Giải SGK Khoa học tự nhiên 8 Bài 40 (Chân trời sáng tạo): Điều hoà môi trường trong cơ thể

1.3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 8 Bài 40: Điều hoà môi trường trong cơ thể chi tiết sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KHTN 8. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập KHTN lớp 8 Bài 40: Điều hoà môi trường trong cơ thể

Mở đầu trang 172 Bài 40 KHTN lớp 8: Tại sao khi bị sốt cao, tiêu chảy hoặc nôn (ói) nhiều, cần bổ sung thêm nước cho cơ thể?

Trả lời:

Khi bị sốt cao, tiêu chảy hoặc nôn (ói) nhiều, cần bổ sung thêm nước cho cơ thể vì khi đó cơ thể mất nước và các chất điện giải, môi trường trong cơ thể bị mất cân bằng, gây ra sự rối loạn trong hoạt động của tế bào, cơ quan và cơ thể → Cần bổ sung nước để cân bằng môi trường trong cơ thể, từ đó giúp cơ thể có thể trở về trạng thái bình thường.

1. Khái niệm môi trường trong và cân bằng môi trường trong cơ thể

Câu hỏi thảo luận 1 trang 172 KHTN lớp 8: Quan sát Hình 40.1, cho biết:

- Môi trường trong của cơ thể gồm những thành phần cơ bản nào.

- Mối liên hệ giữa môi trường trong với môi trường ngoài cơ thể.

Quan sát Hình 40.1, cho biết: Môi trường trong của cơ thể gồm những thành phần

Trả lời:

- Môi trường trong cơ thể gồm những thành phần cơ bản là: máu, nước mô và bạch huyết.

- Mối liên hệ giữa môi trường trong với môi trường ngoài cơ thể: Môi trường trong cơ thể thường xuyên liên hệ với môi trường ngoài thông qua các cơ quan, hệ cơ quan như da, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ bài tiết,…

Câu hỏi thảo luận 2 trang 172 KHTN lớp 8: Cho biết cơ thể duy trì được cân bằng nội môi như thế nào.

Trả lời:

Cơ thể duy trì được cân bằng nội môi bằng cách duy trì ổn định các điều kiện vật lí, hóa học của môi trường trong thông qua các cơ chế điều hòa cân bằng khác nhau. Khi một cơ quan hay hệ cơ quan nào đó cần tăng cường hoạt động thì các cơ quan, hệ cơ quan khác sẽ điều chỉnh hoạt động nhằm thiết lập cân bằng cho môi trường trong của cơ thể, đảm bảo duy trì ổn định tính chất vật lí và hóa học của môi trường.

Luyện tập trang 172 KHTN lớp 8: Hãy cho biết một số biểu hiện của cơ thể khi bị mất cân bằng nhiệt độ, huyết áp.

Trả lời:

- Một số biểu hiện của cơ thể khi bị mất cân bằng nhiệt độ: Nếu nhiệt độ cơ thể thấp cơ thể có biểu hiện ớn lạnh, nổi da gà, run rẩy, da tái nhợt, khó thở,… Nếu nhiệt độ cơ thể cao cơ thể có biểu hiện da nóng, đổ nhiều mồ hôi, chóng mặt,…

- Một số biểu hiện của cơ thể khi bị mất cân bằng huyết áp: Nếu cơ thể bị mất cân bằng huyết áp có biểu hiện chóng mặt, xây xẩm, đau đầu, mệt mỏi,…

2. Vai trò của sự duy trì ổn định môi trường trong của cơ thể

Câu hỏi thảo luận 3 trang 173 KHTN lớp 8: Nêu vai trò của cân bằng nội môi đối với cơ thể.

Trả lời:

Vai trò của cân bằng nội môi đối với cơ thể: Cân bằng nội môi đảm bảo cho các tế bào, cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường, giúp cơ thể tồn tại và phát triển.

Luyện tập trang 173 KHTN lớp 8: Phát biểu nào dưới đây đúng khi nói về cân bằng môi trường trong?

A. Hầu hết người trưởng thành cao 1,5m đến 1,8m.

B. Khi nồng độ muối của máu tăng lên, thận phải thải ra nhiều muối hơn.

C. Mọi tế bào của cơ thể có cùng một kích cỡ giống nhau.

D. Phổi có bề mặt trao đổi khí lớn.

Trả lời:

Đáp án đúng là: B

B – Đúng. Khi nồng độ muối của máu tăng lên → Cơ thể sẽ uống nhiều nước → Muối dư thừa sẽ được thải ra ngoài qua nước tiểu.

A, C, D – Sai. Cân bằng nội môi là sự duy trì ổn định các điều kiện vật lí, hóa học môi trường trong của cơ thể thông qua các cơ chế điều hòa cân bằng khác nhau → Các ý trên sai do không thuộc cân bằng nội môi. Ngoài ra, đáp án C sai – Các loại tế bào trong cơ thể có thể có hình dạng và kích thước khác nhau.

3. Tìm hiểu kết quả xét nghiệm nồng độ đường và uric acid trong máu

Câu hỏi thảo luận 4 trang 174 KHTN lớp 8: Người ta thường đo nồng độ đường trong máu vào những thời điểm nào? Tại sao phải thực hiện xét nghiệm lượng đường trong máu vào nhiều thời điểm khác nhau?

Trả lời:

- Người ta thường đo nồng độ đường trong máu vào các thời điểm sau:

+ Đo vào sáng sớm, lúc cơ thể đói và chưa ăn, uống (kể cả hút thuốc lá).

+ Đo sau khi ăn sáng, trưa, chiều khoảng 1 – 2h.

+ Đo vào thời điểm ngẫu nhiên trong ngày.

+ Thời điểm khám sức khỏe định kì hoặc nghi ngờ mắc đái tháo đường.

- Phải thực hiện xét nghiệm lượng đường trong máu vào nhiều thời điểm khác nhau vì lượng đường huyết có thể thay đổi, nó chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như chế độ ăn uống, giờ giấc sinh hoạt. Do đó, cần xét nghiệm vào nhiều thời điểm để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác mức độ mắc bệnh tiểu đường và xác định liệu trình điều trị phù hợp.

Câu hỏi thảo luận 5 trang 174 KHTN lớp 8: Dựa vào thông tin trong Bảng 40.1, cho biết khi nào thì một người bị bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

Dựa vào thông tin trong Bảng 40.1, cho biết khi nào thì một người bị bệnh

Trả lời:

Một người bị bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ bị bệnh tiểu đường khi chỉ số đo nồng độ đường trong máu lúc đói, chưa ăn uống gì (kể cả hút thuốc lá) lớn hơn hoặc bằng 6,5%; hoặc chỉ số đo tại thời điểm bất kì lớn hơn 11,1%.

Luyện tập trang 174 KHTN lớp 8: Giải thích tại sao đối với người bình thường, khi ăn nhiều đường, lượng đường trong máu vẫn ổn định.

Trả lời:

Đối với người bình thường, khi ăn nhiều đường, lượng đường trong máu vẫn ổn định vì cơ thể có cơ chế điều hòa hàm lượng  đường glucose trong máu; hàm lượng này được duy trì ổn định chủ yếu nhờ hoạt động của gan. Khi nồng độ glucose trong máu cao, tuyến tụy tăng tiết insulin, làm các tế bào cơ thể tăng nhận glucose, gan tăng nhận và chuyển glucose thành dạng glycogen dự trữ, dẫn đến nồng độ glucose trong máu giảm xuống trở về mức bình thường.

Câu hỏi thảo luận 6 trang 175 KHTN lớp 8: Chỉ số uric acid là gì? Nồng độ uric acid trong máu đạt ngưỡng bao nhiêu thì một người được chẩn đoán mắc bệnh Gout?

Trả lời:

- Chỉ số uric acid là nồng độ uric acid trong 1 lít máu.

- Một người được chẩn đoán mắc bệnh Gout khi nồng độ uric acid trong máu trên 428 µmol/L ở nam và trên 357 µmol/L ở nữ.

Vận dụng trang 175 KHTN lớp 8: Một bệnh nhân tiểu đường và một bệnh nhân Gout có kết quả xét nghiệm máu như phiếu a, b dưới đây. Hãy nhận xét về chỉ số glucose, chỉ số uric acid trên phiếu kết quả xét nghiệm của hai bệnh nhân này so với chỉ số bình thường.

Một bệnh nhân tiểu đường và một bệnh nhân Gout có kết quả xét nghiệm máu

Trả lời:

Nhận xét về chỉ số glucose, chỉ số uric acid trên phiếu kết quả xét nghiệm của hai bệnh nhân này:

- Bệnh nhân thứ nhất (bệnh nhân tiểu đường) có chỉ số glucose là 14,5 mmol/L cao hơn rất nhiều so với chỉ số bình thường là 3,9 – 6,5 mmol/L.

- Bệnh nhân thứ hai (bệnh nhân Gout) có chỉ số uric acid là 500 µmol/L khá cao so với chỉ số bình thường là 208 – 428 µmol/L.

Đánh giá

0

0 đánh giá