Bài thơ Đất nước - Nguyễn Đình Thi – Ngữ văn lớp 12 - Nội dung, tác giả, tác phẩm

Tải xuống 2 2.3 K 5

Tài liệu nội dung chính bài Đất nước (Nguyễn Đình Thi) Ngữ văn lớp 12 gồm 2 trang đầy đủ bố cục, tóm tắt, phương thức biểu đạt, thể loại, ngôi kể, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật giúp học sinh nắm được những nét chính của văn bản.

Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

Bài giảng: Đất nước - Nguyễn Đình Thi

Đất nước – Ngữ văn lớp 12 (ảnh 1)

Tìm hiểu chung về văn bản:

1. Bài thơ Đất nước

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da...

Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

2. Đôi nét về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

- Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) sinh tại Luông Pha-bang (Lào).

- Quê gốc của ông ở làng Vũ Thạch (nay là phố Bà Triệu, Hà Nội).

- Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Thi sống cùng với gia đình ở Lào.

- Năm 1931, ông theo gia đình về nước, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1941.

- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Đình Thi tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và Hội Văn nghệ Việt Nam.

- Từ 1958 đến năm 1989, ông là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

- Nguyễn Đình Thi là một nhà văn hóa, một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình văn nghệ, biên khảo triết học…

- Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Một số tác phẩm chính: Các tiểu thuyết như Xung kích (1951), Vào lửa (1966); các tập thơ như Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1958); các vở kịch như Con nai đen (1961), Rừng trúc (1978); các tập tiểu luận như Mấy vấn đề về văn học (1956)...

2. Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

  • Bài thơ có những đoạn lấy từ hai bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949).
  • Bài thơ được hoàn thành vào năm 1955, in trong tập Người chiến sĩ (1956).

3. Bố cục

- Phần 1: Từ đầu đến câu "Những buổi ngày xưa vọng nói về": Hình ảnh đất nước vươn dậy từ trong máu lửa, đau thương.

- Phần 2: Đoạn còn lại: Hình ảnh đất nước vươn dậy từ trong máu lửa, đau thương

4. Nội dung chính

Bài thơ thể hiện cảm hứng về đất nước. Đó là những suy cảm về một đất nước giàu đẹp, hiền hòa; về lịch sử cách mạng của một đất nước đau thương; lầm thân đã đứng lên anh dũng chiến đấu và chiến thắng anh hùng.

5. Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm

6. Thể thơ: Tự do

7. Giá trị nội dung

- Đất nước được cảm nhận trong chiều dài của những năm tháng kháng chiến, chiến đấu và chiến thắng, trong không gian rộng lớn.

- Cảm xúc, suy tư: đất nước gần gũi, thiêng liêng, trang trọng, vĩ đại và anh hùng.

8. Giá trị nghệ thuật

- Các câu thơ dài, ngắn xen kẽ nhau, nhịp điệu biến đổi linh hoạt.

- Hình ảnh sinh động, biểu cảm, có những đoạn hình ảnh tương phản, có sức khái quát cao.

- Nhà thơ chú ý diễn tả sâu sắc, tinh tế tiếng nói nội tâm của nhân vật trữ tình. Trong đó có sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tưởng.

Tài liệu có 2 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống