TOP 30 bài Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Tải xuống 34 11.8 K 13

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 7 bài văn mẫu Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Đề bài: Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn".

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Quan niệm sống của ông cha ta được gửi gắm qua câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

2. Thân bài

a. Giải thích câu tục ngữ

- “gỗ”: chất lượng của đồ vật (ý chỉ phẩm chất bên trong của con người); “nước sơn”: hình thức bên ngoài.

- “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”: chất lượng bên trong quan trọng hơn hình thức bên ngoài.

=> Khẳng định rằng vẻ đẹp bên trong quan trọng hơn hình thức bên ngoài.

b. Ý nghĩa của câu tục ngữ

- Bất cứ đồ vật nào cũng nên xem xét chất lượng, đừng để vẻ bên ngoài hấp dẫn. Hình thức phải gắn liền với chất lượng.

- Đánh giá con người nên coi trọng nội dung bên trong (bản chất) hơn là hình thức bên ngoài vì:

+ Con người có đạo đức tốt, có năng lực cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nếu có hình thức tốt nữa (dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ, tác phong...) thì giá trị càng tăng.

+ Con người dù có hình thức bên ngoài đẹp đẽ mà trình độ, năng lực kém cỏi, tư cách không tốt thì cũng chỉ là loại người vô dụng.

3. Kết bài

Câu tục ngữ là một lời khuyên sáng suốt và thiết thực trong việc đánh giá sự vật và con người.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 1

Từ xưa đến nay, ông cha ta đã gửi gắm những kinh nghiệm quý báu của mình vào những câu ca dao, tục ngữ. Một trong số đó là câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Câu tục ngữ có hai lớp nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng. Đầu tiên về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là màu được tô vẽ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm phần màu sắc và thẩm mỹ. Còn nếu xét về nghĩa bóng, “gỗ” là nói tới chất lượng bên trong của đồ vật còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Suy rộng ra có thể hiểu lời khuyên từ câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua vẻ bề ngoài của người đó.

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta sử dụng những đồ vật được làm bằng gỗ. Nếu làm bằng loại gỗ tốt thì sẽ sử dụng được lâu bền. Còn nếu làm bằng gỗ xấu thì mau hư mục, cho dù được sơn phết đẹp đẽ. Điều đó cũng phù hợp khi đánh giá một con người. Con người có đạo đức tốt, có năng lực cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nếu có hình thức tốt nữa (dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ, tác phong...) thì giá trị càng tăng. Nhưng con người dù có hình thức bên ngoài đẹp đẽ (tốt mã) mà trình độ, năng lực kém cỏi, tư cách không tốt thì cũng chỉ là loại người vô dụng.

Chính vì vậy, mỗi học sinh cần chú ý rèn luyện bản thân từ tri thức cho đến kĩ năng hay đạo đức. Vẻ bề ngoài chỉ có thể gây ấn tượng cho người khác trong một thời gian ngắn. Cái chinh phục phải đến từ tâm hồn tốt đẹp bên trong.

Như vậy, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một lời khuyên giàu ý nghĩa. Hình thức bên ngoài rất quan trọng, nhưng tâm hồn bên trong, nhân cách tốt đẹp mới khiến người khác yêu mến, kính phúc.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 2

Tục ngữ là sản phẩm được đúc kết từ kinh nghiệm của ông cha ta. Và câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là lời khuyên nhủ sâu sắc dành cho con người trong cuộc sống.

Ông cha ta đã mượn hình ảnh vô cùng quen thuộc với cuộc sống của con người. Chắc hẳn trong mỗi gia đình đều có ít nhất một vật dụng được làm bằng gỗ như chiếc bàn, chiếc ghế, chiếc tủ… Chúng được con người làm ra từ gỗ, phủ lên những lớp sơn láng bóng để có tính thẩm mĩ cao. Nhiều người chỉ chú ý đến lớp nước sơn bóng nhoáng bề ngoài mà mà không chú ý đến lớp gỗ bên trong. Sau khi sử dụng một thời gian thì sản phẩm đã bị hư hại. Thế mới thấy gỗ tốt hơn là một lớp sơn bóng nhoáng, đẹp đẽ. Cũng giống như con người, khi nhìn vào hình thức bên ngoài thì không thể biết người đó là tốt hay xấu. Mà phải đánh giá phẩm chất, đạo đức và tâm hồn bên trong.

Câu tục ngữ vô cùng đúng đắn khi khuyên nhủ mỗi người về cách đánh giá người khác. Không thể phủ nhận được vai trò của ngoại hình trong cuộc sống. Khi nhìn thấy một người ăn mặc chỉn chu và sạch sẽ, chắc chắn mọi người đều sẽ có ấn tượng tốt đẹp. Nhưng đó yếu tố quyết định tất cả, mà còn phải xem đến cách hành động, cách cư xử của người đó. Có những người bên ngoài ăn mặc giản dị, nhưng họ lại có tấm lòng cao quý, đẹp đẽ. Có những người bên ngoài ăn mặc sang trọng, nhưng họ lại có tấm lòng xấu xa, ích kỷ. Cũng giống như chiếc bàn gỗ vậy, lớp sơn bao phủ bên ngoài khiến cho chiếc bàn trở nên sang trọng hơn. Nhưng nếu như bóc hết lớp sơn đó ra, bên trong sẽ chỉ thấy được lớp gỗ mục rũa mà thôi. Hình thức bên ngoài không tồn tại mãi với thời gian, chỉ có một nhân cách tốt đẹp, một tấm lòng cao cả mới để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chính là tấm gương cho một lối sống giản dị mà cao đẹp. Cách Bác đã sống một cuộc sống không giống với bất kì một vị chủ tịch hay tổng thống nào. Nơi ở của Bác - mà nhà văn gọi là “cung điện” của một vị Chủ tịch nước chỉ là một chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh cái ao. Chỉ vẻn vẹn có vài phòng để “tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ nghỉ”, đồ đạc trong đó cũng “rất mộc mạc, đơn sơ”. Từ nơi ở đến trang phục cũng “hết sức giản dị” - Bác chỉ có bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ. Cuối cùng là việc ăn uống của Bác cũng thật đam bạc, món ăn toàn là : cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa… những món ăn dân dã của vùng quê Việt Nam. Một con người giản dị, nhưng lại có trái tim yêu thương rộng lớn, nhân cách vĩ đại. Bác được cả thế giới biết đến, yêu thương và kính trọng.

Như vậy, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã giúp tôi nhận ra một bài học ý nghĩa. Mỗi người không nên quá chú trọng hình thức bên ngoài mà cần phải tích cực rèn luyện phẩm chất, đạo đức bên trong.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 3

Ông cha ta đã có những bài học vô cùng ý nghĩa để răn dạy con cháu qua những câu tục ngữ, ca dao. Một trong số đó là câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Câu tục ngữ mượn hai sự vật đã quen thuộc ở ngoài cuộc sống là “gỗ” và “sơn”. Xét về nghĩa đen, “Gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là màu được tô vẽ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm phần màu sắc và thẩm mỹ. Xét về nghĩa bóng, “gỗ” là nói tới chất lượng bên trong của đồ vật còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài. Từ hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” kết hợp với cách nói so sánh “hơn”, câu tục ngữ đã khuyên răn chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Mở rộng nghĩa, chúng ta có thể hiểu lời khuyên từ câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua vẻ bề ngoài của người đó.

Quả thật, ý nghĩa của câu tục ngữ trên là hoàn toàn đúng đắn. Đồ vật làm bằng gỗ tốt sẽ dùng được lâu. Đồ vật làm bằng gỗ xấu thì mau hư mục, cho dù được sơn phết đẹp đẽ. Con người cũng như vậy. Những người có đạo đức tốt, có năng lực cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nếu có hình thức tốt nữa (dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ, tác phong...) thì giá trị càng tăng. Con người dù có hình thức bên ngoài đẹp đẽ (tốt mã) mà trình độ, năng lực kém cỏi, tư cách không tốt thì cũng chỉ là loại người vô dụng. Bởi vậy mà chúng ta cần nhìn nhận một người qua phẩm chất, đạo đức chứ không phải ở vẻ bên ngoài.

Đồng thời câu tục ngữ cũng muốn nhắn nhủ con người không nên nhìn bề ngoài mà đánh giá bên trong. Khi nhìn thấy một thanh niên xăm trổ, nhiều người nghĩ rằng đó là người xấu xa, ăn chơi. Nhưng ít ai biết rằng chính người thanh niên đó đã giúp đỡ một bà lão ăn xin qua đường, đưa một đứa trẻ lạc đến đồn cảnh sát. Cũng có không ít người ăn mặc sang trọng, đẹp đẽ và tỏ vẻ thanh lịch nơi đông người. Nhưng họ lại nói ra những lời bất lịch sự, nhẫn tâm đánh đập những người nghèo khổ.

Mỗi học sinh cần tích cực rèn luyện phẩm chất, trở thành những con người có tâm hồn đẹp. Đồng thời, chúng ta cũng cần hạn chế chạy theo những giá trị hào nhoáng bên ngoài, những “nước sơn” chỉ đẹp đẽ mà không lâu bền.

Tóm lại, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” quả thật đã đưa ra một lời khuyên đúng đắn. Mỗi người hãy ghi nhớ câu tục ngữ trên để tích cực rèn luyện bản thân, trở thành một người có ích cho xã hội.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 4

Tục ngữ là một trong những thể loại thuộc văn học dân gian Việt Nam. Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã đưa ra một lời khuyên bổ ích cho con người.

Câu tục ngữ dùng hai sự vật “gỗ” và “nước sơn” để làm một phép so sánh. Đầu tiên, “dỗ” là chất liệu để làm đồ dùng như tủ, giường, bàn, ghế… Còn “nước sơn” là chất liệu để quét lên lớp bên ngoài cho các đồ dùng ấy thêm đẹp thêm bền. Nhiều người chỉ chú ý đến lớp nước sơn bóng nhoáng bề ngoài mà đã mua phải một đồ dùng bằng gỗ xấu hoặc gỗ mọt. Ông cha ta với kinh nghiệm sống của mình đã kết luận là: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Qua hình ảnh trên, câu tục ngữ đưa ra một lời khuyên về cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật, con người. Chúng ta đừng để cái vỏ hình thức hào nhoáng bên ngoài mê hoặc mà phải coi trọng cái thực chất bên trong. Ngoài ra, câu này còn bao hàm một lời khuyên về cách sống: Hãy sống chân thật bằng thực chất của mình, chân thành trong cách đối nhân xử thế, đừng ba hoa, khoác lác lòe đời bằng cái vỏ hình thức giả tạo, “chớ khéo đem cái mã bề ngoài để che đậy cái sơ sài bên trong”.

Như mọi câu tục ngữ khác, câu tục ngữ này cũng là đúc rút kinh nghiệm của cha ông chúng ta, trải qua biết bao thế hệ, với bao thành bại, nên hư, vấp váp mới đúc rút thành chân lí: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi nhìn nhận đánh giá một sự vật, ta phải thấy rằng giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong, không phải lúc nào cũng thống nhất mà thông thường thì những sự vật có thực chất kém cỏi lạ thường một hình thức lôi cuốn hấp dẫn. Một vật dụng như chiếc tủ, chiếc giường, chiếc bàn bằng gỗ tạp lại được sơn phết, tô điểm với nước sơn bóng nhoáng, màu mè. Mỗi kẻ vô tài thường làm ra vẻ lịch duyệt, hiểu biết. Những kẻ “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội. Do đó, trong tiếp xúc thường ngày với mọi sự vật, mọi con người phải chú trọng vào chất lượng bên trong của sự vật, vào vẻ đẹp tâm hồn của con người chớ đừng vì bóng sắc hấp dẫn bên ngoài mà quên đi cái mục ruỗng, thối nát, xấu xa và vô vị bên trong. Bởi vì nghĩ cho kĩ, suy cho cùng, nếu chân giá trị của vật dụng là chất gốc thì chân giá trị của con người chính là đạo đức tài năng và trí tuệ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên xem nhẹ hình thức. Một vật dụng, một món hàng đã có chất lượng tốt, lại có hình thức đẹp đẽ, ưa nhìn sẽ thu hút được người tiêu dùng hơn. Hình thức bên ngoài sẽ góp phần làm tăng thêm cho giá trị bên trong. Đối với một con người cũng vậy, có học vấn, đạo đức lại nói năng lịch sự thanh nhã, ăn mặc gọn gàng, sạch đẹp dễ làm ta thêm quý trọng hơn hẳn người tuy cũng có tài năng, đạo đức nhưng ăn nói thô lỗ, cộc cằn, áo quần xốc xệch. Nội dung và hình thức là hai mặt đối lập mà thống nhất, luôn gắn bó với nhau.

Tóm lại, câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không những chỉ giúp ta một phương châm đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá, chọn lọc ở đời mà còn giúp ta một phương châm trong cách đối nhân xử thế. Bài học mà câu tục ngữ này dạy ta thật là đúng đắn và sâu sắc.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 5

Từ thực tế cuộc sống vất vả, gian lao và đầy thử thách, nhân dân ta đã rút ra cách đánh giá, nhìn nhận sự vật và con người. Người xưa thường “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền” và coi trọng nội dung bên trong hơn là hình thức bên ngoài: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Vậy quan điểm ấy đúng hay không đúng và trong hoàn cảnh ngày nay, có cần bổ sung thêm điều gì chăng?

Tất cả các sự vật đều có hai mặt là nội dung và hình thức. Mặt nội dung còn gọi là chất lượng của sản phẩm thường được đánh giá cao. Tuy vậy, hình thức cũng có vai trò quan trọng trong việc khẳng định nội dung.

Thực tế cho thấy các đồ vật làm bằng gỗ tốt, gỗ quý (giường, tủ, bàn, ghế...) có thời gian sử dụng rất lâu dài và càng về sau càng đẹp. Người ta chỉ cần bào nhẵn, đánh bóng chúng bằng một lớp vecni là đủ. Trong khi đó những đồ dùng bằng gỗ xấu, gỗ tạp lại hay được sơn phết hào nhoáng bên ngoài. Dù có đẹp đến đâu chăng nữa thì chúng cũng rất mau hỏng. Vì thế cho nên mọi người chuộng tốt, chuộng bền mà coi nhẹ hình thức của đồ vật. Nhưng cũng như bao câu tục ngữ khác, câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là lời khuyên thiết thực, đúng đắn về cách nhìn nhận, đánh giá con người. Chúng ta thấy rõ tính nhất quán trong việc khẳng định sự hơn hẳn của nội dung bên trong so với hình thức bên ngoài.

Lời khuyên này rất đúng vì nó được đúc kết từ kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ. Đánh giá một con người cần phải trải qua thời gian khá dài, không thể chủ quan, hồ đồ, rất dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí gây nên những hậu quả tai hại khó lường. Điều mà ai cũng phải thừa nhận là người có đạo đức tốt, trình độ hiểu biết sâu rộng, năng lực làm việc cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, không có được những phẩm chất tốt đẹp ấy thì khó có thể thành công trên đường đời, cho dù con người ấy hình thức bên ngoài có hào nhoáng, đẹp đẽ đến đâu chăng nữa. Người xưa đã dùng cách gọi hàm ý châm biếm những kẻ chỉ có hình thức bên ngoài, hay dùng hình thức bên ngoài để lừa bịp người khác, để che giấu những xấu xa, khiếm khuyết bên trong... là lại “tốt mã dẻ cùi” nói thẳng ra là vô dụng, chẳng có giá trị gì.

Ngày nay, chúng ta nên đánh giá con người như thế nào cho đúng. Chúng ta cần biết, giữa nội dung và hình thức có mối tương quan với nhau. Nội dung quyết định hình thức, hình thức làm tăng thêm giá trị của nội dung. Vì vậy, khi nhận xét đánh giá về một người nào đó, ta hãy bình tĩnh, sáng suốt tìm hiểu, phân tích để có được những kết luận đúng đắn và chính xác nhất.

Đồng quan điểm với người xưa ta vẫn lấy phẩm chất (đạo đức, tài năng...) làm tiêu chuẩn cơ bản, làm thước đo giá trị con người. Hãy căn cứ vào chất lượng và mục đích của công việc mà đánh giá người tốt, kẻ xấu và hãy đặt người ấy vào mối quan hệ với gia đình, nhà trường, xã hội. Người tốt là người có lương tâm, trách nhiệm với bản thân, với mọi người trong mọi hoàn cảnh. Xưa nay, các bậc vĩ nhân, các nhà bác học... thường rất giản dị. Giản dị nhưng nghiêm túc là tôn trọng mình, tôn trọng người khác và điều đó lại trở nên rất thanh cao, cao quý. Trái lại, những kẻ thích phô trương hình thức thì bên trong lại hời hợt và trống rỗng. Đương nhiên, cùng với việc chú trọng nội dung nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ hình thức, bởi hình thức phần nào phản ánh nội dung.

Câu tục ngữ là một lời khuyên sáng suốt, thiết thực trong cách đánh giá sự vật và con người trong mọi hoàn cảnh, đồng thời đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai chỉ chạy theo hình thức hào nhoáng bên ngoài mà quên đi phẩm chất tốt đẹp - yếu tố cơ bản tạo nên giá trị đích thực của một con người. Để phấn đấu vươn lên, ta cần phải học tập và rèn luyện, tu dưỡng để “tốt gỗ” đồng thời có được tư cách, lối sống đẹp như “nước sơn”.

Giải thích câu Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (15 mẫu) - Văn 7

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 6

Từ xưa tới nay, tục ngữ đã cho ta bao lời khuyên, bao kinh nghiệm quý giá. Một trong những kinh nghiệm bổ ích đó là mối quan hệ giữa phẩm chất đạo đức con người với hình thức bề ngoài. Điều đó được thể hiện qua câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Trước tiên, ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ. Câu tục ngữ đã đưa ra hai hình ảnh cụ thể “gỗ và nước sơn”. Gỗ là vật liệu để làm nên đồ vật. Gỗ tốt sẽ làm nên những vật dụng tốt. Gỗ xấu sẽ làm nên những vật dụng chống hư hỏng. Nước sơn là vật liệu để quét lên đồ vật làm cho đồ vật thêm đẹp, thêm bền. Câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” muốn khẳng định khi đánh giá độ bền của một vật dụng, chúng ta phải chú ý đến chất lượng gỗ để tạo nên đồ vật ấy, chứ không nên chỉ đánh giá bề ngoài của lớp sơn. Từ ý nghĩa rất thực trong cuộc sống, tác giả dân gian đã đề cao phẩm chất đạo đức của con người là quan trọng hơn tất cả vẻ đẹp của hình thức bên ngoài.

Tại sao ông cha ta lại nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”? Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã đề cao lối sống đạo đức, nhân cách của con người. Một con người có phẩm chất đạo đức tốt thì trong bất kì hoàn cảnh nào, trong bất kì công việc nào họ cũng hoàn thành một cách tốt đẹp. Trái lại, một con người chỉ chú ý đến hình thức bên ngoài mà quên đi nhân cách, đạo đức và lối sống thì con người đó sẽ bị mọi người xa lánh. Vì vậy, một người có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt bao giờ cũng được mọi người quý trọng tin yêu. Ông cha ta đã từng nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp” quả không sai. Và nếu, một người nào đó vừa có phẩm chất đạo đức tốt lại có hình thức bề ngoài lịch sự, nhã nhặn thì con người đó càng được tôn trọng hơn. Nội dung quyết định hình thức, và hình thức góp phần nâng cao giá trị của nội dung.

Hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ, học sinh chúng ta phải làm gì để có được phẩm chất đạo đức tốt. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức sao cho tốt. Phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” để hoàn thiện nhân cách của người học trò. Và trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng có thể rèn luyện để làm cho phẩm chất của mình ngày càng tốt hơn góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn.

Câu tục ngữ thực sự là một bài học quý giá để mỗi học sinh chúng ta nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nếp sống văn minh.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 7

Cái nết đánh chết cái đẹp là lời nhận định của người xưa nhằm nhắc nhở con cháu một bài học về kinh nghiệm sống ở đời, và nhận xét đánh giá con người. Khi nhận xét đánh giá một người nào đó ta cần chú ý đến nết na, đức hạnh hơn là cái dáng vẻ bên ngoài. Điều này lại được khẳng định một lần nữa trong câu tục ngữ giàu hình ảnh: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Câu tục ngữ là một lời khuyên thật giản dị, nêu lên hai chất liệu hết sức gần gũi và quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Đó là “gỗ” và “nước sơn”. Gỗ là chất liệu dùng để tạo nên vật dụng như tủ, bàn, ghế. Còn “nước sơn” là chất liệu dùng để quét bên ngoài nhằm làm tăng thêm vẻ đẹp của đồ vật. Muốn có một đồ vật bền ta nên chú ý đến chất gỗ bên trong, đừng vì màu sắc hào nhoáng bên ngoài mà dễ bị nhầm lẫn. Qua kinh nghiệm trong cuộc sống, ông bà ta đã kết luận "gỗ tốt" hơn hẳn "nước sơn" đẹp. Từ nghĩa thực ấy, câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta nên thận trọng hơn trong cách nhìn và thực tế hơn trong cách sống, không nên dựa vào hình thức bên ngoài mà phải chú ý quan tâm đến chất lượng, phẩm giá bên trong để phán xét vấn đề. Thật vậy, thực chất bên trong của sự vật, cũng như đạo đức, năng lực của con người phải có giá trị hơn hẳn cái hình thức dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài. Và lời khuyên ấy là một bài học quý báu cho mỗi chúng ta.

Trong thực tế của cuộc sống, mọi sự vật, mỗi con người thì giữa hình thức và nội dung, giữa vẻ bên ngoài và thực chất bên trong không phải lúc nào cũng thống nhất nhau. Thường những vật có chất lượng kém thường được mang một hình thức thật hấp dẫn. Cái tủ, cái bàn làm bằng gỗ xấu thì luôn có một lớp sơn sặc sỡ bên ngoài bao phủ. Cũng như người độc ác, bất tài thường được che giấu bởi lớp vỏ bên ngoài thật lịch sự, sang trọng...

Đứng trước những trường hợp ấy phải tỉnh táo và sáng suốt để nhận định đánh giá, để không bị nhầm lẫn. Và nếu phải chọn lựa thì ta nên lấy nội dung, chất lượng bên trong làm chuẩn, làm thước đo để đánh giá. Là vật dụng ta chú ý đến chất gỗ, là con người ta nên quan tâm đến đạo đức, trình độ năng lực của người ấy. Có như vậy, ta mới không hối tiếc sau này. Bởi lẽ, hình thức bên ngoài không thể bền lâu, rồi cũng sẽ tàn phai theo năm tháng, còn cái trường tồn vững chắc vẫn là cái cốt lõi bên trong. Ngoài ra, câu tục ngữ còn giúp ta một phương châm ở đời, đó là tu dưỡng rèn luyện bản thân. Đừng mải mê chạy theo hình thức mà quên đi cái giá trị của con người là phẩm hạnh, là tài năng, trí tuệ. Đây là một lời giáo dục thật đúng đắn để giúp chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống.

Tóm lại, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã giúp cho ta có một bài học kinh nghiệm về cách nhận định đánh giá đồ vật hoặc con người. Hiểu đúng, vận dụng đúng lời khuyên dạy trên chúng ta sẽ ít vấp phải sai lầm. Cũng từ bài học này giúp ta biết cách rèn luyện, tu dưỡng bản thân để tự nâng cao phẩm chất của một người học sinh; đồng thời ta cũng thấy rõ hơn mối quan hệ hỗ tương giữa hai mặt nội dung và hình thức để ta phấn đấu vươn lên thành người toàn diện, giúp ích cho đất nước quê hương.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 8

Dân tộc Việt Nam có rất nhiều những câu tục ngữ hay nhằm giáo dục lại ý thức và suy nghĩ của con người, đúng như câu tục ngữ này đã nói “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” - câu tục ngữ này mang lại những bài học có giá trị và ý nghĩa nhất đối với mỗi con người bởi nó để lại những hiểu biết thấu đáo nhất và có giá trị nhất.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” khẳng định chất liệu gỗ sẽ được coi trọng nhiều hơn là nước sơn bên ngoài. Nhưng ý nghĩa sâu xa mà câu này muốn thể hiện đó là chúng ta nên coi trọng chất lượng hơn là mẫu mã bên ngoài, bởi những điều đó mới thực sự đem lại ý nghĩa to lớn cho mỗi con người. Những hình ảnh mang đậm giá trị trong cuộc sống và chúng ta nên đề cao chất lượng của sản phẩm, xem nó có chắc, có bền và có giá trị không để từ đó chọn lựa cho chính xác, không nên chỉ đánh giá sự vật hiện tượng từ bề ngoài như vậy sẽ làm cho chúng ta có những phán đoán sai lầm và không đúng với những gì có trong sự vật hiện tượng. Từ xưa đến nay nhân dân ta đã luôn luôn coi trọng về chất lượng hơn là số lượng hay mẫu mã. Những sản phẩm đó cần phải được tạo ra một cách có giá trị và nó hiệu quả nhất, nó đem lại những điều cần thiết và vô cùng quan trọng cho mỗi người, bởi niềm tin mà chúng ta làm nên nó mới chính là những sản phẩm có giá trị nhất.

Câu tục ngữ trên là một bài học quý giá cho mỗi con người trong mọi việc không nên đánh giá mọi thứ từ bên ngoài. Đó chỉ là cái vỏ bọc của sự vật hiện tượng cần phải có cái nhìn đúng đắn chính xác hơn về nó thông qua những đặc tính bên trong, giống như con người cũng như vậy chúng ta không nên đánh giá đối phương qua vẻ bên ngoài của họ bởi nó chỉ làm cho chúng ta hiểu không chính xác về con người đó, muốn đánh giá được chính xác chúng ta phải đánh giá từ bên trong từ những đặc điểm xuất phát từ tâm hồn từ trái tim của họ.

Mỗi chúng ta nên biết đánh giá mọi thứ một cách chín chắn và toàn diện hơn, bởi tốt gỗ hơn tốt nước sơn, chính vì vậy cần phải coi trọng chất lượng hơn mẫu mã.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 9

Kho tàng dân ca, ca dao có rất nhiều câu nói hay về đánh giá con người và đồ vật. Một trong số đó là câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để lại những bài học giá trị.

Câu tục ngữ đưa ra hai hình ảnh gần gũi đó là “gỗ” và “nước sơn”. “Gỗ” là vật liệu làm thành các đồ dùng, còn “nước sơn” thì dùng quét lên trên bề mặt của gỗ giúp gỗ trở nên đẹp, bền hơn. Mà gỗ tốt thì sẽ làm nên những đồ dùng tốt và ngược lại khi gỗ xấu thì dù quét lên lớp sơn đẹp đẽ nhất, tốt nhất thì nó cũng sẽ nhanh hỏng. Mọi vật tồn tại trên đời đều có hai mặt đó là nội dung và hình thức. Hình thức là bên ngoài trực tiếp nhìn thấy bằng mắt thường. Nội dung là bên trong, chất lượng phải kiểm định trong thời gian dài mới thấy được. Bên cạnh đó, nội dung và hình thức không phải lúc nào cũng tương đồng cùng nhau. Một vật có hình thức đẹp nhưng chưa chắc chất lượng. Nhận biết tốt xấu như thế nào thì quan niệm của cha ông ta đã đưa ra là rất hữu ích cho cuộc sống chúng ta.

Qua câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhằm khẳng định muốn đánh giá một thứ là tốt hay xấu thì chúng ta cần phải xem xét kỹ cái chất lượng bên trong chứ không phải hình thức bên ngoài. Ông cha ta đã đề cao phẩm chất đạo đức hơn là vẻ đẹp đẹp bên ngoài. Câu tục ngữ đã được rút ra từ kinh nghiệm sống, người có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ hiểu biết cao tất sẽ là người làm được việc, mọi người tin cậy. Phẩm chất đạo đức tốt nếu được giao công việc họ sẽ cố gắng, chăm chỉ để hoàn thành công việc. Trái lại khi giao việc cho một người có bề ngoài hào nhoáng, lời nói hoa mỹ, họ chỉ thực sự giỏi nói chứ làm thì còn phải xem lại.

Trong thực tế hình thức và nội dung có thể không thống nhất với nhau. Nhiều khi chúng ta thấy một đồ vật đẹp, lung linh nhưng thực chất lại làm từ nguyên liệu dễ hỏng và độc hại. Nhất là con người, khi mà cuộc sống ngày càng hiện đại khoảng cách con người càng lớn, giản dị, chất phác thời xưa dần dần suy thoái và gần như biến mất. Con người ngày càng giả tạo, che giấu bản chất bên trong. Vì vậy trước khi đánh giá một ai đó chúng ta luôn phải tỉnh táo suy xét và không nên vội vàng đưa nhận định qua dáng vẻ bề ngoài.

Như vậy, câu tục ngữ trên đã để lại bài học cho chúng ta. Mỗi người hãy ghi nhớ rằng phẩm chất và đạo đức, tài năng thực sự mới là điều quan trọng chứ không hẳn là vẻ đẹp bên ngoài.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 10

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một câu tục ngữ có giá trị và ý nghĩa với nhiều người về đánh giá nhìn nhận sự vật, con người trong xã hội. Đây cũng là câu tục ngữ phổ biến mà cha ông ta đã để lại.

