Giải Vật Lí 8 Bài 16: Cơ năng

740

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Vật Lí lớp 8 Bài 16: Cơ năng chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Bài 16: Cơ năng lớp 8.

Giải bài tập Vật Lí lớp 8 Bài 16: Cơ năng

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời bài C1 trang 55 sgk vật lí 8: Nếu đưa quả nặng lên một độ cao nào đó (H.16.1b) thì nó có cơ năng không ? Tại sao ?

Phương pháp giải:

Khi vật có khả năng thực hiện công cơ học, ta nói vật đó có cơ năng.

Lời giải:

Nếu đưa quả nặng A lên một độ cao nào đó rồi buông nhẹ thì quả nặng A sẽ chuyển động xuống phía dưới làm sợi dây căng ra. Lực căng dây làm vật B chuyển động. Như vậy quả nặng A khi đưa lên độ cao nào đó có khả năng thực hiện công nên nó có cơ năng.

Trả lời bài C2 trang 56 sgk vật lí 8: Lúc này lò xo có cơ năng. Bằng cách nào để biết được lò xo có cơ năng?

Phương pháp giải:

Khi một vật có khả năng thực hiện công cơ học, ta nói vật đó có cơ năng.

Lời giải:

Cắt hoặc đốt cháy sợi dây và quan sát thấy lò xo bung ra và miếng gỗ ở trên lò xo bị hất lên cao. Như vậy lò xo đã thực hiện công tức là nó có cơ năng.

Trả lời bài C3 trang 56 sgk vật lí 8: Cho quả cầu A bằng thép lăn từ vị trí (1) trên máng nghiêng xuống đập vào miếng gỗ B (H.16.3).

Hiện tượng sẽ xảy ra như thế nào ?

Lời giải:

Quả cầu A lăn xuống đập vào miếng gỗ B, làm miếng gỗ B chuyển động.

Trả lời bài C4 trang 56 sgk vật lí 8: Chứng minh rằng quả cầu A đang chuyển động có khả năng thực hiện công.

Phương pháp giải:

Chỉ có công cơ học khi có lực tác dụng vào vật và làm cho vật chuyển dời.

Lời giải:

Quả cầu A tác dụng vào miếng gỗ B một lực làm miếng gỗ B chuyển động tức là có khả năng thực hiện công.

Trả lời bài C5 trang 56 sgk vật lí 8: Từ kết quả thí nghiệm hãy tìm từ thích hợp cho chỗ trống của kết luận: Một vật chuyển động có khả năng ......... tức là có cơ năng.

Lời giải:

Một vật chuyển động có khả năng sinh công tức là có cơ năng.

Trả lời bài C6 trang 57 sgk vật lí 8: Độ lớn vận tốc của quả cầu lúc đập vào miếng gỗ B thay đổi thế nào so với thí nghiệm 1 ? So sánh công của quả cầu A thực hiện lúc này với lúc trước. Từ đó suy ra động năng của quả cầu A phụ thuộc thế nào vào vận tốc của nó?

Lời giải:

- Độ lớn vận tốc của quả cầu lúc đập vào miếng gỗ B lớn hơn so với thí nghiệm 1. 

- Công của quả cầu A thực hiện lúc này lớn hơn so với trước (do lần này miếng gỗ B chuyển động được quãng đường dài hơn).

Như vậy: Động năng của quả cầu A càng lớn khi vận tốc của nó càng lớn.

Trả lời bài C7 trang 57 sgk vật lí 8: Hiện tượng xảy ra có gì khác so với thí nghiệm 2? So sánh công thực hiện được của hai quả cầu A và A’. Từ đó  suy ra động năng của quả cầu còn phụ thuộc thế nào vào khối lượng của nó.

Lời giải:

- Khi thay quả cầu A bằng quả cầu A' có khối lượng lớn hơn thì miếng gỗ B dịch chuyển ra xa hơn.

- Công thực hiện của quả cầu A' lớn hơn so với công do quả cầu A thực hiện.

- Động năng của quả cầu phụ thuộc vào khối lượng của nó. Quả cầu có khối lượng càng lớn thì động năng của nó càng lớn.

Như vậy, động năng của vật tỉ lệ thuận với khối lượng của vật.

Trả lời bài C8 trang 57 sgk vật lí 8: Các thí nghiệm trên cho thấy động năng phụ thuộc yếu tố gì và phụ thuộc thế nào? 

Lời giải:

Các thí nghiệm trên cho thấy: Động năng phụ thuộc vào vận tốc và khối lượng của vật. 

- Khi khối lượng của vật không đổi, nếu vận tốc tăng thì động năng cũng tăng (động năng tỉ lệ với bình phương vận tốc).

 - Khi vận tốc không đổi, động năng tỉ lệ thuận với khối lượng. Vật có khối lượng càng lớn và chuyển động càng nhanh thì động năng càng lớn.

Trả lời bài C9 trang 57 sgk vật lí 8: Nêu ví dụ vật có cả động năng và thế năng ?

Phương pháp giải:

Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ cao của vật so với mặt đất, hoặc so với một vị trí khác được chọn làm mốc để tính độ cao, gọi là thế năng trọng trường.

Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ biến dạng của vật gọi là thế năng đàn hồi.

Cơ năng của vật do chuyển động mà có gọi là động năng.

Lời giải:

Ví dụ: + Máy bay đang bay trên cao (máy bay có độ cao nên có thế năng, đồng thời nó có vận tốc nên cũng có động năng).

+ Con lắc lò xo dao động…

Trả lời bài C10 trang 57 sgk vật lí 8: Cơ năng của từng vật ở hình 16.4 a, b, c thuộc dạng cơ năng nào?

Phương pháp giải:

Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ cao của vật so với mặt đất, hoặc so với một vị trí khác được chọn làm mốc để tính độ cao, gọi là thế năng trọng trường.

Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ biến dạng của vật gọi là thế năng đàn hồi.

Cơ năng của vật do chuyển động mà có gọi là động năng.

Lời giải:

a) Thế năng đàn hồi.

b) Thế năng trọng trường + động năng.

c) Thế năng trọng trường.

Lý thuyết Bài 16: Cơ năng

I - CƠ NĂNG LÀ GÌ?

Khi vật có khả năng sinh công, ta nói vật đó có cơ năng.

Vật có khả năng thực hiện công càng lớn thì cơ năng của vật càng lớn.

- Đơn vị của cơ năng là Jun (J)

II - THẾ NĂNG

- Cơ năng của vật phụ thuộc vào vị trí của vật so với mặt đất, hoặc so với một vị trí khác được chọn làm mốc để tính độ cao, gọi là thế năng hấp dẫn.

- Vật có khối lượng càng lớn và ở càng cao thì thế năng hấp dẫn càng lớn.

Khi vật nằm trên mặt đất thì thế năng hấp dẫn của vật bằng 0. (thường chọn mặt đất làm mốc).

- Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ biến dạng của vật gọi là thế năng đàn hồi.

+ Ta có thể không lấy mặt đất mà lấy một vị trí khác làm mốc để tính độ cao. Vậy thế năng hấp dẫn phụ thuộc vào mốc tính độ cao.

+ Thế năng hấp dẫn của vật còn phụ thuộc vào khối lượng của nó. Vật có khối lượng càng lớn thì thế năng càng lớn.

III - ĐỘNG NĂNG

Cơ năng của vật do chuyển động mà có gọi là động năng.

- Vật có khối lượng càng lớn và chuyển động càng nhanh thì động năng càng lớn.

- Nếu vật đứng yên thì động năng của vật bằng 0.

+ Thế năng và động năng là 2 dạng của cơ năng.

+ Một vật có thể vừa có động năng vừa có thế năng.

+ Cơ năng của một vật bằng tổng động năng và thế năng của nó.

Sơ đồ tư duy về cơ năng

 

Đánh giá

0

0 đánh giá