Lời giải Tiếng Việt lớp 4 Bài 1: Về thăm bà sách Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Viết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:
Khởi động
Nói về một lần em đi thăm họ hàng hoặc người thân.
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Một kỳ nghỉ hè nữa lại sắp đến. Năm nay, em đã xin phép bố mẹ được về thăm ông bà ngoại. Chuyến về thăm quê đã giúp em cảm thấy thêm yêu hơn quê hương của mình
Sáng chủ nhật, em dậy thật sớm. Sau khi chuẩn bị xong, bố mẹ đưa em ra bến xe. Từ thành phố về quê mất khoảng hai tiếng. Em chào tạm biệt bố mẹ, nghe lời dặn dò rồi lên xe. Về đến quê, chị Hoài đã ra đón em. Chị là con của bác Tư, anh trai của mẹ em. Hai chị em lâu ngày không gặp nên trò chuyện rất vui vẻ. Khi về nhà, ông bà đã đợi em ở trước cổng. Em chạy đến chào, rồi ôm lấy ông bà.
Những ngày ở quê thật vui vẻ. Bầu không khí ở đây rất trong lành, khác hẳn với thành phố. Ông mặt trời thức dậy thật sớm để đánh thức mọi người sau một đêm dài. Hạt sương đọng trên lá cây dần tan biến. Làn gió khẽ lướt qua khiến những cành lá rung rinh. Đặc biệt nhất là bầu trời buổi sáng sớm, thật trong lành biết bao.
Sau khi đánh răng, rửa mặt và ăn sáng. Em cùng với nhóm bạn trong xóm rủ nhau ra đồng chơi. Chúng em cùng chơi bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, thả diều hay ném non. Những trò chơi dân gian mà đã lâu rồi em chưa được chơi. Phía xa, các bác nông dân vẫn đang hăng say làm việc trên cánh đồng. Những chiếc nón nhấp nhô trong lúa vàng. Em đã có dịp theo chị Hòa và bác Tư ra đồng thu hoạch lúa. Chỉ một công việc thu hoạch lúa nhưng cũng thật khó khăn, mệt nhọc. Nhờ vậy, em đã thấu hiểu được nỗi vất vả của các bác nông dân. Những ngày ở quê, em cũng được thưởng thức nhiều món ngon do bà ngoại nấu.
Sau chuyện về thăm quê, em cảm thấy rất hạnh phúc. Có thể nói rằng quê hương thật quan trọng đối với mỗi con người. Từ đó, em sẽ cố gắng học tập tốt để tương lai có thể xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Bài đọc
Về thăm bà
Thanh lách cách cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Thanh thấy mát hẳn cả người. Trên con đường lát gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòm ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Thanh rút khăn lau mồ hôi trên trán rồi thong thả đi bên bức trường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà. Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa.
Thanh bước lên thềm, nhìn vào trong nhà. Cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi. Sự yên lặng làm Thanh mãi mới cất được tiếng gọi khẽ:
- Bà ơi!
Thanh bước xuống dưới giàn thiên lí. Có tiếng người đi, rồi bà mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.
- Cháu đã về đấy ư?
Bà ngừng nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng nhìn cháu, âu yếm và mến thương:
- Đi vào trong nhà kẻo nắng, cháu!
Thanh đi, người thẳng, mạnh, cạnh bà lưng đã còng. Tuy vậy, Thanh cảm thấy chính bà che chở cho mình như những ngày còn nhỏ.
- Cháu đã ăn cơm chưa?
- Dạ chưa. Cháu xuống tàu về đây ngay. Nhưng cháu không thấy đói.
Bà nhìn cháu, giục:
- Cháu rửa mặt đi, rồi nghỉ kẻo mệt.
Thanh đến bên bể múc nước vào thau rửa mặt. Nước mát rượi và Thanh cúi nhìn bóng mình trong lòng bể với những mảnh trời xanh.
Lần nào trở về với bà, Thanh cũng thấy thong thả và bình yên như thế. Căn nhà, thửa vườn này như một nơi mát mẻ và hiền lành. Ở đấy, bà lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu Thanh.
Theo Thạch Lam
Câu hỏi 1 trang 42 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đường vào nhà bà được miêu tả bằng những hình ảnh nào?
Phương pháp giải:
Em đọc bài văn để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Đường vào nhà bà được miêu tả bằng những hình ảnh:
- Trên con đường lát gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió.
- Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí.
- Bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà.
Câu hỏi 2 trang 42 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Tìm từ ngữ thể hiện cảm xúc của hai bà chúa khi gặp lại nhau.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài đọc để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Những từ ngữ thể hiện cảm xúc của hai bà cháu khi gặp lại nhau:
- Thanh cảm động và mừng rỡ.
- Bà đôi mắt hiền từ, âu yếm, thương mến.