Trước hết, cần hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ trên. Chất liệu gỗ coi trọng nhiều hơn là nước sơn bên ngoài, ý nghĩa sâu xa mà câu này muốn thể hiện đó là chúng ta nên coi trọng chất lượng hơn là hình thức của bên ngoài, chất lượng mới mang lại ý nghĩa cho con người, không nên chỉ đánh giá sự vật hiện tượng từ bề ngoài như vậy sẽ làm cho chúng ta có những phán đoán sai lầm và không đúng. Từ xưa đến nay nhân dân ta đã luôn luôn coi trọng về chất lượng hơn là số lượng, sản phẩm cần phải được tạo ra một cách có giá trị và hiệu quả nhất.

Câu tục ngữ trên mang lại bài học quý giá về việc học hỏi và vận dụng, chúng ta nên xem trọng về chất lượng chứ không đánh giá cao vẻ bề ngoài của sản phẩm. Sản phẩm được làm bằng chất liệu gỗ lim nhưng bên ngoài không được sơn bóng và có mẫu mã đẹp nhưng vẫn được con người lựa chọn nhiều hơn là những sản phẩm làm từ những gỗ tạp nhưng bên ngoài được trang trí đẹp.

Câu tục ngữ trên cũng là bài học quý giá cho mỗi con người trong mọi việc không nên đánh giá mọi thứ từ bên ngoài, muốn đánh giá được chính xác chúng ta phải đánh giá từ bên trong đó là chất lượng sản phẩm và nhân cách của con người. Đó là truyền thống quý báu dân tộc, nhắc nhở chúng ta cần phải xem xét mọi điều từ bên trong và trải nghiệm từ xưa đến nay chúng ta có thể thấy điều đó rất dễ dàng, thể hiện những điều tốt nhất từ con người. Trong cuộc sống hiện nay, con người cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn, nó sẽ chi phối mạnh mẽ mọi việc làm của chúng ta và đem lại những điều có giá trị và ý nghĩa nhất. Xem trọng và đánh giá cao những điều bên trong chỉ có nó mới mang lại những giá trị đích thực hơn là vẻ ngoài phù phiếm.

Mỗi người hãy ghi nhớ câu tục ngữ như một bài học quý giá để từ đó có cách sống đúng đắn. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” quả là một câu tục ngữ giàu giá trị.

Viết mở bài bàn luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - Theki.vn

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 11

Tục ngữ là những câu đã được ông cha ta đúc kết và đưa ra nhiều lời khuyên, kinh nghiệm quý giá cho con người. Trong đó có nhiều câu nói thể hiện mối quan hệ giữa phẩm chất đạo đức con người so với hình thức bề ngoài, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là câu tục ngữ phản ánh mối quan hệ đó.

Tìm hiểu về nghĩa đen và nghĩa bóng của câu tục ngữ. Câu tục ngữ chỉ ra các hình ảnh quen thuộc đó là “gỗ và nước sơn”. Đầu tiên, “gỗ” là vật liệu tạo ra đồ vật. Gỗ tốt tạo nên đồ vật bền và tốt. Gỗ xấu sẽ khiến đồ vật nhanh hư hỏng. “Nước sơn” là chất quét bên ngoài có tác dụng trang trí cho đồ vật. Như vậy, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” muốn nói rằng muốn đánh giá độ bền vật dụng, chúng ta nên chú ý vào chất lượng gỗ chứ không nên chỉ đánh giá bề ngoài của đồ vật thông qua lớp sơn. Từ đây câu tục ngữ cũng ca ngợi phẩm chất đạo đức của con người là quan trọng hơn với hình thức bên ngoài.

Từ xa xưa, ông cha đề cao lối sống của con người lúc nào cũng phải đạo đức, nhân cách. Một con người phẩm chất đạo đức tốt đẹp dù trong mọi hoàn cảnh cũng sẽ hoàn thành mọi công việc, trách nhiệm.

Câu tục ngữ trên cũng giúp học sinh nên rèn luyện phẩm chất đạo đức. Trước tiên phải “Học ăn, học nói, học gói, học mở” biết cách ứng xử, giao tiếp với người khác. Đạo đức, nhân cách tốt cũng sẽ giúp chúng ta được tin yêu và quý mến. Vẻ bề ngoài chỉ là thứ yếu, tuy nhiên nếu như hoàn thiện cả nhân cách và hình thức bên ngoài sẽ giúp chúng ta trở nên hoàn hảo.

Câu tục ngữ không chỉ đưa ra lời khuyên mà còn là bài học quý giá giúp học sinh không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân trở nên hoàn thiện và trở thành con người có ích.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 12

Kho tàng tục ngữ của dân tộc Việt Nam đã chứa đựng nhiều bài học quý giá. Một trong số đó là câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” thể hiện cách nhìn nhận đánh giá con người.

Trước hết, về nghĩa đen của câu tục ngữ có thể hiểu rằng một vật dụng khi được làm bằng gỗ, nếu gỗ có chất lượng tốt thì dù lớp sơn bên ngoài xấu xí thì vẫn sẽ bền chắc. Còn nếu hiểu theo nghĩa đen, “gỗ” ý chỉ chất lượng (của đồ vật) hoặc chỉ bản chất bên trong (của con người); “nước sơn” chỉ hình thức bên ngoài. Câu tục ngữ muốn khẳng định đối với một con người, tâm hồn hay phẩm chất bên trong quan trọng hơn so hình thức bên ngoài.

Chúng ta có thể khẳng định câu tục ngữ trên là hoàn toàn đúng đắn. Một con người có đạo đức tốt, có năng lực cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nếu có hình thức tốt nữa (dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ, tác phong...) thì giá trị càng tăng. Con người dù có hình thức bên ngoài đẹp đẽ (tốt mã) mà trình độ, năng lực kém cỏi, tư cách không tốt thì cũng chỉ là loại người vô dụng. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều người họ không có được một vẻ bề ngoài đẹp, nhưng lại có một tâm hồn đẹp, tài năng và vô cùng giỏi giang. Những người khuyết tật dù không có một ngoại hình hoàn hảo. Nhưng họ là những con người sống nghị lực, luôn khao khát sống có ích và cống hiến cho cuộc sống. Đó chính là biểu hiện của câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Nhưng có nhiều người chỉ biết nhìn nhận vẻ bên ngoài để đánh giá qua phẩm chất đạo đức, năng lực của người khác. Hoặc có những người chỉ coi trọng vẻ bề ngoài mà không chịu trau dồi trí tuệ, nhân cách của bản thân. Bởi đó mới là những giá trị tồn tại lâu dài với thời gian. Còn sắc đẹp bên ngoài rồi cũng sẽ tàn phai theo năm tháng.

Như vậy, đối với một học sinh cần phải có lựa chọn đúng đắn giữa nội dung và hình thức. Chúng ta cần cố gắng tích lũy kiến thức, rèn luyện phẩm chất và biết yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh. Chỉ có một tâm hồn đẹp mới khiến người khác cảm thấy yêu thương bạn mãi mãi.

Tóm lại, câu tục ngữ là một lời khuyên sáng suốt và thiết thực trong việc đánh giá sự vật và con người. Hãy ghi nhớ câu tục ngữ này như một bài học quý giá để từ đó trở thành một con người sống đẹp hơn.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 13

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là câu tục ngữ mà ông cha ta muốn đề cao vẻ đẹp bên trong, hơn là hình thức bên ngoài. Từ đó, chúng ta ý thức được việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức của bản thân.

Theo nghĩa đen, “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, thường dùng làm vật liệu xây dựng hay nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là lớp sơn phủ bên ngoài các đồ vật được làm bằng gỗ để tránh mối mọt và đem lại tính thẩm mĩ. Khi lựa chọn một sản phẩm, chúng ta cần coi trọng chất lượng, không nên quá chú trọng hình thức bên ngoài. Theo nghĩa bóng, “gỗ” là nói tới phẩm chất bên trong, còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng qua từ “hơn”. Câu tục ngữ là lời khuyên khi đánh giá một con người, nên coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua hình thức bên ngoài.

Câu chuyện về chàng Sọ Dừa đã thể hiện được ý nghĩa của câu tục ngữ trên. Khi vừa sinh ra, Sọ Dừa có ngoại hình xấu xí - không chân không tay tròn như một quả dừa. Bà mẹ toan vứt đi nhưng nghe con nói, liền giữ lại nuôi. Lớn lên, chàng xin đi chăn bò cho phú ông. Ba cô con gái nhà phú ông thay phiên nhau đưa cơm cho chàng. Nhưng hai cô chị luôn tỏ ra khinh thường. Chỉ duy có cô con gái út là đối đãi tử tế với chàng. Hết mùa ở, Sọ Dừa xin mẹ đến nhà phú ông hỏi vợ cho. Phú ông thách cưới rất nặng. Nhưng chàng vẫn chuẩn bị được đầy đủ sính lễ để mẹ đen sang nhà phú ông. Khi phú ông hỏi ý kiến của ba cô con gái, chỉ có cô út là bằng lòng. Đến ngày cưới, Sọ Dừa thì trở về hình dáng con người là một chàng trai khôi ngô tuấn tú khiến tất cả mọi người đều kinh ngạc, còn hai cô chị thì vừa ghen vừa tức. Sau này, Sọ Dừa thi đỗ trạng nguyên được cử đi sứ, vượt qua sóng gió và chợ chồng đoàn tụ hạnh phúc. Truyện Sọ Dừa chính là bài học về việc không nên nhìn nhận, đánh giá con người chỉ qua vẻ bề ngoài của họ. Điều quan trọng là vẻ đẹp phẩm chất bên tốt đẹp bên trong.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là câu tục ngữ ngắn gọn, nhưng giàu giá trị. Con người cần rèn luyện tích cực để bản thân trở thành một người tốt đẹp.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 14

Xã hội ngày càng phát triển, tam quan của con người và các nhận thức về hình thái thẩm mỹ đã có rất nhiều thay đổi so với trước đây. Chúng ta đều biết rất rõ ràng đã qua rồi cái thời ăn chắc mặc bền, cơm no áo ấm là có thể thỏa mãn con người, tất cả chúng ta đều bắt đầu có ý thức đầu tư vào một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, trong đó việc đầu tư vào nâng cao giá trị của bản thân, đặc biệt là việc chăm chút cho ngoại hình ngày càng được xem trọng. Có đôi khi người ta còn chú ý đến ngoại hình một cách quá mức, thậm chí là bỏ qua việc chăm chút cho trí tuệ, nhân phẩm và các giá trị khác, điều đó làm dấy lên các quan ngại về tầm quan trọng của ngoại hình trong thời buổi hiện tại, liệu có phải xấu xí sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, và xinh đẹp thì sẽ có một cuộc đời thuận lợi? Liệu câu nói "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" mà ông bà ta vẫn thường hay nói có còn giữ nguyên giá trị?

Trước hết nói về câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" này, ý muốn nói rằng khi người ta nhận định một thứ gì đó làm bằng gỗ người ta sẽ chú ý đến chất gỗ, thớ gỗ hơn là nhìn nhận nước sơn, màu sắc trang trí ở bên ngoài. Cũng có nghĩa rằng một thứ đồ làm bằng các loại gỗ quý như lim, sưa, trắc, gụ,... dù màu sắc không hề bắt mắt những vẫn được đánh giá cao hơn hàng nghìn lần so với thứ đồ làm bằng loại gỗ tạp nham, mục rỗng mà được sơn sửa đẹp đẽ, thứ chỉ lừa được những kẻ tay mơ, ham vẻ bề ngoài. Khi nói về phẩm chất của con người, câu tục ngữ nhấn mạnh tầm quan trọng của những vẻ đẹp, phẩm chất, tính cách và thế giới nội tâm của mỗi cá nhân. Đánh giá cao những con người có tâm hồn đẹp hơn là những người chỉ được cái vẻ bề ngoài xinh xắn nhưng không có nội hàm, không có cốt cách. Mục đích chính của câu tục ngữ là khuyên răn con người nên chú ý làm giàu, trân trọng những vẻ đẹp từ sâu thẳm bên trong, những giá trị liên quan đến phẩm chất đạo đức, trí tuệ. Đừng chỉ chăm chuốt vẻ bề ngoài cho thật lộng lẫy nhưng bên trong thì trống rỗng như một cái vỏ xinh đẹp mà không có nhiều ý nghĩa.

Trước hết định nghĩa về vẻ đẹp bên ngoài, tức là những đặc điểm nổi bật bề ngoài mà chỉ cần nhìn vào là chúng ta đã có thể nhận biết. Dĩ nhiên đẹp hay xấu thì mỗi người có một cách nhìn nhận nhưng ở một góc độ nào đó vẻ bề ngoài thường được đánh giá bằng các tiêu chí chung. Ví như mắt bồ câu, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, môi trái tim, lông mày lá liễu, da trắng, dáng chuẩn là những tiêu chuẩn tuyệt đối của vẻ đẹp con người đã có từ xa xưa. Ngày nay thì tiêu chuẩn của ngoại hình có phần thay đổi hơn rất nhiều nhưng cũng không quá xa rời với tiêu chuẩn cũ mà chỉ là cách tân thêm một chút. Vậy ngoại hình có quan trọng không? Tôi xin phép được khẳng định rằng ngoại hình rất quan trọng, từ xa xưa đã như vậy, những cô gái có vẻ ngoài xinh xắn thì thường được để ý, săn sóc nhiều hơn, nói chung chỉ còn hơi có duyên một chút là đã được ưu ái hơn rất nhiều.

Đặc biệt trong thời buổi kinh tế thị trường, ngành dịch vụ chiếm ưu thế quan trọng, thị hiếu của khách hàng trong tất cả các khâu đều được đặt lên hàng đầu, thế nên việc có một đội ngũ nhân viên chỉn chu, bắt mắt cũng giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng nhiều hơn. Bởi tâm lý chung của con người là yêu thích cái đẹp, thấy cái đẹp thì tâm trạng sẽ trở nên tốt hơn, thoải mái hơn. Đặc biệt việc có một ngoại hình tương đối cũng ảnh hưởng tương đối đến tính cách của con người, một người khi nhìn ra được lợi thế thu hút người khác của mình thì dần trở nên tự tin, vui vẻ và yêu đời hơn, từ đó họ lại càng có ý chí phấn đấu để tự khẳng định bản thân mình trong xã hội.

Đó là định nghĩa về vẻ đẹp ngoại hình, vậy thế nào là vẻ đẹp bên trong? Đã gọi là vẻ đẹp bên trong thì tức là những thứ mà bằng mắt thường chúng ta không thể nào đánh giá ngay từ lần đầu tiếp xúc, mà để nhìn nhận được rõ ràng thì chúng ta cần có một khoảng thời gian nhất định. Đó bao gồm những những giá trị đạo đức, nhân phẩm cao đẹp như lòng bao dung, nhân hậu, tính trung thực, lòng tự trọng, sự dũng cảm, kiên trì, lòng yêu nước,... Là vẻ đẹp của một tâm hồn giàu tri thức, trí tuệ, biết lắng nghe, biết thấu hiểu, biết trân trọng những gì đang có, biết cố gắng nỗ lực hoàn thiện bản thân. So với vẻ đẹp ngoại hình thì vẻ đẹp tâm hồn lại càng quan trọng đối với mỗi cá nhân, nó quyết định vị trí, vai trò của con người trong cộng đồng, trong xã hội, quyết định xem con người đó liệu có thành công, có một cuộc sống, ý nghĩa và hạnh phúc hay không. Hơn thế nữa, vẻ đẹp ngoại hình có thể tàn phai theo năm tháng, nhưng những vẻ đẹp đến từ bên trong con người thì chỉ có thể ngày một sáng rõ và tươi đẹp hơn theo thời gian, theo những trải nghiệm mà con người đã trải qua, gần như là một vẻ đẹp mang giá trị vĩnh cửu và vô giá, không một đồng tiền nào có thể mua được.

Đối với tôi dù là ngoại hình hay tính cách thì đối với một con người trong xã hội đều rất quan trọng, chúng ta không thể chỉ nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá họ là xấu hay đẹp. Bởi vẻ đẹp của con người phải tổng hòa cả hai yếu tố trên. Một con người có vẻ ngoài xuất sắc, vô cùng ưa nhìn thế nhưng lại mang một tâm địa rắn rết, ích kỷ, ỷ lại vào bản thân có ngoại hình xinh đẹp liền không coi người khác ra gì, không có ý chí phấn đấu, luôn muốn nhận được những ưu đãi nhờ ngoại hình của mình thì chung quy cũng không phải người tốt lành. Trái lại có thể có những con người cha sinh mẹ đẻ không cho họ một nhan sắc tựa thiên tiên nhưng họ lại có tấm lòng tựa bồ tát, nhân hậu, lương thiện, biết yêu thương con người, biết phấn đấu và nỗ lực thì tôi tin rằng chắc chắn họ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc.

Tuy nhiên điều đó không phải là tuyệt đối, trong thời buổi hiện đại, tôi cũng không đánh giá cao những con người luôn tự ti, không chịu phấn đấu để chăm sóc ngoại hình vốn có khiếm khuyết của mình. Bởi đó là biểu hiện của sự tự ngược đãi, kém phát triển và không biết cầu tiến. Ngoại hình không đẹp ta có thể cải thiện dần theo năm tháng bằng cách ăn mặc chải chuốt hợp thời, đầu tư thêm thời gian vào để khiến bản thân mình trở nên duyên dáng hơn trong mắt những người xung quanh. Như vậy bạn vừa có ngoại hình dễ nhìn lại vừa có một tâm hồn đẹp, chẳng phải cuộc sống của bạn đang dần trở nên hoàn hảo hay sao? Còn những ai đã đẹp sẵn rồi thì cần chú ý chăm chút, đầu tư vào tâm hồn, mở mang kiến thức, giữ gìn và phát huy những phẩm cách tốt đẹp, giữ cho bản thân được cái thiên lương tốt đẹp. Dù là thế nào, thì cả ngoại hình và vẻ đẹp tâm hồn cũng nên sánh bước cùng nhau, đừng để bên trọng bên khinh vì suy cho cùng nó không hề có lợi.

Chốt lại, qua các phân tích thì tôi khẳng định rằng câu nói "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" của ông cha ta vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Vẻ ngoài xấu có thể cải thiện bằng nhiều cách, đặc biệt là hiện tượng "tâm sinh tướng" tâm hồn đẹp thì ngoại hình cũng trở nên tươi sáng hơn. Còn nếu có một ngoại hình đẹp nhưng lòng dạ tiểu nhân, độc ác thì cũng khó lòng mà trở nên đẹp đẽ được, bởi nhân gian vẫn có câu "Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời" là vậy. Thế nhưng chúng ta nên hiểu rằng câu nói ấy không hề loại vẻ đẹp ngoại hình ra khỏi quan niệm thẩm mỹ của con người, mà nó nhằm khuyến khích con người chú ý hơn đến những giá trị nội tại bên trong, đồng thời cũng có những đầu tư đúng mực vào nét đẹp bên ngoài.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 15

Trong cuộc sống hàng ngày, để đánh giá một đồ vật, một con người đạt mức độ chính xác ,chúng ta nên dựa trên nguyên tắc hay cách thức nào? Đây cũng là vấn đề xưa nay được nhiều người quan tâm. Cha ông cũng từng có ý kiến hướng dẫn việc ấy trong câu tục ngữ :

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Ta nên hiểu câu này như thế nào và đánh giá nó ra sao ? Phải chăng đây chính là kinh nghiệm quý báu mà ông cha của chúng ta từ nghìn xưa đã để lại cho con cháu suy ngẫm và học hỏi.

Câu tục ngữ dùng hai sự vật “gỗ” và “nước sơn” để làm một phép so sánh.”Gỗ” là chất liệu để làm đồ dùng như tủ, giường, bàn, ghế…Còn “nước sơn” là chất liệu để quét lên lớp bên ngoài cho các đồ dùng ấy thêm đẹp thêm bền. Nhiều người chỉ chú ý đến lớp nước sơn bóng nhoáng bề ngoài mà đã mua phải một đồ dùng bằng gỗ xấu hoặc gỗ mọt. Ông cha ta với kinh nghiệm sống của mình đã kết luận là: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Đó là hiểu theo nghĩa đen.Còn nghĩa bóng của câu tục ngữ thì rộng hơn rất nhiều. Nó bao hàm một lời khuyên về cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật,một con người đừng nên để cái vỏ hình thức hào nhoáng bên ngoài mê hoặc mà phải coi trọng cái thực chất bên trong. Ngoài ra, câu này còn bao hàm một lời khuyên về cách sống; hãy sống chân thật bằng thực chất của mình, chân thành trong cách đối nhân xử thế,đừng ba hoa,khoác lác lòe đời bằng cái vỏ hình thức giả tạo, ”chớ khéo đem cái mã bề ngoài để che đậy cái sơ sài bên trong”.

Như mọi câu tục ngữ khác,câu tục ngữ này cũng là đúc rút kinh nghiệm của cha ông chúng ta,trải qua biết bao thế hệ,với bao thành bại, nên hư, vấp váp mới đúc rút thành chân lí: ”Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi nhìn nhận đánh giá một sự vật,ta phải thấy rằng giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong ,không phải lúc nào cũng thống nhất mà thông thường thì những sự vật có thực chất kém cỏi lạ thường một hình thức lôi cuốn hấp dẫn. Một vật dụng như chiếc tủ, chiếc giường,chiếc bàn bằng gỗ tạp lại được sơn phết, tô điểm với nước sơn bóng nhoáng, màu mè. Mỗi kẻ vô tài thường làm ra vẻ lịch duyệt, hiểu biết. Những kẻ “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội. Do đó,trong tiếp xúc thường ngày với mọi sự vật, mọi con người phải chú trọng vào chất lượng bên trong của sự vật, vào vẻ đẹp tâm hồn của con người chớ đừng vì bóng sắc hấp dẫn bên ngoài mà quên đi cái mục ruỗng, thối nát, xấu xa và vô vị bên trong. Bởi vì nghĩ cho kĩ, suy cho cùng, nếu chân giá trị của vật dụng là chất gốc thì chân giá trị của con người chính là đạo đức tài năng và trí tuệ.

Nhưng cũng không thể chỉ xem trọng nội dung mà lãng quên đi mặt hình thức. Một vật dụng, một món hàng đã có chất lượng tốt, gỗ tốt gỗ quý lại có bao bì, hay nước sơn xinh xắn tô điểm, trang trí đẹp đẽ thì giá trị vật dụng ấy, món hàng ấy càng được nâng thêm. Hình thức bên ngoài như thế đã góp phần làm tăng thêm cho giá trị bên trong. Một cái tủ,một chiếc bàn làm bằng gỗ đỏ hay bằng lăng mà lại còn được sơn bóng nhoáng hẳn sẽ vừa ý vừa lòng người mua. Một con người cũng vậy, có học vấn, đạo đức lại nói năng lịch sự thanh nhã, ăn mặc gọn gàng, sạch đẹp dễ làm ta thêm quý trọng hơn hẳn người tuy cũng có tài năng,đạo đức nhưng ăn nói thô lỗ,cộc cằn,áo quần xốc xếch. Đúng là cái đẹp lí tưởng phải là hài hòa giữa nội dung và hình thức.

Vậy để đánh giá và nhận xét một vật dụng,một con người,chúng ta dựa trên cơ sở cả nội dung lẫn hình thức.Hai mặt này kết hợp và bổ sung cho nhau làm nên giá trị của vật dụng ấy, con người ấy,trong đó nội dung giữ vai trò quyết định.Khi đánh giá,ta cần coi trọng chất lượng của sự vật cũng như đạo đức,tài năng trí tuệ của con người.

Tóm lại, ”tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không những chỉ giúp ta một phương châm đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá, chọn lọc ở đời mà còn giúp ta một phương châm trong cách đối nhân xử thế. Không nên dựa dẫm vào cái hình thức bề ngoài vay mượn, không phải của mình để vênh vang tự phụ với mọi người rồi không chịu tu dưỡng rèn luyện. Cũng đừng nên quá chú trọng hình thức bên ngoài, trang điểm mặt này, chưng diện quần áo mà quên đi cái chân giá trị của con người là đạo đức, trí tuệ và tài năng. Bài học mà câu tục ngữ này dạy ta thật là đúng đắn và sâu sắc.

Chứng minh câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” - Viết văn học trò

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 16

Từ thực tế cuộc sống vất vả, gian nan và đầy thử thách, nhân dân ta đã rút ra cách đánh giá, nhìn nhận sự vật và con người. Người xưa thường Ăn lấy chắc, mặc lấy bền và coi trọng phẩm chất bên trong hơn là hình thức bên ngoài. Điều đó thể hiện qua câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Quan điểm đấy đúng hay không đúng? Trong hoàn cảnh ngày nay, nó có còn giữ nguyên giá trị hay không? Chúng ta hãy thử cùng nhau bình luận.

Tất cả các sự vật đều có hai mặt: nội dung và hình thức. Mặt nội dung còn gọi là chất lượng của sản phẩm thường được đánh giá cao. Thực tế cho thấy các đồ vật (giường, tủ, bàn ghế,...) làm bằng gỗ tốt, gỗ quý có thời gian sử dụng rất lâu dài và càng về sau càng đẹp. Người ta chỉ cần bào nhẵn rồi đánh bóng chúng bằng một lớp véc-ni là đủ. Trong khi đó, những đồ dùng bằng gỗ xấu, gỗ tạp bên ngoài lại hay được sơn phết hào nhoáng. Dù có đẹp đến đâu chăng nữa thì chúng cũng rất mau hỏng. Vì thế cho nên mọi người chuộng tốt, chuộng bền mà coi nhẹ hình thức của đồ vật. Nghĩa đen của câu tục ngữ trên là như vậy.

Nhưng cũng như bao câu tục ngữ khác, câu Tốt gỗ hơn tốt nước sơn còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là lời khuyên thiết thực, đúng đắn về cách nhìn nhận, đánh giá con người. Chúng ta thấy rõ tính nhất quán trong việc khẳng định sự hơn hẳn của nội dung bên trong so với hình thức bên ngoài. Lời khuyên này rất đúng vì nó được đúc kết từ kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ. Đánh giá một con người cần phải trải qua thời gian khá dài, không thể chủ quan, hồ đồ, rất dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí gây nên những hậu quả tai hại khó lường.

Tại sao người xưa cho rằng nội dung bên trong (phẩm chất tốt) hơn hẳn hình thức bên ngoài? Điều mà ai cũng phải thừa nhận là người có đạo đức tốt, trình độ hiểu biết sâu rộng, năng lực làm việc cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, không có được những phẩm chất tốt đẹp ấy thì khó có thể thành công trên đường đời, cho dù con người ấy hình thức bên ngoài có hào nhoáng, đẹp đẽ đến đâu chăng nữa. Người xưa đã dùng cách gọi hàm ý châm biếm những kẻ chỉ có hình thức bên ngoài, hay dùng hình thức bên ngoài để lừa bịp người khác, để che giấu những xấu xa, khuyết điểm bên trong... là loại Tốt mã giẻ cùi, nói thẳng ra là vô dụng, chẳng có giá trị gì.

Trên cơ sở quan điểm của người xưa, ngày nay chúng ta nên đánh giá con người như thế nào cho đúng? Chúng ta đều biết là giữa nội dung và hình thức có mối tương quan với nhau. Nội dung quyết định hình thức, hình thức làm tăng thêm giá trị cho nội dung. Vì vậy, khi nhận xét đánh giá về một người nào đó, chúng ta hãy bình tĩnh, sáng suốt tìm hiểu, phân tích để có được những kết luận đúng đắn và chính xác nhất.

Thống nhất với quan điểm của người xưa, chúng ta vẫn lấy phẩm chất (đạo đức, tài năng,...) làm tiêu chuẩn cơ bản, làm thước đo giá trị con người. Hãy căn cứ vào chất lượng và mục đích của công việc mà đánh giá người tốt, kẻ xấu và hãy đặt người ấy vào mối quan hệ với gia đình, nhà trường, xã hội. Người tốt là người có lương tâm và trách nhiệm với bản thân, với mọi người.

Chú trọng nội dung nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ hình thức, bởi hình thức phần nào phản ảnh nội dung. Xưa nay, các bậc vĩ nhân, các nhà bác học... thường rất giản dị. Giản dị nhưng nghiêm túc và tôn trọng mình, tôn trọng người khác. Trái lại, những kể thích phô trương hình thức thì bên trong lại hời hợt và trống rỗng. Nếu kết hợp được một cách hài hòa giữa nội dung và hình thức, tất nhiên giá trị con người sẽ tăng lên rất nhiều.

Tuy câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" xuất hiện đã khá lâu nhưng cho đến nay nó vẫn giữ nguyên giá trị. Câu tục ngữ là một lời khuyên sáng suốt, thiết thực trong cách đánh giá sự vật và con người trong mọi hoàn cảnh, đồng thời đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai chỉ chạy theo hình thức hào nhoáng bên ngoài mà quên đi phẩm chất tốt đẹp - yếu tố cơ bản tạo nên giá trị đích thực của một con người.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 17

“Cái nết đánh chết cái đẹp” là lời nhận định của người xưa nhằm nhắc nhở con cháu một bài học về kinh nghiệm sống ở đời, về nhận xét đánh giá con người: khi nhận xét đánh giá một người nào đó ta cần phải chú ý đến nết na, đức hạnh hơn là cái vẻ đẹp bên ngoài. Điều này lại được khẳng định một lần nữa trong câu tục ngữ giàu hình ảnh: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Ngày nay ta cần hiểu lời dạy trên như thế nào cho hợp lý? Câu tục ngữ là lời khuyên thật giản dị, nêu lên hai chất liệu hết sức gần gũi và quen thuộc trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đó là “gỗ” và “nước sơn”. “Gỗ” là chất liệu dùng để tạo nên vật dụng như tủ, bàn ghế… Còn “nước sơn” là chất liệu dùng để quét bên ngoài nhằm làm tăng thêm vẻ đẹp của đồ vật. Muốn có một đồ dùng bền ta nên chú ý đến chất gỗ bên trong, đừng vì màu sắc hòa nhoáng bên ngoài mà dễ bị nhầm lẫn. Qua kinh nghiệm trong cuộc sống ông bà ta đã kết luận “gỗ tốt” hơn hẳn “nước sơn” đẹp. Từ nghĩa thực ấy, câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta nên thận trọng hơn trong cách nhìn nhận và thực tế hơn trong cách sống, không nên dựa vào hình thức bên ngoài mà phải chú ý quan tâm đến chất lượng, phẩm giá bên trong để phán xét vấn đề. Thật vậy, thực chất bên trong của sự vật, cũng như đạo đức năng lực của con người phải có giá trị hơn hẳn cái hình thức dáng vé hào nhoáng bên ngoài. Và lời khuyên ấy là một bài học quý báu cho mỗi chúng ta.

Trong thực tế cuộc sống, mỗi sự vật, mỗi con người thì giữa hình thức và nội dung, giữa bên ngoài và thực chất bên trong không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau. Những vật dụng có chất lượng kém nhưng được mang một hình dáng thật hấp dẫn, cái bàn, cái tủ làm bằng gỗ xấu thì luôn luôn được phủ một lớp sơn thật rực rỡ. Cũng như con người độc ác, bất tài thường được che giấu bởi lớp vỏ bên ngoài thật lịch sự, sang trọng… Đứng trước những trường họp ấy ta phải thật tỉnh táo và sáng suốt để nhận định đánh giá không bị nhầm lẫn. Và nếu phải lựa chọn thì ta nên lấy nội dung, chất lượng bên trong là tiêu chuẩn làm thước đo để đánh giá. Là vật dụng ta chú ý đến chất gỗ; là con người nên quan tâm đến đạo đức, trình độ năng lực của con người. Có như vậy ta mới không hối tiếc sau này. Bởi lẽ hình thức bên ngoài không thể bền lâu rồi cũng sẽ tàn phai theo tháng năm, còn cái trường tồn vững chắc vẫn là cái cốt lõi bên trong. Ngoài ra, câu tục ngữ còn giúp ta một phương châm ở đời, đó là lý do tu dưỡng rèn luyện cho bản thân. Đừng mải mê chạy theo hình thức mà quên đi cái giá trị của con người là phẩm hạnh, là tài năng, là trí tuệ. Đây là một lời giáo dục thật đúng đắn để giúp chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống.

Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ được như vậy vì hiện nay có biết bao kẻ ưa chuộng hình thức, lớp hào nhoáng bên ngoài. Họ thấy đẹp, thấy lịch sự là vừa ý, là hài lòng. Thậm chí còn tệ hại hơn nữa là họ quan niệm về cái đẹp không đúng đắn, nên họ chỉ lo chăm chút cho cái dáng vẻ bên ngoài cho thật nổi bật, cho thật sáng rực mà quên đi việc rèn luyện phẩm chất bên trong. Những hạng người đó chỉ lo làm cho xã hội rối rắm, không giúp ích gì cho đất nước cả. Nói như vậy, không có nghĩa là ta phủ nhận hoàn toàn giá trị của hình thức. Bởi lẽ, mặc dù nội dung quyết định giá trị sản phẩm, giá trị con người nhưng hình thức cũng góp phần biểu hiện nội dung, như ông bà ta xưa thường nói “cái răng, cái tóc là gốc con người” đó sao? Do vậy, hình thức đẹp càng tăng giá trị nội dung. Trong trường hợp này hình thức và nội dung thống nhất nhau. Vì thế, một đồ vật vừa có chất liệu tốt, mà có mẫu mã, nước sơn đẹp thì đồ vật ấy càng có giá trị hơn. Cũng như con người, nếu có phẩm chất đạo đức, có năng lực tốt mà lại có thêm dáng vẻ bên ngoài dễ nhìn, lịch sự thì đáng quý vô cùng. Cho nên khi đánh giá sự vật hay con người, ta phải biết kết hợp giữa nội dung, chất lượng với hình thức, dáng vẻ bên ngoài thì sự đánh giá nhận xét sẽ chính xác hơn.

Câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã giúp cho ta một bài học kinh nghiệm về cách nhận định, đánh giá một đồ vật hoặc con người, hiểu đúng, vận dụng đúng lời khuyên dạy trên chúng ta sẽ ít vấp phải sai lầm. Cũng như từ bài học này giúp ta biết cách rèn luyện, tu dưỡng bản thân để tự nâng cao phẩm chất của một người học sinh; đồng thời ta cũng thấy rõ hơn mối quan hệ tương hỗ giữa hai mặt nội dung và hình thức để ta phấn đấu vươn lên thành người toàn diện sau này giúp ích cho đất nước, quê hương.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 18

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu tục ngữ nêu lên những kinh nghiệm trong việc đánh giá nhìn nhận con người thông qua cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một đồ vật cụ thể. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một câu tục ngữ thuộc loại trên.

Nó vừa đúng cả nghĩa đen, vừa đúng cả nghĩa bóng. Vì trước hết nó nêu lên một kinh nghiệm để nhìn nhận về chất lượng một đồ vật bằng gỗ mà ta dùng thường ngày. Đồ vật bằng gỗ đó được sơn một lớp sơn hào nhoáng, nhìn mặt ngoài ta thấy nó đẹp nhưng thực chất gỗ của nó ra sao thì ta chưa biết được. “Nước sơn” chính là mặt ngoài, mặt trang trí, tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn về hình thức. Nhưng “nước sơn” cũng có thể che giấu đi cái chất gỗ tạp bên trong. Gỗ là nguyên liệu làm nên đồ vật. Nếu gỗ không tốt, thì các đồ vật ta dùng cũng chóng hỏng. Khi đó “nước sơn” cũng không thể cứu nỗi sự hỏng nát của các đồ vật.

Một con người cũng vậy, tư tưởng, đạo đức, cái quyết định không phải là hình thức bên ngoài mà là phẩm chất tư tưởng, đạo đức của người đó. Hình thức bên ngoài: Đẹp hay xấu, giản dị hay diêm dúa… ta dễ nhận ra ngay qua một cái nhìn nhưng còn phẩm chất bên trong, người đó nhân hậu hay ích kỉ, cao cả hay thấp hèn, trung thực hay giả đối… thì phải sống lâu với nhau mà biết được. Mà đã là con người thì cuộc sống tồn tại chủ yếu là thông qua các mối quan hệ giữa người với người. Trong các mối quan hệ này, muốn sống lâu dài với nhau được, quả thực con người phải tôn trọng nhau, yêu thương nhau… Không thể sớm nắng, chiều mưa! Thực tế có những người, son phấn lòe loẹt chưng diện hết mốt này đến mốt khác, nói năng xem ra cũng nhẹ nhàng, quyến rũ… nhưng tiếp xúc và gần gũi một thời gian ta sẽ thấy họ thuộc loại ăn xổi, ở thì, lừa thầy, dối bạn, coi thường cả bố mẹ. Tuy rằng nội dung, phẩm chất là cái quyết định nhưng cũng không thể xem thường hình thức bên ngoài. Bởi hình thức là cái đập vào mắt ta trước tiên. Mà con mắt của ai thì cũng thích nhìn cái đẹp, một phong cách đẹp, một khuôn mặt đẹp, một bộ quần áo đẹp… ai mà chả thích ngắm!

Thực ra câu tục ngữ trên không hề có ý xem nhẹ hình thức mà chú yếu là so sánh giữa nội dung và hình thức để thấy nội dung quan trọng hơn hình thức. Điều đó là đúng. Nhưng hình thức cũng hết sức quan trọng. Hình thức góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của nội dung. Gỗ tốt không mối mọt, có độ bền lâu, nhưng lại đánh bóng, sơn mài, thì lại vừa tốt, vừa đẹp chứ sao? Con người cũng vậy, vừa có phẩm chất tốt, lại vừa có vẻ đẹp của hình thức bên ngoài, từ cái dáng hình đến nụ cười, giọng nói, từ cử chỉ đến cách ăn mặc, đi đứng… thì ai mà chẳng thích sống gần, thích làm bạn với nhau? Chính vì vậy mà bên cạnh câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” lại có câu “Cái răng, cái tóc là góc con người”.

Hơn nữa trong cuộc sống của con người có những hiện tượng rất khó tách bạch đâu là nội dung, đâu là hình thức, bởi lẽ ở đó hình thức và nội dung, cả hai cái đều quan trọng cả. Một lời nói nhẹ nhàng trước một sai lầm của bạn, giọng nói chưa phải là nội dung của câu nói nhưng quả thật nó cũng phản ánh một thái độ, một phương pháp, một cách xử thế… đó không phải là nội dung thì là gì nữa?

Tóm lại, nội dung và hình thức, cái bên ngoài và cái bên trong thống nhất, có quan hệ chặt chẽ và liên hệ với nhau. Nội dung quyết định giá trị và hình thức góp phần nâng cao giá trị của nội dung. Khi muốn xem một con người, ta phải xem xét cả hai mặt: nội dung và hình thức.

Trong cuộc sống của mỗi con người, ai cũng có thể rèn luyện để cho phẩm chất của mình ngày càng tốt hơn và ai cũng có thể làm đẹp thêm hình thức bên ngoài của mình từ cách ăn mặc đến giao tiếp để góp phần làm cho xã hội thêm văn minh, lịch thiệp. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một lời khuyên của cha ông ta, luôn đúng cho mọi thế hệ.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 19

Trong cuộc sống hàng ngày cũng có lúc ta đã lầm lẫn khi đánh giá một sự vật, một con người, khi thì dựa vào cái hình thức hào nhoáng bên ngoài mà quên đi cái nội dung, bản chất bên trong của con người họ khi thì ngược lại. Lúc ấy ta lại nhớ đến câu tục ngữ:

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Chúng ta hiểu gì về câu tục ngữ này? Phải chăng đây là kinh nghiệm sống quý báu mà ông cha ta để lại cho chúng ta suy ngẫm, học hỏi?

Câu tục ngữ đã cho xuất hiện hai sự vật “gỗ” và “nước sơn”. Gỗ là chất liệu để tạo nên một vật dụng như là tủ, bàn, ghế… còn nước sơn là chất liệu để quét lên làm cho cái tủ, cái bàn thêm đẹp thêm bền. Nghĩa đen là như vậy nhưng ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ bao hàm một lời khuyên về cách nhìn chín chắn: hãy coi trọng cái giá trị đích thực, cái nội dung bên trong của một con người. Đừng bao giờ để cái hình thức xa hoa, hào nhoáng bên ngoài lừa dối, quyến rũ ta.

Bất kì câu tục ngữ nào cũng là sự đúc kết những kinh nghiệm sông quý báu của biết bao thế hệ con người. Tổ tiên ta cũng đã trải qua bao thất vọng, vấp váp mới rút ra được chân lí “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi đánh giá một sự vật, ta phải coi trọng chất lượng của nó. Có khi người ta chỉ trọng đến cái lớp sơn bóng nhoáng bên ngoài của một cái tủ mà mua về rồi không dùng được vì chất gỗ bên trong là một thứ gỗ mục rữa, sâu mọt. Một sản phẩm có mẫu mã tốt, có trang trí đẹp đến bao nhiêu mà chất lượng không tốt, không bền thì cũng không hữu dụng. Chỉ có một chất gỗ tốt mới tạo nên một đồ dùng có giá trị và lâu bền. Một sản phẩm có chất lượng tốt càng được nhiều người ưa thích, càng bán đắt giá. Đó là cách đánh giá, cách nhìn chung về giá trị của một đồ vật.

Trong cuộc sống, mỗi sự vật, mỗi con người không phải lúc nào cũng thống nhất trọn vẹn cả mặt nội dung lẫn hình thức. Có người bản chất xấu xa nhưng khéo lừa bịp bằng cái vỏ hào nhoáng, bảnh bao bên ngoài. Một kẻ bất tài thường đội lốt người hiểu biết. Một người độc ác thường nói lời đạo đức. Một khuôn mặt xinh đẹp nhưng chưa hẳn là đẹp hoàn toàn vì có lúc ẩn hiện dưới khuôn mặt ấy là một tâm hồn trống rỗng. Chúng ta phải thật sự tỉnh táo, thận trọng đối với những con người đó. Khi cần chọn lựa, ta hãy chọn lấy cái bản chất làm căn bản, hãy vứt bỏ cái vẻ bề ngoài đẹp đẽ, lành lặn mà bên trong mục rỗng, vô vị. Một con người có đạo đức, tài năng dẫu ăn mặc tầm thường nhưng thật sự được kính trọng nể nang. Quan hệ với con người chúng ta phải dựa trên phẩm chất đạo đức, năng lực của người đó. Chúng ta phải hiểu rằng cái chân giá trị của con người chính là đạo đức, tài năng, trí tuệ.

Nhưng trong thực tế cuộc sống, chẳng lẽ chỉ xem trong cái nội dung bản chất bên trong mà lãng quên mặt hình thức? Một món hàng tốt, chất lượng tốt nếu có bao bì xinh xắn, trang trí đẹp lại càng có giá trị. Hình thức bên ngoài làm tăng thêm giá trị bên trong của món hàng. Cái tủ được làm bằng chất gỗ tốt mà lại có nước sơn bóng loáng hẳn làm ta vừa lòng và sẵn sàng mua. Một con người có học vấn, đạo đức lại ăn nói lịch sự, thanh nhã, ăn mặc gọn gàng đẹp đẽ càng làm cho ta thêm quý trọng hơn là con người tuy có đạo đức nhưng ăn nói cục cằn, thô lỗ, ăn mặc xộc xệch. Ta thực sự hiểu được cái đẹp lí tưởng của con người vốn là cả nội dung lẫn hình thức.

Vậy để nhận xét, đánh giá một sự vật, một con người, ta phải dựa trên cơ sở nội dung lẫn hình thức. Nội dung và hình thức phải trọn vẹn bổ sung cho nhau để đánh giá được chính xác, đầy đủ. Chúng ta hãy coi trọng nội dung vì trước hết nó là cốt lõi tạo nên giá trị bên trong, còn hình thức góp phần tạo nên cái đẹp, cái bền cho vật dụng. Khi đánh giá ta phải coi trọng cái chất lượng của vật cũng như khi nhận xét về một con người ta phải chú ý đến thành quả công việc của họ, xem xét mối quan hệ tình cảm của họ đối với gia đình, xã hội. Đó là cách hiệu quả, cách áp dụng đúng đắn nhất phương châm xử thế mà câu tục ngữ đã khuyên dạy chúng ta.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – câu tục ngữ đã cho ta một phương châm đúng đắn về cách nhìn, cách sống và cách quan hệ trong cuộc sống. Chúng ta cần tư dưỡng đạo đức, rèn luyện tài năng để trở thành con người toàn diện về nội dung lẫn hình thức. Hiểu được câu tục ngữ, vận dụng nó một cách đúng đắn chúng ta sẽ bớt lầm lẫn, vấp ngã trong cuộc đời đồng thời ta cũng biết cách tự rèn luyện nâng cao mình hơn nữa. Ta phải sống thực chất bằng chính giá trị con người mình, đừng mánh khóe lừa dối, giả tạo. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng nếu tốt cả gỗ và tốt cả nước sơn thì đó là điều mà ta cần mong ước, phấn đấu, hướng tới…

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 20

Trong cuộc sống và nhất là ngày nay không ít người chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội để đánh giá người khác mà không biết rằng cái đẹp của một người không phải nằm ở dáng vẻ bên ngoài mà chủ yếu là cái đẹp ở tâm hồn, nhân cách đạo đức của người đó. Chính vì vậy từ xưa cha ông ta đã dạy: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”

Theo ý nghĩa câu tục ngữ có thể hiểu gỗ là vật chất làm nên đồ vật, là những phẩm chất tốt đẹp ở bên trong. Nước sơn là lớp bảo vệ bên ngoài, là hình thức của vật. Câu tục ngữ muốn khuyên ta rằng cái đáng quý của một đồ vật và một người nào đó không phải là hình thức bề ngoài mà chính là phẩm chất tốt đẹp đẹp ở bên trong. Trước đây, hầu hết vật dụng trong nhà đều làm từ gỗ. Do đó khi đánh giá bất kì một đồ vật nào đó, thường người ta sẽ cắn cứ vào chất liệu gỗ bên trong bởi dẫu cho nước sơn bên ngoài có hào nhoáng đẹp đẽ cách mấy mà chất liệu gỗ bên trong không tốt thì đồ vật cũng không thể bền được.

Cũng vậy khi đánh giá một con người đừng nên quá chú trọng hình thức bên ngoài bởi cái đẹp thực sự, cái làm nên giá trị của con người chính là tài năng, đạo đức và lối sống của người đó chứ không nằm ở vẻ bề ngoài hào hoa, lịch lãm. Có những con người mà trong lần đầu gặp gỡ, tâm hồn ta đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp bên ngoài vô cùng hấp dẫn, hào hoa, lịch lãm. Nhưng rồi khi có dịp tiếp xúc với những con người đó, ta ngỡ ngàng nhận ra đằng sau cái vẻ bề ngoài hào nhoáng, xinh đẹp ấy là một con người tầm thường, có một đời sống tâm hồn nhạt nhẽo, đơn điệu; một sự hiểu biết hạn hẹp, với những suy nghĩ toan tính vụn vặt, ích kỷ, nhỏ nhen. Thậm chí cái vẻ bề ngoài “thơn thớt nói cười”, hiền lành tử tế đó là để ngụy tạo, lừa dối người khác. Họ dùng cái hình thức tử tế bề ngoài để che đậy những hành động sai trái bất lương của một kẻ có tâm địa tàn nhẫn, độc ác. Và khi nhận ra bản chất của con người đó thì trong mắt ta họ không còn đẹp nữa và dĩ nhiên họ không còn xứng đáng để ta tôn trọng.

Ngược lại có những con người vẻ bề ngoài rất tầm thường, mộc mạc thậm chí thô lậu, xấu xí nhưng khi tiếp xúc với những con người đó, ta nhận ra trước mắt mình một con người có nhân cách cao đẹp, tâm hồn thánh thiện, một suối nguồn yêu thương, dào dạt tươi mát, một vốn sống phong phú. Chính họ đã dạy cho ta những điều hay lẽ phải, dạy ta cách làm người, dạy ta sống giản dị. Đối với chúng ta họ thật sự là những con người đẹp đáng để cho ta kính trọng, học hỏi.

Tóm lại, trong cuộc sống phải thận trọng trong cách nhìn nhận, đánh giá người khác. Đừng để hình thức bên ngoài che mắt, đánh lừa mình. Phải luôn luôn ý thức rằng cái làm nên giá trị con người chính là tài năng, đức độ và những phẩm chất tốt đẹp bên trong con người đó chứ không phải do hình thức bên ngoài quyết định.

Câu tục ngữ là lời khuyên về cách rèn luyện, tu dưỡng với mỗi con người. Trong cuộc sống hằng ngày, con người phải lo tu dưỡng tài năng, trí tuệ, những phẩm chất tốt đẹp bên trong tâm hồn, đừng quá chú trọng chạy theo hình thức bên ngoài. Bởi hình thức bên ngoài là cái gì đó rất tạm bợ, phù phiếm, sẽ bị thời gian làm cho tàn phá, phai nhạt, nhưng cái đẹp trong tâm hồn con người thì còn mãi với thời gian.

Nội dung tuy quyết định hình thức nhưng xét ở một góc độ nào đó hình thức sẽ làm ảnh hưởng tác động trở lại nội dung. Hình thức có thể làm cho giá trị nội dung tăng lên hoặc bị hạ thấp. Chẳng hạn một cái bàn mà hằng ngày ta vẫn thường sử dụng dù cho gỗ có tốt nhưng hình thức bên ngoài không đẹp, xù xì, góc cạnh, thì xét cho cùng cũng giảm đi phần nào giá trị.

Cũng vậy, một con người dù có tài năng, học thức nhưng nếu bề ngoài quá ư xoàng xĩnh, thiếu tế nhị, cư xử vụng về thì đó cũng chưa phải là con người hoàn thiện. Cái đẹp thật sự bao giờ cũng có sự hài hòa của hai mặt nội dung, hình thức. Phê phán những con người chỉ chạy theo hình thức, mà không chú trọng bồi đắp, làm đẹp tâm hồn, mở mang sự hiểu biết của mình. Đồng thời tránh những trường hợp quá coi trọng, đề cao nội dung mà không coi trọng hình thức.

Ý nghĩa câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” giúp ta nhận rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa hình thức bề ngoài và phẩm chất bên trong. Chính phẩm chất bên trong mới là yếu tố quyết định giá trị của vật của người. Hình thức bên ngoài góp phần làm đẹp và tôn vinh giá trị ấy. Bởi thế, cần có nhận thức và hành động đúng đắn để tạo dựng và khẳng định những giá trị đích thực ở bản thân mình.

Viết mở bài bàn luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - Theki.vn

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 21

Từ xưa tới nay, tục ngữ vẫn luôn là hành trang, túi khôn của con người. Tục ngữ cho ta biết bao lời khuyên, biết bao kinh nghiệm quý giá. Một trong số vô vàn các câu tục ngữ là: “Tốt gỗ han tốt nước san”. Câu tục ngữ này đã nói lên quan hệ giữa nội dung bên trong và hình thức bên ngoài, nội dung bao giờ cũng tốt hơn, có giá trị hơn hình thức, đồng thời khuyên chúng ta đừng quá coi trọng hình thức mà bỏ qua nội dung. Để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ cùng nhau giải thích câu tục ngữ này.

Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa câu tục ngữ “Tốt gỗ han tốt nước sơn”. Nghệ sĩ dân gian đã đưa ra hai hình ảnh cụ thể là gỗ và nước san. Giữa gỗ và nước sơn có từ so sánh “hơn” để làm nổi bật ý nghĩa rằng: gỗ bao giờ cũng tốt hơn, bền hơn nước sơn. Cũng chính vì vậy mà khi đi mua tủ, mua bàn ghế bằng gỗ, người khôn ngoan không bao giờ nhìn nước sơn đẹp hay xấu, nhìn hình thức bóng bẩy bề ngoài mà họ thường quan tâm đến loại gỗ làm ra vật đó, gỗ lim, gỗ trắc hay loại gỗ gì? Bởi vì: nước sơn tuy đẹp thật nhưng theo năm tháng sẽ dần dần phai nhạt đi, mờ đi, còn gỗ thì vẫn bền lâu. Từ việc “gỗ” và “nước sơn”, ta suy nghĩ đến con người. Con người cũng cần ở cái nết, phẩm chất chứ con người không phải chỉ cần có cái đẹp bên ngoài. Ông cha ta từng nói “cái nết đánh chết cái đẹp” mà. Khi chọn vợ, chọn chồng cho con, cha mẹ ít khi cho rằng: người vợ, người chồng của con phải thật đẹp, mà họ thường để ý xem người đó phẩm chất, nhân cách thế nào? Bởi vì, con người ta làm sao mà trẻ đẹp mãi được, con người sẽ dần già đi, sắc đẹp sẽ dần tàn phai, ai mà giữ mãi được tuổi thanh xuân của mình. Tuy sắc đẹp của con người tàn phai, nhưng phẩm chất, nhân cách của con người vẫn còn đó, không bị mất đi.

Chúng ta đã hiểu được câu tục ngữ nhưng vì sao ta lại nói như vậy? Vì đầy là lời khuyên của ông cha ta, nó đã tồn tại rất nhiều năm, được mọi người chấp nhận, làm theo, và nó đã được truyền từ đời này sang đời khác. Hơn nữa, ta hiểu được vì thực tế hàng ngày diễn ra trước mất ta. Cạnh nhà tôi có một chị tên là Phương, chị rất xinh đẹp, nhà giàu, lúc nào cũng ăn mặc sang trọng, vòng vàng, nhẫn vàng, hoa tai vàng, nhưng chị chẳng biết làm gì cả, suốt ngày chỉ mắng chị Lan, làm thuê trong nhà. Có hôm chị Lan về quê, mẹ chị đi vắng, bố chị bảo chị nấu cơm, nhưng khi về thì nồi cơm điện không ấn nút cắm điện, nên gạo hoàn gạo, thịt kho cháy, rau thì sông sượng chẳng ăn được gì. Bố chị lại phải đưa chị đi ăn ngoài hàng. Cả xóm tôi đều cười chê chị. Chị thi đại học ba, bôn năm nay mà chẳng năm nào đỗ cả. Thử hỏi, người như chị rời bố mẹ thì làm ăn được gì, sắc đẹp đâu có làm ra cơm, gạo, thức ăn, làm ra tiền cho chị? Muốn có kiến thức thì phải học, phải lao động.

Ngược lại với chị Phương, chị Vân là con nhà nông dân chân lấm tay bùn, nhà chị chẳng giàu có gì lại có tới ba chị em gái; chị là cả phải vừa giúp bố mẹ làm việc đồng áng, vừa nội trợ, vừa trông em, vừa học, thế mà năm nào chị cũng đạt học sinh xuất sắc, chị đã giành được bao nhiêu giải của quận, của thành phố trong suốt 12 năm học. Chị lại rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, đảm đang và hiếu thảo, nên được mọi người yêu mến, chị thi một lúc đỗ cả ba trường đại học, mẹ tôi thường bảo tôi học tập chị. Đó là những tấm gương rất rõ để tôi hiểu được câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” này. Người nào nết na, đảm đang, ngoan ngoãn luôn được mọi người yêu quý, kính trọng dù họ xấu hay đẹp. Đó, nội dung bên trong bao giờ cũng có giá trị hơn, quan trọng hơn là hình thức bề ngoài.

Hiểu như vậy, tôi và các bạn, chúng ta phải làm gì nào? Chúng ta phải chăm chỉ học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi. Ngoài việc học ta phải tham gia các hoạt động thể thao cho cơ thể khỏe mạnh, ta phải giúp đỡ bố mẹ mọi công việc nhà như nấu cơm, rửa bát, rửa ấm chén, quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Ta phải tu dưỡng đạo đức tốt, chứ đừng bỏ ra quá nhiều thời gian để ngắm vuốt trước gương, trang điểm son phấn. Câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ngày nay vẫn đúng, nhưng ở năm 2003 này, khi đời sống vật chất đầy đủ và sinh hoạt tinh thần phong phú, con người càng cần tu dưỡng đạo đức, tuy để khỏi bị gọi là lạc hậu, hiệu quả giao tiếp trong cuộc sống cao hơn thì mọi người. cũng cần chọn cho mình quần áo đẹp, lịch sự, hợp với bản thân.

Như vậy, câu tục ngữ của ông cha ta ngày nay vẫn đúng là “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Dân tộc ta hiện nay đã có điều kiện để làm cho hình thức cuộc sống bên ngoài đẹp lên, song chúng ta cũng không nên nhầm lẫn, không lóa mắt vì hình thức. Ta vẫn coi trọng nội dung bên trong – phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người. Các bạn hãy phấn đấu để đạt mục tiêu thế nhé!

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 22

Trong cuộc sống, đôi lúc ta chỉ nhìn hình thức bên ngoài của một người mà đánh giá họ. Và điều đó là không đúng. Giá trị của một người không được đánh giá bởi hình thức bên ngoài mà được đánh giá bằng nội dung bản chất bên trong người đó. Vì vậy ông bà ta ngày xưa có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Câu này tuy ngắn ngọn nhưng nó mang ý nghĩa rất sâu sắc và là một kinh nghiệm sống quý báu mà ông bà ta để lại. “Gỗ “là chất liệu để đóng bàn, ghế, tủ quần áo.”Nước Sơn” là dụng cụ để quét lên cho bàn ghế đẹp hơn, bền hơn. Tuy nghĩa đen là thế nhưng thật chất ý nghĩa sâu sắc của nó là khuyên người ta không nên nhìn hình thức bên ngoài mà đánh giá phẩm chất thật sự của một con người.

Khi đánh giá một vật ta không nên nhìn hình thức của nó mà hãy xem chất lượng của nó. Nhiều người khi đi mua bàn ghế chỉ lo nhìn bề ngoài thấy đẹp là mua nhưng không biết đằng sau hình thức đẹp đẽ đó là một thứ gỗ mục nát. Một sản phẩm tuy bề ngoài không đẹp nhưng chất lượng thì đem về rất hữu dụng và còn xài được bền nữa. Vì vậy chất lượng là cái quan trọng nhất. Trong cuộc sống ta cũng vậy, không ai hoàn chỉnh về cả hình thức và nội dung. Có những người bề ngoài bảnh bao nhưng suốt ngày chỉ biết đi lừa bịp người khác. Có những người nhìn vẻ ngoài tầm thường nhưng bên trong lại là một người hiểu biết, thông minh.

Một người con gái đẹp nhưng nói năng vô lễ không tôn trọng ai thì chỉ bị người ta khinh thường. Còn một người bình thường nhưng nói năng lễ phép, thông minh tài giỏi thì vẫn được người đời kính trọng. Khi đánh giá một con người chúng ta phải dựa trên đạo đức và tại năng của người đó vì đó là cái giá trị thật sự của một con người.Nhưng trong thực tế đôi khi hình thức và nội dung đi chung thì rất là đẹp. Một món hàng vừa đẹp vừa chất lượng thì ai nhìn cũng thích. Một người ăn mặc lịch sự nói năng lịch, thông minh tài giỏi thì ai nhìn vào cũng mến. Do đó cái đẹp lý tưởng chính là khi có cả nội dung và hình thức.

Trong cuộc sống còn nhiều người chỉ xem trọng vẻ bề ngoài mà quên đi cái nội dung bên trong. Những người này thật đáng phê phán. Khi họ làm vậy một ngày nào đó họ sẽ thấy cái hại của nó. Vì vậy ngay từ bây giờ mỗi học sinh chúng ta phải rèn luyện đạo đức và phẫm chất thật tốt để. Phải luôn ghi nhớ những điều tốt.

Tóm lại câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn “muốn khuyên ta không được đánh giá người khác chỉ bằng hình thức bên ngoài mà còn phải xem xét nội dung – phẩm chất, tài năng của người đó vì đó là giá trị chân chính của một con người. Và chúng ta phải sống bằng chính thực lực của mình không được lừa dối, giả tạo với mọi người.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 23

Người xưa có câu: “Trông mặt mà bắt hình dong”, quan niệm coi trọng về hình thức, lấy hình thức làm thước đo có lẽ đã in sâu trong tư tưởng của chúng ta, tuy nhiên cha ông ta cũng khuyên con cháu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn/Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”.

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ. Vế đầu của câu tục ngữ là nói đến cách đáng giá về gỗ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Gỗ là nguyên liệu dùng để làm nên đồ dùng trong nhà, xưa kia còn là dùng để làm nhà, làm cột,… là nguyên liệu vô cùng quan trọng mà biểu hiện cho sự vững chãi vì vậy, gỗ càng tốt, đồ dùng sẽ càng bền, dùng càng lâu. Phẩm chất của gỗ là gái trị bên trong, nội tại của gỗ mà ta không thể nhìn bằng mắt thường còn nước sơn là lớp chất phủ bên ngoài gỗ để làm tăng thêm vẻ đẹp cho tấm gỗ ấy. Nước sơn càng tốt thì trông tấm gỗ càng đẹp.

Thế nhưng khi dùng đồ vật, người dùng khôn ngoan là người biết ưu tiên cho tính chất bền của đồ vật ấy, còn nước bên ngoài chỉ là phụ. Nếu một tấm gỗ tốt mà được sơn bằng lớp sơn không tốt thì đồ vật mà gỗ làm nên vẫn tốt cho sử dụng nhưng tấm gỗ không tốt dù có được sơn bằng lớp sơn tốt đến mấy cũng sẽ nhanh hỏng, không bền. Vậy thì nên ưu tiên tấm gỗ có phẩm chất tốt hơn bởi hình thức không quá quan trọng, dù đẹp đến đâu mà người sử dụng không thể sử dụng được thì cũng chỉ là một đồ bỏ đi, còn dù tấm gỗ xấu mà giúp ích cho người sử dụng thì đáng được trân trọng. Điều này cũng đúng với cách nhìn nhận con người.

Phẩm chất nội tại của gỗ chính là cái nết của con người, phẩm chất bên trong con người còn lớp sơn chỉ là hình thức, vẻ bề ngoài. Một người mà có vẻ bề ngoài đẹp mà tấm lòng không tốt thì không đáng được yêu quý, ngược lại, tuy bề ngoài không may mắn được đẹp mà có tấm lòng đẹp thì đáng được trân trọng. Hình thức là thứ rồi sẽ qua đi theo thời gian và chỉ là cái nhất thời, chỉ có bản chất của một con người mới theo người đó mãi mãi và là thứ tiên quyết để quyết định giá trị của con người đó. Hình thức đôi khi chỉ là yếu tố may mắn mà có còn tính nết là cả một quá trình rèn luyện và tính nết của con người quy định đó là kẻ xấu hay người tốt, là người đáng được trân trọng hay không.

Chúng ta có thể thấy trong chuyện “Chí Phèo” của Nam Cao, Bà Ba Bá Kiến xinh đẹp, quyến rũ lại là nguyên nhân khiến cho Chí Phèo từ một người lương thiện phải vào tù, trở thành một “con quỷ” còn Thị Nở tuy xấu xí nhưng lại biết chăm sóc cho Chí Phèo khi bệnh nặng, không kì thị Chí như những người làng, tấm lfong của Thị đã cảm hóa được Chí, khiến cho Chí có khát khao quay về con đường lương thiện. Đúng là “Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”.

Tuy vậy, chúng ta cũng cần hiểu là trong thời buổi như hiện nay, hình thức cũng vô cùng quan trọng vì vậy hãy biết chăm sóc bản thân cả về nhân hình lẫn nhân cách để trở thành một người vừa đẹp người lại vừa đẹp nết, sẽ được nhiều người yêu quý cũng như gặt hái được nhiều thành công hơn. Bởi một tấm gỗ tốt mà được sơn bằng nước sơn đẹp thì sẽ trở nên càng có giá trị hơn.

Nhưng cũng cần phê phán những kẻ chỉ biết coi trọng hình thức, ý lại có một hình thức đẹp mà không tu dưỡng đạo đức, đồng thời cũng lên án những kẻ coi thường, lấy hình thức không đẹp của người khác ra làm trò cười. Hình thức không phải là tất cả, con người ta coi trọng nhau là ở tính nết, cách sống, cách đối nhân xử thế. Hình thức chỉ là nhất thời chỉ có tấm lòng mới giúp cho người gần người hơn.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 24

Tục ngữ đúc kết kinh nghiệm của ông cha ta trong cuộc sống. Một trong số đó là câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ngắn gọn nhưng để lại bài học sâu sắc và, giàu giá trị.

Đầu tiên xét về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là màu được tô vẽ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm phần màu sắc và thẩm mỹ. Khi lựa chọn một sản phẩm, chúng ta nên chú trọng chất lượng, chứ không nên chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài. Xét về nghĩa bóng, “gỗ” là nói tới chất lượng bên trong còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rộng ra lời khuyên từ câu tục ngữ là nên coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua hình thức bên ngoài.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một lời khuyên giàu giá trị. Chúng ta có thể khẳng định rằng hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng. Một món đồ có hình thức đẹp đẽ sẽ khiến người khác cảm thấy yêu thích. Cũng như một người có vẻ ngoài đẹp đẽ, sẽ dễ dàng gây thiện cảm cho mọi người xung quanh. Nhưng hình thức bên ngoài lại không quyết định tất cả. Nhiều món đồ bên ngoài rất đẹp, nhưng chất lượng lại không được tốt. Rất nhiều người có hình thức đẹp đẽ, ăn mặc sang trọng nhưng họ lại là một người xấu xấu, ích kỉ. Bởi vậy, chúng ta nên chú trọng vào chất lượng, vẻ đẹp bên trong.

Đối với mỗi học sinh cần hiểu được ý nghĩ của câu tục ngữ, để tích cực nâng cao tri thức, rèn luyện phẩm chất. Hãy nhớ rằng, hình thức bên ngoài chỉ gây được ấn tượng ban đầu.

Tóm lại, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã đem đến cho mỗi người lời khuyên giá trị. Từ đó, chúng ta hãy tích cực rèn luyện để bản thân trở thành một người đẹp đẽ từ bên ngoài đến bên trong.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 25

Những câu tục ngữ của ông cha ta chính là những bài học quý giá nhắc nhở con cháu. Trong đó, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” chính là lời nhắn nhủ về cách nhìn nhận, đánh giá con người hay đồ vật cần coi trọng bản chất, nhân cách.

Câu tục ngữ nói lên một sự việc thường ngày trong đời sống. “Gỗ” được sử dụng để tạo thành nhiều vật dụng cần thiết hoặc dùng để trang trí trong gia đình. “Nước sơn” chính là màu được tô vẽ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm phần màu sắc và thẩm mỹ. Như vậy, “gỗ” là nói tới chất lượng bên trong của đồ vật còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài. Và câu tục ngữ đã khuyên răn chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Mở rộng nghĩa, chúng ta có thể hiểu lời khuyên từ câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua vẻ bề ngoài của người đó.

Câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng với hoàn cảnh xã hội. Bởi gỗ có tốt ta mới có thể dùng lâu, dùng bền. Dù cho nước sơn có phai mờ dần theo thời gian. Nếu gỗ xấu, bị mối mọt, dùng nước sơn và sự khéo léo của bàn tay người tô để che đi khuyết điểm thì sau một thời gian sử dụng, đồ gỗ đó cũng sẽ hư hỏng. Lớp sơn khi đó dù đẹp đến đâu cũng không còn giá trị. Con người chúng ta cũng vậy, nếu hình thức bên ngoài dù có đẹp đẽ mà trình độ, năng lực kém cỏi thì cũng chỉ là người vô dụng. Giống như bông hoa hữu sắc vô hương vậy, luôn rực rỡ sắc màu, thu hút mọi ánh nhìn nhưng rồi cũng sẽ nhanh phai tàn và bị quên lãng. Con người có thực lực tốt và nhân cách sống cao đẹp, luôn trung thực, khiêm tốn học hỏi, nhân ái, biết yêu thương và chia sẻ thì đó là một tâm hồn đáng trân trọng. Chúng ta cần luôn tự học hỏi, tự bồi dưỡng để làm giàu tâm hồn mình, tự nâng cao giá trị của bản thân. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không cần “nước sơn” để tô vẽ cho bản thân, vẻ bề ngoài cũng vô cùng quan trọng vì nó sẽ thể hiện cho phong cách và cá tính của bản thân mình. “Người đẹp vì lụa” - con người vẫn cần cần biết chăm chút ngoại hình của chính mình từ dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ… bởi có như vậy cũng chính là bạn biết trân trọng và yêu quý bản thân mình.

Câu tục ngữ đã trở thành lời khuyên ý nghĩa của mỗi người. Từ đó chúng ta hiểu hơn về tầm quan trọng của việc rèn luyện nhân cách, đạo đức tốt đẹp.

Giải thích câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - Tin Đẹp

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 26

Để nhắc nhở con cháu về ý nghĩa và sự quan trọng của phẩm chát bên trong mỗi con người. Ông cha ta thường nói rằng “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được dùng để chỉ vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong của con người. Từ so sánh “hơn” đã khẳng định trực tiếp được tầm quan trọng của vẻ đẹp bên trong con người.

Vẻ đẹp đó là tính cách, trí tuệ, đạo đức. Vẻ phẩm chất tốt, trí tuệ thông minh luôn cần thiết và quan trọng hơn vẻ đẹp đơn thuần bên ngoài ở trang phục, kiểu tóc. Một người biết giúp đỡ người khác, chăm chỉ lại trung thực, thông minh. So với một người tính cách lười biếng, độc ác, dối gian thì hiển nhiên là được yêu quý hơn.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có không ít người chỉ tập trung vào chăm chút cho ngoại hình. Họ theo đuổi những mẫu áo quần, kiểu tóc mới nhất mà quên đi việc trau dồi kiến thức cho mình. Họ đánh bóng bản thân và thỏa mãn với những bức ảnh được triệu tim trên mạng xã hội mà không có một tài năng hay kiến thức gì. Thật đáng tiếc thay.

Để trở thành một phiên bản tốt nhất của bản thân và cống hiến được cho xã hội, chúng ta cần trao dồi kiến thức và rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp cho bản thân mình. Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến yếu tố ngoại hình bên ngoài. Bởi nếu vẻ ngoài lôi thôi, kém sạch sẽ cũng dễ tạo ấn tượng xấu với người khác. Chúng ta cần phải cân bằng cả bên trong và bên ngoài của bản thân mình.

Dù vậy, ý nghĩa của câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn đến nay vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 27

Từ xưa, ông cha ta đã rất quan tâm đến vẻ đẹp phẩm chất con người. Bởi vậy, các thế hệ đi trước, đã thường khuyên nhủ con cháu rằng “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Câu tục ngữ đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ để khẳng định một chân lý hiển nhiên trong cuộc sống. Gỗ là hình ảnh dùng để chỉ phẩm chất, tính cách của con người. Còn nước sơn thì chỉ vẻ ngoại hình ở bên ngoài. Từ đó, câu tục ngữ đã đặt vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp phẩm chất lên bàn cân để so sánh. Và kết quả đã hoàn toàn nghiêng về phẩm chất bên trong của con người.

Phẩm chất của con người là thứ vô cùng quan trọng và đáng quý, được dùng để đánh giá và nhận xét về một cá thể. Nếu một người có phẩm chất tốt, thì chắc chắn người đó có nhân cách, tính nết, đạo đức tốt. Những người như thế sẽ chăm chỉ làm việc, cống hiến và học tập hết mình. Họ sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh mình bằng cả tấm lòng. Những hành động ấy thể hiện ở một người vừa có tài lại vừa có đức. Những người có trí tuệ, lại chăm chỉ, tốt bụng thì thật là đáng quý vô cùng. Và theo ông cha ta, những phẩm chất ấy đáng được coi trọng hơn rất nhiều so với vẻ đẹp của ngoại hình. Sự xinh xắn, ưa nhìn không giúp ta giải một bài toán, không giúp một người khác vượt qua khó khăn, không giúp ruộng vườn tươi tốt. Chính vì vậy, yếu tố ngoai hình không được đánh giá cao.

