốc Tuấn.

Những nét chính về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Trần Quốc Tuấn

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp:

+ Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, tại thôn Tức Mặc, xã Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), là con của An Sinh vương Trần Liễu và là cháu của vua Trần Thái Tông.

+ Trần Quốc Tuấn sớm bộc lộ là người thông minh xuất chúng, ham thích đọc sách và luyện tập võ nghệ.

+ Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 và 1287 - 1288, Trần Quốc Tuấn được cử giữ chức Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội Đại Việt. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhân dân Đại Việt đã giành được nhiều thắng lợi lớn tại: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng,… đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

+ Năm 1289, Trần Quốc Tuấn được vua Trần phong là Hưng Đạo Đại vương.

+ Sau khi Trần Quốc Tuấn qua đời (năm 1300), triều đình phong ông là Thái sư Thượng phụ Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo đại vương, nhân dân suy tôn ông là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi.

- Đóng góp:

+ Trần Quốc Tuấn là một danh tướng kiệt xuất, có nhiều đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược. Cụ thể:

▪ Trong kháng chiến chống quân Mông Cổ (năm 1258), Trần Quốc Tuấn trực tiếp cần quân lên phòng thủ biên giới trước thời điểm quân Mông Cổ kéo vào xâm lược Đại Việt.

▪ Trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên (1285 và 1288 - 1287), Trần Quốc Tuấn nắm giữ vai trò Tổng chỉ huy quân đội Đại Việt. Trên cương vị này, ông đã trực tiếp đốc thúc vương hầu, tôn thất, điều động binh lính, chuẩn bị kháng chiến; giao cho các tướng trấn giữ ở những khu vực trọng yếu; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc... Khi quân giặc với sức mạnh như vũ bão tiến vào Đại Việt, ông cùng bộ tham mưu của quân đội nhà Trần định ra kế sách, chiến lược cho toàn bộ cuộc kháng chiến.

+ Trần Quốc Tuấn còn là một nhà lí luận quân sự xuất sắc. Ông đã biên soạn hai bộ sách là Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, trong đó đúc kết các kế sách, binh pháp đánh trận cho quân đội.

Câu hỏi trang 53 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 6, cho biết:

- Vì sao Trần Quốc Tuấn được suy tôn là Đức Thánh Trần?

Vì sao Trần Quốc Tuấn được suy tôn là Đức Thánh Trần?

Lời giải:

- Nhân dân suy tôn Trần Quốc Tuấn là Đức Thánh Trần, do: Trần Quốc Tuấn là danh tướng kiệt xuất, có đóng góp to lớn đối với dân tộc; bên cạnh tài thao lược, ông còn là tấm gương về về đạo trung - hiếu và tấm lòng yêu nước, thương dân.

- Việc nhân dân suy tôn Trần Quốc Tuấn làm Đức Thánh Trần là một cách để tri ân, tưởng nhớ công đức của ông đối với đất nước; đồng thời cũng thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

3. Nguyễn Huệ (1753 - 1792)

Câu hỏi trang 54 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu trong mục 3, cho biết những nét chính về thân thế, sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ và đánh giá vai trò của ông đối với lịch sử dân tộc.

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ:

+ Nguyễn Huệ (còn có tên gọi khác là: Nguyễn Quang Bình hoặc Hồ Thơm), sinh năm 1753, tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

+ Năm 1771, khi mới 18 tuổi, Nguyễn Huệ đã cùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa chống lại chính quyền Đàng Trong. Từ một cuộc khởi nghĩa nông dân, dưới sự lãnh đạo của anh em Nguyễn Huệ, phong trào Tây Sơn đã phát triển thành phong trào dân tộc với nhiều cống hiến lớn, như: tiêu diệt các tập đoàn phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê - đặt nền tảng cho công cuộc thống nhất đất nước; tiêu diệt quân xâm lược Xiêm, Thanh, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

+ Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, lấy hiệu là Quang Trung. Trong thời gian trị vì, ông đã ban hành nhiều chính sách tiến bộ nhằm ổn định và phát triển đất nước.

+ Năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời, để lại nhiều tiếc nuối cho dân tộc.

- Vai trò của Quang Trung - Nguyễn Huệ với lịch sử dân tộc:

+ Tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, lật đổ các chính quyền Nguyễn, Trịnh, Lê; đặt cơ sở cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

+ Chỉ huy các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm, Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

+ Thiết lập vương triều mới (định đô ở Phú Xuân), ban hành nhiều chính sách tiến bộ nhằm ổn định và phát triển đất nước.

4. Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013)

Câu hỏi trang 55 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 8, trình bày những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp và vai trò của Võ Nguyên Giáp đối với lịch sử dân tộc.

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 8, trình bày những nét chính về cuộc đời

Lời giải:

♦ Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

- Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911, quê ở làng An Xá, tổng Đại Phong Lộc (nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước.

- Ngay từ khi còn là học sinh, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào yêu nước chống Pháp.

- Năm 1940, Võ Nguyên Giáp gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,…

- Năm 1944, Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

- Năm 1948, Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên ở Việt Nam được phong quân hàm Đại tướng khi mới 37 tuổi.

- Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Tên tuổi của ông gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975),…

- Từ năm 1975 - 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước Việt Nam.

- Từ năm 1992 đến lúc từ trần (năm 2013), Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ nhiệm Đề tài: "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam", kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp Nhà nước về "Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh",…

♦ Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lịch sử dân tộc:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao lớn trong tổ chức và phát triển lực lượng quân đội Việt Nam theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nền quốc phòng vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.

+ Tháng 12/1944, Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

+ Võ Nguyên Giáp cũng đề xuất và tổ chức xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển,...

- Đại tướng đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, quan trọng có ảnh hưởng quyết định tới kết quả của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

- Đại tướng còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học quân sự Việt Nam. Các công trình lịch sử và lí luận quân sự nổi bật của ông như: Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Từ nhân dân mà ra, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng,... đã tổng kết và phát triển những nội dung cơ bản về đường lối chiến tranh nhân dân.

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Lịch sử lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

I. Khái quát về danh nhân trong lịch sử dân tộc

II. Một số nhà chính trị nổi tiếng của Việt Nam thời kì trung đại

III. Một số danh nhân quân sự Việt Nam

IV. Một số danh nhân văn hóa Việt Nam

V. Một số danh nhân Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ

Đánh giá

0

0 đánh giá