Câu hỏi 3 trang 42 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Những chi tiết nào thể hiện sự quan tâm của bà đối với Thanh?
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để trả lời.
Trả lời:
Những chi tiết thể hiện sự quan tâm của bà đối với Thanh:
- Bà giục Thanh vào nhà kẻo nắng.
- Bà hỏi Thanh ăn cơm chưa.
- Bà giục Thanh đi rửa mặt rồi nghỉ kẻo mệt.
Câu hỏi 4 trang 42 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Vì sao mỗi lần trở về bà, Thanh luôn thấy thong thả và bình yên?
Chọn câu trả lời đúng:
- Vì bà vẫn che chở cho Thanh như những ngày còn nhỏ
- Vì bà lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu Thanh
- Vì căn nhà và thửa vườn của bà rất mát mẻ và dễ chịu
- Vì nước trong bể mát rượi, soi bóng những mảnh trời xanh
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài đọc để trả lời.
Trả lời:
Vì bà lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu Thanh
Câu hỏi 5 trang 42 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Kể một vài việc làm thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của người thân đối với em.
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân để hoàn thành bài tập
Trả lời:
Việc làm thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của người thân đối với em.
- Bố đón hai chị em sau mỗi giờ tan học
- Ông bà luôn dành những món ăn ngon cho hai chị em
- Chị em luôn quan tâm, chơi cùng với em
Luyện từ và câu: Luyện tập về động từ trang 43
Câu hỏi 1 trang 43 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Tìm động từ trong các đoạn thơ, đoạn văn dưới đây:
a. Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành quân
Đầy đường
Lá khô
Gió cuốn
Bụi bay
Cuồn cuộn
Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lốc
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách
Cười
Trần Đăng Khoa
b. Mùa xuân về, những cành cây khẳng khiu bắt đầu nhú lộc biếc. Nắng ban mai tỏa khắp mặt đất, đánh thức mọi vật. Hai bên đường, những khóm hoa dại đua nhau nở.
Thanh Sơn
Phương pháp giải:
Em đọc các đoạn thơ, đoạn văn để tìm động từ.
Trả lời:
Động từ trong các đoạn văn, đoạn thơ trên:
a. Mặc, ra trận, múa gươm, hành quân, cuốn, bay, rung, nghe, gỡ, đu đưa, bế, rạch, cười, ghé.
b. Về, nhú, tỏa, đánh thức, nở
Câu hỏi 2 trang 43 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Tìm 2 – 3 động từ thể hiện tình cảm, cảm xúc của em:
Sau một tiết học vui
Khi nhận được lời khen
Khi được nghe một bài hát hoặc câu chuyện hay
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Sau một tiết học vui: cười đùa, yêu thích, phấn khích
Khi nhận được lời khen: vui vẻ, yêu đời
Khi được nghe một bài hát hoặc câu chuyện hay: thích thú, lắng nghe, chăm chú
Câu hỏi 3 trang 43 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đặt 1 – 2 câu với từ ngữ tìm được ở bài tập 2.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và đặt câu.
Trả lời:
- Sau giờ tan học, em cùng các bạn cười đùa vui vẻ
- Nay em được cô giáo khen, em rất vui
Câu hỏi 4 trang 43 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Chọn từ phù hợp trong ngoặc đơn thay cho mỗi *
Những ngày hai anh em Thanh về quê nội, bố mẹ rất *(lo, nhớ, mong). Mẹ còn *(sợ, lo, nghĩ) ông bà vất vả hơn khi phải chăm sóc các cháu. Bố thì *(mong, nhớ, nghĩ) đây là dịp hai đứa được gặp ông bà, họ hàng bên nội.
Cả hai anh em đều cảm thấy *(vui, nhớ, tiếc) khi những ngày hè trôi qua rất nhanh.
Minh Khuê
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và chọn từ phù hợp.
Trả lời:
Những ngày hai anh em Thành về quê nội, bố mẹ rất lo. Mẹ còn sợ ông bà vất vả hơn khi phải chăm sóc các cháu. Bố thì nghĩ đây là dịp hai đứa được gặp ông bà, họ hàng bên nội.
Cả hai anh em đều cảm thấy tiếc khi những ngày hè trôi qua rất nhanh.
Viết: Trả bài văn kể chuyện trang 44
Viết
Đề bài: Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe ca ngợi lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người.
Trả lời:
Học sinh nghe nhận xét của thầy cô trên lớp và sửa lại bài của mình theo nhận xét.
Vận dụng
Nói hoặc viết lời yêu thương gửi tới một người thân của em.
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân và nói lên suy nghĩ của mình.
Trả lời:
Nhân ngày mùng 8/3 con chúc mẹ ngày càng trẻ, sức khỏe dồi dào và con yêu mẹ nhiều lắm.
Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác: