Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 9 tài liệu sơ đồ tư duy bài Tôi và chúng ta hay nhất, gồm 8 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:
Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Tôi và chúng ta Ngữ văn lớp 9.
Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Tôi và chúng ta dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 9:
TÔI VÀ CHÚNG TA
I. Tác giả
- Lưu Quang Vũ (1948- 1988)
- Quê quán: xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:
+ Từ 1965 đến 1970, ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân đến thời kì này thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ.
+ Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói, vở kịch đầu tay của tác giả là Sống mãi tuổi 17
+ Tác phẩm tiêu biểu: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Linh hồn của đá, Chiếc ô công lý…
- Phong cách sáng tác:
+ Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Anh còn là tác giả của nhiều truyện ngắn mang đậm phong cách riêng, kịch đi sâu vào những vấn đề nổi cộm của đời sống
II. Tìm hiểu chung tác phẩm
1. Thể loại: kịch
2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác
Đoạn trích thuộc cảnh ba của vở kịch Tôi và chúng ta (vở kịch gồm 9 cảnh) – một vở kịch phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt cũ- mới để phát triển.
3. Bố cục
Phần 1 (từ đầu… tăng lên ít nhất gấp năm lần): Giám đốc Hoàng Việt cùng Lê Sơn triển khai kế hoạch kinh doanh mới.
- Phần 2 (tiếp… các đồng chí giải tán): kế hoạch vấp phải sự phản đối của phó giám đốc Nguyễn Chính, trưởng phòng Hoàng Việt.
- Phần 3 (còn lại): Phản ứng của mọi người khi kế hoạch được quyết định thi hành
4. Giá trị nội dung
Đoạn trích đã làm nổi bật vấn đề đổi mới trong sản xuất, đem lại lợi ích cho đất nước và mọi người. Thông qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh rằng muốn phát triển, cần phá bỏ cách suy nghĩ lạc hậu, mạnh dạn đổi mới phương thức tổ chức, lề lối hoạt động.
5. Giá trị nghệ thuật
- Cách xây dựng tình huống kịch giàu kịch tính
- Nghệ thuật khắc họa rõ cách nhân vật được sử dụng thành công
III. Dàn ý phân tích tác phẩm
1. Tình huống kịch và những mâu thuẫn cơ bản
- Tình huống kịch:
+ Tình trạng ngưng trệ sản xuất ở xí nghiệp đòi hỏi có cách giải quyết, Giám đốc Hoàng Việt quyết định công bố kế hoạch sản xuất mở rộng và phương án làm ăn mới ⇒ Tuyên chiến với cơ chế quản lý phương thức tổ chức lỗi thời do Nguyễn Chính và Trương là tiêu biểu.
- Mâu thuẫn cơ bản giữa 2 tuyến:
+ Hoàng Việt (giám đốc) và Sơn (kĩ sư): Tư tưởng mới, tiến bộ, dám nghĩ, dám làm
+ Phòng tổ chức lao động, tài vụ (biên chế, tiền lương) quản đốc phân xưởng: Bảo thủ, trì trệ, máy móc
2. Nhân vật
- Giám đốc Hoàng Việt:
+ Người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, dám nghĩ, dám làm.
+ Thẳng thắn, trung thực kiên quyết đấu tranh với niềm tin vào chân lý.
- Kĩ sư Lê Sơn:
+ Có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, gắn bó nhiều năm cùng xí nghiệp
+ Sẵn sàng cùng Hoàng Việt cải tiến toàn diện hoạt động xí nghiệp
- Phó Giám đốc Chính và giám đốc phân xưởng Trương:
+ Máy móc, bảo thủ, nhiều mánh khoé.
+ Dựa vào cơ chế nguyên tắc chống lại sự đổi mới, khéo xu nịnh.
3. Ý nghĩa của mâu thuẫn kịch và cách kết thúc tình huống
- Cuộc đấu tranh giữa 2 phái: đổi mới và bảo thủ
⇒ Phản ánh tính tất yếu và gay gắt những tình huống xung đột kịch nêu lên là vấn đề nóng bỏng của thức tế đời sống sinh động.
- Thông qua cách kết thúc tình huống ⇒ Khẳng định cuộc đấu tranh mới-cũ, tiến bộ- lạc hậu, trì trệ rất gay go nhưng nhất định những gì tiến bộ sẽ thắng.
IV. Bài phân tích
Điều duy nhất không thay đổi trong cuộc sống này lại chính là sự đổi thay. Xã hội biến thiên không ngừng đòi hỏi ở chúng ra rất nhiều biến chuyển. Mọi sự thay đổi ấy đều phải trải qua cả một quá trình đấu tranh giữa nên hay không nên thay đổi, giữa những cái cũ từ lâu vẫn vậy và những cái mới vừa được đề xuất. Diễn tả cuộc đấu tranh gay gắt ấy, đoạn trích “Tôi và chúng ta” trích từ vở kịch cùng tên đã ghi lại những diễn biến cao trào trong cuộc xung đột trực tiếp giữa khát khao phải đổi mới và sự bảo thủ cố hữu.
Lấy bối cảnh xí nghiệp Thắng Lợi trong những năm 80 của thế kỉ XX, bằng ngòi bút kịch nhạy bén, sắc sảo, Lưu Quang Vũ đề cập đến một vấn đề có tính thời sự nóng hổi trong cuộc sống đương thời, đáp ứng được đòi hỏi của đông đảo người xem trong thời kì xã hội chuyển động mạnh mẽ theo hướng đổi mới. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã tập trung phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi phương thức tổ chức, lề lối hoạt động ở xí nghiệp Thắng Lợi: Giữa một bên là tư tưởng bảo thủ khư khư giữ lấy những nguyên tắc, quy chế đã lạc hậu mà đại diện là Phó giám đốc Nguyễn Chính, quản đốc Trương, thanh tra Trần Khắc; với một bên là tư tưởng đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của mọi người, đại diện là Giám đốc Hoàng Việt, kíp trưởng phân xưởng, kĩ sư Lê Sơn và đa số anh chị em công nhân... Đặt trong đời sống tác phẩm ra đời, vở kịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Với chiến thắng năm 1975 đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, lịch sử chuyển mình sang trang mới. Nhiệm vụ chính trị hàng đầu của nước ta từ đây là: khôi phục, cải tạo và không ngừng phát triển nền kinh tế để xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội phồn vinh. Nhưng thực hiện nhiệm vụ ấy là không hề đơn giản và vấp phải không ít những khó khăn.
Một trong số đó là cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái cũ và cái mới đặt trong một tình huống đặc biệt: phương thức sản xuất và cơ chế quản lí đã cũ kĩ, lạc hậu, bộc lộ ra ở số lượng sản phẩm, sự trì trệ của xí nghiệp, đời sống công nhân vất vả, phải “lo bện thừng gia công kiếm thêm” để sống lay lắt qua ngày. Từ hiện thực ấy, có những con người đã khao khát đổi thay, khao khát đổi mới phương thức tổ chức và lề lối hoạt động. Cuộc đấu tranh đó cũng cam go và quyết liệt như cuộc đấu tranh của toàn dân tộc ta ở thời kì trước, cuộc đấu tranh đã được tái hiện trong vở kịch Bắc Sơn là mâu thuẫn giữa địch và ta. Mặc dù một bên là mâu thuẫn giữa toàn dân tộc với thế lực ngoại xâm, một bên là xung đột trong chính nội bộ lực lượng tham gia sản xuất, dựng xây đất nước nhưng đều là những mâu thuẫn gay gắt, đấu tranh một mất, một còn. Đó là lí do vì sao khi đồng chí phó giám đốc nói tới “làm thêm kế hoạch hai, kế hoạch ba” bên cạnh “kế hoạch chính thức” thì Hoàng Việt đã thẳng thắn nói: “Một xí nghiệp làm ăn chính quy chỉ cần một kế hoạch. Xí nghiệp chúng ta chỉ có một kế hoạch, nhưng là kế hoạch do chúng ta định ra. Kế hoạch sẽ không còn ở mức hiện nay. Trước mắt, kế hoạch sẽ tăng lên ít nhất năm lần”. Đó là tuyên bố hùng hồn trực tiếp cho thấy quyết tâm đối mới toàn diện. Trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới không có chỗ cho sự thỏa hiệp, không thể đặt một vài cái mới, một vài kế hoạch tạm bên cạnh cái cũ trì trệ vẫn còn vẹn nguyên khiến xí nghiệp, dù nhiều kế hoạch nhưng không cái nào hiệu quả.
Đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, trước hết được Lưu Quang Vũ khắc họa là cuộc đấu tranh diễn ra giữa những con người mạnh dạn đổi mới với những kẻ mang tư tưởng bảo thủ, lạc hậu. Một bên là trưởng phòng tổ chức lao động nhất định chỉ tuyển dụng theo “biên chế trên cho chúng ta”, một bên là Giám đốc Hoàng Việt và kĩ sư Lê Sơn với kế hoạch “mở rộng mặt hàng và nguồn tiêu thụ, trang bị thêm những loại máy mới”, cần thêm từ “ba tới năm trăm công nhân nữa”. Một bên là bà trưởng phòng tài vụ nhất định “không chịu chi” dù đã có chữ kí của giám đốc khiến cho việc sửa chữa vật tư thiết bị mãi không thể thi hành. Bà là người luôn luôn “đợi chờ”. Với con người ấy, việc trung thành với các nguyên tắc cứng nhắc chưa đủ, ngay cả việc thực hiện những nguyên tắc chưa có trong một văn bản nào cũng là không được phép. Đây là nhân vật biểu hiện rất rõ cho lối sống giáo điều. Bên còn lại là giám đốc quyết đoán, dám nghĩ dám làm với câu nói: “Nếu không thi hành, sẽ có người khác làm thay chị”. Đó là cuộc đấu tranh giữa một bên là cái cũ “bình quân cào bằng”, “người chăm và kẻ lười được đối xử như nhau, người tài năng và kẻ dốt nát đều hưởng chung một mức quyền lợi, thậm chí những kẻ không làm gì cả, chỉ ngồi phán, lại được vị nể hơn những người đã vất vả cống hiến” với một bên thực hiện “hưởng lương khoán theo sản phẩm” “ai càng làm được nhiều sản phẩm sẽ được hưởng lương càng cao, ai làm tồi sẽ bị phạt bằng tiền”. Những người cố chấp giữ khư khư cái cũ, đặc biệt là quản đốc Trương – người giữ một vị trí không làm gì cả vì thế lại càng phản đối kịch liệt. Mặc dù luôn miệng khẳng định vị trí của mình là một vị trí vô cùng quan trọng, nhưng ngay khi trả lời về công việc của quản đốc, Trương đã phải ngắt quãng: “Dạ, là…, là…” bởi không phải ông không biết đó là một công việc an nhàn mà ngược lại, chính vì đó là việc an nhàn, hữu ích cho bản thân nên lại càng muốn giữ dù nó không đóng góp gì cho xí nghiệp nói riêng, cho công cuộc phát triển sản xuất nói chung. Tương tự với các nhân vật khác của phái bảo thủ cũng vậy, khi họ bộc lộ quan điểm và phản đối gay gắt kế hoạch đổi mới không chỉ vì dè chừng, e ngại, sợ sệt việc này sẽ làm hoạt động sản xuất thêm trì trệ mà vì họ nhận thấy điều này ảnh hưởng đến lợi ích của họ.
Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới còn được Lưu Quang Vũ tập trung khắc họa qua cuộc đối thoại giữa Việt và Chính. Trong hai vị lãnh đạo xí nghiệp này, ai cũng có những lí lẽ riêng và đều có luận điệu sắc sảo. Từ việc khẳng định Hoàng Việt mới chính là “người đang ngủ mê”, Nguyễn Chính đưa ra hàng loạt những dẫn chứng: Hoàng Việt đã “làm đảo lộn hàng loạt lề thói, vi phạm hàng loạt nguyên tắc”. Mặc dù Nguyễn Chính nằm trong tuyến nhân vật phản diện nhưng chúng ta không thể phủ nhận những điều bây giờ anh ta nói hoàn toàn là sự thật, và nếu thiếu bản lĩnh, không đủ quyết đoán khi nghe những lời này, Hoàng Việt sẽ sợ hãi mà chùn bước. Nhưng không, kế hoạch này của anh không phải kế hoạch đề ra trong lúc bốc đồng mà đã được nghiên cứu và trăn trở suy nghĩ. Hoàng Việt bộc lộ trực tiếp quan điểm của mình trong cuộc họp “sai một năm tìm hiểu và củng cố lại xí nghiệp” chứ không phải hành động nóng vội, cẩu thả. Vì thế, anh mới có thể điềm tĩnh nói mình sẽ giải thích với cấp trên như vừa giải thích trong cuộc họp. Ngay cả khi Nguyễn Chính lấy những quy định nghiêm ngặt làm lá chắn, Hoàng Việt đã ngay lập tức khẳng định: “Những quy định từ lâu đã thành bất hợp lí, phục vụ cho một cơ chế quản lí đã cũ kĩ, lạc hậu”. Đây là sự thật mà Nguyễn Chính không phải không biết. Thế nên, khi nói đến vai trò của cơ chế ấy, Nguyễn Chính chỉ nói đến thâm niên tồn tại “đã mấy chục năm nay”, chỉ nói đến “hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc” và “cả chính con người đồng chí nữa đã được rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy”, chứ không hề nói cơ chế ấy đã khiến bao nhiêu công nhân “phải lo bện thừng gia công kiếm thêm”, họ không thể “sống mà không lo chết đói, không làm bậy”. Rồi cũng như bà trưởng phòng tài vụ, vị phó giám đốc sử dụng lí do “không có trong nghị quyết Đảng ủy xí nghiệp. Đảng ủy chưa quyết định” và sử dụng quyền hành của bản thân làm lá chắn cuối cùng. Đó là khi cái tôi đã nuốt trọn một con người, với cương vị là một vị phó giám đốc, thay vì cùng giám đốc tìm ra những kế hoạch cải thiện đời sống của công nhân viên trong xí nghiệp thì Nguyễn Chính lại sử dụng quyền hành như một thứ rào chắn ngăn cản kế hoạch đổi mới và cũng từng “đánh đổ bốn đời giám đốc”. Nhưng vị giám đốc thứ năm này bằng tài năng, tinh thần trách nhiệm và sự thấu hiểu đời sống của công nhân lao động, những cá nhân làm nên tập thể vẫn kiên quyết đấu tranh với niềm tin vào chân lí.
Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới một phần nào đó cũng được thể hiện qua nhân vật Lê Sơn, đó là sự đấu tranh trong mỗi một con người. Lê Sơn là một vị kĩ sư có tài, đầu óc thông minh và đã gắn bó lâu năm với xí nghiệp, cũng chính là người đưa ra phương án làm ăn mới của xí nghiệp. Nhưng phương án ban đầu ấy là cái chí thỏa lòng, chỉ được nói ra và trình bày riêng với Hoàng Việt như một sự trải lòng. Khi được mời trình bày trong cuộc họp, chính Lê Sơn rất e ngại, rụ rè và cho rằng nó “không thể thực hiện được”. Đó là do trong con người anh, một mặt khao khát đổi mới, một mặt lại cảm thấy chơi vơi khi rời khỏi cơ chế cũ đã “bền vững mấy chục năm nay”. Trong cuộc đấu tranh ấy, hiển nhiên cái mới đã chiến thắng, nên Lê Sơn dù nói: “Ngay cả Cô–péc–ních cũng có lúc không dám công bố những ý kiến của mình” thì anh vẫn trình bày kết quả của sự tính toán kĩ lưỡng, cẩn thận.
Hay khi khẳng định mình nhát, “nếu người ta dọa thiêu tôi trên giàn lửa thì tôi cũng đành phải nói là trái đất không quay” thì cuối cũng anh cũng dũng cảm quyết định sẵn sàng cùng Hoàng Việt tiến hành cải cách mà “không bỏ cuộc”. Đó là sự chiến thắng của cái mới khi đấu tranh với cái cũ trong con người Lê Sơn, là dấu hiệu lạc quan cho biết kết quả của cuộc đấu tranh gay gắt này trong tương lai.
Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới mà Lưu Quang Vũ thể hiện trong tác phẩm của mình đến hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Sống là chiến đấu. Chiến đấu với những cái cũ kĩ, lạc hậu để tìm ra con đường mới phù hợp với sự phát triển của xã hội. Chiến đấu với chính mình để không ngừng vươn lên, kiên trì với cái mới phù hợp để trở thành những “hạt” kiên cường, có thể nảy mẩm từ những mảnh đất cằn cõi, từ khe hở ban công, để cái tôi ấy cùng tạo nên một “chúng ta” vững mạnh.
V. Một số lời bình về tác phẩm
Tính hiện đại và thời sự là điểm nổi bật trong kịch Lưu Quang Vũ. Ông đã thành công và nổi tiếng với những vở diễn tả cuộc đấu tranh giữa những người đại diện cho một cách nghĩ mới, mang tư tưởng dân chủ với một tác phong làm việc mới và những lực lượng bảo thủ, đại diện cho cái cũ, cái lạc hậu. Kịch của ông đi sâu vào những vấn đề nổi cộm trong đời sống nên cuốn hút sự quan tâm của dư luẫn xã hội, đặc biệt trong thời kì đầu của công cuộc đổi mới đất nước tạo nên “hiện tượng Lưu Quang Vũ” làm sống lại và sôi động kịch trường trong nhiều năm trời thu hút hoạt động của nhiều đoàn nghệ thuật. […] Kịch Lưu Qung Vũ rất giàu chi tiết đa nghĩa, đó là điểm mạnh trong vở diễn của ông. Cũng như trong truyện ngắn, các tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ bên cạnh sự quyết liệt, vạch trần đến cùng cái xấu và cái ác, còn có chất thơ, chất trữ tình, được thể hiện ngay ở đầu tác phẩm.
(Theo Vũ Thanh, trong Từ điển thuật ngữ văn học)
I. Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả Lưu Quang Vũ: một nhà viết kịch đại tài với những vở kịch đề cập đến thời sự nóng hổi của cuộc sống đương thời
- Vài nét về kịch Tôi và chúng ta và đoạn trích: Thông qua cuộc đối thoại gay gắt công khai đầu tiên giữa 2 tuyển nhân vật diễn ra trong phòng làm việc của Giám đốc Hoàng Việt, ta thấy cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người mạnh dạn đổi mới và những người mang tư tưởng bảo thủ, lạc hậu
II. Thân bài
1. Tình huống kịch và những mâu thuẫn cơ bản
- Tình huống kịch:
+ Tình trạng ngưng trệ sản xuất ở xí nghiệp đòi hỏi có cách giải quyết, Giám đốc Hoàng Việt quyết định công bố kế hoạch sản xuất mở rộng và phương án làm ăn mới => Tuyên chiến với cơ chế quản lý phương thức tổ chức lỗi thời do Nguyễn Chính và Trương là tiêu biểu.
- Mâu thuẫn cơ bản giữa 2 tuyến:
+ Hoàng Việt (giám đốc) và Sơn (kĩ sư): Tư tưởng mới, tiến bộ, dám nghĩ, dám làm
+ Phòng tổ chức lao động, tài vụ (biên chế, tiền lương) quản đốc phân xưởng: Bảo thủ, trì trệ, máy móc
2. Nhân vật
- Giám đốc Hoàng Việt:
+ Người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, dám nghĩ, dám làm.
+ Thẳng thắn, trung thực kiên quyết đấu tranh với niềm tin vào chân lý.
- Kĩ sư Lê Sơn:
+ Có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, gắn bó nhiều năm cùng xí nghiệp
+ Sẵn sàng cùng Hoàng Việt cái tiến toàn diện hoạt động xí nghiệp
- Phó Giám đốc Chính và giám đốc phân xưởng Trương:
+ Máy móc, bảo thủ, gian ngoan, nhiều mánh khoé.
+ Dựa vào cơ chế nguyên tắc chống lại sự đổi mới, khéo xu nịnh.
3. Ý nghĩa của mâu thuẫn kịch và cách kết thúc tình huống
- Cuộc đấu tranh giữa 2 phái: đổi mới và bảo thủ
⇒ Phản ánh tính tất yếu và gay gắt những tình huống xung đột kịch nêu lên là vấn đề nóng bỏng của thức tế đời sống sinh động.
- Thông qua cách kết thúc tình huống ⇒ Khẳng định cuộc đấu tranh mới-cũ, tiến bộ- lạc hậu, trì trệ rất gay go nhưng nhất định những gì tiến bộ sẽ thắng
III. Kết bài
- Khái quát lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích: Bằng việc xây dựng tình huống kịch hấp dẫn, các nhân vật có tính cách rõ nét, Lưu Quang Vũ đã khắc họa thành công cuộc đấu tranh cũ- mới
- Liên hệ cuộc đấu tranh cũ - mới hiện nay
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài năng. Bài thơ Tiếng Việt của ông được nhiều người thuộc và yêu thích. Ông để lại khoảng 50 vở kịch, phần lớn đã được dàn dựng, thể hiện một bút pháp nghệ thuật sắc sảo, nhạy bén, đề cập đến hàng loạt vấn đề nóng bỏng của thời kì đổi mới những năm 80 của thế kỉ trước trên đất nước ta.
Vấn đề mới mẻ, xung đột dữ dội, tình huống kịch căng thẳng, lôi cuốn, lời thoại sắc sảo… là những nét đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật trong kịch của Lưu Quang Vũ. Vở kịch Tôi và chúng ta có chín cảnh, đoạn trích này là cảnh ba, phản ánh hiệp đầu giao phong giữa hai phái mới và cũ, tiến bộ và bảo thủ tại xí nghiệp Thắng Lợi. Hoàng Việt - Giám đốc và Nguyễn Chính - Phó Giám đốc là hai đối thủ trong cuộc xung đột giữa hai phái mới và cũ này.Nguyễn Chính cho rằng muốn sản xuất thì phải theo đúng kế hoạch “cấp trên", tuyển công nhân phải theo chỉ tiêu biên chế, bà Trưởng phòng Tài vụ cho biết “không có quỹ lương cho thợ hợp đồng”, muốn mua sắm nguyên liệu, vật tư “phải làm đúng những quy định”. Giám đốc Hoàng Việt tuyên bố: chúng ta phải chủ động đặt ra kế hoạch, phải tuyển thêm thợ hợp đồng, mức sản xuất của xí nghiệp sẽ tăng lên năm lần, lương mỗi công nhân sẽ tăng bốn lần. Phải dừng việc xây nhà khách để trả lương công nhân trong hai tháng, sau đó sẽ hoàn lại. Công nhân sẽ không phải lo “bện thừng gia công kiếm thêm nữa”. Muốn tăng sản xuất thì phải đầu tư, trước tiên là con người, để chấm dứt tình trạng vô lí, bất công: "người chăm và kẻ lười được đối xử như nhau, người tài năng và kẻ dốt nát đều hưởng chung một mức quyền lợi, thậm chí có những kẻ không làm gì cả, chỉ ngồi phán thôi, lại được vị nể hơn những người đã vất vả cống hiến”. Những chức vô tích sự như chức Quản đốc Trương thì sẽ được bố trí làm nhiệm vụ khác, bởi lẽ: “Không có chức vụ nào quan trọng cả. Chỉ có hiệu quả công việc là quan trọng". Ai làm được nhiều sản phẩm sẽ được hưởng lương cao, ai làm tồi sẽ bị phạt bằng tiền.
Muốn phát triển sản xuất thì cần mua thêm máy móc, nhiên liệu, nguyên liệu, phải sửa chữa các máy móc hỏng. Phải dùng séc, tiền mặt để mua sắm. Giám đốc lệnh cho phòng Tài vụ phải cấp tiền cho tổ sửa chữa mua sắm và khẳng định: “Tôi chịu trách nhiệm". Nhưng bà trưởng phòng tài vụ không chịu chi. Phó giám đốc Nguyễn Chính đã phê phán Giám đốc: “Đồng chí bất chấp các quy định nghiêm ngặt của cả một hệ thống các cơ quan tài chính, ngân hàng, lao động, vật tư…” Phái bảo thủ Nguyễn Chính chống trả rất quyết liệt. Có lúc là bằng nguyên tắc, nghị quyết Đảng ủy, có khi lại lên giọng đạo đức ân tình: “Cái cơ chế mà đồng chí mạt sát ấy tồn tại bền vững mấy chục năm nay. Nhờ nó mà chúng ta hôm nay có chủ nghĩa xã hội như ngày hôm nay, hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc và cả chính con người đồng chí nữa đã được rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy. Đừng vội phủ nhận". Quan điểm của Hoàng Việt rất mới mẻ tiến bộ, rất biện chứng. Anh đã chỉ cho Nguyễn Chính và phe bảo thủ biết: “Sự vật không đứng yên, cuộc sống không đứng yên một chỗ, có cái hôm qua đúng, hôm nay nó là vật cản. Phải tìm cách phá bỏ. " Qua đó, ta thấy tư tưởng bảo thủ, cơ chế bao cấp quan liêu đã bị tư tường đổi mới giáng cho những đòn mạnh mẽ, quyết liệt. Nhưng thế lực bảo thủ đâu đã chịu đầu hàng. Nguyễn Chính, một kẻ vô cùng xảo quyệt “từng đánh đổ bốn đời Giám dốc". Hắn thuộc loại người nham hiểm, ghê gớm, “loại người nếu bắt tav mình, mình phải xem lại tay kia còn đủ năm ngón không?'. Vả lại sau lưng hắn vẫn còn có bao thế lực, đó là Trần Khắc, đại diện Ban Thanh tra của Bộ!
Thật đáng buồn cho một cơ chế bao cấp bảo thủ “làm giả thì được huân chương, còn làm thật thì lại… no đòn!” Cái tôi mà Giám đốc Hoàng Việt nêu lên là một thái độ dứt khoát, rõ ràng: tôi làm, tôi chịu trách nhiệm; “chúng ta" là một tư tưởng lớn: chúng ta hăng say lao động, vì sự ấm no hạnh phúc của chúng ta, vì sự giàu đẹp của đất nước. Tôi và chúng ta là đổi mới. Hơn 20 năm sau, trước sự đổi mới tốt đẹp của đất nước, ta càng thấy rõ vở kịch của Lưu Quang Vũ là một vở kịch hay và sâu sắc.
Giữa thập kỉ tám mươi của thế kỉ XX, công chúng yêu kịch có dịp được thưởng thức những vở kịch nóng hổi tính thời sự của nhà thơ, nhà soạn kịch tài năng Lưu Quang Vũ. Những vấn đề của đất nước trong giai đoạn chuyển mình, đổi mới nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng đất nước đã được đề cập một cách khá cụ thể, có ý nghĩa khái quát trong vở kịch Tôi và chúng ta của tác giả. Vở kịch đã tạo nên một tiếng vang, gợi lên những suy ngẫm về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giữa cái bảo thủ lạc hậu và tư tưởng đổi mới táo bạo, khuyến khích cổ vũ cho những con người bằng khả năng và nhiệt tình quyết tâm thay đổi lề lối làm việc và tư duy cũ, để góp công sức cùng mọi người đưa đất nước đi lên.
Toàn bộ xung đột kịch xoay quanh lề lối làm ăn của một xí nghiệp nhà nước, gắn với hai tuyến nhân vật: một bên là giám đốc Hoàng Việt cùng người cộng sự là kĩ sư Lê Sơn - đại diện cho những người quyết tâm thay đổi tư duy cũ, tìm kiếm giải pháp cứu vãn xí nghiệp; một bên là phó giám đốc Nguyễn Chính với tư duy cũ mòn, chạy theo thành tích, cố tìm cách củng cố địa vị và vây cánh cá nhân nhằm mưu đồ lợi ích riêng. Xung đột ấy đã tạo nên một cuộc đụng độ về quan điểm trong cuộc họp xí nghiệp, khi Hoàng Việt chính thức tuyên chiến với lề thói cũ, đổi mới phương thức sản xuất theo phương án của Lê Sơn. Qua tình huống kịch tính này, tác giả Lưu Quang Vũ đã có những kiến giải khá táo bạo về mối quan hệ Tôi và chúng ta khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người. Tôi và chúng ta, mối quan hệ riêng - chung ấy đặt vào hai phương diện quyền lợi và trách nhiệm thường tỉ lệ nghịch với nhau ở những kẻ cơ hội, bảo thủ. Vì thế cuộc đấu tranh diễn ra không hề đơn giản, vì chính những kẻ ấy thường nhân danh tập thể tạo áp lực cho những người muốn đổi mới tư duy, thay đổi lề lối cũ. Đoạn trích cảnh ba của vở kịch tập hợp những nhân vật chính trong bối cảnh một cuộc họp. Kịch tính bắt đầu ngay sau lời tuyên bố kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới của xí nghiệp của giám đốc Hoàng Việt mà người trực tiếp soạn thảo là kĩ sư Lê Sơn. Ngay cả người đề ra phương án cũng không nghĩ rằng nó được triển khai một cách nhanh chóng và dứt khoát như thế. Lê Sơn là người làm chuyên môn, anh hiểu rõ những lực cản không vì những lí do kĩ thuật mà lại bắt đầu từ phía những kẻ bảo thủ cơ hội quen nếp tư duy máy móc, phụ thuộc vào cấp trên. Vì vậy, ban đầu Lê Sơn đã tỏ ra ngần ngại vì dẫu sao anh chưa bao giờ dám đứng ra đối mặt với cả một bộ máy với sự trì trệ kéo dài. Sự lo ngại của anh đã tạo ra tâm lí bất bình của anh em công nhân, bộc lộ trực tiếp trong cảnh “Mọi người ồn ào. Tiếng ông Quých : cậu ấy nhát !”. Bởi vậy, lương tâm của một kĩ sư giỏi đã khiến anh trình bày phương án làm động chạm đến những người như phó giám đốc Nguyễn Chính và bà Trưởng phòng Tài vụ. Nút thắt ban đầu đã được gỡ, nhưng những vướng mắc chính đến giờ mới thực sự bùng phát, qua cuộc đấu khẩu của Hoàng Việt và hai nhân vật bảo thủ điển hình kia.
Đoạn đối thoại xoay quanh những vấn đề quen thuộc của một xí nghiệp sản xuất: kế hoạch, nhân sự, tiền lương gắn với quy mô sản xuất mở rộng… Tính luận chiến trong những đối thoại cho thấy sự trái ngược quan điểm giữa hai phía đổi mới và bảo thủ. Bằng những câu hỏi liên tục, Hoàng Việt đã thể hiện bản lĩnh của một người dám đứng mũi chịu sào vì quyền lợi chung của tập thể. Với quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng kế hoạch sản xuất ít nhất là gấp năm lần, anh đã vạch ra sự vô lí từ thái độ lúng túng của Nguyễn Chính : “cấp trên cao hơn lại dựa vào cấp trên cao hơn nữa, nghĩa là các kế hoạch được đề ra một cách ngược đời. Đáng lẽ phải do từ cơ sở đưa lên, dựa trên khả năng cơ sở và yêu cầu của thị trường”.
Có thể nói, sự công kích của Hoàng Việt không nhắm vào cá nhân Nguyễn Chính, mà đó cũng là lời tuyên chiến với một cơ chế cũ kĩ đã ngự trị hàng chục năm trong các xí nghiệp Nhà nước. Đối phó lại ý kiến giám đốc, Nguyễn Chính đã biện minh bằng kế hoạch hai, kế hoạch ba - mượn danh nghĩa vì lợi ích tập thể để đổ tội cho Hoàng Việt là con nguời cá nhân độc đoán khước từ quyền lợi anh em công nhân. Nhưng lời khẳng định của Hoàng Việt đã phủ nhận cách toan tính thực dụng, chỉ thấy lợi trước mắt mà biến xí nghiệp chính quy thành một nơi giải quyết đời sống công nhân theo kiểu nặng về tư lợi mà không đếm xỉa lợi ích chung cho xã hội, cộng đồng. Một xí nghiệp chính quy là cơ sở để ổn định cuộc sống lâu dài cho công nhân, đó là một suy nghĩ đúng đắn nên không ai phản đối. Những vuớng mắc về nhân lực và quỹ lương đã nhanh chóng được người giám đốc dũng cảm ấy nhanh chóng tháo gỡ bằng những giải pháp hợp lí hợp tình.
Những tưởng vướng mắc nhanh chóng được giải quyết bằng những mệnh lệnh của giám đốc nhưng phía bảo thủ - mà đại diện tiếp theo là bà Trưởng phòng Tài vụ - đã tìm cách ngăn cản bằng những nguyên tắc tài chính, bất chấp yêu cầu cần thiết phải có ngân sách chi cho máy móc để nâng cao năng lực sản xuất. Quyết liệt hơn, ngay cả khi có lệnh giám đốc, bà ta vẫn viện cớ : “Tôi phải làm đúng những quy định”. Với loại người ấy, Hoàng Việt đã tỏ thái độ dứt khoát, kiên quyết theo nguyên tắc thủ trưởng : “Nếu không thi hành, sẽ có người khác làm thay chị” , lời nói ấy không phải là sự độc đoán chuyên quyền, bởi lẽ không phải xuất phát từ động cơ cá nhân. Tinh thần đổi mới triệt để được thể hiện với một ý chí tiến công vào những tiêu cực để biểu dương nhân tố mới cho ta thấy rõ phẩm chất của giám đốc Hoàng Việt. Không những thế, vấn đề quan tâm hàng đầu là đời sống công nhân đã được anh xử lí linh hoạt có lí có tình. Hoàng Việt đã thể hiện đúng phẩm chất của một người lãnh đạo đơn vị sản xuất, rất linh động và cũng rất dân chủ với những quyết định của mình. Với sự tỉnh táo và sáng suốt như thế, mọi mưu toan nhằm làm trì trệ tiến trình đổi mới sẽ thất bại và anh giành được sự tín nhiệm cao của quần chúng tiến bộ.
Tính triết lí của vở kịch không chỉ dừng lại trong sự đối chọi giữa cái tôi đại diện cho cái ta với những kẻ nhân danh chúng ta để thủ lợi cá nhân. Đó còn là xung đột gay gắt trên quan điểm tiến bộ và lạc hậu, đổi mới và bảo thủ, xử lí triệt để mối quan hệ cá nhân và tập thể, đem đến một cách hiểu đúng đắn về tôi và chúng ta. Đó là khi Nguyễn Chính cao giọng ngụy biện cho cơ chế quản lí đã cũ kĩ lạc hậu : “Cái cơ chế mà đồng chí mạt sát ấy đã tồn tại hàng chục năm nay. Nhờ nó mà chúng ta có hôm nay, có chủ nghĩa xã hội như ngày hôm nay, hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc và cả chính con người đồng chí nữa đã được rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy. Đừng vội vã phủ nhận !”. Quả thật là một sự ngụy biện tinh xảo, được nói lên bởi một người từng “đánh đổ bốn đời giám đốc”, bởi lẽ Nguyễn Chính đã dựa vào “chủ nghĩa xã hội” là mục đích của tất cả chúng ta. Nhưng bản lĩnh và quyết tâm của người giám đốc dũng cảm Hoàng Việt đã giúp anh vượt qua lực cản ghê gớm của lời xảo ngôn như buộc tội để nói đúng tâm nguyện thật sự của chúng ta- những người mong muốn chủ nghĩa xã hội thực sự phát triển : “Sự vật không đứng yên, cuộc sống không đứng yên một chỗ, có cái hôm qua đúng, hôm nay nó là vật cản. Phải tìm cách phá bỏ, mong anh thông cảm và hiểu cho tôi”.
Một lần nữa, Hoàng Việt đã chứng tỏ một cái tôi đúng đắn, không rời xa những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, vừa khẳng định ý chí của tất cả chúng tavừa vạch trần sự ngụy biện của kẻ cơ hội như Nguyễn Chính. Đặt vào bối cảnh những năm 80 của thế kỉ XX, suy nghĩ ấy quả là táo bạo, giống như hành động của chàng hiệp sĩ Đông Ki-sốt đánh nhau với cối xay gió. Nhưng Hoàng Việt không đơn độc, những quần chúng tích cực ủng hộ anh như bà Bộng ông Quých, ngay cả Lê Sơn dù không khỏi do dự trước tình thế căng thẳng cũng đứng về phía anh như một “kị mã Xan-sô, rất yêu và không thể thiếu được Đông Ki-sốt”. Dám đương đầu thử thách khó khăn, dù biết rằng các cối xay gió sẽ cho ăn đòn nhừ tử nhưng không lùi bước, đó là vẻ đẹp phẩm chất của những con người đi tới. Nhiệt tình của hoàng Việt là sức hấp dẫn và thuyết phục mọi người tin tưởng hành động. Thực tế phát triển đất nước ta từ sau thời kì đổi mới đã chứng tỏ những điều đặt ra trong vở kịch của Lưu Quang Vũ là đúng đắn và thể hiện khả năng dự báo của một cây bút giàu tâm huyết với đất nước. Tôi và chúng ta,mỗi người và mọi người đang gắn bó cùng nhau hướng tới mục tiêu tốt đẹp để cải thiện đời sống từng người, từng gia đình và tạo đà phát triển cho toàn xã hội. Cuộc sống rất cần những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tất cả chúng ta. Vở kịch không chỉ ca ngợi một cá nhân Hoàng Việt mà còn cổ vũ cả một tập thể đồng lòng chung sức đấu tranh chống lại các thế lực cố tình ngăn cản tiến trình công cuộc đổi mới.
Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, phấn đấu cho sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”, thực hiện thắng lợi những mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội trên đất nước, càng cần những con người dũng cảm chính trực như vậy. Với ý nghĩa đó, vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ còn nguyên giá trị động viên cổ vũ cho những con người không ngần ngại cống hiến tâm huyết và sức lực cho đất nước.