Qua đó, câu tục ngữ đã phê phán những người chỉ có ngoại hình đẹp mà bên trong rỗng tuếch, không có trí tuệ lẫn đạo đức. Từ đó, tỏ ý không bằng lòng với những cá nhân lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào chăm sóc vẻ ngoài, mà không trao dồi tri thức, kĩ năng cho bản thân. Thật đáng chê trách vô cùng.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, yếu tố ngoại hình dần được coi trọng hơn. Người ta cho rằng việc chăm sóc ngoại hình chỉnh chu, sáng sủa cũng là một việc quan trọng. Ấn tượng bên ngoài cũng góp phần thể hiện cái tôi và khả năng bản thân của người đó. Đặc biệt, hiện nay có một bộ phận nghề kiếm tiền dựa vào các yếu tố ngoại hình. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải để ý trau chuốt cho ngoại hình của mình ở mức độ vừa phải. Không để bản thân trở nên luộm thuộm, lôi thôi.

Mặc dù như vậy, nhưng yếu tố phẩm chất, tính cách bên trong vẫn sẽ mãi luôn là yếu tố quan trọng nhất. Chính vì thế, chúng ta cần phải luôn không ngừng học tập và rèn luyện để nâng cao giá trị của bản thân mình.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 28

Để nhìn nhận, đánh giá về một sự vật hay một con người, chúng ta nên chú trọng đến những giá trị cốt lõi bên trong chứ không nên bị chi phối bởi những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài. Như ông cha ta đã có câu: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Câu tục ngữ có từ lâu đời nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Vậy câu tục ngữ này có ý nghĩa như thế nào? Ở đây có hai hình ảnh được đưa ra so sánh với nhau đó là “gỗ” và “nước sơn”. Gỗ là vật liệu quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày được con người sử dụng để làm ra nhiều đồ vật khác nhau như bàn, ghế, giường, tủ… Những loại gỗ tốt sẽ tạo ra các vật có độ bền cao, sử dụng lâu dài. Những loại gỗ kém chất lượng thì đồ vật làm ra sẽ nhanh bị hư hỏng . Còn "nước sơn” là chất để phủ bên ngoài làm cho vật thêm bóng, thêm đẹp.

Qua kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, ông cha ta đã khẳng định "tốt gỗ” thì hơn nhiều so với "tốt nước sơn”. Tức là câu tục ngữ khẳng định muốn có một đồ vật tốt thì chúng ta cần chú trọng đến chất gỗ làm ra vật liệu chứ không nên để chỉ để ý đến vẻ đẹp của nước sơn bên ngoài. Tuy nhiên ý nghĩa câu tục ngữ không dừng lại ở đó. Ông cha ta đã mượn hai hình ảnh rất cụ thể đó để đưa ra một ý nghĩa sâu xa hơn đó là khi đánh giá một con người thì phẩm chất đạo đức của họ quan trọng hơn hẳn so với bề ngoài.

Vậy thì tại sao lại nói: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”? Chắc hẳn rằng ông cha ta cũng đã phải trải qua những lần thất bại, vấp ngã mới đúc kết được ra kinh nghiệm ấy. Và câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng, đó là một bài học hết sức quý báu đối với con người. Mỗi một sự vật hay con người đều có hai mặt hình thức và nội dung. Trong thực tế của cuộc sống, không phải lúc nào hình thức và nội dung cũng thống nhất với nhau. Và nếu như phải lựa chọn, chúng ta nên lấy nội dung, phẩm chất bên trong để làm thước đo. Khi đánh giá một sự vật thì người ta phải chú ý đến chất lượng của nó. Một đồ vật được làm từ gỗ lim dù cho không có lớp sơn bóng bẩy phủ bên ngoài nhưng vẫn được người ta chọn mua vì độ bền của nó. Khác với những vật bên ngoài được sơn lấp lánh nhưng lại làm từ gỗ tạp thì dù có đẹp đến mấy cũng sẽ nhanh chóng bị hỏng. Và đối với con người cũng vậy, ngay từ xa xưa, ông cha ta cũng luôn đề cao phẩm chất, tư cách đạo đức hơn là cái vẻ bề ngoài của họ. Một con người có nhân cách tốt sẽ luôn hoàn thành tốt mọi công việc của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào và luôn được mọi người yêu mến nể phục. Nhưng trái lại, đối với một người chỉ quan tâm đến hình thức bên ngoài mà không có tư cách đạo đức tốt thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Một hoa hậu có thể không phải là người đẹp nhất nhưng phải có phẩm chất, nhân cách tốt để xứng đáng với vương miện lấp lánh trên đầu. Giống như các cụ xưa đã từng có câu: "Cái nết đánh chết cái đẹp”. Và tất nhiên, nếu một người có cả vẻ đẹp hình thức lẫn nhân cách thì người đó lại càng được yêu mến trân trọng hơn.

Câu tục ngữ là một bài học vô cùng quý báu và bổ ích cho mọi người, nhất là cho thế hệ trẻ- những chủ nhân tương lai của đất nước. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức để hoàn thiện nhân cách. Phải "học ăn, học gói, học mở”, không chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài mà đánh mất đi những gì tốt đẹp ở bên trong.

"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – câu tục ngữ mang đến một bài học kinh nghiệm về cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật hay một con người. Nội dung, phẩm chất bên trong là yếu tố quyết định, là thước đo có giá trị nhất để đánh giá con người. Đừng quá quan trọng vẻ đẹp bên ngoài mà quên đi nét đẹp trong nhân cách và tâm hồn.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 29

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Ta nên hiểu câu này như thế nào và đánh giá nó ra sao? Phải chăng đây chính là kinh nghiệm quý báu mà ông cha của chúng ta từ nghìn xưa đã để lại cho con cháu suy ngẫm và học hỏi.

Câu tục ngữ dùng hai sự vật “gỗ” và “nước sơn” để làm một phép so sánh. ”Gỗ” là chất liệu để làm đồ dùng như tủ,giường,bàn,ghế… Còn “nước sơn” là chất liệu để quét lên lớp bên ngoài cho các đồ dùng ấy thêm đẹp thêm bền. Nhiều người chỉ chú ý đến lớp nước sơn bóng nhoáng bề ngoài mà đã mua phải một đồ dùng bằng gỗ xấu hoặc gỗ mọt. Ông cha ta với kinh nghiệm sống của mình đã kết luận là: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Đó là hiểu theo nghĩa đen.Còn nghĩa bóng của câu tục ngữ thì rộng hơn rất nhiều.Nó bao hàm một lời khuyên về cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một con người đừng nên để cái vỏ hình thức hào nhoáng bên ngoài mê hoặc mà phải coi trọng cái thực chất bên trong. Ngoài ra, câu này còn bao hàm một lời khuyên về cách sống; hãy sống chân thật bằng thực chất của mình, chân thành trong cách đối nhân xử thế, đừng ba hoa, khoác lác lòe đời bằng cái vỏ hình thức giả tạo, "chớ khéo đem cái mã bề ngoài để che đậy cái sơ sài bên trong”.

Như mọi câu tục ngữ khác,câu tục ngữ này cũng là đúc rút kinh nghiệm của cha ông chúng ta, trải qua biết bao thế hệ,với bao thành bại, nên hư, vấp váp mới đúc rút thành chân lí: ”Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi nhìn nhận đánh giá một sự vật, ta phải thấy rằng giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong, không phải lúc nào cũng thống nhất mà thông thường thì những sự vật có thực chất kém cỏi lạ thường một hình thức lôi cuốn hấp dẫn. Một vật dụng như chiếc tủ, chiếc giường, chiếc bàn bằng gỗ tạp lại được sơn phết, tô điểm với nước sơn bóng nhoáng, màu mè. Mỗi kẻ vô tài thường làm ra vẻ lịch duyệt, hiểu biết. Những kẻ “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội. Do đó, trong tiếp xúc thường ngày với mọi sự vật,mọi con người phải chú trọng vào chất lượng bên trong của sự vật, vào vẻ đẹp tâm hồn của con người chớ đừng vì bóng sắc hấp dẫn bên ngoài mà quên đi cái mục ruỗng, thối nát, xấu xa và vô vị bên trong. Bởi vì nghĩ cho kĩ, suy cho cùng, nếu chân giá trị của vật dụng là chất gốc thì chân giá trị của con người chính là đạo đức tài năng và trí tuệ.

Nhưng cũng không thể chỉ xem trọng nội dung mà lãng quên đi mặt hình thức.Một vật dụng,một món hàng đã có chất lượng tốt, gỗ tốt gỗ quý lại có bao bì,hay nước sơn xinh xắn tô điểm, trang trí đẹp đẽ thì giá trị vật dụng ấy, món hàng ấy càng được nâng thêm. Hình thức bên ngoài như thế đã góp phần làm tăng thêm cho giá trị bên trong. Một cái tủ, một chiếc bàn làm bằng gỗ đỏ hay bằng lăng mà lại còn được sơn bóng nhoáng hẳn sẽ vừa ý vừa lòng người mua. Một con người cũng vậy, có học vấn, đạo đức lại nói năng lịch sự thanh nhã,ăn mặc gọn gàng,sạch đẹp dễ làm ta thêm quý trọng hơn hẳn người tuy cũng có tài năng,đạo đức nhưng ăn nói thô lỗ, cộc cằn, áo quần xốc xệch. Đúng là cái đẹp lí tưởng phải là hài hòa giữa nội dung và hình thức.

Vậy để đánh giá và nhận xét một vật dụng,một con người,chúng ta dựa trên cơ sở cả nội dung lẫn hình thức.Hai mặt này kết hợp và bổ sung cho nhau làm nên giá trị của vật dụng ấy,con người ấy,trong đó nội dung giữ vai trò quyết định.Khi đánh giá,ta cần coi trọng chất lượng của sự vật cũng như đạo đức,tài năng trí tuệ của con người.

Tóm lại, "tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không những chỉ giúp ta một phương châm đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá, chọn lọc ở đời mà còn giúp ta một phương châm trong cách đối nhân xử thế.Không nên dựa dẫm vào cái hình thức bề ngoài vay mượn, không phải của mình để vênh vang tự phụ với mọi người rồi không chịu tu dưỡng rèn luyện. Cũng đừng nên quá chú trọng hình thức bên ngoài, trang điểm mặt này, chưng diện quần áo mà quên đi cái chân giá trị của con người là đạo đức,trí tuệ và tài năng. Bài học mà câu tục ngữ này dạy ta thật là đúng đắn và sâu sắc.

Nghị luận trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - mẫu 30

Từ thực tế cuộc sống vất vả, gian lao và đầy thử thách, nhân dân ta đã rút ra cách đánh giá, nhìn nhận sự vật và con người. Người xưa thường "Ăn lấy chắc, mặc lấy bền" và coi trọng nội dung bên trong hơn là hình thức bên ngoài: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Vậy quan điểm ấy đúng hay không đúng và trong hoàn cảnh ngày nay, có cần bổ sung thêm điều gì chăng?

Tất cả các sự vật đều có hai mặt: nội dung và hình thức. Mặt nội dung còn gọi là chất lượng của sản phẩm thường được đánh giá cao. Tuy vậy, hình thức cũng có vai trò quan trọng trong việc khẳng định nội dung.

Thực tế cho thấy các đồ vật làm bằng gỗ tốt, gỗ quý (giường, tủ, bàn, ghế...) có thời gian sử dụng rất lâu dài và càng về sau càng đẹp. Người ta chỉ cần bào nhẵn, đánh bóng chúng bằng một lớp vec-ni là đủ. Trong khi đó những đồ dùng bằng gỗ xấu, gỗ tạp lại hay được sơn phết hào nhoáng bên ngoài. Dù có đẹp đến đâu chăng nữa thì chúng cũng rất mau hỏng. Vì thế cho nên mọi người chuộng tốt, chuộng bền mà coi nhẹ hình thức của đồ vật. Nghĩa đen của câu tục ngữ trên là vậy.

Nhưng cũng như bao câu tục ngữ khác, câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là lời khuyên thiết thực, đúng đắn về cách nhìn nhận, đánh giá con người. Chúng ta thấy rõ tính nhất quán trong việc khẳng định sự hơn hẳn của nội dung bên trong so với hình thức bên ngoài.

Lời khuyên này rất đúng vì nó được đúc kết từ kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ. Đánh giá một con người cần phải trải qua thời gian khá dài, không thể chủ quan, hồ đồ, rất dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí gây nên những hậu quả tai hại khó lường.

Điều mà ai cũng phải thừa nhận là người có đạo đức tốt, trình độ hiểu biết sâu rộng, năng lực làm việc cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, không có được những phẩm chất tốt đẹp ấy thì khó có thể thành công trên đường đời, cho dù con người ấy hình thức bên ngoài có hào nhoáng, đẹp đẽ đến đâu chăng nữa. Người xưa đã dùng cách gọi hàm ý châm biếm những kẻ chỉ có hình thức bên ngoài, hay dùng hình thức bên ngoài để lừa bịp người khác, để che giấu những xấu xa, khiếm khuyết bên trong... là lại "Tốt mã rẻ cùi", nói thẳng ra là vô dụng, chẳng có giá trị gì.

Ngày nay, chúng ta nên đánh giá con người như thế nào cho đúng? Chúng ta cần biết, giữa nội dung và hình thức có mối tương quan với nhau. Nội dung quyết định hình thức, hình thức làm tăng thêm giá trị của nội dung. Vì vậy, khi nhận xét đánh giá về một người nào đó, ta hãy bình tĩnh, sáng suốt tìm hiểu, phân tích để có được những kết luận đúng đắn và chính xác nhất.

Đồng quan điểm với người xưa ta vẫn lấy phẩm chất (đạo đức, tài năng...) làm tiêu chuẩn cơ bản, làm thước đo giá trị con người. Hãy căn cứ vào chất lượng và mục đích của công việc mà đánh giá người tốt, kẻ xấu và hãy đặt người ấy vào mối quan hệ với gia đình, nhà trường, xã hội. Người tốt là người có lương tâm, trách nhiệm với bản thân, với mọi người trong mọi hoàn cảnh. Xưa nay, các bậc vĩ nhân, các nhà bác học... thường rất giản dị. Giản dị nhưng nghiêm túc là tôn trọng mình, tôn trọng người khác và điều đó lại trở nên rất thanh cao, cao quý. Trái lại, những kẻ thích phô trương hình thức thì bên trong lại hời hợt và trống rỗng.

Đương nhiên, cùng với việc chú trọng nội dung nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ hình thức, bởi hình thức phần nào phản ánh nội dung.

Câu tục ngữ là một lời khuyên sáng suốt, thiết thực trong cách đánh giá sự vật và con người trong mọi hoàn cảnh, đồng thời đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai chỉ chạy theo hình thức hào nhoáng bên ngoài mà quên đi phẩm chất tốt đẹp - yếu tố cơ bản tạo nên giá trị đích thực của một con người.

Để phấn đấu vươn lên, ta cần phải học tập và rèn luyện, tu dưỡng để "tốt gỗ" đồng thời có được tư cách, lối sống đẹp như "nước sơn".

Tài liệu có 34 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống